Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 05 - 06 - 07 - 08

Năm

Lẽ ra tôi
phải thi môn Thủ tục Dân sự vào đầu tháng Năm - tôi đủ tiêu chuẩn để tham gia
đợt thi sớm. Nhưng mấy tuần trước tôi hầu như không buồn mở sách. Ngày thi tôi
đến trường như một kẻ mộng du, điền vào danh sách dự thi và chờ đến lượt mình.
Khi người ta gọi đến thí sinh ngay trước tôi, theo vần chữ cái, tôi đứng dậy bỏ
đi.

Chuyện
như thế trước đây chưa từng xảy ra. Sổ điểm của tôi chỉ toàn ba mươi và tôi
chưa bỏ thi bao giờ.

Cho đến
buổi sáng tháng Năm ấy.

Khi ra
khỏi trường tôi cảm thấy hơi choáng. Tôi lang thang một lúc mà không nhận thức
hết điều gì vừa mới xảy ra, nhưng vẫn mơ hồ nhận ra một thảm họa đang kề cận.

Rồi tôi
tự nhủ, ơ hay, chuyện này cũng có thể xảy ra mà. Tôi bỏ đi là đúng rồi vì quả
là mấy tuần vừa rồi tôi hơi mất tập trung và mới chỉ học quá ít. Tôi đã tránh
tạo ra ấn tượng xấu, nhỡ đâu lại bị ghi lại lần thi trượt rồi ảnh hưởng đến
điểm trung bình chung, vân vân.

Bây giờ
tôi sẽ nghỉ ngơi một hai ngày, rồi sẽ học lại. Tháng Sáu, cùng lắm là tháng Bảy
tôi sẽ thi cái môn Thủ tục Dân sự này. Tôi sẽ tốt nghiệp vào tháng Chạp thay vì
ngay trong hè. Dù sao thì vẫn luôn trước các bạn cùng khóa. Chậm một chút cũng
không chết ai; tính cho đến lúc ấy thì tôi đã tiến nhanh đến phát khiếp. Ai có
thể phàn nàn được chứ.

Những suy
nghĩ ấy an ủi tôi đôi chút và tôi lại thấy phấn khởi khi đi bộ về nhà, hài lòng
vì cái thói quen không bao giờ thông báo trước với bố mẹ về các kỳ thi, và vì
thế hôm đó tôi không phải bịa ra chuyện gì.

Tôi nghỉ
ngơi hai ngày.

Rồi lại
nghỉ thêm mấy ngày nữa, vì vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng để học lại. Rồi lại thêm
những ngày khác nữa, vì tôi đi chơi nhiều quá và về quá muộn, ban ngày lại phải
ngủ bù.

Rồi sau
đó thì đơn giản là tôi không nghĩ nữa.

Với cả từ
vài tuần nay, tôi bắt đầu học một môn khác.

Sáu

Một buổi
tối trong lúc cả hai đang ngồi yên trên xe hút thuốc và chuyện phiếm, tôi hỏi
Francesco sao cậu không dạy tôi vài trò của cậu. Tôi cũng chỉ nói thế thôi,
giống như nói những điều rồi sau đấy chẳng đi đến đâu. Tất nhiên là cái ý tưởng
làm trò được với mấy quân bài như Francesco cũng hấp dẫn tôi, nhưng tôi cũng
chỉ đề nghị thế chứ không nghiêm túc gì.

Nhưng
Francesco thì lại đón nhận câu nói rất nghiêm túc.

“Cậu có
chắc là muốn học không?” Cậu ấy khiến tôi bật ngửa. Lúc nào cậu ấy cũng làm
những việc ngược hẳn lại cái người ta chờ đợi như thế. Tôi nói cái gì nghiêm
túc thì cậu ấy coi là chuyện vớ vẩn, làm tôi lúng túng và nghĩ đúng thật,
chuyện thật ra cũng không nghiêm túc đến mức ấy. Có lẽ thế.

Hoặc một
chuyện gì đó bạn nói để gây cười, một câu đùa hay gì đấy, nhưng cậu ấy không
cười và nhìn bạn với vẻ ngỡ ngàng, gần như là tự ái; trong im lặng. Hoặc giả
cậu ấy sẽ bảo bạn rằng đấy là chuyện nghiêm túc, không có cái
gì để cười hay đùa cả. Và thế là bạn lại thấy ngượng hoặc không thoải mái; và
bạn nghĩ có lẽ cậu ấy có lý, chắc là bạn lại nhầm lẫn gì đây.

Francesco
có khả năng tạo ra những phán quyết nhanh chóng và không thể tranh cãi, mà luôn
đi kèm một vẻ coi thường với kẻ nào không đồng ý.

Tất cả
những điều ấy sau này tôi mới hiểu. Hồi đó tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng cậu ấy
hiểu chuyện đời hơn tôi, biết rõ hơn cần phải cư xử thế nào trong những tình
huống khác nhau.

“Sai
khiến các con bài, cũng giống như sai khiến mọi thứ nói chung, thật ra không
chỉ đơn giản là vấn đề nhanh tay nhanh mắt. Kỹ năng thực thụ của một nhà ảo
thuật chính là khả năng gây ảnh hưởng lên tâm trí. Biểu diễn thành công một trò
ảo thuật đồng nghĩa với việc dựng lên một thực tế. Một thực tế
khác trong đó chính cậu là người thiết lập luật chơi. Cậu theo được ý tớ nói
không đấy?”

“Tớ nghĩ
là có. Theo cách tớ hiểu...” Cậu ngắt lời tôi. Thật ra thì cậu không quan tâm
tôi trả lời thế nào. Rõ ràng là thế.

“Nếu ai
đó bảo cậu đời không phải là một chuỗi liên tiếp các sự sắp đặt thì hắn hoặc
nói dối hoặc là một thằng ngu. Sự khác biệt thật sự không phải là sắp đặt hay
không sắp đặt, mà là giữa sắp đặt một cách có ý thức và sắp đặt vô thức. Cậu
thử tưởng tượng một tay mới cưới vợ, một tối về nhà bảo vợ là hắn ta được mời
đi họp lớp với bạn cũ, hoặc là được rủ chơi một ván poker be bé cũng được, nếu
cậu vẫn muốn bám lấy chủ đề bài bạc này. Hắn ta đi vợ có buồn không? Cô vợ sau
một lúc phân vân sẽ bảo, Không, nếu hắn muốn đi thì cứ đi, nhưng nét mặt thì
nói lên điều ngược lại. Nếu em không thích thì anh sẽ ở nhà, hắn bảo. Không,
không, anh cứ đi đi, cô ta nhắc lại thành lời. Còn gương mặt thì lại bảo: rõ
ràng nếu muốn đi một mình nghĩa là anh chẳng quan tâm gì đến tôi. Thế là hắn ta
lúng túng vì nhận được hai thông điệp trái ngược nhau, và trở nên căng thẳng.
Hắn khăng khăng là không cần, hắn ta có thể ở nhà, còn cô vợ khăng khăng, bằng
lời, là hắn ta đi được. Cuối cùng thì hắn ta quyết định sẽ
không đi, vì cảm thấy có lỗi. Hắn không thể đổ tội cho cô vợ cấm hắn đi vì rõ
ràng cô ta bảo là hắn đi được. Điều ấy làm hắn khó chịu. Cô ta đã sai khiến hắn
như thế nhưng cả hai đều không ý thức được.”

Tôi nhìn
cậu, cậu ấy muốn đi đến đâu nhỉ?

“Các trò
ảo thuật - hoặc trò bạc bịp - chỉ là một ẩn dụ của đời thường, của quan hệ giữa
người với người. Có những người nói và làm cùng một lúc. Điều họ thực sự làm
nằm ẩn sau ngôn từ, đặc biệt là sau cử chỉ của họ. Và nó khác với bề nổi. Chỉ
có họ mới ý thức được và điều khiển cái chu trình ấy. Bản chất của sự việc, tức
sự thật, hầu như bao giờ cũng khác với điều người ta vẫn thường
tiếp nhận. Sự việc thực chất xảy ra ở những nơi, những lúc khác với những nơi
những lúc chúng ta vốn tin, vốn chờ đợi, vốn hiểu. Ý định thật thường khác với
những điều nói ra. Ví dụ nhé: thử nghiên cứu về những động cơ thực thúc đẩy ai
đó làm những điều mà chúng ta vẫn hay gọi là việc tốt xem. Cậu sẽ không thích
thú gì điều cậu phát hiện ra đâu. Sự thật vốn khó chấp nhận và chỉ dành cho số
ít.”

Tôi cố
gắng chen lời vào, nhưng không thể. Cậu ấy phải diễn tả trọn vẹn ý tưởng của
mình, mà giờ cậu ấy mới chỉ vừa đề cập đến phần cậu ấy quan tâm nhất.

“Cậu xem
thử ví dụ khi chơi poker nhé. Ai ai ngồi vào bàn chơi cũng là vì muốn làm hại
người khác. Xấu tính là một yêu cầu không thể thiếu. Một tay chơi tầm thường
ngồi vào bàn hy vọng rằng vận may mỉm cười với hắn và quay lưng lại với kẻ
khác. Cứ thử tưởng tượng trước ván bài tay chơi tầm thường này gặp một người -
một thiên thần hoặc một ác quỷ - nói với hắn ván ấy sẽ cho hắn thắng một số
tiền lớn nhưng hắn sẽ phải chia lại nửa số tiền thắng được. Tay chơi của chúng
ta hỏi làm sao được vậy và thế là nhận được lời khuyên đừng lo gì cả. Hắn chỉ
phải quyết định: có hay không. Nếu có, hắn phải chia đôi nửa số tiền thắng ván
ấy. Thế thôi.”

“Cậu nghĩ
tay chơi trong giả thuyết của chúng ta sẽ làm gì? Cậu nghĩ hắn ta có từ chối vì
nghĩ rằng biết trước mình thắng là vi phạm quy tắc chơi poker? Cậu nghĩ có ai
từ chối một đề nghị như thế không?”

Tôi cầm
lấy bao thuốc châm một điếu. Sau hơi đầu tiên Francesco lột điếu thuốc từ môi
tôi rồi giữ lại cho mình. Thế là tôi châm một điếu khác trong khi cậu ấy tiếp
tục.

“Hắn chấp
nhận, tay chơi của chúng ta ấy. Và hắn thích thú ngồi bên chiếu bạc biết chắc
số phận ván bài nằm trong tay hắn và hắn thưởng thức từng giây phút của ván bài
ấy. Điều duy nhất làm hắn khó chịu là phải chia đôi chỗ tiền kia, vào cuối ván
bài.”

“Hoặc hãy
nghĩ đến một ván giữa các tay chuyên chơi vào Chủ nhật với một tay cờ bạc
chuyên nghiệp. Ý tớ không phải một tay bạc bịp. Một tay poker chuyên nghiệp
thực sự. Cậu nghĩ bọn tay mơ kia có được bao nhiêu khả năng thắng một tay
chuyên nghiệp? Cậu nghĩ bọn họ có nhiều cơ may hơn khi chơi với bọn mình sao?
Không, bọn họ chỉ có cùng một con số không. Cách thức thì khác nhau nhưng kết
quả thì thế cả. May mắn không liên quan gì hết.”

Đôi mắt
xanh lá cây của Francesco rực lên trong bóng tối của chiếc xe. Điếu thuốc đã
cháy đến gần ngón tay cậu. Cửa sổ xe đã hạ xuống, không gian yên tĩnh, sự im
lặng chỉ thỉnh thoảng bị khuấy lên bởi tiếng ống bô của một chiếc xe máy đi
ngang qua.

“Trước
khi chúng mình kết bè, cậu chơi poker theo cách bình thường. Cậu có nhớ cái cảm
giác khi có lợi thế trong một ván bài to không? Cảm giác ấy có khác với bây giờ
khi cậu có lợi thế không, kể cả khi cậu đã biết rõ cái thứ gọi là may mắn ấy
không liên quan nữa?”

Cậu ấy có
lý. Cậu ấy có lý một cách đáng nguyền rủa.

“Con
người ta chi phối và bị chi phối, lừa và bị lừa liên tục, mặc dù không nhận ra
điều đó. Hại kẻ khác hoặc bị kẻ khác hại mà không biết. Người ta từ
chối
không muốn biết vì không chịu nổi điều đó. Trò ảo thuật là một
trò trung thực vì ngay từ đầu mọi người đã rõ sự thật khác với cái điều người
ta thấy. Và theo một cách nào đó, trong một khuôn khổ chung, thì chơi bạc bịp
cũng thế. Ý tớ là: quyền điều khiển tình huống được phân định và nằm trong tay
chúng ta. Tớ biết là cậu hiểu được chuyện này. Vì thế mà tớ chọn cậu. Với người
khác thì tớ sẽ không nói những chuyện thế này. Trong việc này, chúng ta thách
thức cái xấu xa tàn nhẫn và thắng nó. Cậu hiểu không? Hiểu không? Chúng ta vi
phạm luật chơi tầm thường và tự chọn một con đường riêng cho số phận. Tớ và
cậu.”

Francesco
đột ngột dừng lời, sau khi nói những từ cuối cùng với giọng cao khác thường.
Giờ thì cậu có vẻ như kiệt sức. Cậu lấy bao thuốc từ tay tôi châm một điếu
khác. Điếu trước vừa bị dập tắt xong. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều đang hút
quá nhiều và cảm thấy vị hoi hoi trong miệng. Trong vài giây tôi thấy chóng mặt
còn óc tôi lặp đi lặp lại: “Chỉ là một đống những điều vớ vẩn. Chỉ là một đống
những điều vớ vẩn.” Một hiệu ứng kỳ quặc vì tôi nhìn thấy câu ấy thực sự như
thể nó được viết trên một tờ giấy trắng; đồng thời nó vang lên như có ai đang
đọc to trong đầu tôi; và tôi cảm nhận nó như một thực thể vật chất đậm đặc.

Nhưng tôi
không nói gì, và câu đó biến đi khi Francesco tiếp tục nói sau khi rít lấy rít
để hết nửa điếu thuốc.

“Tớ sẽ
dạy cậu. Cậu là người duy nhất tớ có thể dạy mà biết cậu sẽ hiểu điều tớ làm,
thật đấy.”

Tôi gật
đầu, rồi Francesco bảo tôi đưa cậu về nhà. Cậu ấy mệt quá.

Tôi nổ
máy và bật băng cát xét. Chiếc BMW lướt đi trên con đường chỉ được chiếu sáng
lờ mờ, tựa như được làm bằng thủy ngân.

Trong xe
vang lên nho nhỏ giọng Leonard Cohen thời còn trẻ hát bài Marianne.
Giờ thì Francesco lặng thinh. Cậu ấy nhìn thẳng phía trước, và đang ở tận đâu
đâu.

Đột nhiên
tôi cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Băng giá. Tôi nhớ đến một chuyện gì đó từ hồi
còn nhỏ, nhưng đó chỉ là một ký ức mờ ảo, trôi tuột đi trước khi tôi kịp nắm
bắt. Giống như một giấc mơ, kiểu ta hay mơ lúc rạng đông, khi nửa ngủ nửa thức.

Một giấc
mơ buồn.

Bảy

Hai hôm
sau Francesco gọi bảo là chúng tôi sẽ gặp nhau lúc ba giờ chiều. Để bắt đầu.

Tôi chưa
đến nhà cậu ấy bao giờ, cũng chưa từng tưởng tượng nó thế nào.

Căn hộ ấy
tối tăm và u ám. Mùi lưu cữu, tù túng. Nội thất cũ kỹ, nhưng không phải loại
sang. Không phải đồ cổ; chỉ là cũ kỹ thôi.

Căn nhà
gọn gàng, nhưng là một kiểu gọn gàng quái gở. Có cái gì đấy không bình thường
nấp dưới bề mặt, một cái gì đấy thật sự không bình thường.

Tôi biết
Francesco sống một mình cùng mẹ, nhưng chỉ đến chiều hôm ấy tôi mới biết bà đã
già. Với khuôn mặt khô khan, khó chịu và đầy hằn thù.

Francesco
đưa tôi vào phòng cậu ấy và đóng cửa. Căn phòng khá lớn. Trong đấy cái mùi lưu
cữu lan khắp phía ngoài căn hộ có đỡ hơn. Một cái bàn học trẻ con, đầy sách;
sách trên giá, sách dưới đất và cả vài quyển trên giường. Một thùng các tông
lớn đựng đầy các cuốn truyện tranh Tex Willer và Người nhện. Những bức tường
trần trụi. Chỉ có một bức áp phích cũ, gương mặt của Jim Morrison đang nhìn về
một điểm bất định. Số phận đã được định đoạt, tất thảy, trong cái nhìn ấy.

Francesco
không nói gì, cũng không nhìn tôi. Cậu mở một ngăn kéo, lấy ra một bộ bài Pháp,
thu dọn vài quyển sách rải rác để có chỗ trên mặt bàn, chỉ cho tôi một cái ghế
và ngồi sang một cái ghế khác. Chỉ đến lúc ấy cậu mới nhìn về phía tôi. Rồi cứ
yên như thế khá lâu, với cái vẻ rất lạ như thể không biết phải làm gì. Lần đầu
tiên kể từ khi tôi biết Francesco, cậu ấy có vẻ yếu đuối. Vào giây phút ấy tôi
cảm thấy dâng lên trong mình tình cảm dịu dàng với cậu.

Cuối cùng
cậu ấy đặt cỗ bài lên bàn.

“Bố tớ bỏ
nhà đi khi tớ mười ba tuổi. Ông ấy trẻ hơn mẹ và bỏ đi với một phụ nữ trẻ hơn
ông ấy. Trẻ hơn rất rất nhiều. Tớ biết, một chuyện khá thường. Hai năm sau ông
ấy bị tai nạn giao thông cùng với cô ta. Cả hai đều chết.”

Cậu đột
ngột ngừng lời, đi ra mở cửa sổ. Cậu lấy cái gạt tàn từ một ngăn kéo, ngồi
xuống rồi châm điếu thuốc.

“Tớ chưa
bao giờ tha thứ cho ông ấy. Ý tớ không chỉ là chuyện ông ấy đã bỏ đi. Tớ không
tha thứ chuyện ông ấy chết đi mà không để cho tớ có bất kỳ cơ hội nào bắt ông
ấy phải trả giá vì chuyện đã ra đi, bỏ tớ lại một mình. Khi ông ấy chết tớ có
một cảm giác rất lạ, rất tệ. Tớ cảm thấy một nỗi đau khủng khiếp, cùng lúc với
một cơn cuồng nộ. Tớ đã bỏ lỡ cơ hội. Chết tiệt, tớ đã bỏ lỡ cơ hội. Tớ không
nghĩ rõ rệt từng từ như thế, nhưng ý là vậy. Tớ đã tưởng tượng không biết bao
nhiêu lần cảnh sẽ gặp lại ông ấy khi lớn. Tớ người lớn, thành đạt, còn ông ấy
đã già và có lẽ muốn cứu vãn lại quan hệ với đứa con mình đã bỏ rơi nhiều năm
trước. Giờ thì dễ quá nhỉ, tớ sẽ bảo thế. Bỏ tôi một mình khi mà tôi cần ông
thì dễ quá. Chết đi như thế cũng dễ quá, chết mà chưa trả nợ.”

Hai tay
cậu cày lên mặt, dữ tợn trượt lên trượt xuống như muốn tự làm đau mình.

“Chó
chết, tớ đã yêu ông ta, đồ khốn khiếp đó. Tớ cảm thấy cô đơn khủng khiếp khi
ông ta bỏ đi. Chó chết. Từ ấy trở đi lúc nào tớ cũng thấy cô độc.”

Cậu dừng
lời, đột ngột như khi bắt đầu. Rồi cầm lại bộ bài, làm hai ba động tác cực
nhanh với chỉ một bàn tay rồi bảo bọn tôi có thể bắt đầu.

Giọng cậu
quay trở lại cái giọng mà tôi biết. Gương mặt cũng thế.

Cậu rút
con Q cơ và hai con mười đen, bích và nhép, từ cỗ bài.

“Cậu biết
kiểu chơi ba cây chứ?”

Tôi biết,
ý tôi là tôi có nghe nói, nhưng chưa bao giờ thấy thật cả.

“Thế thì
nhìn theo tớ nhé. Con Q thắng, con mười thua. Con Q thắng còn con mười thua.”

Cậu nhẹ
nhàng đặt từng quân bài xuống bàn, con này cạnh con kia. Tôi thấy rõ con Q được
để bên tay trái.

“Con Q
đâu?”

Tôi chạm
ngón trỏ vào con bài bên trái. Cậu bảo tôi lật nó lên và thế là lộ ra con mười
nhép.

Cậu ấy
làm thế nào nhỉ? Cậu ấy đặt bài như thế mà, sao tôi lại nhầm được.

“Làm lại
đi,” tôi bảo.

Cậu cầm
con Q và một con mười lên bằng tay phải, giữ chúng giữa ngón cái và ngón trỏ và
giữa ngón cái với ngón giữa. Tay trái cầm lên con mười kia, giữa ngón cái và
ngón giữa.

“Con Q
thắng, con mười thua, được chưa?”

Tôi không
trả lời, chỉ nhìn vào tay cậu để không bỏ qua cử chỉ nào. Cậu lại bắt đầu từ
từ, đặt các quân bài, bảo tôi tìm con Q. Tôi lại chỉ quân bài bên trái, cậu lại
bảo tôi lật và tôi lại thấy một con mười.

Cậu làm
đi làm lại trò ấy sáu bảy lần còn tôi thì không đoán được lấy một lần con nào
là con Q. Ngay cả khi tôi cố tình đoán mò, để thoát khỏi cái ảo giác của hai
bàn tay ma thuật không thể thắng nổi ấy.

Thật khó
để giải thích cho ai chưa trải qua bao giờ, cái cảm giác thất bại trong một trò
chơi tưởng chừng đơn giản như thế. Chỉ có mỗi ba quân bài. Con Q rõ ràng là có,
và tất cả ở ngay trước mắt bạn, chỉ cách vài phân. Thế nhưng bạn vẫn không đời
nào tìm được nó.

“Khả năng
người đánh cuộc tìm được con Q trong trò chơi này cũng gần như bằng không. Học
cái trò sắp đặt này là cách mở đầu rất hợp. Nó giúp cậu hiểu các nguyên tắc cơ
bản ngay lập tức.”

Cậu giải
thích cho tôi, rồi lặp lại hai ba lần nữa, thật chậm. Để giúp tôi hiểu cách
thức. Thậm chí đến lúc ấy, khi đã hiểu trò và biết con Q nằm ở
đâu, bản năng vẫn thúc tôi chỉ về quân bài sai.

Rồi cậu
đưa cho tôi ba quân bài bảo tôi thử.

Tôi thử.
Rồi thử đi thử lại nhiều lần. Cậu sửa cho tôi, giải thích cho tôi cách giữ quân
bài, cách thả chúng, cách tôi phải dẫn ánh mắt của người khác ra khỏi quân Q,
và mọi điều khác nữa.

Cậu là
một thầy giáo giỏi, còn tôi thì là học trò giỏi.

Khi chúng
tôi dừng, chắc là khoảng ba tiếng từ khi vào phòng, tay tôi phát đau nhưng tôi
cũng đã làm được tàm tạm cái trò ma thuật ấy.

Điều đó
khiến tôi thấy sảng khoái. Tôi nôn nóng chỉ muốn thử làm với ai đấy, có thể là
với bố mẹ tôi ngay khi về đến nhà. Francesco đọc được ý nghĩ ấy của tôi.

“Không
cần phải nhắc cậu cũng biết những trò này không được diễn cho bất cứ ai cho đến
khi chưa thành thạo. Làm trò ảo thuật mà để người ta phát hiện ra là điều ngớ
ngẩn và đáng thất vọng nhất. Làm ở bàn chơi mà để bị phát hiện còn dẫn đến
những rủi ro nghiêm trọng hơn nhiều.”

Tôi phẩy
tay ra vẻ thế là đủ, như thể cậu vừa nói với tôi những điều hiển nhiên.

Không cần
phải nói ra, quả thế rồi.

Tám

Anh mơ
những giấc mơ ấy từ khi còn bé. Những giấc mơ về một quá khứ mờ ảo và có lẽ
chưa bao giờ tồn tại. Ở những chỗ xa lạ và yên bình, vẻ thân thiện. Ấm áp, chờ
đợi, ngăn nắp, ao ước, phấn khích. Những căn phòng sáng sủa và ấm, bọn trẻ đang
chơi đùa, những giọng nói xa xăm quen thuộc, sự thanh thản, mùi thơm của thức
ăn, mùi sạch sẽ.

Một ký ức
hơi buồn, và ngọt ngào.

Đó là
những giấc mơ lặp đi lặp lại. Không có một câu chuyện thật nào, hay người quen,
hay chỗ nào quen. Thế nhưng lạ thay anh cảm thấy thân thuộc như ở nhà, trong
những giấc mơ ấy.

Khi anh
mơ, tỉnh giấc bao giờ cũng khó chịu.

Luôn luôn
giống như khi mẹ anh mất, cũng cùng một kiểu như thế.

Khi ấy
anh chưa đầy chín tuổi. Một buổi sáng khi tỉnh dậy anh thấy nhà đông nghịt. Mẹ
không có đó. Vợ của một trong những sĩ quan của bố anh - ông tướng - đến đón
anh đưa về nhà bà.

“Mẹ cháu
đâu?”

Bà ấy
không trả lời ngay. Bà nhìn anh rất lâu với nét mặt trộn lẫn giữa đau xót và
lúng túng. Người đàn bà ấy to béo, gương mặt phúc hậu bối rối.

“Mẹ không
được khỏe, cháu yêu ạ. Mẹ đang ở bệnh viện.”

“Tại sao
ạ? Có chuyện gì hả bác?” Vừa nói đứa trẻ vừa cảm thấy nước mắt tràn ra cùng với
một nỗi tuyệt vọng mà trước đó nó chưa hề biết đến.

“Mẹ cháu
bị tai nạn. Bà ấy... bị nặng lắm.” Rồi không biết nói gì nữa, bà ôm lấy đứa
trẻ. Người bà rất êm và có cái mùi giống như mùi của mấy bà phục vụ trong nhà.
Mùi hương mà cậu bé Giorgio không bao giờ quên.

Người mẹ không
bị tai nạn nào cả.

Tối hôm
trước người bố ra ngoài, chuyện vẫn thường xảy ra. Bữa tối công chuyện, việc
quân, và những việc khác. Người mẹ hầu như không bao giờ đi cùng ông. Vào lúc
chín rưỡi, mẹ cho cậu bé đi ngủ như thường lệ và hôn lên trán chúc cậu ngủ
ngon, như thường lệ.

Rồi bà
đến tít đầu bên kia của cái ngôi nhà bất tận - nơi ở của ông tướng, căn nhà lớn
nhất trong tất thảy - khóa mình lại trong một căn phòng với một cái gối và khẩu
súng lục 22 li mà ông tướng tặng bà vài năm trước

Không ai
nghe thấy phát súng đã bị cái gối giảm thanh và mất hút trong những hành lang
tối tăm của căn nhà quá rộng, u tối.

Tối hôm
ấy bà vừa tròn ba mươi tuổi.

Và mãi là
như thế.

Trung úy
Giorgio Chiti hay nghĩ anh cũng sẽ phát điên. Như mẹ. Bà bị thần kinh, nhiều năm
sau bố đã giải thích với anh như thế, bằng cái giọng băng giá và xa cách của
ông. Không cảm thông, không hối hận, không gì cả. Bệnh thần kinh có nghĩa là
điên.

Còn anh
lại giống mẹ, điều đó thì chắc chắn. Cũng gương mặt ấy, cũng màu tóc màu mắt
ấy; nét hơi nữ tính trên gương mặt anh cũng hệt như nét hơi nam tính trên gương
mặt mẹ trong vài cái ảnh hiếm hoi mờ ảo. Và trong những ký ức ngày càng nhạt
nhòa của anh.

Anh đã lo
mình sẽ phát điên.

Có những
lúc anh đã chắc mình sẽ phát điên. Giống mẹ. Anh sẽ không còn
kiểm soát nổi ý nghĩ và hành động của mình, như đã xảy ra với mẹ. Đôi khi ý
nghĩ đấy - rằng điên là số phận không tránh khỏi - trở nên ám ảnh không thể
chịu đựng nổi.

Chính
trong những lúc như thế anh vẽ.

Vẽ, tô
màu - cùng với chơi piano - là những việc mẹ vẫn làm để lấp đầy những tháng
ngày dài đằng đẵng và trống rỗng của mình, trong những căn nhà nấp giữa trại
lính. Những căn nhà luôn quá sạch sẽ, sàn nhà bóng loáng, tất cả đều có cùng
mùi sáp; tất cả đều không một tiếng động, không một giọng nói.

Không có
tình thương.

Giorgio
giống mẹ cả ở điểm đó. Từ khi còn bé anh đã có thể vẽ lại những bức họa rất
khó, tạo ra những con vật vừa không thực lại vừa thực đến mức không tin nổi.
Nửa mèo nửa bồ câu; nửa chó nửa chim én; nửa rồng nửa người; và nhiều thứ khác.
Nhưng anh thích nhất là vẽ các gương mặt. Anh thích vẽ chân dung theo trí nhớ.
Anh nhìn thấy một gương mặt, lưu nó vào trí nhớ và sau đó vài giờ hoặc thậm chí
vài ngày, vẽ lại nó lên giấy. Lớn lên khả năng đó vẫn đi theo anh, dai dẳng hơn
tất cả những thứ khác. Anh vẽ gương mặt của mọi người từ trí nhớ. Giống hệt
những gương mặt ấy nhưng đồng thời lại khác, tựa như anh đưa vào nét mặt họ sự
bất an và lo sợ của mình.

Những
gương mặt. Những gương mặt điên rồ. Những gương mặt buồn bã. Lạnh lùng, xa cách
và lãnh đạm. Những gương mặt tàn nhẫn.

Những
gương mặt xa xăm, tràn ngập nỗi cô đơn va hối hận, nhìn về một điểm nào đó xa
xôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3