Cơ hội của Chúa - Chương 09 - Phần 3 (Hết)
Bình đi ra ngoài chừng mười phút rồi quay vào. Chúng tôi nói chuyện qua chiếc bàn mọt có bình trà to pha loãng kiểu miền Nam.
“Mọi chuyện, bọn Xamexcô cố vu cáo cho chị.”
“Tôi biết.”
“Vậy chị không nên chấp nhận việc truy thu thuế.”
“Tôi không muốn ra tòa với tội danh buôn lậu.”
“Em nghĩ, mọi việc không phức tạp đến thế đâu.”
Tôi cũng hoàn toàn không hấp tấp khi quyết định một việc làm thiệt hại phần nửa số vốn của mình. Chứng cớ trong tay cơ quan điều tra chỉ là một phần nhỏ sự thật. Thiếu tá Huân cũng biết vậy nên có khuyên tôi nên cân nhắc kỹ mọi chuyện lợi hại. Tôi thường nghĩ, sĩ quan công an là những người cứng nhắc và thiếu hiểu biết về những chuyên môn khác ngạch. Giờ đây tôi biết tôi nhầm. Tất nhiên tôi cũng nghĩ đến việc sử dụng một ảnh hưởng, thậm chí, hối lộ. Nhưng tôi đã mỏi, không phải bây giờ tôi mới mỏi. Thêm chuyện này, một giọt nước làm tràn cốc.
“Anh Sáng đang ở đâu?”
Hơn hai ngày qua, đối với tôi đây là câu hỏi quan trọng nhất.
“Anh Sáng có nói chuyện chị với em.”
“Chỉ thế thôi à?”
Bình lấy bật lửa châm cho tôi điếu thuốc rồi cũng tự châm một điếu
“Anh Sáng là phó giám đốc Sở duy nhất được vào vòng hai đợt bầu cử Hội đồng nhân dân lần này.”
“Nhưng không đến nỗi quá nguy hiểm nếu chỉ là trả lời điện thoại cho tôi.”
“Từ xưa đến nay, em vẫn nghĩ chị là người phụ nữ thông minh nhất thế giới.”
Sáng thường hay khen tôi là sắc sảo thông minh. Người yêu đầu của tôi cũng nịnh tôi là thông minh sắc sảo. Lúc tôi cần họ nhất thì tôi chỉ có một mình. Tôi là đàn bà, tôi là phụ nữ, tôi đã là Mẹ và tôi muốn là Vợ. Thông minh giỏi giang để làm gì nếu cái đấy chỉ cho tôi biết những bất hạnh. Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi còn lần này, tôi không muốn là nạn nhân của cái danh. Hoàng trao tôi bó hoa và nói lời chúc mừng sinh nhật. Vậy thêm một lần nữa, sinh nhật của tôi chỉ có Hoàng và bé Phương Phương. Ba chúng tôi đi ra cái taxi Hoàng thuê tới đón. Chợt tôi vô thức sững lại. Tôi đã thấy một ánh mắt, mà bảy mươi hai tiếng đồng hồ trước tôi vẫn nghĩ đấy là cái nhìn của hạnh phúc.
Sáng cũng cầm hoa, mặc áo blouson sẫm màu. Cặp mắt kính đen to trùm gần nửa khuôn mặt. Trông anh ta thật khác cái ảnh chụp ở báo mà tôi vừa kịp đọc sáng nay trên máy bay. Anh ta nhìn quanh một vòng trước khi lại phía chúng tôi. Tôi quay mặt bước tiếp. Gió thổi lồng lộng cả một khoảng trống sân bay. Con bé Phương bỗng khanh khách bật cười, gió lùa thổi tung cái mũ nồi của nó bay vô hướng vào mênh mông.
2
Trọn một đời người, có nhiều tháng và nhiều ngày. Cái thời gian không ít người tưởng rằng quý báu, chẳng qua cũng là thứ sản phẩm máy móc của cái đồng hồ mà Faulkener ngấm ngầm nguyền rủa. Phương Tây hùng hồn hơn và phương Ðông tế nhị hơn. “Khi tử thần đến gõ cửa nhà ngươi, ngươi có gì để hiến?” Một trong những tâm linh vĩ đại nhất của dân tộc Ấn đã hỏi. Nhiều kẻ biết bọt bèo một ít chữ nghĩa cũng ra vẻ hỏi vậy. Chân lý lập lại thì biến thành tà thuyết. A dua ngu ngốc theo những lỗi lạc ngông nghênh của đại nhân là ung thư vân tự không thể chữa của bọn tiểu nhân. Khi hiện hữu thì nên làm gì. Xin cứ đưa câu hỏi này tới Đạt Ma tổ sư khi Người đang chín năm quay mặt vào vách. Ông ta chẳng làm gì cả. Ông ta chỉ là đồ vô tích sự. Biết bao kẻ đang hăm hở chứng tỏ mình rên lên như vậy. Như là ý thị tổ sư Đông Lai. Trong suốt chín năm ấy Người có làm việc không. Câu hỏi của những người thích khôn đặt cho những người biết ngu. Đức Phật ròng rã thuyết pháp, nhưng cuối đời đành phải thở dài: “Ta chẳng bao giờ nói gì cả.” Người từ bi nên không nỡ tát vào mặt bọn thao thao nhai văn nhá chữ. Chúng ta sẽ dài dòng và ngu xuẩn hơn khi triết luận về cái không làm và không nói của các bật minh triết. Chúng ta thích chúa Jésus thể hiện phép màu, thích luật tổ Huệ Năng có bằng tiến sĩ. Chúng ta là phàm phu, mà như Lâm Tế nói, phàm phu thì thủ cảnh. Người ta liệu giữ được những gì ở ngoài người ta. Mò trăng đáy nước.
Con người tiến hóa từ một sinh vật nào đó qua hình hài mà các nhà khoa học gia cho rằng gần như khỉ, gần như vượn để rồi hoàn thiện ra một sinh linh ngũ quang đoan chính. Đây là một huyền thuyết khắc nghiệt và uy tín nhất mà thế kỷ mười chín, thế kỷ hai mươi mê say. Có hàng nghìn huyền thuyết về xuất xứ loài người. Huyền thuyết nào được phép đăng quang đó là trò may rủi. Đả phá nhà thờ Trung Cổ, thế nhưng những kẻ cuồng tín khoa học lại gặp y nguyên những thao tác của tòa án Giáo hội. Họ cũng cho lên giàn hỏa thiêu những gì mà họ gọi là trái tinh thần khoa học. Những phương pháp luận, những nhận thức luận được nuôi dưỡng dung tục bằng các thuật ngữ “Mắt thấy, tai nghe, tay sờ”. Con người có linh hoạt không. Đã là thiếu phụ sinh con rồi hiển nhiên không còn trinh tiết. Từ đấy, các nhà nhiều bằng cấp sáng chói đạo đức dễ dàng sản xuất ra hàng loạt màng trinh công nghiệp, ở đâu có sự thô bạo của kiến thức ở đó có đông đảo đạo đức giả.
Rời vòng tay của Chúa, con người ta loay hoay tìm cách hoàn thiện bản thân mình. Nói một cách khác, loay hoay đi tìm cái phần linh thể mà Thiên Chúa đã ban cho ngay từ hồi còn oe oe khóc. Chúng ta đã gay gắt chối bỏ ân sủng của Thiên Chúa bằng nhiều lý do nghe có vẻ hữu lý. Một nhà Thần học đã phải đau đớn nói: “Con người đã mất đất Mẹ và đã phải lang thang đi tìm Ðất hứa.” Cái miền Ðất hứa được thế tục hóa bằng sự giàu sang và tiện lợi của nền văn minh. (Một sản phẩm không có thiên tính mà con người luôn luôn tự hào là đã thai nghén và nuôi dưỡng). Chính vì vậy, xã hội hiện đại luôn thuộc về con người văn minh. Những con người nhân hậu suốt đời lo lắng chỉ vì người khác không biết uống Coca và làm việc trên computer. Những con người sẵn sàng tuyên bố làm việc vì danh và lợi. Tất nhiên, danh ở đây là cái danh ưu tú. Lợi ở đây, không những cho mình mà còn cho người. Nghe đạo đức thật. Chữ nghĩa là đã làm cho con người trở nên thông minh như vậy đấy.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Camus cho rằng sự dốt nát dẫn đến độc ác. Vậy giải thích thế nào về những người có học hình như đã làm điều ác. Phải chăng những người này coi tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức, là sự phô trương. Phải chăng, họ tự giao cho mình một sứ mệnh là dẫn dắt nhân loại. Phải chăng, họ đã coi những giá trị tư tưởng vĩnh cửu của các bậc minh triết tiền bối là lạc hậu. Họ khát khao có một nền giáo dục bằng các phương tiện nghe nhìn qua đó, mỗi cá nhân dễ dàng tự khoe khoang cái gọi là bản ngã. Với cách hiểu ăm ắp đầy sách vở, họ coi mọi phương thức đối thoại với im lặng đều là vô nghĩa. Hình như, tất cả nỗ lực của bọn họ sẽ tạo ra một điều khó tránh, con người đi vào thế kỷ hai mươi mốt bằng tư thế ngã ngửa bởi cú hích bạo tàn của nền văn minh kỹ trị được mệnh danh là tiên tiến. Phải chăng, sẽ là điều ác khi chúng ta quan niệm, con người là sinh vật cao cấp đã biết sử dụng máy móc.
Kết thúc bài luận vớ vẩn này, đành phải dẫn một giai thoại thiền đương đại. Một đoàn đại biểu của phong trào bảo vệ môi trường sinh thái, sau hàng loạt những chiến dịch tuyên truyền vất vả có lần gặp một Lạt Ma đang ngồi thiền, họ hỏi: “Một người có tiếng là đạo cao đức trọng như ngài sao thấy việc thiện chúng tôi đang làm mà ngài không tham gia.” Sư đáp: “Mỗi ngày tôi đều đặn ngồi cố rũ bỏ tạp niệm phóng vào hư không những tư tưởng thanh sạch như vậy không phải là giữ gìn sinh thái hay sao.”
Hà Nội,
3/1989 - 21/2/1997
Nguyễn Việt Hà.
Thay lời bạt: Cơ hội của Chúa: Từ nhật ký đến hậu trường văn học
Cơ hội của Chúa cuốn hút tôi trên hết bởi nghệ thuật của nó. Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà là một lò thử nghiệm văn phong khổng lồ trong đó ta gặp lối kể chuyện ở ngôi thứ ba, thể loại tự sự ở ngôi thứ nhất, văn nhái, truyện lồng truyện, tiểu luận. Đặc biệt, bằng những hình thức rất khác nhau như đối thoại, độc thoại, nhật ký, thư, sáng tạo văn học, các nhân vật không ngừng lĩnh chiếm sân khấu Cơ hội của Chúa, gạt người-kể-chuyện sang bên, để tự bày tỏ cái “tôi” của mình. Có thể nói trong tình yêu, tình bạn hay áp-phe họ đều hết mình, nhưng ngôn từ mới là lĩnh vực tác giả cho họ sống hăng say nhất. Để tỏ tình với Thủy, Bình viết liền ba lá thư đi hết trang này sang trang khác. Tuy không nhận lời, Thủy cũng đáp lại, và trong cuộc hẹn liền sau đó, hai nhân vật sẽ thay nhau nói cả buổi, người này tìm cách thuyết phục người kia. Từ Tiệp, Thủy viết cho Nhã những bức thư “dài đặc sít chữ hơn bốn trang giấy mỏng khổ rộng”. Trong thời gian ở Đức, Tâm nhận được mười bảy lá thư của Huyền. Những lời tâm sự của Nhã với Hoàng có thể kéo dài hàng trang. Các buổi tranh luận thi ca hay triết học nhiều vô kể, trong đó kẻ bình thường kiệm lời nhất cũng biến thành nhà hùng biện.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất, đó là những trích đoạn tự sự hay nhật ký, đăng rải rác trong tiểu thuyết, của bốn nhân vật chính - Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy. Độ dài của chúng mỗi lần đều trên dưới hai mươi trang - tổng cộng lên đến gần hai trăm trang - và càng về cuối truyện, tần số xuất hiện càng lớn. Dường như đó là lý do tại sao tác giả ít chú ý đến hình thức các nhân vật, mà chỉ chăm chút những “chân dung nội tâm” này. Nếu như trước sau ta chỉ biết rằng Nhã là “một thiếu phụ xấp xỉ ba mươi. Vẻ đẹp đầy sắc sảo tri thức”, ta lại được đọc đến sáu mươi trang viết của cô. Không cho độc giả thấy Tâm cao hay thấp, béo hay gầy, tóc tai quần áo ra sao, nhưng Nguyễn Việt Hà sẽ cho ta đọc liền hai mươi bảy trang tự sự của anh.
Việc những trích đoạn này nhằm mục đích gì? Cụ thể hơn: thử nghiệm của Nguyễn Việt Hà dẫn đến những hệ quả nghệ thuật nào cho tác phẩm của anh?
Viết nhật ký hay độc thoại nội tâm không là thói quen và nhu cầu của bất cứ ai. Nó chỉ có ở những người đạt đến một trình độ văn hóa nào đó, có ý thức về cá nhân, lại ưa tâm sự, không phải với người khác mà với chính bản thân. Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy, bốn nhân vật chính của Nguyễn Việt Hà, giữa những lo toan vật chất, đều ngoái lại phía sau gặng hỏi dĩ vãng nhưng cũng muốn hướng tới một cái gì khác, chưa hẳn là Lý Tưởng, có lẽ là một vẻ đẹp tinh thần. Những khoảnh khắc đó là những dấu lặng trong tâm hồn họ, những ốc đảo trong cuộc sống đời thường. Điều này dễ hiểu với Hoàng và Thủy, những type người “lãng mạn” đã đành. Nhưng nó lại có ở Tâm và Nhã, những con người của hành động, càng làm nổi rõ tính cách thật của hai nhân vật này.
Đọc Nhã, nhất là khi cô viết vào những mốc quan trọng trong cuộc đời, thường là dịp sinh nhật - “Mùa hè vừa rồi tôi tổ chức sinh nhật tròn ba mươi tuổi”, hay bắt đầu một cuộc tình mới, - “Sáng tỏ tình với tôi vào một buổi chiều mưa đậm hạt”, ta lặn sâu vào vực thẳm của tâm hồn này để hiểu những bất hạnh, phút chán chường, nỗi cô đơn và thèm khát hạnh phúc ở người đàn bà vẫn bị coi là “lý trí”, “tự tin”, “kiêu ngạo”: “Ba ngày Tết năm nay tôi nằm ở nhà, chẳng đi dâu. Bạn bè quen có đến, tôi lấy cớ là mình ốm. Trần nhà trắng đục (...) Đến chiều mùng bốn tôi quyết định đi dancing (...) Tôi dắt xe ra cổng. Nép sát vào cổng sắt nhà tôi một cặp tình nhân đang hôn nhau. Tôi dắt xe vào. Tôi úp mặt xuống bàn và khóc khan. Năm nay tôi ba mươi mốt tuổi Tây và ba mươi hai tuổi mụ.”
Giống như những tác phẩm viết ở ngôi thứ nhất, Cơ hội của Chúa, qua nhật ký hay độc thoại của các nhân vật, đưa chúng ta đi thẳng vào thế giới bên trong mà không cần qua trung gian của người-kể-chuyện. Đây là một đoạn Thủy viết: “Tôi đã hai mươi mốt tuổi và còn hai tháng nữa tôi tốt nghiệp đại học. Tôi đã yêu ba năm, đã có nhiều hạnh phúc, đã có nhiều kỷ niệm. Tôi nhìn mọi sự chậm rãi hơn và đã có một vài điều hư vô quấy rầy trí óc (...) Tại sao liên miên những ngày tháng này tôi thấy trống rỗng.” Hơn nữa, Nguyễn Việt Hà tôn trọng tối đa lời các nhân vật: nhật ký của Nhã chép lại y nguyên những mẩu thư của Thủy, để có hai cái “tôi” lồng vào nhau.
Tuy nhiên, lối kể chuyện này của Nguyễn Việt Hà khác xa với Thiên sứ hay Tướng về hưu, là những tác phẩm viết thuần túy ở ngôi thứ nhất. Trước tiên ở văn phong: đó là những nét bút tự nhiên không mài giũa, đôi khi chỉ ghi lại một cảm xúc mờ nhạt, một tình cảm không rõ nét, trong khi Thiên sứ với một cái “tôi” chạy suốt tác phẩm, buộc phải khúc chiết, thuyết phục, được cấu trúc công phu. Sau đó ở nội dung: nhật ký hay tự sự bao giờ cũng xoáy vào cá nhân người viết, tự phân tích, tự tìm hiểu, phiêu lưu trong tâm hồn của chính mình, trong khi Tướng về hưu là lời của người con kể về người cha. Hơn nữa Cơ hội của Chúa là sự tồn tại song song của ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, như thế nó cho phép người ta nhìn ở những góc độ khác nhau. Đi từ “anh ấy”, “chị ấy” sang “tôi”, người đọc hóa thân vào nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật và khám phá thế giới qua con mắt của nhân vật. Ngược lại, đi từ “tôi” sang “anh ấy”, “chị ấy”, ta bất ngờ đứng về phía người-kể-chuyện, thường chỉ dừng lại bên ngoài, để đánh giá nhân vật một cách khách quan hơn. Việc Cơ hội của Chúa chép lại nhật ký và độc thoại của bốn nhân vật khác nhau càng cho chúng ta một cái nhìn tinh tế, ít đơn điệu: một nhân vật sẽ được nhìn ở ba cấp độ khác nhau, để có những chân dung đa dạng, đôi khi trái ngược nhau. Đây là Hoàng qua con mắt người-kể-chuyện: “Hoàng ấn chuông ngôi nhà hai tầng...” Qua con mắt Thủy: “Ở anh có cái gì là lạ. Một nét yếm thế của những kẻ duy tâm (...) Ở Hoàng thiếu dũng mãnh.” Qua con mắt Tâm: “Tôi và anh trai nhiều sở thích khác biệt. Nhưng từ cấp I đến cấp III đối với riêng tôi Hoàng luôn là thần tượng. Đến tận giờ người tuyệt vời là thông minh và nhân hậu duy nhất tôi được gặp vẫn là Hoàng.” Qua con mắt Nhã: “Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này đối với tôi là một điều kỳ dị. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chết yểu. Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng dối trá.” Qua con mắt của chính Hoàng: “Người tôi lem nhem một nỗi buồn chán. Tôi loay hoay và tôi làm phiền nhiều người. Tại sao lại thế.” Đây là Nhã nhìn Thủy ở hai thời điểm khác nhau: “Tôi trông Thủy cũng dễ mến, có vài nét phù phiếm (...) nông nổi”, “Ở trong sâu, Thủy có tố chất của người kinh doanh. Thời gian sẽ cho thêm bản lĩnh. Có lẽ nửa năm nữa cô bé sẽ có chút tiền và chắc chắn sẽ hết dịu dàng.” Còn đây là Thủy nhìn Nhã cũng ở hai khung cảnh khác nhau: “Một thiếu phụ rất đẹp trông kiêu căng”, “Hồi tôi với Hoàng giận nhau, anh lấy cớ đi công tác bỏ đi xa. Sốt ruột tuần ba lần, tôi đến chơi với Nhã và chị an ủi tôi rất nhiều.” Để thấy tính xảo diệu trong lối kể chuyện của Nguyễn Việt Hà, cần nhớ rằng trong Tướng về hưu, ta chỉ được nhìn ông tướng qua mắt con trai - một con mắt chân thành, yêu thương nhưng đôi lần giễu cợt - mà không bao giờ được nghe ông thổ lộ riêng những suy nghĩ hay tình cảm thầm kín của mình.
Bốn nhân vật xưng “tôi” tạo nên những cặp vừa tương đồng vừa đối lập. Như những cái gương họ soi vào nhau, người này phản chiếu và soi rọi người kia. Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy: một cặp nam và một cặp nữ, bốn thanh niên trong cuộc sống đô thị Việt Nam những ngày “mở cửa”. Hoàng và Tâm: hai người đàn ông, hai anh em, hai tính cách - Tâm quyết đoán Hoàng lưỡng lự, Tâm hành động Hoàng suy ngẫm. Nhã và Thủy: hai người đàn bà, hai vẻ đẹp, hai sắc thái, một lão luyện một trong trắng, nhưng cả hai đều liên tiếp thất bại trong tình yêu. Thủy và Hoàng: hai kẻ yêu nhau nhưng không hạnh phúc bên nhau, người con gái muốn “đạt đến chân lý một cách minh bạch khúc chiết”, trong khi người con trai nhìn mọi sự với con mắt hoài nghi. Hoàng và Nhã: một đàn ông và một đàn bà, cả hai cùng tôn thờ tình bạn nhưng nhất quyết không đi đến tình yêu. Nhã và Tâm: hai con thiêu thân trong cuộc chạy đua theo đồng tiền, cùng coi Hoàng là thần tượng, cùng say mê áp-phe, nhưng người đàn bà thích buôn lậu còn người đàn ông mộng làm giàu chân chính. Bốn số phận độc đáo. Bốn trái tim mãnh liệt. Bốn cuộc vỡ mộng. Cần thấy rằng chỉ có họ, những tâm hồn nhạy cảm, sâu kín nhưng bối rối giữa cuộc đời, mới có đặc quyền bày tỏ cái “tôi” của mình. Lâm, Bình, Sáng, không ghi nhật ký, không độc thoại nội tâm: đời sống tinh thần của họ không làm tác giả chú ý, có lẽ nó không có gì phức tạp hay bất ngờ. Những bức thư của Bình không thành thật, chúng chỉ nằm trong chiến lược thu phục Thủy. Chỉ xem Bình hiện ra như một “phiên bản các tài tử nam đóng vai chính trong những phim lãng mạn Hồng Kông. Trắng trẻo. Sống mũi thẳng rất hợp với kính Tây Đức”, người đọc đủ đoán được những gì có thể xảy ra ở bên trong của cái bề ngoài này. Với Nguyễn Việt Hà, cách thể hiện Bình rõ nhất là cho anh ta vào vai một vở kịch tồi với “chàng”, “nàng” và “vài ba phiên bản của Picasso và Henry Matisse”. Đặc biệt Sáng, một thanh niên “con nhà”, đầy quyền lực, tri thức và tiền bạc, chỉ được kể qua nhật ký của Hoàng và Nhã. Cuộc tồn tại văn học của anh ta cũng rất ngắn: xuất hiện muộn trong tác phẩm, Sáng nhanh chóng ra khỏi trái tim Nhã với chiếc mặt nạ cầm tay.
Không chỉ các nhân vật mà các sự việc trong Cơ hội của Chúa cũng được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Các thông tin đến từ người-kể-chuyện hay độc thoại, nhật ký các nhân vật sẽ bổ sung nhau, đối chiếu nhau. Buổi gặp gỡ tình cờ trong quán rượu ngày mới quen chỉ được Thủy tả trong vài hàng, sẽ được Hoàng kể trong nhiều trang. Cuộc tỏ tình cũng được kể hai lần: lời của Hoàng - “Tôi ngẩng lên. Thủy nhìn. Ánh mắt trong suốt của em hay của tôi. Tất cả chúng sinh trở nên rực rỡ và từ từ tan ra”, lời của Thủy - “Tôi khe khẽ ngẩng đầu, người lạnh toát. Đó là Hoàng (...) Mọi cái quay tròn (...) Hoàng chăm chú đọc. Mái tóc phủ lòa xòa buồn bã quanh trán. Vâng, tôi yêu anh, có gì là xấu hổ. Tôi muốn nói một điều gì đó với anh. Tôi bình tĩnh xé vở để nguyên cả tờ đúp viết. ‘Anh Hoàng, chúng ta có thể nói chuyện như người lớn được không?’ Hoàng ngước nhìn tôi. Mắt anh đẹp lạ lùng. Anh viết ba chữ rất lớn ‘Anh yêu em’.” Nếu cuộc đương đầu giữa Nhã và Lâm vào buổi tối khi người tình phản bội trở về, chỉ được tóm tắt trong mấy chữ: “Cuộc hội đàm giữa hai người dài mười bốn phút”, sẽ được Nhã tả chi tiết ở hai chục trang sau đó, kèm những dòng cảm xúc lẫn lộn khinh bỉ, thù hận và nuối tiếc kỷ niệm: “Tôi nhìn anh ta. Khuôn mặt nhiều lần đã làm nhói buốt giấc mơ của tôi (...) - Em hút thuốc hơi nhiều....” Tương tự, cuộc hội ngộ của Hoàng và Tâm sau năm năm xa cách diễn ra ngay lúc mở đầu tiểu thuyết, nhưng phải đợi gần ba trăm trang sau, ta mới hình dung ra Hoàng hôm đó qua giọng kể của Tâm: “Hoàng trông hơi xanh và gầy. Áo vét tông kiểu cổ nhưng sạch và phẳng phiu.” Bằng cách này, Nguyễn Việt Hà phá bỏ lối diễn đạt thời gian đơn chiều thường có trong các tác phẩm viết theo truyền thống.
Mặt khác, trong Cơ hội của Chúa, quá khứ được tái hiện lại không theo trình tự trước/sau, mà hoàn toàn theo trí tưởng tượng chủ quan của nhân vật. Trong dòng tự sự của Thủy, ký ức và hiện tại miên man chảy, không một từ nối, không một lời chuyển tiếp. Thực tế một quan bar ở Hải Phòng đột ngột đứng giữa hai kỷ niệm về Hoàng ở hai thời điểm khác nhau: “Không có chuyện gì tôi trách Hoàng cả đặc biệt là chuyện tiền nong. Nhưng cứ kéo dài như vậy mãi ư hả anh, anh của em. Gã trai ở bàn bên cạnh mạnh dạn đi sang mời tôi nhảy. Duy nhất một lần Hoàng có rủ tôi ra vũ trường. Sàn nhảy ấy là bạn của Hoàng đấu thầu.” Tùy theo nội dung của độc thoại mà tác giả quyết định chiều thời gian. Tự sự của Tâm hừng hực hy vọng và dự kiến tương lai vì vậy được kể phần lớn trong chiều thuận: những năm ở Đức, cuộc trở về, xây nhà, gặp lại người con gái mà anh sẽ cưới, mở công ty. Ngược lại, tự sự của Hoàng, nhất là trích đoạn thứ hai, ngập trong buồn chán, nên nói chung theo chiều nghịch ở đó ngày tháng cứ lùi dần: hôm Thủy lặng lẽ bỏ đi, lần cuối cùng Hoàng nhìn thấy cô, lần gặp áp cuối.
Thời gian trong Cơ hội của Chúa vì vậy tan ra từng mảnh, hết dừng, lại lùi, rồi tiến, cứ thế trong một điệu quay vô tận. Không gian cũng chỉ là những địa điểm xếp cạnh nhau mà không theo một quy luật nào hết. Đi từ nhật ký này sang nhật ký khác, độc giả như lạc vào mê cung. Cuộc sống, theo Nguyễn Việt Hà, không phải là một sợi dây thẳng tắp hay sự tiếp diễn của các sự kiện theo luật nhân quả, mà là tập hợp những mảng vỡ, những khoảng trống, những âm hưởng. Các nhân vật của anh tạo cảm giác không làm chủ bản thân lẫn tình huống: cách diễn đạt ở ngôi thứ nhất dẫn đến những cái nhìn giới hạn, họ chỉ kể cho ta nghe những gì trực tiếp chứng kiến hay nghe nói. Có rất nhiều thông tin độc giả được biết nhưng vẫn là bí mật đối với nhân vật: Hoàng không bao giờ được đọc những lá thư Bình gửi cho Thủy hay những nỗi niềm của Thủy sau khi bỏ anh ra đi. Nếu “kỹ thuật của tiểu thuyết luôn liên quan đến tư tưởng của tác giả” như Sartre nhận định, những cái nhìn mang dấu ấn chủ quan của những cái “tôi” khác nhau trong Cơ hội của Chúa cho phép Nguyễn Việt Hà thể hiện một thế giới không thuần nhất mà muôn hình vạn trạng, không khép mà mở, không xác thực mà đầy bí hiểm, bất ổn, hoài nghi - “Chân lý là khái niệm cực đoan. Một khái niệm rỗng, đúng với người này và sai với người kia. Chân lý tuyệt đối nằm ở đâu.” Và đó chính là chiều hướng chung của triết học hiện đại, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của Einstein qua thuyết tương đối.
Paris, tháng 6 năm 2004,
Đoàn Cầm Thi.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Sienna – Fuju – H.y
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)