Trong cơn gió lốc - Chương 02 phần 1

Chương hai

1

Chiều hôm ấy trung đội trưởng Mánh lên tiểu đoàn bộ chơi. Danh nghĩa là để
thăm tiểu đoàn trưởng Nguyên, cháu ruột anh, nhưng thực ra là để làm nhiệm vụ “dò
la tin tức” mà anh em trong đại đội gợi ý.

Tin chiến thắng từ khắp nơi truyền về khiến mọi người xôn xao. Người ta bắt
đầu thấy rằng hình như tiểu đoàn mình bị “bỏ quên”. Ở các tiểu đội, không ngày
nào là không xảy ra những cuộc tranh cãi kịch liệt. Lính ta sôi lên sùng sục vì
bị chôn chân ở điểm cao này, trong khi các đơn vị bạn đang tung hoành ngang dọc.

Sau mấy câu thăm hỏi lấy lệ, Mánh đi thẳng vào vấn đề:

- Mày thử hỏi lại trung đoàn xem thế nào chứ Nguyên. Chẳng lẽ tiểu đoàn
mình cứ nằm bẹp ở đây mãi?

Nguyên vẫn cắm cúi ghi chép, anh biết chú lên gặp mình cũng chỉ vì chuyện
ấy:

- Chú sốt ruột lắm hả?

- Cả tiểu đoàn chứ riêng gì tao.

Nguyên ngẩng lên lườm chú:

- Sao chú vơ đũa cả nắm thế. Ban chỉ huy tiểu đoàn vẫn bình tĩnh lắm.

- Nói phét! Dễ mày chỉ muốn ngồi đây mà ôm lấy mấy cái núi đá.

Nguyên khẽ lắc đầu cười. Lúc này, nếu có một người lạ nào đến, hẳn họ không
thể ngờ người thanh niên trẻ đó lại là cấp trên của người đã cứng tuổi, có
gương mặt dày dạn gió sương kia. Con người dày dạn ấy, con người đã sống đến
nửa phần thời gian mà một con người có thể tồn tại trên mặt đất ấy, mà lại “thưa
thủ trưởng...”, “báo cáo thủ trưởng...” với cái anh chàng mặt còn non choẹt kia,
coi sao được? Mà anh ta lại trắng trẻo quá, đẹp trai đến mức có thể nghi ngại
nữa. Theo xét đoán thường tình của người đời, những anh chàng có bộ mã như thế thường
là “trói gà không chặt”, chứ làm nên công trạng gì. Nhưng nếu anh ta ra trận
thì tình hình lại khác. Anh sẽ gặp không ít những cảnh có vẻ trái khoáy như thế,
nhưng anh không ngạc nhiên. Anh cán bộ trẻ ngồi bên chiếc máy điện thoại, mắt
đăm đăm nhìn lên cửa đột phá. Anh cán bộ cấp dưới của anh, có khi nhiều tuổi
gấp rưỡi anh, chỉ huy đội bộc phá mở cửa nằm bên cạnh mắt cũng đăm đăm nhìn lên
cửa bộc phá. Bỗng đôi mắt anh cán bộ trẻ sáng rực lên, anh khoát tay ra một
mệnh lệnh đanh gọn: “Mở cửa!” Anh đội trưởng bộc phá mở cửa hơi nghi ngại: “Có
sớm quá không đồng chí?” “Không sớm đâu, pháo sắp chuyển làn, phải mở cửa thật
nhanh để khi pháo bắn vào trung tâm, xung kích đã có thể đánh chiếm đầu cầu.” Và
trận đánh đã diễn ra đúng như anh tính toán. Pháo vừa chuyển làn thì cửa đột
phá đã thông, địch chưa kịp ngóc đầu lên, xung kích đã ập tới, tung lựu đạn, thủ
pháo, xỉa AK vào các hầm cố thủ. Hay một trường hợp khác - Anh cán bộ trẻ dẫn
trung đội hoặc đại đội của anh cán bộ nhiều tuổi đến một khu vực và bảo: “Sao
các đồng chí bố trí dọc theo triền đồi thế này?” “Sao lại bố trí ở đây, gần
chân dốc quá?” “Chính thế! Này nhé, xe tăng địch từ trên đèo lao xuống sẽ phải
lượn một vòng cua (anh vẽ xuống đất một vòng cung tròn và kẻ một đường tiếp
tuyến), đang ở đà lao xuống dốc, chúng nó rất khó ngoặt thẳng vào trận địa các
anh mà chỉ còn cách dừng lại quay ngang xe mới dùng pháo được, như thế B.40, B.41
của các anh có thể diệt nó ngay từ mép đường...”

Chỉ khi nào được chứng kiến những trường hợp như thế chúng ta mới hiểu được
cặn kẽ và có cơ sở những hiện tượng “trẻ” chỉ huy “già” như hiện tượng của chú
cháu Mánh. Còn những lúc bình thường, quả thật, mỗi khi nhìn thấy một anh cán
bộ trẻ, mặt còn non choẹt, ra lệnh hay căn vặn cán bộ cấp dưới nhiều tuổi hơn
mình ta thường cảm thấy nó cồm cộm thế nào ấy.

Trường hợp của chú cháu Mánh chỉ là một trong hàng trăm trường hợp mà chúng
ta vẫn thường gặp ở các đơn vị. Nguyên vừa trưởng thành đã rời mái trường vào
bộ đội. Hai mươi bốn tuổi đời nhưng anh đã có bảy năm cầm súng. Khi Nguyên đi
bộ đội thì chú Mánh hãy còn là tổ trưởng tổ mộc của hợp tác xã, với cái bút chì
lúc nào cũng dắt ở vành tai. Năm 1970, trước khi vào “Bê dài”, anh được đơn vị
cho ghé thăm nhà. Vừa xuống xe ở Bến Vạng, khoác ba lô đi bộ được một quãng thì
thấy một chiếc máy kéo “Công Nông” bì bạch đi tới. Anh bỗng sững người khi nhận
ra chú ruột của mình mặc bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ, đội một
chiếc mũ nan rộng vành, ngồi ngất nghểu trên ghế lái. Nguyên vội vàng vẫy mũ
hét toáng lên:

- Chú Mánh! Chú Mánh!...

Chú Mánh vội dừng xe, ngẩn mặt ra giây lát mới nhận ra cháu mình. Chú vội
nhảy xuống, chạy ào tới, ôm choàng lấy Nguyên:

- Thằng trời đánh! Tưởng ai. Sao mà lớn ngồng rồi thế này?

Rồi chú giằng lấy ba lô của Nguyên, quẳng lên thùng xe và nháy mắt, cười:

- Mày thấy chú mày có cừ không? Tay lái vững nhất xã đấy nhé! Thôi lên xe
tao kéo về.

Nguyên vội lắc đầu:

- Cháu chịu! Ai lại ngồi thế này, ngượng chết!

- Á à!... Mày chê xe “Công Nông” kém tư thế hả? Phải rồi, đại đội trưởng
rồi mà. Người ta ngồi “com-măng-ca” chứ ai thèm ngồi thùng xe “Công Nông”!

Nguyên sung sướng cãi lại:

- Ai bảo cháu đã là đại đội trưởng? Mới phụ trách đại đội tạm thời thôi, chú
ạ!

- Lắm chuyện! Phụ trách hay không phụ trách thì mày cũng đã chỉ huy đại đội
rồi. Mày tưởng ở nhà không ai biết mày đánh đấm ra sao đấy phỏng? Thằng Tĩnh
con nhà ông Yên xóm Thượng, bị thương về điều trị ở Hà Nội kể hết. Thôi, lên xe
đi!

Nguyên giãy nảy:

- Đã bảo cháu không đi xe chú mà lại!

Chú Mánh phủi tay:

- Thôi, mặc xác mày. Không đi xe thì cuốc bộ mà ngắm cảnh cho sướng mắt.

Nói thế nhưng chú còn đứng đó kể huyên thuyên đủ mọi chuyện một lúc lâu mới
chịu lên xe. Nguyên đứng ngẩn ra bên đường, nhìn theo mãi cho đến khi chiếc xe
của chú mình khuất hẳn sau rặng điền thanh ở đầu lối rẽ vào làng anh mới chậm
rãi vừa đi bộ vừa say sưa ngắm cảnh đồng quê, hít thở bầu không khí quen thuộc
của quê hương.

Mấy ngày ở nhà anh lại phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ ở người chú ruột. Chú
nhanh nhẹn hơn, khỏe hơn và làm việc “khoa học” hơn cái hồi còn làm thợ mộc. Đầu
giường chú vất ngổn ngang dăm ba cuốn sách về nguyên lý cấu tạo các loại máy
kéo, máy nổ, sách dạy nuôi lợn, trồng khoai tây, cà chua v.v... Một hôm, Nguyên
còn tìm thấy cả một cuốn “Con đường dẫn đến tài năng” kể về cuộc đời các nhà
bác học trên thế giới. Thấy Nguyên tỏ vẻ ngạc nhiên, chú mỉm cười, giải thích: “Đọc
cho biết thôi mà cháu. Chú có mơ ước trở thành bác học đâu!” Tất cả những sách
vở, bản vẽ, đến sắp đặt nhà cửa, cách nói năng chuyện trò, phương pháp làm ăn...
đều chứng tỏ rằng chú anh đang “đổi mới”.

Chú yêu xe, yêu máy móc lạ lùng. Có thể nói chú mê xe, mê máy như mê gái. Chỉ
trừ những bữa ăn và buổi tối, còn lúc nào cũng thấy chú ở bên chiếc xe “Công
Nông”. Hết lau chùi, cho dầu mỡ, vặn ra vặn vào lại loay hoay sửa nhà chứa xe. Hễ
thấy Nguyên đi qua là chú lại gọi vào bằng được và bắt đầu “mở máy”:

- Anh nông dân bây giờ khác xa ngày xưa lắm cháu ạ. - Chú nói. - Bố mẹ cháu
ấy, mới ngày nào còn è cổ ra kéo cày ở ngoài đồng Vạng. Đến những thằng địa chủ
giàu sụ, ruộng thẳng cánh cò bay cũng chẳng dám mơ đến chuyện xe cộ, máy móc
nữa là anh nông dân. Cả cái xã này có mỗi thằng chánh. Nhưng tậu được một cái
xe đạp cho con trai nó đi học trên tỉnh. Mỗi khi nghe tiếng chuông xe đạp của
nó kêu kính cong ngoài đầu làng mọi người phải dạt ra hai bên đường. Bọn chú
hồi đó còn nhỏ cứ lồng ngồng chạy theo xe nó cho đến khi mệt bở hơi tai mới
chịu thôi. Có bận, nó đang đi nhanh bỗng chơi ác, phanh gấp lại một cái, nhiều
đứa ngã dập mày dập mặt ra ấy chứ. Hồi ấy chú nghĩ rằng, có lẽ suốt đời mình
không được đặt đít lên cái yên xe đạp bao giờ. Hà... hà! Vậy mà sự đời cũng hay,
cầu được ước thấy. Hồi xe “Thống Nhất” mới ra những loạt đầu, chú liều lĩnh giấu
thím mày, dắt con nghé lên chợ tỉnh bán rồi tậu luôn một cái xe. Buồn cười, mua
được xe rồi mà không biết đi có nhục không cơ chứ! Vậy là phải dắt bộ từ trên
tỉnh về, nghĩ lại mà buồn cười. Nhưng cái sự đời, được miếng tiết lại muốn biết
miếng dồi. Có lúc chú đã nghĩ: “Cứ đà này rồi mình biết lái cả ô tô cũng nên.” Hà
hà... Nghĩ bậy thế thôi, chứ ai ngờ rồi chú lái ô tô thật. “Công Nông” cũng là
một thứ “cơ giới nhẹ” chứ sao! Hả? Khi hợp tác xã chuẩn bị nhận máy kéo, cử
người đi học lái xe là chú xung phong luôn! Cũng trầy trật ra phết đấy chứ cháu
tưởng ngon à? Văn hóa của chú thấp quá, ban quản trị họ không nhận. Cậy cục, xin
xỏ mãi, các ông ấy thấy mình nhiệt tình quá nên cho đi thôi chứ chẳng mấy ai
tin chú học nổi. Chú bỏ tổ mộc sang tổ máy nhiều người chê chú là dại. Hà hà...
Kể làm cái anh thợ mộc có nhàn nhã hơn thật. Làm hết việc hợp tác thì nhận
khoán nhà cửa, giường tủ của bà con xã viên, rỗi rãi lại có thể đi đây đi đó
làm ngoài, mỗi ngày cơm rượu hai bữa rồi bỏ rẻ cũng được dăm đồng bạc đút túi
nữa. Vì thế, nên những ngày chú mới rời cái cưa cái đục đi học lái máy kéo, thím
mày cũng mặt nặng mày nhẹ mãi đấy chứ.

Chú Mánh của anh là như vậy. Nguyên ngạc nhiên khi nhìn thấy chú mình mặc
bộ đồ công nhân lái máy kéo bao nhiêu thì cũng lại sững sờ bấy nhiêu khi gặp
chú mình trong bộ đồ giải phóng quân. Chú lại như “lột xác” một lần nữa. Hôm
trung đoàn tổ chức hội nghị “Những trận đánh hay, những người đánh giỏi”, ngồi
dưới hàng ghế đại biểu, Nguyên đã rưng rưng nước mắt khi chú anh bước lên diễn
đàn. Vẫn bằng cái giọng gồ ghề, chân chất nhưng rất đỗi say sưa như hôm nào kể
về công việc thợ thuyền, đồng áng của mình, chú trình bày trước hội nghị những
trận đánh xuất sắc của trung đội chú, một trung đội có tác phong đánh nhanh, diệt
gọn, đặc biệt giỏi khi đảm nhiệm nhiệm vụ của một mũi thọc sâu nên đã được mang
danh hiệu “Trung đội gió lốc”.

Con đường đi lên của chú dường như chẳng có gì đặc biệt. Chú chỉ là một
người nông dân đã biết biến đổi mình, nghĩa là biết tự vượt lên những hạn chế
của giai cấp mình để theo kịp trào lưu chung của cách mạng, theo kịp giai cấp
tiên phong. Từ một người nông dân cũ, chú trở thành một người nông dân mới rồi
trở thành người chiến sĩ giải phóng. Đến mùa xuân năm 1973, giữa những ngày cả
nước tưng bừng phấn khởi vì hiệp định Pa-ri vừa ký kết thì người chú ruột thân
yêu của anh đã được kết nạp vào Đảng.

Hôm đó Nguyên cũng có mặt. Anh đã khóc khi nhìn thấy chú mình nghiêm trang
đứng trước cờ Đảng, giơ nắm tay gân guốc lên ngang đầu, run run đọc những lời
tuyên thệ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3