22. Yêu ghê lắm (Hết)

Yêu ghê lắm

Người chơi trống cajon trong
ban nhạc buổi tối hôm đó ở quán bar Ai-len quen thuộc thật khó đoán tuổi. Khuôn
mặt anh ta trẻ, nhưng có cái nhìn lơ đãng và trải nghiệm của một người già.
Khuôn mặt vuông lạnh lùng ấy có thể là của một người từng trải, hoặc của một
cậu trẻ ra sức buồn sầu. Mái tóc lòa xòa rủ xuống trán cũng khó đoán tuổi, đó
có thể là mái tóc của một người trung niên hơi bụi bặm, hoặc một chàng trẻ tuổi
ít chải chuốt. Cách ăn vận của anh ta lại càng khó nói. Áo sơ mi denim, quần
kaki đen bạc, đôi giày da cũ. Cổ tay trái của anh ta có đeo một vòng da. Chỉ
thế.

Cho nên Nghi quyết định là
tuổi anh ta đâu có trong ngoài ba mươi.

Đây là quán bar của Bob, một
người đồng nghiệp cũ của Nghi. Quán nhỏ mang phong cách Ai-len nằm trên con
đường vắng vẻ nhiều cây, bán bia và đồ ăn, buổi tối có chơi nhạc. Bob đến Sài
Gòn làm việc suốt bảy năm như một anh chàng kiểm toán viên mẫn cán, một ngày nọ
nộp đơn xin nghỉ việc để đứng sau quầy rót từng ly bia tràn bọt cho bè bạn và
chỉnh âm thanh mỗi lần có band đến hát. Có lúc cao hứng, anh ôm đàn hát vài ba
bản dân ca xứ Ai-len quê mình bằng cái giọng khàn đặc, trông thật đáng yêu.

Những người đến hát hàng đêm
đa số là bạn bè của Bob. Họ không phải là dân chuyên nghiệp, chỉ hát vì được
hát, thế thôi. Bob mời họ ăn tối, uống bia, đôi khi là một khoản thù lao nhỏ.
Tất cả đều hạnh phúc, trong cái quán bar nhỏ xíu của Bob. Người hát, kẻ rót
bia, khách nghe nhạc. Tất cả đều hạnh phúc. Những lúc thấy lòng trống rỗng,
Nghi thường đến đây đổ đầy mình bằng âm nhạc và cũng để lấy niềm hạnh phúc từ
những người xung quanh. Họ gõ bàn, hát theo những bài rock’n’roll quen, thấy
cơn trống vắng tan đi nhường chỗ cho một bầu không khí mới căng tràn lá phổi.

- Đi một mình hả, búp bê? -
Bob để li bia lên bàn, ôm vai cô, lắc nhẹ. Anh là một người to béo, đeo đôi
kính tròn kiểu Harry Potter. Một ông chủ quán bar chính hiệu.

- Bob, anh chàng chơi trống
cajon đó lạ quá!

- Ừ, mới. Noel, bạn của một
cậu bạn. Hôm nay cậu ta mới chơi hôm đầu tiên. Đẹp trai, hả? Phải lòng rồi, hả?
- Bob hét to vào tai Nghi.

- Bob khùng! - Nghi nhăn nhó,
mắt vẫn dán vào anh chàng mà cô ngỡ là người Việt. Hóa ra là Noel gì đó, tên mà
cũng lễ hội thấy ghê.

Bài hát kết thúc, mọi người
vỗ tay rào rào, có người gào lên kêu chơi lại. Bob gọi với lên nói với Dave,
người chơi guitar lead, đồng thời là hát chính:

- Ê Dave, xuống đi, để cho
Noel hát thử một bài. Noel đang có một fan ở đây! - Vừa nói anh ta vừa vỗ vỗ
vai Nghi làm cô chỉ muốn độn thổ. Nhưng không còn cách nào khác, cô đành mỉm
cười gượng gạo. Anh chàng Noel nọ mặt đần ra trông cũng gượng gạo không kém.

Cả ban nhạc lẫn khách trong
quán phá lên cười. Dave ra vẻ khổ sở: “Thì đành vậy thôi chứ biết làm sao!” Anh
ta đứng lên, thay chỗ Noel ở vị trí chơi trống cajon, và ra hiệu cho anh ta vào
vị trí vocal. Noel đứng dậy, thử lại dây đàn. Rồi anh ta tằng hắng trong micro
một tràng tiếng Anh lộn xộn gì đó. Sau đó là một câu tiếng Việt rất bập bẹ, kèm
theo một nụ cười:

- Cô ơi, tôi mở đầu bằng bài
Runaway Train nhé?

Mọi người hướng mắt về Nghi,
như thể cô là người quyết định xem anh ta có được chơi hay không. Nghi lại
gượng gạo mỉm cười gật đầu, lòng hận thằng cha Bob đến nỗi nghĩ rằng hôm nay sẽ
quỵt tiền uống bia lẫn ăn tối cho hắn biết mặt.

Thế là Noel chơi bài Runaway
Train. Anh ta hát khá hay, chơi đàn cũng thành thạo và đầy đam mê như chơi
cajon. Tiếp theo đó là một lô xích xông những bài của Soul Asylum, chắc Noel
thích band này. Nghi cứ tưởng tượng cảnh Noel ngồi trên chiếc xe van đỏ chạy
băng qua sa mạc, đầu tóc rũ rượi, ôm cây đàn guitar như trong mấy cái video
clip của Soul Asylum, thấy buồn cười khủng khiếp. Mặt anh ta không hợp với mấy
trò nổi loạn trẻ con như thế.

Rồi thì tay guitar còn lại im
tiếng, Dave cũng thôi nện vào mặt cajon muốn vỡ toang. Noel bỏ cây guitar, với
tay lấy cây đàn ukulele ôm gọn vào lòng.

- Và cuối cùng là Rừng Na-uy,
tặng cô. - Noel hướng về phí cô, mỉm cười.

Khi Noel hát Rừng Na-uy với
cây đàn ukulele, Nghi cảm thấy thế giới quanh mình đông cứng. Khi anh buông nốt
cuối cùng, tiếng vỗ tay nổ ra làm cho thế giới ấy vỡ nát và rơi rụng lả tả.

Cuối buổi, cô và Noel nói
chuyện ít phút, trao đổi namecard, nhưng không có dịp gặp lại. Đôi lúc mở ví,
mắt lướt qua tấm namecard hình vuông màu bạc in mấy dòng đơn giản “Noel Lam Vu
- Furniture designer”, Nghi đột nhiên muốn nhấc máy gọi cho anh chàng đó kinh
khủng. Nhưng để làm gì? Rủ đi uống nước? Hỏi tối nay anh ta có hát không? Tất
cả sẽ chỉ tố cáo rằng Nghi là một cô nàng dở hơi và “ế độ” đến tuyệt vọng.

Một buổi chiều, Nghi lang
thang một mình đi mua vài món đồ gốm ở khu ngoại thành, bỗng nhiên cô nghe thấy
giọng nói ngắc ngứ, lắp bắp quen quen. “Cái này có màu... dark hơn không chị?”
Nghi ngước lên, bắt gặp Noel tay cầm một chiếc khay mây. Cô mỉm cười, không
chắc anh chàng có nhớ mình không. Nhưng nhanh chóng, Noel tiến về phía cô hồ
hởi: “Cô cũng ở gần đây hả?” “Không tôi ở tít bên kia thành phố. Qua đây chơi
thôi. Anh đi đâu đó?” “Xưởng của tôi gần đây. Cô rảnh không? Cô ghé qua chơi
nhé?” Nghi dừng một chút, rồi gật đầu. Vì thật ra gật đầu luôn thì ngại quá. Cô
chạy theo anh, hay đúng ra là anh chạy theo cô, vì anh đi một chiếc xe đạp sườn
nhỏ tong teo như cây tre miễu. Xe đạp của dân chuyên nghiệp, Nghi nghĩ, chẳng
lẽ mỗi ngày anh ta đi chiếc xe này từ đây về thành phố sao, đừng giỡn chứ!

Đó là một xưởng mộc nhỏ xinh
xắn, xung quanh đầy cây lá mọc không ra một trật tự hàng lối nào. Noel mời Nghi
ngồi xuống tấm phản có gối đệm rồi chỉ bãi chiến trường anh đang bày bừa: “Tôi
đang làm một mẫu ghế mới, rồi thì tôi nhớ ra là ở đây chưa có khay đựng trà.
May quá, cô đến vừa đúng lúc có khay tiếp khách.” Rồi Noel hấp tấp đi pha một
bình trà nóng bưng ra mời cô cùng vài cái bánh quy. Cô không thể đừng nghĩ là
nhân dịp có cái khay trà mới mà Noel mới rủ cô ghé ngang xưởng chơi. Cô và anh
ta thì biết gì về nhau? Xưởng làm việc đâu phải là chỗ dễ dàng đưa ai đến.
Nhưng cô chẳng buồn nghĩ nữa. Dẫu sao thì cô cũng đang có một buổi trà chiều
thứ thiệt, bên cạnh anh chàng thú vị này, trong cái xưởng mộc đáng yêu này.

Hóa ra Noel thua Nghi đến ba
tuổi, nghĩa là anh ta chỉ vừa hăm lăm. “Tốt nghiệp xong là tôi về thẳng Sài Gòn
luôn, rồi tôi thuê một miếng vườn của bà ngoại để làm xưởng.” - Noel kể. Bố anh
là người Pháp. Anh sinh ra ở Việt Nam nhưng sau đó di chuyển nhiều nơi theo ông
bố làm nghề nhiếp ảnh và bà mẹ stylist. Có lúc anh đã phải dự tu trong một ngôi
chùa Bhutan đến sáu tháng ròng, theo cái chương trình gì đó mà mẹ anh hí hửng
nhiều ngày vì đã xin được cho anh. Họ chuyện trò đến gần tối. Rồi Nghi cho Noel
đi nhờ về thành phố. Anh ta sống trong một khu chung cư không khá xa chỗ cô,
nhưng Nghi quyết định thả anh ta giữa đường. Dù sao hôm ấy, họ cũng đã có thể
gọi là bè bạn.

Cô không bao giờ quan tâm đến
những cậu trai thua tuổi, nhưng có cái gì vừa chín chắn vừa ngây thơ ở Noel
khiến cô cảm thấy vừa say mê vừa bực mình. Anh ta không nông cạn, nhưng cũng
không đằm sâu như cô ước đoán. Ngay khi người ta hy vọng một cái nắm tay, hay
một cái nhìn đắm đuối, thì anh ta sẽ quay đi lấy cây đàn ukulele trên vách khẩy
từng tứng tưng hay kể một câu chuyện cười vớ vẩn. Nhưng khi bạn không còn mong
đợi gì nữa, thì anh ta sẽ đem đến cho bạn một khối hình thù quái đản gì đó bằng
gỗ mà anh ta vừa hì hụi đẽo gọt, và khi bạn hỏi cái gì đây, thì anh ta sẽ nói
ra một cái tên kiểu như “Tèo”, hoặc “Miranatutixuka”. Có nghĩa là tùy cơn, tùy
cái bay qua đầu Noel đơn giản hay là phức tạp, nhiều âm “e” hay “o”, chẳng có ý
nghĩa gì hơn.

Noel là vậy.

Một buổi chiều trời mưa thật
to, Nghi ngồi trong xưởng mộc của Noel, tay vặt gần nát mấy nhành hoa cúc trong
khi anh chàng đang mải mê cưa đục gì đó. Một cái ghế quái đản, chắc vậy.

- Noel, từ nay gọi Nghi bằng
chị, nhé?

- Tại sao? - Noel không dừng
tay.

- Vì Nghi lớn tuổi hơn Noel.
Tập dùng đại từ cho đúng đi, học tiếng Việt đến đâu rồi?

- Vậy phải gọi Nghi bằng em.

- Ai dạy vậy?

- Gọi người mình yêu bằng em,
dù người đó lớn hơn mình hai chục tuổi. Cô giáo dạy vậy! - Noel ngừng tay,
nghiêm trang nhìn Nghi.

Nghi trợn mắt nhìn Noel. Anh
đứng lên bước đến, hai tay vặn xoắn vào nhau, lắp bắp: “Cái... cái...” Mỗi lần
Noel nói cà lăm, Nghi biết anh đang muốn nói một cái gì đó thật rắc rối. “Nói
tiếng Anh!” Cô ra lệnh, cũng là mở đường cho anh, như mọi lần. Nhưng Noel khoát
tay ra vẻ không cần, hãy để anh cố gắng. Rồi anh nhìn Nghi, nói thật chậm, thật
rõ ràng.

- Anh không biết em có nghĩ anh
quá trẻ con không. Nhưng mà anh thích em. Thích ghê lắm!

Nghi cảm thấy xung quanh đông
cứng lại, hệt như cái lần đầu cô nghe Noel hát Rừng Na-uy. Mãi cô mới hỏi được.

- Yêu ghê lắm là yêu làm sao?

- Là... lần đầu tiên thấy
trong bar là đã biết, thôi rồi, mình mê cô này cha nó rồi. Đến nỗi hôm đó chơi
đàn rất sai. Và hát thì run lắm. Cố tìm bài gì để hát tán gái, nhưng cuối cùng
chỉ hát toàn bài về trẻ em đường phố thôi.

[Chúc bạn đọc
sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu
sách.]

- Anh đừng có láo. Sau đó anh
có gọi cho tôi đâu?

- Bob nói phụ nữ không thích
người nào quá săn đón. Phải cưa em từ từ, theo quy trình đàng hoàng.

- Anh đã con nít, lại còn ngu
nữa. Thằng cha Bob ế vợ, anh không thấy sao còn đi nghe hắn?

- Em đánh trống lảng quá đi,
giờ em tính sao?

- Sao vụ gì?

- Vụ trước vụ “yêu ghê lắm là
yêu làm sao”.

- Thì em nói rồi đó, anh đã
con nít, lại còn ngu nữa.

- ...

- Nhưng mà em cũng thích anh,
thích ghê lắm!

Hình như trong phim, đến
những đoạn như vầy, người ta hay cho đứng hình rồi chạy nhạc, và hiện ra cái
bảng đen ngòm giới thiệu tên diễn viên, đạo diễn, và sau đó là màn “after
credit”, nếu có?!

Nhưng mà bạn đang đọc một truyện
ngắn. Nên nếu thích, bạn có thể đọc lại từ đầu. Hay từ cái đoạn Noel bắt đầu
chơi nhạc cũng được.

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai – Fuju – Diên Vĩ
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3