Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 09
Scotland:
Nhớ những
ngày EdinburghFestivals…
Tôi vẫn thường ao ước được
đến Edinburgh đúng dịp diễn ra festival nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Những ngày này vé đi Edinburgh tăng lên chóng mặt, giá cả phòng ở cũng tăng
theo cấp số nhân nên đành ngậm ngùi chờ dịp khác. Đúng là cầu được ước thấy,
giữa tháng tám, sếp bảo “Uyên qua Scotland tham gia mấy khóa học về
thương mại Internet nhé!”, tôi mừng hơn bắt được vàng, nhận lời ngay.
Edinburgh
Festivals bao gồm chín liên hoan khác nhau, diễn ra vào tháng tám và tháng chín
mỗi năm tại thủ đô Scotland. Giá trị và nổi tiếng nhất vẫn là liên hoan
Quốc tế Edinburgh (EIF) - còn được mệnh danh “cả thế giới trên sân khấu
Edinburgh” - ra đời vào năm 1947, khi châu Âu mới bắt đầu hồi sinh từ những tàn
tích của chiến tranh thế giới thứ II. Gần nửa thế kỉ nay, EIF là nơi hội tụ
những tác phẩm opera, ballet, kịch và nhạc cổ điển hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó còn Edinburgh
Fringe Festival (Liên hoan bên lề), cũng ra đời cùng năm với EIF, khi tám tác
phẩm, không được mời tham dự EIF cũng đếnEdinburgh và thuê những nhà hát
nhỏ hơn để biểu diễn. Gần như ai cũng có thể tham gia Fringe Festival, miễn bỏ
ra khoảng 300 bảng Anh (tương đương 9 triệu đồng) để vào list chương trình. Năm
nay có đến 25.000 tác phẩm tham gia Fringe Festival, lại không ai kiểm duyệt
nên thượng vàng hạ cám có đủ. Từ những nhạc kịch thiếu chút nữa được mời vào
liên hoan chính thức EIF đến những tiết mục khá “nhảm” như “Ladyboys of
Bangkok” với đội ngũ pêđê Thái Lan váy áo sặc sỡ, nhưng dân chúng vẫn nườm nượp
bỏ tiền đi xem vì tò mò. Ngoài ra còn liên hoan sách Edinburgh, Liên hoan
nhạc Jazz và Blues Endinburgh, Liên hoan Tatoo quân đội Edinburgh...
Tôi
đến Edinburgh đúng hôm khai mạc Liên hoan khai mạc chính thức EIF vào
giữa tháng tám. Chương trình duy nhất trong ngày là tiết mục mở màn liên hoan
của đài BBC. Chỉ một số ít tác phẩm có giá trị sâu sắc được chọn lọc tham gia.
Vé của hầu hết các tiết mục đã bán hết cách đó bốn tháng, nhưng ở mỗi tiết mục
ban tổ chức có năm mươi vé cho năm mươi người đến sớm nhất trước giờ biểu diễn
một tiếng đồng hồ. Tiết mục bắt đầu lúc 8 giờ tối, mới 6 giờ 30 tôi đến nơi đã
thấy một hàng dài rồng rắn chờ mua, ai cũng mang theo ghế xếp, nước uống, bánh
mì ngồi chờ như cảnh xếp hàng thời bao cấp ở Việt Nam. Ngao ngán, tôi hỏi cặp
vợ chồng đứng tuổi trong hàng họ đến từ mấy giờ, “Bốn giờ rưỡi, mà mấy người
đứng trước đây còn đến từ 3 giờ kia. Mỗi năm mới có một lần mà.” Biết không có cơ hội mua
được vé, tôi thở dài quay về khách sạn, quyết tâm ngày mai sẽ ra sớm hơn.
Sáng
sớm hôm sau, tôi tản bộ ra lâu đài Edinburgh bằng đá nằm trên đồi cao cây
cối xanh um. Lâu đài rất im ắng và vắng khách du lịch, có lẽ mọi người còn đang
ngủ hay đang đứng xếp hàng chờ mua vé trước những nhà hát trên
khắp Edinburgh mất rồi. Tình cờ đến The Hubs, nơi bán vé của ban tổ
chức đặt tại Dặm Hoàng Gia, thấy bảng thông báo còn chỗ cho một số chương trình
sắp tới vì có người trả lại vé. Tôi mừng rỡ vào ngay mà mua được một vé đứng
xem biểu diễn Piano của nghệ sĩ Llyr Williams ngay sau đó. Đồng thời mua một vé
ngồi tít đằng xa xem nhạc kịch “Hồ Thiên Nga”, dù biết sau đó phải nhịn ăn sáng
vì giá vé cao chóng mặt.
Buổi
biểu diễn piano trong một khán phòng chật kín người, hầu hết đều trên dưới sáu
mươi, bảy mươi tuổi. Trong khi chờ bắt đầu tôi nói chuyện với một phụ nữ trung
niên người Đức bên cạnh và được biết bà đến Scotland chỉ để xem Edinburgh
Festivals, bà hỏi “Cháu học cao học về piano à?” làm tôi ngượng ngập: “Không, cháu
chỉ thích đi xem cho biết thôi, không học chuyên ngành đâu.”. “Vậy thì tốt quá,
mấy đứa con của bác bằng tuổi cháu bây giờ không thích những buổi biểu diễn như
thế này đâu.”
Khán
phòng sang trọng nhưng sân khấu lại hết sức đơn sơ với sàn gỗ cũ kĩ, không hề
có băng rôn hay phông màn. Nghệ sĩ bước ra sân khấu cũng không một lời giới
thiệu kiểu cách từ ban tổ chức. Anh chào khán giả rồi bước ngay vào đàn và thả
hồn theo những nốt nhạc du dương. Ban đầu tôi còn ngớ ngẩn nghĩ xem ti vi còn
sướng hơn vì ít ra trên màn hình còn hiện tên bản nhạc, nhưng chỉ sau vài phút
tiếng nhạc phát ra từ những ngón tay anh làm tôi muốn ứa nước mắt. Tôi không
rành nhạc giao hưởng và cũng chẳng phân biệt được bản nào của Schubert, bản nào
của Chopin. Chỉ biết rằng những bản nhạc ấy làm tôi nhớ những ngày còn ở
Việt Nam buổi chiều ngồi trước ngõ vừa đọc truyện “Hành trình ngày
thơ ấu” vừa chờ mẹ về. Nhớ những đêm đi bộ từ thư viện trường đại học về nhà
trong tuyết rơi trắng đường lạnh buốt. Và mới hôm qua, khi phố xưa Edinburgh
đón tôi bằng những tia nắng cuối ngày dát vàng những tòa lâu đài vua chúa ngày
xưa và dòng người nhộn nhịp hòa vào không khí lễ hội. Tôi nghĩ mãi vẫn không
biết ví âm thanh phát ra từ tiếng đàn anh giống âm điệu gì, mãi sau mới nhận ra
những bản nhạc ấy làm tôi liên tưởng đến tiếng những viên kim cương lăn trên
nhung.
Hai
tiếng đồng hồ của chương trình qua nhanh như gió thoảng. Khi nghệ sĩ kết thúc,
cúi người chào khán giả, tôi sung sướng đến mức vỗ rát cả tay. Khán giả cũng vỗ
tay hàng tràng dài không dứt, làm anh đã quay vào phải tiếp tục trở ra, đàn
thêm ba bản nữa mới thôi. Mãi về sau tôi mới biết Llyr Williams mới hai mươi
sáu tuổi, có lẽ là một trong những nghệ sĩ biểu diễn sô lô trẻ nhất trong lịch
sử EIF.
Điểm
nhấn của chuyến đi Edinburgh lần này vẫn là lúc được xem buổi biểu diễn vở
ballet “Hồ thiên nga” do đoàn ballet Pennsylvania của Mỹ phối hợp giàn giao
hưởng Tchaikovsky của Nga. “Hồ thiên nga” là một trong những vở ballet hay nhất
thế giới. Câu chuyện hoàng tử Siegfried và tình yêu anh dành cho Nữ hoàng thiên
nga Odette vẫn còn mê hoặc khán giả từ khi Tchaikovsky cho ra đời bản nhạc này
năm 1895. Ban đầu, tôi hơi sao lãng vì âm thanh tiếng giày giẫm trên sàn gỗ và tự hỏi
sao không trải thảm dày trên sân khấu. Nhưng câu chuyện lãng mạn và những điệu
múa đẹp như mơ cuốn hút tôi đến nỗi quên mất những âm thanh khác, ngoài những
giai điệu lúc mạnh mẽ lúc êm đềm phát ra từ giàn nhạc bên dưới khán phòng. Ấn
tượng mạnh nhất của tôi vẫn là việc tác phẩm được kết hợp bởi hai nước Nga và
Mỹ xa xôi cách nhau hàng chục ngàn cây số nhưng không biết lấy đâu ra thời gian
cùng tập luyện mà hoàn hảo đến vậy. Lần đầu tiên trong suốt chuyến đi, tôi ước
phải chi có một người bạn đồng hành cùng ngồi với tôi, ai cũng được, miễn là có
một người thân chia sẻ tuyệt tác ấy. Cảm giác giống như được ăn một món ngon và
ước có một người cũng được ăn món ngon ấy với mình vậy.
Tôi
ở Edinburgh không lâu và hầu hết thời gian phải làm việc và tham dự
những khóa học của công ty. Những giờ rảnh rỗi hiếm hoi tôi lại tản bộ hít thở
không khí festival tràn ngập thành phố. Hay rảo quanh những tòa nhà xưa bằng đá
hoa nở trong mưa phùn lất phất, hòa cùng dòng người xem những anh chàng
người Scotland mặc váy carô truyền thống chơi kèm trên những góc đường,
hay những nghệ sĩ nuốt lửa đến từ Nam Mỹ với những tiết mục sợ nổi gai ốc. Tôi
cũng tranh thủ ghé vào xem liên hoan sáchEdinburgh xem những bộ sách hiếm
hoi từ khắp nơi trên thế giới. Có khi dạo quanh hội chợ hàng thủ công với những
tác phẩm nghệ thuật độc đáo như hình vẽ màu nước rất tinh tế trên lông chim nhỏ
bằng hai ngón tay, bộ sưu tập những viên đá lớn bằng nắm tay đủ màu sắc từ cao
nguyên Scotland, hay những viên gỗ hình bầu dục nhỏ xíu ướp hương hoa hồng, hoa
cam, hoa oải hương… thơm thoang thoảng dễ chịu. Mỏi chân, tôi ghé vào nhà thờ gần
quảng trường lớn nghe nghệ sĩ Christoph Hauser chơi đàn organ nhà thờ, nghe
tiếng đàn tràn ngập không gian. Đọc tờ chương trình tôi mới biết nghệ sĩ này bị
khiếm thị bẩm sinh. Tôi vốn vô thần, lại tham sân si đủ cả, nhưng buổi trưa hôm
ấy tiếng nhạc làm tâm hồn tôi thanh thản quá. Cảm giác dễ chịu như khi thức dậy
sau giấc ngủ say buổi trưa thấy hoa nở sau cơn mưa bên ngoài khu vườn cây lá
còn đọng những giọt nước trong veo.
Tôi
tiếc nuối tạm biệt Edinburgh, ao ước phải chi được ở lại thêm vài ngày
nữa. Trên chuyến tàu đến một thành phố khác, mở túi xách lấy vé đưa cho người
soát vé, thấy cồm cộm tay: viên đá trắng tôi mua ủng hộ nhà thờ sau buổi biểu
diễn lăn ra ghế. Viên đá có khắc chữ cổ kiểu Gaelic mà người bán khi tôi hỏi
mãi vẫn không biết nghĩa là gì. Tôi nhặt lên, tình cờ thấy bên dưới khắc một
chữ nhỏ xíu “Love”. À thì ra đây là “Yêu”. Tôi mỉm cười đặt viên đá trở lại vào
giỏ, thấy vui vui vì tìm thấy tình yêu nghệ thuật sau chuyến đi này. Chỉ một
tiếng đồng hồ nữa tôi phải tham gia khóa học kinh doanh mới, nhưng một ngày nào
đó tôi sẽ trở lại Edinburgh, nghe tiếng đàn như gió thoảng qua tòa lâu đài kiêu
hãnh trên đồi và đại dương sương mù phủ trắng vỗ hoài vào bờ đá ngoài xa…