Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 11

Thụy Điển:

Lịch lãm Stockholm

Khi tôi và Alastair, anh bạn người
Anh cùng khu nhà, quyết định đi Stockholm, cô gái Đan Mạch cũng ở chung với
chúng tôi tròn mắt "Sao Paris, Rome... không đi lại đi Thụy Điển?". Sau này tôi
mới hiểu được cảm xúc của cô cũng giống như của tôi khi những bạn nước khác
khoe: "Mình sắp đi Bangkok chơi nhé!", tôi cũng ngạc nhiên
"Sao Trung Quốc, Ấn Độ... không đi, lại đi Thái Lan?". Một sự ghen tị
ngấm ngầm mà những người láng giềng hay dành cho nhau chăng? Đan Mạch và Thụy Điển đều là những nước
Nordic, với ngôn ngữ, kiến trúc và văn hóa đặc trưng Bắc Âu, giản dị và thanh
lịch với những ngôi nhà xưa xinh
xắn bên hồ và những
người dân tóc vàng mắt xanh hiếu khách.

Vốn
thích phố cổ với những con đường nhỏ nhắn lát đá cuội và nhà xưa muôn màu nên
ngay ngày đầu tiên, tôi quyết định đến thẳng Gamla Stan. Khu phố cổ được bảo
tồn gần như nguyên vẹn từ thế kỷ 13 vì Stockholm may mắn thoát khỏi
những tàn phá của hai cuộc chiến tranh thế giới. Trên đường từ khu Bondegatan,
nơi chúng tôi ở với một gia đình người địa phương trong khu chung cư với nội
thất trang trí y như vừa bước ra từ cuốn catalogue của IKEA, thành phố quả
là một ví dụ rõ nét của sự kết hợp giữa Swedish grace và minimalism.

Swedish
grace (tạm dịch: Sự duyên dáng kiểu Thụy Điển) là cụm từ được biên tập viên tờ Kiến Trúc của Anh
Architectural Review đặt ra vào đầu thế kỷ 20, thời hoàng kim của kiến trúc đất
nước lớn nhất vùng Scandinavia này. Ngày nay, Swedish grace vẫn là
nguồn cảm hứng cho kiến trúc và design của Thụy Điển được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhấn mạnh vào
chi tiết, các kiến trúc sư địa phương đã cộng tác với những nghệ nhân gỗ, thuỷ
tinh, kim loại... để tạo ra những chiếc cổng, cửa ra vào tinh tế, những tay vịn
cầu thang, mái vòm, đầu hồi... duyên dáng và tao nhã. Về sau, kiến trúc và nội
thất hiện đại Thụy
Điển đổi thành minimalism (trường phái cực thiểu), với phong cách giản dị nhưng
sang trọng, dùng nhiều gam màu lạnh và "đằm" rất Bắc Âu. Một người địa phương tôi đọc được
trên Internet cho biết "Có một từ trong tiếng Thụy Điển: lagom, nghĩa là "vừa đủ",
không quá nhiều cũng không quá ít. Đó là cả một triết lý sống của Thụy Điển, không chỉ áp dụng
trong kiến trúc mà còn cả ẩm thực, quần áo... Bạn không muốn nổi bật, nhưng bạn
muốn có tất cả những gì bạn cần."

Nhưng
dù đó là Swedish grace hay minimalism, giản dị, lịch lãm và xinh đẹp vẫn là
những cảm nhận của tôi về thành phố được xây trên mười bốn hòn đảo này. Stockholm được tạo thành từ ba phần
bằng nhau: một phần nước, một phần công viên và một phần đô thị. Nước
ở Stockholm rất sạch và xanh biếc, in bóng những thuyền đi biển đồ
sộ, những ngôi nhà vuông vức nhỏ nhắn và lá vàng lá đỏ của mùa thu Scandinavia. Vì hệ thống kênh
rạch và đảo nhỏ nhiều nên Stockholm thường được ví như Venice của phương Bắc.
Tôi rất tâm đắc câu nói khá "sưng sỉa" của một nhà báo người Thụy Điển đang sống ở Mỹ
trong một bài viết trên tờ New York Times về những ưu việt của quê hương mình
so với thành phố nước Ý. Đại loại "Tại sao lại ví Stockholm như Venice của phương Bắc,
đáng nhẽ phải gọi Venice là Stockholm của phương Nam mới đúng chứ". Khách
quan mà nói, đối với tôi Venice lãng mạn, nhiều màu sắc, yêu kiều, dễ làm người
ta say mê hơn..., nhưng Stockholm làm tôi thấy dễ chịu hơn, tránh được
"lực lượng" du khách đông nườm nượp, lại hiểu thêm được nhiều về sinh
hoạt người dân địa phương, thành phố lại đẹp theo kiểu rất trầm. Tôi tự
ví Venice như một cô tiểu thư yểu điệu thời Phục Hưng với đầm dài lướt
thướt đính hoa phớt hồng, còn Stockholm như một nữ doanh nhân trẻ
không kiểu cách nhưng sang trọng, xinh đẹp trong bộ váy ngắn cắt khéo.

Để đến
khu phố cổ, chúng tôi đi ngang Grand Hotel. Từ khi giải Nobel ra đời, đây là
nơi dành riêng cho những học giả được giả đến dự lễ tại Stockholm hằng
năm. Dù không được giải Nobel, bạn cũng có thể ở một trong những phòng suite
dành riêng cho những học giả lỗi lạc ấy (dĩ nhiên phải trừ dịp trao giải rồi)
nếu bỏ ra số tiền tương đương 23 triệu đồng một đêm. Cũng không đến nỗi quá đắt
so với vật giá "trên trời" của Bắc Âu, vì khách sạn năm sao này nằm ở
vị trí tuyệt vời. Từ phòng ngủ có thể nhìn thấy bến cảng với những con thuyền
neo đậu, phía xa xa là Kungliga Slottet, cung điện hoàng gia đồ sộ với kiểu kiến
trúc Baroque lịch lãm và quý phái.

Khi
chúng tôi đến Gamla Stan, trời đã ngả về chiều và những cơn gió hiu hiu đã làm
người đi đường phải khép lại áo khoác. Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên băng ghế
gỗ sơn đen kê dọc quảng trường Stortorget, từng có trong một bức ảnh nổi tiếng
của ban nhạc người địa phương ABBA, làm tôi tự nhiên nhớ đến những bài hát vang
bóng khi mới tập tành nghe nhạc tiếng Anh, những "Ghimme",
"Happy new year", "Dancing queen"... của một thời. Nắng
hoàng hôn của mặt trời phương Bắc nhuộm vàng óng những ngôi nhà vài trăm năm
tuổi với ô cửa sổ vuông vắn xinh đẹp. Mấy giỏ hoa đỏ tươi cạnh ghế ngồi của
chúng tôi vừa được tưới xong, nước nhỏ long tong từ cánh hoa xuống đất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3