Ngón Tay Mình Còn Thơm Mùi Oải Hương - Chương 06

Hy Lạp:

Ngàn năm Athens

Bạn bè tôi hay hỏi “Đi được những đâu
rồi?”, và lắng nghe một cách hờ hững những nơi tôi liệt kê một hơi như được lập
trình sẵn. Nhưng mười người như một, cứ đến khi tôi nhắc đến Hy Lạp, ai cũng mắt sáng rỡ
lên: “Mình cũng thích Hy
Lạp lắm, ước gì được một lần đến Athens!”

Hóa ra nền văn minh cổ đại mấy nghìn
năm nay có sức hút mãnh liệt gấp mấy lần những ánh sáng Paris, hội hè
Amsterdam, sông nước lãng mạn Venice hay lễ hội bia quốc
tế Munich!

Nhưng
thành thật mà nói Athens không được “huy hoàng” như tưởng tượng của
tôi khi vừa bước ra sân bay. Tôi đến Hy Lạp sau chuyến bay gần bốn giờ đồng hồ từ Thụy Điển - một lộ
trình kì quặc vì hai nước nằm ở hai đầu châu Âu, có lẽ không du khách balô nào
điên rồ lặn lội một hơi từ cái lạnh cắt da của vùng Scandinavia để đến với
những cơn nắng như thiêu vùng Địa Trung Hải. Cảnh vật từ sân bay vào trung tâm
thành phố còn đáng ngán ngẩm hơn bội phần: hai bên đường những ngôi nhà bêtông
cốt thép vừa mới xây lẫn đang đang xây đều không có chút cá tính riêng nào.
Gạch ngói ngổn ngang, đường phố bụi tung mù mịt, nóng bức bối, lại còn kẹt xe!
Nhiều khách du lịch châu Âu khi trông thấy Athens đã lập tức “biến” ngay đến
những đảo biển xanh nhà trắng êm đềm đẹp như postcard cách thủ đô Hy Lạp không xa, quả cũng có
cái lí riêng của họ.

Những bảo tàng dưới chân du khách

Những
du khách du lịch vội vàng ấy vì hấp tấp đã bỏ qua bao điều kì diệu mà ngoài Athens không đâu có được.
Có thành phố nào trên khắp châu Âu mà thỉnh thoảng bạn lại bắt gặp ngay dưới
chân một công trình lộng lẫy bằng đất và đá được xây dựng vài chục thế kỉ trước,
được bảo tồn bằng cách phủ kính dày trong suốt lên để người đi đường sững sờ
đứng lại chiêm ngưỡng? Và những công trình như vậy có nhiều đến độ dù muốn dù
không, những người kế thừa nền văn minh ấy không thể bảo tồn trọn vẹn được hết
mà phải khai quật lên đưa một phần vào viện bảo tàng.

Ở một
ga xe điện, bên trong là cả một bảo tàng nhỏ của riêng nó với những vật trưng
bày được tìm thấy khi người ta đào xuống để xây dựng ga. Những bình, chậu, chày
cối, nữ trang… chạm khắc từ đất, đá, gốm, đồng, vàng… có thứ được làm từ cách
đây năm, sáu ngàn năm, trông vẫn tinh xảo đến mức không thể tin được. Chỉ cần
một điểm như thế này thôi cũng đủ là niềm tự hào của nhiều quốc gia khác, nhưng
ở đây không ai buồn để ý! Thấy tôi ngơ ngẩn vừa đứng nhìn vừa trầm trồ, cô
Gerlinde bảo: “Ngày mai mình đến bảo tàng khảo cổ quốc gia. Ở đó có hàng vạn
tác phẩm như thế này, rất nhiều thứ còn xưa hơn nữa.”. Cô Gerlinde là mẹ của
bạn tôi, một trong số rất nhiều gia đình đến từ những nước vùng núi Alps lạnh
giá, chỉ một lần đến thăm Hy
Lạp đã bị đất nước này níu chân, và đã xây những ngôi nhà trắng xinh đẹp kiểu
nông dân trên hòn đảo cách thủ đô vài tiếng đi phà.

Kỳ vĩ Đá Thiêng

Chúng
tôi lên thành phố Acropolis, còn được gọi là “Đá Thiêng” (Sacred Rock), để
chiêm ngưỡng biểu tượng một thời vàng son của văn minh Hy Lạp. Để đến Acropolis nằm trên đồi cao -
đúng như tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp acro - trên cao, polis - thành phố, chúng tôi băng qua khu
phố Plaka thế kỉ 19 thật hội hè với những kệ bán hàng lưu niệm xinh xắn: bánh xà
phòng từ dầu oliu nguyên chất được làm bằng tay, chuỗi hạt tròn vo bằng đá có
vân hơi đục và lọ mật ong vàng óng ngọt ngào. Bên đường đầy những nhà hàng
(taverna) có hoa giấy nở đỏ tường nhà cổ quét vôi vàng nâu đặc trưng Địa Trung
Hải, bàn trải khăn caro, với những khách du lịch da dẻ rám nắng vui vẻ nói
cười.

Cách
đây hơn hai mươi lăm thế
kỉ, sau chiến thắng ở cuộc đua marathon đầu tiên của nhân loại vào năm 490
trước Công Nguyên, người Athens đã đặt những tảng đá đầu tiên làm nền móng
thành Acropolis để tôn thờ vị thần hộ mệnh của thành phố - nữ thần Athena
Parthenos. Mười năm sau kì công này đã bị người Ba Tư phá hủy. Sau ba mươi năm
tạm ngừng, Periscles bắt tay vào cho xây dựng lại công trình với quy mô hoành tráng gấp nhiều
lần.

Khi
đứng trên đồi cao từ phía bên kia, trông về Acropolis sừng sững trong những cơn
gió lồng lộng, sẽ khó tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi khi nhìn Athens hiện đại lô
xô bên dưới. Nhà cửa xây cất không theo trật tự và những mảng màu xám lấn át cả
khu phố cổ nâu vàng có những cây ôliu xanh lúp xúp. Những tòa nhà chung cư bên
ngoài đã xuống cấp, tàn tạ, quần áo phơi lung tung không khác những cuốn phim
về thời bao cấp ở Việt Nam. (Sau đó tôi tình cờ đọc một bài báo
gọi Athens là nơi có những công trình xưa vĩ đại sống sót giữa một biển
ximăng). Tôi quay sang, nói đùa với Daniel đang ngồi bên cạnh: “Nếu người Hy Lạp cổ đại sống dậy, chắc
sẽ xấu hổ khi thấy những gì thế hệ sau đang làm quá!”. Nói xong, tôi tự nhiên
thấy buồn buồn, tiếc cho một nền văn minh huy hoàng đã qua không được kế thừa.

Ba ngôi đền nổi tiếng nhất của Acropolis được dựng lên
cách đây mấy ngàn năm: Parthenon, Erechtheion và đền Nữ thần Nike. Trên đỉnh
cao nhất sừng sững Parthenon bằng đá cẩm thạch với những hàng cột hơi cong, chỗ
thuôn nhọn hai đầu, chỗ phồng lên, cố ý chệch hướng với những qui tắc toán học
khắt khe để thổi hồn vào đá cứng. Những trụ gạch (Frieze) chạm khắc thật nhiều
hình ảnh tinh xảo: hình những nữ thần Hi Lạp cổ đại, thân hình tuyệt mỹ, đầu
đội những cổng vòm, hình những vị thần cưỡi ngựa sống động như đang diễn ra
trước mắt… Đặc biệt hơn cả là bức trụ ngạch dài hơn 150 m, vẽ cuộc diễu hành
của bốn trăm người gồm cả người hầu gái, quan tòa, nhạc công và hai trăm con
vật. Vào thời điểm tất cả những bức tượng đều đắp hình thần thánh, việc mô tả
người bình thường là một bước đột phá của “Đá Thiêng”. Chỉ trừ hướng cảng, cả
thành phố Athens được bao bọc xung quanh là núi. Gió thổi lùa qua
những cột cẩm thạch hiu hắt, những tảng đá “xanh ngời liêu trai” từ vài ngàn
năm trước xếp chồng rải rác quanh tôi.

Trên
chuyến phà về lại đảo Evia, hoàng hôn buông xuống biển xanh nhuộm trời đất mây
nước một mầu vàng lộng lẫy. Phía bên kia là Athens, cái nôi của một nền văn
minh cổ đại đỉnh cao, thành phố đã cho tôi những cảm xúc đan xen nhau: sững sờ,
ngơ ngẩn, thất vọng, tự hào, kính phục, nuối tiếc, vui sướng, buồn bã. Tôi chỉ
ở đó trong vòng hai mươi tư giờ mà cứ tưởng đã về lại ngàn năm.

Đảo Evia và mùa thu Địa Trung Hải

Ngay từ đầu hè, Daniel và tôi đã bàn
việc sẽ đi đâu trong tháng bảy, phải là một nơi thật đặc biệt vì đó là tháng
sinh nhật của cả hai. Sau nhiều giờ bàn tán, chúng tôi quyết định đi đảo Evia
vì tôi luôn ao ước được đi Hy
Lạp từ lâu.

Quyết
định xong xuôi, do nhiều lý do khác nhau chúng tôi không đến Evia được đành
khăn gói đi Tây Ban Nha đúng khu Lloret de Mar, đến nơi mới nhận ra mình quả
sai lầm vì đây đúng là một ví dụ kinh điển của việc phát triển du lịch rất
“chụp giật”, với những tòa nhà bêtông xấu xí và du khách đông như kiến, ồn ào
nốc sangria như nước lã. Ngày cuối cùng, tôi thở dài, than vãn, bây giờ chỉ
muốn đi ẩn dật ở một miền quê hẻo lánh không có cảnh đẹp gì đặc biệt, chỉ nằm
cả ngày trên võng nghe gà gáy chim hót dưới bóng cây, không đi thăm thú chỗ nào, không
viết bài, không chụp ảnh, không gì hết. Daniel bảo: “Vậy tới đảo Evia chắc Uyên
thích lắm đó, ở đó không có gì hết trơn, muốn chụp hình hay viết bài cũng không
có gì để chụp hay viết. Thôi tháng mười mình đi vậy.”

Vậy là
tôi đếm từng ngày tới tháng mười để đi đảo Evia, tiếng Hi Lạp là Euboea, hòn
đảo lớn thứ hai ở đất nước mấy mươi ngàn năm lịch sử này. Vì không nổi tiếng
với khách du lịch nên Evia rất vắng vẻ và còn giữ lại rất nhiều nét nguyên sơ
địa phương dù chỉ cách thủ đô Athens rộn ràng nhộn nhịp hơn một giờ đi
phà. Mùa thu Địa Trung Hải, trời còn ấm áp hơn hẳn nơi khác. Những ngôi nhà
trắng đứng yên trên đồi, soi bóng xuống biển xanh tĩnh lặng. Ba mẹ Daniel có
ngôi nhà nghỉ ở Stira, ngôi làng nhỏ xinh xắn đã từng có mặt trong thiên anh
hùng ca Iliad do Homer viết về cuộc bao vây thành Troy của người Hy Lạp. Xe băng qua những
dòng suối róc rách chảy qua những cây tiêu huyền gió biển thổi lao xao, qua
ngôi nhà bằng đá ong đã đổ nát có lẽ có từ thời cổ đại nằm trơ vơ rồi leo lên
đồi cao có mấy cụm xương rồng mọc hoang, đá sỏi lọc cọc. Tôi reo lên thích thú
khi thấy nhà ba mẹ anh là một ngôi nhà giản dị quét vôi trắng xóa với cửa sổ
màu xanh dương, hàng rào hoa giấy nở đỏ. Tôi mê mẩn những ngôi nhà trắng Hy Lạp, mà theo cô Gerlinde
- mẹ anh cho biết, ở Evia chỉ có nông dân nghèo người địa phương và người nước
ngoài sang chuộng cái đẹp kiến trúc truyền thống mới xây mà thôi, người Hy Lạp trung lưu và thượng
lưu ít ai còn xây những ngôi nhà “quê mùa” này nữa.

Chúng
tôi ăn tối trong một tarvena truyền thống đối diện bãi biển, bán toàn những món
địa phương nổi tiếng thế giới: salad kiểu Hy Lạp với cà chua xắt múi dày, hành tây tím xắt
khoanh, dưa leo giòn tan, trộn phô mai feta làm bằng sữa cừu beo béo, rưới dầu
ôliu, giấm cùng những gia vị không tài nào đoán ra; lá nho nhồi cơm cuộn lại
hấp; souvlaki: thịt heo hoặc gà tẩm bia và gia vị địa phương, nướng xiên trên
than hồng (mỗi miếng nạc xen với một miếng mỡ để khi nướng mỡ chảy xèo xèo thơm
phức khắp không gian), uống rượu ouzo thoảng mùi hoa hồi và tráng miệng bằng
yaourt không đường, đặc và dẻo quánh, rưới mật ong ngọt ngào tê cả lưỡi. Bữa ăn
ngon làm mới ngày đầu tiên tôi đã mê Evia như điếu đổ và hồ hởi trông đợi những
ngày thật thư giãn trên hòn đảo êm đềm này.

Quả
thật, tôi không mong đợi gì hơn ở một kỳ nghỉ mát đúng nghĩa. Ánh nắng đầu thu
không quá gay gắt, tôi nằm cả ngày ngoài sân, hướng ra đại dương mênh mông
phẳng lặng dưới đồi. Những cây ôliu trong sân đã đậu trái thon thon xanh ngắt,
lá rì rào khi gió biển thổi thoảng qua. Bờ biển trải dài ngút mắt, xanh và êm
đềm. Lúc mới đến, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao xung quanh ngôi nhà lại rào lưới
thưa thấp ngang ngực, làm chắn mất một phần cảnh biển thật đẹp bên dưới, nhưng
ai cũng cười tủm tỉm vẻ bí mật. Một buổi chiều, khi tiếng lục lạc ở đâu leng
keng vọng lại, mọi người mới bảo: “Thủ phạm làm mình phải dựng rào lưới đây”.
A, thì ra tại những chú cừu khờ khạo kia, cứ len vào sân gặm những cây non mới
trồng, mục đồng theo không xuể. Các chú nghếch cổ lên nhìn qua hàng rào thưa,
chắc tiếc rẻ những búi cỏ bên trong nhà người ta. Người mục đồng già vẫy tay
chào cô Gerlinde và chú Peter bằng tiếng địa phương, rồi lùa đàn cừu đi xuống
đồi, tiếng lục lạc còn leng keng mãi trong chiều yên ả. Những ngày nắng, không
gì bằng ngồi với cả nhà trên bộ ghế đá ngoài sân đợi hoàng hôn. Mặt trời Địa
Trung Hải đỏ ối, tròn vành vạnh, loang ra những mảng màu vàng cam trông giống
một quả trứng ốp la, hắt xuống nước biển mảng vàng sóng sánh. Tôi có cảm giác
chỉ cần một cơn gió mạnh, khối trứng ốp la ấy sẽ rớt xuống nước rồi sôi sùng
sục lên như vàng khối đun chảy. Nhưng cuối cùng, mặt trời không rớt mà lặn
xuống đường chân trời thênh thang, rất nhanh, làm lần nào tôi cũng ngẩn ngơ.

Những
tour du lịch quả không ngoa khi gọi đảo Evia là viên ngọc ẩn. Ở đây có lẽ không
đẹp bằng những đảo Hy Lạp
khác như Santorini, Rhodes hay Corfu nơi du khách châu Âu và cả thế
giới nườm nượp đổ về mỗi mùa hè, nhưng có một nét duyên mà bạn phải mất một
thời gian mới cảm nhận được. Nét duyên từ làn nước xanh biếc và trong suốt của
biển Aegean, mỏm đá hoang sơ, những vịnh nhỏ hẻo lánh vắng người. Nét duyên từ
thung lũng màu mỡ trong mù sương buổi sớm, từ con đường vắng trên đồi băng qua
những mái nhà nhỏ ngói đỏ cam thấp thoáng trong khóm cây bách xanh rờn, bên
dưới là đại dương mượt mà như dải lụa và bầu trời trong trẻo không một gợn mây,
trời và nước chỉ cách nhau một đường phối màu xanh nhạt mà bức tranh thiên
nhiên vẽ nên, bình yên biết mấy.

Chúng
tôi băng qua những ngôi làng ven biển trên những con đường thung lũng-đồi-đại
dương ấy, lòng nhẹ nhàng phơi phới như gió biển mang theo vị hơi mằn mặn rất
đặc trưng. Thỉnh thoảng, thấy một tu viện bỏ hoang quét vôi trắng xóa chóp tròn
màu xanh có chữ thập, chúng tôi lại dừng xe, bước vào để cảm nhận “lối xưa xe
ngựa hồn thu thảo”, những bức tường đá đổ nát xung quanh và cây tùng già nua
đứng trước cổng sơn trắng như chứng nhân lịch sử. Đói bụng, chúng tôi lại ghé
một ngôi làng bất kỳ, rảo qua nhà thờ bằng đá ong trầm mặc, ngó nghiêng những
sạp cá tươi rói bày trước nhà, có cá giãy đành đạch, tôm búng lách tách và cua
vươn càng dọa dẫm, rồi tạt vào một taverna nhỏ xíu, nơi thức ăn tươi mới nấu
được bày ra bên ngoài để khách tự chỉ vào gọi món rồi ngồi nhấm nháp trong gian
nhà tường đá sần sùi mát rượi. Những người làng đang ngồi đánh cờ nơi mấy quán
sữa nhỏ bé bảng hiệu toàn những mẫu tự Hi Lạp Σ Ω Λ α không lẫn vào đâu được,
kê vài bộ bàn ghế xiêu vẹo bên ngoài để khách ngồi ăn yaourt, uống sữa hay cà
phê đá, ai cũng dừng tay nhìn tôi. Có lẽ họ ít khi thấy du khách đến đây, huống
gì lại là một người châu Á. (Cũng như du khách Tây về những miền quê hẻo lánh
Việt Nam trẻ con sẽ kéo nhau đi xem). Điều này làm tôi thích thú vì
biết chắc chắn mình đang được cảm nhận những gì rất địa phương mà những điểm du
lịch không thể nào có được.

Chúng
tôi đến Kymi, ngôi làng dễ thương như tên gọi, nằm phía đông bắc đảo Evia.
Những con thuyền đánh cá không hổ danh là thuyền Hy Lạp, cũng sơn trắng thật
xinh xắn neo dưới búi lau sậy um tùm hay thả bồng bềnh trên mặt nước trong xanh
cạnh lưới cá vàng óng vắt lên bờ. Chúng tôi đi dạo ven biển, thỉnh thoảng lại
bắt gặp lẫn trong thuyền đánh cá là rải rác những du thuyền đến từ Anh, trông
lộng lẫy xa hoa đến nỗi trong một thoáng tôi tưởng tượng sẽ thấy các cầu thủ
đội Chelsea rời thuyền bước xuống bờ bất cứ lúc nào. Tôi băng xuống mép nước,
nơi đàn ngỗng trời đang nối đuôi nhau bơi thật êm ả trên mặt nước xanh phẳng
lặng lấp loáng nắng, cúi nhặt một hòn sỏi lớn ném xuống nước. Thấy động đàn
ngỗng tưởng thức ăn bơi lại. Nhận ra kẻ lạ ném sỏi chứ không phải thức ăn, con
ngỗng đầu đàn quạt nước bơi về phía tôi, trông “giang hồ” khác hẳn vẻ hiền lành
êm ả ban nãy, rồi lên bờ rượt tôi chạy tóe khói, vừa rượt vừa kêu rầm rĩ, như
muốn nói cho chừa tật phá phách nha!

Tôi mệt
đứt hơi sau cú rượt của ngỗng trời nên không buồn đến bảo tàng dân gian, chỉ
lang thang qua con phố ven biển với những ban công xinh xinh leo đầy dây nho.
Xe cộ đậu nghỉ trưa dưới bóng thông xanh, không gian thoảng mùi nhựa thông và
tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe xao xác tiếng gà gáy trưa. Chúng tôi băng qua
đường lớn, vào những con hẻm lát đá có những ngôi nhà vuông vắn trồng hoa phong
lữ đỏ hay tường vi phớt hồng, phơi quần áo bên ngoài thơm thơm mùi nắng. Băng
lên chút nữa là căn nhà bằng đá có gác suốt lợp ngói tươi tắn nép bên những cây
cam lúc lỉu quả, có quả vừa chớm xanh ngả vàng, có quả đã chín mọng vàng ối,
chỉ cần tưởng tượng cắn ngập răng vào đấy nước cam ngòn ngọt chua chua sẽ làm
dịu ngay cơn khát buổi trưa. Cây cam thấp lè tè mà lá xum xuê quả trĩu cành xòa
cả ra đường, chỉ cần với tay là hái bao nhiêu cũng được. Những con hẻm nhỏ hẹp
với dây điện mảnh giăng từ nhà này sang nhà khác ấy đều dẫn ra biển xanh óng
trong nắng mặt trời. Cảnh mùa thu Địa Trung Hải giản dị mà tươi đẹp biết bao!

Tôi sẽ
nhớ mãi những ngày nghỉ thanh thản vô tư lự trên hòn đảo lặng lẽ này, những
ngày nằm dài lười biếng hát nghêu ngao nhạc của Red Hot Chili Peppers, đọc sách,
chơi ô số Sudoku hay chỉ nhìn trời nước trải dài trước mặt, không nghĩ ngợi gì.
Có khi tôi phụ ba mẹ Daniel ướp bia vào thịt xiên que nướng barbecue trên lò
than, hay xắt rau củ xếp bên dưới cá trước khi bỏ lò cho những chất ngon ngọt
trong cá tươi thấm vào rau củ. Có khi tôi cùng cả nhà đi chợ, mua đồ linh tinh
lặt vặt của những người bán hàng rong. Có khi chúng tôi lại đi đến những bãi
biển vắng người đẹp như tranh với vách núi dốc đứng và hang biển, ngồi nhâm nhi
cá trích nướng trong một quán ăn sát bờ hoa giấy nở đỏ rồi xuống bơi trong làn
nước mát lạnh. Nhà chỉ dùng năng lượng mặt trời nên những ngày trời không nắng
buổi tối cũng không có điện nốt. Tôi rất thích những buổi tối không điện ấy,
được thắp lên những cây nến làm bằng sáp ong vàng thơm ngọt dìu dịu lan tỏa
không gian. Ánh nến loang trong nhà làm tôi nhớ lại những năm 80 ở Việt Nam,
khi khu nhà chúng tôi ở quê chưa có điện, buổi tối ba tôi thường lấy hai bàn
tay đan lại thành hình con thỏ, con sói in bóng trên vách tường trò chuyện với
nhau như một vở múa rối cho tôi vui.

Tôi đã
không giữ được lời hứa chỉ ăn và ngủ, không viết bài, không chụp hình, không
làm gì hết trong những ngày qua thật nhanh ở đảo Evia. Đơn giản chỉ tương tự
như khi xem được cuốn phim thật hay bạn khó có thể không muốn giới thiệu cho
bạn thân mình, và nếu người kia nhất định không xem bạn sẽ thấy bứt rứt khó
yên. Bởi vậy, làm sao tôi không viết về mùi thơm dễ chịu của những lùm cây
ôliu, cỏ xạ hương, búi cây dẻ và những luống mạch nha rì rào, về tiếng gà gáy
trưa trên phố biển êm đềm với những chậu hoa phong lữ đỏ, hay về ngôi nhà bạn
tôi quét vôi trắng xóa trên đồi nhìn xuống Địa Trung Hải biếc xanh?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3