Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô - Chương 3 - Phần 3
9. Thời gian cứ vùn vụt trôi, kì thi tốt nghiệp chưa qua, kì thi đại học đã chuẩn bị tới. Khi bảng điểm tốt nghiệp dán lên bảng tin trường, Linh đã hoàn toàn nhẹ nhõm khi biết mình đã chắc chân một suất ở trường Đại học Quốc Gia. Còn Phương và Thành Cận, điểm thi môn trồi môn sụt, vẫn bị bằng trung bình. May mà mấy môn điểm thi đại học thì tương đối khấm khá.
Không lên Hà Nội luyện thi theo phong trào, Phương híp và Thành Cận ở nhà với cô giáo Môi cuốn lô, giải quyết nốt đống đề luyện thi còn dở. Giữa hai người, Phương nhỉnh hơn Thành đôi chút, nhưng cẩu thả, hay vắn tắt, nhảy cóc. Còn Thành, bề ngoài láu táu song khi làm bài lại rất cẩn thận rõ ràng, cho nên, với cả hai, Linh đều thấy thấp thỏm âu lo.
Gần sát ngày thi, anh Khánh tuyên bố sẽ chở Phương Híp, Thành Cận lên thi cho yên tâm. Linh tấm tức ghen tỵ làm gì có ai đi thi đại học mà oách thế. Anh Khánh nửa đùa nửa thật nhìn cô.
“Em có thích không thì đi cùng luôn. Tranh thủ chơi ở Hà Nội mấy hôm.”
Tưởng là đùa thế, nào ngờ vừa nghe anh Khánh nói, mắt cô Tràm sáng rỡ.
“Có Linh đi cùng thì tốt quá, cô hoàn toàn yên tâm.”
Cô còn chạy sang nhà Linh, nì nèo với mẹ Linh một buổi tối, thuyết phục cho Linh đi. Bảo rằng cô đã được tuyển thẳng Đại học, cũng nên cho cô nghỉ ngơi xả hơi một bữa. Một công mấy việc. Hơn nữa căn nhà của anh Khánh ở Hà Nội, thấy bảo rộng rãi lắm, ba phòng, ngủ nghỉ thoải mái.
Chẳng hiểu thế nào rồi mẹ Linh cũng đồng ý.
Đó là một ngày hè chói chang. Ba đứa, Linh, Thành Cận, Phương Híp trèo lên thùng con Jeep màu xanh biển của anh Khánh, tiến thẳng về Hà Nội. Thùng xe thỉnh thoảng xóc rung bật lên, nhưng ba đứa vẫn bô lô ba la không nghỉ. Đến lúc mệt quá, Linh lăn ra ngủ, khi ngả lên vai Thành, lúc lại dụi cả vào vai Phương. Thấy cô cứ trượt dần, ngả ngả nghiêng nghiêng, Phương còn quàng tay qua người, kéo hẳn Linh vào lòng mình.
Con đường cứ trôi về phía sau. Trên trời nắng tươi gió mát. Cuộc đời luôn có điều để chờ đợi. Đó là cuộc sống của Linh, Phương, và Thành khi ấy.
Mấy ngày ở Hà Nội, trong căn nhà hai tầng ở phố Quan Nhân là những ngày vui như Tết. Sát gần kì thi, anh Khánh bảo ôn tập đủ rồi, giờ lấy tinh thần thoải mái để thi cử thôi. Mấy đứa được lời như cởi tấm lòng, thế là đánh bài xem phim mệt nghỉ. Anh Khánh còn đi thuê về cho Linh một đống truyện, vừa ăn bỏng ngô vừa đọc đống tiểu thuyết, chẳng còn gì ưng ý bằng.
Ngày Phương và Thành bước vào phòng thi, Linh hỏi anh Khánh có biết phủ Tây Hồ ở đâu không, nhờ anh đưa tới đó. Vốn là thổ địa Hà Nội mấy năm, anh Khánh lập tức chở Linh đi. Phủ vắng lặng, thâm nghiêm, bầy chim sẻ thảnh thơi ở sân chùa nhặt gạo. Linh vào nơi này, chắp tay thành kính, cầu mong cho những người yêu thương nhất của cô luôn an lành. Cầu cho hai cậu bạn của cô sẽ đỗ đại học. Thấy cô nhắm mắt lầm rầm một hồi, rồi mở mắt cùng niềm vui sáng bừng nét mặt, Khánh chỉ cười lặng lẽ. Chơi ở phủ một lúc, Linh được anh Khánh đưa đến một hồ sen gần đó.
Giữa mùa, hoa sen thơm ngát. Linh và anh Khánh ngồi dưới tàng phượng đỏ, nhìn về những bông sen rập rờn giữa hồ, cảm giác vô cùng dễ chịu, tưởng như có thể ngủ ngay được. Anh Khánh không hề nhìn cô, nói thản nhiên.
“Anh nghe trộm, hình như vừa nãy em chỉ cầu nguyện cho Phương”.
“Đâu ạ! Em cầu mong cho mọi người, trong đó có cả cậu ấy”.
Khánh mỉm cười, đột nhiên quay sang nhìn cô.
“Nhiều lúc, anh thấy ghen với Phương quá”
“Sao ạ?”
“Vì nó có một cô bạn gái như em”.
Mang máng hiểu Khánh đang nói gì, Linh ấp úng.
“Em chơi với cả Phương và Thành, em chơi với cả anh mà”.
“Ừ, anh biết chứ! Nhưng em đối với Phương lúc nào cũng đặc biệt. Vô cùng đặc biệt”.
“Vì tụi em chơi với nhau mấy năm. Mẹ em và cô Tràm thì thân thiết từ lâu… Cô Tràm coi em như con gái ấy.”
Khánh đột nhiên cười khẽ.
“Không phải con gái. Mà là con dâu.”
Linh sững ra, lúc sau ấp úng vẻ không bằng lòng.
“Anh Khánh toàn nói gì đâu ý. Thôi mình về đi thôi, có khi Thành với Phương thi xong rồi”.
Lúc lên xe, Linh vẫn không tự nhiên thoải mái. Anh Khánh nhìn sang cô, bật cười, tay cụng lên đầu cô.
“Thôi nào, anh trêu có một tí, sao mà đã giận rồi?”
Linh làm mặt nghiêm, nói giọng trịnh trọng “Lần sau anh đừng nói thế. Cái đồ Híp ấy, có khi nhìn thấy em lại mất tự nhiên”.
Khánh gật đầu, chạy xe đi. Nhìn mông lung ra ngoài cửa xe, Linh nhận ra cơn nóng vẫn đổ dồn lên hai má. Linh biết, cô tỏ ra không bằng lòng, là bởi vì, thực sự, Khánh đã nói đúng một điểm của Linh. Cô coi Phương vô cùng đặc biệt.
Mối quan hệ của cô và Phương Híp là từ một tình huống bị gán ghép học hành do hai bà mẹ tác động, nhưng sau thời gian đầu ghét bỏ và xúc xỉa nhau, hai người đã dần thiết lập một tình bạn đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó có thêm một chút của tình thân. Hai đứa đều là con một, đều thích cảm giác có thêm ai đó để quan tâm. Vì thế mà, Phương đã trở thành người ở bên cô nhiều nhất trong những năm tháng mới lớn. Dù trái ngược nhau hầu như mọi mặt, nhưng Phương và Linh rất bằng lòng với sự trái ngược đó, lại còn có cảm giác bổ khuyết cho nhau…
Có lẽ, Linh sẽ vẫn cứ coi đó là một điều tự nhiên, hoàn toàn bình thường, nếu như không có sự kiện chiếc bao cao su đó. Ngày ở xưởng của Khánh về, Linh vẫn lơ mơ nỗi bất an về cái vật bí ẩn lạ lẫm, thứ từng rơi ra ở túi của Khánh, thứ mà Thành Cận bảo Phương dùng “quá tốn” và những lời dặn dò của anh Khánh với cả hai rằng phải biết bảo vệ bản thân mình khiến cho Linh mất ngủ. Một ngày, khi đi tìm chiếc kéo để cắt nhãn vở, Linh mở ngăn kéo tủ đặt gần giường bố mẹ mình, và nhận ra đó là thứ gì. Cô thấy mình chết lặng, có một nỗi thất vọng ghê gớm, cả sự coi thường với anh Khánh, Thành, và đặc biệt là Phương Híp. Cậu ta… Thật ghê tởm!
Những ngày đó, Linh lầm lì, muốn tránh mặt Phương. Kì lạ thay, chuyện ấy cùng xảy ra với ba người, anh Khánh, Thành, và Phương, nhưng chỉ riêng với Phương Híp, Linh có một sự kì thị đặc biệt, cô cảm thấy mình không thể nào chấp nhận được. Còn cậu ta thì không hiểu gì cả, cứ lởn vởn ở xung quanh, hỏi ra bằng được cái thái độ khó hiểu của Linh, mặc cho cô nhất quyết im lặng. Cả ánh nhìn xét đoán của anh Khánh và sự dò hỏi của Thành Cận cũng không làm Linh khuất phục. Thậm chí, buổi tối, cô Tràm còn chạy sang hỏi Linh, cái thằng “nghịch tử” nhà cô đã làm gì để Linh bực mình, nhất định cô sẽ trị tới nơi tới trốn. Nhưng Linh lắc lắc đầu, không nói, chỉ thấy buồn đến ngợp cả lòng.
Vụ chiến tranh kéo dài được một tuần. Đến ngày thứ sáu, Phương túm tay Linh lại ngay trước cửa nhà cô, dưới vòm xanh rộng của hai cây hoa sữa, nhất quyết bắt cô nói cho bằng được. Linh vùng vẫy, hét lên loạn xạ, bảo “Đừng bao giờ động vào tôi”, rồi đẩy bật Phương khiến cậu loạng choạng mấy bước. Cuối cùng, Phương nhìn cô bằng cái nhìn bực bội và thất vọng, quay phắt đi. Trông theo bóng cậu trai có cái chữ to tổ bố David Phương Híp quen thuộc trên áo, thấy trong ngực mình, như có thứ gì đó vỡ tan, chảy tràn ra như đê vỡ. Lúc ấy, Linh mơ hồ nhận ra, tất cả mọi việc thế này là do cô đã thích một người. Một người không xứng đáng.
10. Nhưng buổi chiều hôm đó, cả phố ầm lên là dốc Cầu Cất có tai nạn, hai đứa học sinh máu me be bét hình như không cứu được rồi. Nghe cái tên Phương Híp vụt qua tai, Linh chỉ thấy mình tê dại đến lặng người, cả phút sau mới sực tỉnh, cắm mặt chạy như điên. Đến đầu dốc, thấy đám đông vẫn xúm xít, xe cấp cứu vừa chạy đi, Linh cố sức chen vào, chỉ thấy trên đường, chiếc xe cuộc của Phương bẹp thành một dúm, chỏng chơ trên vũng máu. Linh đã tưởng như mình chết, chết ngay lúc đó. Nhưng khi Linh sắp ngã xuống, thì một bàn tay túm chặt lấy cô.
“Đến bệnh viện, nhanh, xem thằng Híp thế nào!”.
Đó là mẹ Linh. Linh như hồi phục, hấp tấp trèo lên xe của mẹ. Cả chặng đường cô lảm nhảm nguyện cầu tất cả các đấng cứu thế, cứu giúp cho bạn cô. Hãy cho Phương Híp một cơ hội sống! Cô cầu xin bằng tất cả niềm tuyệt vọng.
Lúc đến bệnh viện, Linh và mẹ chạy vào phòng cấp cứu, vẫn không có tin tức gì. Mẹ Linh vẫn chạy ngược xuôi gọi điện cho bố mẹ của Phương đang đi về quê tận Ninh Giang. Thời ấy chưa có di động, nên mò tìm được số để gọi về quê cũng là một lúc lâu. Linh níu áo mấy bác sĩ, ai cũng bận rộn, không ai trả lời cô, khiến cho nỗi sợ hãi trong cô càng thêm dồn dập, mỗi lúc một thêm quay cuồng.
Lúc sau, giữa hành lang, một cậu thanh niên, áo sơ mi trắng đã bị máu nhuộm thành đỏ, lảo đảo đi ra, mặt vẫn tái mét. Linh trân trân nhìn, cảm thấy người đang đi về phía mình kia, xa lạ đến phát sợ, mà cũng gần gũi đến phát điên. Nhìn thấy Linh, Phương đờ ra một thoáng, rồi chạy đến, tay dang ra, ôm Linh thật chặt. Cậu cứ nói miên man, miên man, bảo “Linh ơi, tớ sợ quá. Tớ tưởng tớ chết rồi.” Vừa nói Phương vừa run rẩy cả người, giọt nước mắt của cậu có màu đỏ vì chảy qua chỗ xây xước trên mặt. Nằm gọn trong vòng tay cậu thanh niên mới lớn, Linh khóc đến mức nước mắt thấm đẫm chiếc áo đỏ quạch, càng làm cho màu đỏ càng lan rộng hơn.
Sau sự kiện sinh tử ấy, Linh đã biết, cuộc đời này, quan trọng nhất là Phương còn sống, ở bên cạnh cô, làm một người bạn tốt của cô. Còn cậu có làm gì đi nữa, có “ghê tởm” thế nào đi chăng nữa, cũng không còn quan trọng…
Đang miên man với dòng suy nghĩ, Linh chợt thấy đầu cô bị xoa nhẹ. Ngẩng lên, thấy ánh mắt dịu dàng của anh Khánh như đang dò hỏi cô.
“Em sao thế. Cả chục phút không nói gì. Sắp đến trường rồi”.
Linh sực tỉnh. Cô nhìn quanh, cổng trường đầy ắp những phụ huynh đón đưa học sinh. Khánh tìm chỗ tấp xe, rồi kéo Linh đi vào một gốc cây chờ đợi. Đến lúc nhìn thấy bóng của Phương hớn hở chạy lại, cười đến khi mắt híp thành hai sợi chỉ, Linh lại thấy trong lòng ấm áp. Ừ, cứ thế này, cứ thế này mãi cũng được, cũng không sao cả.
Kỳ thi Đại học đó, Thành Cận và Phương Híp trải qua tương đối êm ả, chỉ có một biến cố nho nhỏ là đúng ngày cuối cùng Thành Cận lại bị “Tào tháo đuổi” cả đêm, nhưng may mắn là uống thuốc cầm nhanh chóng và ăn thêm bát cháo hành do Thị Nở Môi cuốn lô nấu nên vẫn có sức chiến đấu như bình thường.
Xong mấy ngày thi, cả hội ăn liên hoan một bữa, tất nhiên vẫn do anh Khánh chiêu đãi, thậm chí, anh còn dắt mấy đứa đi chơi ở công viên nước, hò hét um tỏi một trận đã đời. Linh không biết bơi nên ôm phao lội bì bõm mặc cho hai anh chàng trêu chọc. Đến buổi chiều thì cả lũ lên xe “về nước”, tiếp tục những ngày đợi chờ và nơm nớp lo âu. Lúc này, dù lo lắng nhưng đã giải phóng được áp lực học hành, Phương và Thành cắm mặt vào quán game, bàn bi a, hay sân đá bóng. Thời gian còn lại thì túc trực ở xưởng anh Khánh. Vài lần, anh Khánh khen Phương đoán bệnh xe rất có nghề khiến cậu chàng cười tít mắt, rất sung sướng. Có hôm, Phương còn phi xe đến nhà, kéo Linh lên xe chạy vù đi ăn cháo cá, bởi vì hôm đó anh Khánh bận, cậu ta sửa giùm con xe cho khách hàng, ai dè xe chạy ngon ơ, anh kia còn dúi cho Phương cả mấy chục ngàn. Cảm giác “làm ra tiền” khiến Phương phấn kích đến mức nói cười luôn miệng. Đúng là cái đồ trẻ con!
Thông tin điểm thi đại học đến vào giữa tháng Tám. Hồi ấy, internet còn kém phát triển, hầu như sĩ tử muốn biết điểm sớm vẫn phải lên tận trường để xem. Ở thành phố này mới lác đác xuất hiện dịch vụ xem điểm thi đại học một, hai năm, tập trung hết ở khu đường Trần Hưng Đạo. Hôm ấy, Linh đang được Phương Híp dạy chơi bi a, mắt đang ngắm ngắm nghía nghía quả bóng thì Thành Cận chạy xồng xộc vào, bảo có điểm rồi, đi thôi. Cây cơ bị rơi lăn lông lốc xuống sàn, Phương Híp kéo tay Linh chạy một mạch lên chiếc xe cuộc được lên đời từ hồi Phương bị tai nạn. Phương cuồng cẳng đạp, áo dần đẫm ướt mồ hôi. Bên cạnh, Thành cũng đạp xe vội vã, thỉnh thoảng lại giơ tay vuốt mặt như tự trấn an chính mình. Nhìn bờ vai thẳng băng của Phương đằng trước, Linh nhận thấy hóa ra, cái con người từng chẳng muốn thi đại học kia, giờ đây cũng vô cùng căng thẳng.
Chen chúc mãi đến gần trưa, sốt ruột phát điên, cuối cùng, Phương cũng giành được chỗ xem điểm. Linh ngấp nghé đứng ngoài, nghe tiếng Phương hú lên một tiếng, bất giác nhắm nghiền mắt, biết rằng niềm vui đã đến. Nửa phút sau, lại thấy Phương hú thêm tiếng nữa, rối rít vẫy tay với Thành Cận. Nhưng Thành Cận thì không hú hét gì cả, cậu ta đứng như trời trồng, gỡ kính, chậm chạp lau nước mắt.
Điểm của Thành Cận cao hơn Phương Híp 0,3, cả hai chỉ nhỉnh hơn điểm chuẩn có một chút xíu. Nhưng đó đã là một tấm vé đi vào Đại học, tấm vé đi tới tương lai. Linh xem đi xem lại tờ giấy mà Phương Híp ghi điểm, lúc này mới thấy mắt mình ươn ướt. Cô đột nhiên thấy mình được bế bổng lên, nhưng không phải là Phương mà là Thành Cận. Cậu ta nhấc Linh lên, quay mấy vòng, khiến cô hét ầm ĩ. Lúc đặt Linh xuống, cả hai cùng lảo đảo, Linh nhận thấy Thành Cận đang nhìn mình, tràn ngập biết ơn.
“Linh, cảm ơn cậu! Là nhờ cậu”.
Linh còn chưa kịp đáp lời, Thành Cận đã bị đẩy bật ra. Linh thấy mình bị kéo ập vào bờ ngực rộng rãi trước mặt, tiếng tim đập thình thịch phía bên trong chiếc áo đẫm ướt mồ hôi của Phương. Cậu ta giữ chặt Linh ở đó, cười cợt.
“Có nghe thấy không! Trái tim của tớ đang nói đấy. Thanh kiu, thanh kiu Môi cuốn Lô của tớ”.
Có lẽ, ngay cả khi biết được kết quả cao nhất trong các kì thi học sinh giỏi, Linh cũng chưa từng có cảm giác hạnh phúc và ấm áp khi biết hai cậu bạn, hai anh chàng ngổ ngáo, nghịch rách giời của mình đỗ đại học. Sau khoảnh khắc đó, còn là giọt nước mắt mừng rỡ của cô Tràm, là nụ cười chúc mừng của anh Khánh, là những ngày liên hoan liên miên, mệt nghỉ… Là những nỗi hân hoan của những cô cậu mười tám tuổi, đang chuẩn bị bước vào đời sinh viên gọi mời trước mặt.
11. Đúng trong những ngày nôn nao sắm sửa đó, thành phố nơi Linh ở mưa tầm tã ba ngày ba đêm. Phố nhà Linh nằm ven sông Cầu Cất, đúng đợt mưa, lại gặp khi lũ về, nước bắt đầu tràn vào con phố. Đến ngày thứ hai, nước đã mấp mé gần chạm vỉa hè, thấy tình hình mưa không dứt, nhà nhà đều cấp tập việc chống lũ, chạy đi lấy đất, lấy cát, xi măng đủ cả. Trông trời một hồi, bố Linh thở dài.
“Kiểu này không ổn rồi, đắp đất trước nhà cũng chẳng ăn thua. Chuẩn bị kê cao bàn ghế, giường chiếu và di chuyển đồ đạc lên tầng hai thôi.”
Nghe thế, mặt Linh tái xanh, biết kê cọt thế nào, nhà có ba người thì đến hai người trói gà không chặt. Ngay khi mà Linh còn đang đờ đẫn thế, thì có ba anh chàng quần đùi áo may ô ướt sũng đi vào. Anh Khánh mỉm cười chào bố mẹ Linh, bảo tụi cháu đến, có gì giúp nhà chú kê đồ. Bố Linh thở phào, Linh cũng cảm động, cười toe toét, mặc kệ cái môi lại cong tớn lên. Mất hơn tiếng đồng hồ, ba anh chàng cao lớn cũng giúp nhà Linh cơ bản sơ tán đồ đạc xong và chèn gạch để kê đồ đạc lên cao. Hàng xóm nhìn sang trêu chọc.
“Nhà có con gái lớn sao mà thích thế.”
Nghe vậy, ba anh chàng lại chạy sang bên ấy, vui vẻ.
“Nhà người già cũng thích lắm đấy ạ!”
Ba người chạy hết nhà này đến nhà khác trong khu phố, cuối cùng, ai nấy đều thở hồng hộc, mặt mũi đỏ bừng, nhưng thần sắc thì rất vui vẻ. Có bác tổ trưởng dân phố còn trêu bố mẹ Linh, rút cục thì chấm chàng rể nào thế khiến Linh ngượng ngùng, mặt cắm cả xuống, chẳng dám nhìn ai.
Hết một buổi chiều thì việc sắp xếp đã hoàn tất. Đến đêm, nước tràn vào nhà. Sáng sớm tỉnh dậy, Linh kinh ngạc thấy nước đã ngập đến đầu gối. Rất may anh Khánh cẩn thận, nên bảo bố cô kê thật cao, nên qua ngày sau, nước dâng cao gần một mét, đồ đạc nhà cô cũng không hề hấn gì.
Từ bé, Linh đã hay bị lở chân và dị ứng với những nơi ẩm ướt, cho nên, bố Linh cấm tiệt không cho cô lội nước. Cả nhà cũng rút hết sinh hoạt lên tầng hai. Hằng ngày, Linh ở trên gác, đứng bên ban công, nhìn xuống con phố đã thành một dòng sông, nhìn mọi nền nếp sinh hoạt của cả khu dân cư bị đảo lộn. Sáng sáng, công nhân viên chức mặc quần đùi, áo may ô lõm bõm đi làm, ôm theo bọc quần áo. Mấy người bán hàng năng động đã có ngay những chiếc thuyền vào phố bán rau dưa. Linh cũng tự chế được một chiếc dây thừng, thả xuống, mỗi lần mua rau lại thả tiền xuống, nhờ người buộc rau rồi kéo lên, vô cùng tiện lợi. Buổi tối thì đứng nhìn con phố lấp loáng nước, vài đứa trẻ con mang đèn đi bắt cá, í ới đến là vui. Nhưng cứ ngắm mãi thì cũng chán, cô loanh quanh rồi lôi truyện ra đọc. Tối thứ ba, cũng là ngày nước ngập cao nhất, có một chiếc thuyền nhỏ phi vào giữa tận giữa nhà cô, đậu dưới chân cầu thang, Phương, híp mắt gào tướng lên phấn khích.
“Lô Lô, xuống đây, xem này, tớ đưa cậu đi thuyền”.
Linh chạy như bay xuống, thấy Phương ngồi trên thuyền, cầm tay chèo, huơ huơ lên vẻ rất sành sỏi. Không biết bố cô xuất hiện từ lúc nào, bảo hai đứa lên nhà mà chơi, đừng có đi, nhỡ ngã xuống lở loét đầy người thì làm thế nào. Nhưng Phương khăng khăng đảm bảo với bố cô rằng con gái rượu mơ rượu mận của ông sẽ không dính nước dù chỉ một giọt. Nói một thôi một hồi, cuối cùng bố Linh cũng đồng ý, còn Linh thì vừa thích vừa sợ nhìn chiếc thuyền bập bềnh. nhưng Phương đã trấn an, “Yên tâm, làm sao tớ để cho Lô Lô ngã được” (Dạo này cứ khi nào âu yếm nịnh nọt, cậu ta lại gọi cô là Lô Lô). Nhìn vẻ tự tin ngời ngời kia, Linh quyết định thò chân xuống thuyền. Thuyền chòng chành khiến cô hét lên, nhưng Phương đã nhanh chóng cân bằng, còn đặt cho cô một chiếc ghế. Linh vừa ngồi xuống, thuyền đã chuyển động khiến cô sợ xanh mặt, tay cứng lên bám chặt thành thuyền, mặc cho Phương hô thả lỏng, thả lỏng. Đang định bảo “tớ nghĩ lại rồi, không đi nữa đâu” thì thuyền đã ra đến cửa, rồi băng băng chạy trên phố. Tay chèo của Phương rất nhẹ nhàng, chắc chắn, chỉ lát sau, nỗi sợ hãi của Linh đã chuyển sang hí hửng, thích thú.
Con phố bây giờ ngập ánh trăng, loang loáng trên mặt nước. Hai bên đường, có mấy đứa trẻ con ngồi trên nóc nhà chỉ trỏ gọi tên cô, còn đòi “chị Lô cho em đi mấy”. Được lũ trẻ ghen tị, niềm vui của Linh lại càng tăng thêm. Cô vẫy tay rối rít với bọn nó, rồi nhìn quanh con phố, cứ như thể mới đến nơi đây lần đầu. Đi thuyền trên cái dòng sông trong phố này quả là đặc biệt, nhất là vào một đêm trăng sáng đẹp, và lại là với người bạn mà cô thân thiết nhất. Linh không hay mình lại nhướn miệng cười vô cùng vui vẻ, khiến cho Phương chép miệng.
“Đúng là môi cuốn lô, càng lớn càng cong tớn lên là thế nào!”.
Linh vội lấy tay che miệng, nhưng cậu ta lại làu bàu.
“Đã bảo rồi, Lô Lô, riêng với tớ, khi cười cậu không cần che miệng lại.”
Đang vui vẻ nên Linh mặc xác lời bình phẩm của Phương, cũng không đả kích vụ mắt híp của Phương như thường lệ. Con thuyền đã đi đến tận cuối phố, Linh còn tranh thủ mua được ít bánh rán của một bà cũng đang bán chác trên thuyền. Phương bỏ mái chèo, thản nhiên bốc bánh ăn, để cho chiếc thuyền trôi tự do. Linh nhìn cái mái chèo, trù trừ hồi lâu, lại nhìn Phương.
“Này, hay là tớ cũng thử chèo nhỉ?”
Phương nuốt ực cái bánh rán, trợn mắt xua tay.
“Thôi thôi, rồi hai đứa lộn cổ xuống đây. Cậu không làm sao nhưng mà tớ thì sao chi chít đấy”.
Mặt Linh xụ ra một đống nhưng Phương vẫn không đồng ý. Cậu ta lấy mái chèo, cho thuyền quay trở lại. Đi cả đoạn đường, mặt Linh vẫn sưng lên, môi vẫn bĩu ra, Phương thở dài, đành quẳng mái chèo vào tay cô.
“Đây, cậu muốn làm gì thì làm”.
Mặt Linh tươi hẳn, đôi môi lại tớn lên, nhưng chưa kịp nói gì thì Phương đã nhảy bùm xuống nước, khiến cô ngớ người.
“Cậu làm gì thế?”
“Thì tớ xuống, có gì còn giữ. Chứ hai đứa ở trên đấy thế nào chẳng ụp rồi ướt cả đôi. Bố cậu cắt tai tớ mất. Thà tớ ướt một mình còn hơn”.
Nhưng dù chỉ có một mình trên chiếc thuyền, trên con sông sâu chừng hơn một mét, có tay chèo, và có cả một người sẵn sàng giữ ở đằng sau, Linh vẫn làm cho chiếc thuyền xoay vòng tít mù và cuối cùng là ụp cả xuống, mặc cho Phương cuống cuồng giữ lại. Và rốt cục thì, khi hai đứa lướt thướt bẩn thỉu về đến nhà, bố Linh cũng chẳng thèm nhìn đến mặt cả hai khiến mặt Phương ngắn tũn, đến câu xin lỗi chẳng dám cất lời. Còn Linh phải chạy ngay lên phòng, ôm cục xà phòng kì kì cọ cọ mất cả buổi tối với nỗi hoang mang nhỡ ngày mai hoa gấm mọc đầy người.
Song ngay cả khi bị nỗi sợ ấy ám ảnh, trước lúc chìm vào giấc ngủ, Linh vẫn nghĩ, cô sẽ nhớ mãi ánh trăng của ngày hôm nay, ánh trăng trên con sông phố, ánh trăng một kỉ niệm tươi đẹp của riêng hai người bọn họ, Mắt híp và Môi cuốn lô.