Trăm năm cô đơn - Chương 17 - Phần 2
Lúc đó Ucsula đành chịu.
“Trời ơi!” Ucsula thầm kêu: “Vậy ra đây là cái chết”. Ucsula bắt đầu đọc lời cầu
nguyện không dứt, vội vã và sâu sắc, lời nguyện cầu kéo dài tới hơn hai ngày,
và hôm thứ ba thì biến thành sít pha tạp giữa lời cầu Chúa với những lời chỉ bảo
thiết thực để cho những con kiến đỏ không làm đổ ngôi nhà, để ngọn đèn ở trước
tấm ảnh của Rêmêđiôt không bao giờ tắt, để mọi người hãy giữ gìn không để bất
kì người nào trong dòng họ Buênđya lấy người cùng chung huyết thống, bởi vì những
cuộc hôn nhân như vậy sẽ cho ra đời những đứa con có đuôi lợn. Aurêlianô
Sêgunđô cố lợi dụng tình trạng mê sảng của Ucsula để cụ nói cho biết nơi chôn cất
vàng, nhưng lại một lần nữa những lời van nài ấy không có kết quả. “Khi nào chủ
của số vàng ấy xuất hiện, - Ucsula nói. - Thì trời sẽ chiếu sáng để người ấy
nhìn thấy”. Santa Sôphia đê la Piêđat thì tin chắc rằng chỉ một sớm một chiều
là Ucsula sẽ chết thôi, vì trong những ngày đó bà đã nhìn thấy điềm gở của trời
đất: những bông hồng lại có mùi hương của loài rau muối, một quả bí đựng hạt đậu
xanh rơi xuống đầu bà và những hạt đậu ở trên nền nhà nằm theo một trật tự hình
học hoàn chỉnh và có hình con sao biển, rồi một đêm bà thấy có một hàng đĩa màu
da cam rực sáng bay ngang trời.
Ucsula chết vào sáng
sớm ngày thứ năm lễ thánh. Lần cuối cùng mà người ta giúp cụ tính tuổi thọ, dựa
vào những năm tháng của Công ty chuối, đã ước tính rằng cụ đã sống khoảng từ một
trăm mười lăm đến một trăm hai mươi hai năm. Người ta đặt Ucsula trong một chiếc
hộp nhỏ để đưa đi chôn cất, cái hộp ấy có lẽ không lớn hơn cái làn mà người ta
đã xách Aurêlianô về nhà thuở chú mới sinh; và có rất ít người đưa đám Ucsula,
một phần vì chẳng mấy ai nhớ đến cụ, phần nữa vì trưa hôm ấy trời nóng quá,
nóng đến mức những con chim lạc đường bay bổ nhào cả vào tường, làm rách các tấm
lưới kim loại ở cửa sổ, chui tọt vào phòng ngủ và chết trong đó.
Thoạt tiên, người ta
tin rằng đó là một nạn dịch hạch. Những bà nội trợ mệt nhoài vì phải quét dọn
xác chim, nhất là vào lúc giữa trưa, còn đàn ông thì đem hàng xe bò những xác
chim ấy quẳng xuống sông. Trong ngày chủ nhật lễ phục sinh, từ trên bục lễ vị
cha cố trăm tuổi Antôniô Isaben quả quyết rằng những con chim kia chết do ảnh
hưởng xấu xa của quỷ dữ Giuđiô Erantê[34] mà
chính cha đã nhìn thấy đêm hôm trước.
[34] Nghĩa: tên Do Thái lang thang.
Vị cha cố ấy miêu tả
nó như là đứa con lai giữa một con dê đực với một người đàn bà phản đạo, đó là
một con quỷ sứ mà hơi thở của nó thiêu đốt không khí, nó đi đến nơi nào thì những
cô gái mới lấy chồng ở nơi ấy sẽ mất khả năng thai nghén. Chẳng mấy ai chú ý đến
bài thuyết giảng về ngày khải huyền của cha, vì dân làng tin rằng tuổi tác già
nua đã khiến cha nói năng nhảm nhí. Nhưng sáng sớm hôm thứ tư một phụ nữ đã
đánh thức mọi người dậy, vì bà ta đã thấy những dấu vết của một con vật hai
chân có móng guốc. Những dấu vết quá ư rõ ràng và không thể nhầm lẫn được, đến
mức những người tới xem chúng không nghi ngờ gì về sự tồn tại của một con vật
đáng sợ giống hệt như vị cha cố miêu tả, và họ cùng nhau đặt bẫy trong các sân
vườn nhà mình. Thế rồi họ bắt được nó. Hai tuần lễ sau khi Ucsula chết, Pêtra
Côtêt và Aurêlianô Sêgunđô giật mình tỉnh thức khi nghe thấy tiếng gào khóc của
một con bê từ gần đó vẳng lại.
Khi họ dậy thì dã thấy
một đám người đang gỡ con quái vật khỏi những chiếc chông nhọn cắm dưới đáy một
cái hố được phủ lá khô ở trên. Con vật không còn kêu được nữa rồi. Tuy nó không
cao hơn một đứa trẻ, nhưng nặng như một con bò, và từ các vết thương, một chất
máu nhờn màu xanh chảy ra. Trên mình con vật ấy phủ kín một lớp lông thô cứng
mà rậm rạp, da nó đã hỏa đá bởi một lớp vảy cá ép; nhưng khác với sự miêu tả của
cha cố, các bộ phận của cơ thể con vật ấy giống các bộ phận cơ thể của một vị
thần gầy yếu hơn là của con người, vì đôi tay nó nhẵn nhụi và khéo léo, đôi mắt
mở to và mờ ảo, và trên bả vai có những vết chai sẹo là dấu vết của một đôi
cánh to khỏe đã bị rìu chặt đi. Người ta cột chân nó vào một cây hạnh đào ở bãi
đất rộng để mọi người đều được nhìn thấy, và đến khi nó bắt đầu thối rữa thì họ
đem thiêu trên giàn lửa bởi lẽ không thể xác định được bản chất của nó thuộc loài
vật hay thuộc một con chiên của đạo Cơ đốc, để có cách xử lí thích hợp: quẳng
xác nó xuống sông hay là đem mai táng. Chẳng bao giờ biết chắc rằng có phải
đúng nó đã làm những con chim kia chết hay không, nhưng số người đàn bà vừa mới
lấy chồng đã không có thai và cái nóng cũng chẳng giảm đi.
Cuối năm đó Rêbêca chết.
Arhêniđa, người suốt đời ở cho Rêbêca, nhờ nhà đương cục giúp đỡ để phá cửa
phòng ngủ, nơi thấy Rêbêca nằm trên một chiếc giường đơn độc, mình co quắp
trong miệng. Aurêlianô Sêgunđô mai táng cho Rêbêca và cố gắng tu sửa nhà cửa để
bán đi, nhưng ngôi nhà đã bị hư hại quá nặng đến mức các bức tường đã hỉ lở vỡ
ngay sau khi sởn những cây vạn niên thanh làm hỏng các cột trụ.
Tất cả sự phá sản đã
diễn ra như vậy từ khi mưa lại. Sự lười biếng của mọi người được chứng nghiệm bằng
sự lãng quên gậm nhấm dần những kỉ niệm một cách không thương tiếc, đến mức độ
cao nhất là trong thời gian ấy, vào dịp kỉ niệm ngày kí hiệp định Neclanđia, mấy
vị đại diện của Tổng thống nước cộng hoà đến Macônđô để trao tặng tấm huân
chương từng nhiều lần bị đại tá Aurêlianô Buênđya khước từ đã phải mất trọn một
buổi chiều kiếm người chỉ cho biết nơi có thể tìm thấy một người nào đó thuộc
dòng dõi của đại tá. Aurêlianô Sêgunđô háo hức nhận tấm huân chương đó vì tin rằng
nó bằng vàng, nhưng trong khi các vị đại diện của Tổng thống chuẩn bị dàn nhạc
và diễn văn cho buổi lễ, Pêtra Côtêt đã thuyết phục ông rằng làm như vậy là nhục
nhã. Cũng vào thời gian ấy, những người digan trở lại, đó là những người cuối
cùng kế thừa được khoa học của Menkyađêt, họ thấy thôn xóm quá xơ xác và dân
làng quá biệt lập với thế giới bên ngoài, đến mức họ lại vào từng nhà và kéo
theo những thỏi sắt đã nhiễm từ, cứ như thể những thỏi sắt ấy thật sự là phát
hiện mới nhất của các nhà thông thái xứ Babilon, họ lại dùng thấu kính hội tụ
khổng lồ để tập trung ánh sáng mặt trời; và chẳng phải là không có người há hốc
mồm nhìn những chiếc xoong bị đổ và những chiếc chảo lăn lông lốc, cũng chẳng
thiếu gì kẻ bỏ ra năm mươi xu để kinh ngạc trước việc một cô gái digan tháo hàm
răng giả ra rồi lại lắp vào. Một đoàn xe lửa xộc xệch màu vàng chẳng chở ai đến
cũng chẳng chở ai đi và hầu như không dừng lại ở một nhà ga vắng vẻ, đó là hình
ảnh duy nhất còn lại của một đoàn tàu đông người - ở đó, ngài Brao giữ một toa
có mái che bằng kính và những chiếc ghế bành như ghế của Giáo chủ - và của những
đoàn tàu chở hoa quả gồm một trăm hai chục toa mà chiều nào cũng chậm chạp chạy
qua đây hết đúng một buổi chiều. Các vị đại diện của toà án đi xác minh tin tức
về cái chết lạ lùng của những con chim và cái chết của con quỷ Giuđiô Erantê đã
gặp cha cố Antôniô Isaben đang chơi trò bịt mắt bắt dê với lũ trẻ nhỏ, họ cho rằng
thông báo của cha là sản phẩm của sự lẩm cẩm của tuổi già, nên đã đưa cha về một
trại an dưỡng. Sau đó không lâu người ta phái cha Augustô Anhên về. Ðó là một
người lính thập tự chinh mới được đào luyện, một người kiên quyết, dũng cảm và
liều lĩnh, muỗi ngày tự tay kéo chuông vài lần để tinh thần khỏi trì trệ, đi từ
nhà này qua nhà khác để đánh thức những kẻ ngủ quá nhiều dậy đi lễ; nhưng chưa
được một năm thì cha cũng bị gục vì đã hít thở phải những uế tạp trong không
khí, vì bụi nóng đã làm cha già xọm và đi đứng khó khăn, vì món thịt băm viên của
những bữa cơm trưa trong cái nóng không thể chịu nổi đã làm cha mắc chứng ngủ
gà ngủ gật.
Từ khi Ucsula chết,
ngôi nhà lại rơi vào tình trạng bị bỏ hoang không gì có thể khắc phục được, kể
cả một ý chí rất kiên trì và mạnh mẽ như của Amaranta Ucsula, người mà nhiều
năm sau đó, vì là một phụ nữ cởi mở, vui tươi, và thời thượng, gắn bó với xã hội
bên ngoài, đã mở rộng cửa để tránh sự suy sụp, sửa sang lại vườn hoa, diệt lũ
kiến đỏ giữa ban ngày ban mặt dám bò ra tận hành lang, và cố gắng làm thức dậy
tinh thần hồ hởi hiếu khách đã bị lãng quên. Nỗi đam mê mang màu sắc tu viện của
Phecnanđa đã dựng cả một con đê vững chắc trước cuộc đời trăm năm sôi động ào ạt
như thác nước của Ucsula. Phecnanđa chẳng những không mở cửa ra vào khi cơn gió
nóng đã qua mà còn lấy then gỗ cài chặt cửa sổ lại, làm theo lời dặn của cha
thánh thần, tức là bà đã tự chôn mình giữa cuộc đời. Việc thư từ liên lạc đầy tốn
kém với các thầy thuốc không thể nhìn thấy đã thất bại. Sau rất nhiều lần trì
hoãn, vào một ngày giờ thích hợp, Phecnanđa đã tự giam mình trong phòng ngủ, chỉ
đắp một chiếc khăn trắng, quay đầu về hướng bắc, và lúc một giờ sáng bà cảm thấy
người ta phủ lên mặt mình một chiếc khăn thấm nước lạnh. Khi Phecnanđa thức dậy
mặt trời đã chiếu sáng cửa sổ, và trên mình bà có một đường khâu chạy suốt từ bẹn
lên đến chỗ xương mỏ ác. Nhưng trước khi thực hiện sự yên nghỉ theo dự kiến,
Phecnanđa đã nhận được một bức thư khó hiểu của các thầy thuốc không thể nhìn
thấy, trong thư họ nói rằng đã khám nghiệm bà trong suốt sáu giờ đồng hồ nhưng
chẳng thấy những triệu chứng mà nhiều lần bà đã miêu tả tỉ mỉ. Quả thật, thói
quen không gọi sự vật bằng cái tên của nó của Phecnanđa là một thói quen có hại,
nó chính là nguồn gốc của một sự lầm lẫn mới, bởi vì các nhà giải phẫu viên cảm
chỉ thấy bà bị sa tử cung thôi và có thể chữa bằng một chiếc vòng treo. Phecnanđa
muốn có một thông báo cụ thể, nhưng những người viết thư không quen biết kia
không viết thêm cho bà nữa. Quá băn khoăn về một từ lạ, Phecnanđa đã vượt qua sự
ngượng ngùng, đánh bạo hỏi xem vòng treo tử cung là cái gì, nhưng cho đến lúc ấy
bà mới biết rằng ba tháng về trước ông thầy thuốc người Pháp đã treo cổ trên xà
nhà và được một chiến hữu cũ của đại tá Aurêlianô Buênđya mai táng, trái với ý
muốn của dân làng. Phecnanđa đành phải trông cậy anh con trai mình, Hôsê
Accađiô, và anh ta đã gửi từ Rôm về cho bà những chiếc vòng kèm tờ chỉ dẫn mà
bà đã giấu biệt sau khi học thuộc lòng để không ai biết thực trạng bệnh tật của
mình. Cẩn thận như vậy là vô ích, bởi vì những người sống trong ngôi nhà này
hình như chẳng hề quan tâm đến điều ấy. Santa Sôphia đê la Piêđat sống trong tuổi
già cô quạnh, bà nấu nướng thức ăn cho cả nhà, và dường như dành tất cả sức lực
cho việc chăm sóc Hôsê Accađiô Sêgunđô. Amaranta Ucsula, người thừa kế những vẻ
quyến rũ của Rêmêđiôt - Người đẹp lo dành toàn bộ thời gian cho việc học hành
mà trước đây cô thường lãng phí vào việc trêu chọc Ucsula, bắt đầu tỏ ra có ý
thức tốt và cố gắng trong học tập, điều đó làm hồi sinh những hi vọng tốt đẹp
mà Mêmê đã khơi gợi lên ở Aurêlianô Sêgunđô. Aurêlianô Sêgunđô đã hứa là sẽ gửi
cô sang Bruxen để học tiếp, theo tập quán của thời kì Công ty chuối, và mộng ước
đó đã khiến ông cố công phục hoá số ruộng đất từng bị mưa lụt tàn phá. Hồi ấy,
rất ít khi người ta thấy Aurêlianô Sêgunđô ở nhà. Ông đi làm việc vì Amaranta
Ucsula, vậy nên đối với Phecnanđa ông đã trở thành một người khác lạ. Còn
Aurêlianô càng đến tuổi phát dục càng xa lánh mọi người và đăm chiêu suy tư
hơn. Aurêlianô Sêgunđô tin rằng tuổi già sẽ làm mềm dịu trái tim của Phecnanđa,
để Aurêlianô có thể hoà mình vào cuộc sống của một làng mà ở đó chắc chắn sẽ
không có ai mất công tìm hiểu gốc gác của chú. Nhưng chính Aurêlianô lại thích
sống tự giam mình trong nỗi cô đơn và chẳng tỏ ra có một chút thích thú nào với
việc làm quen thế giới bên ngoài khung cửa. Khi Ucsula mở cửa phòng Menkyađêt,
Aurêlianô cứ lượn lờ xung quanh, tò mò nhìn cánh cửa khép hờ, và chẳng ai biết
rằng quan hệ thân mật qua lại giữa chú và Hôsê Accađiô Sêgunđô đã nảy sinh từ
lúc nào. Mãi về sau, khi nghe Aurêlianô nói về vụ thảm sát ở nhà ga xe lửa,
Aurêlianô Sêgunđô mới phát hiện ra quan hệ đó. Số là, một hôm trong bữa ăn, có
người nào đó than vãn về sự suy sụp và chìm đắm của làng xóm khi bị Công ty chuối
bỏ rơi, và Aurêlianô đã bác bỏ ý kiến đó với sự chín chắn và cách nói năng của
người lớn. Theo quan điểm của chú đối lập với cách hiểu của mọi người nói
chung, thì trước khi bị Công ty chuối làm cho điêu đứng, suy thoái và sau đó bị
áp bức, Macônđô là một vùng giàu có và đang đi lên, và chính các kĩ sư của Công
ty chuối đã gây nên nạn lụt để lấy cớ huỷ bỏ hợp đồng với những người lao động.
Khi miêu tả với những chi tiết chính xác và có tính thuyết phục việc quân đội bắn
chết hơn ba ngàn người bị vây chặt ở nhà ga rồi dùng một đoàn xe lửa hai trăm
toa chở xác họ quăng xuống biển, Aurêlianô đã nói rõ ràng đến mức làm cho Phecnanđa
có cảm tưởng như chú đang bắt chước Chúa Giêsu một cách vô lễ khi Chúa nói với
các tông đồ của mình. Cũng như phần lớn những người khác, tin vào lẽ phải chính
thống cho rằng không có chuyện ấy, Phecnanđa đùng đùng nổi giận và bắt
Aurêlianô phải ngừng lời vì nghĩ rằng chú đã kế thừa những thói xấu vô chính phủ
của đại tá Aurêlianô Buênđya. Ngược lại, Aurêlianô Sêgunđô chấp nhận ý kiến của
người anh em sinh đôi Hôsê Accađiô Sêgunđô. Trên thực tế, mặc dù bị coi là điên
dại, Hôsê Accađiô Sêgunđô là người sáng láng nhất nhà. Hôsê Accađiô Sêgunđô đã
dạy chú bé Aurêlianô biết đọc biết viết, hướng dẫn chú bắt đầu nghiên cứu những
thứ được ghi chép trên các tấm da thuộc và in sâu vào chú những cách lí giải rất
riêng về ý nghĩa của Công ty chuối đối với Macônđô mà nhiều năm sau này, khi đã
hoà mình vào cuộc sống chung, Aurêlianô vẫil còn nghĩ rằng Hôsê Accađiô Sêgunđô
đã kể chuyện huyền thoại, bởi vì nó khác hẳn với sự giảng giải lừa bịp mà các
nhà sử học đã thừa nhận và đưa vào các bài giảng ở trường học. Trong căn phòng
nhỏ hẹp, nơi không bao giờ có gió khô, bụi đỏ và sự nóng nực, Aurêlianô và Hôsê
Accađiô Sêgunđô nhớ lại hình ảnh cha truyền con nối về một ông già đội chiếc mũ
cánh quạ đang nói về thế giới ở đằng sau cánh cửa có từ rất nhiều năm trước khi
họ ra đời. Cả hai cùng nhận ra rằng ở đó luôn luôn là tháng ba và luôn luôn là
ngày thứ hai, cũng khi đó, họ hiểu rằng cụ cố Hôsê Accađiô Buênđya không phải
điên dại như những người trong gia đình kể lại, mà là người duy nhất trong gia
đình, với trí tuệ khá minh mẫn, đã thấy mơ hồ một chân lí là thời gian cũng bị
vấp váp và bị tai nạn, bởi vậy nó có thể tự tan vỡ ra, và để lại trong phòng một
mảnh đã được vĩnh cừu hoá. Ngoài ra, Hôsê Accađiô Sêgunđô còn phân loại được những
mã chữ ghi trên các tấm da thuộc. Hôsê Accađiô Sêgunđô quả quyết rằng những mã
chữ đó thuộc một loại hình văn tự có từ bốn mươi bảy đến năm mươi hai nét chữ
cái, khi tách rời ra chúng như những con nhện và những con bọ, và với cách viết
nắn nót của Menkyađêt chúng lại giống như những mảnh quần áo phơi trên dây.
Aurêlianô nhớ lại rằng chú đã thấy một bảng chữ như vậy trong bộ bách khoa toàn
thư của Anh, và thế là chú mang bảng của mình đến phòng để đối chiếu giới bảng
của Hôsê Accađiô Sêgunđô. Hai bảng ấy hoàn toàn giống nhau.