03. Đôi khi em nghĩ đến anh

Đôi khi em nghĩ đến anh

Gã xe ôm người Mông mặt đỏ
gay vì rượu quay chiếc xe Minsk đỏ bụi một vòng điệu nghệ, loạng choạng phóng
đi. Cô gái xốc lại chiếc ba lô du lịch bám đầy bụi đường, nhảy vội lên thuyền.
Chiếc thuyền khẽ chênh chao rồi rẽ nước, tiến vào vùng hồ mênh mông. Trên
thuyền chỉ có tôi, cô gái lạ kia và một ông lái thuyền khắc khổ.

Núi tiếp núi quây kín vùng hồ
này lại. Tựa như ở một chốn nào đó tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài kia,
con thuyền trôi như chiếc lá giữa mặt hồ yên không gợn sóng. Trời đã dần về
chiều. Mặt trời đang rơi xuống đỉnh núi trước mặt. Bản làng với vài chục nóc
nhà nằm trên sườn núi từ từ hiện ra trong ánh chiều rơi.

Thuyền từ từ cập vào bờ. Chúng
tôi phải băng qua một vườn hoa cải vàng lấp xấp nước để bước lên đường chính.
Tôi trao đổi vài câu với cô gái đi cùng thuyền và biết cả hai cùng đặt chỗ nghỉ
ở nhà ông trưởng bản. Ông lái thuyền lầm lũi đi trước, vai vác bó củi rều vừa
vớt được trong lúc đi thuyền trên hồ. Đến một ngã rẽ, ông ta ra hiệu cho chúng
tôi đi xuôi xuống con đường mòn hai bên đầy hoa dại.

Ngôi nhà sàn rộng rãi có một
khoảng chái sau quay về hướng hồ, trên sàn phơi đầy những ngô. Ông trưởng bản
hò hét vợ con dọn chỗ cho khách rồi mời chúng tôi ngồi tạm trong nhà uống trà.
Thứ trà chát xít làm cho tôi thấy chóng mặt, nhưng mau chóng tỉnh người sau
một chuyến đi dài. Ông chỉ cho chúng tôi một góc nhà tối om giăng đầy những tấm
màn thổ cẩm, chia ra từng khoảnh nhỏ, giữa mỗi khoảnh là một tấm đệm mỏng. Đó
sẽ là chỗ nghỉ của chúng tôi đêm nay.

Trời sụp tối rất mau. Ăn cơm
xong, cô gái - mà bây giờ tôi biết tên là An - mượn chủ nhà cây đèn pin và rủ
tôi đi dạo. Trời tối om, mảnh trăng mỏng treo trên bầu trời không đủ để thấy
mặt người đứng cạnh. Con đường le lói ánh đèn hắt ra từ những ngôi nhà thưa
thớt hai bên đường. Chúng tôi đi trong yên lặng, chẳng hỏi han gì về nhau.
Không nói ra nhưng ai cũng muốn tôn trọng khoảng lặng hiếm hoi của người kia,
và của chính mình. Thi thoảng có vài chiếc xe máy ầm ào phóng ngang, rọi đèn
chói lóa.

Thoáng chốc chúng tôi đã di
khỏi cái nhỏ với dăm chục mái nhà đỏ. Cô gái muốn dừng lại nghỉ một lát. Chúng
tôi ngồi bệt ra giữa đường, tắt đèn pin. Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi phát
hiện thấy bầu trời đêm đó rất nhiều sao. Sao chi chít như ai đó làm vung vãi
hàng triệu con đom đóm. Chúng rất gần, dường như ngay trước mặt, chỉ quờ tay
ra là chạm ngay được. Nền trời đêm xanh màu bí ẩn, một cái cây sừng sững trước
mặt in rõ lên trời từng nhánh cành khô đét. Chưa bao giờ tôi thấy núi gần đến
thế. Những chóp núi nhọn hoắt sâu vào đêm, sắc nét, mạnh mẽ, hoang dại.

- Tôi chưa bao giờ thấy nhiều
sao như thế này! - Tôi nói khẽ

- Còn tôi thì đã từng một
lần. An trả lời, giọng nhẹ và mỏng. Ở Nagarkot, Népal.

- Cô đến Népal rồi ư? - Tôi
ngạc nhiên, không giấu nổi thán phục.

- Phải. - An đáp. - Đó là
chuyến hành hương lớn nhất đời tôi. Từ Trung Quốc băng qua Tây Tạng, vào Népal
rồi sang Ấn...

- Vậy rồi sao? - Tôi hỏi, sau
hồi lâu lắng nghe những kỷ niệm miên man của cô gái về chuyến đi dài.

- Rồi sao ư? - Tôi nghe cô
gái khẽ cười. - Rồi tôi trở về, ngỡ mình đã được vùng đất ấy cảm hóa. Nhưng rõ
ràng tất cả những điều còn lại, cho đến bây giờ chỉ còn là những mảng màu ám
ảnh và một thứ cảm giác trống rỗng không thể diễn tả được. Tôi tự hỏi sau những
chuyến đi, thật ra chúng ta vơi đi hay đầy lên?

Tôi im lặng, không biết nói
gì. Tiếng bánh xe nghiến trên cầu sắt dội vào núi đêm như một loạt đạn nã vào
bóng tối. Tôi cố gắng hồi tưởng lại một hành trình của mình, một chuyến đi
“khắc cốt ghi tâm”, nhưng vô vọng.

An đứng dậy bảo tôi về thôi.
Trên đường về, tôi và An trao đổi thêm một vài thông tin cá nhân. Cô làm cho
một chương trình radio, mỗi ngày lựa chọn nhạc và viết lời dẫn chuyện cho
chương trình phát sóng đêm khuya. Tôi thấy cái nghề của cô thật thú vị, ít ra
là so với tôi, một nhân viên IT chán ngắt làm việc cho một công ty luật, suốt
ngày chỉ đi sửa hết máy nọ virus tới chặn máy kia không cho vào những trang
mạng có nguy cơ. Và nếu có điều kiện đi ra nước ngoài du lịch, hẳn tôi cũng sẽ
không bao giờ chọn những địa danh như Tây Tạng, Népal vào danh sách lựa chọn
của mình. Ví dụ như chuyến đi Ba Bể này là kỳ quặc lắm rồi. Tự dưng Yên, người
yêu tôi đã sắp xếp mọi thứ cho một kỳ nghỉ ngắn. Rồi đột nhiên cô ấy phải đi công
tác, nên bảo tôi đi thay, vừa biết đó đây, vừa đỡ phí tiền.

Ông chủ nhà đã nấu sẵn một
nồi cháo gà nghi ngút khói. Chúng tôi bê ra một cái sàn bằng gỗ ghép cheo leo
trên bờ vực, có những tay vịn sơ sài ngồi húp cháo sì sụp rồi cứ thế nằm ngửa
ra nhìn trời nhìn trăng. Tôi hỏi An thích loại nhạc gì, cô bảo thì cũng theo
tinh thần chương trình radio cô đang phụ trách thôi, cô thích nhạc country. Tôi
moi từ trong túi áo ra một cây kèn harmonica nhỏ, thổi cho cô nghe một vài bài
quen thuộc của John Denver. An nhìn tôi hơi bất ngờ, rồi nở nụ cười dịu dàng.
Tôi nghĩ giữa chúng tôi bắt đầu có một sợi dây vô hình kết nối.

- Tôi sẽ ngủ ngoài này. - An
vỗ vỗ xuống sàn gỗ lộ thiên.

- Cô sẽ trúng gió chết ngắc.
- Tôi dọa.

- Đừng lo, tôi có mang theo
túi ngủ. - Nói rồi, cô lục đục vào nhà lấy túi ngủ loại dày, chui vào, kéo
phẹcmơtuya đến tận cằm. đút hai tai nghe iPod vào tai như để chặn kín tất cả
những lời khuyên nhủ của tôi.

Tôi bỏ cuộc, quay vào nhà,
chui vào chiếu của mình, kéo chăn định ngủ, mặc kệ cô gái kì quặc kia. Tôi nhắn
tin cho Yên rằng tôi ổn, không phải lo lắng gì. Nhưng tôi cũng không biết Yên
có nhận được hay không, hay cũng đang ngoài vùng phủ sóng. Chẳng sao, đôi khi
người ta cũng phải lơi nhau ra một chút, như tôi và Yên bây giờ.

Nhưng tôi trằn trọc mãi không
ngủ được. Cuối cùng, tôi phát hiện ra mình lo cho An kinh khủng. Tôi đành vác
chăn gối ra ngoài sàn gỗ lộ thiên, quẳng phịch một cái xuống cạnh An, làu bàu:
“Thôi có gì để tôi trúng gió chết với An cho có bạn!”

An giật mình khẽ quay lại.
Trong ánh trăng mờ mờ rọi lại từ núi xa, tôi thấy mắt cô đẫm nước. Tôi lúng
túng không biết phải làm sao. An vội đưa tay chùi mắt, ra hiệu là cô ổn. Nhưng
có điều gì đó xui khiến, tôi cúi xuống ôm cô vào lòng. Chính xác là tôi ôm một
cô gái bọc trong chiếc túi ngủ dày cộp vào lòng. Mặc dù túi ngủ lạnh buốt áp
vào tôi, chỉ có đoạn hở mặt An ra là nép vào lồng ngực tôi, phả ra hơi thở nóng
bỏng, nhưng dịu dàng. An đẩy nhẹ tôi ra, khiến tôi tưởng cái ôm của mình bị
chối từ. Nhưng không, cô gỡ một chiếc tai nghe, nhét vào tai tôi, và gắn lên
môi tôi một nụ hôn phớt. Trong đêm giá buốt của núi rừng, tôi như bốc cháy vì
cơn nóng từ môi An toát ra. Một nụ hôn mà tôi không bao giờ chờ đợi, một nụ hôn
mà có đến mười kiếp nữa, tôi cũng sẽ không quên. An tụt nhẹ xuống, gối đầu lên
cánh tay tôi, vỗ nhẹ nhẹ vào vai tôi. Tôi hiểu ý nghĩa của cử chỉ ấy nên chỉ
nằm nguyên như thế và ôm An thật chặt. Nhạc phát ra từ earphone là Sting. Tôi
nhắm mắt từ từ thiếp ngủ.

Buổi sáng, tôi thức dậy bởi
tiếng gà gáy lao xao vọng lại từ phía làng, nhận ra quanh mình đã được dém chăn
kỹ càng, ấm áp. An không có ở đó nữa. Chẳng lẽ giống như phim, cô ấy bỏ đi sau
ôm khi ôm một người đàn ông lạ. Làm ơn đi chứ! Nhưng hành lý của An vẫn ở đó,
ngay ngắn trong vuông chiếu. Tôi chậm rãi khoát nước lạnh buốt lên mặt cho
tỉnh, xỏ giày vào và đi ngược qua phía làng để tìm An.

Tôi gặp cô ở cây cầu sắt sơn
đỏ bắc qua con suối lớn chảy giữa hai ngọn núi. Cô đang ngồi nói chuyện với một
bé gái chăn dê. Khi thấy tôi đến, con bé ù té chạy. Tôi ngồi xuống bên cạnh An
trên cái gờ xi măng nhỏ, xoa hai tay vào nhau và thở ra một làn khói trắng. An
hỏi tôi:

- Anh ngủ ngon không?

- Không biết trời trăng gì
luôn, còn An?

- Tôi cũng vậy, chỉ là dậy
sớm hơn thôi.

- Sáng nay thức dậy không
thấy An, tôi tưởng...

- Là tôi đã đi à? Haha, lâm li ghê chứ! Mà anh đừng nghĩ ngợi gì nhé.

- Tôi có nghĩ ngợi gì đâu, tôi chỉ sợ An giận tôi.

- Tôi phải cảm ơn anh mới đúng. Đâu phải lúc nào người ta khóc cũng được ai
đó ôm vào lòng.

Tôi nghĩ An có một nỗi buồn, nhưng không tiện hỏi. Chúng tôi tản bộ về chỗ
trọ để chuẩn bị cho chuyến dạo hồ bằng thuyền. Trên đường đi, An xuýt xoa chỉ
cho tôi mãi những bông hoa dại màu tím biếc.

Chúng tôi chia tay nhau hai ngày sau đó, mỗi người một ngả, trong hai ngày
đi chơi, có lúc tôi nắm tay An, có khi An dựa vào vai tôi, nhưng không hề có
điều gì xa hơn. Ngay cả một nụ hôn cũng không xảy ra thêm lần nào nữa. Tôi chào
An để quay về Hà Nội, còn An đi tiếp lên Cao Bằng. Tôi đưa tay cho cô bắt,
nhưng cô đã ôm choàng lấy tôi, thì thầm: “Cảm ơn anh, nhiều lắm!”

Vài tuần sau tôi nhận được bưu thiếp gửi đến văn phòng, không ký tên, nhưng
tôi biết đó là An. Bưu thiếp là một tấm ảnh rửa ra, chụp cảnh cao nguyên Đồng
Văn.

“Thật ra chúng ta luôn ở trạng thái này: ngay khi bỏ lại được một điều gì
đó ở chốn xa lạ, thì đồng thời lại mặc lấy những điều mới mẻ khác. Nên thật
buồn cười nếu ai đó lao vào những chuyến đi và mong những đổi thay đến từ chốn
xa lạ cũng sẽ làm nên đổi thay nào đó từ trong chính mình.”

Thỉnh thoảng tôi nhận được một vài lá thư viết tay vắn tắt, và cả một thiệp
báo hỉ. An lấy một Việt kiều Mỹ theo sắp xếp của gia đình, rồi sang đó định cư.
Chuyến đi tôi gặp An là chuyến đi độc thân cuối cùng của cô, trước khi làm lễ
cưới.

Bẵng một thời gian rất lâu, tôi không còn nghĩ về An nữa. Tôi cưới Yên,
người yêu lâu năm, chuyển sang một chỗ làm mới. Một buổi chiều hè rảo bộ ngang
qua văn phòng cũ, chú bảo vệ kéo tay tôi lại nói: “Thỉnh thoảng có thư gửi đến
cho cậu, tôi giữ đó, chờ gặp thì đưa.”

Tôi cầm trên tay một chục tấm bưu thiếp gửi từ nhiều nơi. Bắc Mỹ. Nam Mỹ. Tây Phi. Phía sau chẳng viết gì nhiều,
ngoài những câu giải thích thêm về hình ảnh trên tấm bưu thiếp. Và lúc nào cũng
kết thúc bằng “Đôi khi em nghĩ đến anh. An.” Không một dòng địa chỉ hay email
hay thứ gì khả dĩ liên lạc lại được.

Tôi cất xấp bưu thiếp trong
ngăn kéo bàn làm việc ở văn phòng để Yên không nhìn thấy. Vài buổi chiều muộn,
khi đồng nghiệp đã ra về cả, tôi đi vào pantry pha một tách cà phê, rồi ngồi
thẫn thờ hồi lâu, xem lại từng tấm bưu thiếp từ phương xa, thấy lòng mình buồn
như đã trăm năm rồi...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3