Kỳ tích Chi Lăng - Chương 01 - 04
1 – NÚI PHƯỢNG HOÀNG
Về
phía đông của quảng trường Đồng Định, ngay sau kỳ đài, có một quả núi đá độc lập,
vươn cao. Quả núi giống hệt một con phượng hoàng khổng lồ, đầu vươn cao kiêu
hãnh, ngực căng tràn sức trẻ, hai cánh xòe ra như ôm lấy cả quảng trường. Phượng
hoàng đang ở thế sắp vỗ cánh vút lên trời cao.
Ôi,
nếu bạn, ngay bây giờ càng quý, chỉ một lần và chỉ một lần thôi, bạn nhìn thấy
con phượng hoàng đang ở thế sắp tung cánh vút lên trời cao với tất cả sức mạnh
của lòng tự tin và niềm kiêu hãnh, bạn sẽ tự trả lời được bao nhiêu điều về cội
nguồn sức mạnh của dân tộc ta mà lịch sử oanh liệt bốn ngàn năm đang đặt ra để
lý giải.
Hình
ảnh kỳ vĩ của con phượng hoàng cứ như ngọn lửa đốt cháy trong tim ta niềm khao
khát cống hiến cuộc đời mình một cách ý nghĩa nhất cho Đảng, cho nhân dân và tổ
quốc Việt Nam yêu quý.
Tương
truyền rằng: Ngày xưa, núi Phượng Hoàng, về hình dạng, cỏ cây, hoa lá cũng bình
thường như trăm, nghìn ngọn núi khác của Chi Lăng mà thôi. Chỉ có một điểm
riêng là trên đỉnh núi này có tổ của loài chim quý phượng hoàng. Theo tục lệ địa
phương thì loại chim này là niềm tự hào của các dân tộc vùng này. Bởi lẽ, phượng
hoàng chỉ xây tổ ở những mảnh đất thiêng, đất lành, đất làm nên nghiệp lớn. Vì
vậy, phượng hoàng được đồng bào bảo vệ hết sức chu đáo: cấm bắn, cấm phá tổ
chim phượng. Ai vi phạm, bị xử tội nặng, kể cả chết. Hình chim phượng hoàng được
vẽ ở đền thờ, miếu mạo những người có công với dân với nước. Phượng hoàng còn
tượng trưng cho sức mạnh người miền núi. Bởi thế đời nọ đã truyền sang đời kia
câu sấm: “Phượng đi hay Phượng đã về”. Nguyên do như sau: Trải qua bốn ngàn năm
thăng trầm của đất nước, những lúc bị rên xiết dưới ách thống trị ngoại xâm,
chim Phượng bay đi biệt tăm, không thấy bóng dáng một con nào trên núi cả. Lòng
người dân miền núi cũng tối như đêm mất nước, lại đau nỗi đau vắng đàn chim phượng.
Đêm đêm, trong rừng sâu, dưới trăng mờ, họ bí mật mài gươm đến mòn cả núi đá,
chờ thời cơ đền nợ nước, đón chim phượng trở về núi cao.
Đường
gươm, mũi giáo chói ngời chiến công của những nghĩa sĩ dân binh là tiếng gọi
“phượng về” thần diệu nhất. Phượng hoàng lại dang rộng đôi cánh trên bầu trời tự
do của ông cha. Tiếng chim chẳng khác gì khúc khải hoàn làm rộn rã lòng người.
Thời
nước ta bị nhà Đường thống trị, năm 686, tên quan đô hộ khét tiếng tàn ác Lưu
Diên Hựu, trên đường đi kinh lý qua đây, thấy một đàn chim phượng hoàng đang
dang cánh lượn tròn trên đỉnh núi rồi hạ cánh xuống đỉnh núi cao. Rất lạ là,
sau thất bại của cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng, chim phượng hoàng
đã biến mất, tự nhiên hôm ấy lại bay về như chọc tức viên đô hộ đi qua. Lưu
Diên Hựu thấy cảnh đó, uất tím mắt, nói với các tì tướng đi theo:
- Không thể để chim phượng hoàng xây tổ
trên núi này được vì đó là mối họa đối với thiên triều, đối với mệnh ta đang ngồi
cai trị đất này. - Và hắn đã giương
cung, giận dữ quát lớn. - Các ngươi muốn sống, hãy giết hết bầy phượng hoàng quỷ
quái kia đi để trừ hiểm họa sau này.
Chúng
buông cung, hàng loạt mũi tên độc ác lao vào đàn chim phượng đang đậu trên đỉnh
núi. Nhưng kìa, chim quý của ta đã tung cánh bay mất rồi. Bọn chúng uất tím ruột,
bỏ đi.
Đêm
ấy, núi rừng xao động hẳn lên bởi tiếng chim phượng hoàng kêu xé lòng xé ruột
trên đỉnh núi. Già bản đã cử hai chàng trai khỏe nhất, leo núi lên xem. Thì ra,
con chim phượng hoàng đầu đàn đã bị một mũi tên độc địa cắm vào cánh phải. Hai
chàng trai soi đèn, rút mũi tên, lấy lá thuốc dịt vết thương cho chim. Chim quý
nghiêng đầu nhỏ hai giọt nước mắt lấp lánh như kim cương trong ánh đèn săn mờ ảo.
Chim nén đau, không kêu xé lòng nữa. Chim thiêm thiếp ngủ. Hai chàng trai yên
tâm xuống núi thưa lại với già làng. Già làng lại cử họ mang thức ăn lên nuôi
chim bị thương. Lần này trèo lên đến nơi, họ kinh ngạc, thấy chim đã hóa đá
trên đỉnh núi cao. Và thế là phượng hoàng yêu quý sẽ mãi mãi ở lại trên đất này
với người dân xứ này.
Một
năm sau, năm 687, những nghĩa binh Tày – Nùng từ núi Phượng Hoàng vung giáo đứng
lên sát cánh cùng Lý Tự Tiên – Định Kiến, tiến quân về phá tan thành Tống Bình
(Hà Nội ngày nay) giết chết tên đô hộ Lưu Diên Hựu, mở ra một thời kỳ lịch sử mới,
thời kỳ lịch sử liên tục đấu tranh anh dũng giải phóng đất nước.
Phượng
Hoàng hóa đá mãi mãi đứng đó chứng kiến những sự tích anh hùng của nhân dân đất
này. Bụng Phượng Hoàng chứa được hàng ngàn quân mai phục, có thể bất ngờ gieo
kinh hoàng lên đầu quân xâm lược. Lông phượng hoàng hóa thành cỏ cây bịt mắt giặc,
khiến chúng không tài nào tìm ra và không thể nghi ngờ rằng Phượng Hoàng đang
giấu trong bụng mình hàng ngàn nghĩa binh mai phục.
Phượng
Hoàng cũng đã đứng đó kiêu hãnh trước hàng trăm tấn bom của giặc Mỹ giội xuống
đất này suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại vừa qua. Phượng Hoàng đã phóng lửa
thiêu rụi đàn ma Mỹ. Phượng Hoàng đã gìn giữ những tiếng hát trong sáng của trẻ
thơ, tiếng ru hời của những người mẹ Tày – Nùng trong đạn bom những tháng, năm
đánh giặc.
2 – MÃ YÊN SƠN
Chếch
về phía đông nam, cách núi Kỳ Lân phục chừng già nửa cây số, là một quả núi giống
hình yên ngựa. Con ngựa đứng chầu về phía nam trên lưng có nguyên cả một cỗ
yên, đó là Mã Yên sơn.
Thời
thuộc Đường, nhân dân miền xuôi cũng như miền núi bị bọn thống trị bóc lột và
đàn áp nặng nề. Bao nhiêu của quý nước ta đều đội nón ra đi vì cống nạp. Vì vậy,
những cuộc khởi nghĩa chống bọn đô hộ, giành quyền độc lập dân tộc bùng nổ khắp
nơi. Hồi ấy đồng bào Tày – Nùng ở đây đã nổi dậy khởi nghĩa với đội kỵ binh nổi
tiếng của mình. Các nghĩa sĩ kỵ binh cưỡi những con tuấn mã được huấn luyện hết
sức công phu, được trang bị những bộ yên cương bằng da thú rừng quý giá. Họ đã
nhiều lần làm cho bọn đô hộ khiếp đảm trước tài phi ngựa và bắn cung. Đoàn kỵ
binh ào đến đánh tan bọn thống trị, rồi lại biến mất, không để lại một dấu vết
gì.
Bọn
đô hộ uất lắm. Chúng đã nhiều lần mai phục định bắt sống cho được một nghĩa
binh nhưng không sao làm được. Đã có lần chúng bắn trúng tim một kỵ sĩ, tưởng
nghĩa sĩ ngã vật xuống… nhưng không, người nghĩa sĩ đã nằm phủ phục trên yên
như dính liền thân ngựa. Và trong nháy mắt, con tuấn mã đã khôn ngoan, lao vút
vào rừng đêm mang theo người tử sĩ vẫn dính chặt trên yên.
Bọn
thống trị hoảng sợ, đã lập miếu tế thần, cầu mong phù hộ cho chúng và làm hại
ta, bởi chúng cho rằng những kỵ sĩ tài giỏi kia sở dĩ chết không bao giờ ngã ngựa
là nhờ có cỗ yên cương linh thiêng ấy.
Cho
đến một hôm, một đoàn người ngựa đi kín đường, dài hàng chục dặm, hò hét om
sòm. Đó là đoàn quân đô hộ đi áp tải đoàn dân phu của ta gánh vàng, bạc, châu
báu sang cống nạp “Thiên triều”.
Đến
đất này, chúng có ý kiểm soát gắt gao hơn nhưng bất chấp quân địch đông và mạnh
gấp bội, đoàn kỵ sĩ của ta dũng mãnh xông ra đánh địch, cứu được tất cả của cải,
dân phu đất nước. Trong trận này bên ta có một nghĩa sĩ bị tử thương, con tuấn
mã quỵ cả bốn vó. Bầy giặc xô đến lôi chàng kỵ sĩ xuống nhưng đã bị tuấn mã lồng
lên cắn vào cổ. Chúng điên cuồng chém cụt đầu con tuấn mã, rồi hè nhau lột bằng
được bộ yên cương quý giá và linh thiêng kia. Tuy vậy chúng không tài nào nhấc
nổi bộ yên cương kỳ lạ đó. Bộ yên cương đã dính liền vào lưng ngựa. Chúng thất
vọng bỏ đi. Đêm ấy, con tuấn mã trung thành và bộ yên cương quý giá đã hóa đá.
Đầu con tuấn mã bị lìa khỏi cổ nhưng từ trong hố mắt đã trào ra hai giọt nước mắt
long lanh, giọt nước mắt trung thành đầy thương cảm đối với người chủ đã tử
thương và biến thành giếng Mã Yên sơn trong mát quanh năm, không bao giờ cạn.
3 – HANG THÁI ĐỨC
Năm
979, Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng mới 6 tuổi, được
lập lên làm vua. Các thế lực phong kiến thù địch ở trong và ngoài nước lại thừa
dịp này âm mưu lật đổ và thôn tính. Ở Trung Quốc, nhà Tống, sau khi thống nhất
được quốc gia đã trở thành một nhà nước phong kiến cường thịnh nhất ở châu Á
đương thời, tự cho mình là “thiên triều” có quyền thống trị tất cả các dân tộc.
Nhân sự suy yếu của triều đình nhà Đinh, nhà Tống đã phát động chiến tranh xâm
lược nước ta.
Vận
mệnh của dân tộc ta đang bị nạn ngoại xâm đe dọa nghiêm trọng.
Chính
quyền độc lập tự chủ còn non trẻ đã phải đứng trước một thử thách vô cùng lớn
lao. Vua Đinh còn ít tuổi, chưa đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo cuộc kháng
chiến.
Vì
sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, quân sĩ và một số quan lại liền suy tôn Lê
Hoàn lên làm vua. Lê Hoàn là một người có uy tín trong triều. Lúc đó ông đang
giữ chức Thập Đạo Tướng quân tức là tổng chỉ huy quân đội.
Ngay
sau khi lên ngôi lập triều tiền Lê, Lê Hoàn lập tức lên ngựa cùng những người
thân tín của mình đi kinh lý khắp vùng biên giới và những nơi xung yếu để chuẩn
bị chống trả, và bảo vệ Tổ quốc. Việc đầu tiên là xây dựng các cửa ải chặn chân
quân giặc. Năm 981 – mùa đông – một buổi chiều rét dữ dội, trên đường từ Mục
nam quan về kinh đô, sau khi đã chọn và xuống chiếu cho quân dân địa phương khẩn
cấp xây dựng 8 cửa ải để chặn bước quân giặc mà Lê Hoàn vẫn chưa chịu dừng chân
nghỉ ngơi lấy sức. Các tướng sĩ đi bên ông cũng lấy làm lạ nhưng không ai dám hỏi.
Vua tôi khởi hành ở Mục nam quan từ canh tư (gà gáy lần thứ nhất) qua hơn 30 dặm
đường trèo đèo lội suối, người, ngựa, vừa đói vừa khát, mỏi mệt rã rời mà nhà
vua vẫn chưa hạ lệnh dừng chân.
Các
tướng sĩ thấy đôi mắt sáng rực của nhà vua vẫn phóng xa về phía trước, khuôn mặt
đăm chiêu vẫn ngẩng cao trên mình ngựa, dây cương gò chặt trong bàn tay to lớn
của ông. Họ biết đến chỗ dừng chân còn dài. Cửa ải thứ 9 mà nhà vua đã định, chắc
còn xa.
Mặt
trời xuống dần, lơ lửng treo đầu ngọn núi phía xa. Sương lam đã tỏa mờ khe núi.
Lo cho sức khỏe của tướng quân, một cận thần nhắc nhở:
-
Tâu bệ hạ, trời sắp tối, khí núi chiều tà, e hại đến mình vua, xin bệ hạ cho dừng
chân giữ sức.
-
Không sao! Không sao! Chớ lo cho trẫm. Các khanh, chắc các khanh mệt lắm phải
không? Gắng lên, gắng chút nữa, sắp tới rồi!
-
Tâu bệ hạ, nơi đó chắc địa hình hiểm trở lắm?
-
Sẽ là nơi giặc vào như bè xuôi thác, giặc ra như cá mắc hom. Nơi ấy phải là nơi
sinh ra những người lính trấn ải làm rạng rỡ tổ tiên, sáng danh đất nước, những
người không chỉ biết đan đó, bỏ hom mà còn biết đón dòng bắt cá.
Và
vua mỉm cười thúc ngựa vượt lên.
Đi
thêm được năm dặm đường thì đến một địa điểm mà cảnh vật rất lạ.
Hình
như sông núi hẹn nhau hội ngộ ở đây và cũng từ đấy lại tỏa ra mọi miền đất nước.
Hai bên là núi đá cao, vách dựng đứng, giữa là dòng sông chảy xiết trong lòng
nước lô nhô những mỏm đá nhọn hoắt như những mũi gươm. Đến một quả núi, ngựa của
Lê Hoàn bỗng dừng lại, con tuấn mã quay ngang người, cái đầu ngẩng cao, hướng
lên đỉnh núi, vó trước cào cào trên mặt đất rồi hí từng hồi dài khủng khiếp.
Nhà
vua xuống ngựa, nhanh nhẹn trèo qua từng mỏm đá đi lên. Cả đoàn tùy tùng cùng vội
vã xuống ngựa theo ông. Vách đá cheo leo, có đoạn đầu gối chấm cằm. Theo một lối
hình chữ Chi dài chừng một phần ba dặm, cao năm mươi trượng, vua đến một cái
hang đá tuyệt đẹp, lối vào to bằng con trâu nghé, càng vào trong càng rộng mãi
ra, ngách ngang, ngách dọc chéo nhau như bàn cờ.
Những
cột thạch nhũ ánh lên lấp loáng những sắc màu mới rực rỡ làm sao. Những phiến
đá nhẵn lì như mặt ghế.
Sau
khi xem xét kỹ từng ngách đá, Lê Hoàn trở ra đứng trên cửa hang, quan sát địa
hình trên núi. Bộ râu hùm của ông rung rinh sau làn gió lạnh, và đôi mắt phượng
ánh lên nụ cười mãn nguyện. Ông truyền lệnh hạ trại.
Dưới
chân núi, một đoàn người ngựa khăn áo chỉnh tề đang quay quanh đoàn kỵ mã, đeo
cung tên, dao quắm. Lê Hoàn ngạc nhiên chỉ tay xuống đoàn người lạ, hỏi các tướng
sĩ:
-
Đoàn người kia đi đâu mà khăn áo xênh xang, lại có cả cung đao vậy?
Đúng
lúc đó, một người lính hớt hải từ chân núi chạy lên thưa:
-
Tâu bệ hạ! Có một đoàn bô lão người địa phương muốn đến yết kiến nhà vua.
-
Trẫm vui lòng hậu tiếp các bô lão.
Một
lát sau, mười cụ già râu, tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào đã thoăn thoắt leo lên
triền núi như những chàng trai. Những bộ xiêm áo màu chàm đằm thắm như quyện lấy
lá rừng trong khói lam chiều huyền ảo.
Nhà
vua tươi cười ra đáp lễ mừng bô lão. Giọng nói vang như trống đồng của Lê Hoàn
vui vẻ cất lên đầy cảm tình:
-
Xin đa tạ các bô lão. Sao các bô lão biết trẫm ở đây mà cùng nhau đến thăm?
Một
cụ già to khỏe chắp tay cung kính thưa:
-
Tâu bệ hạ! Được biết bệ hạ đi kinh lý vùng biên cương, định ải chống giặc, các
thần dân trộm nghĩ: suốt từ Móng Cái qua châu Quảng Yên về đến đây, cản giặc
lúc mạnh diệt giặc lúc suy, không nơi nào lợi thế bằng ở đất này, bởi vậy chúng
tôi nóng lòng đợi nhà vua đã mấy tuần trăng nay.
Lê
Hoàn gật đầu khen phải và cười vang. Đúng lúc đó, một mũi tên bất ngờ không biết
từ đâu cắm phập vào búi tó từ sau ót ông già. Nhà vua đổi sắc mặt hỏi:
-
Tên từ đâu bắn tới?
Ông
già điềm tĩnh thong thả đưa cánh tay ra sau gáy, rút mũi tên:
-
Tâu bệ hạ, anh em từ núi bên bắn sang.
-
Tại sao họ lại bắn càn làm vậy?
-
Bẩm không ạ! Họ bắn tên báo hiệu cơm chiều đã làm xong, xin mời nhà vua và các
tướng sĩ hạ cố cùng uống với chúng tôi một chén rượu nhạt, ăn lưng cơm bắp với
rau rừng, để cho vui lòng người dân miền ngược. - Nói vậy, rồi ông già nhanh nhẹn
giương cung bắn một mũi tên lao vút sang đám người lố nhố phía bên kia sông.
Lê
Hoàn vỡ lẽ, cười ha hả và vui vẻ nhận lời. Ông say sưa hỏi các bô lão:
-
Từ đây sang đó vừa đúng một tầm tên?
-
Tâu bệ hạ, còn non một tầm tên, tên bắn đến đây còn căng lắm.
Nhà
vua vỗ đùi khoái trá:
-
Thế thì hay lắm.
Đúng
lúc đó, một đoàn trai tráng người địa phương nai nịt chỉnh tề, từ trên núi, đội
những mâm cơm thịnh soạn đưa lên. Mùi nếp nương quyện với mùi thịt nai nướng,
gan sơn dương xào, nem công độn măng chua, lạc rang, bốc lên thơm phức.
Đêm
ấy, ở cửa một hang đá vô danh, đuốc cháy sáng đêm, Lê Hoàn và các tướng sĩ đang
cùng trai tráng địa phương bàn kế chống giặc. Những chiến sĩ vô danh người Tày ấy
cách đây gần một ngàn năm đã cùng Lê Hoàn và quân dân cả nước chém chết tướng
giặc là Hầu Nhân Bảo, chặn đứng cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, giữ vững
nền độc lập non trẻ của nước nhà. Từ đó, cái hang đá vô danh kia đã đi vào lịch
sử như một chiến sĩ lập được công to, mang tên hang Thái Đức và cũng từ đó về
sau, các vua đời Lê, Lý, Trần, mỗi lần đi kinh lý phía Bắc đều dừng lại nghỉ
ngơi luận bàn việc nước ở đây: Hang Thái Đức trên đầu núi Quỉ.
4 – NÚI VUA NGỰ
Đến
Chi Lăng, nếu bạn chưa có dịp leo lên đỉnh Bảo Đài Sơn ngắm phong cảnh hùng vĩ
của cả vùng núi non sông nước muôn trùng xin hãy gắng mà leo lên núi Vua Ngự.
Đường Thượng Sơn phía tây, sau làng Khuôn Áng, xã Quang Lang, đường Hạ Sơn phía
đông thuộc xã Quan Sơn, mỗi bậc lên, xuống còn in đậm dấu tích ông cha xưa qua
nghệ thuật xếp đá mà ngót ngàn năm phong hóa và xâm thực của mưa gió vẫn “trơ
như đá, vững như đồng”. Mùa thu, đi theo dấu tích của người xưa, ta lên đến đỉnh
núi cao bằng phẳng, chói lòa ánh nắng, nơi có bệ vua ngồi, có dấu tích của cái
chảo vàng, mười hai quai kỳ lạ… Đứng ở đây, hướng mặt về phía tây, ta nhìn được
rõ mồn một toàn cảnh trận đồ Chi Lăng như trong lòng bàn tay. Một dãy núi đá chạy
tít về tận Bắc Sơn, dưới chân núi đá là thượng nguồn sông Thương, như con trăn
bạc khổng lồ trườn qua núi, đồi, nương rẫy, uốn khúc quanh co chạy về phía Nam.
Nối tiếp với đỉnh núi Vua Ngự là núi tiếp núi, rừng tiếp rừng qua những khe dọc,
suối sâu, đèo cao chạy dài từ Bắc xuống Nam, sau lưng là bạt ngàn rừng già gỗ
quý. Cả trận đồ Chi Lăng hiện ra giữa một bên là dãy núi đá trầm mặc uy nghiêm ở
phía tây và một bên là núi đất cao với rừng đại ngàn xạc xào cây lá… Phong cảnh
hùng vĩ của một vùng đất nổi tiếng sử xanh này dẫn ta đi ngược thời gian về với
xa xưa qua câu chuyện kể kỳ thú sau:
Ấy
là sau một đêm ghi nhớ, tại hang Thái Đức, Lê Hoàn đã thức trắng đêm cùng các
tướng sĩ tùy tùng bàn bạc với các bô lão và tù trưởng trong vùng bàn mưu kế xây
ải Chi Lăng chống giặc.
Lê
Hoàn say mê bàn việc nước đến nỗi sáng lúc nào mà không biết, khi đằng đông,
chân trời đã ửng đỏ, Lê Hoàn còn một nỗi băn khoăn là phải tìm được ngọn núi
nào thuận lợi nhất có thể bao quát được toàn cảnh trận đồ Chi Lăng thì mới yên
lòng. Các cụ bô lão trong vùng biết điều đó, nhưng lo cho nhà vua lâu nay đã
rong ruổi trên đường dài biên cương tìm kế chống giặc giữ nước, đêm qua lại thức
trắng, lấy sức đâu mà đi. Vì vậy, các cụ kiên quyết mời vua nghỉ lấy sức ngày
mai lên núi cũng chưa muộn. Lê Hoàn mỉm cười hồn hậu, nói:
-
Giặc có bao giờ chờ cho ta và các ngươi nghỉ lấy sức rồi mới động binh xâm chiếm
nước ta đâu!
Lời
nói của Lê Hoàn có sức mạnh thuyết phục mạnh đến nỗi các bô lão lại cùng nhà
vua vui vẻ lên đường.
Từ
đó đỉnh núi không tên này đã đi vào lịch sử: Núi Vua Ngự. Đêm ấy, vua tôi hạ trại
tại đỉnh núi này bày mưu chống giặc.
Thấy
một hồ nước nhỏ, trong vắt trên núi cao, Lê Hoàn vui sướng reo lên:
-
Đây không chỉ là nơi đặt vọng gác tiền tiêu tốt mà còn là hậu cứ tiếp tế cho
quân ta đánh tập hậu không nơi nào bằng. Lương thảo chuyển lên lại không khó bằng
đồ nấu ăn cho sĩ tốt.
Đầu
canh tư đêm ấy, vua tôi đang thiu thiu ngủ thì có một ông già râu tóc bạc phơ,
chống gậy trúc đốt lửa bằng gỗ hoàng đàn thơm phức, dẫn đường cho hai lực sĩ lặc
lè khiêng một chiếc chảo to, có mười hai quai đến yết kiến và xin dâng lên nhà
vua chiếc chảo nuôi quân “nấu một lần ăn mười bữa” ăn đến đâu, cơm lại đầy đến
đấy.
Lê
Hoàn vui sướng reo lên:
-
Xin đa tạ lão trượng – Chảo này có lẽ là nồi Thạch Sanh tái sinh chăng?...
Chưa
nói hết câu, ông già và hai chàng trai đã biến mất vào rừng sâu ào ào gió dông,
chỉ còn lại chiếc chảo quý mười hai quai đang chìm dần vào trong lòng núi, cơ hồ
cũng sắp biến mất như chủ của nó chăng?
Nhà
vua bước nhanh đến chiếc chảo lạ lúc đó đã chìm sâu hai phần, sờ vào quai chảo
mà nói:
-
Ta chưa kịp tạ ơn hạnh ngộ, người đã định đi sao? Tức thì chiếc chảo lạ xoay
tít một vòng như chào vua và dừng lại, hai phần chìm, một phần nổi.
Chiếc
chảo đó đã góp phần quan trọng trong việc nuôi quân ăn no đánh thắng quân thù
xâm lược.
Tan
giặc, các tướng sĩ và bô lão trong vùng dâng kế lên nhà vua xin đem chiếc chảo
quý về kinh đô Hoa Lư cho bàn dân thiên hạ được cùng chiêm ngưỡng. Nhưng lạ
thay, chiếc chảo nuôi quân hóa thành vàng bám chặt vào lòng núi, bao nhiêu lực
sĩ xúm vào kéo lên, chiếc chảo vẫn không hề nhúc nhích. Biết chuyện là này, vua
hạ chiếu ban xuống cho dân vùng biên thùy:
Ai
có công sinh ra, nuôi dưỡng được mười hai người con trai, cả mười hai người đều
đã lập công giết giặc trong thời gian vừa qua, người mẹ và mười hai người con ấy,
được hưởng chiếc chảo lạ mười hai quai hóa vàng này và hãy nhớ một điều: chỉ
riêng người mẹ ấy mới có quyền chia của báu ấy cho các con.
Người
ta đã tìm ra được một người mẹ biên thùy có mười hai người con dũng lược.
Hôm
mẹ dẫn mười hai người con trai có công lên đỉnh núi Vua Ngự lấy chảo vàng mười
hai quai là ngày hội của cả vùng biên thùy. Dân chúng đã mang đến núi Vua Ngự đủ
mọi của ngon vật quý chúc mừng mẹ con bà.
Trước
lúc 12 người con của bà mẹ phúc đức kia bắt tay vào khiêng chiếc chảo quý, đã
có không biết bao nhiêu tốp lực sĩ xúm vào dùng hết sức nâng chiếc chảo vàng
lên nhưng vô hiệu, chiếc chảo vàng vẫn nằm đó như thách thức sức mạnh của các
chàng trai nổi danh lực sĩ có võ nghệ cao cường.
Cuối
cùng người mẹ mỉm cười bước vào, gọi chàng con cả rồi con thứ hai, thứ ba, thứ
tư… thứ mười hai, mỗi chàng nắm chắc một quai chảo. Mẹ hô:
-
Dô! Ta nào…
Tức
thì chiếc chảo từ từ dâng lên chói lọi dưới ánh mặt trời, giữa tiếng hò reo
vang dậy của bàn dân thiên hạ.
Chiếc
chảo vàng vừa đặt trên mặt đất thì việc bàn cãi giữa mười hai anh em nổ ra. Người
anh cả đòi mẹ chia cho phần nhiều nhất, người con thứ hai đòi mẹ chia cho phần
ít hơn anh một tẹo, người con thứ ba đòi chia ra mười một phần bằng nhau, còn
phần ít nhất dành cho đứa em nuôi…
Mười
anh em cho là phải, nhưng anh cả thì khăng khăng không chịu…
Người
mẹ khuyên:
- Các
con, con nuôi hay con đẻ cũng cùng chung một dòng sữa mẹ, cũng đều hưởng lộc
vua, ăn cơm dân, mặc áo nước.
Nhưng
mười một người con, không vâng lời mẹ, họ cãi nhau có nguy cơ xô xát… Người con
nuôi tách ra, trước bàn dân thiên hạ, đã quỳ xuống trước mặt người mẹ nuôi tạ
ơn và xin nhường phần mình cho các anh các em…
Người
con trai nuôi hào hiệp nói chưa dứt lời thì một đám mây đen bất ngờ kéo đến phủ
kín núi rừng, sấm chớp, mưa gió bất thần nổi lên…
Một
loáng sau trời quang, mây tạnh, nhưng chiếc chảo vàng mười hai quai đã biến mất
từ lúc nào chẳng biết trước sự kinh ngạc của mọi người.