Tarzan - Đứa con của Rừng Xanh - Quyển I - Chương 03
Chương 3: Sư Tử Sabo
Tarzan sống với
vượn mẹ Kala đã qua rất nhiều mùa quả chín. Những con suối trong rừng già đã đổ
ra biển biết bao nhiêu nước. Những hòn đá trong suối đã nhẵn thín vì bị nước
bào mòn. Bao nhiêu năm đã trôi qua!
Thời gian làm Kala
già đi thì cũng làm cho Tarzan lớn lên. Lên mười, Tarzan đã biết chuyền cây
thành thạo. Khi đi trên mặt đất, Tarzan có thể làm nhiêu điều kỳ diệu - những
việc mà lũ vượn bằng tuổi Tarzan không thể nào làm nổi. Về thể lực và chiều
cao, cậu có thể thua kém lũ bạn cùng tuổi. Bởi vì một số bạn đồng niên của cậu
khi lên 10 có thể có chiều cao tới hai mét.
Trong khi đó cậu
vẫn chỉ là cậu thiếu niên. Nhưng ngược lại, cậu lại vượt xa các bạn cùng tuổi
trong bộ lạc ở cái đầu của mình. Trí thông minh của loài người đã làm cậu tăng
thêm sức mạnh.
Lên ba tuổi, Tarzan
đã bắt chước bà mẹ khổng lồ của mình chuyền từ cành cây nọ sang cành cây kia.
Lên sáu, cậu đã cùng các "ông anh bà chị" của mình nô đùa hàng giờ
trên các ngọn cây. Cậu có thể nhảy từ ngọn cây cao bảy mét xuống mặt đất nhẹ
như một con mèo. Cậu có thể leo lên những ngọn cây cao nhất để hái quả và nhún
mình bay từ ngọn cây này sang ngọn cây khác xa tới bảy mét, trước sự kinh ngạc
của bạn bè. Mười tuổi, cậu đã có sức khỏe của một chàng trai 17 tuổi và nhanh
nhẹn như một kiện tướng điền kinh. Sống giữa bộ lạc vượn, cậu cảm thấy thật
thoải mái hạnh phúc. Cậu không hề biết rằng, ngoài thế giới rừng già Châu Phi
mà cậu đang sống – còn có một thế giới khác nữa - thế giới của con người.
Nhưng rồi một hôm
cậu bé Tarzan cảm thấy rằng giữa cậu và các thành viên khác trong bộ lạc mình
có sự khác biệt rất lớn. Cậu thấy các anh chị mình có bộ lông rất đẹp, còn cậu
thì chẳng có một sợi lông nào. Thân thể cậu cứ nhẵn thin, trơn tuột như mình
mẩy của một con trăn. Cậu ghét cay ghét đắng cái thân thể trắng ởn của mình. Để
che đậy cái thân thể xấu xí đó, cậu lấy bùn trát vào da từ đầu đến chân. Nhưng
rồi chỉ một lúc sau, bùn khô bong ra rồi rơi hết. Sau nhiều lần làm như vậy,
cậu đâm ra chán nản. Từ đó cậu quyết định để mặc cho thân thể mình trần truồng,
nhẵn nhụi như cũ.
Ở dãy núi mà đàn vượn
thường tới kiếm ăn có một hồ nước. Mặt hồ rộng yên tĩnh phẳng lặng và sáng như
một chiếc gương lớn. Vào một ngày nóng nực, Tarzan cùng bạn bè lên hồ uống
nước. Cậu nhìn xuống dưới hồ nước và giật mình kinh ngạc. Lần đầu tiên trong
đời cậu nhìn thấy khuôn mặt mình. Thật kỳ quặc! Cậu khác xa bạn bè của mình.
Cậu cũng có bốn chân, nhưng chẳng có sợi lông nào cả. Cậu cúi sâu xuống mặt
nước, há mồm và trông thấy trong mồm mình những chiếc răng bé tí xíu. Răng của
cậu không to và không nhọn như răng của các anh các chị. Còn cái mũi của cậu
thì chao ôi thật xấu hổ, nó vừa nhọn vừa nhỏ. Tarzan đỏ bừng mặt khi so sánh
mình với bạn bè anh chị. Tất cả đều có bộ lông và khuôn mặt tuyệt vời! Chỉ có
cậu là cái gì cũng nhỏ bé, xấu xí và kỳ quặc. Tarzan nhắm mắt lại đau khổ rồi
lại mở mắt ra nhìn tiếp. Lại còn đôi mắt nữa chứ. Mắt cậu có một vòng màu nâu
xung quanh màu trắng ngà. Cả đến loài rắn cũng chẳng có thứ mắt kì quái như mắt
cậu! Thật tội nghiệp cho Tarzan! Cậu bé run lên vì đau khổ và phiền muộn. Cậu
ước gì trong chốc lát thân thể mình mọc lông để cậu có thể có được vẻ đẹp tuyệt
vời như mọi thành viên trong bộ lạc.
Mải mê soi mình
trên mặt nước, Tarzan không nghe thấy phía bãi cỏ sau lưng mình có tiếng động
xào xạc. Có một con vật to lớn đang tiến lại gần bờ hồ. Bạn bè của Tarzan quanh
đó cũng không hề biết gì. Tất cả đều mê mải uống nước và bắt châu chấu ăn.
Cách bờ hồ khoảng
vài chục bước chân thân hình con vật đã lộ rõ. Đó là con sư tử độc thân có tên
là Sabo. Sabo ghìm đuôi, rón rén tiến lại gần mép nước. Mồm nó đã bắt đầu há
ra. Còn khoảng hai mươi bước chân nữa, nó cuộn chặt đuôi vào mông, thận trọng
ngả hai chân sau xuống sát mặt đất để lấy đà. Cả cơ thể Sabo rắn lại, bất động
như một tảng đá. Nhưng điều đó chỉ diễn ra trong một vài giây. Sabo thét lên
một tiếng rùng rợn rồi nhảy vọt lên phía trước…
Sabo là một con sư
tử rất khôn ngoan và hung dữ. Nó có thể nghe được tất cả những tiếng động xào
xạc trong rừng mà đoán được từ xa bước chân của từng loài thú. Ngay cả khi đói,
nó vẫn biết tự kiềm chế, không bao giờ buột miệng kêu. Nó biết rõ rằng chỉ một
tiếng thở dài của nó cũng làm các cư dân của rừng già này hoảng hốt bỏ chạy.
Chính vì vậy nó chỉ thét khi tiếng thét là cần thiết. Đó là tiếng thét vồ mồi.
Tiếng thét của nó thường làm con mồi bủn rủn cơ bắp, mất hết khả năng bỏ chạy.
Đối với lũ vượn
con, Sabo có một cách bắt riêng. Nó mai phục dưới những gốc cây cao, chờ cho lũ
vượn con nô đùa trên cây thật thoải mái rồi thét lên một tiếng. Tiếng thét của
nó làm hàng chục con vượn con khiếp đảm, rụng xuống đất bình bịch chẳng khác gì
những quả mít chín tụt cuống. Nhưng riêng đối với Tarzan thì Sabo chưa bao giờ
tìm được cách vồ. Đứa con của loài người sống trong rừng sâu này có một khả
năng tự vệ rất lạ. Trí tuệ và cuộc sống khắc nghiệt giữa muôn loài thú dữ đã tạo
ra ở Tarzan những phản xạ kỳ lạ. Tiếng thét của Sabo chưa bao giờ làm Tarzan
giật mình. Tiếng thét rùng rợn đó chỉ làm thức dậy ở Tarzan ngay tức khắc khả
năng lựa chọn và hành động thật quyết liệt.
Từ trước tới nay
Tarzan chẳng ưa gì nước. Đối với cậu nước chỉ có tác dụng dập tắt những cơn
khát. Ngoài ra nước chỉ làm cậu khổ sở, nước xuất hiện trong những cơn mưa
nhiệt đới dầm dề. Nước đã bao lần quất vào da thịt cậu cùng với gió bão. Nước
còn xuất hiện với những tia chớp giật và những tiếng sét xé trời làm cậu rất
sợ. Bà mẹ Kala của cậu cũng thường nhắc nhở cậu nhiều lần vì sự nguy hiểm của
hồ nước trên núi. Chính mắt cậu cũng nhìn thấy cô bạn Nata bé nhỏ của mình chết
đuối trong hồ nước, chẳng bao giờ quay về nữa.
Lúc này, khi Sư tử
Sabo tiến lại gần, Tarzan tự nhiên thấy mặt nước hồ mà mình đang soi bóng có
một váng đỏ. Linh tính mách cho cậu biết ngay rằng, cái chết đã xuất hiện sau
lưng. Cái chết bởi nanh sư tử. Trong đầu cậu diễn ra một sự lựa chọn nhanh
chóng: chết đuối hay chết cạn, chết bởi hồ nước hay chết bởi hàm răng sư tử -
cái nào đau hơn, cái nào nguy hiểm hơn. Thế là Tarzan nhảy vọt xuống hồ. Vuốt
chân sư tử chụp xuống một khoảng đất trống làm tung lên một đám bụi mù.
Tarzan chưa xuống
nước bao giờ. Nước hồ rất sâu. Tarzan khua khoắng chân tay, vùng vẫy rất mạnh.
Cậu thấy bốn bề đều là nước, chẳng biết đâu là trên, đâu là dưới bây giờ. Mặt
dù vậy cậu vẫn không hề tuyệt vọng. Cậu kiên quyết không uống nước, cố gắng nín
thở vẫy hai tay đạp hai chân. Chỉ một lát sau, cậu nhận thấy rằng, nếu vận động
cả hai chân hai tay một cách thật nhịp nhàng thì không những không bị chìm mà
còn có thể tiến về phía trước. Cậu cảm thấy vui sướng vì phát hiện đó. Nhưng
cậu cũng chẳng có thời gian mà sung sướng lâu. Cậu bơi dọc bờ hồ và quan sát.
Trên bờ hồ, một con vượn nhỏ đang giãy giụa dưới chân Sabo.
Vừa xé thịt vượn,
Sabo vừa chăm chú nhìn theo Tarzan. Nó chờ Tarzan bơi vào bờ, vì rất thèm cái
cơ thể nhẵn nhụi của cậu bé lên mười đó. Nhưng thật là ảo tưởng! Cậu bé không
những không bơi vào mà còn vừa bơi dọc bờ hồ, vừa cất tiếng hú, báo động cho bộ
lạc của mình biết. Ngay lập tức, từ xa có tiếng hú đáp lại. Khoảng năm sáu con
vượn lớn chuyền cành thoăn thoắt qua các cành cây tiến về phía bờ hồ. Lao đi
đầu tiên là vượn mẹ Kala. Bà mẹ đã nghe thấy đầu tiên tiếng hú của đứa con yêu
dấu.
Vừa trông thấy
khuôn mặt vừa đau khổ vừa dữ tợn của Kala, Sư tử Sabo đã thấy ớn. Mặc dù Sabo
khỏe hơn, có khả năng chiến đấu mạnh hơn lòai vượn, nhưng rõ ràng là nó không
muốn đụng độ với cả một đàn vượn đang ào ào xông tới như thế. Nó bỏ miếng ăn,
quật đuôi đánh đét một cái xuống đất rồi nhảy vào bụi rậm, biến mất. Chỉ tới
lúc thấy sư tử Sabo bỏ đi hẳn, Tarzan mới bơi vào, bước lên bờ.
Cậu như quên hết
chuyện nguy hiểm vừa qua. Khi bước lên bờ, cậu cảm thấy thật khoan khoái và dễ
chịu. Nước đã kích thích làn da của cậu. Hóa ra bơi trong nước là một việc cực
kỳ lý thú. Cậu định bụng từ nay sẽ thường xuyên xuống nước và một ngày nào đó
cậu sẽ xuống biển để nô đùa với cá.
Từ khi thoát khỏi
hàm răng của sư tử Sabo, Tarzan càng ngày càng trở nên hiếu động. Hình như cú
chết hụt đã khuấy động cả một đoạn đời yên tĩnh và tẻ nhạt của Tarzan. Ngày nào
cậu cũng bỏ đi một mình, ra bơi lội giữa dòng sông đầy xoáy lũ. Vượn mẹ Kala
tức phát điên lên, nó không thể hiểu nổi cái sở thích kỳ quặc của đứa con nuôi.
Trong bộ lạc này cũng có những con vượn biết bơi. Nhưng chúng chỉ nhảy xuống
nước trong tình thế bắt buộc, chứ chẳng bao giờ lại đi đùa nghịch với sóng
nước. Vì vậy Kala phải vừa la hét mắng mỏ, vừa canh chừng từng bước đi của
Tarzan. Cả bộ lạc này chẳng có con vượn nhỏ nào lang thang lêu lổng như Tarzan.
Cả bộ lạc hàng ngày chỉ có mỗi hai việc là tìm thức ăn và tìm chỗ ngủ. Không
con vượn nào bỏ đàn đi xa quá nửa cây số. Cuộc sống bầy đàn của bộ lạc phụ
thuộc vào nguồn thức ăn, thời tiết và mức độ an toàn của nơi cư trú. Hết thức
ăn bị quá nhiều thú dữ đe dọa là cả đàn lại phải di cư đi nơi khác. Tuy vậy,
thỉnh thoảng bộ lạc cũng phải di cư theo lệnh của thủ lĩnh Ketchac. Cứ ở lâu
lâu một nơi là Ketchac cảm thấy tù túng, ngán ngẩm. Khi đó, nó bực tức rống
lên, thúc ép cả đàn hành quân đi thật xa. Vì những cuộc hành quân đột xuất đó
mà không con vượn nào dám bỏ đàn đi quá một ngày. Riêng có Tarzan là không để ý
đến điều đó. Cậu hay bỏ đàn đi lung tung một mình tùy thích.
Vào những đêm tối
trời, khô ráo, cả bộ lạc của Ketchac không ngủ trên cây mà ngủ ngay trên mặt
đất. Lũ vượn cũng biết bẻ cành cọ để che trên đầu hoặc đắp lên người cho ấm.
Vào những đêm lạnh lẽo, chúng ôm lấy nhau mà ngủ. Tarzan cũng vậy, gần chục năm
liền cậu thường ngủ trong vòng tay ấm áp của Kala. Kala thì gần như quên mất
rằng Tarzan chỉ là đứa con mình nhặt được. Kala chăm chút cho Tarzan như một
người mẹ đẻ. Rất yêu quý Tarzan, nhưng khi thấy con trai tỏ ra bướng bỉnh,
ngang ngạnh, Kala cũng biết cốc đầu mắng mỏ. Chỉ có Tuplap, chồng của Kala là
trước sau vẫn căm ghét Tarzan. Biết rõ điều đó nên khi còn bé, Tarzan vẫn phải
cắn răng chịu đựng. Nhưng khi lớn lên, Tarzan bắt đầu tìm cơ hội trả thù. Cậu
thường bẻ cành khô ném vào mình Tuplap và có cơ hội thuận tiện là cậu gây cho Tuplap
đủ thứ chuyện bực mình. Vốn thông minh và khéo tay, cậu dùng cỏ bện thành những
sợi dây dài rồi giăng bẫy xung quanh chỗ Tuplap ngủ. Mỗi khi thức dậy, bước đi,
Tuplap thường bị vướng dây ngã dúi dụi.
Một hôm, Tarzan
thắt sợi dây dài thành một cái vòng thòng lọng. Cậu buộc một đầu dây vào gốc
cây rồi ném vòng thòng lọng vào cổ Tuplap. Tuplap giật mình bỏ chạy, nhưng nút
thòng lọng thít chặt lấy cổ hắn làm hắn ngã vật trở lại. Càng lắc cổ dứt sợi
dây ra thì Tuplap càng bị nghẹt thở. Chẳng biết làm cách nào nên Tuplap cứ phải
cầm sợi dây chạy vòng quanh gốc cây suốt một ngày trời, làm cho đàn vượn con
thích chí cười nhăn nhở. Cái thằng vượn mũi chẻ đó thì cả đàn có mấy ai ưa.
Tuplap thấy cuộc
sống của mình ngày càng trở nên nặng nề. Suốt ngày suốt đêm, lúc thức cũng như
lúc ngủ, Tuplap lúc nào cũng nơm nớp đề phòng chiếc thòng lọng của Tarzan bất
thần rơi vào cổ. Thấy thế Kala rất bực mình. Ketchac thì gầm gừ giận dữ. Nhưng
Tarzan chỉ im lặng tủm tỉm cười.
Một hôm Tarzan nảy
ra sáng kiến. Cậu nghĩ nếu sợi dây thòng lọng có thể tóm cổ Tuplap, thì lẽ nào
lại không thể tóm cổ được con sư tử Sabo?