Em Là Để Yêu - Chương 10
Trái tim lang thang
“Người
con gái sợ nỗi cô đơn, vội vã đi tìm giấc mơ...”
“Thành
thực mà nói, tôi không tin có thứ gọi là cao thượng tuyệt đối trong tình yêu.
Có
bao giờ bạn cảm thấy trái tim mình giống một cái túi xách lớn, to chắc và khỏe
mạnh đến nỗi có thể chứa nguyên cái chợ ồn ào buổi sáng nhưng thực ra nó lại rỗng,
thực sự trống rỗng hay chưa?”
Hai
mươi bốn giờ trước ngày cưới, tôi thú thật với Khang:
“Lúc
ở Paris, em đã có nhân tình.”
Phải
là hai mươi bốn giờ trước ngày cưới để anh ấy còn có thể phân vân! Phải dùng từ nhân
tình để anh ấy hiểu, anh ấy mới là người chiến thắng! Ngay
cả khi quyết định thành thật, xưng tội, nhận lỗi hay bất kỳ hành động nào đại
loại thế, người ta đều phải tính toán.
Tính
toán để chính bản thân được thanh thản.
Tính
toán để xác suất được thứ tha là cao nhất.
Tính
toán để đôi lúc dùng một số lời nói dối che đậy cho một lời nói dối đã cũ xưa.
***
Mùa
xuân năm đó, Paris mưa suốt một tuần liền. Những đường chuyển tiếp
tàu điện ngầm vốn tợp tạp nay lại càng nhớp nháp và sồng sộc thứ mùi ẩm thấp lờm
lợm. Người ta hối hả cắm cúi đi, người ta chửi rủa thứ mưa lê thê như muốn trốc
mòn cả cái tháp Eiffel, người ta vung vẩy dù văng nước tung toé, người ta thỉnh
thoảng ép chặt nhau trên thang cuốn, người ta đang sống ở kinh đô văn hoá thế
giới.
Mỗi
tuần tôi đi làm vài ngày ở một nhà hàng Trung Quốc gần Khải Hoàn Môn, nghe
khách du lịch hớn hở và tấm tắc. Rồi đến đêm khi bắt chuyến tàu cuối về St
Denis, rúm ró và sợ hãi giữa mùi mồ hôi dầu, thứ tiếng Pháp biến âm vun vút và
giọng cười hú hét the thé của đám thanh niên chưa đầy mười tám.
Paris,
chiếc áo hoàng kim phủ lên tấm thân chốc ghẻ.
Paris,
ánh sáng của Eiffel rực rỡ hàng đêm không đủ để soi sáng đến từng ngõ ngách tối
tăm.
Paris,
thành phố của không ít những kẻ sĩ thẩn thơ tự xưng ta đây quân tử, cùng tâng bốc
nhau, cùng “cám cảnh” sao thiên hạ này không ai hiểu thấu.
Tôi
lầm lũi và đơn độc ở đó. Lạc lõng. Thất thểu. Bất cần. Sợ hãi. Nhớ nhung. Miệt
mài đến trường, miệt mài vẽ, miệt mài kiếm sống, miệt mài níu giữ tình yêu bằng
lời hứa, bằng những hy vọng được vun đắp chung qua email và những tin nhắn đầy ắp
nụ hôn.
Trong
những ngày quẩn quanh giữa đường truyền ADSL, tôi đã gặp chàng “nhân tình” của
mình, sừng sững, tự nhiên và choáng ngợp.
Cao,
mắt một mí, kính trắng, xoè ra mảnh khăn giấy mùi oải hương ngai i và xì xồ một
tràng những ô xô nô gì đó khi tôi vừa lao sầm sập vào mái hiên để trú mưa. Tôi
cầm lấy mảnh khăn và lơ đễnh ngó quảng trường nhấp nhô những cái nấm độc chuyển
động.
Năm
phút trôi qua. Mắt một mí kéo tay áo tôi và tiếp tục ô xô ha ki nô. Tôi đưa trả
mảnh khăn giấy đã nhàu nhĩ ẩm và bảo tôi là người Việt Nam nên chẳng
hiểu anh ta đang nói gì. Rồi lặng lẽ hoà mình vào trận trút xả không ngừng của
đất trời. Mắt một mí gọi với theo:
-
Tên gì thế?
Tôi
vẫn lùi lũi đi. Mắt một mí sải chân theo cạnh lì lợm.
-
Này, tên gì?
Tôi
ngước mắt nhìn chằm chặp. Mưa ôm chầm lấy chúng tôi.
-
Biến đi không tôi gọi cảnh sát đấy!
-
Tự nhiên! Nhưng mà cái này cô làm rơi.
Mắt
một mí đưa tôi tờ giấy vẽ ghi chằng chịt tên Khang trên đó.
-
Cảm... ơn anh! Tôi lúng túng.
-
Không có gì. Biết tận dụng triệt để cảnh sát thế là tốt!
-
Tên Lam. Còn anh?
-
Hyesung.
Chúng
tôi trẻ. Chúng tôi sống ở đất nước được mệnh danh là lãng mạn nhất thế giới.
Chúng tôi biết tình yêu luôn quanh quẩn khắp nơi đây. Ở Luxembourg, ở Invalide,
ở quận 13, ở Evry, ở Créteil, và ở cả St Denis.
Nhưng
tôi không giống cô nhân vật của Bretécher, ngồi trên băng ghế với tấm bảng “Em
cần tình yêu” quấn quanh cổ, hai hàng lệ tuôn dài. Và Hyesung cũng không phải
là người đàn ông mặc áo đo may Old England, sẵn sàng chạy theo người phụ nữ sướt
qua ở Saint-Germain-des-Prés trong truyện của Anna Gavalda (mặc dù là chúng tôi
đọc đi dọc lại quyển Tôi muốn được đợi chờ đâu đó nhiều lần liền,
trong một góc nhỏ bất chợt nào đó chúng tôi tình cờ phát hiện ra). Chúng tôi chỉ
đơn giản cảm thấy nhẹ lòng, cảm thấy sự lặng thinh lang thang của bản thân có
thể chia sẻ cùng ai.
-
Hyesung mời em đi ăn tối đi chứ!
-
Tại sao?
-
Tại em muốn nghe một lý do để chấp nhận lời mời.
Hyesung
cười. Đầu hơi cúi và nghiêng nghiêng sang trái. Bất kể lúc nào thích thú, anh ấy
cũng cười như thế. Có cái gì đó rất điềm tĩnh và hiền lành, như
sông Seine tháng Bảy.
Anh
ấy đột ngột đứng dậy, bỏ đi đâu đó chừng vài phút rồi quay lại.
-
Tôi tự hỏi không biết cô có bằng lòng đi ăn tối với tôi không?
Tôi
thoáng ngạc nhiên vì Hyesung bắt chước y hệt lời thoại trong truyện.
-
Có hơi nhanh quá không?
-
Nhanh thật! Nhưng khi nhìn thấy cô đi xa tôi tự nhủ đấy nhé một cô gái đẹp đi
ngang qua mày, cười với mày, sướt nhẹ qua mày và rồi mày sẽ mất cô ấy vĩnh viễn.
Có ngu ngốc và phi lý quá không?
Tôi
gập ngang người vì cười, vẻ mặt thành thực đến khó tin của Hyesungnao núng một
khoảnh khắc.
Anh
ấy ngồi bệt xuống cạnh tôi.
-
Anh sẽ không cầm tay em đặt lên má anh và bảo là vì hẹn ăn tối với em nên mới cạo
râu đâu4.
Thứ nhất anh chẳng có râu đến mức ấy, thứ hai thì anh chỉ có thể gói bibimbap
cho em thôi.”
[4]
Nhân vật nam và nữ đi ngang qua nhau ở bến tàu điện ngầm Saint-Germain-Des
Pres. Nhân vật nam quay lại đuổi theo mời cô gái ăn tối. Khi cô ấy yêu cầu một
lý do để chấp thuận, anh ta đã nắm tay cô gái đặt lên má mình bảo là: “Làm ơn
hãy đồng ý đi ăn tối với anh, để anh có thể có cớ mà cạo râu.”
Chúng
tôi trẻ. Chúng tôi ngồi so le nhau trên bậc thềm đá, đầu Hyesung nằm gối nhẹ
lên chân tôi. Mùa xuân. Hoa lê nở trắng. Không gian rất nhẹ. Nhịp thở rất êm.
Hình như không phải mối quan hệ vụng trộm nào cũng gấp gáp và vồ vập hết cả!
Hyesung
là một người mẫu chăm chỉ và nhẫn nại. Anh ấy có thể thân trần, ngồi yên ba tiếng
liền trong căn phòng lò sưởi quá già nua để đủ sưởi ấm giữa mùa đông mà không một
lời than vãn. Rồi chúng tôi uống ca cao nóng, ăn kim chi 1, 2 euros một hộp và
ngắm tuyết rơi qua ô cửa vuông duy nhất trong nhà. Hyesung làm mẫu, nhưng tôi
chưa bao giờ vẽ anh ấy. Những bức tranh luôn là cảnh mặt trời mọc, cảnh đồi gió
xanh. Mà anh ấy cũng chẳng thắc mắc. Chỉ vuốt má tôi rất êm. Như là đã hiểu
nhau từ muôn vàn kiếp trước.
Ngày
mùa đông đó, chúng tôi dựa lưng vào nhau và nói về Khang, về Hyorin xinh đẹp.
Anh
hỏi: “Với em, Khang giống gì?”
-
Giống một toà lâu đài. Tiện nghi, ấm áp, đầy đủ, an toàn nhưng đôi lúc bản thân
bị mất hút trong đó. Lạc đường và không biết phải bắt đầu từ đâu. - Tôi thành
thật thủ thỉ. - Còn Hyorin?
-
Hyorin à? Cô ấy giống một người phụ nữ.
-
Nghĩa là?
-
Là nhẫn nại, là đợi chờ, là giản dị, là ngoan ngoãn, là biết làm kim chi ngon.
Bất
giác tôi thấy trong lòng mình se lại. Nhưng Hyesung đã siết tay tôi thật chặt.
Em
đừng khóc!
-
Em không khóc. Chúng ta chỉ là
nhân tình. Hai kẻ nhân tình chưa từng ngủ với nhau.
Chúng tôi bâng khuâng. Tuyết đã phủ kín ô cửa vuông khiến
căn phòng trở nên tối mờ. Hyesung với tay thắp nến. Thắp lên một luồng ánh sáng
lập loè, ngả nghiêng, chao đảo.
Chúng tôi trẻ. Chúng tôi tham vọng và ước mơ những điều tốt
đẹp nhất. Chúng tôi kiêu hãnh sở hữu thứ người khác mong muốn, kiêu hãnh bước
đi giữa đám người xầm xì ghen tị. Chúng tôi tự nhủ mình phải có cái này, đạt được
cái kia, người yêu, người bạn đời sau này phải như thế này, phải như thế kia.
Và rồi chúng tôi đôi lúc mệt mỏi hoang mang. Nhưng tiếp tục tự nhủ: “Chúng tôi
trẻ nên chúng tôi phải...” và tiếp tục bước đi. Tình yêu là thứ thiêng liêng nhất
chúng tôi bỏ tâm sức vào. Nhưng phải lí trí, phải tính toán. Bởi vì chỉ khi trẻ
mới đủ can đảm mà nghĩ suy mà quyết thôi.
Đến mùa xuân mới thì Hyesung về nước. Tôi cũng lục đục học
xong. Chúng tôi chia tay nhau ở RER B nhộn nhạo người như muôn thuở. Hyesung ôm
tôi. Ôm rất chặt cô nhân tình của anh ấy. Đó là lần đầu tiên tôi cảm giác tất cả
mọi thứ xung quanh mình đang vùn vụt chuyển động rất nhanh. Chỉ có tôi là vẫn
còn lặng yên giữa hai luồng RER đang sầm sập chạy. Câu duy nhất mà tôi còn nhớ
rõ đó là lời hứa sẽ bỏ quên nhau!
Một lời hứa không bao giờ thực hiện được.
Dấu vết đôi khi là vĩnh viễn, phải không Hyesung?
Tôi gói ghém đồ đạc, gói ghém cả trái tim và tâm hồn để
trở về với Hà Nội thân yêu, và cả với Khang đang dang tay đón đợi.
***
Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt Khang, mơ hồ hình dung
trong mắt anh đang sóng sánh hung tàn.
“Trả lời một câu thôi!” - Khang nâng cằm tôi lên ngang tầm
mắt. Tôi biết Khang sẽ không quát tháo, không đùng đùng bỏ đi hay thậm chí tát
tôi thật mạnh. Nhưng vẫn hy vọng rất mong manh anh ấy tỏ ra là bản thân đang sục
sôi đến thế nào.
Không cần đợi tôi trả lời, Khang tiếp luôn:
- Khi hôn anh ta, em có nghĩ đến anh?
Liệu đó có phải là một cơ hội để được thứ tha?
Tôi bối rối thành thật.
- Em đã không thể nghĩ gì.
Khang đứng lên. Cao lớn.
- Anh đưa em về. Tối ngủ sớm mai còn làm cô dâu xinh đẹp.
Nhưng tôi đã không có một đám cưới nào. Tôi không đến. Có
lẽ thời điểm đó tôi vẫn còn đủ trẻ để cảm thấy rằng thỉnh thoảng ở vị trí của kẻ
được thứ tha cũng không hoàn toàn dễ chịu gì.