03. Sứ mệnh của bạn là gì? - Phần 1
CHƯƠNG 3: Sứ mệnh của bạn là gì?
“Làm ơn cho tôi biết
tôi phải đi theo hướng nào?”
“Cái đó còn tùy thuộc
bạn muốn đi đâu nữa cơ,” chú mèo trả lời.
“Tôi không cần biết
nơi nào_” Alice nói.
“Vậy thì bạn đi đường
nào cũng có khác gì đâu,” chú Mèo trả lời.
_Alice lạc
vào xử sở thần tiên, LEWIS CARROLL
Bạn muốn trở thành
giám đốc doanh nghiệp hay một đại biểu quốc hội? Bạn muốn đứng đầu trong ngành
hay chỉ cần là chủ tịch hội phụ huynh tại trường của con bạn? Bạn muốn kiếm
nhiều tiền hay kiếm nhiều bạn?
Bạn định hướng những gì
mình muốn càng cụ thể, thì bạn sẽ càng dễ dàng đưa ra một chiến lược để đạt mục
tiêu. Một phần trong chiến lược, tất nhiên là phải bao gồm việc thiết lập mối
quan hệ với những người trong cuộc sống có thể giúp bạn đi đến thành công.
Mỗi một người thành
công mà tôi từng gặp đều ít nhiều có một điểm chung là sự đam mê đề ra mục
tiêu. Những vận động viên thành công, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giám
đốc uy tín, các nhân viên bán hàng giỏi, đều biết rất rõ họ muốn gì trong cuộc
sống, và họ làm việc để đạt chúng.
Như cha tôi thường hay
nói đùa, có ai trở thành nhà du hành vũ trụ một cách tình cờ được đâu.
Tôi đã chú tâm đặt ra
mục tiêu từ rất sớm. Khi đang theo học tại Yale, tôi nghĩ mình muốn trở thành
một chính trị gia, một thống đốc tương lai của Pennsylvania. (Bạn có thấy
tôi quá chi tiết, và quá khờ khạo không?) Nhưng tôi học được rằng mục tiêu tôi
càng cụ thể, thì tôi càng dễ dàng hành động hướng đến mục tiêu đó. Đến năm thứ hai
tại đại học, tôi trở thành chủ tịch tổ chức chính trị tại Yale, nơi nuôi dưỡng
những tài năng chính trị sáng chói. Khi tôi muốn tham gia vào một hội đoàn, tôi
không chỉ chọn bất kỳ một tổ chức nào. Tôi tìm hiểu xem các chính trị gia nổi
tiếng đã từng tham gia vào hội đoàn nào. Sigma Chi có một truyền thống lâu đời
và trong số những người cựu thành viên tại đây có rất nhiều người là các nhà
lãnh đạo lỗi lạc. Nhưng hội này không đăng ký sinh hoạt tại Yale vào thời điểm
đó. Thế là chúng tôi quyết định thành lập một chi nhánh của hội tại Yale.
Sau này tôi tham gia
tranh cử vào Hội đồng thành phố New Haven. Tôi đã thất bại, nhưng chính
trong quá trình này tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, từ William F. Buckley và
Thống đôc bang Pennsylvania Dick Thornburg đến chủ tịch Yale, ông Bart
Gramatti. Tôi vẫn giữ liên lạc và thường xuyên thăm hỏi Bart cho đến khi ông
mất; ông là một nguồn tri thức và đầu mối liên lạc đối với tôi. Ngay lúc đó,
tôi đã nhận thấy lợi ích của việc đề ra mục tiêu; hành động đơn giản này đã
giúp tôi vượt trội hẳn trên những bạn đồng môn chỉ biết chờ đợi chuyện gì đến
cứ đến. Sau này tôi còn áp dụng nguyên tắc này một cách chặt chẽ hơn nữa.
Ví dụ như khi tôi làm
việc tại Deloitte & Touche, đề ra mục tiêu chính là cách giúp tôi nổi bật
hơn những nhà tư vấn đẳng cấp khác. Tôi biết mình cần có một tâm điểm, một định
hướng để tôi trút toàn bộ nguồn năng lượng của mình vào đó. Tôi đọc được một
bài báo của Michael Hammer khi tôi còn theo học ở trường kinh tế, và nó đã giúp
tôi xác định tâm điểm. Hammer là đồng tác giả quyển sách Tái lập công
ty; những ý tưởng của ông đã tác động mạnh đến cộng đồng kinh doanh, và gần
như đã tạo ra được một phân khúc thị trường mới trong ngành tư vấn.
Đây là cơ hội cho tôi
trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực kiến thức còn khá mới mẻ nhưng đang
được mọi người chú ý tối đa. Tôi đọc tất cả các nghiên cứu tình huống, tham dự
tất cả các cuộc hội thảo hay bài giảng của ông mà tôi có thể thu xếp được. Ở
đâu có Michel Hammer, ở đó có tôi. Theo thời gian, ông không còn cho tôi là kẻ
lẽo đẽo với ý đồ xấu mà đã dần xem tôi là một người học trò và một người bạn.
Nhờ tạo được mối quan hệ với Michael Hammer, và hiểu biết rộng trong lĩnh vực
này, tôi đã tạo cầu nối vững chắc giữa công ty và một trong những nhà tư tưởng
được kính trọng và có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới kinh doanh. Deloitte
nhận được lợi nhuận và tiếng tăm như một công ty hàng đầu về phong trào tái cấu
trúc. Và nhờ vậy, sự nghiệp của tôi trước kia còn mù mờ, giờ đã vững chắc và
tỏa sáng.
Trong vòng vài thập kỉ
qua, có rất nhiều quyển sách viết về tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu
trong cuộc sống. Như vậy đủ thấy mục tiêu quan trọng đến mức nào. Qua nhiều
năm, tôi đã đúc kết được quy trình thiết lập mục tiêu thành ba bước. Và điều
cốt lõi là phải biến việc thiết lập mục tiêu thành một thói quen. Nếu bạn làm
được như vậy, thiết lập mục tiêu trở thành một phần cuộc đời bạn; nếu không, nó
sẽ héo mòn và chết đi.
Bước 1: Tìm nguồn đam mê
Tôi học được định nghĩa
hay nhất về “mục tiêu” từ một nữ nhân viên bán hàng thành công xuất sắc mà tôi
gặp được tại một cuộc hội thảo: “Mục tiêu là giấc mơ không có kết thúc.” Định
nghĩa tuyệt vời này đưa ta đến một điểm hết sức quan trọng. Trước khi bạn bắt
tay viết ra các mục tiêu, hãy tìm hiểu giấc mơ của mình trước đã. Nếu không sau
này bạn sẽ thấy mình đi theo một con đường mà ngay ban đầu mình không có ý định
theo đuổi.
Các nghiên cứu cho thấy
hơn 50 % người dân Mỹ không hài lòng trong công việc. Nhiều người trong số họ
đang rất thành đạt, nhưng lại thành đạt trong một lĩnh vực không yêu thích.
Cũng không có gì khó hiểu tại sao ta lại rơi vào tình trạng này. Người ta hay
lo ngại khi phải đưa ra quyết định về nghề nghiệp, gia đình, công việc, tương
lai. Chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Thế là cuối cùng chúng ta lại tập trung
vào những năng lực chúng ta còn thiếu, hay những nghề nghiệp không phù hợp. Rất
nhiều người trong chúng ta chỉ biết chấp nhận những trái sung rớt xuống đầu
mình mà không bao giờ tự đặt cho mình những câu hỏi quan trọng.
Bạn có bao giờ ngồi suy
nghĩ nghiêm túc về những gì mình thật sự yêu thích? Những gì mình thật sự có
khả năng? Những gì mình muốn đạt được trong cuộc sống? Đâu là những trở ngại
đối với bạn? Hầu hết mọi người không làm được việc này. Họ chấp nhận những gì
“nên” làm, thay vì dành thời gian để tìm hiểu những gì họ “muốn” làm.
Mỗi người trong chúng
ta yêu thích những thứ khác nhau, lo lắng về những điều khác nhau, có những
điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, và điểm riêng của từng người. Chúng ta phải để ý
đến những điểm này khi tìm điểm giao nhau giữa năng lực và sự yêu thích. Tôi
đặt tên cho giao điểm này là “ngọn lửa xanh” – nơi sự đam mê và năng lực giao
nhau. Khi ngọn lửa xanh bùng cháy trong chúng ta, nó trở thành một nguồn lực
rất mạnh có thể đưa bạn đi bất cứ nơi nào bạn muốn.
Theo tôi thì ngọn lửa
xanh là sự giao thoa giữa mục tiêu và đam mê dựa trên sự đánh giá thực tế năng
lực của mình. Ngọn lửa xanh giúp bạn xác định mục tiêu trong cuộc sống, từ việc
chăm sóc người già đến việc là một người mẹ tốt, trở thành một kĩ sư hàng đầu
hay làm nhà văn hay nhạc sĩ. Tôi tin rằng trong tim mỗi người đều có một mục
tiêu khác nhau, một mục tiêu có khả năng bùng phát nếu được kích hoạt phù hợp.
Joseph Campbell, một
sinh viên sau đại học tại Columbia University, đã sáng tạo ra cụm từ “theo
đuổi đam mê” vào đầu thế kỉ 20. Ông xác định ngọn lửa xanh của mình là theo học
thần thoại Hy Lạp. Khi được biết là chưa có nơi nào giảng dạy ngành này, ông
quyết định theo đuổi kế hoạch riêng của mình.
Sau khi tốt nghiệp, ông
chuyển đến sống trong một ngôi nhà gỗ biệt lập tại Woodstock, New York, và
không làm gì khác ngoài việc đọc sách từ sáng sớm đến 7, 8 giờ tối, trong suốt
năm năm liền. Lúc đó người ta vẫn chưa định hình con đường nghề nghiệp cho
những người yêu thần thoại Hy Lạp. Campbell trở thành một người rất uyên thâm
về thần thoại Hy Lạp, nhưng thật ra ông vẫn chưa hình dung được mình sẽ làm gì
tiếp theo. Ông chỉ biết là mình phải theo đuổi niềm đam mê thần thoại này mà
thôi.
Những người ông gặp
trong đời sống hàng ngày đã rất ngạc nhiên về sự uyên thâm và đam mê của ông. Cuối
cùng, ông được mời đến nói chuyện tại trường Sarah Lawrence College. Hết bài
giảng này đến bài giảng khác, cho đến một lúc, hai mươi tám năm sau, ông nhìn lại, thấy mình đã là
một tác gia và giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực thần thoại học, vẫn đang theo
đuổi niềm đam mê của mình, ngay tại chính ngôi trường mà ông đã phát hiện ra
niềm đam mê này. “Nếu bạn theo đuổi niềm hứng thú của mình, bạn sẽ tự nhiên đi
theo một con đường đã được dọn sẵn, chờ đợi bạn, và cuộc sống bạn đang tận
hưởng chính là cuộc sống mà bạn theo đuổi.”
Vậy thì bạn làm thế nào
để tìm ra niềm đam mê của mình?
Campbell tin rằng,
trong sâu thẳm mỗi người, trực giác chúng ta biết rõ mình muốn gì trong cuộc
sống. Chúng ta chỉ việc là phải tìm cho ra mà thôi.
Tôi đồng ý với Tiến
sĩ Campbell. Tôi tin rằng những quyết định đúng đều phải dựa trên nguồn
thông tin đúng. Để quyết định niềm đam mê, niềm hứng thú, cảm hứng, hay ngọn
lửa xanh, bạn cũng cần phải tuân theo nguyên tắc này. Có hai hướng để tìm thông
tin: một hướng xuất phát từ chính bản thân; và hướng kia xuất phát từ những
người xung quanh.
1. Nhìn vào chính bản thân
Có nhiều cách để tự
đánh giá mục tiêu và ước mơ của mình. Có người chọn cách cầu nguyện. Có người
chọn cách suy ngẫm hay đọc sách. Có người tập thể dục. Có người chọn cách sống
biệt lập trong khoảng thời gian dài.
Tuy nhiên điều quan
trọng khi tự đánh giá bản thân là không được đặt ra giới hạn, không nghi ngời,
lo ngại, hay hi vọng về những gì “nên” làm. Bạn phải bỏ qua một bên những
chướng ngại như thời gian, tiền bạc, nghĩa vụ.
Một khi tôi đã xác định
tư tưởng của mình, tôi bắt đầu liệt kê một danh sách các ước mơ và mục tiêu. Có
những điểm hết sức phi lý, có những điểm lại quá thực dụng. Tôi không có ý định
kiểm duyệt hay chỉnh sửa bản chất của danh sách này – tôi chỉ đơn giản là viết
ra mọi thứ mà thôi. Sau khi hoàn tất danh sách thứ nhất, tôi tiếp tục viết ra
trong cột thứ hai những điều đem đến cho tôi niềm vui và sự thỏa mãn: những
thành quả, con người hay công việc làm cho tôi thấy yêu thích. Bạn có thể dựa
vào những thú vui riêng của bạn, hay những tạp chí, phim ảnh, sách truyện mà
bạn thích. Bạn thích thú với những loại hình hoạt động nào mà đôi khi bạn không
để ý đến thời gian đã trôi qua?
Sau đó, tôi bắt đầu tìm
mối liên hệ giữa hai danh sách này, chính là đi tìm điểm giao nhau, tìm định
hướng hay mục đích. Đây là một bài tập đơn giản, nhưng kết quả nó mang lại có ý
nghĩa rất lớn.
2. Nhìn những người xung quanh
Tiếp theo, bạn hãy hỏi
những người biết bạn rõ nhất, yêu cầu họ đánh giá điểm mạnh và điểm yếu lớn
nhất của bạn là gì. Yêu cầu họ cho biết họ ngưỡng mộ điểm gì ở bạn, và điểm gì
theo họ là bạn cần phải hoàn thiện thêm.
Chẳng bao lâu bạn sẽ
thấy những thông tin bạn thu thập được từ bài tập đánh giá bản thân và từ đóng
góp của những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ ràng định hướng hay mục
tiêu cuộc sống của mình là gì.
Nhiều CEO và chủ doanh
nghiệp nổi tiếng trong giới kinh doanh thế giới đều đặt niềm tin sâu sắc vào
khái niệm ngọn lửa xanh – mặc dù có thể họ dùng một từ khác để miêu tả.
James Champy, nhà tư
vấn nổi tiếng và đồng tác giả của quyển sách Tái lập công ty, tin
rằng thành công tùy thuộc nhiều nhất vào ước mơ. Trong quyển sách The
Arc of Ambition, Champy đã chỉ ra rằng năng lực của các nhà lãnh đạo thành
công như Ted Turner, Michael Dell, Jack Welch không quan trọng bằng việc họ có
định hướng mục tiêu rõ ràng, giúp họ tập trung trong tất cả các hành động của
mình.
Khi Champy hỏi Michael
Dell làm thế nào ông xác định được tham vọng xây dựng máy tính Dell, vị CEO bắt
đầu kể về chu kỳ kinh doanh và công nghệ. Sau đó ông dừng lại.
“Anh có biết tôi nghĩ
ước mơ thật sự đến từ đâu không?” ông nói. Ông bắt đầu kể về những ngày lái xe
đi học qua những khu ngoại ô của Houston và say mê trước những tòa
nhà công ty với cột cờ riêng của họ. Dell cũng muốn có một lá cờ riêng. Ông
muốn được thấy mình tồn tại. Đối với ông, đó là biểu hiện của sự thành công, và
nó đã khiến ông có ý định thành lập công ty ngay cả trước khi ổng đủ tuổi uống
bia. Ngày nay, ông đã có được ba cột cờ. Tôi đã từng nói chuyện với Dell nhiều
lần về chiến lược công ty, và thật bất ngờ là lần nào cũng như lần nào, ông đều
đề cập đến ước mơ này.
Tham vọng con người
cũng giống như những chú cá chép Nhật, chúng phát triển tùy theo môi trường.
Thành công của chúng ta cũng sẽ phát triển tùy theo độ lớn của ước mơ và mức độ
quyết tâm của chúng ta với mục tiêu của mình.
Tìm ra mục tiêu, liên
tục cập nhật, và theo dõi diễn tiến trình thực hiện, theo tôi, không quan trọng
bằng quá trình đấu tranh về mặt cảm xúc xem thật sự mình muốn làm gì trong cuộc
sống.
Điều này có nghĩa là
một kẻ mơ mộng hão huyền cũng có thể điều hành GE giỏi không kém gì Neutron
Jack? Dĩ nhiên là không rồi. Chuyển đổi từ giấc mơ thành sự thật đòi hỏi phải
lao động cực nhọc và tính kỉ luật cao.
“Welch sẽ không thích
thú gì nếu tôi nói: “Jack, ông chỉ là kẻ mơ mộng,” Champy nói. “Nhưng sự thật
là ông ấy là một kẻ mơ mộng có kỉ luật. Ông ấy có khả năng và sự nhạy cảm để
khám phá nhiều ngành công nghiệp khác nhau, tìm xem cơ hội đang nằm ở đâu”.
Những kẻ mơ mọng có kỉ
luật có một điểm chung: sứ mệnh. Sứ mệnh của họ thường mang tính rủi ro, không
giống ai, và không dễ gì đạt được. Nhưng chúng vẫn có thể đạt được. Kỉ luật
giúp họ đưa ước mơ thành sứ mệnh, đưa sứ mệnh thành thực tiễn, thật ra cũng chỉ
là quá trình thiết lập mục tiêu mà thôi.
Bước 2: Viết mục tiêu ra giấy
Chuyển sứ mệnh thành
thực tiễn không phải tự nhiên mà thành. Cũng giống như những bức tranh nghệ
thuật hay một hoạt động kinh doanh, nó phải được xây dựng từ nền móng đi lên.
Đầu tiên, ta phải mường tượng ra nó trong thực tế. Sau đó, ta tập hợp những kĩ
năng, công cụ, nguyên liệu cần thiết. Ta cần có thời gian. Ta cần phải suy
nghĩ, quyết tâm, kiên định, và có niềm tin.
Tôi sử dụng một loại
công cụ mà tôi đặt tên là Kế hoạch Hành động Xây dựng mối quan hệ (Relationship
Action Plan).
Bản kế hoạch này được
chia thành 3 phần tách biệt: Phần đầu để thiết lập mục tiêu giúp tôi hoàn thành
sứ mệnh của mình. Phần thứ hai dành để tìm mối liên hệ giữa các mục tiêu này
với những con người, địa điểm, công việc có thể giúp tôi thực hiện mục tiêu. Và
phần thứ ba xác định cách tốt nhất để tiếp cận những người giúp mình đạt được
mục tiêu.
Đây chỉ là một cái
khung sườn, khá thực tế, và có tính ứng dụng cực kỳ cao, đã được kiểm chứng qua
bản thân tôi, những nhân viên bán hàng cấp dưới của tôi, và nhiều bạn bè.
Trong phần đầu tiên,
tôi liệt kê tất cả những gì mình muốn đạt được trong ba năm sắp tới. Từ đó, tôi
xác định ngược thời gian trong vòng một năm, hay mỗi ba tháng, và đưa ra những
mục tiêu ngắn hạn, trung hạn để đi đến sứ mệnh cuối cùng. Trong mỗi khoảng thời
gian, tôi đưa ra một mục tiêu A và một mục tiêu B, có đóng góp trực tiếp vào
định hướng tương lai ba năm
của tôi.
Cô bạn thân Jamie của
tôi có một ví dụ lập kế hoạch cụ thể theo cách này. Jamie đang loay hoay tìm
định hướng cuộc đời mình. Cô ấy đã tốt nghiệp tiến sĩ lịch sử học tại Harvard,
và mong muốn trở thành một giáo sư. Tuy nhiên cô lại thấy đời sống học thuật
ngột ngạt quá. Cô cũng thử sức trong ngành kinh tế, nhưng lại không thấy công
việc có ý nghĩa. Jamie đã bỏ ra vài tháng liền sống tại Manhattan để
suy nghĩ xem mình thực sự muốn làm gì trong cuộc sống, và cô nhận ra rằng mình
chỉ muốn đi dạy trẻ con.
Tôi đề nghị Jamie thử
lập Kế hoạch Hành động Xây dựng mối quan hệ một lần xem sao. Ban đầu cô cũng tỏ
ra nghi ngờ. “Cái này có vẻ hợp với mấy người học MBA hơn, tôi không nghĩ nó có
thể áp dụng cho mấy người như tôi”, cô từ chối. Tuy nhiên, cuối cùng cô cũng
đồng ý thử.
Và thế là cô ngồi xuống
để điền vào bản kế hoạch. Mục tiêu “A” của cô là trong ba năm nữa sẽ trở thành
giáo viên. Mục tiêu “B” của cô là trở thành một giáo viên trong một khu vực nổi
tiếng, trong một quận cô muốn sinh sống. Sau đó cô điền chi tiết các mục tiêu A
và B trong ngắn hạn.
Trong chín mươi ngày, cô dự định
trở thành một giáo viên dạy phổ thông được cấp bằng chứng nhận bằng cách tham
gia vào những chương trình giúp những nhà chuyên môn chuyển tiếp sang lĩnh vục
giáo dục. Trong vòng một năm, cô muốn trở thành giáo viên thật sự; đồng thời cô
cũng liệt kê những trường trung học tốt nhất tại Manhattan mà cô cho
là mình muốn được tham gia giảng dạy tại đó.
Trong phần thứ hai của
Kế hoạch, cũng được chia thành những khoảng thời gian tương tự, cô đưa ra một
số tên người cho mỗi mục tiêu A hay B, những người mà theo cô có thể giúp cô
biến mục tiêu thành hiện thực.
Jamie làm một số thăm
dò và tìm ra một nơi chuyên giúp sắp xếp cho các nhà chuyên môn vào các vị trí
giảng dạy. Cô cũng tìm ra tên những người chuyên phụ trách tuyển dụng tại các
trường trung học mà cô mong muốn. Sau cùng, cô tìm ra số điện thoại liên lạc của
tổ chức chuyên cung cấp các khóa học nghiệp vụ sư phạm.
Trong vòng vài tuần lễ,
Jamie đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Cô bắt đầu nhận ra mối liên hệ
giữa việc đề ra mục tiêu và tìm người giúp ta đạt mục tiêu. Càng nhiều mục tiêu
được hoàn thành, mạng lưới mối quan hệ trong giảng dạy của cô càng được mở
rộng. Mối quan hệ càng được mở rộng càng giúp cô tiến gần hơn đến mục tiêu ba
năm của mình.
Trong giai đoạn thứ ba,
bạn sẽ biết cách đánh giá nên vận dụng chiến thuật nào cho phù hợp. Những chiến
thuật này sẽ được tôi giới thiệu trong những chương tiếp theo. Có một số người,
bạn phải làm mặt dày và nói chuyện trực tiếp với họ (chúng ta sẽ thảo luận
phương pháp sau). Có những người bạn có thể tiếp cận thông qua bạn bè; và cũng
có những người tốt nhất nên tiếp cận tại các cuộc hội thảo hay các bữa tiệc tối
giao lưu. Tôi sẽ chỉ bạn cách áp dụng tất cả những phương pháp này.
Jamie hiện nay là một
giáo viên dạy lịch sử có thâm niêm tại một trong những trường trung học tốt
nhất của Mỹ, tại Beverly Hills, California. Và điều quan trọng là cô ấy
rất yêu công việc của mình.
Quy trình này có thể
được áp dụng cho hầu như tất cả mọi người, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sau khi
điền xong bản kế hoạch, bạn đã có trong tay một sứ mệnh. Bạn cũng có danh sách
tên những người bằng xương bằng thịt có thể giúp bạn tiến gần hơn đến với sứ
mệnh của mình. Và bạn có một, hoặc nhiều cách để tiếp cận họ.
Mục đích của bài tập
này là chỉ cho bạn thấy rằng bạn có thể áp dụng một quy trình, hay một hệ
thống, để xây dựng mạng lưới. Đây không phải là điều gì mang tính ma thuật;
cũng không phải chỉ dành riêng cho những người được sinh ra với dòng máu thích
tiếp xúc sẵn trong người. Tạo mối quan hệ với mọi người chỉ đơn giản là lập một
kế hoạch và triển khai nó, cho dù bạn muốn trở thành một giáo viên lớp 9 hay mở
công ty riêng.
Ngoài ra bạn có thể áp
dụng phương pháp lập bảng kế hoạch này cho những khía cạnh khác trong đời sống,
ví dụ như mở rộng mạng lưới bạn bè, nâng cao trình độ học vấn, tìm bạn đời, hay
tìm người định hướng tinh thần.
Một khi bạn đã lập kế
hoạch, hãy treo nó tại những nơi nào bạn thường nhìn đến. Chia sẻ mục tiêu của
bạn với những người khác. Đây là phương pháp rất hữu hiệu, thậm chí có thể nói
là hiệu quả nhất nhờ có mục tiêu rõ ràng – bạn có thể tận dụng những cơ hội tiềm
ẩn trong mỗi con người nếu bạn nói cho người ta biết bạn muốn gì.
Hãy ngồi xuống và lập
cho mình một bản kế hoạch, trước khi bạn giở sang chương kế tiếp. Tôi thường
giữ nhiều phiên bản khác nhau trong chiếc điện thoại của mình để thường xuyên
nhắc nhở bản thân về những điều tôi cần phải đạt được, về những ai tôi cần tiếp
xúc. Cách đây vài năm, tôi cho ép plastic một bản và bỏ vào trong ví.
Nhưng nên nhớ kế hoạch
phải được viết ra trên giấy. Phải tin tưởng và viết dự định ra giấy. Một ước
muốn không được viết ra thì chỉ là một ước muốn. Khi được viết ra, ước muốn đó
sẽ trở thành một cam kết, một mục tiêu.