Nụ hôn của Casanova - Phần một - Chương 04 ---> 09
Chương 4
Lúc bế Marcus Daniels trên tay, hầu như
toàn bộ cơn giận dữ của tôi đều dồn vào những bước chân chạy đến
bệnh viện St. Anthony. Bây giờ khi luồng adrenaline đã hạ xuống, tôi
lại cảm thấy mệt mỏi kỳ lạ.
Khu vực chờ của phòng cấp cứu ồn ào
nhốn nháo kinh khủng. Tiếng trẻ con khóc, tiếng rền rĩ của các ông
bố bà mẹ, loa phóng thanh không ngừng gọi bác sĩ. Một người đàn ông
bị chảy máu liên tục rên rỉ, “Ôi mẹ kiếp, ôi mẹ kiếp.”
Tôi vẫn thấy đôi mắt buồn và đẹp của
Marcus Daniels. Tôi vẫn nghe được giọng nói nhẹ nhàng
của cậu bé.
Tối hôm đó, khoảng hơn sáu rưỡi một
chút, người đồng sự của tôi trong các vụ án đột ngột xuất hiện tại
bệnh viện. Tôi cảm nhận có chuyện gì đó không ổn nhưng trong lúc này
tạm thời lờ nó đi.
John Sampson và tôi thân nhau kể từ khi
lên mười, cái thuở còn chạy trên chính những con phố này ở Đông Nam
D.C. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã sống sót qua thời thơ ấu mà
không phải cắt cổ họng. Tôi theo học ngành tâm lý bất thường và có
được bằng tiến sĩ ở trường JohnsHopkins. Sampson vào quân đội. Và rồi
một cách hết sức bí ẩn và lạ lùng, cuối cùng chúng tôi lại làm
việc cùng nhau trong lực lượng cảnh sát D.C.
Tôi ngồi trên chiếc băng ca không trải
khăn đặt phía ngoài phòng Chấn thương. Bên cạnh tôi là “bàn thuốc di
động” mà họ vừa dùng cho Marcus. Những dây garô cao su treo ở tay cầm
màu đen như đám cờ đuôi nheo.
“Cậu bé sao rồi?” Sampson hỏi. Cậu ta
cũng biết Marcus. Không hiểu sao cậu ta luôn biết mọi thứ. Nước mưa
vẫn rỏ xuống từ chiếc áo ponsô đen, nhưng xem ra cậu ta chẳng để tâm
đến.
Tôi buồn bã lắc đầu. Tôi vẫn cảm
thấy mình thật vô dụng. “Vẫn chưa biết. Họ không nói gì với tớ. Bác
sĩ muốn biết liệu tớ có phải là người nhà đứa trẻ hay không. Họ đã
đưa nó đến phòng Chấn thương. Nó đã tự làm mình bị thương rất nặng.
Mà sao lúc rối ren này cậu lại đến đây?”
Sampson hất vai cởi áo ponsô ra, đoạn
ngồi phịch xuống cạnh tôi trên chiếc băng ca căng hết cỡ. Bên trong áo
ponsô, cậu ta bận trang phục thám tử đường phố điển hình: bộ đồ thể
theo màu đỏ hiệu Nike, hợp với đôi giày đế mềm mũi cao, vòng tay
bằng vàng mỏng, nhẫn có khắc hình. Dáng vẻ đường phố ấy không bị
sứt mẻ gì.
“Cái răng vàng của cậu đâu rồi?” tôi
gượng cười. “Phải có cái răng vàng ấy thì mới đồng bộ. Ít nhất
phải có một ngôi sao vàng trên răng chứ. Tóc bện chân rết thì sao?”
Sampson khịt mũi cười. “Nhận được tin,
tôi đến đây luôn,”
cậu ta giải thích ngay về sự xuất hiện của mình ở bệnh viện St.
Anthony. “Cậu có sao không đấy? Trông cậu như con voi đực to lớn, thiếu
não còn sót lại vậy.”
“Một đứa trẻ muốn tự sát. Nó đáng
yêu, giống như Damon vậy. Chỉ mới mười một tuổi.”
“Có cần tôi đột nhập ổ ma tuý của
họ không? Bắn cha mẹ của đứa bé nhé?” Sampson hỏi, ánh mắt sắt đá.
“Chúng ta sẽ làm chuyện đó sau,” tôi
đáp lại.
Có lẽ tôi cũng muốn làm thế. Tin tốt
là bố mẹ của Marcus Daniels sống cùng nhau, tin xấu là họ để thằng
bé cùng bốn người chị em của nó sống tại ổ ma tuý mà họ làm chủ
gần khu ổ chuột Langley.
Lũ trẻ nhà đó tuổi từ năm đến mười hai đều tham gia vào công việc
này. Chúng là những kẻ “cấp hàng”.
“Cậu đang làm gì ở đây thế?” tôi hỏi
lại cậu ta lần thứ hai. “Không phải tự nhiên mà cậu lại có mặt tại
phố A này. Có chuyện gì vậy?”
Cậu ta rút một điếu thuốc Camels trong
bao ra. Chỉ bằng một tay. Rất điêu luyện. Cậu ta châm lửa. Bác sĩ và y
tá có mặt ở khắp mọi nơi.
Tôi giằng điếu thuốc từ tay cậu ta,
rồi di di đế giày Converse đen lên, gần chỗ hõm ngón chân cái.
“Cảm thấy khá hơn chưa?” Sampson nhìn
tôi. Rồi cậu ta nhe răng ra cười, khoe hàm răng trắng khá to của mình.
Trò đùa đã kết thúc. Sampson đã làm phép với tôi, quả là kỳ diệu,
cả việc làm trò với điếu thuốc vừa rồi cũng vậy. Tôi bỗng thấy
khá hơn. Trò đùa đã phát huy tác dụng. Tôi thật sự cảm thấy như
mình vừa được nửa tá người thân và hai đứa con ôm ấp vỗ về. Sampson
là người bạn thân thiết nhất của tôi vì một lý do. Cậu ấy cô thể
chọc tức tôi nhiều hơn bất cứ ai.
“Thiên sứ từ bi đã đến rồi,” cậu ta
nói, chỉ xuống phía hành lang dài đang hỗn loạn.
Annie Waters đi về phía chúng tôi, tay
thọc sâu vào túi áo bác sĩ. Gương mặt chị căng thẳng như thường lệ.
“Alex à, tôi rất lấy làm tiếc. Cậu
bé không thể qua khỏi. Tôi nghĩ khi đến đây nó đã hấp hối rồi. Có
lẽ chỉ sống nhờ vào hi
vọng mà anh mang trong mình.”
Những hình ảnh sống động cùng cảm
giác bồn chồn khi bế Marcus chạy dọc phố Năm mươi và L ùa về trong
tôi. Tôi tưởng tượng cái lúc người ta trùm khăn lên xác Marcus. Đó là
tấm khăn nhỏ dành cho trẻ con.
“Đứa trẻ là bệnh nhân của tôi. Mùa
xuân năm nay, thằng bé đã chọn tôi để điều trị cho nó.” Tôi kể cho hai
người lý do khiến tôi phát điên đến thế, và bỗng nhiên cảm thấy suy
sụp.
“Tôi có thể làm gì giúp anh được
không, Alex?” Annie Waters nói. Khuôn mặt đầy vẻ quan tâm lo lắng.
Tôi lắc đầu. Tôi cần phải nói, phải
trút ra hết ngay bây giờ.
“Marcus thấy tôi thi thoảng hay chuyện
trò, giúp đỡ người ta ở thành phố A này. Nó bắt đầu ghé qua đây
bằng xe moóc vào các buổi chiều. Khi tôi đã khiến nó tin tưởng, nó
kể với tôi về cuộc sống của nó tại ổ ma tuý. Tất cả những người
nó biết trong cuộc đời đều nghiện. Hôm nay, một kẻ như vậy đến nhà
tôi... Rita Washington. Không phải mẹ nó, không phải cha nó. Đứa trẻ cố
rạch cổ họng mình, rạch cổ tay mình. Chỉ mới mười một tuổi.”
Mắt tôi ướt nhoà. Một đứa trẻ bé
bỏng đã chết, có ai đó phải khóc. Bác sĩ tâm lý của một đứa trẻ
mười một tuổi chết vì tự tử cần phải thương tiếc. Dù sao tôi cũng
nghĩ vậy.
Cuối cùng, Sampson đứng dậy, nhẹ
nhàng đặt cánh tay dài lên vai tôi. Cậu ta cao hai mét mốt. “Về nhà
thôi, Alex,” cậu bạn nói. “Đi nào, bạn của tôi. Đến lúc phải về
rồi.”
Tôi bước vào nhìn Marcus lần cuối.
Tôi cầm lấy bàn tay bé nhỏ không còn
sự sống và nghĩ về những
câu chuyện giữa chúng tôi, về nỗi buồn khôn tả luôn ẩn chứa trong đôi
mắt nâu của Marcus. Tôi nhớ có một câu ngạn ngữ khá hay và sâu sắc
của dân châu Phi, “Nuôi một đứa trẻ khôn lớn cần đến cả một ngôi
làng.”
Cuối cùng, Sampson đến kéo tôi ra khỏi
đứa trẻ, đưa tôi về nhà.
Nơi mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều.
Chương 5
Tôi không thích nhìn thấy cảnh tượng
này ở nhà mình. Xung quanh có xe pháo đậu lộn xộn. Nhà tôi có khung
hình chữ A, lợp ván trắng, trông giống như mọi ngôi nhà khác. Hầu
hết những chiếc xe ở đó đều quen thuộc, đó là xe của bạn bè và họ
hàng tôi.
Sampson đỗ xe đằng sau chiếc Toyota bị
lõm đã dùng được mười năm, đó là xe của vợ Aaron, người anh trai đã
khuất của tôi. Cilla Cross là một người bạn tốt, mạnh mẽ và thông
minh. Cuối cùng, tôi còn thích chị hơn cả ông anh trai mình. Nhưng Cilla
đang làm gì ở đây?
“Trong nhà có chuyện quái quỷ gì
thế nhỉ?” Tôi hỏi Sampson một lần nữa. Tôi bắt đầu hơi bồn chồn.
“Mời tôi làm cốc bia lạnh đi,” cậu ta
nói trong khi rút chìa khoá ra khỏi ổ. “Ít nhất cậu có thể làm
thế.”
Sampson đứng lên ra khỏi xe. Khi muốn,
cậu ta di chuyển nhanh như gió. “Vào trong thôi, Alex”
Tôi đã mở của nhưng vẫn ngồi trong xe.
“Đây là nhà tôi, tôi sẽ vào trong khi nào tôi muốn.” Bỗng nhiên tôi không
muốn vào. Mồ hôi lạnh lấm tấm sau cổ. Chứng hoang tưởng của thám tử
chăng? Có thể đúng mà cũng có thể sai.
“Đừng làm khó thế,” Sampson gọi với
qua vai, “chỉ lần này thôi mà.”
Cơn ớn lạnh chạy dọc toàn thân tôi.
Tôi hít một hơi thật sâu. Ý nghĩ về con quái vật mặt người mới đây
bị tôi tống vào tù vẫn khiến tôi gặp ác mộng. Tôi rất lo sợ một
ngày nào đó hắn sẽ trốn thoát. Kẻ bắt cóc và giết người hàng
loạt đã từng xuất hiện ở phố Năm mươi này rồi.
Vậy cái quái gì đang diễn ra trong
nhà tôi?
Sampson không gõ cửa trước cũng chả
nhấn chiếc chuông cửa lủng lẳng trên nhưng sợi dây xanh đỏ. Cậu ta
thản nhiên bước vào như thể nhà mình. Lần nào cậu ta đến cũng
vậy. Mi casa es su casa[1]. Tôi theo cậu ta bước vào
chính ngôi nhà của mình.
[1] Tự nhiên như ở nhà (tiếng Tây Ban Nha).
Con trai tôi, Damon, lao vào vòng tay
dang rộng của Sampson, và John nhấc bổng nó lên như một chiếc lông
hồng. Jannie chạy ào về phía tôi, vừa chạy vừa gọi “Bố yêu của con”.
Con bé giờ đã mặc bộ đồ ngủ liền giày tất, toả ra hương phấn thơm
tươi mát sau khi tắm gội sạch sẽ. Cô con gái bé bỏng của tôi.
Có điều gì không ổn trong đôi mắt to
màu nâu của con bé. Vẻ mặt con bé khiến tôi cứng người lại.
“Gì vậy, con yêu?” tôi hỏi, cọ mũi
vào bầu má ấm áp, mềm mại của Jannie. Chúng tôi cứ cọ mũi mãi.
“Chuyện gì thế? Nói cho bố nghe chuyện gì làm con đau buồn thế kia?”
Trong phòng khách, tôi thấy ba người
dì của tôi, hai chị dâu, và người anh trai còn lại Charles. Các dì
đang khóc, mặt họ sưng húp, đỏ au. Cilla, chị dâu của tôi, cũng vậy,
mà chị không phải kiểu người hay khóc lóc vô cớ.
Căn phòng mang không khí khác thường,
ngột ngạt của buổi thức canh người chết. Có ai đó đã chết,
tôi nghĩ. Ai đó mà tất cả mọi người đều yêu thương đã chết. Nhưng
dường như tất cả mọi người tôi yêu quý đều có mặt ở đó, và tôi đều
đã tính đến.
Nana Mama, bà tôi đang phục vụ trà đá,
cà phê cùng những miếng gà lạnh nhưng xem ra chẳng ai buồn ăn. Nana
sống cùng tôi và bọn trẻ ở phố Năm mươi. Bà cho rằng bà đang nuôi cả
ba chúng tôi.
Ở tuổi tám mươi, Nana chỉ còn cao
khoảng một mét rưỡi. Đối với tôi, bà vẫn là người ấn tượng nhất
thủ đô, mà hầu hết những người đó tôi đều biết - gia đình tổng
thống Reagan, Tổng thống Bush và giờ là Clinton.
Bà tôi không khóc khi mang đồ ăn cho
mọi người. Tôi hiếm khi thấy bà khóc mặc dù bà là người vô cùng
nồng ấm và biết quan tâm chia sẻ. Chỉ là bà không khóc nữa. Bà nói
rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nên không muốn phí phạm phần
đời còn lại vào những giọt nước mắt.
Sau cùng tôi bước vào phòng khách và
hỏi câu hỏi đang luẩn quẩn trong đầu. “Rất vui được gặp cả nhà -
Charles, Cilla, dì Tia - nhưng ai đó làm ơn hãy nói cho tôi biết
chuyện gì đang diễn ra ở đây được không?”
Tất cả họ đều nhìn chằm chằm vào
tôi.
Tôi vẫn ẵm Jannie
trên tay. Damon rúc dưới cánh tay phải vạm vỡ của Sampson như một quả
bóng bầu dục đầy tóc.
Nana cất tiếng thay
cho cả nhà đang túm tụm vào nhau. Giọng nói thều thào của bà xuyên
vào lòng tôi đau nhói.
“Là Naomi,” bà khẽ
nói. “Scootchie mất tích rồi, Alex.” Nói xong, Nana Mama ứa nước mắt
lần đầu tiên trong vòng bao năm qua.
Chương 6
Casanova hét lên,
những âm thanh lớn phát ra từ tận sâu trong cổ họng trở thành tiếng
tru ghê rợn.
Hắn cứ thế chạy
thục mạng xuyên qua cánh rừng rậm rạp, và nghĩ về cô gái mà hắn đã
bỏ lại ở đó. Sợ hãi những gì mình làm. Lại một lần nữa.
Hắn phần nào muốn
quay trở lại chỗ cô gái - cứu cô - vì lòng thương hại.
Cảm giác tội lỗi
giờ đang xâm chiếm hắn, hắn bắt đầu chạy mỗi lúc một nhanh hơn. Cổ
và ngực đẫm mồ hôi, hắn cảm thấy bủn rủn, chân cũng run lẩy bẩy như
muốn khuỵu xuống.
Hắn hoàn toàn hiểu
những gì hắn đã làm. Chỉ là hắn không thể kiềm chế bản thân mình.
Dù sao thì như vậy
vẫn tốt hơn. Cô ta đã nhìn thấy mặt hắn. Thật quá ngu ngốc khi nghĩ
rằng cô có thể hiểu hắn. Hắn chỉ nhìn thấy nỗi sợ và sự ghê tởm
trong mắt cô.
Giá mà cô chịu
lắng nghe khi hắn cố gắng trò chuyện. Bởi trên hết, hắn khác với
những tên giết người hàng loạt khác - hắn có thể cảm nhận
mọi thứ mình làm. Hắn có thể cảm nhận tình yêu... sự mất
mát... và …
Hắn giận dữ lột
cái mặt nạ xác chết ra. Tất cả là lỗi của cô ta. Hắn sẽ phải thay
đổi nhân cách ngay bây giờ. Hắn cần phải thôi làm Casanova.
Hắn cần là chính hắn.
Một nhân cách đáng thương.
Chương 7
Là Naomi. Scootchie đã mất tích rồi, Alex.
Cuộc họp khẩn cấp
nhất của đại gia đình Cross diễn ra trong bếp như thường lệ. Nana pha
thêm cà phê, và một chút trà thảo mộc cho mình. Trước tiên, tôi đưa lũ̃ trẻ lên giường đi
ngủ. Sau đó tôi khui một chai Black Jack và lần lượt rót những ly rượu
whiskey mạnh nhất cho tất cả mọi người.
Tôi được biết đứa
cháu gái hai mươi hai tuổi đã mất tích ở Bắc Carolina bốn ngày nay.
Cảnh sát tại nơi đó đợi chừng ấy thời gian mới liên lạc với gia
đình chúng tôi ở Washington. Cũng là cảnh sát, tôi thấy điều này
thật khó hiểu. Trong những trường hợp mất tích thông thường, cảnh sát
chỉ cần chờ hai ngày là có thể thông báo. Bốn ngày thì đúng là vô
lý.
Naomi Cross là sinh
viên luật ở trường đại học Duke. Cô bé học Rà soát Luật và đứng
gần đầu lớp. Cô cháu gái là niềm tự hào của cả gia đình, và của
chính tôi. Chúng tôi đặt tên thân mật cho cô bé từ hồi nó mới ba, bốn tuổi. Scootchie.
Thuở nhỏ, cô bé cứ lê mông bám lấy mọi người. Cô bé thích lê mông,
thích ôm va ̀được ôm. Sau khi anh trai Aaron của tôi qua đời, tôi
cùng Cilla nuôi dạy cô bé. Việc này chẳng hề khó khăn - cô bé luôn dễ
thương, hài hước, biết nghe lời và rất thông minh.
Scootchie bị mất tích. Ở Bắc Carolina. Bốn ngày rồi.
“Tôi vừa nói chuyện
với một thám tử tên là Ruskin,” - Sampson nói với mọi người trong bếp.
Cậu ta cố gắng không xử sự như cảnh sát đường phố nhưng không kìm
được. Cậu ta đã vào cuộc. Nghiêm nghị và cứng rắn. Cái nhìn đăm đăm
của Sampson, “Xem ra thám tử Ruskin nắm khá rõ vụ mất tích của Naomi. Qua
điện thoại có thể thấy anh ta là một cảnh sát mẫu mực. Dù vậy
vẫn có gì đó rất lạ. Anh ta cho tôi biết một người bạn học chung
trường luật với Naomi đã thông báo về việc cô bé mất tích. Tên cô ta
là Mary Ellen Klouk.”
Tôi đã gặp cô bạn ấy
của Naomi. Cô bé là dân Garden City, Long Island, cũng là
một luật sư tương lai. Naomi dẫn Mary Ellen về nhà ở
Washington chơi vài lần. Chúng tôi đã cùng nhau đi nghe vở Messiah của Handel trong
một dịp Giáng sinh ở trung tâm Kennedy.
Sampson tháo cặp
kính đen ra và cất đi, điều hiếm khi cậu ta làm. Cậu ta rất yêu quý
Naomi, và cũng bị sốc như tất cả chúng tôi. Cô bé gọi Sampson nào là
“Ma vương” rồi “Chúa tể Bóng tối”, và cậu ta thích được cô bé
trêu chọc như vậy.
“Tại sao thám tử
Ruskin không gọi cho chúng ta từ trước? Tại sao người ở trường đại
học đó lại không gọi cho tôi?” chị dâu tôi hỏi. Cilla năm nay bốn mốt
tuổi. Chị chả buồn giữ dáng nên vóc dáng khá đẫy đà. Tôi không chắc
chị cao đến một mét bảy nhưng ắt hẳn phải nặng gần chín mươi cân.
Chị từng nói với tôi rằng ở tuổi này chị không muốn quyến rũ đàn
ông nữa.
“Tôi cũng không rõ
tại sao,” Sampson trả lời thắc mắc của Cilla cho tất cả chúng tôi.
“Họ đã bảo Mary Ellen Klouk không gọi cho chúng ta.
“Chính xác thì
thám tử Ruskin nói gì về sự chậm trễ này?” tôi hỏi Sampson.
“Anh ta nói có
nhiều tình tiết giảm nhẹ. Anh ta không cho tôi biết rõ, dù tôi đã ra
sức thuyết phục.”
“Cậu có nói mình
sẽ đến gặp trực tiếp anh ta không?”
Sampson chậm rãi
gật đầu: “E hèm. Anh ta bảo kết quả cũng thế cả thôi. Tớ bảo không
tin. Anh ta nói cứ việc. Có vẻ chả ngán gì hết.”
“Người da màu à?”
Nana hỏi. Bà là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và tự hào
về điều đó. Bà nói mình già rồi, khó có thể sửa đổi cách cư xử
cho hợp với xã hội hay chính trị. Bà không ưa dân da trắng, nhưng cái
chính là bà thiếu tin tưởng ở họ.
“Không, cháu nghĩ
vấn đề không nằm ở đó Nana ạ. Có cái gì đó khác cơ.” Sampson nhìn
tôi qua chiếc bàn bếp. “Tớ nghĩ anh ta không thê ̉nói ra.”
“FBI?” tôi hỏi. Đó
là phỏng đoán hiển nhiên khi mọi việc trở nên quá bí mật thế này.
FBI thường nắm rõ thông tin hơn cả tổng đài Bell Atlantic, báo Washington
Post, và New York Times, nơi thông tin vốn là quyền lực.
“Rất có khả năng.
Ruskin không thừa nhận điều đó khi nói chuyện trên điện thoại.”
“Tốt hơn tớ nên nói
chuyện với anh ta,” tôi nói. “Có lẽ đến gặp anh ta là tốt
nhất, cậu có nghĩ vậy không?”
“Chị nghĩ cách đó
có ích đấy Alex,” Cilla nói với lên từ phía cuối bàn.
“Chắc tớ cũng bám
càng,” Sampson nói, cười ngoác miệng như bản chất sói săn mồi của
mình.
Mọi người gật đầu
nghiêm nghị, ít nhất một lời cầu nguyện vang lên nơi căn bếp chật
kín. Cilla đi vòng qua bàn, ôm tôi thật chặt. Người chị dâu tôi run rẩy
như thân cây to rộng giữa cơn bão.
Sampson và tôi sẽ đi
về phía Nam. Chúng tôi sẽ đưa Scootchie trở về.
Chương 8
Tôi phải nói với
Jannie và Damon về “Chị Scootch,” cái tên bọn trẻ vẫn gọi cô bé.
Chúng cũng cảm thấy có chuyện tồi tệ đã xảy ra. Cũng giống như khi
bằng cách nào đó chúng phát hiện ra những góc bí mật và dễ tổn
thương nhất trong tôi. Hai đứa chỉ chịu đi ngủ khi tôi vào kể cho chúng
nghe.
“Chị Scootch đang ở
đâu? Có chuyện gì xảy ra với chị thế bố?” Damon gặng hỏi ngay khi
tôi vào phòng ngủ của hai đứa. Nghe người lớn nói chuyện,
thằng bé đã đủ hiểu Naomi đang gặp rắc rối khủng khiếp.
Tôi luôn coi việc
nói sự thật với lũ trẻ là điều cần thiết, nếu như có thể được.
Tôi đã hứa là luôn nói cho chúng biết sự thật. Nhưng mỗi lần như thế
thì lại chẳng hề dễ dàng.
“Từ mấy ngày qua,
chúng ta không có tin tức gì của chị Naomi cả,” tôi bắt đầu câu
chuyện. “Vì thế mà tối nay mọi người lo lắng và tập trung ở
nhà mình,” tôi nói.
Tôi tiếp tục, “Bố
phải đi phá án. Bố sẽ cố hết sức tìm ra chị Naomi trong mấy ngày
tới. Các con biết là bố luôn giải quyết được mọi việc mà, đúng
không?”
Damon gật đầu tán
thành sự thật đó, lời tôi nói khiến thằng bé có vẻ vững tâm hơn,
nhưng đó chủ yếu là nhờ giọng điệu nghiêm túc của tôi. Thằng bé
nhào vào vòng tay tôi, hôn tôi, những cử chỉ mà gần đây nó chẳng mấy
khi làm. Jannie đặt lên má tôi một nụ hôn dịu dàng nhất. Tôi dang cả
hai tay ôm chúng. Những thiên thần nhỏ đáng yêu của tôi.
“Bố sẽ phá án,”
Jannie thì thầm. Điều đó khiến tinh thần tôi phấn chấn lên đôi chút.
Như Billie Holiday đã viết, “Chúa phù hộ cho những đứa trẻ tự lập.”
Đến mười một giờ, hai
đứa trẻ đã ngủ ngon lành và mọi người bắt đầu giải tán. Hai người dì lớn tuổi
đã trở về nhà với tổ ấm kỳ lạ của các bà nội trợ, Sampson cũng chuẩn
bị ra về.
Sampson thường ra
vào tự do như nhà mình nhưng hôm nay, Nana tiễn cậu ta ra tận cửa,
một điều hiếm thấy. Tôi đi theo họ. Đông vẫn an toàn hơn.
“Cảm ơn cháu vì đã
dành thời gian cùng Alex xuống miền Nam vào ngày mai,” Nana nói
nhỏ với Sampson. Tôi
băn khoăn bà đang nghĩ ai sẽ nghe thấy, tình cờ để lọt tai những tâm sự của bà
đây. “Cháu biết đấy, John Sampson, cháu hoàn toàn có thể tỏ
ra lịch thiệp và hữu ích phần nào chỉ cần cháu muốn. Chẳng phải bà luôn nói thế
với cháu sao?” Bà gí ngón tay cong cong trơ xương vào chiếc cằm bạnh của cậu
ta. “Phải không nào?”
Sampson cúi xuống
nhe răng cười với bà. Cậu ta thích thú khoe thể hình vượt trội dù là so với một
bà già tám mươi tuổi. “Cháu sẽ để Alexđi một mình chứ, cháu chỉ cần đến
sau thôi Nana ạ. Để giải cứu cậu ta và Naomi.”
Nana và Sampson cười
khúc khích giống như đôi quạ biếm họa đậu trên hàng rào cũ kĩ quen thuộc. Thật
vui khi nghe thấy tiếng cười đó. Rồi bà cố vòng tay ôm cả tôi
và Sampson. Bà đứng đó - như một cơ thể già nua nhỏ bé cố bám vào hai
cây cù tùng mà bà yêu quý. Tôi cảm nhận rõ cơ thể mong manh của bà đang run
rẩy. Hai mươi năm qua, Nana Mama chưa từng ôm chúng tôi thế này.
Tôi biết bà yêu thương Naomi như con gái ruột của mình, và bà lo sợ cho cô bé.
Đó không thể là Naomi. Cô bé không gặp chuyện gì xấu đâu, không phải
Naomi. Những từ đó cứ
lởn vởn trong óc tôi. Nhưng chắc chắn đã có chuyện xảy ra với cô bé, và giờ tôi
sẽ phải suy nghĩ và hành động như một cảnh sát. Như một thám tử điều tra án
mạng. Ở phương Nam.
“Giữ vững niềm tin
và theo đuổi đến tận cùng bí mật” Oliver Wen-dell Holmes đã từng
nói vậy. Tôi có niềm tin. Tôi theo đuổi một bí mật. Đó chính là công việc của
tôi.
Chương 9
Bảy giờ tối là khoảng
thời gian nhộn nhịp trong khuôn viên tuyệt đẹp của trường Đại học Duke những
ngày cuối tháng Tư. Vẻ rực rỡ hiện hữu khắp nơi tự xưng là “Harvard của
miền Nam”. Những cây mộc lan nở rộ bạt ngàn, nhất là dọc Chapel
Drive. Khu đất được chăm sóc cẩn thận và đặc biệt ngăn nắp khiến nơi đây
được xem là một trong những khuôn viên trường đẹp mắt nhất nước Mỹ.
Casanova say sưa
trong không gian thơm ngào ngạt khi hắn lững thững đi giữa hai cánh cổng trường
bằng đá xám cao sừng sững dẫn vào khuôn viên phía Tây của trường. Lúc đó hơn
bảy giờ một chút. Hắn đến đây với một mục đích duy nhất - săn tìm con mồi. Toàn
bộ công cuộc này thật phấn khích và hấp dẫn không cưỡng nổi. Một khi bắt đầu
hắn sẽ không dừng lại. Đây mới chỉ là màn khởi đầu. Thú vị theo mọi nhẽ.
Ta giống như con
cá mập ăn thịt người, với bộ não người và thậm chí có
cả trái tim, Casanova vừa
đi vừa nghĩ. Ta là một dã thú không có đối thủ, một
dã thú biết suy nghĩ.
Hắn tin rằng con người
yêu những cuộc đi săn - thực sự sống vì nó - chỉ là hầu như tất cả không thừa
nhận mà thôi. Ánh mắt đàn ông không ngừng tìm kiếm những phụ nữ đẹp, gợi cảm và
phụ nữ cũng chỉ tìm đám đàn ông con trai quyến rũ. Điều đó càng
đúng ở một nơi nổi bật như khuôn viên trường Duke, hay khuôn viên Đại
học Bắc Carolina trên đồi Chapel, Đại học Bang
Bắc Carolina ở Raleigh và nhiều nơi khác khắp vùng Đông
Nam mà gã từng viếng thăm.
Hãy nhìn họ mà xem! Nữ sinh trường Duke phảng phất nét kiêu kỳ nằm trong số những phụ nữ
Mỹ xinh đẹp và “thời thượng” nhất. Dù khoác lên người bộ cánh rách
te tua, những trang phục thủng lỗ chỗ tức cười hiệu Levi’s501, hay quần
tụt bụi bặm, họ vẫn có vẻ gì đó khiến người khác phải nhìn, phải ngắm, đôi lúc
chụp ảnh, và không ngớt mơ màng.
Không gì tuyệt vời hơn thế. Casanova nghĩ thầm, vui vẻ huýt sáo theo giai điệu cũ đầy hứng khởi
nói về cuộc sống nhàn hạ ở Carolina.
Hắn thờ ơ nhâm nhi một
lon Coca-Cola lạnh trong khi ngắm sinh viên chơi đùa trong khuôn
viên. Hắn cũng đang chơi trò chơi kĩ năng của chính mình - thực ra là kết hợp
vài trò phức tạp cùng một lúc. Những trò chơi ấy đã trở thành cuộc sống của
hắn. Việc hắn có một công việc “tử tế,” một cuộc sống khác chẳng còn ý nghĩa
với hắn nữa.
Hắn quan sát tất
cả đám phụ nữ đi ngang qua, thậm chí cả người ít có khả năng lọt vào
bộ sưu tập của hắn. Hắn soi những nữ sinh dáng đẹp, những nữ giáo sư lớn tuổi
và cả đám nữ sinh ngoài trường mặc áo phông thể thao Blues
Devils trường Duke, hình như là điều kiện bắt buộc với người ngoài trường.
Hắn liếm môi chờ đợi.
Một điều tuyệt vời đang chờ hắn phía trước...
Một cô gái da màu cao
ráo, thanh mảnh, đẹp tuyệt trần đang dựa vào cây sồi già tỏa bóng ở
sân Edens. Cô đang đọc tờ Tin Tức trường Duke
được gập làm ba. Hắn say mê làn da nâu sáng mịn, bím tóc tết điệu đà của
cô. Nhưng hắn vẫn tiếp tục đi.
Phải! Con người bản chất chỉ là những tên thợ săn, hắn nghĩ. Hắn lại đắm chìm trong
thế giới của riêng mình. Những người chồng “chung thủy” với điệu bộ cẩn trọng,
lén lút. Đám con trai mười một, mười hai non nớt nhìn có vẻ vô tư, nghịch ngợm.
Mấy cụ ông giả vờ không quan tâm đến cuộc đua tranh, đành thể hiện cảm xúc khá
“chừng mực”. Nhưng Casanova biết tất cả bọn họ đang quan sát, liên
tục chọn lựa, ám ảnh với việc làm chủ cuộc săn ngay từ lúc dậy thì cho đến khi
xuống mồ.
Đó là nhu cầu sinh lý
đúng không? Hắn chắc như đinh đóng cột. Phụ nữ ngày nay yêu cầu đàn ông chấp nhận sự thật rằng
đồng hồ sinh học của phụ nữ cũng kêu tích tắc... ừm, với đàn ông, đó là
khi dương vật sinh học của họ kêu tích tắc.
Những dương vật này
liên tục kêu tích tắc.
Đó cũng là bản chất tự
nhiên. Mỗi nơi hắn từng đi qua, bất kể ngày hay đêm, hắn đều cảm nhận được nhịp
đập rộn ràng trong mình. Tích tắc. Tích tắc.
Tích tắc!
Tích tắc!
Một nữ sinh xinh đẹp,
tóc vàng mật ong ngồi khoanh chân trên bãi cỏ giao với lối đi của hắn. Cô gái
đang đọc một cuốn sách bìa mềm, Triết lý về sự tồn tại của Karl
Jaspers. Những đoản khúc nghe như thần chú của nhóm nhạc rock
Smashing Pumpkins phát ra từ máy nghe nhạc cầm
tay. Casanova cười thầm.
Tích tắc!
Hắn không ngừng săn
tìm. Hắn là vị thần Priapus[1] của những năm chín mươi. Điểm
khác biệt giữa hắn với đám đàn ông nhu nhược thời hiện đại là hắn hành động
theo sự thôi thúc của bản năng.
[1] Vị thần Hy Lạp chuyên cai quản việc sinh sản của muôn loài, nổi tiếng
với khả năng cương dương.
Hắn không ngừng tìm
kiếm người đẹp và rồi sau đó sẽ mang cô ta đi! Thật là một ý tưởng giản đơn
kinh khủng. Quả là một câu chuyện kinh dị thời hiện đại đầy sức hút.
Hắn nhìn hai sinh viên
Nhật nhỏ nhắn đang ăn lấy ăn để món thịt nướng Bắc Carolina béo ngậy
mua từ nhà hàng Crooks Corner II mới mở
ở Durham. Họ ăn bữa tối trông thật ngon lành, nhai ngấu nghiến
miếng thịt nướng như những con vật nhỏ. Thịt nướng Bắc Carolina bao
gồm thịt lợn nướng trên bếp lửa, thêm một chút nước xốt pha giấm, cuối cùng xắt
nhỏ ra. Món thịt nướng không thể thiếu rau cải và bánh chiên.
Hắn mỉm cười trước
cảnh tượng không thể tin được. Măm măm.
Hắn vẫn tiếp tục bước
đi. Cảnh tượng trước mắt thu hút hắn. Lông mày xỏ khuyên. Mắt cá chân xăm
hình. Áo phông Lalapalooza. Nơi nào cũng thấy ngực, chân, đùi lả lơi
đáng yêu. Cuối cùng, hắn đặt chân đến tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc
Gothic gần bệnh viện trường Đại học Duke, phân khu Bắc. Đó là
khu nhà phụ đặc biệt, nơi những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đến
từ khắp miền Nam được chăm sóc vào những ngày cuối đời. Tim hắn bắt
đầu đập thình thịch, một loạt chấn động nhẹ bao trùm toàn thân hắn.
Nàng kia rồi!