Cuộc đời của Lê-nin - Chương 40 - 41

PHÒNG LÀM VIỆC TRONG RỪNG

Ở gần
Pê-tơ-rô-grát, cách biên giới Phần Lan không xa, ở thị trấn nhỏ Xê-xtơ-rô-rết-xcơ
có một nhà máy lớn chế tạo vũ khí. Người công nhân Ê-mê-li-a-nốp làm việc ở nhà
máy đã ba chục năm. Ông sống ở ga Ra-dơ-líp, từ đó tới nhà máy đi bộ mất nửa giờ.
Ga được gọi theo tên hồ Ra-dơ-líp. Hồ bắt đầu từ đây và kéo dài khoảng bảy cây
số. Vào những hôm trời nắng mặt hồ xanh biếc như bầu trời. Dọc theo các bờ hồ
có những cây trăn thân đen, bụi rậm và đầm lầy.

Một hôm
có một người đến nhà Ê-mê-li-a-nốp. Ê-mê-li-a-nốp biết người đó: đó là người đại
diện của Trung ương Đảng. Người đại diện đến có việc quan trọng. Ban chấp hành
Trung ương Đảng bôn-sê-vích đã quyết định: mau mau giấu vị lãnh tụ của Đảng là
Lê-nin khỏi những cuộc truy nã của Chính phủ lâm thời phản cách mạng.

- Đồng
chí Ê-mê-li-a-nốp, Đảng trao cho đồng chí nhiệm vụ đó, - người đại diện của
Trung ương Đảng nói. - Liệu đồng chí có làm được không?

- Chính
vì tôi là người bôn-sê-vích nên tôi phải làm được, - Ê-mê-li-a-nốp đáp.

Thời
gian đầu Ê-mê-li-a-nốp quyết định giấu Vla-đi-mia I-lích ở vựa chất cỏ khô
trong sân nhà mình.

Nhưng
ít lâu sau ông hiểu: không, không thích hợp, nguy hiểm. Xung quanh có những người
láng giềng. Bọn trẻ con hàng xóm thường hay tạt vào chơi. Ê-mê-li-a-nốp có bảy
đứa con-bạn của mỗi đứa cộng lại đâu có phải ít? Không, cần phải tìm nơi ẩn nắp
kín hơn.

Sáng sớm
Ê-mê-li-a-nốp đánh thức Vla-đi-mia I-lích. Mặt trời chưa mọc. Phía trên hồ phủ
một lớp sương mù mỏng màu xanh thẫm. Hồ ở ngay sau nhà. Ê-mê-li-a-nốp cởi thuyền
ra. Nước ỏ dưới mái chèo khẽ kêu xoàn xoạt. Nhưng ngôi nhà đang ngủ nằm im lìm
dọc bờ hồ. Ê-mê-li-a-nốp chở con thuyền ngang qua đó, men theo bờ đi ra hồ
Ra-dơ-líp. Hồ trong sáng, rộng mênh mông và không có người. Bóng đêm vừa mới
rút đi. Mọi người đang ngủ. Chim chóc đang ngủ. Ở phương đông, ánh bình minh mới
hơi ửng hồng.

Ê-mê-li-a-nốp
vội chở Lê-nin qua bờ hồ bên kia. Đi tới đó khoảng bốn dặm. Ông rất lo: nhỡ có
ai trong số những người láng giềng nom thấy ông vào sáng sớm tinh mơ chở một
người lạ đi đâu không rõ, để làm gì không rõ thì sao? Trên tất cả các báo chí đều
có đăng tin các nhà cầm quyền đang tìm kiếm Lê-nin. Có thể gặp phải lắm hạng
người… Bở thế Ê-mê-li-a-nốp mới vội vã.

Vla-đi-mia
I-lích ngồi im lặng sau tay lái. Một làn gió nhẹ ban mai thổi tới, những lớp
sương mù màu xám chuyển động trên hồ Ra-dơ-líp. Bờ càng hiện rõ hơn. Ánh bình
minh màu hồng dần dần tỏa sáng.

Vào giờ
phút tĩnh mịch ấy Vla-đi-mia I-lích chợt nhớ lại những năm tháng xa xăm, những
người bạn thân thiết. Nhớ lại Ba-bu-skin, người công nhân thành Pê-téc-bua.
Vla-đi-mia I-lích đã cùng với Ba-bu-skin viết tờ truyền đơn đầu tiên của “Liên
minh đấu tranh”. Ba-bu-skin, người vô sản thành Pê-téc-bua, đã trở thành nhà
cách mạng hăng hái, người bôn-sê-vích kiên cường. Các nhà đương cục đã xử tử
ông không cần xét xử vào năm 1906.

Và thủy
thủ Ma-chu-sen-cô của chiến hạm “Pô-chôm-skin”, người đã tới gặp Vla-đi-mia
I-lích ở Giơ-ne-vơ để kể về cuộc khởi nghĩa! Sau đó anh trở về Tổ quốc và đã bị
các nhà đương cục xử tử.

Vla-đi-mia
I-lích nhớ lại một đồng chí nữa - một công nhân trẻ ở U-pha tên là I-van
I-a-cu-tốp. Trong cuộc cách mạng năm 1905 I-van I-a-cu-tốp đã thành lập nước cộng
hòa nhân dân ở U-pha. Cuộc cách mạng bị đàn áp, I-van I-a-cu-tốp đã bị xử tử ở
sân nhà tù. Hàng ngàn các chiến sĩ công nhân đã hy sinh vì cách mạng! Các đồng
chí đáng được ghi nhớ đời đời.

Vla-đi-mia
I-lích nghĩ rằng Ê-mê-li-a-nốp, người công nhân ở Xê-xtơ-rô rết-xcơ, cũng rất mạo
hiểm khi che giấu người khỏi các nhà đương cục tư sản. Nếu chẳng may gặp tai họa
thì chúng sẽ không tha. Và nên nhớ là sẽ còn lại bảy đứa con.

- Cám
ơn, Ni-cô-lai A-lếch-xan-đrô-vích, - Vla-đi-mia I-lích nói.

Ê-mê-li-a-nốp
liếc nhìn Người:

- Có gì
đâu, Vla-đi-mia I-lích! Đó là vinh dự đối với tôi.

Rồi ông
đưa con thuyền vào gần bờ. Vào đám cỏ tranh. Đám cỏ tranh kêu sột soạt, giạt ra
dưới con thuyền.

Ngay cạnh bờ là rừng. Không phải rừng, mà là rừng nhỏ gồm
những cây hoàn diệp liễu mảnh khảnh, cây trăn, những cây bạch dương mảnh dẻ. Rừng
nhỏ, cây không cao, nhưng dày!

Hai người dỡ các thứ ở trên thuyền xuống, mang lương thực
và chăn gối vào sâu trong rừng, khoảng nửa dặm. Vla-đi-mia I-lích còn cắp theo
một chồng giấy và quyển vở màu xanh.

Gần một năm Vla-đi-mia I-lích làm việc ở Duy-rích, ở thư
viện, ghi chép những tài liệu cần thiết. Bây giờ cuốn vở màu xanh ấy với những
điều ghi chép là một kho tàng quý đối với Vla-đi-mia I-lích.

Nhưng Ê-mê-li-a-nốp dẫn đi đâu thế? Họ đi theo đường rừng,
và trước mặt, mở ra một khoảng rừng thưa. Một khoảng rừng thưa rộng, xanh biếc.
Trên chỗ rừng thưa có dựng một túp lều. Cạnh túp lều có những chiếc cọc chôn xuống
đất, một chiếc nồi con treo giữa hai chiêc cọc. Hiểu ngầm đó là bếp.

- Chà! - Vla-đi-mia I-lích bỗng thốt lên. - Môt chỗ ở trứ
danh, Ni-cô-lai A-lếch-xan-đrô-vích ạ! Không thể tưởng tượng được lại tuyệt diệu
đến thế.

- Đồng chí đã trông thấy cái này chưa? - Ê-mê-li-a-nốp hỏi.

Rồi ông chỉ cái hái đặt sát chiếc lều và hòn đá để mài lưỡi
hái.

- Vla-đi-mia I-lích, tôi thuê đồng chí cắt cỏ. Tôi đã
lĩnh canh chỗ rừng thưa này, vì vậy cần phải cắt cỏ. Trong trường hợp nếu có
người hái quả hoặc hái nấm chợt đến lều thì đồng chí không được nói nửa lời.
Tôi đã tìm được một người thợ cắt cỏ người Phần Lan. Người Phần Lan không hiểu
gì tiếng Nga cả. Không hiểu một tiếng.

- Thế nom tôi có giống người Phần Lan không? - Vla-đi-mia
I-lích hỏi.

Ê-mê-li-a-nốp chăm chú nhìn Vla-đi-mia I-lích từ đầu đến
chân không biết bao nhiêu lần rồi. Vla-đi-mia I-lích đã cạo râu cằm, cắt mất bộ
ria, mặc chiếc áo sơ-mi cổ đứng, chiếc áo vét đã sờn, trông đặc dân thợ.

- Giống hệt người thợ Phần Lan, - Ê-mê-li-a-nốp tỏ vẻ tán
thành. Rồi nói tiếp: - Chúng tôi sẽ chở lương thực đến vào rạng đông hoặc
ban đêm.

- Cả báo chí nữa chứ! Nhất định phải đem đến tất cả các
loại báo ra trong ngày! - Vla-đi-mia I-lích nói.

- Sẽ có đủ. Tôi động viên mấy đứa trẻ nhà tôi. Không thể
để cho một đứa mua. Người ta sẽ để ý tại sao một người mua nhiều báo thế. Tôi sẽ
phân công đứa nào mua loại báo nào. Rồi sẽ xếp vào thuyền đem đến chỗ đồng chí.

Mặt trời đã mọc. Sương long lanh trên ngọn cỏ. Có cảm
giác như khắp cả khu rừng thưa rắc đầy những hạt ngọc.

- Còn cần một thứ nữa, - Vla-đi-mia I-lích hỏi. - Người
thợ cắt cỏ của đồng chí cần phải viết nhiều. Vậy thì viết ở đâu cho tiện?

- Đồng chí hãy nhìn kìa, Ê-mê-li-a-nốp vui vẻ đáp.

Ông vén bụi rậm ở cạnh lều ra, gạt những cành cây sang
hai bên. Và Vla-đi-mia I-lích trông thấy một bãi cỏ màu xanh biếc, rất tiện lợi,
được phát quang giữa đám bụi rậm. Ở đó có hai khúc gỗ: một khúc thấp và một
khúc cao, khúc thấp làm ghế, còn khúc cao làm bàn.

- Phòng làm việc trong rừng của đồng chí đấy, -
Ê-mê-li-a-nốp nói. - Vừa khuất, vừa yên tĩnh, không sợ phân tán tư tưởng.

Sau một hồi thu xếp ổn thỏa trong lều, Ê-mê-li-a-nốp ra về.
Vla-đi-mia I-lích đi ra hồ tiễn. Người đứng cho đến khi chiếc thuyền khuất
trong khoảng rộng mênh mông xanh biếc của hồ Ra-dơ-líp. Ở đâu đó xa xa vọng đến
tiếng chim cu cu muộn màng: “Cu cu”. Rồi im bặt. Đang là giữa mùa hè, chim không
hót vì bận nuôi con.

Vla-đi-mia I-lích
vẫy chiếc thuyền đã khuất rồi nhanh nhẹn đi về “phòng làm việc” của mình. Người mở
quyển vở màu xanh ra và viết một cuốn sách(1) nói về việc công nhân cần phải đấu
tranh cho chuyên chính vô sản như thế nào, cần phải xây dựng nhà nước của mình
ra sao.

(1)Cuốn Nhà nước
và cách mạng
- N.D.

NGƯỜI THỢ
ĐỐT LÒ ĐẦU MÁY XE LỬA SỐ 293

May mà Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giấu
Lê-nin. Ngay hôm sau, khi Lê-nin đã rời khỏi nhà, bọn học sinh sĩ quan phi ngựa
tới lục soát. Chúng lục bới tất cả đồ đạc, dùng lưỡi lê sục sạo dưới gầm giường;
tìm kiếm Lê-nin.

Nhưng Lê-nin đã sống ở túp lều bên cạnh hồ Ra-dơ-líp, nên
không sao cả: chỉ có muỗi không để yên thôi. Hàng đàn muỗi đốt suốt ngày đêm.
Vla-đi-mia I-lích bị muỗi đốt tịt cả người. Người nói:

- Thoát khỏi Chính phủ lâm thời, nhưng lại không thoát khỏi
muỗi.

Hoặc mưa liên miên. Khi đó đành phải ngồi trong lều. Nếu
đống lửa bị dập tắt, không nhóm lên được thì không có chỗ nào để đun nước pha
trà và sưởi ấm. Đành phải chịu khó một chút. Nhưng Vla-đi-mia I-lích rất bề bộn.
Người viết các bài báo, suy nghĩ kĩ về cuốn sách, lãnh đạo Đại hội Đảng của những
người bôn-sê-vích. Ở Pê-tơ-rô-grát đã triệu tập Đại hội lần thứ VI của Đảng
bôn-sê-vích. Các đồng chí bí mật tới gặp Lê-nin. Qua những đồng chí đó,
Vla-đi-mia I-lích đã gửi lời khuyên và chỉ thị của mình cho Đại hội.

Vla-đi-mia I-lích nói: “Cần phải
chuẩn bị khổi nghĩa vũ trang và giành chính quyền bằng lực lượng của giai cấp
vô sản liên minh với nông dân nghèo. Đấy là nhiệm vụ to lớn mà Vla-đi-mia
I-lích đã đặt ra trước Đại hội. Đại hội đã đồng ý với Lê-nin và thông qua quyết
định chuẩn bị khởi nghĩa.

Trong lời kêu gọi của Đại hội có viết: Trong trận chiến đấu
này, Đangt ta hãy giương cao ngọn cờ anh dũng tiến lên… giờ chết của thế giới
cũ đã điểm.”

Chính phủ lầm thời tư sản sợ hãi và căm thù Lê-nin, vì hiểu
rằng lãnh tụ của Đảng là Lê-nin. Để săn đuổi Lê-nin, Chính phủ lâm thời đã nuôi
hàng trăm tên mật thám. Bọn cảnh sát có một con chó săn nổi tiếng tên là Tơ-rép
và chúng đã cho con chó đó đi lùng Lê-nin theo dấu vết.

Vla-đi-mia I-lích sống ở lều rất mạo hiểm. Thời tiết đã
chuyển sang thu. Đêm bắt đầu giá lạnh và dài. Mưa liên miên. Rừng ướt át thật
khó chịu.

Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển Lê-nin rời
khỏi lều tới một nơi khác xa hơn. Dù thế nào đi nữa cũng phải bảo vệ bằng được
vị lãnh tụ của Đảng.

Một hôm trời tờ mờ sáng Ê-mê-li-a-nốp tới nhà máy sản xuất
vũ khí, đến thẳng phòng giám đốc. Nhưng làm gì có giám đốc làm việc từ sớm tinh
mơ như thế? Tất nhiên, không thể có một ông giám đốc như thế được! Ê-mê-li-a-nốp
biết vậy. Người gác quen thuộc cho phép ông vào phòng làm việc. Đối với người
gác, Ê-mê-li-a-nốp đã bịa ra lý do, còn thật ra ông cần kiếm một tờ giấy thông
hành để qua biên giới Phần Lan. Một số công nhân của nhà máy khi đó sống ở những
vùng thuộc Phần Lan, vì vậy tên giám đốc cấp cho họ những giấy thông hành để
qua lại. Giấy thông hành để bừa bãi, ngổn ngang trên bàn của y. Ê-mê-li-a-nốp
thó lấy vài tờ và nhét vào túi. Rồi ông đi tới lều gặp Lê-nin. Vla-đi-mia
I-lích biến thành Côn-xtan-đin Pê-tơ-rô-vích I-va-nốp. Người cạo râu nhẵn nhụi,
sửa lại lông mày, khoác bộ tóc giả. Từ bên dưới chiếc mũ cát-xét xõa xuống trán
một mớ tóc loăn xoăn. Hoàn toàn không giống với Lê-nin, - ngay cả Na-đê-giơ-đa Côn-xtan-ti-nốp-na
cũng không dễ nhận ra ngay.

Đến khuya, họ rời túp lều ở cạnh hồ Ra-dơ-líp và lên đường,
đi qua rừng, tới đường sắt. Ê-mê-li-a-nốp và hai đồng chí người Phần Lan dẫn đường
Vla-đi-mia I-lích. Lúc đầu họ đi rất thuận lợi, chỉ phải cái trời mùa thu rất tối.
Họ đi thành hàng một theo đường mòn hẹp. Cành cây quất vào mặt. Đột nhiên họ vấp
phải những hòn đất gồ ghề. Con đường mòn đã biến mất. Cây cối đã thưa thớt.
Nhưng bụi rậm vẫn cứ dày và khó đi. Và cái gì kia? Cái gì kia? Một đám khói bốc
lên. Ở đâu đấy có đám cháy chăng? Càng đi khói càng khét và dày đặc hơn. Bắt đầu
thấy khó thở và cay mắt. Vla-đi-mia I-lích dừng lại, ôm lấy ngực. Ngực thấy
tưng tức vì muốn ho. Không thể đi được nữa.

- Rẽ sang bên, -Ê-mê-li-a-nốp nói. - Than bùn ở đầm lầy bốc
cháy.

Không có gì đáng sợ và nguy hiểm hơn là gặp đám cháy của
than bùn. Lửa cháy âm ỉ ở dưới đất bị nung nóng, lan đi xa hơn. Rồi bỗng nhiên
một cột sóng dâng lên cao, đốt cháy và thiêu hủy hết mọi thứ xung quanh.

“Làm thế nào bây giờ!
Mình đã dẫn Lê-nin vào đám cháy rồi. Không khéo thì nguy mất?” - Ê-mê-li-a-nốp nghĩ
bụng.

-
Vla-đi-mia I-lích, theo tôi! Các đồng chí…

Họ đều
bị ngạt thở, lần mò trong đám khói trắng, chẳng khác gì người mù. Họ đi mò mẫm,
vấp ngã, đứng dậy rồi lại lê bước. Có lâu không? Chắc là lâu.

Nhưng
kìa, khói đã bắt đầu thưa và yếu. Khói đã ở lại phía sau. Phía dưới chân, những
hòn đất bùn gồ ghề không còn tròng trành nữa. Họ đã thoát ra khỏi bãi đầm lầy
có than bùn đang bốc cháy! Thoát chết.

Vì mệt
rã rời, họ ngồi bệt xuống đất nghỉ. Đôi chân run run vì yếu: Ê-mê-li-a-nốp tự
trách mình. Thật hú vía khi nghĩ đến những gì đã có thể xảy ra.

Đến đêm
hôm sau, hồi một giờ mười lăm phút, một đoàn tàu chở khách đi nghỉ mát từ
Pê-tơ-rô-grát tiến vào ga U-đen-na. Đoàn tàu
đi sang Phần Lan. Lái tàu là Gu-gô I-a-la-va, người Phần Lan. Đồng chí là một
người bôn-sê-vích, sống ở Pê-tơ-rô-grát. Đồng chí yêu mến chiếc đầu tàu đã được
thử thách của mình mang số 293, có ống khói đen loe rộng ở phía trên và thân
tròn. Đến ga U-đen-na, Gu-gô I-a-la-va cho đầu tàu dừng lại cạnh con đường cắt
ngang qua đường sắt. Đồng chí liếc nhìn ra ngoài. Đúng là chỗ này. Ở cạnh quãng
đường sắt có một người đang đứng hút thuốc, đốm lửa đầu điếu thuốc sáng lên như
một con đom đóm trong bóng tối. Một người nữa đứng đọc báo bên cạnh chiếc đèn lồng.
Mật hiệu là như vậy. Hai người đi tiễn: một người hút thuốc, một người đọc báo.
Có nghĩa là mọi việc đều ổn. Lê-nin sắp xuất hiện bây giờ. “Vậy thì Người đứng
đâu?” -
Gu-gô I-a-la-va bắt đầu lo lắng.

Đúng giây phút đó một người thợ vạm vỡ, dáng thâm thấp,
nhanh nhẹn đi lại gần đầu tàu. Người đó đội mũ cát-két, một mớ tóc màu hạt dẻ từ
dưới mũ xõa xuống trán. Người thợ nắm lấy tay vịn, rướn người, trèo lên đầu
tàu:

- Chào đồng chí. Tôi là Côn-stan-đin Pê-tơ-rô-vích I-va-nốp
tới làm thợ đốt lò cho đồng chí.

- Chào đồng chí thợ đốt lò, - Gu-gô I-a-la-va chào lại.

Vla-đi-mia I-lích, người thợ đó chính là Người, đã cởi áo
bành tô ra và như một người đốt lò thực thụ, bắt đầu chất củi ở cạnh lò vào một
ngăn. Đầu tàu huýt một hồi còi ngắn, bắt đầu chuyển bánh, chạy ngang qua khu rừng.

Trên đường đi tới ga Bạch Đảo, không xảy ra chuyện gì
đáng lo ngại. Bạch Đảo là ga biên giới. Ở ga nhan nhản bọn cảnh sát và học học
sinh sĩ quan. Đoàn tàu vừa mới dừng, bọn chúng liền nhảy lên các toa kiểm soát
giấy tờ, huýt còi inh ỏi. Một nhân viên đường sắt vội vã đi dọc theo đoàn tàu,
tay cầm chiếc đèn lồng lắc lư trong bóng tối. Tiếng nói, tiếng kêu la, tiếng chửi
bới ầm ĩ khắp nơi.

- Mong sao bọn chúng đừng đến đầu tàu của chúng ta! -
Gu-gô I-a-la-va nói với vẻ lo ngại, - mặc dù có giấy thông hành đấy, nhưng tốt
hơn cả nên tránh xa cái bọn mật thám.

- Tránh bằng cách nào? - Lê-nin hỏi.

- Sẽ có cách, - người lái tàu nói.

Gu-gô I-a-la-va nhảy xuống đường ray, nhanh nhẹn cắt đầu
máy và phả hơi nước mù mịt rồi cho tàu chạy đến cột lấy nước. Làm ra vẻ như cần
phải lấy đầy nước.

Hồi chuông thứ hai. Đầu máy đỗ cạnh cột lấy nước vẫn
không về. Mãi trước giờ xuất phát một phút, Gu-gô I-a-la-va mới đưa đầu máy 293
của mình về lắp vào toa. Hồi chuông thứ ba. Đầu tàu huýt một hồi còi có vẻ tinh
nghịch. “Bị lừa rồi, các ông bạn thân mến ạ!” - người lái tàu Gu-gô
I-a-la-va trêu chọc bọn cảnh sát và bọn học sinh sĩ quan.

Và đoàn tàu tiếp tục phóng phanh. Bóng đêm ùa tới… Bầu trời
tháng tám đầy sao. Vla-đi-mia I-lích thò đầu ra ngoài buồng lái. Một làn gió
mát quạt vào mặt.

Một lát sau họ đã ở đất nước Phần Lan.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3