Run Rẩy Bờ Vai - Chương 08
Chương 8
Thứ Bảy
Tôi mất cả ngày để tìm ra những khác biệt, khác biệt giữa trạng thái
điên khùng và yêu đương say đắm. Thực sự là như thế. Cuối cùng, tôi đã ngộ ra.
Lúc này tôi thôi không lảm nhảm một mình nữa. Không hề. Cũng không
phiêu lãng cùng những đám mây đủ sắc màu nữa dù có một lần nó suýt xảy ra vào
sáng nay.
Bố và tôi cùng đi thăm mẹ. Buồn cười nhất là khi bố tôi nói đi thăm mẹ,
tôi đòi đi cùng khiến mặt ông cứ nghệt ra nhưng lại có vẻ vui mừng.
“Mẹ khỏe nhiều rồi bố ạ”, tôi nói khi bố tôi đang đậu xe ngoài bãi xe
cổng chính. “Bố sẽ ngạc nhiên vô cùng cho xem”.
Tuy nhiên, mọi thứ không như tôi dự đoán. Khi chúng tôi vào phòng, mẹ
đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, mặc dù bà cười và cố gắng nói chuyện nhưng vẫn
có vẻ bồn chồn lo lắng, cắn cắn những ngón tay và bứt bứt cái dây đồng hồ liên
tục. Nếu mẹ không thế hẳn bố đã là người trợ giúp cừ khôi khi ông thì cứ nói
liền tù tì về những cuộc họp kinh doanh chán ngán của ông, không thôi vỗ về tay
mẹ và luôn miệng hỏi. “Em thế nào rồi?”
“Có điều này anh muốn hỏi ý em, em yêu à”. Ông nói đột ngột và tôi biết
ông định nói về việc Newcastle. Tôi đã dặn bố không nên nói, năn nỉ ông để vài
ngày nữa cho đến khi mẹ hoàn toàn bình phục, nhưng bố tôi bảo đã có quyết định
và sếp giục ông phải trả lời gấp.
“Em nghĩ sao nếu cả nhà chúng ta…” Ông mào đầu và đó là lúc có một đám
mây u ám xuất hiện trước mắt tôi.
“Con đi lấy ít cà phê đây”. Tôi vội vàng nói bởi không muốn bị bao trùm
bởi những đám mây. “Mẹ uống cà phê không?”
“Cũng được”. Mẹ tôi nói hờ hững, tay vân vê vạt áo.
Tôi đi lấy cà phê và đang cố gắng xua đuổi đám mây theo mình thì bắt
gặp cô Miranda Jenks bước ra từ một phòng tư vấn.
“Georgie!” Cô gọi tôi như thể tôi là đứa cháu lạc nhà đã lâu của cô ấy.
“Rất vui khi gặp cháu. Mọi thứ thế nào?”
Một tuần cách đây tôi có lẽ chỉ trả lời đại khái. “Tốt ạ”, rồi tiếp tục
đi lấy cà phê. Nhưng lần này cô ấy đứng ngay bên cạnh tôi và đột nhiên tôi thấy
mình nên tư vấn cô ấy một vài câu.
“Cháu không hiểu tại sao”, tôi nói. “Hôm qua mẹ cháu thật tuyệt vời,
gần như hồi phục như trước khi mắc bệnh nhưng hôm nay trông mẹ cháu lại thật xa
lạ, bồn chồn, tại sao vậy ạ?”
Cô Miranda cười. “Điều này cần có thời gian, Georgie ạ”. Cô đáp. “Cháu
ngồi xuống một lát và cô sẽ giải thích cho cháu rõ”.
Cô ấy đưa tôi vào văn phòng của cô và bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế
bành. “Mẹ cháu đã phải đối mặt với rất nhiều thứ xảy ra trong quá khứ của bà
ấy”. Cô bắt đầu nói.
“Cháu biết”. Tôi xen ngang bởi muốn chứng tỏ với cô Miranda biết rằng
mẹ tôi yêu tôi nên đã kể hết mọi chuyện cho tôi rõ. “Về việc chối bỏ anh Simon
và sau đó cố gắng đền bù cho anh và nhiều việc nữa”.
“Mẹ cháu có nói với cháu à? Thế thì hay quá!”. Cô Miranda trông thực sự
vui mừng. “Sự thật là việc mẹ cháu có thể thổ lộ điều này với người mà mẹ cháu
yêu quý, thậm chí ngưỡng mộ là một sự cải thiện đáng kể”.
“Sao ạ? Cháu chưa nghe rõ”.
“Có nghĩa là mẹ cháu vô cùng sợ hãi bà ấy sẽ làm sụp đổ mọi thứ khiến
cháu nghĩ bà ấy là một bà mẹ tồi, bỏ học lên đại học và không bao giờ liên lạc
với bà ấy nữa”.
“Mẹ cháu nói mẹ cháu yêu cháu”. Tôi buột miệng.
“Cháu có bao giờ nghi ngờ điều đó không?” Cô Miranda hỏi.
Tôi gật đầu.
“Mẹ cháu ngưỡng mộ cháu”. Cô Miranda tiết lộ.
“Nhưng sao hôm nay mẹ cháu trông tệ hại vậy hả cô?” Tôi hỏi.
“Có khi nào cháu trải qua một ngày tồi tệ không?” Cô Miranda hỏi. “Ngay
cả người bình thường, có tâm lý vững vàng cũng có ngày vui, ngày buồn, cả những
ngày cực kỳ khủng khiếp thì sao mẹ cháu lại không? Bà ấy phải đối mặt với nhiều
thứ đau khổ và bà ấy đã vượt qua nó vô cùng dũng cảm. Hãy cho bà ấy được nghỉ
ngơi”.
Tôi cười và gật đầu. Vẫn còn một câu hỏi nữa tôi muốn biết. “Chứng bệnh
này có di truyền không cô?”
Tôi nhớ là đã nhìn xuống vạt áo khi hỏi câu này và nín thở trong khi
chờ câu trả lời.
Cô ấy cần thời gian để suy nghĩ và tôi chuẩn bị tinh thần cho khả năng
xấu nhất.
“Georgie, chứng bệnh mẹ cháu mắc chưa chắc đã di truyền sang cháu,
nhưng trong cuộc đời cháu có những lúc cháu rơi vào khủng hoảng, suy sụp, nổi
giận thì không phải là không thể xảy ra…”
“Cháu có nổi giận ạ”. Tôi thừa nhận.
“Ồ, tốt thôi”. Cô Miranda cười. “Điều đó chứng tỏ một điều”.
“Gì ạ?” Tôi hỏi, không biết cô ấy muốn đề cập đến điều gì.
“Rằng cháu hoàn toàn bình thường như những người xung quanh”. Cô đáp.
“Bây giờ thì đi lấy cà phê cho bố mẹ cháu đi kẻo họ chết khát hết”.
Thế là tôi đi.
Trên đường ngồi ô tô về nhà, tôi hỏi bố xem mẹ đã nói gì khi bố đề cập
đến chuyện Newcastle nhưng tất cả những gì bố tôi nói là ông ấy sẽ ươm hạt,
trồng cây và điều đó thì ám chỉ nhiều thứ. Có điều khi tôi chào tạm biệt mẹ, mẹ
ôm ghì lấy tôi thật chặt như thể bà thực sự muốn thế, thậm chí còn gừi lời thăm
Amber, dặn tôi nói với cô Joy là mẹ tôi sẽ liên lạc với cô ấy sớm. Thật ngạc
nhiên ghê.
Khi chúng tôi về đến nhà, điện thoại bàn có một tin nhắn của anh Leo.
Dĩ nhiên, bố ngay lập tức tra hỏi tôi xem anh chàng đó là ai, xuất thân gia
đình có tử tế không, tôi có nên giao du với một gã trai mà mình không biết rõ
không…? Tôi trả lời bố là anh Leo thực tập tại bệnh viện St. Gregory, có biết
mẹ tôi và tốt bụng khi bênh vực tôi trước việc Nick tuôn ra những lời khó nghe
thì bố có vẻ xuôi xuôi một chút.
Bố tôi bắt đầu giở giọng phụ huynh thao thao giảng giải về những cám dỗ
giữa các chàng trai sung mãn và các cô gái ngây thơ thì tôi nghĩ thế là quá đủ
nên ngắt lời ông: “Con đang vội mà bố”, tôi nói “Bà Flavia sẽ giúp con làm bài
tập ở nhà”.
Nói xong tôi chạy biến đi.
Ngạc nhiên là tôi thực sự mong được gặp bà, không phải để làm bài tập
mà để kể cho bà Flavia về tất cả mọi thứ đang diễn ra. Tôi không thể đợi thêm
được nữa.
“Cháu ăn bánh nướng dâu xanh hay bánh mì trái cây đây?” Bà Flavia hỏi
tôi ngay khi tôi bước vào nhà và đang định cởi áo khoác. “Công thức mới, không
biết ngon hay không nhưng đảm bảo có thể ăn khi bụng đói, cháu chọn cái nào?”
“Loại nào cũng được ạ”. Tôi lịch sự đáp lại nhưng lại nhớ ngay việc đầu
tiên lần trước bà nhắc nhở nên nói bồi, “À quên, cháu ăn bánh mì trái cây. Bánh
mì nướng với mứt ạ”.
Bà cười sảng khoái và đấm bụp vào lưng tôi. “Tốt, thuộc bài rồi đấy”.
Bà kêu lên. “Hay! Bánh mì trái cây, đích thị”.
Bà dẫn tôi vào bếp. Con Aristippus nằm cuộn tròn trên ghế chớp mắt nhìn
tôi đầy vẻ kiêu ngạo.
“Sao, cuộc hẹn hò may rủi của cháu sao rồi?” Bà Flavia hỏi, cắt ổ bánh
mì trái cây thành những lát mỏng và đặt vào trong lò nướng. “Chàng trai hợp gu
với cháu chứ?”
Bà dùng từ hợp gu thật tâm lý quá, không giống như bố tôi.
“Đến chết mất bà ạ”. Tôi thở dài. “Anh ấy hẹn cháu lát nữa đi chơi. Vậy
nên cháu phải về nhà trước 6 giờ, anh ấy sẽ đến đón cháu”.
“Quá tuyệt”. Bà thốt lên. “Bà có thể thò đầu qua cửa sổ để xem mặt
chàng trai ấy. Và mẹ cháu thế nào, cháu đã nói chuyện với mẹ rồi chứ?”
Tôi gật đầu. “Mẹ cháu rất yêu cháu bà ạ”. Tôi nói. “Và mẹ cháu giải
thích rất nhiều nhưng cháu không biết nói với bà sao nữa. Ý cháu là…”
Bà Flavia xua tay. “Cháu thân mến, bà không yêu cầu cháu kể đâu. Đó là chuyện
riêng tư của mẹ cháu và bà không cần biết làm gì. Nhưng hai mẹ con cháu đã hiểu
rõ nhau rồi đúng không nào?”
“Đúng ạ”. Tôi đáp. “Cháu thậm chí không quan tâm đến việc mẹ cháu quên
ngày sinh nhật của cháu luôn ấy…”
“Sinh nhật à? Không phải hôm nay chứ?”. Bà Flavia nói vội và chạy tới
để lấy bánh mì trong lò nướng ra.
“Tuần sau ạ”. Tôi trả lời bà. “Mẹ cháu từng nói cách đây đã lâu khi mẹ
cháu chưa bị ốm là sẽ tổ chức sinh nhật của cháu thật to. Sinh nhật tròn mười
sáu tuổi. Tổ chức giống như ở Mỹ người ta làm đấy bà ạ”.
“Còn bây giờ?”. Bà Flavia nhìn tôi hơi hoang mang và đổ lọ mứt ra trên
bàn.
“Bây giờ thì dĩ nhiên cháu không thể tổ chức vì mẹ cháu đang ở trong
bệnh viện còn bố cháu quá bận rộn với công việc và nhiều thứ khác”.
“Bà hiểu rồi”, bà Flavia nói. “Ờ, ờ”.
Trông bà có vẻ nghĩ ngợi gì đó một lúc và sau đó lắc đầu, “Lại đây, bắt
đầu làm bài nào. Mang cái đĩa của cháu lên phòng làm việc của bà và chúng ta sẽ
bắt đầu! Tự chủ hả, à, ừ, tuyệt hay!”
Bà thật đáng mến nhưng đôi lúc tôi cảm thấy rõ ràng là bà hơi bất
thường sao đó.
oOo
Tôi thật không tin nổi. Nếu cách đây hai giờ có ai đó hỏi tôi làm sao
để viết bài luận vừa đạt điểm cao lại đầy hứng thú thì trên thang điểm mười tôi
nghĩ mình giỏi lắm được năm trừ, nhưng lần này thì khác, bài tiểu luận tôi làm
với sự hướng dẫn của bà Flavia thực sự hay.
Khi chúng tôi ngồi xuống, bà Flavia lấy ra một chồng giấy nhiều màu và
đưa cho tôi.
“Quên mấy cuốn sách bài tập nhàm chán đi”. Bà nói. “Chúng ta sẽ dùng
cái này”.
“Chúng cháu không được làm thế…”. Tôi nói.
“Thầy cháu không cho? Ông ấy tên là gì?”
“Thầy Lamport ạ”. Tôi nói với bà.
“Thầy Lamport nói là cháu phải viết trong quyển sách này hả?”
Tôi lắc đầu.
“Vậy thì chúng ta sẽ không viết vào đó”. Bà tuyên bố. “Những tấm giấy
nhiều màu này tốt hơn nhiều cho những điều bà đang suy nghĩ trong đầu. Bây giờ
bà nghĩ là cần một câu trích dẫn”.
“Sao ạ?”
“Bà luôn cho rằng nên bắt đầu một bài tiểu luận với một câu trích dẫn”.
Bà giải thích, “Lý do là thầy cháu sẽ đặc biệt ấn tượng và lý do khác
là cháu sẽ học thêm được một câu nói của ai đó. Đưa bà cuốn từ điển các câu
trích dẫn – nó kia kìa, bên cạnh cuốn Lịch sử nước Anh ấy”.
Và bài tiểu luận đã bắt đầu như thế. Chúng tôi tìm từ tự chủ và tìm
thấy rất nhiều người nổi tiếng có ý kiến về vấn đề này.
Cuối cùng bài tiểu luận của tôi bắt đầu với những từ: “Khi bạn giận dữ
hãy đếm đến bốn; khi vô cùng giận dữ bạn hãy chửi mắng”.
Mark Twain đã nói vậy. Ông viết cuốn Tom Sawyer và Huckleberry Finn. Bà
Flavia sửng sốt khi tôi nói tôi chưa đọc cuốn này và vì vậy bà cho tôi mượn. Đó
thực sự là cuốn sách cũ kỹ với những bức vẻ bằng mực lạ lùng. Tôi nghĩ đây là
cuốn sách quá xưa nhưng bà nói cuốn này thực sự hay nên tôi sẽ thử đọc qua xem
sao.
Cuối cùng chúng tôi đã gần hoàn tất bài luận. Tôi đã viết ra tất cả -
về việc sợ hãi có thể khiến người ta giận dữ, làm cho người ta hành động mà
không suy nghĩ ra sao. Tôi cũng nói rằng tự chủ là một điều không tốt, đặc biệt
là khi nó ngăn cản bạn bộc lộ suy nghĩ thực sự của mình hay không dám thú nhận
mình đang bị tổn thương.
Một bài tiểu luận rất thông minh, thậm chí tôi tự nhủ điều đó với chính
mình.
Tôi nhảy lên và ôm chầm lấy bà Flavia thật tự nhiên. “Cám ơn bà nhiều”,
tôi cười.
“Không cần đâu, cháu yêu”. Bà nói. “Nhưng hãy nhớ dự tính nho nhỏ của
chúng ta nhé”.
Tôi cảm thấy bối rối. “Có thực sự cần thiết không ạ?” Tôi hỏi.
“Cần thiết cháu ạ”. Bà đáp. “Nó sẽ làm mọi thứ thay đổi”.
Tôi thở dài. Điều này thực không dễ dàng cho tôi, thậm chí là việc khó
khăn nhất tôi chưa từng làm.
“Vâng ạ”. Tôi thì thầm. “Cháu sẽ cố gắng làm thế ạ”.
Tôi thường hay đổi ý vào sáng ngày thứ hai. Và tôi không có thời gian
để nghĩ ngợi đến điều này bây giờ.
Ngay lúc này điều tôi thực sự quan tâm là chau chuốt sao cho thật đẹp
để đi chơi cùng anh Leo.
Tôi không thể rời mắt khỏi anh ấy. Nói ra thì thật ủy mị nhưng khi anh
ấy nhìn tôi, tôi thấy đầu gối mình như tan ra thành nước, cả người tôi ngứa
ran, tê rần như bị ong chích.
Đó là buổi tối tuyệt vời nhất. Tôi nghĩ vậy, chúng tôi không làm gì đặc
biệt cả ngoài việc đi dạo dọc bờ kênh thật lâu, sau đó dừng ở một quán bar cũ
gần cạnh khu bờ sông và thưởng thức loại cốc-tai có tên gọi Giấc mơ nữ thần
Titania – thứ thức uống này quả thực ngon chết người, không có đá, được trang
trí với những cây dù giấy có những sợi óng ánh. “Em bao nhiêu tuổi?” Leo hỏi
đột ngột khi chúng tôi vừa ngồi xuống được vài giây. “Ý anh là, em có muốn uống
chút gì mạnh hơn không?”
Tôi lắc đầu. “Em sẽ tròn mười sáu tuổi vào thứ bảy tuần tới”. Tôi đáp
và thấy anh nhướn mày lên tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Mười sáu ư?” Anh kinh ngạc. “Anh nghĩ là em nhiều tuổi hơn thế chứ”.
Anh nói vậy làm tôi tưởng anh đang tìm cách thoái thác khéo, và thế là
tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại anh nữa.
“Có sao không anh?” Tôi rụt rè nói, không dám nhìn vào mắt anh ấy vì lo
sợ.
“Dĩ nhiên là không”. Anh đáp. “Sao là sao cơ chứ?”
Sau đó anh cầm tay tôi. Tôi dường như ngừng thở.
“Em rất đáng yêu”. Anh nói bình dị. “Dù em bao nhiêu tuổi?”
Anh nhấp một ngụm nước. “Thế em định tổ chức sinh nhật thế nào?” Anh
hỏi tôi. “Tiệc sinh nhật dã chiến hay họp mặt thân mật gia đình?”
Tôi nhún vai, “Không tổ chức gì cả, em đoán thế”. Tôi đáp. “Thực ra, em
đang bối rối với tiệc sinh nhật của mình đây”.
Tôi không ngờ là tôi đã nói như thế. Đây là chàng trai tôi muốn gây ấn
tượng tốt đẹp hơn bất kỳ ai trên hành tinh này, nhưng tôi đang nói thật mà lại
về việc tôi là một kẻ nói dối và một kẻ gian lận cơ chứ.
Tôi im bặt.
“Nói tiếp đi em”. Anh nài nỉ.
“Em nói với bạn em là mẹ em sẽ tổ chức một tiệc sinh nhật hoành tráng
cho em và bây giờ thì mẹ lại đang ở trong bệnh viện, và em không thể tổ chức
tiệc và thế là chúng sẽ coi em như một con điên cho mà xem”.
Tôi nói quá nhiều trong khi nghĩ mình nên im lặng.
“Nói với bạn em là em đã thay đổi ý định và em sẽ làm gì đó hay hơn
thay vì vậy”. Anh gợi ý. “Nói vậy chúng sẽ thôi bàn tán”.
“À…”, tôi định nói nhưng lại thôi. Tôi không thể nói được. Nghĩ thì dễ
nhưng thốt ra lời sao mà khó thế.
“Sao hả em?”
“Em đang phân vân, em cần suy nghĩ, nhưng không, anh chắc không thể
rồi, thật là ngu ngốc!”
Leo cau mặt, “Không thể làm gì?”
Tôi hít một hơi thật sâu. “À, anh có thể, thứ bảy tuần sau, chỉ một
ngày thôi, à mà thực ra là buổi tối hoặc thậm chí chỉ vài giờ để làm điều đó…”
“Georgie! Em đang muốn nói gì vậy?”
Thế rồi đó. Chúa ơi đừng để anh ghét con.
“Anh vui lòng giả vờ làm bạn trai của em nhé?”
Tôi đã nói vậy.
“Không được”. Leo đáp.
Dù sao cũng cám ơn Chúa. Tim tôi chao đảo và mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ.
“Không sao ạ, lẽ ra em không nên đề nghị vậy…”
“Không, anh không thể giả vờ làm bạn trai em”. Anh đáp, cười cười nhìn
tôi. “Nhưng anh có thể thực hiện điều khác”.
“Điều gì ạ?”
Chẳng có điều gì khác để thực hiện đâu.
“Anh sẽ thực sự là bạn trai của em”. Anh nói. “Georgie, anh nghĩ em rất
tuyệt vời. Anh muốn ở bên em mỗi ngày mỗi giờ. Em đồng ý chúng ta sẽ nên đôi
chứ?”
Tôi liếc nhìn anh. Anh muốn tôi trở thành bạn gái của anh. Người con
trai tuyệt vời, hòa hợp, đáng yêu, thân thiện, đẹp tuyệt này muốn tôi – Georgie
Linnington, một con điên của khối lớp 11 hẹn hò với anh ấy.
Cám ơn Chúa. Em không ngờ lại có được anh. Em sẽ không bao giờ thôi tin
tưởng anh, mãi mãi về sau, em hứa.
“Dạ”. Tôi thở ra và anh cầm lấy tay tôi và nghiêng người về phía tôi.
Nếu anh ấy định làm cái điều mà tôi chờ mong thì chắc tôi sẽ chết và
lên thiên đường mất.
Tôi nhắm mắt chờ đợi, và anh đã làm điều đó.
Tôi đã được hôn.
Và nếu tôi không mảy may nhầm lẫn thì anh ấy đã hôn tôi triền miên say
đắm, không rời.