Tơ Đồng Rỏ Máu - Chương 16

Chương 16: Truy tìm bí mật

Mễ Trị Văn gây án cưỡng dâm bất thành lần đầu cách đây 28
năm. Nạn nhân là Thôi Dụ Hồng, hồng nhan bạc mệnh, chưa đến bốn mươi tuổi đã
ung thư vú rồi qua đời. Nạn nhân thứ hai là Lý Tĩnh, cách đây 22 năm, sau ngày
bị hại ít lâu đã sang Mỹ du học rồi ở lại định cư, đoạn tuyệt với quá khứ đau
lòng. Nạn nhân thứ ba là Vu Ninh, bị hại cách đây 17 năm, sau đó mắc chứng trầm
cảm chưa điều trị được thì đã tự sát. Đây là những tư liệu mà Sở Hoài Sơn thu
thập được, ngoài Đổng Bội Luân còn có hai nạn nhân nữa nhưng không tra ra được.
Na Lan nhờ Sở Hoài Sơn giúp đỡ vì cô muốn tránh tiếp xúc nhiều với Kim Thạc,
mỗi lần xin phê chuẩn cô có cảm giác mình mắc nợ anh ta, sẽ thêm áp lực phải
trả nợ bằng chuyến đi Bắc Kinh sau này.

Hai người trao đổi qua weibo.

Sao anh lại tra ra được? Na Lan hỏi.

Sở Hoài Sơn: Nhờ phóng viên Tin chiều
Tân Giang.

Na Lan: Người không ra khỏi nhà như anh,
sao lại quen được phóng viên?

Sở Hoài Sơn: Tôi phục vụ Bộ Công an, đôi
khi cũng phục vụ cánh phóng viên.

Na Lan bây giờ mới nhớ ra anh ta là cao
nhân, tháo vát quá thì nhọc thân.

Sở Hoài Sơn: Mấy vụ án đó, tờ báo ấy
đăng đầy đủ, có cả thông tin về người bị hại.

Na Lan: Nếu anh Ba Du Sinh còn làm thì
đã không phiền đến anh.

Sở Hoài Sơn: Không sao. Chúc cô điều tra
thuận lợi.

Nạn nhân có thể điều tra, giờ chỉ còn Vu
Ninh. Sở Hoài Sơn cho biết cách thức liên lạc với cha mẹ Vu Ninh. Na Lan ngồi
ngây đờ trước mặt máy tính. Nói vậy thôi, chứ đầu óc đang lên kế hoạch liên lạc
với cha mẹ Vu Ninh, gặp gỡ ra sao, hỏi han những gì... Nhắc đến Vu Ninh liệu họ
đau xót đến đâu? Tại sao mình lại tàn nhẫn thế nay?

Tất cả cũng chỉ vì câu nói của Mễ Trị
Văn, vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn.

Sương mù bao phủ Giang Kinh suốt ngày
nên lúc hoàng hôn thì trời đã đen kịt như đêm khuya. Na Lan đeo khẩu trang,
tiến vào bóng tối nặng nề.

Cô không báo trước cho cha mẹ Vu Ninh,
sợ bị họ từ chối thì lần sau sẽ càng khó gặp. Cô cũng không định nói những điều
khiến hai ông bà già đau buồn mà chỉ hỏi những vấn đề có vẻ chắc ăn.

Bà mẹ Vu Ninh ra mở cửa. Na Lan là người
lạ, nhưng dáng vẻ và trang phục của cô sẽ không khiến họ phải cảnh giác. Bà già
ăn mặc giản dị, khuôn mặt hiền hòa, giọng nói ân cần, “Cháu muốn tìm ai?”

Nhìn vẻ mặt hiền từ của bà, Na Lan cảm
thấy không nỡ khiến bà phải khổ tâm cô định nói “Cháu nhầm nhà” để rút lui, nhưng
bà lại mở rộng cửa, bật đèn, khẽ kêu lên, “Cô là nghiên cứu sinh, hỗ trợ cảnh
sát phá án phải không?”

Sau “vụ án năm xác chết”, báo chí Giang
Kinh đã có bài viết về Na Lan, khiến cô đến trường cũng ngại, lúc nào cũng thấy
người ta thì thầm và nhìn cô bằng ánh mắt là lạ. Không ngờ đến tận hôm nay, ở
một khu vực lạ hoắc, vẫn bị một bà lão nhận ra. Bà bước lại gần hơn, ngắm nhìn Na
Lan rồi nói, “Đúng là cô! Tôi nhớ rất chuẩn, không thể nhầm được...” Hình như
sực nhớ ra điều gì, sắc mặt bà thay đổi, “Chắc không phải cô đến...”

Na Lan nghĩ, bà đã đoán ra ít nhiều, thì
cũng tốt, mình đỡ phải tự giới thiệu.

“Cháu là Na Lan...” Cô hơi do dự. “Nếu
bác không ngại... cháu muốn hỏi vài điều... chuyện của chị Vu Ninh.”

“Thế thì cháu phải thất vọng rồi.” Bà
thở dài.

Na Lan sững người. Bà đã sẵn sàng từ
chối?

“Bác ạ, cháu...”

“Tôi không có ý xua cháu đi, nhưng tôi
cho rằng cháu đã hiểu lầm rồi. Là Ninh Ninh chán sống, mắc chứng trầm cảm một
thời gian, tôi đã khuyên nhủ nó mãi nhưng không được.” Bà lại thở dài, rồi đưa ống
tay áo lên chấm nước mắt. Bà bảo Na Lan vào nhà ngồi, rồi lặng người không nói
được nữa.

Na Lan bước vào, nhanh tay khép luôn cửa
vì sợ sương giá tràn vào nhà.

“Cháu thực tình không muốn nhắc đến
chuyện của chị Vu Ninh khiến bác phải buồn. Nhưng vì có liên quan đến một vụ án
khác...”

Bà hơi sửng sốt, chứng tỏ tư duy vẫn rất
nhanh nhẹn. Bà gật đầu như đã hiểu ra, rồi lại lắc đầu, “Chắc cháu nói về thằng
cha mất hết tính người ấy?” Bà liên tưởng đến Mễ Trị Văn.

Na Lan nói, “Nếu bác không tiện nói về
lão.,..”

“Có gì mà tiện hay không tiện? Hắn là kẻ
bệnh hoạn, một thằng điên! Ninh Ninh nhà này xấu số nên gặp phải kẻ ấy.” Bà
trào nước mắt.

Na Lan định im lặng, nhưng rồi lại đánh
liều hỏi, “Bác nói gặp phải nghĩa là sao ạ? Cháu được biết biên bản ghi chép về
vụ án là, Vu Ninh học năm thứ ba Đại học Tài chính Kinh doanh, tham gia hoạt
động đoàn thể rồi quen Mễ Trị Văn, xem ra là việc ngẫu nhiên.” Có lẽ Na Lan là
người cuối cùng trên đời này tin ở sự kiện ngẫu nhiên.

Nhưng khi số phận đã bỡn cợt con người
thì có thể còn bao nhiêu việc tuân theo các quy tắc khoa học nữa đây?

Bà mẹ Vu Ninh hỏi lại cô, “Cháu đã biết
những gì về chuyện của Ninh Ninh?”

“Cháu chỉ biết đại khái đến thế.” Đúng
là Na Lan đã thuộc lòng các tư liệu mà Sở Hoài Sơn tra cứu được. “Và còn một điều
nữa, ngày trước từng có bài báo viết, bạn bè nhớ lại rằng Vu Ninh là một hạt
nhân văn nghệ của trường, hát hay múa đẹp.”

“Nó còn biết chơi nhạc cụ dân tộc, đàn
cổ, đàn tranh, đàn tì bà... đều biết ít nhiều.” Bà nhẹ nhàng nói.

Na Lan đã nhận ra mối liên hệ, “Mễ Trị
Văn biết chơi nhạc cụ dân tộc?” Cô cùng nghe nói cách gảy cổ cầm và đàn tranh
na ná nhau, biết một thứ là sẽ biết cả.

“Không chỉ biết chơi, mà hắn còn chơi
rất hay.” Bà mẹ hít vào một hơi dài. “Cho nên hắn trở thành thầy dạy cổ cầm cho
Vu Ninh.”

Lại là một tình tiết chưa ai biết, hệt
như chuyện của Đổng Bội Luân.

Na Lan thốt lên, “Lão thực bỉ ổi! Lợi
dụng việc dạy đàn để làm càn.”

Bà mẹ Vu Ninh tư lự mất một lúc, “Phải
nói là... thằng cha ấy vô cùng bệnh hoạn, nhưng... chuyện này chúng tôi chưa
từng nói với ai, hôm nay thật khác thường, lần đầu tiên kể với cháu. Chẳng biết
ma xui quỷ khiến ra sao, Vu Ninh tự dưng... thích thằng cha Mễ Trị Văn!”

Vu Ninh đang tuổi hoa rực rỡ, có cảm
tình với một gã trung niên khô cằn rồi bị hắn cưỡng bức nhưng chưa thành? Đây
là cái logic gì vậy? Na Lan nhớ đến bệnh án thần kinh của Mễ Trị Văn, lão rêu
rao rằng các nạn nhân ấy và lão đều có mối gắn kết đồng điệu tâm hồn, thậm chí
là có quan hệ yêu đương, thoạt đọc sẽ coi là những lời điên rồ, nếu bà mẹ Vu
Ninh nói đúng, thì tức là Mễ Trị Văn đã nói thật?

Na Lan dường như nghe thấy tiếng cười
khẩy bất cần của lão, tôi có nói dối bao giờ đâu? Chính cô dựa vào cái chữ có
được do linh cảm của tôi rồi tìm thấy hài cốt của Nghê Phượng Anh đấy thôi!

Đổng Bội Luân thì sao? Hay cũng là câu
chuyện giống thế này?!

Na Lan tưởng tượng cảnh Đổng Bội Luân
thông minh trong sáng, nõn nà như tiên nữ nhưng lại yêu lão ma nhập Mễ Trị Văn,
cô vội lấy khẩu trang ra đeo, hình như sợ tâm trí mình bị sương giá độc hại xâm
nhập rồi lú lẫn không biết đúng sai là gì nữa.

Nhưng, tại sao Mễ Trị Văn lại làm hại
những cô gái mà trái tim đã thuộc về lão? Tại sao lão lại phải làm hại những
người mà lão nói là có tâm hồn đồng điệu với mình?

Làm thế nào để nhìn rõ toàn bộ diện mạo
của Mễ Trị Văn?

Ngồi trên tàu điện ngầm, Na Lan nhắn tin
cho Sở Hoài Sơn: Càng tin Mễ Trị Văn không phải là hung thủ vụ án “ngón tay
khăn máu”, tôi càng cảm thấy lão bí hiểm khó lường. Tại sao lão lại biết vị trí
hài cốt của nạn nhân? Nếu lão không phải thần tiên thì chắc chắn có người nói
cho lão biết. Cho nên việc cấp bách nhất là phải tìm ra tên sát thủ vẫn nhởn
nhơ ngoài xã hội. Tuy không biết Mễ Trị Văn đã quen kẻ ấy từ khi nào, nhưng
loạt vụ án “ngón tay khăn máu” đã trải suốt ba mươi năm, cả hai có thể là cố
nhân lâu năm, cần tìm hiểu về lai lịch Mễ Trị Văn để từ đó lần ra tên bạn cũ
của lão.

Tin nhắn tràng giang đại hải, nhưng Sở
Hoài Sơn chỉ đáp lại hết sức ngắn gọn: Lai lịch Mễ Trị Văn, một con số 0.

Na Lan thở dài. Không có một thông tin
nào về tiền sử lai lịch Mễ Trị Văn. Chẳng phải là tin mới. Ba Du Sinh cũng từng
nói thế, đây là một trong những khó khăn của vụ án. Na Lan ngao ngán. Lẽ nào bế
tắc hoàn toàn rồi?

Cô lại bấm bàn phím: Lẽ nào không có
cách gì?

Sở Hoài Sơn: Đã nghe nói đến dốc Mễ Lung
chưa?

Dốc Mễ Lung, Mễ Trị Văn. Giữa hai chữ
này có liên quan gì chăng?

Dốc Mễ Lung ở ngoại thành phía bắc Giang
Kinh, là một địa danh mang tính tiêu biểu cho thành phố này. Nhờ phát hiện di
tích một nền văn minh cổ xưa ở đây mà Mễ Lung trở thành một thánh địa khảo cổ
học nổi tiếng cả nước. Vùng đất chứa đựng bề dày lịch sử này có quan hệ sâu xa
ra sao với lão già đậm đặc tà khí từ đầu đến chân như Mễ Trị Văn?

Sở Hoài Sơn lại nhắn thêm một tin nữa:
Có biết xuất xứ của cái tên dốc Mễ Lung không?

Na Lan không phải là dân Giang Kinh
chính gốc, nhưng cũng từng tham quan di tích Mễ Lung và có nghe về nguồn gốc
cái tên này. Dốc Mễ Lung đối diện với sông Thanh An chín khúc, gọi là “dốc”
nhưng thực ra chỉ là một khoảnh đất phẳng, hiền hòa, địa thế hơi cao hơn đồng
bằng bên dưới, ở giữa có hai dốc nhỏ gồ lên. Người thời cổ định cư trên dốc này
và trồng trọt chăn nuôi ở dưới thấp, như thế, dù sông Thanh An nước dâng họ
cũng vẫn an toàn. Vào mùa nước nổi, nước sông tràn lên chỗ cao, người thời cổ
liền đắp “lung”, tức là xe bờ xung quanh để trữ nước lại, tiếp tục trồng lúa
trên đó, dần dà hình thành cái tên dốc Mễ Lung. Về sau, dụng cụ dùng để xay
thóc được chế tạo ở đây, quan cai trị địa phương lại lấy tên Mễ Lung đặt luôn
cho nó, bởi vậy Mễ Lung còn có nghĩa là “cối xay thóc”.

Sở Hoài Sơn: Còn có một lai lịch khác về
dốc Mễ Lung, liên quan đến họa sĩ Mễ Thị thời Bắc Tống. Về già, ông Mễ Thị định
cư ở Giang Nam, thế hệ con cháu thì dần dà lưu lạc bốn phương để tránh chiến
loạn, họ di cư đến ngoại thành Giang Kinh, sinh sống ở dốc Mễ Lung bấy giờ đã
vắng bóng người. Nơi này phong thủy tốt, đất đai màu mỡ, dần phát triển đông
đúc, phồn vinh. Họ đặt tên khu vực này là thôn Mễ Gia, về sau có thêm rất nhiều
người họ khác đến cư trú, bèn đổi là thôn Mễ Lung, dân chúng thành Giang Kinh
hễ nhắc đến rẻo đất cao cao ấy, lại gọi luôn là dốc Mễ Lung.

Tin nhắn khá dài, khiến Na Lan chìm
trong suy nghĩ.

Thôn Mễ Gia có còn không?

Có thể là do gen di truyền của Mễ Thị,
hoặc do bầu không khí ham học được duy trì tốt đẹp, bao năm qua thôn Mễ Gia đã
xuất hiện rất nhiều tú tài cử nhân, có người lên kinh thành và các nơi khác làm
quan, nên dân cư thưa dần. Thời kháng chiến, Giang Kinh rơi vào cảnh rối loạn,
trong thành có tô giới Anh, Pháp nên thành phố biến thành cô đảo, ngoại thành
thì bị gót sắt của quân Nhật giày xéo, thôn Mễ Lung cũng không ngoại lệ, người
chết người bỏ trốn. Cho đến khi chiến tranh kết thúc mới có một số dân họ Mễ
trở lại cố hương, Mễ Lung lúc này đã đổ nát tàn tạ. Tuy nhiên vẫn có vài gia
đình họ Mễ chính tông dựng lại nhà cửa trên nền đất cũ của thôn Mễ Lung. Mễ Trị
Văn sinh ra trong một xóm nhỏ đằng sau dốc Mễ Lung.

Na Lan cố hồi tưởng hình ảnh di tích dốc
Mễ Lung mà cô từng tham quan, nhưng không thể nhớ ra cái xóm nhỏ đằng sau dốc.
Sở Hoài Sơn nói, sau những năm 80 của thời kì trước dốc Mễ Lung được coi là di
tích khảo cổ cấp quốc gia, thì vài hộ còn sót lại trong thôn được chính quyền
cho di dời vào nội thành Giang Kinh ở.

Na Lan: Tôi đã đọc mọi tư liệu về Mễ Trị
Văn, không thấy nhắc đến nơi sinh của lão, sao anh biết lão ra đời ở thôn Mễ Lung?

Sở Hoài Sơn: Tôi đoán.

Na Lan: Anh nói rõ hơn được không?

Sở Hoài Sơn: Chắc cô biết mấy địa điểm
mà Mễ Trị Văn từng gây án?

Na Lan: Rải rác ở vài khu, huyện của
Giang Kinh, không nhận ra có quy luật gì.

Sở Hoài Sơn: Đánh dấu trên bản đồ, sẽ
nhận ra quy luật.

Anh lập tức gửi cho Na Lan sơ đồ nội
ngoại thành Giang Kinh. Vậy là anh đã nghiên cứu từ lâu. Các địa điểm Mễ Trị
Văn gây án đánh dấu + đỏ, nối liền bảy dấu đỏ này được một đường thẳng!

Nếu kéo dài đoạn thẳng ấy thì nó sẽ đi
xuyên qua dốc Mễ Lung!

Sở Hoài Sơn: Cô là chuyên gia tâm lý,
phải thạo hơn kẻ ngoại đạo là tôi. Mễ Trị Văn làm thế dù có ý thức hay không
thì vẫn toát ra một điều, dốc Mễ Lung rất quan trọng đối với lão.

Na Lan ngẫm nghĩ, nếu đúng là thế thì
rất có thể xóm nhỏ bỏ hoang sau dốc Mễ Lung sẽ lưu lại dấu vết thời thơ ấu của
Mễ Trị Văn. Dù chưa chắc chắn liên quan trực tiếp đến tên hung thủ thực sự kia,
thì ít ra cũng là điểm xuất phát để đi sâu tìm hiểu.

Na Lan: Tôi sẽ đến đó ngay.

Sở Hoài Sơn rất kinh ngạc: Thời tiết
này, cô đi ngay bây giờ ư?

Na Lan nhìn ra, trời đã tối mịt, đèn phố
mờ ảo trong màn sương dày đặc, cô hiểu rằng mình quá hấp tấp. Để ngày mai vậy!

Nhưng hôm sau vẫn là sương mù nặng trĩu.
Các chuyên gia nói bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nên sương độc còn tiếp tục
hành hạ dân Giang Kinh từ ba ngày cho đến một tuần nữa. Không thể chờ đến ngày
trời đẹp, hết giờ lên lớp buổi sáng Na Lan ngồi tàu điện ngầm tuyến số 6 đi dốc
Mễ Lung.

Ra khỏi thành phố, tàu ngầm trườn lên
mặt đất. Nhìn qua cửa sổ, sương mù đã loãng hơn, có thể nhìn thấy cột điện và
nhà cửa đằng xa thấp thoáng trong sương. Rồi nhà cửa thưa dân, núi non thấp
thoáng, Na Lan biết đã sắp đến dốc Mễ Lung.

Ga tàu cách dốc Mễ Lung khoảng năm cây
số, khách du lịch tham quan mọi ngày thường phải đi xe buýt hoặc taxi đến di tích.
Cô gọi taxi của một công ty đáng tin cậy, đưa cho anh lái xe xem sơ đồ mà Sở
Hoài Sơn gửi cho cô tối qua. Anh ta ngạc nhiên, “Chỗ đó hoang vu không người ở,
cô đến làm gì?”

Na Lan mỉm cười, “Khảo cổ!”

Nếu không vì đúng hôm vắng khách thì có
lẽ taxi đã từ chối cô. Lái xe đành lên đường, chạy chừng hai mươi phút thì đến
một vùng nhà cửa đổ nát, xe dừng lại. “Đây rồi. Cô có cần tôi chờ không?”

Na Lan đã tính sẵn, bèn nói, “Tôi chưa
rõ mình sẽ nán lại đây bao lâu. Hay là anh cứ cho tôi số di động, khi nào tôi
xong việc sẽ gọi, nhờ anh đến chở tôi quay lại.” Yêu cầu không có gì quá đáng,
tất nhiên anh lái xe đồng ý.

Hơn chục ngôi nhà gạch và gỗ kết hợp nằm
rải rác trong khoảng một dặm vuông hợp thành cái xóm nhỏ này, Na Lan kết luận
sau khi đi quanh khắp một lượt. Cỏ dại mọc um tùm, tuy đã lâu không có người ở
nhưng nhà cửa vẫn khá vững chắc không có nguy cơ đổ sập. Chứng tỏ sau chiến
loạn năm xưa, dân thôn Mễ Giang không hề sống tạm bợ, họ đã chăm chỉ vun đắp
cho nơi này. Nếu không vì họ ở quá gần dốc Mễ Lung khiến chính phủ buộc phải di
dời thì đến nay khung cảnh vẫn cứ như cũ.

Mặt tiền các ngôi nhà không hề ghi tên
chủ nhân, biết tìm “di tích” của Mễ Trị Văn ở đâu? Na Lan đã lường trước điều
này nên chỉ còn cách tùy cơ ứng biến vậy.

Ba mươi năm trước, khi các gia đình di
chuyển, họ đã dọn sạch tất cả, chỉ còn lại nhà cửa sân vườn cùng vài đống gạch
ngói vỡ. Tuy nhiên nó không sạch tuyệt đối vì vẫn có dấu vết con người trong
những năm gần đây, những hộp cơm, túi nhựa, lon bia... vứt bừa bãi, thậm chí có
cả quần lót chưa kịp mặc lại và những cái bao cao su không thèm xử lý. Na Lan
đi khắp thôn khoảng một giờ, vào sáu bảy ngôi nhà, không phát hiện thấy điều gì
đáng kể, cô thoáng nghĩ hôm nay có khi phải tay không trở về.

Sau đó thì sao? Sẽ lại đến cầu khẩn Mễ
Trị Văn và nghe lão cười chế nhạo?

Cô lại vào một ngôi nhà hoang khác.

Lúc nãy cô chú ý thấy nhà này không
giống các nhà gần kề, tuy quy mô xấp xỉ nhau nhưng tình trạng rất xập xệ, xem
chừng bỏ hoang lâu hơn. Bước vào trong thấy rất nham nhở, tường vữa lở lói tứ
tung, nền nhà đầy bụi rác và gạch ngói vụn, đồ dùng cũ nát chất thành đống, tựa
hồ vội vã tháo chạy khỏi thôn chứ không phải di chuyển một cách có trật tự như
các hộ khác.

Na Lan đương nhiên để ý quan sát nhà này
rất tỉ mỉ.

Tiếc rằng, sau nửa giờ cô lại dần thất
vọng. Đồ đạc cũ nát không nói lên điều gì về chủ nhân. Trong ngôi nhà này cũng
có một số rác mới, nhưng không thuộc loại Na Lan muốn tìm.

Cô bỗng nảy ra một ý, đồ dùng cũ nát kia
ít nhiều cũng phản ánh con người và cá tính của chủ nhân, cô bèn lấy đèn pin ra
soi. Ở bếp, nhặt được vài mảnh bát đĩa vỡ, già nửa cái vung nồi gốm, đều có hoa
văn, chứng tỏ gia đình này trước kia tương đối khá giả, chủ nhân thuộc loại
tinh tế, có lối sống trang nhã. Trong buồng ngủ kê một cái bàn nhỏ rất tinh
xảo, đã gãy hai chân nhưng chất gỗ còn tốt, mặt bàn và ngăn kéo mài xoa nhẵn
nhụi, xem ra không phải nhà nông bình thường. Gầm bàn la liệt những mảnh gương
vỡ. Đây chắc là cái bàn dùng cho việc trang điểm?

Từ nhỏ tới lớn, Na Lan chưa từng nhìn
thấy mẹ dùng bàn trang điểm, thế mà cách đây bao nhiêu năm, ở nơi này đã xuất
hiện bàn trang điểm, chứng tỏ nữ chủ nhân có ý thức về khuôn mặt, da dẻ, đầu
tóc.

Nhưng những điều này liên quan gì đến Mễ
Trị Văn? Mễ Trị Văn! Dấu vết của lão ở đâu?

Một gian buồng ngủ khác, kê cái giường
đơn cũ nát, các mảnh gỗ lả tả dưới đất.

Và một mẩu vải trắng.

Na Lan cúi xuống kéo mẩu vải ra. Vải
trắng ố vàng, nhưng chưa thật cũ kĩ như các đồ vật khác trong nhà. Là một mảnh
vải to.

Mảnh vải trắng lốp, chưa có dấu vết của
thời gian.

Tim Na Lan đập nhanh dần. Cô nghĩ đến vụ án “ngón tay khăn
máu”, nghĩ đến cái khăn dính máu, nghĩ đến vệt máu đỏ trên nền khăn trắng tinh.
Và mím môi kéo thật mạnh, được cả một mảnh vải trắng khá lớn.

Lật mảnh vải lên.

Bên dưới không có gì.

Đúng hơn là, không có thứ gì giá trị, chỉ có hai viên ngói dễ
dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trong thôn xóm bỏ hoang này.

Giả sử có cặp trai lén lút làm tình thì họ sẽ mượn tạm tấm
vải để hoàn thành cuộc khám phá tối nay, khỏi cần để ý hai viên ngói làm gì.
Nhưng Na Lan chợt nghĩ, gạch ngói vỡ chỉ lăn lóc ngoài tường ngoài sân, trừ phi
mái nhà sụp xuống thì trong nhà mới có ngói vỡ. Huống chi, đây lại không phải
ngói vỡ mà là hai viên ngói nhỏ vuông vức hoàn chỉnh.

Cô lật hai viên ngói lên, trên mỗi viên đều khắc một kí tự.

Kí tự kì quái, cô từng trông thấy trong cuốn nhạc phổ của Mễ
Trị Văn, là kí hiệu ghi nốt nhạc, âm giai và thế tay chơi đàn.

Mễ Trị Văn! Vậy là đã tìm ra lão, tìm ra quá khứ của lão. Cô
chực gọi điện đến buồng bệnh lão nằm, cười khẩy và hỏi, ông còn nhớ những nốt
cổ cầm chứ? Còn nhớ thời niên thiếu trong sáng vô tư chứ? Nhưng sao suy nghĩ
của mình lại ấu trĩ thế này? Có thể là muốn lục vấn, cũng có thể là muốn trả
đũa.

Na Lan mở di động ra chụp lại hai kí hiệu để gửi cho Sở Hoài
Sơn và Ba Du Sinh. Ở đây còn nhiều điều bí mật cần cô khám phá.

Một lát sau, cô lại nhìn thấy hai viên ngói quay ngược đầu
ngoắc vào nhau. Chúng nằm bên cạnh cái tủ con cũ kĩ đã sập xuống. Bức tường
phía sau cái tủ có một tấm ván dựng đứng, chân tấm ván kê một viên ngói. Chứng
tỏ tấm ván này không bình thường. Na Lan nhích tấm ván ra, sau nó là một hốc
tường cao tới thắt lưng người.

Xem ra từ bé Mễ Trị Văn đã rất ham những trò bí hiểm.

Na Lan cúi xuống chui vào cái hốc. Hang động bên trong quá
chật và nông, cô chạm ngay một bức tường, bèn đưa tay đẩy mạnh, mấy viên gạch
lập tức rơi ra bên ngoài. Mùi vải mốc xộc ngay lên mũi, ánh sáng lờ mờ hắt vào.

Thì ra đây là một cái ngách bí mật thông ra thế giới bên
ngoài. Na Lan tiếp tục đẩy, gạch lại rơi xuống. Mảnh tường độ một mét vuông
thủng toác ra. Na Lan chui từ trong nhà ra ngoài, hơi sững sờ.

Cứ coi đây là kiệt tác của Mễ Trị Văn hồi nhỏ đi, thì tại sao
lão phải dỡ một hốc tường? Tự bố trí một lối đi bí mật để chuồn ra ngoài. Chứng
tỏ lão bị mất tự do, không thể đàng hoàng đi ra khỏi nhà. Hoặc đây chỉ là một
cuộc thử nghiệm mạo hiểm, nhằm ra khỏi nhà vào những lúc không nên ra, ví dụ
đêm khuya... Cũng có thể, hồi nhỏ Mễ Trị Văn thích nhập bọn với bóng tối.

Na Lan đang định quay trở vào thì bỗng nhìn thấy một viên
ngói xám. Cô nhặt lên. Mặt trái của nó lại ghi một nốt nhạc cổ. Cô nhìn quanh.
Trên bãi cỏ cách đó bốn năm mét có một viên ngói nữa. Cô bước đến. Đúng thế!

Xa hơn lại thấy một viên ngói nhỏ với một kí hiệu kì quái.

Cách vài mét là một viên ngói. Càng đi xa thì khoảng cách
giữa hai viên ngói càng thưa, rồi thì cách hơn chục mét mới thấy một viên, tìm
được nó không dễ. Cứ thế đi mãi chừng hai cây số... Na Lan kinh ngạc nhận ra
mình đã đến chân dốc Mễ Lung!

Các viên ngói mất tăm mất tích.

Na Lan đi khắp hai bên chân dốc chừng mươi mét, không thấy
viên ngói nào hết. Ngẩng đầu nhìn, thấy có một đường mòn nho nhỏ ngoằn nghèo
chạy từ chân dốc lên sườn dốc và còn lên mãi. Cô đi theo. Quả nhiên lại nhìn
thấy các viên ngói. Đầu tiên là vài viên nằm ở bên đường cách nhau vài mét, sau
đó là các viên nằm rải rác trong bãi cỏ hoang mới mọc đầu xuân, rồi lại nằm sâu
trong cỏ rậm. Thình lình lại thấy hơn chục viên ngói nhỏ chất thành một đống.

Nếu nối hết các nốt nhạc viết trên ngói lại, liệu có thành
một bản nhạc cổ không?

Mễ Trị Văn, lão chơi cái trò gì thế này?

Na Lan bước đến chỗ đống ngói, định lấy di động chụp toàn bộ
các kí hiệu, bỗng thấy dưới đất chân nhũn ra, hình như bãi cỏ biến thành đầm
lầy, cô kinh hãi co chân nhưng đã quá muộn.

Cô kêu thét lên rồi rơi xuống một cái hố sâu.

Rơi huỵch xuống đáy. Xung quanh tối đen. Tiếp đó ý thức của
cô cũng tối sầm, không biết đau đớn là gì nữa. Cô ngất lịm đi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3