Mắt Híp Và Môi Cuốn Lô - Chương 3 - Phần 2

6. Việc “học hành tử tế” quả thật đã diễn ra, dù rằng bản tính “sâu bọ” của Phương Híp đôi khi vẫn nổi dậy khiến cho cả hai cùng sưng sỉa. Nhưng sau vài lần cãi qua cãi lại chẳng đâu vào đâu, cả hai quyết định đình chiến, Phương Híp thôi lôi chuyện cô bị “hành phát kinh” và cô cũng chấm dứt việc đả kích cậu ta tí nữa bị lột quần giữa sân vận động. Tuy nhiên, việc châm chọc ngoại hình mắt híp và môi cong của nhau thì không thể nào dừng lại. Dần dần thì mọi việc cũng đi vào nề nếp, qua vài buổi kiểm tra và hệ thống lại tình hình, Linh biết được rằng, Phương không đến nỗi dốt đặc cán mai cho lắm, chắc vì quá mải chơi và không thèm học mà thôi. Còn Phương thì cũng nôm na biết được rằng, Môi cuốn lô là cái cô nàng mặt sắt chính hiệu. Chưa hết giờ thì còn lâu cậu mới ngo ngoe, trốn chạy đi chơi gì được.

Ngày Linh đi thi học sinh giỏi quốc gia, vừa sáng sớm, Phương Híp mang đến cho cô một chiếc cặp lồng, trong đó có bát miến ngan thơm điếc mũi. Cô Tràm bắt Phương Híp mang sang cho cô để cô thi tốt. Quả thực, đó là bát miến ngan ngon nhất trần đời, cô ngồi ăn xì xụp, thỉnh thoảng lại nhìn sang Phương Híp, nhận ra đôi mắt híp chặt kia cũng không còn quá đáng ghét, thậm chí chắc sẽ dễ thương hơn nhiều, nếu như cậu ta không nhìn cô ăn mà tặc lưỡi bảo, “Con gái ăn nhiều phát sợ!”

Có lẽ vì bát miến ngan rất ngon, tinh thần rất thoải mái, và vì đề thi đúng sở trường, mà lần thi đó cô đạt thành tích khá tốt, giải nhì quốc gia, thậm chí, cô còn nghe thầy giáo bảo, đó là giải nhì cao nhất trong các giải nhì toàn quốc. Giải này, đem tới cho cô khá nhiều “tiền của”, các loại bằng và giấy khen, thậm chí, là các phần thưởng của thành phố và khu dân cư, khiến con lợn nhựa của cô trở nên béo mẫm, và việc học hành trở nên nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.

Sau khi biết thành tích của Linh, cô Tràm càng thán phục cô hơn. Biết cô được vào thẳng cấp ba, cô Tràm hằng ngày rắc thật nhiều lạc vào bát tiết canh, rủ rỉ với cô rằng, cô biết Linh rất rất không muốn làm việc với một đứa không biết điều như thằng con trai cô, nhưng vì cô đẻ ra nó nên cô không biết làm thế nào. Cô còn bảo, giá cô đẻ ra quả trứng, ghét quá thì đem luộc (?) chứ cái thằng này làm cho cô khủng hoảng không biết làm gì luôn. Từ ngày được Linh ôn, Phương đã khá hơn nhiều. Nếu mà Linh giúp Phương ôn thi được vào cấp ba thì không chỉ tiết canh, miến ngan, mà Linh thích bộ truyện tranh nào, cô cũng mua cho hết.

Sở dĩ, biết Linh thích truyện tranh là vì có lần đi chợ, cô nhìn thấy Linh ngồi trước cửa hàng thuê truyện, đọc nhập tâm đến mức cô gọi mấy lần không thấy. Hỏi Linh sao không thuê về nhà đọc thì Linh bảo đọc tại chỗ sẽ rẻ hơn… Nghĩ đến cả bộ truyện tranh Nhóc Maruko mình hằng ao ước, mắt Linh sáng như sao, gật đầu như bổ củi bảo nhất định sẽ giúp Phương bằng được.

Thế là, Linh lại lên dây cót tiếp tục sự nghiệp học và hành (hạ) nhau với Phương Híp. Mùa hè năm ấy, cô từng bước dìu dắt Phương Híp đi qua kì thi tốt nghiệp, rồi lại đến kì thi cấp ba, Linh và Phương từ hai kẻ ghét nhau ra mặt đã tiến đến một không khí hòa bình, có thể ngồi cạnh nhau cả buổi mà không cạnh khóe hay trợn mắt thở phì phì nhìn nhau gì nữa.

Thậm chí, ngày Phương Híp đỗ cấp ba, cô và cậu ta đã tiến đến tình trạng giống như người một nhà. À, bởi vì cô Tràm đã vừa khóc vừa ôm lấy cô, sụt sùi rưng rưng gọi cô là: Con gái!

Nhưng thích nhất với Linh ấy là, cô Tràm giữ đúng lời hứa. Cô mua cho “con gái” một bộ truyện tranh Nhóc Maruko mới tinh mà Linh vẫn nuốt nước miếng thèm muốn những hai năm trời.

Năm 2001.

7. Con đường Cầu Cất vào mùa xuân. Lá bàng non lại xanh mướt một góc. Cô, tóc rất dài, chạy xe thong thả. Bên cạnh, một anh chàng chuyên toán kính cận rất tri thức đang hỏi Linh năm nay sẽ thi trường gì. Cô chưa kịp đáp lời thì một chiếc xe cuộc từ phía sau đã vụt lên, áp sát cô. Ở tuổi mười tám, Phương cao lớn đến mức có đôi lần Linh đã phải hỏi cô Tràm có phải cô cho cậu ta ăn bột nở hay không? Nhưng giờ đây, cái mặt ăn bột nở lún phún râu và có vài cái mụn kia đang nghênh nghênh lên.

“Ái dà, bạn Lô của tớ hôm nay lại có người tán tỉnh hả?”

Mặc cho má cô đỏ hồng lên tức giận, Phương Híp vẫn nghênh ngang cười cười với cậu chàng chuyên toán. Anh chàng này vẻ ngạc nhiên hết sức.

“Lô? Sao cậu gọi cậu ấy là Lô?”

Linh chưa kịp chặn cái mồm của Phương lại, thì mắt cậu ta đã cười híp tịt, nhăn nhở khi thấy đối phương trúng kế.

“Vì cậu ấy hay chơi lô, lô đề ấy, há há”.

Phương cười lên khoái chí, càng khoái chí hơn khi thấy vẻ mặt cậu bạn đang trở nên hoang mang và ngần ngừ. Linh cũng phát điên, cô gắt lên.

“Đồ Híp. Nói cái gì thế hả?”

“Ôi bạn Lô của tớ tức giận rồi. Haha, thôi thôi, nói lại, nói lại. Tớ gọi là Lô vì môi của cậu ấy giống như được cuốn lô. Nhưng mà nhũ danh này chỉ có tớ được gọi thôi”.

Nói rồi, Phương giựt nhẹ nhúm tóc của cô, mặc mắt cô trợn lên tức tối, còn nháy mắt tinh nghịch.

“Tối nay nhớ sang nhà anh đây đấy. Mẹ anh đây đã thổi xôi nấu chè rồi”.

Dứt lời, cậu vẫy tay, phóng xe đi thẳng. Đây là lần thứ mấy chục rồi không biết, cứ có anh chàng nào “tò te te tí” chuyện trò thân thiết với Linh là lập tức cậu ta có mặt, lôi từ tên thân mật đến cái kiểu nói lửng lơ “bạn Lô của tớ” khiến mấy anh chàng sau vài lần tiếp cận thì đều lỉnh mất, làm Linh phát cáu. Buổi tối, sang bên nhà hàng cô Tràm mới khánh thành, Linh vẫn không kìm được, đá cho cậu ta mấy cái. Còn cậu ta thì vờ trợn mắt.

“Đấy, con gái mới lớn thật là nông nổi, nhìn thằng nào cũng phát tín hiệu thế là người ta đánh giá cho!”

Thế là cả hai lại chí cha chí chóe, cấu chí nhau loạn xạ. Chỉ khi đến đề tài năm nay hai đứa thi trường gì, thì không khí mới lặng lẽ trở lại.

Linh vẫn ở trong đội tuyển, nếu như đoạt giải ba trở lên thì sẽ có cơ hội tuyển thẳng, nên mọi người cũng chẳng hỏi nhiều. Chỉ có Phương Híp là im lặng. Khi mọi người truy vấn mãi, thì Phương mới bảo, “Tại sao cứ phải thi đại học? Có nhiều cách, nhiều con đường để đi tới, chứ không nhất thiết phải thi Đại học”, khiến cho cô Tràm rú lên, đập cho cậu ta mấy cái. Cô còn nhờ Linh khuyên nhủ, bảo cậu ta đừng có bốc đồng và ngốc dại nữa.

Thật ra, từ giữa năm lớp mười một, Linh đã biết Phương không thích chuyện học hành. Phương học không hề tệ, nhưng cậu nói học hành chẳng cho cậu niềm vui nào. Không giống như khi cậu đá bóng, đánh nhau, hay sửa chữa ô tô xe máy. Cuộc đời chẳng có mấy khi, vì sao lại bỏ mấy năm tươi đẹp nhất đời cho một thứ mình không thích? Lúc ấy, Linh đã ngần ngừ hỏi Phương.

“Thế cậu thích gì?”

Phương xòe bàn tay lem luốc đầy dầu mỡ ra trước mặt cô.

“Tớ thích cái này. Tớ thích máy móc, sửa sang, lần mò nó. Khi tớ bắt được bệnh nó rồi, vui không thể tả được. Sướng nữa!”

Linh đã cố thuyết phục Phương rằng việc học lên đại học sẽ làm cậu hiểu rõ máy móc hơn, sửa chữa có phương pháp hơn, nhưng Phương Híp chẳng bị tác động chút nào. Cậu lôi Linh đến cái xưởng sửa xe mà cậu vẫn thường qua lại gần một năm nay, nói nơi này chính là nơi làm cho cậu dễ chịu nhất, vui vẻ nhất, say sưa nhất.

Cái xưởng sửa xe này là của anh Khánh, một kĩ sư cơ khí mở ra. Cũng là một mối duyên tình cờ mà Linh và Phương Híp biết đến anh. Hồi đó, Thành Cận, em trai anh Khánh cũng là một học sinh cá biệt trong trường cấp ba của Phương, cậu ta và Phương có vài lần xô xát qua loa vì những lí do rất vớ vẩn, chung quy lại thì cả hai đều thấy nhau không vừa mắt. Đỉnh điểm của căng thẳng chính là Thành Cận lại dám dở trò ve vãn Linh, thậm chí, có lần, vì lũ bạn thách đố mà lao đến sờ ngực Linh ngay cổng trường cấp ba của cô. Vụ ấy nhanh chóng inh ỏi khắp cả trường, khiến Linh không biết cất mặt vào đâu, vừa tức vừa ngượng. Phương Híp túm tay túm chân hỏi gì cô cũng khăng khăng mím chặt môi không nói. Thế mà chẳng hiểu cậu ta tìm hiểu ở đâu, cuối cùng cũng rõ chuyện, còn nhờ bạn nhắn Thành Cận ra một chỗ, tẩn cho một trận. Có điều, Thành Cận cũng chẳng phải vừa, hai người quần nhau suốt một buổi chiều. Linh nghe tin, vội vã đi tìm, lúc cô tới nơi thì cả hai đã te tua, mặt mũi đều sưng húp. Phương Híp tình hình khả quan hơn đôi chút khi đạp được Thành ngã xuống đất.Nhưng bất giờ, Thành Cận lại túm được một hòn gạch. Lúc thấy cậu ta chuẩn bị táng vào đầu Phương Híp, Linh chẳng biết phải làm sao, bèn nhắm chặt mắt hét lên, rồi tức tốc lao vào cản lại.

Cục gạch thay vì táng vào mặt Phương, đã táng thẳng xuống mặt Linh, máu chảy xối xả, còn Linh thì ngất lịm gần như lập tức. Phương lúc này bò dậy, thấy Linh như vậy thì gào lên, định bóp cổ Thành Cận. Nhưng Thành Cận cũng bị màn máu me trước mắt làm cho hoảng hồn, chỉ trợn mắt, ú ớ, chỉ vào người đang nằm trong vũng máu, mãi sau mới lắp ba lắp bắp.

“Từ từ, đi cấp cứu, không thì Linh chết mất!”

Hai thằng vác Linh lên. Phương khóc điên cuồng, xốc cô chạy. Vừa được một đoạn thì có một người thanh niên phi con xe FX qua. Thành Cận nhìn thấy chiếc xe đã run rẩy gào lên.

“Anh Khánh ơi, em giết người rồi! Em giết người rồi.”

Khi tỉnh dậy, Linh đã thấy mình đang ở trong một xưởng sửa xe gần chợ Lớn, đầy mùi dầu mỡ và các loại xe từ cũ đến mới. Đầu cô đã được băng kín lại. Phương nhìn Linh, khóc đến mức đôi mắt híp đã sưng lên.

“Yên tâm, Lô, cậu không sao rồi”.

Đôi tay sứt sát của cậu ấy cầm lấy tay cô, vẫn còn run rẩy. Lúc này, anh Khánh, cùng Thành Cận và Phương đưa cô đến bệnh viện chiếu chụp lại. May thay, không có vấn đề gì nghiêm trọng, bác sĩ còn khen người sơ cứu có kĩ năng rất chuyên nghiệp. Hóa ra, anh Khánh trước từng học Y hai năm, sau chuyển sang Bách khoa họ. Anh nhìn vết thương của Linh, anh biết chỉ ở phần mềm, cô ngất chỉ bởi quá sợ, cho nên anh vội sơ cứu cầm máu cho cô ngay. Về nhà, Linh không dám khai thật, chỉ bảo đi đường sơ ý ngã. Dẫu thế, cả mấy hôm liền, tối nào Phương cũng bắt cô Tràm nấu cháo vịt, rồi hì hục chạy sang mang cho cô.

Sau việc đó, Phương và Thành Cận lại bất ngờ quay ra chơi với nhau, trở thành anh em thân thiết. Tất nhiên, Phương cũng bắt Thành Cận sống chết không bao giờ được “sờ” vào Linh. Anh Khánh trở thành anh cả của mấy đứa. Giờ rảnh rỗi, Phương rất thích ra xưởng xe của anh, nhờ anh chỉ cho những chiêu sửa sang máy móc. Thậm chí, cậu ở lì ở đó, Linh có muốn ốp cậu học hành cũng phải bê sách vở qua đó luôn.

Nhiều lần, Phương nói với Linh, sau này cậu cũng thích có một xưởng xe như anh Khánh, anh ấy cũng chẳng hề học hết một trường nào mà vẫn hoàng tráng, làm ra tiền đó thôi. Nếu Phương mà có được cái xưởng xe như thế, cậu sẽ tha hồ “độ” lại những con xe thật ngầu đúng như cậu muốn. Và cũng chẳng ít lần, Phương nói với Linh, cậu không muốn thi Đại học.

Chẳng thể ngờ, Phương Híp còn dám nói với cả cô Tràm nữa. Mấy ngày liền, hôm nào cô Tràm cũng gọi điện cho cô, nhờ cô nói thế nào cho Phương Híp “tỉnh ngộ”. Bản thân Linh dù thông cảm lắm lắm, nhưng tự thâm tâm cô vẫn nghĩ, Phương nên đi thi Đại học thì hơn.

Khi mà cả lũ học sinh cấp ba cấp tập mua hồ sơ dự tuyển Đại học, Phương vẫn thờ ơ, mặc cho vợ chồng cô Tràm ngày ngày rên xiết. Cuối cùng Linh đành phải tự tay làm hồ sơ luôn cho cả Phương nữa. Khi thấy cô hì hục điền điền dán dán, Phương hét ầm lên, khăng khăng không chịu. Nhưng rồi, khi Linh nhìn Phương đem hết nhẫn nại nói nhẹ nhàng với cậu, “Vì tớ đi! Coi như thi Đại học vì tớ đi”, thì Phương im lặng…

Những tháng ngày cuối lớp mười hai, đám học sinh lúc nào cũng căng thẳng với muôn vàn dự định tương lai. Đến ngay cả một người tâm lí thi cử vững vàng như Linh, vẫn có những đêm nằm mơ trượt đại học khóc lóc ầm ĩ. Đối với cô, kì thi Quốc gia trước mắt cũng chẳng khác nào kì thi Đại học. Thực lòng, cô muốn đoạt giải quốc gia để khỏi phải thi Đại học. Trong thời gian đó, cô có thể “ốp” Phương ôn luyện tốt hơn.

Sáng hôm ấy, Phương Híp phi xe qua nhà, vẫn mang cho cô một cặp lồng miến ngan thơm nức mũi. Phương vẫn ngồi kiên nhẫn đợi cô ăn và thở dài không biết thức ăn cô nạp nào nó biến đi đâu mà vẫn còi cọc thế này. Và sau đấy, trên chiếc xe giờ đây trở nên bé nhỏ với cậu, Phương Híp chở cô bước vào kì thi sinh tử. Đứng trước cổng trường, đột nhiên Phương rút túi quần, chìa ra một túi nhỏ, có mấy viên thuốc xanh xanh. Linh hỏi cái gì thế? Phương Híp mặt đỏ lên, bảo là thuốc giảm đau, đề phòng lỡ cô đau bụng.

Ặc!

Lập tức mặt cô còn đỏ hơn mặt Phương Híp.

Đề thi năm đó ra về thơ Nguyễn Du. Và may mắn cô cũng không phải dùng đến thuốc giảm đau của Phương Híp. Linh biết bài của mình không ở phong độ tốt nhất, nhưng cũng không quá tệ. Khi cô trở ra, bất ngờ nhìn thấy anh Khánh, Thành Cận và Phương Híp đứng dàn hàng ngang ở cổng trường vẫy tay rối rít. Anh Khánh bảo, “nhân dịp Linh thi xong, đãi mấy đứa ăn chè mệt nghỉ”.

Thời đó, chè năm trăm đồng một cốc to đùng, bọn học trò cô vẫn đùa là chè “trăm năm” ở đường Quang Trung. Cô ăn ngon lành hết hai cốc, bụng căng tròn, còn Thành Cận, Phương Híp, và cả anh Khánh tổng cộng đánh chén hết mười cốc. Khi anh Khánh móc túi trả tiền, đột nhiên, Linh nhìn thấy từ trong ví anh rơi ra một vỉ nho nhỏ màu đỏ. Cô cầm lên, không biết là thứ gì, đang lật ngang lật ngửa thì Phương Híp đã giằng lấy, giọng giận dữ.

“Sao cậu lại nghịch thứ này?”

Linh ngơ ngác “Tớ có nghịch đâu. Tớ thấy của anh Khánh đánh rơi”.

Thấy cậu ta thở phào, Linh kéo tay Phương Híp giật giật.

“Nhưng nó là cái gì thế?”

Nhưng Phương Híp không thèm trả lời, cậu ta rảo bước đi thẳng. Linh theo sau, tự dưng thấy Phương Híp quàng tay qua vai Thành Cận, nói gì đó. Cả hai cười đến là khoái chí.

Linh ngạc nhiên, nhưng cũng không quên nhắc nhở “Này, cậu phải trả lại cho anh ấy đấy”.

“Biết rồi. Biết rồi…”

Rất lâu sau đó, Linh mới biết cái vỉ đó là cái gì. Đó là khi một buổi chiều, cô đến xưởng sửa chữa của anh Khánh thì thấy nó đóng cửa. Đợi một lúc, cô quyết định vòng ra phía hông nhà, ngồi tựa vào chiếc bánh xe tải lớn, chăm chú đọc cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió mà cô vừa rút hết tiền trong lợn ra để mua. Mối tình của Scarlet và Rhett Butler hấp dẫn quá, đến mức cô như quên cả thời gian. Chỉ đến khi tiếng nổ quen thuộc của xe anh Khánh tấp lại, Linh mới ngẩng lên, cô nhìn thấy Phương Híp cùng Thành Cận nhảy xuống, cả hai đều có vẻ phấn khích kì lạ. Linh chưa kịp lên tiếng thì Thành Cận ném sang cho Phương mấy cái vỉ nho nhỏ, giống hệt cái mà anh Khánh làm rơi hôm trước.

“Này… cầm lấy. Hố hố, mày dùng tốn quá”.

Phương nhe răng cười, đút ngay vào túi.

“Thanh kiu!”

Anh Khánh đập đầu hai đứa “Lớn rồi, tự biết bảo vệ mình. Cái gì cũng tiết chế thôi”.

Thành Cận cười cười “Vâng, em biết rồi. Gớm anh đưa tụi em vào đời mà anh cứ làm như anh trong trắng thế…”

Phương Híp ấp úng “Anh, bao nhiêu tiền… để em…”

Khánh vỗ vai Phương Híp “Thời anh bằng mấy đứa. Anh cũng tò mò. Mà cái trò cứ tò mò nhiều khi lại sinh lắm chuyện. Anh đưa hai đứa đi cho biết. Đó không phải việc xấu, nhưng thời điểm này của mấy đứa cũng chưa thích hợp. Anh nói rồi, phải biết bảo vệ mình cho tốt”.

Linh nghe Phương Híp và Thành Cận đồng thanh nhau “vâng” một tiếng rõ lớn. Sau đó, giọng của Thành Cận còn vang lên trêu chọc.

“Này Híp, mày không sợ em Lô nhà mày biết à!”

Cô thấy Phương cười híp chặt hết cả mắt “Thằng Cận kia. Mày liệu liệu cái mồm đấy…”

Linh cứ ngồi lặng ở đó. Cái suy nghĩ mà cô vừa liên tưởng đến, làm cô hoảng sợ. Nhưng mà, ngay cả đến ngày cô xác nhận rõ đó là thứ gì, Linh cũng chưa từng một lần hỏi Phương về câu chuyện ấy. Chỉ biết là, cô đã từng rất sốc, từng rất tổn thương. Hóa ra, thế giới của con trai, là như vậy, luôn như vậy. Có những điều, cô chẳng nên biết, chẳng nên biết làm gì…

8. Ít lâu sau, Linh nhận được kết quả thi Quốc gia. Đúng như thầm đoán của cô, cô đoạt giải ba, đủ tiêu chuẩn để vào thẳng Đại học. Cả nhà sang bên nhà hàng mới của cô Tràm ăn một bữa, nhân tiện liên hoan luôn vụ mấy ngày trước Phương bị xe đâm mà thoát chết, chỉ xây xát qua loa. Hôm ấy, Phương, Linh rủ thêm anh em Thành Cận nữa. Buổi liên hoan rất vui, mọi người hùa vào nói giờ là nhiệm vụ của Phương Híp và Thành Cận, hai đứa nhất quyết phải làm nên cơm nên cháo trong kì thi sắp tới. Nghe ý kiến chỉ đạo, Thành Cận “Vâng” ngay, nhưng Phương thì vẫn ậm ờ. Linh nhìn thái độ đó, đột nhiên thấy rất bất an.

Khuya hôm ấy, anh Khánh bỗng dưng qua nhà, nói có món quà nhỏ tặng cô. Đó là một chiếc gối ôm hình chú lợn hồng mũm mĩm khiến Linh rất thích, nhưng trong lòng vẫn có chút ngại ngần. Khánh như hiểu tâm trạng cô, anh nói, “Chỉ là món quà nhỏ cho cô em gái, đừng ngại”. Linh không vì câu “đừng ngại” đó mà hết ngại luôn, song vì thích quá nên cuối cùng cô vẫn cầm lấy, cười tít mắt nói cảm ơn. Sau một phút tần ngần, Linh bảo với Khánh chuyện của Phương. Cô nhờ anh khuyên Phương một chút. Rõ ràng là với tụi Phương và Thành, anh Khánh là người rất đáng tin cậy. Anh Khánh đồng ý, chỉ dặn Linh trong quá trình ôn luyện, Linh nhớ kèm cặp luôn cho cả Thành. Linh nghe xong gật đầu ngay lập tức. Thật ra, chẳng cần anh dặn, bình thường ba đứa vẫn túm lại học với nhau.

Vài ngày sau, Linh bất ngờ khi thấy Phương “khí thế” với chuyện thi Đại học hơn hẳn. Quả là anh Khánh có chiêu bài đặc biệt. Những buổi chiều, cô thường sang hẳn nhà của Phương Híp, miệt mài cùng hai anh chàng ham chơi giải đề đến khi tối mịt. Có hôm buổi tối lại còn phải ở lại thêm để rèn giũa vụ tập tành viết vở sạch chữ đẹp cho Phương Híp, bởi cậu chàng chữ lúc nào cũng ngoáy tít, rối tinh rối mù, vô cùng khó đọc. Phương Híp lại rất thiếu kiên nhẫn trong cái vụ này, khiến cho hai người cãi nhau mấy trận, tức đến mức khói xịt lỗ tai. Đỉnh điểm là vụ Phương bảo Linh nhiễu sự, suốt ngày vẽ việc cho cậu ta làm, khiến Linh cáu tiết ôm hết cả cặp sách đùng đùng bỏ về, bảo không kèm kiếc gì nữa, cô cũng còn bao nhiêu thứ phải học phải làm chứ chẳng rỗi hơi, kệ cho Phương tự sống tự chết. Nhưng mới sáng hôm sau, lại thấy cậu ta lù lù ngồi trên con xe đạp mới, chống chân nhìn Linh gãi đầu gãi tai bảo, “Thôi đừng có mà giận nữa. Tối qua tớ đã rèn viết đến tận sáng, mờ hết cả đôi mắt đẹp rồi đây này”, những ấm ức của Linh lại bay vèo đi mất.

Những ngày ôn tập cứ thế mà trôi qua. Học hành ở nhà Phương Híp có cái sướng là cô Tràm chăm sóc cho ba đứa tới tận răng, thường xuyên tiếp tế lương thực, trên bàn lúc nào cũng đầy đồ ăn vặt cho ba đứa. Mỗi khi ngó vào phòng, thấy Linh tay gạch xoèn xoẹt trên bài giải của Phương và Thành Cận, mặt hai anh chàng ngắn tũn cả lại, cô Tràm cười đến là yên tâm. Thỉnh thoảng cô cũng áy náy, hỏi Linh là kèm cặp hai đứa này thế, thời giờ đâu mà Linh học bài của mình, còn thi tốt nghiệp nữa. May mà với Linh, chuyện học hành khá đơn giản, lúc hai người kia giải đề, cô lại ngồi ôn thi tốt nghiệp, còn tự tay làm đề cương ôn luyện, tóm lược từng môn cụ thể, rồi bắt Phương và Thành Cận học dần mỗi khi rảnh rỗi… Bài vở cuối cấp chất đến tận đầu, tưởng như học mãi cũng không hết, nên ba đứa mở mồm ra là lại ca cẩm. Căng thẳng quá, có lúc Thành Cận đổ vật ra bàn bảo nghỉ tí đi thôi, kiểu này tẩu hỏa nhập ma mất. Thấy hai cậu bạn loạn đầu lên thật, Linh đành gật đầu phá lệ cho hai chiến sĩ tan học sớm.

Thích nhất là những buổi chiều, giải quyết xong đống bài vở, lại thấy chiếc xe Jeep của anh Khánh lù lù đỗ lại trước cửa nhà. Mấy đứa lao ra, leo phắt lên xe, đòi anh Khánh chở đi lượn phố, đứa nào đứa nấy mặt mày hớn lên, thấy vô cùng oách. Khi thì mấy anh em dừng lại ở hồ Bạch Đằng, uống thứ nước mía mát rượi của cô Phượng xả hơi, khi chạy xăng xăng qua ngõ Tuy An ăn bánh rán rồi bánh đúc, khi lại tụ tập lại quán cháo cá ở Nguyễn Trãi mà Linh vô cùng hâm mộ… Vừa ăn vừa buôn dưa, chém chả tơi bời, nội dung của Phương và Thành Cận lúc nào cũng xoay quanh vụ em nào xinh, em nào “bốc”, Anh Khánh luôn tủm tỉm cười còn Linh thì cắm mặt xuống ăn. Nhiều khi, ăn uống xong, giữa những câu chuyện linh tinh lang tang không đầu không cuối, mấy đứa lại đột nhiên lặng ngắt, thừ ra suy nghĩ, không biết giờ này năm sau cả lũ thế nào. Ai trượt ai đỗ, ai là sinh viên, ai người ở lại?

Những ngày tháng đó sống thì thấy căng thẳng phập phù, nhưng khi qua rồi lại xiết bao nhớ nhung hoài niệm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3