Tương lai của một Ảo tưởng - Chương 01 phần 2
6. Cơ sở triết học Freud giải thích văn minh và tôn giáo là
chủ nghĩa duy vật thực nghiệm (empiricist materialism), theo đó, Gót là một giả
thuyết và không đứng vững. Lịch sử văn minh loài người là một đấu tranh dài
chống tự nhiên, cả thiên nhiên ngoài lẫn nội tâm trong. Tin tưởng vào Gót được
xem như một thứ nỗ lực hòa giải con người với sự nương tựa mật thiết của nó vào
tự nhiên vốn hầu hết cảm nhận qua những kinh nghiệm đầy thương tổn.
Freud diễn dịch sự hình thành của những tôn giáo trong cái
nhìn theo những chức năng hòa giải của nó trong sự xung đột này giữa tự nhiên
và văn hóa, giữa con người và xã hội. Như dẫn chính ông ở đoạn trên, tôn giáo
đem lại cho con người sự thú nhận những yếu đuối tự thân của chính nó và đồng
thời cũng cho nó giữ lại một ý nghĩa ưu việt vượt trên thực tại vây quanh.
Cái giá của sự thỏa hiệp này sự tuân phục một “ảo tưởng”. Các
lý thuyết trong nội dung tôn giáo, đều phải tuân theo không chất vấn, chúng
không phải là kết quả của suy tưởng siêu nghiệm, cũng không phải là từ kinh
nghiệm tâm linh, lại càng không là những “mặc khải” thần bí, nhưng chúng chỉ là
những tưởng tượng đã được tinh luyện của chính con người, là những ao ước-muốn
thành trước những nhu cầu cơ bản nhất của con người.
Sức cuốn hút mạnh mẽ của “ảo tưởng” do đó là sức mạnh thôi
thúc của những nhu cầu thầm kín này. Trung tâm điểm của tưởng tượng tôn giáo,
một Gót-Người Cha (Father-God), dựng lên từ những vật liệu lấy từ kinh nghiệm
thơ ấu của con người: đứa trẻ yếu đuối không tự bảo vệ được mình đã tạo ra nhu
cầu muốn được bảo vệ; nhu cầu này là động lực của yêu thương và mong đợi của nó
về một người cha và buộc nó phải dìm xuống tất cả những ác cảm nó có với ông
như đối thủ của nó trong tương quan phức tạp tay ba – cha-mẹ-con – Freud gọi là
mặc cảm Oedipus.
Nhưng vì người cha thực không thể chữa lành được những thương
đau, thiếu thốn, và những thương đau thiếu thốn ấy còn mãi vì chính là phận
người, nên dù đã trưởng thành, một người cha mạnh mẽ hơn, nhiều quyền năng hơn,
thương yêu bảo bọc hơn – toàn năng, toàn trí và toàn thiện – là sự cần thiết,
và từ đó con người trần gian “tạo” ra Gót – lý tưởng hóa và phóng chiếu những
thuộc tính của một người cha thành Gót - một người Cha cao vời, vòi vọi.
Khát khao được bảo bọc, thúc đẩy từ những nhu cầu của sự sống
trực tiếp đè nặng trên mọi cá nhân, và nhất là cái chết ở cuối đường không thể
nào thoát, tất cả đã giải thích sức mạnh của tôn giáo, và sự tin tưởng – nhắm
mắt, tự lừa chính minh - lâu dài của đông đảo con người vào nó.
Tôn giáo như thế, theo cái nhìn của Freud, không chỉ là sự tự
vệ, nhưng còn là một triệu chứng của bệnh tâm thần, một thứ bệnh tâm thần tập
thể, nó “hữu ích”, vì xoa dịu đau thương của kiếp người, vì giúp người ta chịu
đựng được những khổ đau thất bại, và vực người ta đứng dậy đi cho hết con đường
đời, đến cái chết hãi hùng cuối cùng, và rồi ở đó, nó đem cho những ý tưởng để
phủ nhận cái chết, bằng cách vẽ ra một “thiên đường” đằng sau cái chết.
Kinh nghiệm về những bất-khả-tự lực với tư cách nạn nhân đã
chuyển đổi sang tin tưởng vững chắc có một sự che chở sau cùng với tư cách tín
đồ. Một biện chứng cơ bản đã là động lực của chuyển đổi cơ cấu. Chuyển đổi từ
nương tựa phụ thuộc sang cảm giác được bảo bọc lập lại một kinh nghiệm thơ ấu,
đó là thế chỗ ông bố thực với một sản phẩm tưởng tượng. Chiều hướng của tiến
trình là một loại “hủy-thực-thành-hư” (Entfremdungsgefühl) - de-realization của
Freud là một thứ dồn nén, phủ nhận, nó “tha hóa” thực tại vật chất đời người,
chuyển sang đối lập của nó, dựng trên sự xây dựng ảo tưởng về một “thực tại”
thứ hai linh thiêng.
Sigmund Freud, đã thực sự đem Gót làm một chủ đề của giải cấu
trúc siêu hình tâm lý (metapsychological deconstruction), và đã chọn một một vị
trí vô thần. Những người theo ông, cũng tiếp tục gắn bó với những luận chứng và
tuyên bố của ông trong “Tương lai của một ảo tưởng” này, và tiếp sau trong “Văn
minh và những bất mãn từ nó”. Chủ nghĩa khoa học thực chứng (positivism) ở đầu
thế kỷ XX đã đem lại một cổ vũ nồng nhiệt trước những vạch trần của Freud về Gót.
Ông đã cất lên tiếng nói cho những gì đang nung nấu trong tâm trí của giới trí
thức phương Tây. Những tội ác không kể xiết đã xảy ra ngay sau đó, nhân danh
chủ nghĩa dân tộc đầy tôn giáo tính ở châu Âu, xác nhận rằng chủ nghĩa vị chủng
(ethnocentrism) và khái niệm song sinh của nó, niềm tin tôn giáo, là những món
hàng tối nguy hiểm cho loài người.
Chúng đã dẫn đến sự nhiễm độc với sự ưu thắng của trong-nhóm
(in-group superiority ) và đặt nền móng cho sự áp bức của những “người khác”
ngoài-nhóm, và thậm chí cả sự tàn bạo và diệt chủng. Những nạn nhân của định
kiến và bạo lực, tìm thấy hy vọng từ những phân tích của Freud rằng tôn giáo là
một trò lừa bịp và khoa học sớm hay muộn sẽ đảm bảo vị trí ưu thế của lý trí
con người trong tư tưởng cá nhân và sinh hoạt xã hội của cả toàn thể cộng đồng
nhân loại.
Và như thế, Freud đã tiên đoán, rất lạc quan ở gần giữa thế
kỷ trước; ảo tưởng sẽ tan vỡ, Gót và những tôn giáo Abraham thờ Gót sẽ nhường
chỗ cho lý trí và khoa học.
7. Freud xuất thân là một y sĩ chuyên về bệnh thần kinh, một
khoa học gia, một bác học trong ngành của ông, là nhà tâm lý nổi danh nhất cho
đến nay của nhân loại, người khai sinh môn phân tâm học, nhưng ông có ảnh hưởng
hết sức lớn lao và sâu rộng trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật từ hai thế kỷ
qua. Tương lai của một Ảo tưởng, cũng như Cái-Ta và Cái-Đó, và Văn minh và
những Bất mãn từ nó là những bản văn nay đã thành cổ điển, đều được giảng dạy
rộng rãi trong các trường đại học, trong có những quan điểm đã bị thử thách,
được đánh giá lại, hay có phần đã bị thời gian đào thải, nhưng ngoài giá trị
lịch sử, chúng đều là những ý tưởng hết sức sáng tạo, đáng suy ngẫm, đáng
nghiên cứu, nhất là với những ai quan tâm về tư tưởng, triết học tôn giáo và
văn minh phương Tây.
Tôi không tìm được một bản tiếng Việt, nên khi dịch bản văn
Văn minh và những Bất mãn từ nó, tôi thấy Tương lai của một Ảo tưởng này cũng
cần được dịch và nên giới thiệu trước, Người đọc sẽ thấy chúng liên hệ ra sao,
sau khi đọc cả hai. Riêng tập Cái-Ta và Cái-Đó có thể dành giới thiệu sau với
lý thuyết đặc biệt của Freud về những bản năng con người – trong đó có Libido,
cùng cấu trúc tâm lý Ý thức, tiền-ý-thức và Vô thức.
Dịch từ bản dịch tiếng Anh: Freud, S. (1927). The Future of
an Illusion trongThe Standard Edition of the Complete Psychological Works of
Sigmund Freud, Volume XXI (1927-1931): The Future of an Illusion, Civilization
and its Discontents, and Other Works, 1-56.
Đối chiếu với bản dịch tiếng Pháp: L’avenir d’une illusion. Trad. franç., 1932.
par Marie Bonaparte revue par l’auteur, 1932. Les Presses Universitaires de
France, 1973, 3è édition.
Lê Dọn Bàn
(Feb/2011)