Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3) - Phần 10 - Chương 31 + 32 + 33
Phần
X
Chương
- 31 -
Piotr hoảng sợ cuống cuồng, nhảy
chồm dậy và chạy về phía trận địa pháo, dường như có thể đó là nơi trú ẩn duy
nhất chống lại tất cả những cảnh tượng kinh khủng đang vây quanh chàng.
Bước vào chiến hào, chàng nhận thấy
trong trận địa, chàng nhận thấy trong trận địa pháo không có tiếng súng, trái
lại người ta đang làm những gì gì ở đấy không rõ. Chàng không kịp suy nghĩ xem
những người này là ai, họ đang làm gì, chàng nhìn thấy viên đại tá chỉ huy quay
lưng về phía chàng, nằm vắt người qua chiến luỹ hình như đang nhìn một cái gì ở
phía dưới; chàng chỉ còn thấy một người lính đang giãy giụa để vung ra khỏi
những người đang giữ chặt cánh tay anh ta, miệng gào lên "Anh em ơi!"
và còn thấy những điều kỳ lạ khác nữa.
Nhưng chàng chưa kịp hiểu ra rằng
viên đại tá bị tử thương và người lính kêu "Anh em ơi?" đã bị bắt làm
tù binh, thì trước mắt chàng một người lính khác đã bị một mũi lê đâm suốt
lưng. Chàng vừa bước vào chiến hào, thì một người mặc quân phục màu lam gầy gò,
nước da vàng vọt, mặt ướt đẫm mồ hôi, tay lăm lăm thanh kiếm, chạy xổ về phía
chàng, miệng thốt lên một tiếng gì không rõ. Trong khi chạy lao vào nhau, hai
người văn không trông thấy nhau. Để khỏi bị va mạnh. Piotr bất giác giơ tay ra
nắm lấy người kia (đó là một sĩ quan Pháp), một tay nắm lấy vai, một tay chẹn
cổ hắn. Viên sĩ quan buông rơi thanh kiếm, túm lấy cổ áo Piotr.
Trong vài giây, hai người hoảng hốt
nhìn vào mặt nhau, và cả hai cùng ngơ ngác không biết mình đã làm gì và cần
phải làm gì.
Cả hai cùng nghĩ bụng: "Ta bắt
nó làm tù binh, hay nó bắt ta làm tù binh?". Nhưng hiển nhiên là viên sĩ
quan Pháp thiên về ý nghĩ thứ hai, bởi vì bàn tay lực lưỡng của Piotr trong khi
hoảng sợ đã bất giác bóp cổ hắn mỗi lúc một chặt. Người Pháp đang ú ớ toan nói
một câu gì thì bỗng một quả tạc đạn bay sát trên đầu họ, tiếng rít nghe rợn cả
người, và Piotr tưởng đầu viên sĩ quan Pháp đã bay mất, vì hắn cúi xuống nhanh
quá.
Piotr cũng cúi xuống và buông tay
ra. Không còn nghĩ đến chuyện ai bắt ai làm tù binh, người Pháp chạy lùi về
phía trận địa pháo, còn Piotr thì chạy xuống đồi, chân vấp phải những xác chết
và những người bị thương, và chàng có cảm giác như họ cứ bíu lấy chân mình.
Nhưng chàng không kịp chạy xuống chân đồi thì một đám lính Nga dày đặc đã xông
lên, vừa chạy, vừa ngã, vừa chen nhau, vừa hò hét, ồn ào vui vẻ lao về phía
trận địa pháo. (Đó là cuộc tấn công mà sau này Yermolov tự gán cho mình, nói
rằng phải dũng cảm và may mắn như ông ta thì mới có thể thực hiện được một
chiến công như thế, và trong cuộc tấn công này, nghe đâu ông ta đã tung lên đồi
từng vốc huân chương chữ thập George mà ông có sẵn trong túi, để thưởng công
quân sĩ).
Quân Pháp sau khi chiếm được trận
địa pháo lại bỏ chạy. Quân ta hô "Ura!" và đuổi theo quân Pháp, vượt
xa trận địa pháo đến nỗi phải khó khăn lắm mới giữ họ lại được.
Người ta đem tù binh từ trận địa
pháo xuống, trong số này có một viên tướng Pháp bị thương; các sĩ quan của ta
xúm xít quanh y.
Một đoàn thương binh gồm cả người
Nga lẫn người Pháp, trong đó có người Piotr biết mặt, có người không, mặt mày
biến dạng đi vì đau đớn đang từ trên trận địa pháo xuống: người thì lê đi,
người thì được khiêng trên cáng.
Piotr lại lên đồi, nơi chàng đã đứng
hơn một tiếng đồng hồ nhưng không tìm thấy người nào ở trong cái gia đình nhỏ
đã tiếp nhận chàng, ở đấy có nhiều người chết mà chàng không quen biết, nhưng
cũng có người mà chàng nhận ra, viên sĩ quan trẻ tuổi vẫn còn trong vũng máu
bên cạnh u đất, người vẫn gập lại như hồi nãy. Người lính mặt đỏ còn giãy giụa,
nhưng họ vẫn chưa khiêng anh ta đi.
Piotr chạy xuống đồi.
"Thôi! Bây giờ thì họ sẽ ngừng tay
lại, bây giờ họ sẽ kinh hãi trước việc họ đã làm?" Piotr nghĩ thầm trong
khi thẫn thờ nhìn theo những người khiêng cáng từ chiến trường về.
Nhưng mặt trời bị khói che mờ vẫn
còn cao, và ở phía trước, nhất là ở bên trái về phía làng Xemenovxkoye trong đám
khói vẫn còn có cái gì sôi sục; tiếng súng trường, tiếng đại bác không hề giảm
đi chút nào mà lại tăng lên đến mức điên cuồng, như một người đang thu hết tàn
lực để thét lên một tiếng kêu tuyệt vọng.
Phần
X
Chương
- 32 -
Cuộc chiến tranh chính trong trận
Borodino đang diễn ra trong khi đất hai dặm ở giữa Borodino và các công sự hình
mũi tên của Bagration (ở ngoài khu vực này, một bên là đạo kỵ binh của Uvarov
biểu dương lực lượng vào giữa trưa, và bên kia, đằng sau Utitxa thì xảy ra cuộc
giao chiến giữa Ponyatovxki và Tutikov nhưng đó chỉ là những trận chiến đấu lẻ
tẻ và yếu ớt so với trận diễn ra ở trung tâm chiến trường). Ở khu vực giữa
Borodino và các công sự hình mũi tên, cạnh ven rừng, trên một khoảng đất có thể
nhìn thấy từ cả hai phía, trận chiến đấu chính đã diễn ra một cách đơn giản và
bình dị.
Trong chiến đấu mở đầu bằng cuộc
pháo kích dữ dội của mấy trăm khẩu pháo bắn từ cả hai bên.
Sau đó, khi khói đã bao phủ khắp
chiến trường, trong đám khói này (về phía quân Pháp). Ở bên phải có hai sư đoàn
xe của Dexe và Compăng tiến về phía các công sự hình mũi tên, và ở bên trái thì
các trung đoàn của phó vương tiến về phía Borodino.
Cứ điểm Sevardino, nơi Napoléon
đứng, cách xa các công sự hình mũi tên đến một dặm và cách Borodino đến hơn hai
dặm theo đường thẳng, vì vậy Napoléon không thể thấy những sự việc đã diễn ra ở
đấy, đã thế khói lại hoà lẫn với sương mù che phủ khắp nơi này. Chỉ trông thấy
binh sĩ của sư đoàn Dexe đánh vào các công sự hình mũi tên khi họ chưa tiến vào
các khe núi ngăn cách họ với công sự ấy. Họ vừa vào khe núi thì những đám khói
súng trường và khói pháo ở trên các công sự hình mũi tên đã bắt đầu dày đặc đến
nỗi phủ kín cả dốc núi bên kia khe. Qua bức màn khói dày đặc chỉ thấy một cái
gì đen đen, chắc hẳn là một đám người, và đôi khi cũng thấy những ánh lưỡi lê
lấp loáng. Nhưng họ đang tiến lên hay đã dừng lại, đó là quân Pháp hay là quân
Nga thì từ cứ điểm Savardino không thể nào phân biệt được.
Mặt trời đã lên cao, và những tia
nắng rực rỡ chiếu chênh chếch vào mặt Napoléon khi ông ta giơ tay che mặt nhìn
các công sự hình mũi tên. Khói treo lơ lửng ở trước mặt các công sự này, khi
thì người ta có cảm giác như lớp khói đang bay đi, khi thì lại có cảm giác như
quân lính đang di chuyển. Thỉnh thoảng xen lẫn với tiếng súng lại có tiếng người
quát tháo, nhưng không thể nào biết sự tình ở đấy ra sao.
Napoléon đứng trên gò nhìn qua kính
viễn vọng. Trong cái vòng tròn nhỏ hẹp của ống kính, ông nhìn thấy lố nhố những
khói và người, lúc thì người Pháp, lúc thì người Nga; nhưng khi nhìn lại bằng
mắt trần thì ông không thể biết những điều vừa thấy xảy ra ở đâu.
Ông xuống chân gò và bắt đầu đi đi
lại lại trước gò. Chốc chốc ông lại dừng chân, lắng nghe súng nổ và đưa mắt
nhìn bãi chiến trường.
Nhưng không những ở chân gò là nơi
ông đứng, hay ở trên đỉnh gò là nơi đang có vài viên tướng của ông đứng, mà
ngay tại các công sự hình mũi tên, nơi mà quân Pháp và quân Nga, người thì
chết, người thì bị thương hay còn lành lặn, hốt hoảng điên cuồng đang đồng thời
chiếm lĩnh hay lần lượt chiếm lĩnh, người ta cũng không thể nào hiểu được sự
việc đang xảy ra. Suốt mấy giờ liền ở nơi này, giữa tiếng súng trường và tiếng
đại bác liên hồi, quân Pháp và quân Nga lần lượt xuất hiện, khi thì bộ binh,
khi thì pháo binh.
Họ xông lên, họ gục xuống, họ bắn
giết, không biết phải làm gì nhau, quát tháo và chạy lùi lại.
Từ chiến trường, những sĩ quan phụ
tá do Napoléon phái đi, những sĩ quan tuỳ tùng của các vị thống chế của ông
luôn luôn phi ngựa đến trước mặt Napôpêông để báo cáo về quá trình diễn biến
của trận đánh. Nhưng tất cả những báo cáo này đều không đúng sự thật: một phần
vì trong lúc chiến đấu kịch liệt không thể nào nói rõ việc gì đã xảy ra vào lúc
gỉây phút quyết định, một phần vì nhiều sĩ quan phụ tá không đến tận nơi đang
thực sự chiến đấu mà chỉ truyền đạt lại những điều họ nghe những người khác nói
lại và một phần nữa vì trong khi viên sĩ quan phụ tá đi đoạn đường hai ba dặm
đến chỗ Napoléon đứng thì tình hình đã thay đổi, và những tin tức mà họ mang
tới không còn xác thực nữa.
Chẳng hạn một sĩ quan phụ tá của phó
vương đến báo tin đã chiếm được làng Borodino và cái cầu trên sông Kolotsa đã
lọt vào tay quân Pháp. Viên sĩ quan hỏi Napoléon xem ông ta có ra lệnh cho quân
đội qua sông hay không. Napoléon ra lệnh bố trí bên kia sông và đợi lệnh mới.
Nhưng ngay lúc Napoléon ra lệnh này, hay đúng hơn là ngay lúc viên sĩ quan phụ
tá rời khỏi Borođino thì cái cầu đã bị quân Nga chiếm lại và đốt cháy trong
trận giao chiến mà Piotr đã chứng kiến lúc giao tranh mới bắt đầu. Một sĩ quan
phụ tá, mặt tái xanh, hoảng hốt phi ngựa từ các công sự hình mũi tên về báo với
Napoléon rằng cuộc tấn công đã bị đánh bật, Compăng đã bị thương và Davu đã tử
trận. Nhưng trong lúc đó thì các công sự này đã bị một đơn vị Pháp khác chiếm
ngay khi người ta nói với viên sĩ quan phụ tá rằng quân Pháp bị đánh lui, còn
Davu thì vẫn còn sống và chỉ bị bầm nhẹ. Căn cứ vào những báo cáo nhất định là
sai như vậy, Napoléon ra mệnh lệnh, nhưng những mệnh lệnh này đã được thực hiện
trước khi ông ta ban bố, hoặc không thể thực hiện được và không hề được thực
hiện.
Các thống chế và các tướng ở gần
chiến trường hơn, cũng như Napoléon, họ không tham dự vào trận đánh mà chỉ
thỉnh thoảng cưỡi ngựa đi dưới làn lửa đạn, và không hề hỏi ý kiến của
Napoléon, họ tự ý ra những mệnh lệnh cho biết phải bắn vào đâu và đứng ở đâu mà
bắn, kỵ binh và bộ binh phải chạy đến đâu.
Nhưng cũng như mệnh lệnh của
Napoléon, những mệnh lệnh của họ cũng rất ít khi được thực hiện, và có chăng
cũng chỉ trong phạm vi tối thiểu. Thường thường thì sự việc xảy ra trái với
mệnh lệnh của họ. Binh sĩ được lệnh tiến về phía trước và lại lùi trở lại vì
gặp phải đạn ria bắn ra như mưa, còn binh sĩ được lệnh dừng lại ở nguyên chỗ
cũ, thì đột nhiên thấy quân Nga hiện ra trước mặt liền chạy lùi lại hoặc xông
lên phía trước, còn kỵ binh thì đuổi theo quân Nga đang bỏ chạy mà không hề
được lệnh gì cả. Chẳng hạn hai trung đoàn kỵ binh được lệnh vượt qua khe núi
Xemenovxkoye vừa mới lên núi thì đã phải quay xuống và hối hả phi ngựa chạy về.
Bộ binh cũng di động như vậy: đôi khi họ chạy đến một nơi hoàn toàn không phải
nơi họ được lệnh đến. Tất cả những mệnh lệnh cho biết phải đưa các khẩu pháo đi
đâu và lúc nào, lúc nào bộ binh phải bắn, lúc nào kỵ binh phải đuổi theo bộ
binh Nga, tất cả những mệnh lệnh ấy đều do những viên chỉ huy trực tiếp của các
đơn vị ở trong hàng quân ban bố mà không hề hỏi ý kiến Ney, Davu, Mura chứ đừng
nói đến Napoléon nữa. Họ không sợ bị phạt mà không thực hiện mệnh lệnh trên hay
vì tự tiện ra mệnh lệnh, bởi vì trong một trận đánh, vấn đề được đặt ra, vấn đề
quan trọng nhất đối với con người, đó là tính mạng của bản thân họ; và đôi khi
người ta cảm thấy muốn sống thì phải chạy lùi, nhưng đôi khi người ta cảm thấy
cần chạy lên phía trước, và cứ tuỳ theo tình hình từng giây, từng phút mà những
con người này hành động một khi đã ở trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Thật
ra, tất cả những sự di động hay lùi, không hề cải thiện mà cũng không hề thay
đổi tình hình của các đạo quân.
Tất cả những cuộc tấn công và xung
phong vào hàng ngũ của Nga hầu như không hề gây nên thiệt hại gì cho họ so với
những thiệt hại, những tổn thất và thương vong do những viên đạn súng trường
bay khắp trận địa, nơi họ đang đi động. Những con người ấy vừa ra khỏi tầm tạc
đạn và đạn súng trường, thì các vị chỉ huy ở phía sau đã lập tức tập hợp lại,
chấn chỉnh kỷ luật, rồi dùng cái kỷ luật đó để đưa họ vào vòng lửa đạn, rồi khi
vào đến đấy, vì sợ chết, họ lại mất kỷ luật và chạy đi chạy lại loạn xạ tuỳ
theo tâm trạng nhất thời của đám đông.
Phần
X
Chương
- 33 -
Các tướng soái của Napoléon. - Davu,
Ney và Mura đang đứng gần hoả tuyến và đôi khi cũng đi vào hoả tuyến, - Đã mấy
lần đưa vào vòng lửa đạn này những đoàn quân đông đúc và hàng ngũ chỉnh tề.
Nhưng trái hẳn với điều xưa nay vẫn xảy ra trong những trận chiến đấu trước
đây, họ không nghe tin quân địch bỏ chạy; những đoàn quân chỉnh tề kia lại từ
nơi ấy quay trở về biến thành những đám người rối loạn, hốt hoảng. Họ lại chỉnh
đốn quân ngũ, nhưng số người này ngày càng vợi đi. Đến trưa, Mura phái viên sĩ
quan phụ tá của mình đến gặp Napoléon xin tăng viện.
- Xin tăng viện à? - Napoléon nói,
và ngạc nhiên mà nghiêm khắc, dường như không hiểu viên sĩ quan phụ tá muốn nói
gì, và đưa mắt nhìn viên sĩ quan măng sữa, xinh trai, có món tóc đen dài và
quăn theo kiểu Mura. "Tăng viện à? Napoléon nghĩ thầm. - Họ còn xin tăng
viện khi họ nắm trong tay một nửa quân đội để tấn công vào một cánh quân Nga
yếu ớt không có công sự hay sao!".
- Nhà ngươi bảo với quốc vương thành
Napoli. - Napoléon nói giọng nghiêm khắc. - rằng bây giờ chưa đến trưa và ta
chưa trông thấy rõ trên bàn cờ của ta. Thôi đi!
Viên sĩ quan măng sữa đẹp trai có bộ
tóc dài, tay không cất khỏi vành mũ, buông một tiếng thở dài não nuột quay về
nơi người ta đang giết nhau.
Napoléon đứng dậy gọi Colanhcur và
Bertie lại bắt đầu nói chuyện với họ về những việc không liên quan gì đến trận
đánh.
Giữa những câu chuyện, trong khi
Napoléon đã bắt đầu thấy hào hứng thì mắt của Bertie lại hướng về một viên
tướng đang cưỡi con ngựa ướt đẫm mồ hôi đang phi đến cùng với đoàn tuỳ tùng. Đó
là Belyar. Ông ta xuống ngựa bước nhanh đến trước mặt hoàng đế, cất tiếng nói
sang sảng bắt đầu trình bày nhất thiết phải tăng viện. Ông ta lấy danh dự mà
thề rằng quân Nga sẽ bị tiêu diệt nếu hoàng đế cho thêm một sư đoàn nữa.
Napoléon nhún vai không thèm đáp lấy
một câu nào và vẫn tiếp tục đi đi lại lại Belyar bắt đầu nói rất to và rất hăng
với những viên tướng của đoàn tuỳ tùng đang đứng quanh ông:
- Ông nóng nảy lắm ông Belyar ạ. -
Napoléon lại gần viên tướng nói. - Đang chiến đấu hăng thì dễ sai lắm. Ông hãy
đi xem tình hình nữa rồi lại đây bảo với tôi.
Belyar chưa đi xa được bao nhiêu thì
ở đầu kia lại có một người khác được phái từ chiến trường về.
- Sao? Có việc gì đấy? - Napoléon
nói với cái giọng của một người bực mình vì luôn luôn bị quấy rầy.
- Tâu bệ hạ, công tước… - viên sĩ
quan phụ tá mở đầu,
- Xin tăng viện phải không? -
Napoléon ngắt lời với một cử chỉ giận giữ.
Viên sĩ quan cúi đầu tỏ ý khẳng định
và bắt đầu trình bày; nhưng hoàng đế lại quay mặt đi bước hai bước rồi dừng
chân, quay lại gọi Bertie đến.
- Phải đưa quân dự bị ra. - Napoléon
nói, hai tay hơi đang ra. - Theo ông thì nên phái ai đến đây?
Ông hỏi Bertie, con ngỗng con mà ta
đã biến thành phượng hoàng như sau này ông gọi Bertie.
- Tâu bệ hạ, phái sư đoàn Capared, -
Bernie nói; ông vốn nhớ thuộc lòng tất cả các sư đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn.
Napoléon gật đầu tán thành. Viên sĩ
quan phụ tá phi ngựa đến sư đoàn Clapared. Và vài phút sau, đoàn quân cận vệ
trẻ tuổi đứng sau đổi rời khỏi vị trí. Napoléon im lặng nhìn về hướng ấy.
- Không được. - Ông ta bỗng nói với
Bertie. - Ta không thể phái Capared được. Hãy phái sư đoàn Friăng.
Mặc đù không có lấy một lý do nào
khiến cho ông ta chọn sư đoàn Friăng thay sư đoàn Capared, và lúc bấy giờ bảo
Capared dừng lại và phái Friăng đi thì hiển nhiên là bất tiện và tốn thì giờ,
nhưng mệnh lệnh thì vẫn phải được thi hành một cách nghiêm túc.
Napoléon không thấy rằng đối với
những đạo quân của mình, ông đóng vai trò một vị bác sĩ mà những phương thuốc
chỉ làm cho bệnh thêm nặng, một vai trò mà ông hiểu rõ và biết phê phán một
cách đúng đắn ở người khác. Sư đoàn Friăng cũng như những sư đoàn khác đã đi
khuất vào trong đám khói của bãi chiến trường. Từ nhiều nơi khác nhau, các sĩ
quan phụ tá vẫn tiếp tục chạy đến, và dường như họ đã thông đồng với nhau từ
trước, ai nấy đều chỉ nói có một chuyện. Họ đều yêu cầu tăng viện, nói rằng
quân Nga vẫn giữ vững trận địa và một hoả lực khủng khiếp đang làm cho quân
Pháp tan rã.
Napoléon ngồi tư lự trên ghế xếp.
Ông De Boxe, con người thích du
lịch, nhịn đói từ sáng đến giờ, lại gần hoàng đế và đánh bạo kính cẩn đề nghị
bệ hạ dùng bữa sáng.
- Tôi hy vọng rằng ngay từ bây giờ
tôi đã có thể có lời mừng bệ hạ thắng lợi. - Ông ta nói.
Napoléon im lặng lắc đầu. Ông De
Boxe cho rằng cái lắc đầu này có liên quan đến thắng lợi chứ không phải đến bữa
ăn sáng, bèn đánh bạo dùng giọng vừa tươi tỉnh vừa kính cẩn lưu ý hoàng đế rằng
trên đời không có gì có thể ngăn cản người ta ăn sáng khi có thể ăn được.
- Thôi ông… - Napoléon gật đầu, rồi
quay mặt đi. Một nụ cười nghệch tỏ vẻ hối tiếc, ân hận và phấn chấn hiện lên
gương mặt De Boxe và ông bước rón rén lẻn ra chỗ các tướng khác đứng.
Napoléon có một cảm giác bực dọc như
một người đánh bạc may mắn xưa nay vẫn quen vung tiền vong mạng, nhưng chưa bao
giờ cũng được, thế rồi đột nhiên, chính khi anh ta đã trù tính tất cả những
trường hợp may rủi của canh bạc, thì lại cảm thấy mình càng suy nghĩ về nước đi
lại càng thua một cách chắc chắn.
Các đạo quân vẫn là những đạo quân
ngày trước, các vị tướng vẫn là các vị tướng ấy, cách chuẩn bị mệnh lệnh tác
chiến vẫn thế, cũng vẫn lời tuyên cáo ngắn gọn và cương quyết ấy, và bản thân
ông cũng chẳng khác gì trước. Ông thừa biết điều đó, hơn nữa ông còn biết rằng
ngày nay ông còn giàu kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trước, trái lại quân địch
thì vẫn là quân địch ngày xưa ở Austerlix và Fridland. Nhưng nay có một mã lực
gì khiến cánh tay đáng sợ của ông buông thõng xuống một cách bất lực.
Cũng vẫn những biện pháp xưa kia bao
giờ cũng làm cho ông giành được thắng lợi. Cũng vấn tập trung hoả lực pháo binh
vào một điểm duy nhất, cũng dùng quân đội hậu bị tấn công để chọc thủng trận
tuyến, dùng đoàn kỵ binh của những con người sắt để xung phong, tất cả những
biện pháp này đã dùng hết rồi, mà vẫn không thu được thắng lợi; đã thấy đâu đâu
cũng chỉ thấy dồn dập đưa tới những tin tức như nhau: nào là những viên tướng
bị thương hay bị tử trận, nào là cần tăng viện, nào là quân Nga không chịu
núng; nào là quân ta hỗn loạn.
Trước đây chỉ cần ra vài lệnh, nói
dăm ba câu, thế là thấy các thống chế và các sĩ quan phụ tá mặt mày hớn hở phi
ngựa về chúc mừng thắng trận, tấu trình danh sách chiến lợi phẩm: nào là những
lữ đoàn địch bị bắt làm tù binh, nào là những bó quân kỳ và quốc huy phượng
hoàng của địch, nào là những khẩu pháo, những xe vận tải. - và Mura chỉ còn
việc xin phép cho kỵ binh xuống ra vét gọn các đoàn vận tải ở Lodi, ở Marengo,
ở Arcole, ở Jena, ở Austerlix, ở Vagram vân vân, vân vân, trước đây đều như
vậy. Nhưng bây giờ quân đội của ông đã gặp phải một cái gì quái lạ.
Mặc dù đã có tin chiếm được các công
sự hình mũi tên, Napoléon vẫn thấy đây không phải, hoàn toàn không phải như
trong tất cả những trận đánh trước kia của mình. Ông thấy rằng cảm xúc của ông,
cũng là cảm xúc của mọi người xung quanh ông, những con người giàu kinh nghiệm
chiến đấu. Gương mặt các tướng tá đều rầu rĩ. Mắt họ đều lẩn trốn không muốn
nhìn nhau. Chỉ có Boxe mới không hiểu nổi tầm quan trọng của việc đang xảy ra.
Còn Napoléon, với kinh nghiệm của một người đã chinh chiến lâu năm, thừa hiểu
một trận đánh mà sau tám giờ chiến đấu liên tiếp, sau khi đã nỗ lực đủ cách như
vậy mà kẻ tấn công vẫn không giành được thắng lợi, là một trận đánh như thế
nào. Ông biết rằng như vậy tức là đã thất trận, và bây giờ chỉ cần một điều
ngẫu nhiên hết sức nhỏ nhặt trong cái tình trạng căng thẳng bất phân thắng bại
này là đủ làm cho ông tiêu vong.
Khi ông hồi tưởng lại tất cả cái
chiến dịch Nga quái lạ này, trong đó ông không thắng được lấy một trận, trong
đó suốt hai tháng ròng không cướp lấy được một lá cờ, một khẩu pháo, không bắt
được một lữ đoàn, khi ông đưa mắt nhìn gương mặt đượm vẻ buồn rầu kín đáo của
những người xung quanh, nghe những báo cáo nói rằng quân Nga vẫn giữ vững, một
cảm giác ghê sợ trào vào lòng ông ta, giống như cái cảm giác thường cỏ trong
một cơn ác mộng, rồi ông chợt nghĩ đến tất cả những trường hợp rủi ro có thể
giết chết mình. Quân Nga có thể tấn công vào cánh trái, có thể chọc sâu vào
trung tâm quân Pháp một viên đạn lạc có thể giết chết bản thân ông nữa. Tất cả
những điều đó có thể xảy ra. Trong những trận đánh trước đây, ông chỉ toàn nghĩ
đến những trường hợp may mắn, nhưng bây giờ thì vô số trường hợp rủi ro hiện ra
trong óc ông, và ông sẵn sàng đón lấy tất cả. Phải rồi, hệt như trong một giấc
mơ: người ta thấy một tên gian phi đánh mình, người ta giơ tay lên tống cho nó
một quả thật mạnh, tưởng thế nào nó cũng ngã gục; nhưng bỗng nhiên người ta cảm
thấy cánh tay mình rơi phịch xuống, bất lực mềm nhũn như một mảnh giẻ và nỗi
kinh hoàng trước cái chết không sao tránh khỏi bao trùm lấy con người bất lực.
Tin tức báo rằng quân Nga tấn công
vào cánh trái của quân Pháp đã gây nên trong lòng Napoléon một cảm giác kinh
hoàng như vậy. Ông ngồi trên cái ghế xếp ở dưới chân gò, im lặng cúi đầu, chống
khuỷu tay lên đầu gối, Bertie đến cạnh đề nghị ông đi quan sát trận tuyến để
thấy rõ tình hình.
- Cái gì? Ông nói gì? - Napoléon
hỏi. - Phải, ông bảo đưa ngựa lại cho ta.
Ông lên ngựa đến Xemenovxkoye.
Trong đám khói súng đang dần dần tản
ra trên khắp khu vực Napoléon đi qua, người và ngựa nằm ngổn ngang trong những
vũng máu, chỗ thì rải rác, chỗ thì chất thành từng đống. Napoléon và các tướng
chưa bao giờ thấy một cảnh tượng khiếp đảm như vậy, chưa bao giờ thấy nhiều xác
chết trong một khu vực nhỏ như vậy.
Tiếng pháo gầm không ngớt suốt mười
tiếng đồng hồ làm nhức cả tai, khiến cho quang cảnh thêm một ý nghĩa đặc biệt,
như âm nhạc trong hoạt cánh.
Napoléon lên đến cao điểm
Xemenovxkoye và qua đám khói.
Ông nhìn thấy những hàng quân mà mắt
ông quen nhìn màu quân phục. Đó là quân Nga.
Quân Nga đứng thành hàng ngũ dày dặc
sau làng Xemenovxkoye và sau ngọn đồi. Súng của quân Nga vẫn gầm lên không ngớt
và khói bốc lên che kín cả chiến tuyến của họ. Đây không còn một cuộc giao
chiến nữa. Đây là một cuộc tàn sát kéo dài không thể đem lại một cái gì cho
quân Nga hay cho quân Pháp.
Napoléon dừng ngựa và trở về với tâm
trạng đăm chiêu mà Bertie vừa kéo ông ra khỏi. Ông không sao ngăn được những
việc đang diễn ra trước mắt ông và xung quanh ông, mặc dầu những việc ấy được
coi như từ do ông chỉ huy và lệ thuộc vào ông, và lần đầu tiên, vì thất bại,
ông đã thấy nó cô ích và khủng khiếp.
Một viên tướng cưỡi ngựa đến gần
Napoléon, đánh bạo đề nghị ông tung đội cấm vệ lão thành nhập trận. Nghe lời đề
nghị ngu xuẩn của viên tướng kia, Ney và Bertie đứng sau Napoléon đưa mắt nhìn
nhau, mỉm cười khinh bỉ.
Napoléon cúi đầu, im lặng hồi lâu
rồi nói:
- Cách xa nước Pháp tám trăm dặm, ta
không để cho đạo vệ binh của ta bị huỷ diệt đâu!
Nói đoạn, ông quay ngựa về
Sevardino.