Cơ hội của Chúa - Chương 04 - Phần 1

Chương bốn

1

Hành
trình của cuộc sống va chạm phải vô số khái niệm siêu hình. Ða phần là vô
nghĩa, đã thế, làm Tâm loạn. Băn khoăn, day dứt, trăn trở, thao thức. Cứ tưởng
với tới lại hụt hẫng, càng muốn trốn lại càng khó thoát. Lạy Chúa, ý của Người
quả là tăm tối. Mọi sinh vật ra đời đã hoàn thiện. Qua bàn tay của Chúa không
thể có mặt hàng thứ phẩm. Vậy làm sao lại có cái ác. Chúa tạo ra thiên nhiên đa
dạng và mỗi vật có chức năng riêng. Lão Tử nói: “Ngắn dài đo nhau.” Mỗi vật tuy
tiểu dị nhưng thực là đại đồng. Quá trình vận động tạo sự cọ xát giữa các chức
năng của vật nên lầm tưởng rằng giữa các vật có sự hơn kém. Mọi vật đều bình
đẳng, không có sinh vật cao cấp hoặc hạ cấp. Con người, hỡi ôi, sản phẩm thiêng
liêng của Chúa. Vì Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của mình và cây sậy
có tư tưởng đó nhất quyết đòi sự độc tôn trong thế giới tự nhiên. Và giữa người
này, người kia cũng vậy. Ðã đòi một sự khẳng định, tất cả đều muốn bành trướng
cái bản ngã tự cho là duy nhất. Cái ác đầu tiên manh nha từ sự so bì cao thấp,
ghen tị. Dần dần, cùng hành trình của nhận thức (ở đây hiểu theo nghĩa cái gọi
là sự phát triển của nền văn minh, khái niệm do con người tự tạo, Chúa không
tác tạo ra khái niệm). Cái ác đạt đến một cấp độ cao, nó được nuôi dưỡng tinh
vi bằng vô số nhưng đạo đức giả. Nó bám theo cái Thiện. Vậy là con người đòi
cạnh tranh với Thượng đế. Và Người đã thấy sự tha hóa. Lòng thương của Người
được thể hiện bằng cách cho đức Chúa con giáng thế. Nhằm cho cái ác mất hẳn đi
trước ngày phán xét. Chao ôi là bất lực. Cái ác, hiểu một cách đơn giản là tất
cả những gì đi ngược ý Chúa. Cho nên muốn giải trừ cái ác hãy để mình tan vào
ánh sáng trong suốt của Chúa. Hay khác đi, Chúa sống qua thân xác của mình. Con
người chân chính là phiên bản của Chúa. Phải thế chăng mà Nietzche nói: “Thượng
đế đã chết.” Ma tổ Đạo Nhất nói: “Phật chỉ như que khô củi mục.” Ðành tạm minh
họa như vậy.

Lạy
Chúa, chỉ có sức mạnh hiển linh tuyệt vời của Người mới cứu được con. Biết bao
hố bùn đê tiện quyến rũ con nhảy vào, con đã lưỡng lự hay đã trượt chân. Vâng,
con quen dùng những từ giả dối để tự biện hộ. Lạy Chúa con là kẻ có tội, con đã
ác với nhiều người vì nghĩ rằng nhiều người đã ác với con. Con đã không dằn
lòng khi đã kêu xin Người khản cả tiếng, xin Người hãy cho con lòng tin. Xin
Người hãy làm chậm trễ hành trình vào bẩn thỉu của con để con được ngửa mặt
nhìn đời. Con tin rằng tất cả những người thiện lương đều có thể mắc lỗi lầm,
nhưng không bao giờ rơi vào sự quay quắt đểu giả đê tiện. Và Chúa đã sinh ra họ
với nỗi quằn quại đau đớn của sự trung thực. Con là đứa con bé nhỏ của Người và
Người không nỡ quên. Khi con vượt qua được sự cám dỗ, dạn dĩ nhìn vào bình minh
của ngày hôm sau, nhìn thẳng vào mắt người đầu tiên trong ngày đang đi đường
kia, con mới biết ân Chúa to lớn nhường nào. Con vẫn được là con của Chúa,
không phải vì con có học, có lòng trung thực hay dũng cảm. Mà đó là ý Chúa.

2

Tôi
tốt nghiệp đại học năm 1982. Luận văn, trái với sự mong đợi của tôi và thầy hướng
dẫn, bị đánh giá thấp. Ðến bây giờ tôi đã phần nào thông cảm với những bó buộc
của trường quy, những hạn hẹp của cuộc sống, còn lúc ấy đặc biệt là ấm ức. Ông
giáo già vì tuổi tác lẫn lý lịch không có bằng Phó tiến sĩ khuyên tôi đừng đi
làm. Cùng với thời gian tôi càng hàm ơn người thầy. Một trí thức duy nhất tôi
tôn trọng. Thầy đã nâng cao cả tửu lượng lẫn kiến thức cho tôi. Lá số tử vi
thầy lập cho tôi rồi chiết giải, thỉnh thoảng bị va đập những ngúc ngoắc từ
cuộc sống, tôi giở ra xem và nhớ lại vẫn thấy đúng đến ghê người. Và lạ thay,
ngày thầy mất trùng đúng ngày tự tử của người bạn thân cùng tháng cùng năm chỉ
khác giờ. Tất nhiên là phải khác giờ. Giỗ đầu hai người khi trời mưa, tôi khóc
suốt năm tiếng, nuốt vã hết ba lít rượu trắng. Ðó cũng là đỉnh cao trong lịch
sử độc ẩm của tôi. Ba tháng sau khi tôi tốt nghiệp, Tâm đi Ðức. Bảy tháng sau
có giấy gọi nhập ngũ. Tôi chẳng vui chẳng buồn. Mẹ tôi bần thần rút ra hai chỉ
để chạy vạy, mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc đều đã ngớt tiếng súng. Tại
sao tôi không thi hành nghĩa vụ quân sự, tiêu chuẩn tối thiểu của một nam công
dân lương thiện. Tôi sợ sự gian khổ và những nộì quy khắc nghiệt chăng, hay có sự
liên tưởng nào đến Hemingway và Remarque. Không biết. Thật nhiều sự loay hoay ở
tôi.

Tôi
gặp lại nàng khi đến hỏi tin anh bạn. Mùa đông năm 1985 tôi đã là cán bộ nhà
nước. Một viên gạch được đóng dấu trong công cuộc xây dựng xã hội. Nàng ở nhà
một mình, bố đã đi lấy vợ lẽ. Mẹ mất hút sau chuyến buôn đường dài lần thứ hai.
Tôi chìa tờ Nguyệt san hải ngoại có đăng bài thơ kí tên Du. Giọng ca thê lương
của gã sinh viên mất quê.

-
Cách đây hai tháng rưỡi em có nhận được một lá thư của anh ấy. Ðọc sởn da gà. Anh
ấy buồn lắm.

Tôi
thấy nàng cũng buồn. Son phấn đánh kĩ chỉ tăng thêm phần ảm đạm. Ngày Du còn ở
nhà, nàng xinh và tươi hơn.

-
Em sống thế nào.

Câu
hỏi xã giao làm tôi tự đỏ mặt. Cô em gái duy nhất của người bạn thân duy nhất,
gần bốn năm không qua cửa. Nàng không trả lời, nhìn tôi. Ðâu đó ở lúc nào đó
một cô bé đã nhìn tôi như vậy. Ðầu năm học thứ ba, khi đòi lại cuốn giáo trình
tiếng Anh cho Du mượn, giữa trang 34 và 35 kẹp một lá thư tình của cô bé lớp
mười hai, ấp úng đầy lỗi chính tả, nói yêu tôi. Cứ nghĩ rằng tương lai giải
Nobel sẽ lủng lẳng ở cổ mình, tôi lãnh đạm đi qua mối tình đầu của thiếu nữ mới
lớn với sự cao đạo của minh tinh Clack Gable.

-
Ði ăn chiều cùng anh nhé.

Nàng
nhận lời. Và đến giờ nỗi đau của tôi vẫn trọn vẹn. Chưa khi nào, chưa ở đâu với
riêng tôi nàng lại đắn đo. Hà Nội qua mùa lá rụng trời thu trong mây đã úa
đông. Suốt gần bốn tháng bên nhau chúng tôi lê la khắp các quán cà phê. Tôi bơ
vơ và lang thang trong nỗi buồn vô cớ. Nàng bên tôi nhí nhảnh, khuôn mặt mang
vẻ hạnh phúc. Thỉnh thoảng nàng dúi tay vào tôi tờ trăm đô bảo đi đổi. Tôi chưa
vô tư đến mức tiêu tiền không biết xuất xứ. Vả lại, nếu đủ dũng cảm xin tiền
phụ nữ tôi chỉ dám xin Nhã.

-
Hôm nay anh không uống.

-
Sao thế anh?

-
Nếu anh nói em có ghét anh không?

-
Sẽ không bao giờ em hết yêu anh.

Ðồng
lương tượng trưng của tôi tất nhiên khi tiêu pha phải theo chủ nghĩa ấn tượng.
Tôi chìa tờ giấy bạc xanh có dòng chữ “We trust in God” hôm qua nàng mới đưa.
Nàng nhìn tôi khẽ cười. Chúng tôi nói chuyện tay ba trong quán đặc sản. Chả cá
Lã Vọng là một di tích cần bảo tồn của nền văn hóa ẩm thực. Chàng kĩ sư Thụy
Ðiển hai mươi bảy tuổi cao một mét tám, cặp mắt xanh lơ sáng màu trung thực.
Nàng xã giao giới thiệu và tôi thấy mến chàng trai. Vốn tiếng Anh của tôi về kĩ
thuật chỉ cho phép hiểu lơ mơ nghề nghiệp. Hình như là chuyên gia nhiệt điện.
Chúng tôi nói chuyện linh tinh về tập quán phong tục. Anh ta nói nhanh nhưng dễ
nghe, không nuốt âm. Tôi chưa sang Bắc Âu, thông tin loáng thoáng qua sách báo,
tâm hồn và văn hóa của họ tôi không biết. Duy nhất chỉ quen một người ở mảnh
đất hình con hổ đó. Chàng thanh niên xấu xí, gầy gò lang thang cho đến tuổi già
đi kể chuyện cổ tích. Tônxtôi bảo: “Andecxen là kẻ cô đơn, chỉ có kẻ cô đơn mới
đi nói chuyện với trẻ con!” Tôi tin Tônxtôi. Tôi hay tin những người bất hạnh.
Ngà ngà cuối bữa tôi dịch cho chàng Viking một bài thơ của Du. Anh ta khóc, hóa
ra bọn tư bản cũng có khá nhiều thằng đa cảm.

Nàng
hôn tôi. Hôn kiểu trẻ con mới lớn. Day day bằng răng.

-
Anh không yêu em và rồi anh cùng chẳng yêu ai. Lúc nào trông anh cũng buồn.

-
Hôm qua anh lại trượt xổ số.

-
Em chỉ toàn mơ thấy anh. Chẳng biết khi xa anh em sẽ như thế nào.

-
Bên ấy có tuyết, em cố quen nhé.

-
Anh yêu. Tại sao anh không yêu em. - Bỗng nàng bật cười, nghe chua xót lạ. - Em
biết rồi.

Tôi
úp mặt vào gối. Nàng ở nhà một mình và trên giường nàng là hai chúng tôi. Những
ngày cuối đông nàng chẳng muốn đi đâu, im lặng nhìn tôi và đôi khi uống nhiều
rượu. Một buổi chiều trở gió nàng cầm passport đưa tôi xem. Vậy là còn mười một
ngày nữa.

-
Nếu anh muốn em sẽ xé nó đi.

-
Anh xin. Thomson là người chồng tốt...

-
Nếu em cứ muốn ở lại với anh.

Tôi
cho tay vào tóc nàng. Tự biết, mình đã làm một việc ác.

-
Em hiểu vì sao anh không đến với em.

Vâng,
dễ hiểu lắm. Anh chỉ là thằng hèn. Một cái hũ rượu dột chứa đầy dối trá. Vâng,
anh sợ hãi dư luận. Những năm tháng đó anh vẫn tưởng mình làm được cái gì.
Thanh danh. Trinh tiết. Quả là những khái niệm chân chính. Nàng bịt mồm tôi
lại, hôn rất lâu lên trán. Tại sao mình lại phải cắn rứt. Nàng biết ngay mọi
chuyện rồi sẽ như thế nào. Mình ái ngại quá khứ. Những thằng như mình lấy đâu
ra cao thượng. Rằng quá khứ của nàng đã vấp phải bánh xe Toyota mang biển NN.
Hãy ngụy biện đi, kẻ chối Chúa. Ðức Chúa Giêsu quay lại bảo ông thánh Phêrô:
“Ðêm hôm nay trước khi gà gáy lần thứ hai thì con sẽ chối thầy ba lần.” Nàng
biết tất cả, kể cả vẻ nhờn nhợt cao đạo của mình. Kể cả sự khốn nạn của mình.
Và nàng sẵn sàng chết vì mình. Lạy Chúa, con run rẩy trước cơn giận dữ của
Người. “Mày đong cho người khác đấu nào, Chúa sẽ đong cho mày đấu ấy.”

Tôi
nhận được bức thư duy nhất của nàng vào cuối tháng tư năm 1988. Nàng đã li dị
và đã đi bước nữa. Người chồng mới gốc Pháp, quốc tịch Canada. Cuối thư,
vẫn lo về chuyện rượu chè của tôi. Thư kể chi tiết về cái chết của Du, anh đã
buộc viên đá to trẫm mình xuống biển, cái chết gây xôn xao cho cộng đồng người
Việt ở Bắc Mỹ. Những người cánh tả cực đoan cho là âm mưu của bọn lưu vong phản
động. Dư luận khác đổ tại rượu, một thứ trầm uất ở vài ba trí thức Việt kiều.
Tôi không biết, tôi đọc lại những bài thơ của Du. Anh viết giản dị.

Khi
tôi chết là tôi được về với Mẹ

Biển
cả ơi tôi đã tin người.

Người
ta tìm mọi cách vớt thi sĩ lên. Hỏa táng hài cốt, cho vào bình nhựa tổng hợp.
Such as life. Nhân loại đầy rẫy những kẻ cẩn thận.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3