Thế Giới Kỳ Bí Của Ngài Benedict (Tập 1) - Chương 07
Chương 7: Mật mã
và quá khứ
Mất ba
giây Kate Wetherall mới quen được với vai trò mới là một đặc vụ bí mật. Trong
khi mấy đứa kia há hốc miệng, ngơ ngác và cấu véo nhau để chắc rằng chúng không
nẳm mơ (thực ra là Constance đã cấu Sticky, sau đó cậu đã hét lên và cấu lại cô
bạn của mình) - ngắn gọn là trong khi những đứa trẻ khác đang cố tiếp nhận tin
này, Kate đã hỏi dồn dập ngài Benedict với các câu hỏi: Nhiệm vụ của họ là gì?
Họ có cần mật danh không? Có được dùng mật danh hơi dài một chút không?
Ngài
Benedict kiên nhẫn đợi đến tận khi bọn trẻ đã bình tĩnh lại. Ông giải thích về
nhiệm vụ mới: làm thế nào để chúng được nhận vào Học viện trong ngày hôm sau,
làm thế nào mà ông thảo được hết các loại giấy tờ cần thiết, và làm thế nào để
(điều khiến Kate cảm thấy hơi thất vọng một chút) bọn trẻ sẽ không phải dùng
mật danh.
“Cụ thể
chúng cháu phải làm gì?” Sticky hỏi.
“Chính
xác những điều mà chúng muốn các cháu làm, ngài Benedict nói. “Là học tập. Các
cháu phải trở thành những học sinh xuất sắc. Một trong số ít những điều chúng
ta biết về Học viện là nhiều đặc quyền nhất định chỉ dành cho các học sinh đứng
đầu. Không nghi ngờ gì đó là những đứa trẻ mà Người Gửi dùng để gửi các thông
điệp ẩn của hắn.”
“Cho nên ngài hy vọng
chúng cháu sẽ có được thông tin bí mật nào đó,” Reynie nói.
“Đúng vậy. Làm thế
nào mà các thông điệp của Người Gửi lại có thể có những ảnh hưởng sâu sắc đến
vậy, kế hoạch cụ thể của hắn là gì - bất kỳ điều gì các cháu khám phá được đều
có thể giúp chúng ta tìm ra cách tiêu diệt hắn.”
“Chỉ có vậy thôi à?”
Sticky hỏi. “Ngài chỉ muốn chúng cháu làm học sinh?”
“Hơn thế chứ,” ngài
Benedict nói, “các cháu không chỉ phải học những gì chúng dạy, mà còn phải cố
gắng học những gì chúng không dạy. Từng chi tiết kỳ lạ, từng yếu tố đáng ngờ
của Học viện - bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, các cháu phải báo lại cho ta
biết. Các cháu không bao giờ ngờ được một lấn tò mò tốt có thể giúp chúng ta
nắm được chìa khóa dẫn đến toàn bộ kế hoạch của Người Gửi. Mọi thứ các cháu phát
hiện đều có thể sử dụng.”
Kate xoa xoa hai tay
vào nhau. “Vậy ngài muốn chúng cháu lén lút giám sát, có thể đột nhập vào vài
phòng làm việc, và...”
Ngài Benedict lắc
đầu, “Hoàn toàn không.”
Kate ngừng xoa tay,
“Không?”
“Các cháu phải tìm ra
tất cả những gì có thể tìm,” ngài Benedict nói một cách nghiêm túc, “và các
cháu phải báo lại cho ta, nhưng không được vướng vào các rủi ro không cần
thiết. Nhiệm vụ của các cháu hiện nay đã đủ nguy hiểm rồi.”
Kate có vẻ cụt hứng,
trong khi những đứa trẻ khác thì thở phào nhẹ nhõm.
“Từ nay về sau,” ngài
Benedict tiếp tục, “chúng ta phải liên lạc thường xuyên - và bí mật. Do đó
chúng ta sẽ dùng mật mã Morse.”
“Mật mã Morse!”
Reynie ngạc nhiên hét lên.
“Không ai còn dùng
mật mã Morse nữa,” Kate nói.
“Chính vì vậy nó mới
hữu ích với chúng ta,” ngài Benedict nói. “Các cháu biết đấy, Học viện nằm trên
đảo Nomansan, cách bến cảng Thành phố Đá nửa dặm. Từ một vị trí bí mật tại bờ
biển trên đất liền, chúng ta sẽ liên tục theo dõi hòn đảo. Mỗi ngày và mỗi đêm,
mỗi khoảnh khắc, các dấu diệu của các cháu sẽ được theo dõi. Các cháu có thể
tùy ý chọn lựa thời điểm an toàn nhất. Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng.”
“Nhưng ngày mai chúng
cháu phải đi trong khi thậm chí còn chưa biết mật mã Morse!” Constance phàn
nàn.
“Thực ra là tớ biết,”
Sticky nổi. “Tớ có thể dạy cậu, nếu cậu muốn.”
Constance lè lưỡi về
phía Sticky.
“Các cháu đều học rất
nhanh,” ngài Benedict nói. “Ta không lo về vấn đề đó. Và Constance này,” ông
vừa nói vừa nhướn lông mày, “ta khuyên cháu nên trân trọng Sticky cùng với lời
đề nghị của bạn ấy. Vì đây là điểm quan trọng mà ta muốn nhấn mạnh: Các cháu
bây giờ là một đội. Các cháu có đồng ý hay không cũng không quan trọng, nhưng
các cháu phải chăm sóc lẫn nhau, phải nương tựa vào nhau trong mọi tình huống.
Ta không phóng đại khi nói rằng từng người trong các cháu đều quan trọng với
thành công của đội, và thực tế, là với số phận của tất cả chúng ta. Các cháu
phải ghi nhớ điều đó.”
Constance đảo đảo
mắt. “Vâng, tốt thôi, George Washington, cậu có thể dạy tớ cái thứ mật mã Morse
bốc mùi đó.”
“Gọi tớ là Sticky
thôi. Sticky là được rồi. Cậu cũng có dùng họ của mình đâu.”
“Khi nào chúng ta bắt
đầu, hả George Washington?”
Sticky cau có. “Đừng
có gọi tớ như thế!”
Kate dựa vào Reynie
thì thầm, “Tớ nghĩ chúng ra có thể gặp nhiều khó khăn hơn ngài Benedict nghĩ
đấy.”
Bọn trẻ được yêu cầu
học mật mã Morse ở phòng ăn, nhưng thời tiết buổi chiều quá đẹp, và cái sân nhỏ
rợp bóng mát lại quá hấp dẫn, nên chúng xin được mang theo bữa ăn trưa và học ở
bên ngoài. Ngài Benedict đồng ý với điều kiện không ai được liều lĩnh đi ra
cổng, và Milligan phải luôn ở bên cạnh. Sticky và Constance ngồi trên chiếc ghế
đá phía dưới bóng cây du, trong khi Kate và Reynie nằm dài trên mặt đất phủ đầy
cây tường vi gần đó. Milligan, cải trang thành người làm vườn với mớ tóc màu
xám lấp ló bên dưới một chiếc mũ rơm, với dáng vẻ tất bật và mệt mỏi, đang chăm
sóc mấy bụi hoa hồng.
“Đó là loại mật mã
đơn giản thôi,” Sticky giải thích. “Nó sử dụng các dấu chấm và dấu gạch ngang -
các dấu ngắn và dài - để tượng trưng cho các chữ cái và chữ số. Ví dụ, chữ cái
A được tạo bởi một đấu ngắn và một dấu dài, hay một dấu chấm và một dấu gạch
ngang. Đây, để mình cho cậu xem.” Mượn đèn pin của Kate (Kate luôn mang theo
cái đồ của mình đến mọi nơi), Sticky bật và tắt đèn pin rất nhanh. “Đó là tín
hiệu ngắn - dấu chấm,” cậu bé nói. Sau đó cậu bé bật đèn pin trong đúng một
giây. “Và đó là ký hiệu dài - dấu gạch ngang. Để cạnh nhau chúng tạo thành chữ
A, và các chữ cái khác cũng gần giống như vậy. Chữ cái B là một gạch ngang và
ba chấm, c là gạch, chấm, gạch, chấm và tương tự như thế với các chữ cái khác.
Tất cả được viết ở đây,” Sticky nói, chỉ vào cái bảng biểu mà ngài Benedict đưa
cho chúng.
“Mình cùng tập nhé,”
Sticky nói. “Constance, cậu dùng đèn pin và bảng này để đánh vần ra một thông điệp,
và bọn tớ sẽ đoán xem cậu đang nói gì.”
Bàn tay của Constance
nhỏ đến mức cô bé phải dùng cả hai tay để giữ đèn pin, nên Sticky phải cầm cái
bảng hộ cô bạn bé nhỏ. Nheo mắt tập trung nhìn vào tờ giấy, Constance nháy
nhanh đèn một lần, sau đó là hai lần dài hơn, rồi dừng lại.
“Chấm, gạch, gạch,”
Sticky nói.
Kate nhìn vào tấm
bảng và nói, “đó là chữ W, đúng không?”
Constance gật đầu và
tiếp tục nháy đèn: bốn tín hiệu nhanh.
“Bốn chấm,” Reynie
nói, “chữ H.”
Constance một lần nữa
gật đầu, và theo cách này, bọn trẻ tiếp tục xử lý phần thông điệp còn lại. Quả
đúng như ngài Benedict đã nhận xét, bọn trẻ đều học nhanh. Dù thế, ngoại trừ
Sticky, cả lũ vẫn phải mất vài phút cho việc kiểm tra trên tấm bảng. Cuối cùng,
Constance cũng nhấp nháy mật mã cho chữ cái cuối cùng của cô bé (gạch ngang,
chấm - một chữ N), sau đó nhìn Sticky đầy hy vọng, cậu bé ngay lập tức bắt đầu
phản ứng. Thông điệp là: Tại sao cậu lại bỏ chạy?
“Này, câu hỏi hay
đấy,” Kate nói, “Sao cậu lại bỏ nhà đi, Sticky?”
“Dùng mật mã để trả
lời thì mất thời gian lắm,” Sticky nói. “Hay tập luyện với thông điệp khác đi,
cái nào ngắn thôi.”
“Bỏ qua cái mã đó đi
và nói cho bọn mình biết”, Kate quả quyết. “Nếu chúng ta là một đội, chúng ta
cần hiểu nhau rõ hơn, đúng không, Reynie?”
“Đúng đấy,” Reynie
nói. “Tốt nhất là chúng ta đều phải hiểu về nhau.”
“Tớ củng nghĩ vậy,”
Sticky nói vẻ khó chịu. “Nhưng đó không phải là một câu chuyện khôi hài để kể
lể đâu.”
Đó đúng thật không
phải là một câu chuyện khôi hài, và khi Sticky kể chuyện, khuôn mặt của bọn trẻ
dài ra, cứ như cả lũ đều là phiên bản thu nhỏ của Milligan (người đang lặng lẽ
lại gần nghe ngóng). Trong câu chuyện, hóa ra Sticky đã từng khá hài lòng với
cuộc sống của mình - một đứa trẻ dễ chịu, con của một đôi vợ chồng dễ chịu -
nhưng tình hình thay đổi khi khả năng đặc biệt của cậu bé được mọi người biết
đến.
Chuyện này xảy ra vào
một ngày tháng Tư, khi mẹ của cậu (bị viêm khớp đầu gối phải ngồi xe lăn, và
chiếc xe lăn cần bôi thêm dầu trong thời tiết ẩm ướt) hét lớn, trong một lần
kích động hiếm hoi, ‘tại sao trời lại mưa nhiều như vậy’. Khi Sticky giúp mẹ
ngồi vào ghế, cậu bé bắt đầu giải thích cặn kẽ về hệ thống thời tiết và địa lý.
Từng là một cậu bé luôn ngượng ngùng và ít nói, đầy là lần đầu tiên Sticky thể
hiện kho kiến thức đáng nể của mình. Mẹ của cậu đã phải kiểm tra xem cậu có bị
sốt hay không.
Tối hôm đó, mẹ nói
chuyện này với bố cậu, và ông đã yêu cầu Sticky nhắc lại những gì cậu bé đã nói
trước đó. Sticky nhắc lại, từng từ một. Bố cậu ngồi phịch xuống. Rồi lại đứng
lên, đi vào phòng riêng, và quay trở ra với nhiều tập của một bộ bách khoa toàn
thư lỗi thời. Đặt câu hỏi liên tiếp cho Sticky, nhà Washington khám phá ra rằng
con trai họ, một cậu bé mới bảy tuổi đã có lượng kiến thức trong đầu nhiều hơn
cả một giáo sư đại học, thậm chí hơn cả thế. Ngạc nhiên và tự hào, họ sung
sướng hơn bao giờ hết, hơn cả việc tìm thấy kho báu vậy.
Và theo cái cách mà
những người khác thường hay làm, ngay lập tức họ bắt đầu đưa cậu bé tham gia
các cuộc thi nói, và Sticky giành chiến thắng một cách dễ dàng. Cậu bé mang về
nhà nhiều giải thưởng đáng kể: một bộ bách khoa toàn thư mới thay thế cái đã
lỗi thời, một bàn viết mới, tiền thưởng, trái phiếu tiết kiệm. Sticky càng
thắng nhiều, cha mẹ cậu bé càng thích thú. Họ khuyến khích cậu bé học tập liên
tục, đọc sách qua cả bữa ăn, thậm chí đọc đến tối, và không để cậu bé lãng phí
chút thời gian nào với bạn bè. Áp lực phải thắng bắt đầu khiến cậu lạc hướng.
Cha mẹ cậu bắt đầu tức giận khi cậu bé không trả lời các câu hỏi - điều này xảy
ra ngày càng thường xuyên hơn, và bản thân Sticky bắt đầu có xu hướng lẫn lộn
khi căng thẳng. Họ la mắng Sticky và cho rằng cậu bé không quan tâm đến họ. Nếu
Sticky quan tâm, họ nói cậu bé đáng lẽ phải cố gắng hơn để giành chiến thắng,
vì chỉ có chiến thắng mới đem lại sự giàu có và hạnh phúc cho gia đình họ.
Sticky đã ngạc nhiên
lắm. Trong trí nhớ, gia đình cậu chưa bao giờ giàu có nhưng cũng chưa bao giờ
thiếu hạnh phúc. Và Sticky nhận ra một điều trái ngược - càng thắng nhiều, cậu
càng cảm thấy không vui. Nhưng mà, dù đôi lúc cố tình bỏ qua vài câu hỏi mà cậu
biết đáp án, Sticky vẫn thắng dễ dàng và tiếp tục được tham gia vào các cuộc
thi lớn hơn với giải thưởng lớn hơn. Cho đến khi cha mẹ cậu hoàn toàn bị choáng
ngợp bởi cái viễn cảnh giàu sang, thì Sticky đã hoàn toàn kiệt sức. Phàn nàn, hay
thậm chí là van xin, Sticky vẫn không thể thuyết phục cha mẹ cho phép cậu dừng
lại. Nếu muốn được giàu có và nổi tiếng, họ nói, cậu phải tiếp tục chiến thắng.
Khi Sticky trả lời rằng cậu bé không quan tâm đến giàu có hay danh tiếng, họ
không tin cậu và nói rằng cậu chỉ đang trở nên lười biếng.
Cuối cùng, Sticky
quyết định thể hiện quan điểm của mình bằng cách giả vờ bỏ trốn. Cậu để lại một
lời nhắn, sau đó trốn nhiều ngày trong một tủ quần áo. Cái tủ đó vốn đã được
bịt kín nhưng Sticky vẫn tìm được cách để chui vào bên trong. Thỉnh thoảng cậu
bé mạo hiểm ra ngoài lén lấy đồ ăn, dùng phòng tắm và theo dõi cha mẹ. Mới đầu,
cậu bé cảm thấy hài lòng với những gì đang diễn ra: Bố mẹ cậu vô cùng đau khổ,
kêu khóc tuyệt vọng về đứa con bị mất tích; họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi nơi.
Nhưng sau đó điếu không hay đã xảy ra. Một người đàn ông giàu có, bản thân ông
ta trước đây cũng từng là quán quân trong cuộc thi nói, biết được chuyện không
may này và bỏ ra một số tiền lớn để giúp nhà Washington tìm con trai. Những lời
ca tụng về sự hào phóng của ông ta nhanh chóng lan rộng, khích lệ các nhà hảo
tâm khác những người không muốn bị qua mặt - gửi đến thậm chí còn nhiều tiền
hơn; và chẳng bao lâu sau mọi người từ khắp nơi gửi quà cho nhà Washington,
khiến họ trở nên giàu có. Ngạc nhiên và xấu hổ, Sticky nhận thấy cha mẹ bắt đầu
ngày càng ít cố gắng tìm kiếm cậu, thay vào đó họ dành thời gian và sức lực vào
việc tiêu pha một cách thích hợp đống của cải mà họ mới có. Cuối cùng, một ngày
kia, cậu nghe trộm được cha mình nói một điều gì đó về việc “hiện giờ nên ngừng
lại thôi” - nên ngừng lại và chấp nhận cậu mất tích, Sticky hiểu ra - cậu không
thể tiếp tục chịu đựng sự phản bội của họ. Cậu bỏ đi thật xa.
“Tớ đã sống tự lập
trong nhiều tuần,” Sticky dừng lại, tháo kính để lau nước mắt, “đến khi tớ thấy
mẩu quảng cáo của ngài Benedict trên báo. Đó là câu chuyện của tớ. Các cậu đều
biết phần còn lại. Bây giờ chúng ta tiếp tục bài tập chứ?”
Sau một hồi im lặng
buồn bã, những đứa trẻ khác đồng ý, và Constance cầm đèn pin lên. Thông điệp
của cô bé lần này nhanh hơn; nó chỉ có hai từ: Thật tiếc. Những người khác sửng
sốt. Thậm chí cả Milligan, người đã quay trở lại với những khóm hồng và cố tỏ
vẻ không thèm chú ý, cũng nhướng mày.
“Không sao,” Sticky
nói.
“Chúng ta có phải là
một lũ yếu đuối không đấy?” Kate nói. “Nếu tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ phải
bắt đầu gọi đó là mật mã hối hận (remorse code[3]).”
[3] Kate đã cố tình thêm “re” vào trước từ Morse (mật
mã Morse) để tạo thành từ “remorse – hối hận”.
“Hối hận là gì?”
Constance hỏi.
“Cảm thấy buồn về
điều bạn làm,” Reynie nói.
“Ổ, cậu thấy buồn à,
Geogre Washington?” Constance hỏi.
Sticky co rúm lại vì
tức giận. “Bạn ấy đang nói về cậu đấy. Và đừng có gọi tớ như thế.”
“Tớ không gọi cậu là
‘thế’. Tớ gọi cậu là Geogre Washington. Hỏi những người khác xem. Họ nghe được
đấy. Chắc chắn tớ không gọi cậu là ‘thế’, Geogre Washington ạ.”
Kate thở dài và lẩm
bẩm, “Quá nhiều để hối hận.”
“Và còn Milligan thì
sao?” Constance nói. “Sao chú ấy buồn thế?”
Mọi con mắt đổ dồn
vào ngài vệ sĩ, người đã dừng chăm sóc những bông hồng và đang tra dầu vào các
bản lề cửa. Trông Milligan như thể cần tra dầu cho chính mình - những cử động
lờ đờ với cái lưng gù rõ ràng trông ông ấy già khú như cái vẻ nguỵ trang.
Milligan thậm chí chẳng liếc lấy một ánh mắt về phía lũ trẻ. Thậm chí chú ấy
còn chẳng buồn nghe câu hỏi, hoặc là đang giả vờ như không nghe thấy. Nhưng
Constance không bỏ qua điều này.
“Milligan! Cho chúng
cháu biết sao chú lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó thế!”
“Chán thật đấy,”
Sticky nói, “cậu có cần phải moi móc chuyện buồn của từng người như vậy không?
Sao không để chú ấy yên?”
Cô bé không chịu
nghe, và vẫn bướng bỉnh hỏi tiếp. Cuối cùng, Milligan cũng chịu đặt hộp dầu
xuống và lê bước về phía bọn trẻ. “Được rồi, ông nói với giọng cam chịu. “Chú
sẽ kể cho các cháu.”
Bọn trẻ bật ngồi
thẳng dậy.
“Nhiều năm trước,”
Milligan bắt đầu kể, “chú tỉnh dậy, thấy mắt bị bịt kín và đang ngồi trên một
chiếc ghế kim loại cứng. Tay và chân bị còng lại với nhau, một cái kềm kim loại
giữ chặt lấy đầu chú. Tỉnh dậy, chú nghe thấy giọng một người đàn ông, ‘Tên này
cứng đầu thật, khó ghè vỡ’. Thực tế chú cảm thấy đầu mình như vỡ tan rồi ấy -
chú đau đầu khủng khiếp, đói và kiệt sức, và không hiểu sao ngón tay và ngón
chần cũng đang đau nhói. Tệ hơn nữa: Khi chú cố nhớ lại xem mình đã ở đầu, và
làm thế nào lại ở đây, chú nhận ra rằng mình không thể.”
“Mất trí nhớ?” Reynie
nói.
Milligan gật đầu. “Rõ
ràng là chú đã phải nhận một cú chí mạng vào đầu. Chú chẳng thể nhớ được gì -
không quá khứ, không mục đích, thậm chí cả một cái tên. Đến bây giờ, chú vẫn
không thể nhớ được mình là ai.”
“Thế sao chú nói tên
mình là Milligan?” Constance hỏi, gần như buộc tội, cứ như Milligan đã nói dối
bọn trẻ vậy.
“Khi hồi phục lại ý
thức, đó là cái tên đầu tiên bay vào tâm trí. Có lẽ nó là tên chú, nhưng chú
lại không có cảm giác như vậy, nếu các cháu hiểu. Nó có vẻ như được gắn cho
mình theo một cách nào đó, và quan trọng là, có thể nó đúng là tên của chú
thật, nhưng chú e là mình sẽ không bao giờ biết được chính xác.”
“Rồi chuyện gì xảy ra
tiếp theo ạ?” Kate hỏi.
“Rồi chú lại nghe
thấy cũng giọng nói đó vang lên, ‘Đánh thức hắn lần nữa đi. Tao thấy mệt với
hắn rồi.’ Rồi kẻ nào đó lắc lắc tay chú, nói với một giọng nhẹ nhàng rất khác
lạ, ‘Dậy nào, bạn của tôi, dậy đi nào,’ nhưng không biết chú đã tỉnh dậy đủ lâu
để nghe thấy tất cả những gì kẻ đó đã nói về chú chưa”.
“Chú giả vờ trở nên
tỉnh táo, Milligan kể tiếp, ‘Cái gì? Tôi vừa ngủ à? Tôi ở đâu đây?’ Rồi người
đó trả lời, ‘Bạn an toàn rồi; đó mới là điều quan trọng. Chúng tôi vừa cứu bạn
khỏi cái chết trong gang tấc và chúng tôi ở đây để giúp bạn. Bây giờ, có thật
là bạn không nhớ được chút gì không?”
“Tất nhiên là không,
hình như chú cũng nói điều này với gã đó. Nhưng khi hắn có vẻ như đang chờ đợi
câu trả lời và có ý lợi dụng điều này bằng cách này hay cách khác, chú nói,
‘Ngược lại. Tao nhớ hết mọi thứ một cách hoàn hảo’.”
“Gã đó hét lên, ‘Cái
gì? Mày nói dối!”
“ Thật khó khăn’, chú
nói. ‘Tao rất tiếc khi làm mày phải buồn bực như vậy”
“Sau đó giọng nói trở
nên xảo quyệt, ‘Nếu mày nhớ rõ như vậy, nói cho tao biết vì sao mày ở đây đi.’
”
“Tao tin rằng tao sẽ
dành câu trả lời cho mày”, chú trả lời.
“Đồ hèn hạ! Mày đang
nói dối chúng tao, mày là đồ bẩn thỉu... Gã đó hét lên, và bỗng nhiên chịu yên
lặng một cách kỳ lạ, cứ như là có ai đó đã bịt miệng hắn vậy.”
“Một lúc sau chú nói,
‘Bẩn thỉu cái gì? Cho tao biết đi - cảm giác hồi hộp sắp giết chết tao rồi.”
“Giọng nói đó trở
lại, đã bình tĩnh hơn nhiều. ‘Nó sẽ không hồi hộp đâu đúng không, hắn nói. ‘Nếu
mày không mở miệng vào ngày mai, chúng tao sẽ tống cổ mày ra bến tàu.’”
“Thôi được, tao chắc
là tao sẽ thích viễn cảnh đó hơn hơi thở của mày nhiều,” chú trả lời, ngay lúc
đó hắn đánh mạnh vào mặt chú và ra lệnh đưa chú ra khỏi phòng.”
“Cú đánh đó ngược lại
có tác dụng tốt với chú, vì nó làm khăn che mặt bị lỏng ra. Khi chú rời khỏi
phòng thì khăn che mặt bắt đầu trượt xuống, và những kẻ bắt cóc đã không nhận
ra điều này, còn chú nhìn được mọi thứ khá rõ. Hai người đàn ông trong bộ
comple đang dẫn chú dọc theo một lối đi bằng đá. Chúng di chuyển từ từ vì mắt
cá chân của chú bị trói. Tay chú bị trói ở trước ngực và đang nắm thứ gì đó.
Chú kinh ngạc mở nắm tay của mình ra, các ngón tay đã bị cắn và sần sùi. (Điều
này giải thích tại sao chúng đau như có thứ gì đó chích vào, và các ngón chân
cũng đang đau nhức y như thế, nên chú nghĩ chắc là móng chân cũng đã bị cắn rời
ra rồi.) Rồi chú phát hiện ra trong tay mình có một thiết bị nhỏ giống như một
cái kẹp tóc xoắn. Chú kinh hãi khi nhận ra nó làm theo hình dạng ngón tay và
ngón chân. Chắc hẳn chú đã tự làm tất cả những việc đó, nhưng lại chẳng nhớ gì
cả.
“Tưởng tượng xem lúc
đó chú đã kinh ngạc đến thế nào khi khám phá ra tác dụng của cái thiết bị nhỏ
đó. Chú nhét vội nó vào trong chiếc khóa đang còng chặt tay và ngay khi đi đến
chỗ cầu thang, chú nghe thấy tiếng lò xo của khóa - chú đã mở nó chưa đến một
phút. Trước khi chúng kịp phát hiện việc này, chú quỳ xuống và còng mắt cá chân
và cổ tay chúng lại với nhau, rồi đẩy xuống cầu thang.”
“Sau đó, việc trốn đi
khá đơn giản. Chú chạy thục mạng trong đêm mưa qua một ngọn đồi cho đến khi tới
một vách đá nhìn ra bến tàu. Mặt nước nhìn có vẻ nông khoảng chục mét, nhưng
chú không còn lựa chọn nào khác, chú nhảy thẳng xuống dưới. Và thật khó khăn để
bơi vào đất liền trong khi những kẻ bám theo bơi thuyền cố gắng bắt chú bằng
lưới và móc cầu, hoặc đại loại thế. Nhưng chú đã chứng tỏ mình là một tay bơi
cừ khôi, và những hòn đá ở trong kênh khá là đe dọa với mấy cái thuyền đó. Cuối
cùng chú cũng trốn thoát.”
Toàn bộ câu chuyện
được kể lại một cách nhẹ nhàng, không có chút kích động hay tâm trạng nào trong
giọng kể của Milligan. Nhưng bọn trẻ nghệt mặt ra lắng nghe, và phải khó khăn
lắm mới kiềm chế bản thân được. Khi Milligan kết thúc câu chuyện, chúng vỡ òa
ra với hàng loạt câu hỏi: Làm thế nào chú đến được đây? Ban đầu chú làm gì ở
đảo Nomansan? Đó là đảo Nomansan phải không? Và những kẻ trong bộ comple…
“Đúng, chúng cùng một
bọn, những kẻ các cháu nhìn thấy trong mê cung. Chúng không dám chắc đã gặp chú
ở đâu, nhưng chú chắc chắn nhận ra chúng. Và đúng thế, đó là đảo Nomansan -
chính là Học viện - nơi mà chú đã thoát ra. Tại sao chú ở đây, chú không thể
nói được, nhưng ngài Benedict tin rằng chú là đặc vụ bí mật, làm việc cho một
cơ quan của chính phủ một thời gian dài cho tới khi bị lộ. Chú chẳng biết nói
gì nữa.”
“Có thể ngài Benedict
sẽ tìm ra,” Reynie nói.
“Chính niềm hy vọng
đã dẫn chú đến với ngài Benedict,” Milligan thừa nhận. “Chú đã mất nhiều tháng
để tìm thông tin về quá khứ của mình, nhưng không ai tin lời kể của chú, và
không ai có câu trả lời. Cuối cùng, chú biết được một người cần phải gặp -
không phải là một đặc vụ của chính phủ, mà là một người thông minh với những
mục đích bí ẩn, một người dường như luôn biết về mọi thứ nhiều hơn những người
khác. Đó, tất nhiên, là ngài Benedict. Mặc dù ông ấy giúp chú có được ý niệm về
những gì đã xảy ra, và đổi lại ông ấy có được sự trung thành của chú, nhưng
toàn bộ công việc bí mật và phức tạp đến mức từ lâu chú đã cho rằng sẽ không
bao giờ tìm được gì về quá khứ của mình.”
“Khủng khiếp làm
sao,” Reynie nói.
“Đúng vậy, quá tệ,”
Sticky nói, mặc dù không hoàn toàn bị thuyết phục, nhưng lúc này cậu ước gì
mình không thể nhớ về quá khứ, và những đau buồn mà nó mang lại.
“Này, liệu bệnh mất
trí nhớ của chú có liên quan gì đến cách cải trang ngu ngốc của chú không?”
Constance hỏi.
Milligan ấn chiếc mũ
rơm trên đầu chặt hơn. “Cách cải trang ‘ngu ngốc’ hữu dụng với nhiều lý do,
nhưng thật ra, Constance này, sẽ là không may nếu ai đó trong số kẻ thù trong
quá khứ nhận ra chú, mà chú lại không thể nhận ra hắn. Tốt hơn hết là đừng bao
giờ để bị nhận ra.”
“Thật sự không có
chút hy vọng nào trí nhớ của chú sẽ trở lại sao?” Kate hỏi.
“Ồ, chú cho là có
chút hy vọng mỏng manh nào đó. Ngài Benedict đã cố gắng thôi miên và thử một số
phương pháp chữa trị khác cho chú, nhưng may mắn vẫn chưa đến. Tuy nhiên, ông
ấy nói rằng có thể trong một sự kiện đặc biệt nào đó, hoặc sự xuất hiện của một
đồ vật hoặc một người quan trọng trong quá khứ của chú, hoặc ai đó biết về nó,
có thể phá vỡ cánh cửa và để ký ức của chú thoát ra. Chú e rằng, dù vậy nhưng chú
không còn nhiều hy vọng nữa.”
“Nếu không phải vì hy
vọng, chú tiếp tục sống vì điều gì?” Reynie hỏi, cậu có dự cảm xấu rằng có thể
đến lúc nào đó, không còn xa lắm, khi mọi thứ cũng sẽ trở nên vô vọng với cậu.
“Trách nhiệm,”
Milligan nói. “Không gì khác, chỉ có ý thức về trách nhiệm. Chú biết những
Người Gửi đang tự do làm điều xấu. Chú thấy mình phải có trách nhiệm ngăn cản
chúng. Hoặc ít nhất là, cố gắng làm điều đó.”
“Và chú nghĩ rằng
chúng ta có thể?” Reynie hỏi. “Chú có nghĩ rằng chúng ta sẽ ngăn chặn được
chúng không?”
Đáp lại, Milligan
quay về với ca dầu của mình. Chú ấy cũng không liếc mắt lại về phía lũ trẻ lần
nào nữa.