Tơ Đồng Rỏ Máu - Chương 22 phần 2

Mở cuốn Không dũ tùy đàm ra, nhìn chữ
phồn thể in dọc ra quả là hơi chóng mặt. Nhưng Na Lan không cần đọc kĩ nội dung
bản cổ văn này, cô chỉ chú ý đến những chỗ Mễ Trị Văn đánh dấu hoặc ghi chú
bằng bút lông. Các chuyên gia bút tích học đã xác định đây là chữ của Mễ Trị
Văn, chữ hồi đó tất nhiên non nớt, nhưng vẫn nhận ra trình độ thư pháp rất khá.

Phần lớn các ghi chú của Mễ Trị Văn viết
ở góc trang sách, chủ yếu là trầm trồ, khen ngợi, bình luận. Na Lan cũng nhận
ra yếu tố trẻ con trong những câu chữ này. Nhưng đây đó lại vương vất một thứ
tà khí không trẻ con chút nào. Ví dụ, sau mẩu chuyện về cái chết li kì dữ dội
của một nhân vật, Mễ Trị Văn viết, “Sống đời tầm thường, thà chết cho xong”;
một mẩu chuyện khác miêu tả hai nhà thơ vừa uống rượu vừa thi làm thơ, rốt cuộc
một ông chết đuối một ông ngộ độc rượu rồi bại não, thì Mễ Trị Văn viết hơn
trăm chữ bình luận, trong đó có câu “văn nhân dè bỉu nhau vốn đã đáng chết,
chết như thế này là tất nhiên”.

Ngoài những câu chữ châm biếm và chế
nhạo ra, có một số đoạn văn hoặc từ ngữ được đánh dấu khuyên đỏ, tức là những
chỗ khiến Mễ Trị Văn phấn khích nhất. Giở đến một bài ở giữa cuốn sách, Na Lan
sửng sốt, cô lại nhìn cách đánh dấu sách bằng dây đàn, trang này là một chuyện
ngắn viết về vụ án, tiêu đề được Mễ Trị Văn dùng bút đỏ khuyên rất đậm, Lã công
thất tiết(1).

(1) Ông họ Lã đánh mất
khí tiết, vi phạm đạo đức.

Khúc đệm:

Năm thứ 3 Thiên Khải, đời vua Minh Hy
Tông(2).

(2) Năm 1623.

Trước khi thoái ngũ ở Đông Xưởng(3), Lã Diệp Hàn rất hiểu cái
nơi mà mình phục vụ này, cái nơi nổi tiếng từ triều đình đến giang hồ đến dân
chúng này, là một tổ chức cực kì thối nát. Ông là một thám tử cao thủ được
tuyển chọn kĩ càng, là một dịch tướng đeo kim bài ai ai cũng phải kính sợ, ông
đã từng nổi danh tận tâm báo quốc, đã từng can dự những cấu kết đáng xấu hổ với
trời đất, cho nên, hành động có vẻ như can đảm dừng bước của ông là một sự an
ủi tâm trạng bất an, là một cách chuộc tội cho nhân cách đang xuống dốc của
mình.

(3) Là cơ quan mật vụ
trấn áp đắc lực, trực thuộc triều đình.

Ông mừng vì đã lựa chọn ra khỏi Đông
Xưởng, làm một tay bổ khoái giúp dân trong các vụ án thường gặp, để tích chút
âm đức dương đức, hi vọng mai kia hưởng trọn tuổi trời thì không đến nỗi bị
xuống địa ngục A Tỳ.

Đương nhiên rất ít bộ khoái xuất sắc
được hưởng trọn tuổi trời, vụ án rơi vào tay Lã Diệp Hàn không phải là vụ án
bình thường.

Các văn nhân sau này viết truyện hoặc kí
sự về vụ án đều gọi nó là vụ án ‘ngón tay khăn máu’. Nạn nhân đều là các cô gái
trẻ, sau khi bị hành hạ lăng nhục rồi giết hại, đều bị chặt một ngón tay.

Hơn hai mươi nạn nhân đều có hoàn cảnh
rất khác nhau, tiểu thư khuê các, con gái nhà lành, gái quê lam lũ, gái làng
chơi ở chốn thêu hoa... đủ cả. Hung thủ chỉ có mục đích khát máu là giết các cô
gái vô tội chứ không có thâm ý gì rõ rệt.

Theo kinh nghiệm của Lã Diệp Hàn, kẻ ác
như thế chỉ có thể khái quát bằng hai chữ “tà ma”.

Không chỉ tà ma, hắn còn rất mưu trí
tinh khôn, giỏi giấu mặt và có võ công siêu việt.

Trước khi Lã Diệp Hàn nhận làm vụ án này,
đã có ba bộ khoái dày dạn phải gục ngã bởi tay hung thủ, hai chết một bị
thương, lại bị thương nặng ở não đến nỗi quên cả họ tên mình, quên cả người
nhà, chẳng khác gì thằng điên, lúc cười lúc khóc, không thể tự kiểm soát bài
tiết, sống mà khổ hơn chết. Lã Diệp Hàn thảm cảnh của đồng nghiệp, ông thề với
mình sẽ báo thù rửa hận cho họ, giành lại vị thế cho bộ khoái, trừ hại cho dân
chúng.

Nhưng đã sáu năm tròn, kẻ ác ma chặt
ngón tay vẫn bí mật tồn tại giữa chốn giang hồ ở phủ Giang Kinh, Lã Diệp Hàn
biết tên khốn ấy đang sống ở địa bàn này nhưng hy vọng lôi hắn ra trước pháp
luật dường như ngày càng mong manh.

Khi còn ở Đông Xưởng, Lã Diệp Hàn là một
thám tử hàng đầu, ông không lần theo các manh mối không liên quan. Ông hiểu
rằng cách điều tra khám phá hiệu quả nhất là phân tích tổng hợp, suy luận ra
con người, tính cách, quy luật hành vi của hung thủ. Ông sưu tầm đầy đủ các tư
liệu về vụ án “ngón tay khăn máu”, địa điểm gây án, khoảng thời gian giãn cách
giữa các vụ án, đặc điểm của nạn nhân, thủ đoạn gây án... sau đó ông nghiền
ngẫm suy đoán thấu đáo, suy ra lần gây án tiếp theo của hung thủ, hy vọng bắt
được y trong lần gây án sắp đến.

Hai năm sau, Lã Diệp Hàn không thể không
thừa nhận, đối thủ của ông vẫn lì lợm ẩn mình trong bóng tồi, y hơn hẳn những tên
ác ôn nông nổi ngu xuẩn thô bỉ, y là tên tà ma đầy mưu mô toan tính và ngông
cuồng đến cùng cực.

Rõ ràng Tà ma cũng biết rõ về Lã Diệp
Hàn cao thủ mới nhậm chức tổng bộ khoái phủ Giang Kinh này từng làm ở trung tâm
mật vụ tối cao Đông Xưởng của triều đình Đại Minh, từng khám phá ra nhiều vụ án
kinh thiên động địa. Và thế là Tà ma bỗng nổi cơn hưng phấn gây án. Y cố tình
để lại những manh mối mà phải rất đau đầu suy ngẫm mới nhận ra, để cho Lã Diệp
Hàn từng bước tiếp cận y. Nhưng hết lần này đến lần khác y vẫn thoát hiểm trong
gang tấc.

Mỗi lần y thoát hiểm thì một cô gái vô
tội phải bỏ mạng thê thảm.

Một cái khăn tay dính máu, một bài thơ
Đường, một con nhện đỏ sẫm, một thanh kiếm gãy, một con thuyền nan thủng đáy...
là những manh mối mà Tà ma để lại cho Lã Diệp Hàn. Y đều bố trí rất có dụng ý,
hư hư thực thực, mờ ảo khó lường, chỉ có cao thủ phá án như Lã Diệp Hàn mới
hiểu nổi và có đủ tư cách để chơi trò mèo vờn chuột với y. Có điều, trong trò
chơi này ai là mèo ai là chuột, thì thực khó nói. Có thế mới thú vị! Hẳn là Tà
ma đã sống sáu năm trời khoái trá nhất trong đời y.

Còn Lã Diệp Hàn, sự nhẫn lại của ông dần
bị bào mòn. Cảm giác thất bại gặm nhấm từng chút một lòng tự trọng của ông.
Trong sáu năm trời, Giang Kinh ba lần thay tri phủ, đám quan lại khó tránh khỏi
bàn tán, thậm trí nghi ngờ vị tổng bộ khoái ì trệ không thể phá án này đã “ăn ở
hai lòng”.

Một phó bộ khoái được điều từ kinh thành
đến, tên là Mạc Tông Trạch, có lẽ tri phủ sẽ để anh ta thay chỗ Lã Diệp Hàn.
Mạc Tông Trạch tuổi trẻ tài ba, rất nổi tiếng vì đã từng phá nhiều vụ án lớn ở
kinh thành, được điều về Giang Kinh để hiệp trợ phá vụ án “ngón tay khăn máu”.
Rõ ràng chuyện này thể hiện quan trên đã thất vọng với Lã Diệp Hàn. Lã Diệp Hàn
thua kém thì đã rõ, tuổi ngoại tứ tuần, trông già nua với khuôn mặt đã có không
ít nếp nhăn, còn Mạc Tông Trạch là chàng trai trắng trẻo, môi hồng, mày dài,
mắt sáng. Lã Diệp Hàn lưng đã hơi còng, Mạc Tông Trạch đẹp trai cao lớn; Lã
Diệp Hàn ít được gặp quan trên, Mạc Tông Trạch ngồi nâng cốc với tri phủ, tổng
binh là thường. Lã Diệp Hàn đến giờ vẫn độc thân, Mạc Tông Trạch thì đã sớm lấy
vợ đẹp ở kinh thành là tiểu thư con nhà thế gia võ quan khai quốc, nghe nói võ
công của cô chẳng kém gì Mạc Tông Trạch.

Nhưng, điều mà Mạc Tông Trạch không có
là sự tôn kính với bề trên và đồng nghiệp. Vừa đến Giang Kinh anh ta đã chỉ trích
cả hệ thống trinh thám phá án của Lã Diệp Hàn. Ví dụ, tại sao Tà ma vẫn nhơn
nhơn sát hại các cô gái vô tội? Tại sao lại chặt ngón tay? Lã Diệp Hàn nói,
hung thủ muốn chứng minh rằng y tài giỏi hơn cả các cao thủ ở nha môn, ngón tay
là chiến lợi phẩm, là vật kỉ niệm của y, y rất kiêu căng. Mạc Tông Trạch thì
cho rằng đó là hung thủ tự bù đắp cho mình, bù đắp nỗi cô đơn, kém cỏi, sự
nghiệp thất bại, thậm chí cho “của quý” bất lực, “ngón tay” đại diện cho “của
quý” của y chứ còn gì nữa?! Lập luận kì quái của anh ta lại được tri phủ nhiều
lần tán thưởng!

Lã Diệp Hàn càng rơi vào trạng thái bức
xúc nặng nề.

Bấy giờ đang độ giữa thu, lúc chiều muộn
khói mây mịt mờ, những ngôi nhà nhỏ bên sông Thanh An dường như ngùn ngụt âm
khí. Lã Diệp Hàn đang ẩn thân dưới cái hố, ông nhìn qua khe nắp hố quan sát ô
cửa sổ hé mở trên tầng hai của một ngôi nhà. Lưng giắt be rượu mạnh Nhất Giang
Thu đặc sản địa phương, ông cầm lên tợp một ngụm lớn. Đã mấy đêm không ngủ. Vị
cay xè thấm vào ruột gan của người đang sầu muộn chẳng giúp được ông thêm hưng
phấn, nhưng nó như một liều thuốc tê khiến ông có thể tạm gác lại vấn đề tự
trọng và thành kiến, tạm quên đi chuyện thế tục “tam thập(4) công danh”, ông bất giác nhớ đến Đông Xưởng với bức
họa danh tướng Nhạc Phi treo ở đại đường, nhớ đến bức hoành “Vạn thế lưu phương(5)” treo ở cửa vào... Giờ
đây ông thấy “Vạn thế lưu phương” như một sự chế những hành vi đi ngược đạo lý
của Đông Xưởng, và cũng đang giễu cợt chính ông - kẻ bất lực trước một vụ án
lớn.

(4) Mượn ý câu nói của
Khổng Tử, “(Ngô) tam thập nhi lập”, nghĩa là (ta) 30 tuổi đã lập thân (tự lập,
thành công...).

(5) Để lại tiếng thơm
cho muôn đời.

Nhưng dù sao những năm tháng làm ở Đông
Xưởng cũng dạy cho ông điều này, muốn đạt được mục đích thì phải dùng bất cứ
thủ đoạn nào.

Đây là ưu thế lớn nhất của ông để chiến
thắng Tà ma.

Hung thủ của vụ án “ngón tay khăn máu”
đã trải nhiều năm “thành công”, có lẽ y đã coi thường một điều quan trọng,
không phải chỉ có mình y biết sắp đặt.

Trong ngôi nhà gác nhỏ kia, cách đây bốn
tháng có một phụ nữ độc thân, một bà già giúp việc và một a hoàn đến ở. Đó là
một thiếu phụ mới góa chồng, nhan sắc tuyệt trần, từ trang phục cho đến bài trí
trong nhà đều cực kì sang trọng, nàng lại rất sành vẽ hoa. Sự xuất hiện của
nàng bỗng khiến cho các nhân vật phong lưu ở Giang Kinh xao động. Kẻ đã có vợ,
người chưa vợ và người sắp lấy vợ đều như đàn ong phát cuồng đua nhau tìm đến
thăm hỏi, nàng cung kính tiếp đãi, tươi cười đón nhận những tình ý nồng nàn đang
tràn đến như thủy triều, nhưng nàng không lơi lả buông tuồng, nàng chỉ để cho
những người tự cho mình là phong lưu ấy có được chút tưởng tượng và kì vọng vừa
đủ nhưng không thể vượt quá giới hạn.

Chỉ cần các nhân sĩ hơi nghe ngóng một
chút sẽ biết ngay, Thích phu nhân tuổi mới 20, xuất thân danh gia vọng tộc ở
Nam Kinh. Nhà họ Thích rất phồn thịnh đông đúc, con cháu dù làm quan hay là
thương nhân đều thành công hiển hách. Nếu nói chuyện với bất cứ ai trong số họ
sẽ biết ngay, trước khi đi lấy chồng, Thích phu nhân đã nổi tiếng là người đẹp
vô song ở đất Kim Lăng, khiến vô số sĩ tử, anh hùng hào kiệt phải chết mê chết
mệt. Nhưng số phận oái oăm, nàng lại chọn một tài tử Trương Hữu Linh làm chồng.
Tài tử bạc mệnh, sau hai năm chung sống chàng đã qua đời. Thích phu nhân đau
đớn vô cùng, nàng không muốn ở lại cái chốn phồn hoa, nên nàng đã chọn đô thị
lớn Giang Kinh cư trú.

Thích phu nhân là then chốt trong kế
hoạch thú vị của Lã Diệp Hàn.

Đúng là có Thích phu nhân và các chuyện
liên quan nhưng chỉ có những người trong nhà họ Thích mới biết rõ sự thật,
Thích phu nhân thực sự thì đã bí mật cắt tóc đi tu, bên ngọn đèn xanh và dưới
chân bàn thờ Phật, tâm hồn bị tổn thương của nàng sẽ được an ủi. Còn mỹ nhân
đang ở ngôi nhà nhỏ bên sông chẳng qua chỉ là một ca kĩ mới nổi danh trên sông
Tân Hoài. “Thích phu nhân giả” này cũng có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành
và biệt tài cầm kì thi họa. Lã Diệp Hàn đã dùng vốn liếng dành dụm bao năm qua
của mình để thuê ngôi nhà này cho cô ta, thuê người giúp việc, a hoàn, và chu
cấp đủ mọi phí tổn sinh hoạt.

Còn về con cháu nhà họ Thích? Họ vui
lòng nói dối giúp Lã Diệp Hàn, cũng vì muốn báo đáp ân nghĩa rất lớn năm xưa
ông đã giúp họ. Đó là vụ án cuối cùng ông làm trước khi rời Đông Xưởng, vụ án
“Kim Lăng di lão”. Vào thời Minh, cụ tổ nhà họ Thích từng giúp sức đưa Kiến Văn
Đế lên ngôi ở Kim Lăng, sau khi Kiến Văn Đế bị Thành Tổ phế truất thì nhà họ
Thích bị liên lụy, luôn là đối tượng bị Đông Xưởng giám sát. Cách đây độ mười
năm có người tố các với Đông Xưởng rằng người nhà họ Thích cấu kết với một số
“người do Kiến Văn Đế để lại”, Lã Diệp Hàn được cử đi điều tra. Vừa nghe đến
cái “nhiệm vụ” này ông đã cười ngao ngán, vụ án Kiến Văn trôi qua đã 200 năm,
dù những “người để lại” là có thật thì họ còn làm nổi trò trống gì? Họ đoạt lại
quyền bính sao được? Đây chẳng qua là do một số kẻ trong triều cố tình bài xích
nhà họ Thích mà thôi. Theo phong cách thà xử oan còn hơn bỏ sót của Đông Xưởng,
dù là chuyện vu vơ thì nhà họ Thích cũng không thể không bị liên đới, phải hành
hạ khiến họ tan cửa nát nhà mới xong. Âu khí số nhà họ Thích đã tận. Lã Diệp
Hàn chán ghét cái thói ngang ngược trấn áp người ta, sau khi xác định nhà họ
Thích trong sáng vô tội, ông chỉ viện cớ họ “không tử tế với bà con” phạt họ
nộp bạc, rồi cho cả nhả được an toàn. Cho nên, vào lúc hệ trọng hiện giờ, nhà
họ Thích sẵn sàng giúp Lã Diệp Hàn giăng bẫy.

Đúng lúc hệ trọng, là thời khắc rất hệ
trọng trong sự nghiệp và trong cuộc đời Lã Diệp Hàn.

Ông đã phân tích, cách thức Tà ma gây án
chặt ngón tay có vẻ như tùy hứng, nhưng ông cũng nhận ra vài nét có tính quy
luật. Thoạt đầu, chắc là vì Tà ma chưa đủ lông đủ cách nên y chỉ chọn những phụ
nữ bình thường để sát hại, vợ giận chồng bỏ về nhà mẹ đẻ, con gái lén lút hẹn
hò với tình nhân, a hoàn đi vào những lối tắt ngõ tối, kĩ nữ lầu xanh hạng bét
nhan sắc đã tàn phai... Giết những người này khá dễ, quan phủ cũng không mấy
quan tâm. Ít lâu sau Tà ma dần có kinh nghiệm, y chọn đối tượng “khó làm” hơn,
là tiểu thư khuê các, đào hát đã có danh tiếng, nữ đạo sĩ công phu cao cường,
nạn nhân của vụ gần đây nhất là một tiểu thiếp của tổng bình phủ Giang Kinh, cứ
đà này thì sẽ đến lượt con gái cưng của tổng binh cũng nên.

Cho nên Mạc Tông Trạch được “mời” đến
gấp, vì lửa đã bén đến cổng nha môn quan phủ rồi.

Lã Diệp Hàn suy luận rằng, Tà ma nhiều
lần đã gây án thành công, đối phó với quan phủ cũng thành công, thì y sẽ càng
to gan và càng muốn gây ra vụ án chấn động hơn nữa, có thế y mới thực sự thỏa
mãn.

Và đó cũng là pháp bảo để Lã Diệp Hàn
chiến thắng Tà ma, ông gần như đã hiểu thấu tâm can y, cảm nhận được nhu cầu
của y nên sẽ giúp y lựa chọn mục tiêu tiếp theo.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3