Run Rẩy Bờ Vai - Chương 04
Chương 4
Chiều thứ Tư
Tôi lê bước nặng nề trong cơn mưa cho đến khi bước lên những bậc tam
cấp trước cửa nhà, cơn giận dữ vẫn chưa nguôi. Tôi vừa tra chìa khóa vào ổ thì
đột ngột có con gì nhảy phóc ra từ sau chiếc chậu gốm lớn đầy hoa phăng-xê tím
mẹ trồng.
Hóa ra là con mèo. Con Aristippus. Bộ lông nó ướt lép nhép và bẩn thỉu,
nó kêu rên thảm thiết và quấn lấy chân tôi, nhìn tôi với đôi mắt to tròn cầu
khẩn. Thực ra không nên thả mèo đi rông khi mới chuyển tới nơi ở mới, nhưng
chắc bà Flavia không nghĩ nổi những điều thiết thực vậy.
Tôi hơi ngại ngần khi bế nó lên vì trông nó bẩn thỉu, nhưng nếu tôi để
nó đó mà đi gọi bà Flavia thì sợ nó chạy đi mất và lại tiếp tục đi lạc.
Tôi đặt cặp sách xuống sảnh nhà, Aristippus đi theo tôi với cái đuôi
ngọ nguậy và cái mũi hít hít.
“Đừng, đừng…”. Tôi cúi người xuống, vòng tay túm nó, bước xuống bậc tam
cấp và sang nhà bà Flavia. Ngạc nhiên là nó cứ ở yên trong tay tôi, giương mắt
nhìn tôi, chẳng buồn trốn thoát hay nhảy xuống.
“Bà Flavia ơi!”
Từ trong nhà vọng ra âm thanh rất to, bà đang hát, lạc cả điệu:
“Về nhà đi, trái tim bé nhỏ, hãy về nơi con thuộc v… ề”.
Tôi gõ mạnh cọc cọc vào cái hộp thư và may mắn thay giọng hát ngưng
lại, cái bóng to lớn của bà Flavia nhìn tôi qua khung cửa kính nhiều màu.
Bà vội vàng mở cửa và há hốc miệng.
“Georgie và Aristippus, cưng! Con đã đi đâu vậy?”
“Cháu thấy nó trước cửa nhà cháu”. Tôi trả lời, thả con mèo xuống dưới
chân bà Flavia. “Bà không nên thả mèo ra ngoài khi mới chuyển tới đây ở ạ”.
Bà Flavia cười, “Bà đâu có thả nó”. Bà đáp. “Bà nghĩ là nó trốn đi khi
mấy người chuyển nhà vừa rời khỏi đấy. Thật là may mắn là cháu đã tìm thấy nó”.
Bà bế con mèo và cười với tôi, “Vào nhà đi cháu, đừng đứng ở đây!”
Vô thức tôi bước vào sảnh nhà bà.
“Đi vào đây”, bà nói, vẫy cánh tay béo múp “Cánh cửa thứ hai bên phải”.
Tôi đấy cánh cửa bằng gỗ thông để bước vào.
“Chà!”
Tôi không tin vào mắt mình. Căn phòng tuyệt vời. Sàn nhà được trải
những tấm thảm đẹp tôi chưa từng thấy, bức tường đối diện treo vô vàn những bức
tranh và bức tường, các mặt nạ kỳ lạ và những bức phù điêu chạm trổ tinh vi. Và
sách hiện diện ở khắp nơi, sách chồng thành chồng, sách ở trên kệ, vương vãi
dưới sàn nhà, vài cuốn trên ghế bập bênh ở góc nhà thậm chí ở cả trên lò sưởi
bằng đá. Sách to dày cộm, sách gáy mềm, sách có tranh… đủ các loại. Căn phòng
của bà trông không khác nào tiệm sách vào ngày giao hàng. Rõ ràng bà cố gắng
sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng nhưng thất bại. Một kệ sách được đóng đinh
tạm thời trên tường bị lệch hẳn về một phía, cả cái đèn hình tiên cá và nữ thần
Hy Lạp cũng có bao nhiêu là vòng dây treo phía trên.
“Mọi nơi đều lộn xộn”, bà Flavia nói một cách phấn chấn như thể căn
phòng bà thật gọn gàng. “Nhưng bà không cảm thấy dễ chịu nếu không có sách và
các bức tranh xung quanh mình, ăn bánh cà rốt chứ?”
“Dạ?”
“Đến giờ uống trà rồi, nên chúng ta ăn bánh nhé!”. Bà tuyên bố, “Ở yên
đây, bà sẽ đi lấy đồ nhanh chóng thôi”.
Tôi chưa bao giờ thấy một nơi có nhiều sách như thế này ngoại trừ thư
viện. Tôi cầm một cuốn trên cùng ở chồng sách nằm trên ghế bập bênh.
Sổ tay cho phụ nữ đi du lịch, nội dung của nó đầy các hướng dẫn vụn vặt
như làm thế nào để tránh côn trùng trong rừng rậm Borneo, làm sao để không bị
móc túi ở Bolivia. Tôi đây rời khỏi Kettleborough cũng khó chứ nói đến đi đâu
xa xôi, vậy nên tôi nhìn quanh quẩn để tìm cuốn sách khác thú vị hơn.
Một lúc sau tôi tìm được cuốn truyện cổ tích về những người khổng lồ,
nữ thần và yêu tinh. Những bức tranh của nó tuyệt đẹp giống hệt như trong phim.
Tôi bị cuốn hút đến nỗi không biết bà Flavia đã quay trở lại phòng.
“Cuốn truyện đó tuyệt hay phải không? Bà chưa khi nào thấy chán khi xem
nó cả”.
Tôi nhanh chóng đặt cuốn sách xuống.
“Bà cho cháu mượn đấy, cưng!”. Bà nói và mỉm cười. “Cháu thích nó mà”.
“Nhưng nó là sách của con nít ạ”. Tôi giẫy nảy, không muốn để cho bà
nghĩ là tôi đần hay đại loại vậy”.
“Trời ạ, không phải mình cháu đâu!”. Bà vỗ tay vào trán đánh bốp.
“Sao ạ?”
“Rất nhiều người nghĩ rằng truyện tranh không dành cho người trên sáu
tuổi”, bà thở dài. “Thật là ngộ nhận, cháu hãy nhìn mà xem”.
Bà cầm cuốn truyện lên, lật giở từng trang và dừng lại ở một bức tranh
tuyệt đẹp, mặt biển màu xanh đại dương bất tận, những đóa hoa tử đinh hương nở
rộ li ti, có những gương mặt ẩn hiện phía sau những vòm lá.
“Mỗi lần cháu nhìn vào bức tranh này cháu sẽ lại thấy một điều gì đó
thật mới mới mẻ”. Bà phấn chấn nói. “Hãy để cho trí tưởng tượng của cháu được
bay bổng, trở lại với tuổi thơ. Đó là liệu pháp tâm lý tuyệt vời nhất trên thế
giới”.
Tôi nhìn vào bức tranh. Quả bà nói rất đúng. Có một chú sên nhỏ đang
rơi khỏi một cành hoa bị gãy. Những khuôn mặt nhô ra từ những thân cây rỗng
trông tò mò và có chút gì đó khả nghi. Và khi đọc những dòng chữ ở trang bên
cạnh bạn sẽ biết rằng những người này là bọn người xấu.
“Này”. Bà Flavia kêu lên. “Chúng ta hãy ăn trong nhà bếp và cầm theo
sách nhé”.
Sau đó bà dẫn tôi qua sảnh để vào trong bếp. Trên bàn là một đĩa bánh
lớn với lớp đá dày. Bà lấy dao cắt ra hai miếng lớn và đưa một miếng cho tôi.
“Uống trà nhé? Bà chỉ có trà cúc La Mã và Bá Tước Mũ Xám thôi, cháu
thích uống loại nào?”
Tôi không muốn thừa nhận với bà là chưa từng uống hai loại trà trên nên
đáp:
“Loại nào cũng được ạ”, trong khi nhấm nháp miếng bánh ngon chết người.
“Không được”. Bà Flavia khoanh tay trước ngực và cười với tôi.
“Sao ạ?”
Thực lòng mà nói, nói chuyện với bà còn khó hơn là rũ bỏ những suy nghĩ
về mẹ ra khỏi đầu.
“Cháu phải tự chọn thôi”. Bà nói, mở nắp và đổ nước vào ấm. “Bà không
thể chịu đựng được việc người ta cứ tuân theo hội chứng số đông. Tự quyết định
đi nhé”.
Tôi nhún vai “Trà Cúc… gì đó đi ạ”. Tôi đáp.
Bà phá lên cười. “Chọn tốt đấy!” Bà đóng nắp ấm. “Rất êm và nhẹ nhàng,
cực kỳ phù hợp với người vừa trải qua một ngày u ám”.
“Sao bà biết cháu vừa trải qua một ngày u ám?”
Bà ngồi xuống, khoanh tay ngang qua bộ ngực đồ sộ của mình và nhún vai.
“Bà không biết, bà chỉ nêu những tác dụng của lá cúc La Mã thôi. Nhưng cháu nói
vậy thì bà biết là cháu vừa trải qua một ngày thật dài. Kể cho bà nghe đi.”
Bà đứng dậy và đổ nước sôi vào từng gói trà.
“Mẹ cháu yêu anh cháu nhiều hơn…”
Trời đất, tôi vừa nói cái gì đây? Tôi thậm chí còn chưa hiểu gì về bà.
Tôi nhét một miếng bánh vào miệng và im thít.
“Hơn cháu đúng không? Bà không nghĩ vậy đâu.”
Bà Flavia đưa tôi tách trà và ngồi xuống đối diện với tôi.
“Mẹ cháu có thể thích anh cháu nhiều hơn vào lúc này…”
Ơn trời!
“… nhưng không phải là yêu anh cháu nhiều hơn đâu. Cháu đã nói chuyện
ấy với mẹ chưa?”
Ôi trời, tôi biết nói gì với mẹ tôi bây giờ? Không thể nói chuyện với
mẹ được bởi bà hoặc là ngồi yên lặng nhìn vào khoảng không hoặc là gào thét inh
ỏi, bởi bà đang ở trong bệnh viện tâm thần nói cho cả thế giới về sự tuyệt vời
của anh Simon, trong khi không mảy may đề cập đến sự hiện diện của tôi trên mặt
đất. Chưa hết, anh Leo nói là bệnh tình của bà khá phức tạp và có thể không hồi
phục.
“Cháu không muốn nhắc đến chuyện này”. Tôi nói và một đám mây màu vàng
nhẹ sà xuống quanh tôi. Đó là một quãng mây ấm, dường như muốn làm gì đó với
cây Aga màu xanh ở trong góc bếp nhà bà Flavia. Tôi phải cố gắng lắm mới cưỡng
lại được mong muốn nhắm nghiền mắt để theo cụm mây trôi đi bồng bềnh. Dĩ nhiên
tôi không thể làm được điều đó trong một ngôi nhà của người khác, nên tôi gõ gõ
các ngón tay xuống bàn và tập trung vào cái bánh ngọt.
“Thì chúng ta sẽ không nói về điều đó!” Bà Flavia mỉm cười. “Nào, nói
cho bà biết theo cháu bà nên sơn tường màu tím từ đinh hương hay màu xanh đại
dương?”
“Cả hai đều không”. Tôi thầm thì. “Màu vàng lòng đỏ trứng đi ạ”.
Bà Flavia nghênh đầu sang một bên, nhìm ngắm bức tường. “Cháu biết
không?” Bà la lên, đập bàn đánh bộp, “Bà nghĩ là cháu nói rất đúng, ý kiến
tuyệt hay! Bà sẽ sơn tường màu vàng lòng đỏ trứng”.
Tôi nhìn bà ngạc nhiên tột cùng, “Cháu không hẳn có ý đó đâu ạ, cháu
chỉ đang suy nghĩ linh tinh và…”
Bà Flavia phẩy tay lia lịa, “Đừng bao giờ phán xét trực quan của mình”.
Bà nói. “Hãy làm theo những cảm nhận mà cháu cho là tốt, đó là con đường duy
nhất! Ăn thêm bánh nhé?”
Tôi lắc đầu, xoa hai tay vào nhau để phủi những vụn bánh còn bám ở tay
và dấu mực mở trên tay nhắc tôi nhớ.
“Cháu đã biết nghĩa từ hedonist là gì rồi”. Tôi nói, may quá đã chuyển
sang đề tài khác “Người theo chủ nghĩa khoái lạc và hạnh phúc”.
“Tuyệt vời!” bà Flavia vỗ tay tán thưởng. “Thế cháu đã chịu khó tra từ
điển để tìm nghĩa của nó à? Hay quá!”
“Và cháu cũng tìm ra là…” Tôi liếc nhìn sang tay bên kia. “… từ đồng âm
với nó là gì?”
Tôi gắng rặn từng âm tiết để nói ra.
Bà Flavia gật đầu. “Tuy cùng một từ phát âm giống nhau nhưng chúng lại
có ý nghĩa khác nhau đúng không?” Bà nói. “Giống như cùng phát âm là [bou]
nhưng lại có nghĩa khác nhau là con tàu và cái nơ đúng không?”
“Dạ, đúng vậy”. Tôi đáp.
Bà Flavia cười.
“Từ jongleur có nghĩa là gì ạ?” Tôi mắc cỡ hỏi bà.
“Người hát rong, đúng không?” Bà Flavia đáp, phủi vụn bánh ra khỏi vạt
áo.
“Đúng ạ”. Tôi đáp.
“Cháu muốn đố bà đúng không”, bà phá lên cười. “Tốt thôi, đến lượt bà
này, đố cháu một từ nhé”. Bà nhắm mắt lại, đặt tay lên cằm suy nghĩ. “Từ
onomatopoeia nghĩa là gì?’
“Dễ ợt”. Tôi vui mừng đáp. Tôi nhớ từng có một thời gian cô Lightbody
gọi tôi là học sinh giỏi tiếng Anh nhất. “Nghĩa của nó là từ mô tả các âm thanh
bà ạ hay là từ tượng thanh, như là tiếng nước róc rách, tong tong chẳng hạn”.
“Quá siêu!” Bà Flavia tán dương. “Dường như cháu dành cả ngày chỉ để
đọc từ điển thôi ấy nhỉ?”
Tôi không đáp nhưng tôi biết là bà nói đúng. Đột ngột trò chơi đố từ
trở nên mất vui khi tôi nhớ lại chính xác những gì đã xảy ra hôm nay và ngày
mai đến lớp tôi sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tôi sẽ gặp rắc rối cho mà xem.
Sau đó Amber sẽ tìm ra sự thật là tôi chẳng mắc bệnh gì cả, việc không
tổ chức sinh nhật nữa, rồi bố sẽ phát hiện ra tôi không đi thăm mẹ, ông ấy sẽ
phát điên lên mất.
Những đám mây tiến lại gần mời gọi tôi, tôi chỉ muốn bước vào giữa đám
mây để ngủ vùi trong đó.
“Georgina? Cháu không sao chứ?”
Bà Flavia nhìn tôi lạ lẫm.
Tôi nở nụ cười như đang được quay hình lên tivi với khán giả của mình.
“Tốt ạ”. Tôi đáp “Cháu chỉ hơi đau đầu sau khi tan học thôi, bọn bạn cháu
gọi cháu thận mật là Georgie bà ạ.”
“Thế bà cũng được tính là bạn cháu đúng không?” Bà Flavia hỏi tôi.
“Vâng, đúng vậy ạ. Bà là bạn của cháu”. Tôi đáp. Tôi hơi ngạc nhiên với
chính mình vì điều tôi nói hoàn toàn là sự thật. Một điều cực hiếm hoi đối với
tôi những ngày vừa qua.
“Thế thì tốt quá, cảm ơn cháu”. Bà nói và theo chân tôi bước ra cửa.
“Đừng quên cuốn truyện!”
Bà dúi nó vào tay tôi, “Khi nào trả cho bà cũng được”.
Bà nói thêm, “Nói với mẹ cháu và mai bà sẽ sang thăm làm quen nhé!”
“Không được”. Tôi quay lại đáp. “À, cháu định nói là bà không gặp được
đâu. Mẹ cháu đi vắng, đi công tác Trung Quốc, thật ra là ở Hồng Kông”.
Nói dối thật trơn tru.
“Thật à? Tuyệt quá! Bà thích nơi mẹ cháu đang ở lắm, thập niên 60 bà
từng ở đó ba lần. Mẹ cháu ở chỗ nào?”
Thôi thấy hơi căng thẳng. Sao bà lại biết Hồng Kông vậy nhỉ?
“À… Dạ… ở khách sạn Grand ạ”. Tôi đáp. Hầu như nơi nào cũng có khách
sạn Grand phải không nhỉ?
Bà Flavia cười mỉm. “Nếu vậy thì, để bà qua nhà chào bố cháu một cái”.
Bà tiếp tục nói “Hàng xóm thì nên làm thế đúng không?”
Tôi định nói với bà là bố tôi cũng đi vắng nhưng tôi biết là bà sẽ
không đồng tình.
“Cảm ơn bà về món bánh ạ”. Tôi nói.
“Bất cứ lúc nào”. Bà đáp. “Mai bà lại làm thử món bánh mới, cháu sang
ăn thử một miếng nhé”.
Bà cười toe toét, “Sang bà chơi nhé? Cháu sang chơi bà rất vui”. Bà
nói. “Thực sự như vậy”.
Tôi không tránh khỏi liếc nhìn bà một cái. Bà nói có vẻ rất chân tình.