Trong cơn gió lốc - Chương 06
Chương sáu
1
Một chiếc GMC chở đầy ắp
những lính, đỗ xịch ngay trước cửa tiệm rượu Mắt Huyền. Bọn lính cười ré lên
rồi chen nhau, sầm sầm nhảy xuống. Chỉ một loáng, tiệm Mắt Huyền đã tối sầm lại,
nồng nặc mùi mồ hôi lính, ồn ã tiếng cười, tiếng nói.
Bà chủ quán tất tưởi, chạy ra
chạy vô. Rõ ràng là bà không sẵn sàng để đón đám khách ghê gớm này. Tiếng hò
hét gọi đồ nhậu cứ tới tấp dội lên như một đợt pháo phản kích.
- Cho rượu đế nghe bà chủ. La
de la diếc hổng có ăn nhằm chi với tụi Bạch Hổ này đâu nghen.
- Ê, bà chủ... Mắt Huyền đi
mô mà bà tiếp khách?
- Rượu đế mà hổng có Mắt
Huyền thì nhạt hoét!
- Anh Hai nói trúng bóc. Mắt
Huyền mô bà chủ? Đưa ra đây. Tụi này chỉ ngắm chơi chút xíu chứ có xài mất của
bà đâu?
Hố hố! Hí hí! Ha... ha... Bọn
lính ré lên cười như động kinh. Bà chủ quán nhẫn nhục phân trần:
- Dạ, thưa mấy cậu, cháu nó
đi cất hàng dưới Nha Trang chưa lên.
Một người lính mặt dài như
mặt ngựa gào lên:
- Dẹp đi thôi bà già! Tụi
giặc đỏ nó hổng biết uống rượu đâu nghen.
Bà chủ sửng sốt:
- Tôi mở tiệm... đặng phục vụ
mấy cậu, chứ đâu có tính...
- Tụi này cuốn gói đây. Bai...
cao nguyên! Hơ hơ! Rứa mà lại hay đó tụi bay. Khỏi lo đạp chông mắc thò của tụi
mọi, ớn thấy cha. Một người lính khác cởi trần trùng trục, ngực xăm đầy những
hình thù quái dị, rướn cổ gào lên một câu vọng cổ:
- ... Em ơi...! Từ đây hết
truông rừng truông bới... Nơi rừng xa rời rợi... chốn biên... ư ơ thùy...
Bà chủ quán lo lắng đến bên
bàn viên trung úy bận đồ bông đang nâng ly rượu lên nhấp môi từng chút một mắt
nhìn xa hút, đượm buồn.
- Dạ... xin lỗi ngài trung úy...
- Bà chủ cần chi? - Viên
trung úy ngẩng đầu lên hỏi.
- ... Dạ thưa... Nghe mấy cậu
lính nói thời dường như quân đội ta bỏ cao nguyên?
Viên trung úy nhếch mép cười
chua chát:
- Đâu có bỏ. Chúng tôi tùy
nghi di tản đó bà.
Bà chủ quán vẫn bồn chồn:
- Tùy nghi di tản... là cách
sao trung úy?
Anh lính vừa ca vọng cổ ậm è
nói với sang:
- Tùy nghi di tản nghĩa là...
mạnh ai nấy chạy chứ còn sao nữa.
Bà chủ quán thảng thốt kêu
lên:
- Đã tới nước đó rồi sao
trung úy?
Người sĩ quan gật đầu, xác
nhận:
- Rồi còn xấu hơn nữa bà ạ. Tốt
hơn hết là bà cũng nên tùy nghi di tản đi thôi. Ở đây rồi bọn đỏ vô nó lột xác.
Anh lính mặt ngựa chợt la
lên:
- Mắt Huyền mà rơi vô tay bọn
đỏ thì đi đứt! Chúng nó sống trong rừng hàng chục năm, thèm gái quá thèm phiến
đó.
Gương mặt bà chủ quán thoắt
tái đi. Hai tay bà dang ra phía trước rồi buông rũ xuống, vẻ tuyệt vọng. Giọng
bà rền rĩ:
- Trời ơi! Con gái tôi vẫn
chưa về thì đi cách sao? Cơ ngơi của tôi thế này...
Anh lính ca vọng cổ khoát
tay:
- Tiếc gì! Rồi Việt cộng sẽ
làm cỏ hết. Nếu không thì tụi này đi rồi ông Thiệu cũng sẽ cho máy bay quần nát.
Tiếc mà làm chi bà chủ? Mấy tay tư sản giàu sụ ở Công Tum còn bỏ cả đồn điền, xưởng
máy “dinh tê” nữa là!
Bà chủ quán khóc dở mếu dở
chạy vô nhà trong. Lát sau bà bê ra một vò rượu, đặt ịch giữa nhà:
- Mấy cậu uống đi cho đã... Tui
cũng chẳng thiết chi nữa. Cơ đồ tiêu tán rồi. Trời hỡi trời!...
Bà ngồi bệt bên vò rượu khóc
tu tu. Đám lính tự nhiên cũng im bặt. Nhiều người thở dài. Viên trung úy lặng
lẽ đứng dậy, đi ra ngoài đường, dáng đăm chiêu. Trên lộ 14, lính tráng và dân
chúng từ phía Công Tum kéo về nườm nượp. Chen trong những đoàn xe chở lính là
xe của các gia đình, chất ngất nghểu những giường tủ, máy may, xe đạp, Hon-đa, gà,
lợn... Dân Plây Cu đứng bên đường, nhớn nhác nhìn theo. Họ túm năm, tụm ba bàn
tán rồi chạy xuôi chạy ngược. Một vài gia đình cũng bắt đầu chắt đồ đạc lên xe
riêng. Gương mặt người nào cũng căng thẳng, phiền muộn.
Một người phế binh ngồi trên
chiếc xe lăn tay, dừng lại bên viên trung úy, khẽ hỏi:
- Trung úy từ Công Tum về
phải không?
Viên trung úy quay lại, khẽ
nhăn mặt, có lẽ định quát một câu gì đó nhưng chợt thấy trên ve áo của người
phế binh có ba bông mai và trên ngực xủng xoẻng một lô những thứ gọi là huân
chương, huy chương nên nhã nhặn đáp lại:
- Dạ, thưa đại úy, chúng tôi
ở Công Tum về.
- Liên đoàn 23 hả?
- Dạ.
- Bộ mình tính bỏ cao nguyên
sao?
- Đại úy cũng thấy đó, tình
hình bi đát lắm.
Viên đại úy im lặng nhìn
người sĩ quan trẻ đứng trước mình, tay phải nắm chặt càng xe, tay trái đưa lên
vò mái tóc vàng như rơm, mặt y nhắn nhúm lại, vết thẹo dài ngang trán giật giật,
đôi râu mép rung rung. Đột nhiên, y nghiến răng, rít lên:
- Một lũ ăn hại. - Y lặng lẽ
đi một lát rồi lại rít lên. - Một lũ ăn hại! Cả tôi, cả trung úy, cả tướng Phú
và cả một lũ lĩ tướng tá của chúng ta đều ăn hại ráo trọi. Chúng ta đã làm được
cái gì trong hai mươi năm nay? Trung úy còn trẻ, trung úy nếm trải ít cay đắng.
Còn những thằng như tôi... cái thằng tôi đã đeo lon trung úy từ thời đảo chánh
ông Diệm kia, trung úy hiểu không? Đáng lý bây giờ tôi phải đeo lon đại tá rồi.
Tôi căm thù cộng sản. Cha tôi, một điền chủ cỡ bự đã bị chúng nó sát hại hồi
đồng khởi, gia đình tôi ly tán. Chỉ có tôi là trở thành chiến sĩ quốc gia. Chiến
sĩ quốc gia thứ thiệt. Tôi đánh đấm ra trò. - Y đưa tay lên ngực khua cho đám
huân chương kêu rổn rảng. - Rứa mà như vầy đây, trung úy. Ở đâu tôi cũng là
thằng bất hảo. Tôi đá lộn nhèo tất cả những thằng nào hèn nhát, ngu dốt, bất
lực. Dĩ nhiên là bọn nó cũng đá tôi ra trò. Tôi đã từng ra tòa án binh rồi vô
tù. Lên đại úy rồi lại bị giáng xuống thiếu úy. Ra tù tôi lại cắn răng ì ạch
leo lên đại úy rồi lại bị bọn nó đá xuống trung úy. Cho đến khi tôi cụt hai cái
giò này thì tôi lại leo được lên tới đại úy. Thang vận tôi tới đó rồi trở thành
một thằng phế binh. - Y cười cay đắng. - Đù mẹ! Chúng nó buộc phải thừa nhận
tôi là “anh hùng diệt Cộng”, nhưng rốt cuộc như vầy đây, trung úy. Cực quá con
chó! Chúng nó đá tôi như đá một trái banh nhưng tôi vẫn cứ lăn vô, vì tôi căm
thù cộng sản, tôi muốn chiến đấu chống cộng. Nếu chưa bị cụt hai giò này, hẳn
tôi vẫn cầm súng như trung úy. Gần hai chục năm nghiệp binh, tôi đã chiến đấu ở
cao nguyên này. Cả tuổi trẻ của tôi đã hiến cho cao nguyên này. Vậy mà bây giờ
chúng nó bỏ cho cộng sản. Bỏ. Hừ! Bỏ cao nguyên này thì miền Nam tiêu đến nơi
rồi. Thiệt là... đồ bị rách.
Viên trung úy mỉm cười chua
chát:
- Vậy đó, biết làm sao? Chúng
ta không đủ sức mà giữ thì phải bỏ thôi.
Viên đại úy phế binh vằn mắt:
- Sao không trụ lại mà đánh
tới cùng.
Người sĩ quan trẻ nhếch mép, cười:
- Chúng tôi cũng mệt mỏi lắm
rồi. Tất cả chỉ đợi một tiếng “chạy” là vắt chân lên cổ mà chạy tháo thân, vậy
thôi. Tổng thống đã ra lệnh “tùy nghi di tản” còn thằng chó nào nghĩ đến chuyện
trụ lại xứ này nữa. Còn đại úy, ngài tính sao, di tản hay trụ lại?
Bị đẩy trở lại thực tế, lão
đại úy ngơ ngác, chưng hửng. Có lẽ đến lúc ấy hắn mới hiểu rằng đã đến lúc
chính hắn cũng phải nghĩ đến chuyện bỏ cao nguyên này mà đi. Quên cả chào viên
trung úy, hắn vừa lảm nhảm chửi rủa vừa đẩy cần cho chiếc xe tay nặng nhọc lăn
dọc theo con đương ồn ào xe cộ.
Viên trung úy ngán ngẩm nhổ toẹt
một bãi nước bọt xuống mặt đường nhựa rồi quay trở vô tiệm, đứng chống nẹ nhìn
đám lính đang ồn ào nhậu nhẹt và bỗng nhiên vô cớ quát um lên:
- Dẹp đi tụi bay! Đồ bại trận.
Lên xe chuồn
cho sớm chợ.
Đám lính bỗng im bặt, ngơ ngác nhìn nhau rồi lẳng lặng rời bàn, chuồn ra xe,
chẳng đứa nào chào bà chủ quán lấy một tiếng. Viên trung úy lầm bầm chửi rủa
rồi móc ví quẳng tất cả số tiền mình có lên bàn và nói với bà chủ:
- Quân hồi vô phèng vậy đó. Đừng trách tụi nó nghe bà chủ!
Bà chủ vội xua tay:
- Thôi, trung úy để tiền tiêu xài dọc đường... Tui chẳng thiết chi tiền bạc
nữa rồi.
Nhưng viên trung úy đã lẳng lặng bước ra đường. Chiếc GMC lại lèn chặt
những lính, rú máy ầm ĩ một lúc rồi lao vút đi. Bà chủ quán chạy ra mép đường
ngơ ngác nhìn theo đoàn xe ầm ĩ lướt qua, gương mặt bà phút chốc trắng bạch ra
như sáp.
2
Chị Tám ngồi giữa đống đồ đạc bừa bộn. Chị lật đống quần áo, bới cái này, nhặt
cái kia, thỉnh thoảng lại rên rỉ:
- Khổ cách chi khổ vậy, hỡi trời!
Mai cũng ngao ngán thở dài. Chị Tám tiếc của quá, ngơ ngẩn cả người, không
biết nên mang cái chi bỏ cái chi nữa. Mai phải giúp chị chọn những thứ áo quần,
đồ đạc đáng giá nhất nhét vào ba cái va li. Vậy mà vẫn còn ngổn ngang trăm thứ.
- Phải mang bộ ly này cho ảnh nữa em. Cả con sư tử bằng thạch cao của anh
bạn học cũ tặng ảnh dịp sinh nhựt vừa rồi cũng phải mang đi chớ. Lại còn bao
nhiêu sách vở của ảnh nữa kìa.
Mặc chị chộn rộn, la lối, Mai cứ lặng lẽ thu dọn, nhặt nhạnh rồi phân ra
từng thứ một. Thứ nào quý cô cho thêm vào một cái hòm gỗ nữa, thứ nào thường cô
tạm vất ra ngoài.
- Trời ơi sao em vất bộ đồ này lại. Bộ đồ của ba ảnh mặc trước khi mất đó
mà. Coi tàng vậy thôi mà ảnh quý hơn vàng. Không mang đi rồi ảnh lột xác chị.
Có tiếng súng nổ rộ phía sân bay. Rồi tiếng kêu khóc, la hét. Chị Tám tái mặt, lao
vội ra cửa.
- Coi bộ đánh nhau ở ngoải hả em?
- Họ giành nhau vào phi trường đó.
- Trời ơi! Họ phát điên cả lên rồi. Không biết anh Minh chạy đi đằng nào?
- Ảnh tính đi kiếm xe, chứ hạng mình sức mấy mà chen nổi lên máy bay.
Chị Tám giục rối rít:
- Em ra kiếm xem có anh Minh ở đó không? Đi đi, giùm chị với.
Mặc đù ra ngoài đường lúc này quả là một điều thật đáng sợ, nhưng nhìn
gương mặt thiểu não của chị Tám, Mai không dám từ chối.
- Được, để em ra coi. Nhưng chị cứ ngồi yên đó mà canh đồ nghen. Nước này
lính tráng nó dám xông vô cướp cạn đó.
Chính Mai cũng không hiểu sao bỗng nhiên mình lại trở nên tỉnh táo, bình
tĩnh làm vậy. Có lẽ đứng trước sự hoảng sợ, yếu mềm của chị Tám, Mai bỗng thấy
mình phải mạnh bạo, liều lĩnh hơn. Nếu cả hai chị em đều cuống cả lên rồi ôm
nhau mà la trời thì rồi sẽ ra làm sao? Cái lúc anh Minh chạy về như một cơn lốc,
hét rùm lên “thu dọn đồ đạc, chuẩn bị di tản”, Mai cũng sợ cuống cả lên. Một
lát sau, cô mới hiểu rằng tình hình hết sức nghiêm trọng, quân đoàn 2 đã quyết
định bỏ cao nguyên rút chạy về đồng bằng ven biển. Nhưng rút làm sao, bao giờ
rút, anh Minh cũng chẳng nói. Anh chỉ kịp dặn vợ và Mai thu dọn đồ đạc cho gọn
rồi lại lao đi, nói rằng đi kiếm xe. Nhưng biết ảnh ở đâu bây giờ mà đi kiếm.
Ra đến đường, cô mới thấy rằng cả thị xã đang náo động như một bọng ong vỡ
tổ. Người xe nhốn nháo, loạn xị, đen đặc các ngả đường. Lối vào phi trường tắc
nghẽn bởi người, xe, gồng gánh, bìu díu. Tiếng la hét, gọi con cái, chửi bới, kêu
khóc rùm trời rùm đất. Trên những trục đường chính, xe nhà binh chất đầy hàng, đầy
lính bóp còi inh ỏi, phóng bạt mạng. Xe chữa cháy, xe tải thương, xe ủi đất
cũng chất đầy đồ đạc, lặc lè chen lấn, luồn lách. Mặt đường nhựa bị băm nát bởi
xích xe tăng, xe bọc thép. Binh lính, sĩ quan mang phù hiệu không đoàn 6 dắt
díu vợ con, khuân vác đồ đạc ra những chiếc GMC, xe Dép, xe hòm, xe du lịch... Thỉnh
thoảng một vài loạt súng vang lên ở góc này hay góc kia. Kho tàng trong sân bay
vẫn đang cháy dữ dội, khói đen bốc lên cuồn cuộn, rồi ngưng đọng trên bầu trời,
tạo nên tấm màn đen nặng nề, bức bối như sắp đè sập xuống thị xã.
Cổng phi trường ứ đặc, nhấp nhô đầu người. Lính quân cảnh đứng trên những
chiếc lô cốt phòng thủ chĩa loa pin xuống đám người đen đặc ấy mà hò hét nhưng
vẫn vô hiệu. Cái biển người ấy gầm gừ gào thét và xô tới. Lính quân cảnh bất
lực, điên tiết, tung liền mấy trái lựu đạn cay, dựng lên cả một bức tường hơi
ngạt mới tạm thời cản được cái biển người kia khỏi tràn vào phi trường. Người
ta nói rằng xe của tướng Tất, của ông trưởng ti ngân khố, của ông thị trưởng
Plây Cu phải gian khổ lắm, với sự trợ giúp đắc lực của cảnh sát và quân cảnh, mới
vượt qua được cái biển người dữ tợn ấy để vào phi trường và có lẽ họ sẽ là
những người cuối cùng được di tản khỏi Plây Cu bằng máy bay. Sau đó sẽ không
còn chiếc máy bay nào có thể cất cánh được nữa. Tuy vậy, người ta vẫn không
chịu tin, vẫn chen lấn, xô đẩy nhau để vào phi trường. Biết đâu, có thể có một
máy bay khác còn cất cánh được? Hoặc nếu có thể, thì cứ chen bừa lên máy bay
của tướng Tất. Hy vọng mong manh ấy đã cho họ sức mạnh, cho họ cả sự hung hãn, bất
cần để chen lấn, xô đẩy. Một vài loạt súng từ trong đám người hỗn loạn ấy xỉa
lên phía bọn quân cảnh. Bọn này hoảng hồn tụt vào lô cốt hoặc tụt xuống chạy
ngược trở vào phi trường. Vừa lúc đó chiếc máy bay C.47 cuối cùng ầm ĩ cất cánh.
Cái biển người ồn ào đó sững lại, họ dứ nắm đấm, dứ súng, tung lên trời những
loạt đạn và những lời nguyền rủa.
Bây giờ thì chẳng còn ai ngăn đường vào phi trường nữa. Nhưng, chính điều
đó lại khiến họ nghi ngại. Thà rằng, bọn quân cảnh cứ hò hét, cứ bắn súng lên
trời, cứ tống lựu đạn cay cản đường thì họ vẫn còn hy vọng, vì người ta còn
ngăn cản nghĩa là vẫn còn một cái gì đó mà người ta có thể giành được. Đằng này,
bỏ trống hoang hoác, nghĩa là chẳng còn gì để hy vọng nữa, chẳng còn gì sất. Vì
vậy, sau khi hò hét chửi rủa cái bọn vừa bay lên trời một hồi, cái biển người
ấy lại rùng rùng chuyển động theo chiều ngược trở lại.
Mai đã bị cái biển người ấy nuốt chửng. Vất vả lắm cố mới chen ra được đến
đầu đường để trở về khu gia binh. Thật điên rồ khi có ý định tìm một con người
trong cái cảnh nháo nhác, loạn xị này. Cô mệt mỏi, rã rời, đầu óc âm u, không
nghĩ được một điều gì rõ rệt. “Thật là hỗn loạn! Thật khủng khiếp!” Cô vừa lảo
đảo bước đi vừa lẩm bẩm mấy câu ấy.
Bỗng một chiếc xe Dép phóng vụt qua rồi đỗ xịch ngay trước mặt Mai. Minh
ngồi trên ghế lái quay lại gọi:
- Mai! Sao lại ra đây?
Mai chạy vội đến, mếu máo:
- Chị Tám bảo em đi kiếm anh.
Minh vẫy tay:
- Lên xe đi!
Mai vội vàng leo lên xe. Nhìn bộ mặt căng thẳng của kỹ sư Minh, Mai biết
không nên hỏi gì thêm. Cô ngồi im thít trên ghế một lát rồi bỗng dưng ôm mặt
khóc. Cô cũng chẳng hiểu tại sao mà mình lại khóc. Có lẽ cảnh tượng hỗn loạn, khủng
khiếp vừa qua đã tác động quá mạnh vào cân não cô. Ngồi trên ghế lái, Minh cũng
biết Mai đang khóc, nhưng lúc này đâu phải lúc an ủi, vỗ về, cô ấy khóc chán
rồi sẽ thôi. Minh nghĩ vậy và cho xe quẹo vào khu gia binh rồi chạy thẳng tới
cửa nhà mình, đỗ xịch lại. Chị Tám từ trong nhà chạy ra hét lên một tiếng “anh
Minh!”, rồi đứng sững lại trước đầu xe. Minh mệt mỏi gục đầu vào vô lăng. Chị
Tám hốt hoảng chạy đến, lay vai chồng:
- Mình ơi! Mình làm sao thế?
Minh ngẩng lên, cười gượng gạo:
- Anh có sao đâu... căng thẳng quá, may nhờ có trung úy Phát ở liên đoàn
tiếp vận giúp đỡ nên mới cướp được cái xe này đấy.
- Xe máy của anh đâu?
- Liệng cha nó đi rồi.
Chị Tám giậm chân bành bạch:
- Ối giời ơi! Mấy chục ngàn đồng bạc...
Minh nổi quạu:
- Im đi! Mang được cái mạng về là quý. Tiền với bạc. Vào khuân đồ ra đi. Chúng
nó chạy ráo trọi rồi.
Chị Tám nín thít, tất tưởi chạy vô nhà. Mai cũng vào giúp chị khiêng mấy
cái va li, hòm xiểng ra xe. Minh mở nắp ca-pô, kiểm tra lại xe, mặc cho hai
người đàn bà muốn chất gì lên xe thì chất. Anh đã mệt mỏi, chán ngán tất cả, chỉ
muốn liệng đi hết, chạy người không cho rảnh. Dường như đoán được ý nghĩ của
anh nên chị Tám nín thinh, lặng lẽ khuân đồ, thỉnh thoảng lại len lén nhìn
chồng. Phút chốc thùng xe đã đầy ắp. Chị Tám tần ngần đứng nhìn đống đồ đạc
ngổn ngang:
- Mình ơi. - Chị e dè gọi. - Còn bao nhiêu là thứ.
Minh khoát tay:
- Liệng hết, tiếc chi?
Chị Tám nhăn nhó:
- Còn cái tủ lạnh.
Minh phát khùng:
- Đã nói vất cha nó lại. Vất hết! Lên xe lẹ đi!
Anh nhảy phắt lên ghế lái, cho xe nổ máy rồi rú ga ầm ĩ. Chị Tám nghẹn ngào
nhìn lại căn phòng, nơi vợ chồng chị đã ăn ở với nhau hai năm trời một lần nữa
rồi mới lên xe, cùng Mai ngồi trên đống va li, đồ đạc kềnh càng.
- Ngồi cho vững nghen!
Minh đã chuẩn bị đấm số cho xe chạy, bỗng không hiểu vì sao anh lại nhảy
xuống, bước vô cửa, lặng lẽ nhìn căn phòng vẫn còn ngổn ngang đồ đạc một lát
rồi mới quay ra xe, ngồi trên ghế lái. Đến lúc ấy anh mới quay lại nói với vợ
bằng cái giọng dịu dàng vốn có của anh:
- Mình ạ! Cơ đồ tiêu tán hết rồi. Không phải chỉ riêng chúng ta đâu, mà cả
cái chế độ này cũng sắp tiêu ma rồi. Chúng ta cố gắng bò về đến Nha Trang rồi
tìm một cái nghề gì đó mà làm ăn, nuôi nhau, cho qua ngày. Còn em... - Minh
quay sang nói với Mai. - Khi mô anh chị còn sống thì anh chị sẽ cưu mang em, tìm
cách đưa em về tới Sài Gòn với ba má, em khỏi lo.
Mai khẽ “dạ” nhỏ chen trong tiếng thở dài.
Chiếc xe rú lên một hồi, ngật ngưỡng quay ra đường rồi lao vút đi. Chỉ một
lát, nó đã ra tới đường chính và lẫn vào trong đám xe cộ hỗn loạn của đoàn
người di tản đang cuồn cuộn tuôn ra khỏi cái thị xã ngột ngạt này.
3
Đến một ngã ba đường cái, đoàn người xe, chật như nêm ấy đột nhiên bị ùn cả
lại. Ngồi trên xe, nhìn tít tắp về đằng trước, Mai vẫn chỉ thấy ngờm ngợp những
xe, những người. Chiếc xe của họ lọt thỏm giữa dòng xe cộ dài dằng dặc, nhỏ
nhoi như một hạt bụi bị cuốn vào cơn lốc xoáy.
Minh ghì chặt vô lăng cho xe nhích lên từng chút một. Những chiếc xe tải
chở đầy lính hoặc đồ đạc dềnh dàng vẫn ép chặt hai bên như muốn đè bẹp chiếc xe
nhỏ bé của anh. Những người lính lái xe, mặt đen cháy, thò cổ ra khỏi ca-bin
phóng vào mặt nhau những câu chửi tục tĩu. Khói từ ống xả của đoàn xe xịt ra mù
mịt, thành ra lúc nào cũng cảm thấy như cả đoàn xe, cả con đường đang âm ỉ cháy.
Mai ngồi bên chị Tám, ngơ ngác như người mất hồn. Cô không chịu nổi mùi dầu
mỡ, mùi ét-xăng trộn lẫn với mùi mồ hôi lính nồng nặc. Cô nôn thốc nôn tháo mấy
lần đến khi không còn gì trong ruột mà nôn ra nữa. Cơ thể cô rã rời, tựa hồ chỉ
cần giũ mạnh một cái là xương cốt sẽ rời ra, mỗi nơi một mảnh. Vốn là một cô
gái được cưng chiều từ nhỏ, được nâng như nâng trứng, cô không bao giờ tưởng
tượng được rằng con người lại có thể sống qua được những ngày khủng khiếp thế
này. “Thôi, phó mặc cho số phận. Hãy coi như mình đã chết rồi, mặc cho cơn gió
lốc của cuộc đời này cuốn tới đâu thì tới.” Ý nghĩ buông xuôi đó dường như lại
khiến cho Mai vững vàng hơn. Cô dựa vào vai chị Tám, nhắm mắt lại với ý nghĩ
càng ít phải nhìn vào cảnh tháo chạy hỗn loạn này bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Mai cứ nhắm mắt như vậy, để mặc cho mình trôi đi cùng chiếc xe, cùng đoàn
người. Thỉnh thoảng cô lại mở choàng mắt bởi một cái xóc nảy người hay bởi một
giọng đàn ông rít lên như tiếng gõ thùng thiếc: “Đồ ngu! Đi với đứng thế à?” Không
thể tưởng tượng được đó lại là giọng của Minh, ngày thường anh hiền khô nói
năng nhỏ nhẹ cơ mà? Cả đến chị Tám, hiền dịu như thế mà khi bị một chiếc xe cây
quyệt qua, hất tung mấy thứ lặt vặt xuống đất, chị cũng lồng lên, rủa xả om sòm,
tục tĩu đến nỗi Mai cũng phát ngượng. Cô cay đắng nghĩ rằng có lẽ mọi người đều
sắp sửa phát điên, sắp sửa nhảy vào nhau mà cắn xé. Cả cô nữa, có lẽ cô cũng
sắp sửa phát điên lên rồi đây. Nghĩ vậy, cô chợt cất tiếng cười gằn, khô khốc
và quái gở đến nỗi chị Tám cũng phải quay sang nhìn cô, sững sờ hỏi:
- Em làm sao thế?
Mai sực tỉnh:
- Sao đâu chị!
- Vậy mà em cười như con điên ấy!
Bỗng một loạt đại liên nổ rộ ở phía trước, đạn bay veo véo trên đầu. Cả
đoàn xe đứng sững lại. Lính tráng trên xe nhảy xuống ào ào. Có nhiều tiếng la
thất thanh:
- Phục kích rồi!
- Chặn đường rồi!
- Đù mẹ! Chạy đi... chết ráo bây giờ!
Và người ta xô nhau chạy vào rừng. Ào ào như một cái chợ vỡ. Minh cũng vội
xuống xe, kéo vợ và Mai chạy lao ra rừng như tất cả mọi người. Cái khe cạn dưới
chân đồi phút chốc đầy ắp những người. Tiếng trẻ con la hét. Những người lính
hục hặc. các cấp chỉ huy chửi bới vì thấy không một người lính nào kịp mang
theo súng. Một hồi lâu vẫn không nghe thấy tiếng súng, tiếng mìn hay tiếng B.40
như người ta vẫn tưởng tượng. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Rồi, không hiểu ai
đó đứng trên đỉnh đồi, hét toáng lên:
- Không phải bị phục kích. Về xe đi, lính thiết giáp và lính biệt động hù
nhau chơi thôi.
Ra vậy. Mọi người thở hắt ra, uể oải leo lên khỏi khe cạn. Những người lính
nhìn nhau ngượng ngùng rồi chợt cười phá lên:
- Vậy là nhầm! Báo động thôi đó nghe.
- Nhầm mà còn chạy hú hồn vậy vậy. Lỡ thiệt, e lột cả quần mà chạy!
- Lính tráng như mấy anh thật hèn! - Mai quay lại ném một câu như vậy vào
mặt đám mày râu. Họ không nổi giận, lại còn nhìn cô cười hô hố.
- Cô em ơi! Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
- Nè cô em. - Một anh lính cao lêu đêu đi vượt lên sát Mai và bắt chuyện. -
Cô em ở xứ mô mà cũng “tùy nghi di tản” với mấy anh?
Mai đáp ngang phè:
- Dân Sài Gòn, hỏi chi?
- Ủa, dân Sài Gòn? - Anh lính cao kều sững lại ngạc nhiên hỏi. - Xớ rớ cách
chi mà lại rơi vô đây?
- Đi coi mấy anh đánh đấm ra sao đó?
- Ha... ha! - Anh lính cười nghiêng ngả. - Cô út Sài Goòng đi thị sát chiến
trường hả? Tụi này đánh chác dở ẹc dậy đó. Chạy dài hà? Không chừng tụi này
chạy tuốt dô Sài Goòng đó.
- Rồi chạy đi mô nữa?
Người lính sững lại, ngơ ngác, hình như chưa bao giờ anh ta tự hỏi như vậy.
- Ờ, chạy đi mô nữa? Chạy tới Sài Goòng của cô em là hết đường rồi.
- Sang Mỹ!
- Cô em nói giỡn hoài. Sang Mỹ! Hứ! Bộ dạng tụi này sang Mỹ mà đi ăn mày
sao? Phải có bạc tỉ gửi nhà băng như mấy ông bự ở Sài Goòng thì mới tính chuyện
sang Mỹ. Nói dậy chứ đâu đã tới nỗi nào. Tụi anh dề Nha Trang ăn nhậu một hồi
cho khỏe rồi lại hành quân lên tái chiếm Tây Nguyên chứ bộ.
Người lính đi bên cạnh anh lính cao kều lắc đầu ngán ngẩm:
- Sức mấy cha nội ơi! Coi bộ đánh không lại họ nữa rồi.
Mọi người đã ra tới đường, ai về xe nấy. Trước khi chia tay, anh lính cao
kều còn quay lại dặn Mai:
- Này cô út Sài Goòng! Nghe súng nổ là dọt xuống cho lẹ nghen!
Kỹ sư Minh đã trở về xe trước Mai, đang ngồi hút thuốc tán chuyện với một
trung úy trẻ, mặt mày sáng sủa. Khi Mai tới, Minh chỉ chàng trung úy giới
thiệu:
- Đây là trung úy Phát, ân nhân của chúng ta. Không có ảnh kiếm giùm xe thì
anh em ta nằm lại Plây Cu với Việt cộng rồi.
Rồi anh quay sang giới thiệu với Phát:
- Cô nhỏ mà tôi đã nói với anh khi sáng.
- Cô Thanh Mai, sinh viên luật?
Mai khẽ gật đầu:
- Dạ.
- Chúng tôi đang nói chuyện về ông liên đoàn trưởng của trung úy Phát, cô
Mai ạ. - Minh chỉ đoàn xe đầy ắp hàng trước mặt. - Đoàn xe đi trước là của ổng
cả đó. Gần hai chục chiếc! Cô tính của cải nhiều dữ không? Ấy là một phần gia
tài của ổng đã gửi máy bay đi trước rồi đó.
- Ông ta tên chi, anh Minh?
- Biền, Lê Hữu Biền. Trung tá thôi, nhưng giàu cỡ tướng còn phải nể. Ổng có
cả một tiệm vàng ở Plây Cu, tiệm Ngọc Châu, do vợ ba của ổng đứng tên. Rồi đại
lý khai thác gỗ xưởng cưa, xưởng ép mủ cao su... Ở quân khu 2 người ta vẫn nói
rằng “nhất Phú nhị Biền” mà. Cái ghế liên đoàn trưởng liên đoàn tiếp vận, ổng
chỉ ngồi chơi để hốt bạc đó thôi.
Phát cũng gật đầu xác nhận:
- Ổng là tay buôn bán, kinh doang có hạng. Đó, ổng vừa từ xe hòm bước xuống
đó, cô Mai.
Theo hướng tay Phát chỉ, Mai nhìn thấy một người to béo nặng nề, mặc
Pi-gia-ma màu mỡ gà. Cùng bước xuống với y là một mụ đàn bà phốp pháp, mặc
mi-ni-duýp, đeo kiếng gọng bự. Mụ đi với chồng đến từng xe, cười nói toe toét
với những người lính lái xe rồi ném vào ca-bin của họ những gói thuốc lá và
những gói kẹo.
Phát ghé vào tai Minh, nói nhỏ:
- Mụ đang “thu phục nhơn tâm” đó. Mấy thằng xế chở hàng cho mụ được cưng
hết mức. Còn đức ông chồng bữa nay lo thiếu đái ra quần. Làm sao trót lọt được
từng ấy xe của cải.
Minh bồn chồn hỏi:
- Sao đường tắc lâu vậy nhỉ?
Trung úy Phát khẽ lắc đầu:
- Đi đứng kiểu ni rồi chết ráo. Bọn thiết giáp và bọn biệt động chèn nhau
làm hư cầu, công binh đang sửa. Không chừng phải nằm đêm ở đây ấy chứ!
Nghe nói vậy, Mai chợt rùng mình. Cô sợ bỗng dưng bóng đêm ập xuống. Tuổi
trẻ của cô trôi êm đềm trong ánh ngày sặc sỡ và trong ánh điện mờ ảo, giả tạo
của chốn phù hoa đô hội. Cô chưa từng biết đến bóng đêm, chưa biết đến những
tội lỗi và sức mạnh bí ẩn của nó. Bây giờ, nó đang ở đâu đó trên đầu cô. Hoàng
hôn đang vội vã lướt trên mặt đất, chỉ một lát nữa thôi, bóng đêm sẽ ập xuống, nuốt
chửng lấy cô và cả đoàn người, xe đen đặc này. Cô ngồi xây lưng lại phía Minh
và Phát, thổn thức ngắm mặt trời đang tụt dần xuống bên kia dãy núi dài. Cô bắt
đầu thấy nuối tiếc quá khứ êm đềm đã trôi qua, mặc dù cô đã chán ngấy những
chuỗi ngày tẻ nhạt và vô vị ấy.