Cô nàng mộ bên - Phần 3 - Chương 24 - 25

Năm thứ ba: Mưa rải rác

24. Benny

Arvid
chào đời vào tháng Tám. Chúng tôi làm đám cưới tháng Mười, và từ đó Désirée
không một lần nào mò sang phía giường bên tôi. Thỉnh thoảng, khi cô ấy cựa
mình, tôi gần như nín thở chờ đợi, nhưng lúc nào cũng vậy, Désirée chỉ cúi
xuống để bế Arvid và ấp vào ngực mình. Ngay cả trong đêm tân hôn của chúng tôi
cũng không có gì xảy ra ngoài một nụ hôn trên má. Biết thế đi xem phim cho
xong.

Đương
nhiên Désirée đã tranh thủ nghỉ thai sản lâu tối đa, còn đối với tôi, chuyện
nghỉ ngơi hoàn toàn không khả thi. Ngay cả cô ấy cũng hiểu điều đó. Một buổi
sáng, khi tôi từ chuồng bò quay vào nhà, cô ấy đã chuẩn bị bữa sáng kiểu Anh
thịnh soạn với trứng cuộn thịt xông khói và đậu, bánh mì nướng kèm
mứt hoa quả, đầy đủ mọi thứ. Trong khi tôi tận hưởng trong sung sướng thì
Désirée lặng lẽ nhá một lá xà lách, để lấy lại vóc dáng!

Sau
đó, đã thành thông lệ, mỗi dịp cuối tuần là những bữa sáng buyphê ra trò, còn
trong tuần là các bữa sáng nóng sốt. Buổi trưa và buổi tối cũng thế. Bộ đồ bảo
hộ lao động của tôi bắt đầu chật, và tôi có cảm giác như đang ở trên thiên
đường! Mẹ tôi vốn trung thành với món cháo và cà phê hâm nóng.

Chuyện
nông trại
được ra lò
đều đặn mỗi thứ Sáu, một thời điểm long trọng của cả nhà. Désirée chụp ảnh
Arvid dưới mọi góc độ có thể và âm thầm chụp ảnh tôi ở chuồng bò, rồi thêm vào
những chú thích hài hước. Cô ấy mua bia và chuẩn bị món ăn đặc biệt cho những
buổi tối ấy. Tôi không tài nào phát âm nổi tên gọi của phần lớn các món ăn này.

Vốn
là người hoạt bát, Désirée còn tấn công vào những chuyện trước đây tôi không
lưu tâm. Cũng đi hái nam việt quất, nhưng thay vì chỉ làm mứt, cô ấy đã nấu một
thứ rất lạ có tên gọi là chutney nam việt quất, giống như xirô ho vậy. Cô ấy
làm bánh tart khá ngon với việt quất và quả lý đen hái trong vườn, mỗi tội chua
kinh khủng, vì ăn nhiều đường không có lợi cho sức khỏe. Désirée cũng đã học
cách pha thịt và bảo quản ăn dần, đồng thời mua hạt giống để trồng một mảnh
vườn rau thơm. Cô ấy đọc phần đầu của tờ Nhà nông như người ta
đọc Kinh thánh, thậm chí còn dự định đan găng tay nữa.

Tôi
khen ngợi Désirée bằng cách nói rằng tôi không thể hiểu được cô ấy đã làm tất
cả mọi chuyện thế nào, vì hồi ở nhà mình cô ấy có bao giờ học những thứ đó đâu.

-
Này, hóa ra mọi thứ ở sẵn trong máu em rồi thì phải. - Tôi trêu. - Chỉ cần có
một đứa con là em tự khắc biết nướng bánh và thêu thùa.

Tôi
biết mình đang đùa với lửa. Désirée liếc xéo tôi một cái, chắc cô ấy chưa hiểu
tôi chỉ đùa giỡn. Nhưng thật tình, tôi cũng hơi hơi tin chuyện mình vừa nói.
Như tôi đây này, tôi chẳng bao giờ cảm thấy một sự thôi thúc buộc mình cầm lấy
mấy cái que đan.

-
Đọc một quyển sách dạy nấu ăn không phải là việc quá khó đối với một người biết
đọc, anh không thấy thế sao? - Désirée đáp. - Ngay cả anh cũng hiểu là khi
người ta không thể chứng tỏ mình với thiên hạ, thì ít nhất họ cũng muốn thể
hiện giá trị của mình trong gia đình. Em dám cá là sau khi cày những đường
thẳng băng hoặc cuộn những đống rơm đều tăm tắp, anh cũng cảm thấy một sự hài
lòng y như khi em giặt là phẳng phiu màn cửa hoặc cất những chiếc bánh ngon vào
tủ đông. Người ta ai chẳng thích được nhìn nhận những công việc mình đã hoàn
thành!

Désirée
ngừng lại một lúc để lấy hơi, rồi tiếp lời:

-
Em tin vào sự phân công truyền thống giữa hai giới. Nó rất hay. Anh làm tất cả
những công việc nặng nhọc, dơ bẩn, khi anh về nhà, em phục vụ anh, chăm sóc
anh, và cả hai chúng ta đều hài lòng về nhau. Hiện tại, Arvid không quấy khóc,
thằng bé nằm ngủ rất ngoan, trong khi em lại không cần phải đi làm trong thành
phố. Ít nhất anh cũng phải thấy là chúng ta đang sướng như tiên chứ? Dĩ nhiên
là cho đến mùa hè thôi. Sau đó thì gió sẽ đổi chiều.

Đương
nhiên hoàn cảnh bắt buộc cả hai chúng tôi đi làm toàn thời gian. Cân bằng tài
chính của nông trại khá kém, việc bồi hoàn cho khoản nợ thuế nhầm lẫn của Liên
minh châu Âu đã ngốn hết số hoa lợi. Chúng tôi đã chống chọi được với khó khăn,
nhưng ngay khi Arvid bắt đầu bò lổm ngổm quanh nhà thì các bữa ăn cũng kém
hoành tráng đi.

Bầu
trời của chúng tôi chỉ có một chút mây ti sắp biến mất, tôi tự nhủ. Trừ phi nó
báo trước một đợt khí lạnh…

Chúng
tôi đã không làm chuyện ấy từ sau khi Arvid chào đời. Gần như không. Ừ thì,
chúng tôi cũng vuốt ve nhau qua loa cho phải phép, gần giống như hồi Anita. Tôi
không biết là do lỗi của ai - đôi khi tôi nghĩ nguyên nhân là vì chiếc áo ngủ
của Désirée bị dính sữa.

Như
thế không được gợi tình cho lắm! Trong những tối ấy, Désirée trở thành “người
mẹ” trong mắt tôi, và tôi có cảm giác mình giống như một thằng đồi bại. Những
tối còn lại, khi cảm thấy tôi thực sự ham muốn, Désirée chỉ nằm ườn ra chẳng
buồn hưởng ứng, và tôi không tài nào gợi hứng cho cô ấy được.

Rồi
có lúc nguyên nhân là thằng Arvid. Tôi dám thề là thằng bé không muốn có em.
Hình như nó có thể cảm thấy ngay khi một trong hai chúng tôi trườn sang phía
giường bên kia. Lúc đó nó ngoác cái miệng bé xíu ra và bắt đầu gào khóc.
Désirée lập tức cho nó bú, sau đó cả hai mẹ con cùng ngủ thiếp đi, bỏ mặc tôi
nằm trơ ra đấy, xót thương cho cái thân phận của mình. Các bữa ăn đúng là ngon
thật, nhưng mà…

25. Désirée

Mọi
chuyện y như một chuyến viễn du đến xứ sở xa lạ. Tôi đã làm bạn với những người
thổ dân để học hỏi về văn hóa, phong tục tập quán của họ. Tôi hòa nhập vào ngôi
làng nhỏ ở miền quê. Tôi đã cố gắng hội nhập. Không, thật sự tôi không hề muốn
trở nên giỏi hơn họ - những ý nghĩ kiểu này luôn khiến tôi nhớ đến bữa ăn tối ở
nhà Bengt-Göran và Violet. Ngược lại là đằng khác!

Tôi
cảm thấy mình thua kém. Đa phần những người phụ nữ tôi gặp gỡ tại làng đều biết
những việc mà tôi hoàn toàn không có khái niệm. Thêu đục lỗ, vải cutin, ống móc
len… Họ cũng có hàng ngàn bí quyết chăm sóc em bé. Nếu tôi đến phòng tập với
Arvid kêu khóc trong chiếc xe nôi, ai đó sẽ bế nó lên và dỗ nó nín ngay trong
vòng hai phút. Họ biết đơm nút, thùa khuyết, may dây kéo và sửa lại quần áo. Họ
cũng tự nhuộm tóc, cắt tóc cho chồng con, trao đổi với nhau những cái cành giâm
hoặc củ hoa. Các luống hoa của họ là một vườn ươm giống thực sự. Tất cả hoặc ít
ra phần lớn họ đều làm việc bán thời gian trên thành phố. (Tôi đang nói đến
phần lớn phụ nữ nhé. Đàn ông thì hoặc làm việc toàn thời gian, hoặc thất
nghiệp, đôi khi cả hai, nếu họ làm trong ngành xây dựng…).

Tối
đến, cánh phụ nữ trong làng tập hát đồng ca, làm gốm và tập yoga,
hoặc làm những việc khác. Đó là nếu như họ có thời gian rãnh rỗi, nếu các đức
ông chồng không đi săn, chơi bowling với bạn bè hoặc đi xem khúc côn cầu.

Đàn
ông và phụ nữ ở đây sống những cuộc sống hoàn toàn khác nhau, họ không có nhiều
hoạt động chung. Không thể có chuyện phụ nữ đi uống bia, xem khúc côn cầu trong
khi đàn ông cho bọn trẻ làm bài tập và giặt quần áo. Để có vài giọng nam trầm
trong dàn đồng ca, người ta phải dùng vũ lực để bắt buộc, còn trong vườn thì
các ông chỉ xuất hiện khi cần khiêng đá tiểu cảnh.

Phụ
nữ không bao giờ có ý định phóng xe trượt tuyết vèo vèo trong những ngày Chủ
nhật mùa đông. Nhưng họ có thể làm một giỏ thức ăn và đi dã ngoại với bọn trẻ.

Cuộc
sống của hai giới gần như cách biệt với nhau, nhưng trong những lễ hội làng thì
sự cách biệt đó được tháo bỏ, ít nhất ta cũng có thể nói như thế. Đàn ông và
phụ nữ ca hát vang trời, uống rượu say sưa rồi quấn lấy nhau trên các bãi khiêu
vũ đến tận khuya, sau đó cùng nhau chui vào các bụi rậm. Thỉnh thoảng chuyện đó
lại gây ra xích mích. Nhưng tôi không nghĩ họ uống buông thả hơn dân thành phố,
vạch giới hạn của họ được thiết lập rất chắc chắn. Dù sao thì, chuyện trai gái
là chủ đề quan tâm cao của các mẩu chuyện phiếm, tôi có thể nhận thấy điều đó
khi ngồi lại uống cà phê và quan sát sau giờ tập hát đồng ca.

Mảnh
bằng đại học của tôi ở đây chẳng là cái gì, đó là sự thật, và tôi cũng không
bao giờ đem nó ra để khoe. Chúng tôi có thể thảo luận về sách, rất nhiều phụ nữ
tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách và tỏ ra cực kỳ quan tâm với các tác phẩm
mới xuất bản. Trong lĩnh vực này thì đôi lúc tôi có thể tỏa sáng một chút. Tôi
chỉ có mỗi cái đó để chứng tỏ giá trị của mình.

Cánh
đàn ông thì đọc các phụ trương báo thể thao.

Tôi
không bao giờ đề cập đến tình hình chính trị thế giới với phụ nữ, triết học
hoặc nữ quyền lại càng không. Không phải vì tôi thấy họ quá đơn giản - ngược
lại là đằng khác - mà vì cánh phụ nữ trong làng có quá nhiều chủ đề khác để
thảo luận. Có khi là những chuyện ngồi lê đôi mách, - tôi dám cá là cánh đàn
ông cũng chẳng kém cạnh gì nữ giới về khoản này - có khi lại là công thức làm
bánh, hoặc các mẹo chăm sóc nhà cửa. Phụ nữ thường xuyên là người khơi lên
những chủ đề của cộng đồng: quét dọn vỉa hè, làm bánh để đem bán lấy tiền ủng
hộ xây sân mới cho câu lạc bộ bóng đá thiếu niên địa phương, phản đối việc cắt
giảm nhân viên tại nhà trẻ… Họ nắm quyền quyết định. Mọi việc diễn ra đều phải
có bàn tay phụ nữ, mặc dù cánh đàn ông chiếm đa số trong hội đồng của làng.
Chuyện này đôi khi trở nên rất buồn cười, như câu chuyện về một ông bị buộc
phải tổ chức họp mặt tại nhà mình, nhưng cứ khất lần mấy tháng liền vì vợ bị ốm
và ông ta không biết pha cà phê!


một kiểu chủ nghĩa nữ quyền thô ráp và mạnh mẽ tồn tại ở đa số các phụ nữ trong
làng, đến mức nhiều khi khiến tôi ngỡ ngàng. Trong khi những nhà nữ quyền bị
gắn mác chống nam giới ngay khi vừa lên tiếng chống lại sự khác biệt về mức
lương trên các phương tiện truyền thông, các phụ nữ ở đây chẳng ngại ngùng gì
trong việc nói xấu đàn ông. Dù không ghét đàn ông, phụ nữ ở đây cũng không đặc
biệt tôn trọng họ. Các bà vợ coi chồng mình như một đứa trẻ không thông minh.
Đàn ông suy nghĩ bằng cái của nợ nằm giữa hai chân, không thể giao cho họ những
nhiệm vụ quan trọng được! Tốt nhất là cứ để họ đi với nhau, như thế chúng ta
càng rảnh nợ! Không có ai trong số các chị em phụ nữ quanh tôi nhận ra họ đã
trở thành một nhà nữ quyền.

Nói
thế thì cũng vơ đũa cả nắm thật. Có những ông chồng nghỉ làm để chăm vợ đẻ,
cũng có những chị phụ nữ hiểu biết về các vấn đề xã hội chẳng kém gì mấy ông,
nhưng họ chỉ là cá biệt. Người ta gọi họ là “bố đảm”, “mẹ giỏi”, các bạn cũng
biết rồi.

Nói
chung, tôi thấy thoải mái hơn với những người trong làng so với các nơi khác.
Họ không đòi hỏi, dễ chịu và tốt bụng. Nhờ thế mà tôi hoạt động xã hội nhiều
hơn. Tổ chức tiệc Giáng sinh, viết một vở kịch ngắn, những chuyện đó tôi sẽ
thực hiện, nhưng là sau này. Đôi khi tôi nghĩ họ cũng bàn tán về mình, nhưng có
sao, tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Sau khi sinh Arvid, tôi cảm thấy mình đã hòa
nhập tốt vào cộng đồng, và mọi người đều hài lòng vì Benny đã có gia đình. Với
tư cách người sản xuất sữa cuối cùng trong làng, anh gần như là người hùng
trong mắt họ.

Vào
tháng Hai, tôi lại mang bầu một lần nữa. Tôi không tin nổi chuyện đó có thể xảy
ra trong khi cho co bú, dù sao thì nó cũng rất hãn hữu. Nhưng đúng là chúng tôi
đã không chú ý.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3