Anh em nhà Karamazov - Phần 8 - Chương 1
PHẦN VIII
Chương 1: Kuzma Xamxonov
Khi Grusenka tung cánh bay vào cuộc
đời mới, và gửi lời chào cuối cùng đến Dmitri Fedorovich đồng thời dặn chàng hãy
nhớ mãi một giờ yêu đương nàng đã dành cho chàng thì đúng lúc ấy, Dmitri không hề
hay biết gì về sự việc xảy ra với nàng, chàng cũng đang bối rối ghê gớm và lo âu
kinh khủng.
Hai ngày gần đây, chàng lâm vào một
trạng thái như thể thực sự có thể bị viêm não, sau này chàng nói như vậy. Sáng hôm
trước, Aliosa không sao lùng tìm được chàng, còn anh Ivan hôm ấy không thể hẹn gặp
chàng ở quán ăn.
Chủ nhà theo lời dặn của Dmitri, giấu
kĩ không cho biết chàng đi đâu. Trong hai ngày ấy đúng là chàng lồng lộn khắp bốn
phương, “đấu tranh với số phận và tự cứu mình”, như cách nói của chàng sau này,
thậm chí chàng biến khỏi thành phố mấy tiếng vì có việc khẩn cấp, mặc dù chàng rất
sợ phải rời khỏi thành phố, không để mắt tới Grusenka dù chỉ một lúc. Tất cả những
điều đó sau này đã được xác minh hết sức tỉ mỉ và ghi thành biên bản, nhưng bây
giờ chúng tôi sẽ chỉ nêu ra điều cần thiết nhất trong câu chuyện về hai ngày ấy
trong đời Dmitri, hai ngày trước thảm họa ghê gớm bất thần ập xuống đầu chàng.
Grusenka tuy quả thực có yêu chàng
chân thành trong một giờ, đấy là sự thật, nhưng đôi khi cũng nhẫn tâm hành hạ chàng,
đến là tàn bạo. Cái chính là chàng không đoán được gì về ý định của nàng, cũng không
có đủ khả năng moi điều bí mật ấy bằng sự âu yếm hay bằng sức mạnh: không đời nào
nàng lộ ra, mà chỉ nổi giận và đoạn tuyệt hẳn với chàng, chàng hiểu điều đó. Chàng
hồ nghi - và hồ nghi hoàn toàn đúng - rằng chính nàng đang tự đấu tranh, đang phân
vân lạ thường, đang quyết định một việc gì mà không thể quyết được, vì thế chẳng
có lí do để cho rằng đôi lúc hẳn là nàng căm thù chàng với sự say đắm của chàng,
cứ nghĩ thế là tim chàng lịm đi. Có lẽ đúng như thế, nhưng Grusenka buồn vì chuyện
gì thì chàng vẫn không hiểu được. Thực ra toàn bộ câu hỏi dằn vặt chàng rút lại
chỉ là nàng chọn ai: “Chàng, Mitia, hay Fedor Pavlovich.” Ở đây cần ghi nhận một
điều chắc chắn: chàng tin chắc rằng Fedor Pavlovich nhất định sẽ đề nghị chính thức cưới Grusenka làm vợ và không lúc nào chàng tin
rằng ông già dâm đãng hi vọng đạt được ý nguyện chỉ bằng giá ba ngàn rúp. Biết Grusenka
và tính cách của nàng, chàng suy luận như vậy. Vì thế, có những lúc chàng tưởng
rằng Grusenka bị giày vò và phân vân chỉ vì nàng không biết chọn ai trong hai người,
chọn ai có lợi cho nàng hơn.
Còn về việc “chàng sĩ quan” sắp trở
về, gã sĩ quan có vai trò ác hại trong đời Grusenka mà nàng đang rất đỗi hồi hộp
và lo sợ chờ anh ta tới, thì kì lạ thay, trong những ngày ấy Dmitri không hề nghĩ
đến. Sự thật dù mấy ngày gần đây nhất, Grusenka tuyệt không nói gì với chàng về
chuyện ấy. Tuy nhiên chàng đã được nàng cho biết về lá thư nàng nhận được cách đây
một tháng do kẻ đã từng quyến rũ nàng gửi đến, chàng cũng biết một phần nội dung
lá thư. Lần ấy, trong một lúc tức giận, Grusenka đã cho chàng xem lá thư gần như
chằng có giá trị gì. Rất khó giải thích tại sao: có lẽ chỉ đơn giản là đang buồn
phiền vì phải lao vào cuộc tranh chấp quái gở và khủng khiếp với cha để giành giật
người phụ nữ này, chàng không thể quan niệm được điều gì đáng sợ và nguy hiểm hơn
cho mình, ít ra là trong lúc ấy. Chàng không tin là có gã chồng chưa cưới tự đâu
bỗng xuất hiện sau năm năm biệt tăm, đặc biệt là việc gã sắp trở về. Hơn nữa trong
lá thư đầu tiên của “gã sĩ quan” mà chàng đã được xem, việc kẻ tình địch mới này
sẽ về chỉ được nói đến một cách hết sức vu vơ: thư viết hết sức mơ hồ, rất đỗi khoa
trương, đầy giọng đa cảm.
Cần lưu ý rằng lần ấy Grusenka giấu
chàng mấy dòng cuối lá thư có nói rõ ràng hơn một chút về việc gã sĩ quan trở lại.
Thêm nữa, sau này Mitenka nhớ lại rằng lúc ấy hình như chàng nhận thấy gương mặt
Grusenka bất giác lộ vẻ khinh bỉ kiêu kì đối với bức thông điệp từ Sibir gửi tới.
Sau đó Grusenka không hề cho biết gì về mọi quan hệ tiếp theo với người tình địch
mới này của Mitenka. Như vậy dần dần chàng quên bẵng viên sĩ quan. Chàng chỉ nghĩ
đến chuyện bất kể sự thể xoay chuyển thế nào, cuộc đụng độ quyết liệt với bố xảy
ra đến nơi rồi và hẳn là phải được giải quyết trước mọi việc khác. Lòng chết lặng
đi, từng phút chàng chờ đợi quyết định của Grusenka và vẫn tin rằng nó sẽ xảy ra
dường như bất ngờ, theo cảm hứng. Ngộ nhỡ nàng sẽ bảo: “Đưa em đi, em mãi mãi là
của anh” - thế là xong hết, chàng sẽ lập tức đưa nàng đến tận cùng trời cuối đất.
Ồ, sẽ lập tức đưa đi thật xa, nếu không phải là cùng trời cuối đất thì cũng là nơi
góc bể chân trời nào của nước Nga, rồi sẽ cưới nàng ở đấy và cùng nàng sống incognito(1),
không để ai hay biết gì về hai người, ở đây cũng như ở đấy, chàng mơ ước cuồng nhiệt
về cuộc đời ấy, một cuộc đời khác, đổi mới và “đức hạnh”. Chàng khao khát sự phục sinh và đổi mới ấy. Cái vũng xoáy nhơ nhớp
mà chàng tự ý sa vào đã hút chàng quá chặt, và cũng như rất nhiều người trong những
trường hợp như thế này, chàng tin nhiều nhất vào sự thay đổi địa điểm: miễn là không
phải những con người ấy, miễn là không phải hoàn cảnh ấy miễn là bay ra khỏi chốn
đáng nguyền rủa này - thế là tất cả sẽ phục hồi, sẽ đổi mới!
(1) Tiếng Latin: mai danh ẩn
tích.
Nhưng đấy chỉ là trường hợp xảy ra giải pháp thứ nhất, giải pháp may mắn. Còn
một giải pháp, một kết cục khác, một kết cục khủng khiếp. Ngộ nhỡ nàng sẽ bảo: “Anh
đi đi, bây giờ tôi quyết định chọn Fedor Pavlovich và sẽ lấy ông ấy, tôi không cần
anh,” khi ấy thì… khi ấy… Tuy nhiên Mitia không biết khi ấy sẽ thế nào, cho đến
giờ phút cuối cùng chàng vẫn không biết, về điểm này nên thể tất cho chàng. Chàng
không có ý định rõ rệt, không mưu toan giết người. Chàng chỉ theo dõi, dò xét và
đau khổ, nhưng vẫn chỉ chờ đón cái kết thúc thứ nhất, may mắn cho đời mình. Thậm
chí chàng xua đuổi mọi ý nghĩ khác. Nhưng ở đây đã bắt đầu một nỗi khổ tâm khác,
đến đây đã xuất hiện một vấn đề mới, ngoài rìa, nhưng cũng tai ác và không thể giải
quyết được. Ấy là nếu như nàng nói với chàng: “Em là của anh, hãy đưa em đi” thì
làm thế nào đưa nàng đi được? Lấy đâu ra phương tiện, đào đâu ra tiền? Đúng vào
lúc ấy, tất cả mọi khoản mà Fedor Pavlovich thí cho đều đặn từ nhiều năm nay đã
cạn sạch.
Cố nhiên Grusenka có tiền, nhưng về mặt này Mitia khái tính lắm: chàng muốn
đưa nàng đi và cùng nàng sống cuộc đời mới bằng tiền của mình, chứ không phải bằng
tiền của nàng. Chàng không thể tưởng tượng mình sẽ lấy tiền của nàng, ý nghĩ ấy
làm cho chàng đau khổ đến độ ghê tởm, quằn quại. Ở đây tôi sẽ không nói nhiều về
việc này, không phân tích kĩ, mà chỉ ghi nhận: trạng thái tâm hồn chàng lúc ấy là
như thế. Tất cả những điều đó một cách gián tiếp và vô thức, có thể là do sự giày
vò ngấm ngầm của lương tâm về số tiền đã lén lút chiếm đoạt của Ekaterina Ivanovna:
“Với một người phụ nữ ta là thằng đểu cáng, với người phụ nữ kia ta cũng lại là
thằng đểu cáng,” - chàng nghĩ, như tự thú với mình, - “Grusenka mà biết thì nàng
cũng chẳng thèm lấy một thằng đểu cáng như thế.” Vậy thì làm cách nào, lấy đâu ra
số tiền tai ác ấy? Không có tiền thì hỏng hết, chẳng nên cơm cháo gì, “tất nhiên
chỉ vì thiếu tiền, ôi nhục nhã.”
Tôi xin nói trước: nói cho đúng, có lẽ chàng biết phải xoay tiền ở đâu, biết
số tiền ấy nằm ở đâu. Lần này tôi sẽ không nói gì kĩ hơn, bởi vì rồi sau mọi việc
sẽ sáng tỏ; nhưng đây là điều gay go nhất cho chàng, và tôi xin nói ra điều đó,
tuy là không thật rõ ràng: để lấy được khoản tiền đó ở một chỗ nào đó, để có quyền
lấy số tiền ấy, trước hết cần trả lại ba ngàn đồng cho Ekaterina Ivanovna - nếu
không thì “ta là tên móc túi, ta là thằng đểu cáng, mà ta không muốn là thằng đểu
cáng khi bước vào cuộc sống mới”. Mitia quyết định, bởi vậy chàng quyết đảo lộn
cả thế giới nếu cần, nhưng dù thế nào trước hết cũng phải trả cho Ekaterina Ivanovna
ba ngàn đồng ấy. Quá trình dứt khoát đi đến quyết định ấy diễn ra có thể là trong
những giờ cuối cùng của cuộc đời chàng, chính trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với Aliosa
hai ngày trước vào một buổi tối, trên đường, sau khi Grusenka lăng nhục Ekaterina
Ivanovna, còn Mitia, sau khi nghe Aliosa kể lại chuyện ấy đã thừa nhận mình là kẻ
đểu cáng và bảo em nói lại với Ekaterina Ivanovna như vậy, “nếu điều đó có thể làm
cho nàng nguôi lòng chút ít.” Đêm hôm ấy, khi chia tay với em, trong lúc phẫn chí,
chàng cảm thấy chẳng thà “giết người, cướp của mà trả được nợ cho Chúa” còn hơn.
“Chẳng thà đối với kẻ bị giết và bị cướp cũng như đối với mọi người, ta là kẻ giết
người và trộm cướp và sẽ phải đi Sibir còn hơn là để Katia có quyền nói rằng ta
phản bội nàng, ta ăn cắp tiền của nàng và dùng tiền của nàng trốn đi với Grusenka
để bắt đầu cuộc sống mới hạnh phúc! Ta không thể như thế được!” Mitia nghiến răng
thốt lên và quả thực có lúc chàng tưởng tượng rằng cuối cùng chàng sẽ bị viêm não
mất. Nhưng tạm thời chàng vẫn đấu tranh…
Điều lạ lùng là: khi quyết định như vậy, dường như chàng chỉ còn tuyệt vọng
mà thôi; bởi vì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy, nhất là một kẻ kiết xác như chàng?
Tuy thế mà suốt thời gian ấy chàng vẫn một mực hi vọng sẽ xoay được số tiền ấy,
nó sẽ tự đến với chàng, như thế tự trên trời sa xuống. Nhưng đấy là tâm trạng thường
có của những người như Dmitri Fedorovich suốt đời chỉ biết phung phí tiền của được
thừa kế, chứ không hề biết kiếm tiền được bằng cách nào. Giờ đây, sau khi chia tay
với Aliosa ngày hôm kia, một cơn lốc kì quái quay cuồng trong đầu óc chàng, làm
rối tung mọi ý nghĩ. Vậy là chàng đã bắt đầu bằng một mưu đồ man rợ. Mà có lẽ chính
trong tình thế như vậy, những con người như thế lại cho rằng những mưu đồ hoang
đường nhất lại có nhiều khả năng thực hiện nhất. Đột nhiên chàng quyết định đến
thương gia Xamxonov, người nuôi bao Grusenka và đề nghị với ông ta một “kế hoạch”,
nhờ đó mà moi được ở ông ta luôn một lúc toàn bộ số tiền cần có. Về khía cạnh thương
mại, chàng không nghi ngờ gì ở kế hoạch của mình, chỉ nghi ngại về việc Xamxonov
nhìn nhận hành động đột ngột của chàng như thế nào nếu ông ta không chỉ nhìn từ
khía cạnh thương mại. Mitia tuy biết mặt thương gia này, nhưng không quen ông ta,
thậm chí chưa lần nào nói chuyện với ông ta. Nhưng không hiểu sao, thậm chí đã từ
lâu, chàng tin chắc rằng lão già dâm đãng đã một chân trong mồ có lẽ lúc này hoàn
toàn không chống đối, nếu Grusenka tìm cách nào đó sống cuộc đời lương thiện, lấy
một người chồng “đáng tin cậy”. Ông ta chẳng những sẽ không chống đối, mà còn mong
muốn điều đó, và gặp dịp thuận tiện thì chính ông ta sẽ giúp một tay. Theo lời đồn
hay đôi ba lời do chính Grusenka nói ra, chàng kết luận rằng ông già thích Grusenka
lấy chàng hơn là lấy Fedor Pavlovich. Có lẽ nhiều bạn đọc truyện này sẽ cho rằng
việc Dmitri Fedorovich trông mong vào sự giúp đỡ của ông già và định tiếp nhận vợ
chưa cưới của mình, nếu có thể nói như vậy, từ tay lão già nuôi báo cô ta thì thật
là thô lỗ và không biết tởm. Tôi chỉ có thể lưu ý rằng Mitia coi quá khứ của Grusenka
là đã vùi sâu hẳn. Chàng nhìn quá khứ đó với niềm thông cảm vô hạn và với tất cả
niềm đam mê bốc lửa của mình, chàng quyết định rằng một khi Grusenka sẽ nói rằng
nàng yêu chàng và lấy chàng thì lập tức nàng sẽ là một Grusenka hoàn toàn mới, và
cùng với nàng, chàng cũng sẽ là một Dmitri Fedorovich hoàn toàn mới, không còn một
thói xấu nào, chỉ toàn là đức hạnh: hai người sẽ tha thứ cho nhau và sẽ bắt đầu
một cuộc đời hoàn toàn mới. Còn về Kuzma Xamxonov thì chàng coi là một người có
vai trò ác hại trong quãng đời xui xẻo trước đây của Grusenka, nàng chưa bao giờ
yêu ông ta, mà điều chủ yếu là ông ta cũng đã “lùi vào dĩ vãng”, đã hết đời, thành
thử coi như không còn ông ta nữa. Thêm nữa, bây giờ thậm chí Mitia không thể coi
ông ta là người, bởi vì trong thành phố, ai nấy đều biết đấy chỉ là tấm thân tàn
ốm yếu, giữ quan hệ có thể nói là chỉ trên tình cha con với Grusenka, chứ hoàn toàn
không phải trên cơ sở như trước kia, và đã từ lâu như thế, ngót một năm rồi. Dù
sao, về phần Mitia, như vậy cũng là quá chất phác, bởi vì mặc dù tất cả thói xấu
của mình, chàng là một người rất chất phác. Vì chất phác, chàng thực sự tin chắc
rằng ông già Kuzma sắp sửa sang thế giới bên kia giờ đây thành thật hối hận về quá
khứ của mình với Grusenka, và bây giờ Grusenka không có người bảo trợ và người bạn
nào trung thành hơn ông già đã trở nên vô hại này.
Hôm trước nói chuyện với Aliosa ở cánh đồng và sau đó gần suốt đêm Mitia không
ngủ, thì hôm sau chàng đến nhà Xamxonov vào quãng mười giờ sáng và bảo gia nhân
vào trình ông chủ. Đây là ngôi nhà cũ kĩ, ảm đạm, rộng thênh thang, hai tầng, có
nhà phụ quanh sân và một gian nhà ngang. Ở tầng dưới gồm có hai người con trai của
Xamxonov cùng với vợ con của họ, người em gái già khụ của ông ta và người con gái
không có chồng. Ở nhà ngang có hai người quản lí cùng con gái sống chật chội trong
những căn phòng của họ, còn ở tầng trên chỉ có một, mình ông già, thậm chí ông không
cho người con gái cùng ở tầng trên, bà ta chăm nom ông và vào những giờ nhất định
cũng như bất kì lúc nào ông gọi đều phải chạy lên gác, mặc dù bà ta đã từ lâu mắc
chứng khó thở. “Tầng lầu” ấy gồm vô số phòng lớn bầy biện theo kiểu cổ của thương
gia, với những dãy dài ghế bành và ghế dựa thô kệch bằng gỗ hồng sắc kê dọc chân
tường, nom tẻ nhạt, với những chùm đèn pha lê bọc lụa, với những tấm, gương ủ ê
trên các khoảng tường giữa các cửa sổ. Tất cả những căn phòng đó đều trống không,
không có người ở, vì ông già ốm yếu chỉ thu mình trong một buồng ngủ nhỏ ở cuối
tầng, hầu hạ ông ta ở đây có một mụ già đầu bịt tấm khăn và một “cậu bồi” thường
ngồi trên chiếc rương lớn ở phòng ngoài. Ông già hai chân sưng húp, hầu như không
đi được nữa, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy khỏi chiếc ghế bành da, và mụ già dìu ông
ta đi một vài lượt trong phòng. Ông ta nghiêm khắc và ít nói ngay cả với mụ già
này. Khi gia nhân trình với ông ta rằng có “viên đại úy” đến thăm, ông ta lập tức
ra lệnh từ chối. Nhưng Mitia khăng khăng xin gặp và người nhà trình lại lần nữa.
Kuzma Kuzmir hỏi kĩ gã bồi: có việc gì, nom gã thế nào, có say rượu không? Gã có
làm ầm ĩ không? Và được trả lời là “ông ta không say, nhưng không chịu ra về”, ông
già lại ra lệnh từ chối. Mitia đã dự đoán trước sự tình này, nên lần này chàng mang
theo giấy và bút chì, chàng viết lên mẩu giấy một dòng rõ nét: “Việc hết sức khẩn
cấp có quan hệ thiết thân đến Agrafena Alecxandrovna” và gửi mẩu giấy cho ông già.
Nghĩ một lát, ông già bảo đưa khách vào phòng lớn và sai mụ già xuống bảo người
con trai út phải lên ngay chỗ ông có việc. Người con trai út này cao ngót hai mét,
sức vóc phi thường, cạo râu và mặc theo kiểu Đức. Anh ta lên ngay và chẳng nói chẳng rằng. Con cái ông ta người nào đến
trước mặt bố cũng run sợ. Ông bố gọi chàng dũng sĩ này lên không phải vì sợ gã đại
úy, ông ta đâu phải người non gan, mà chỉ để phòng xa, cái chính là cho có người
làm chứng. Có cậu con trai dìu đỡ và gã bồi một bên, ông ta rốt cuộc cũng lê được
ra phòng khách. Hẳn là ông ta có một cảm giác tò mò khá mạnh. Căn phòng nơi Mitia
ngồi chờ cực kì rộng lớn, âm u, khiến người ta buồn chết cả cõi lòng, có hai dãy
cửa sổ dãy nọ trên dãy kia, có bao lơn dành cho ban hát, tường giả đã hoa cương,
có ba chùm đèn pha lê lớn bọc lụa. Mitia ngồi trên chiếc ghế dựa cạnh cửa ra vào,
nôn nóng chờ đợi số phận của mình. Khi ông già xuất hiện ở phía đối diện, cách chỗ
Mitia ngồi chừng mươi xagien(3), chàng đột nhiên bật dậy và bước rắn
rỏi kiểu nhà binh đến về phía ông già. Mitia ăn vận lịch sự. Áo dài cài cúc, hai
tay đi găng đen cầm chiếc mũ tròn, hệt như ba ngày trước ở tu viện, tại phòng trưởng
lão, trong cuộc họp mặt gia đình với bố và các em. Trịnh trọng và nghiêm nghị, ông
già đứng đợi chàng tới gần, ông ta đã quan sát chàng từ đầu đến chân. Mitia cũng
sửng sốt vì thời gian gần đây mặt Kuzma Kuzmir húp lên ghê quá: môi dưới của ông
ta vốn đã dày bây giờ xệ hẳn xuống. Ông ta chẳng nói chẳng rằng, trình trọng nghiêng
mình chào khách, đưa tay chỉ cho khách chiếc ghế bành cạnh đi vàng, còn ông ta vịn
tay người con trai, rên rỉ một cách đau đớn, ngồi xuống đi văng đối diện với Mitia,
còn Mitia nhìn thấy những cố gắng đau đớn của ông ta, lập tức chàng cảm thấy ân
hận và hổ thẹn một cách tế nhị về thân phận hèn mọn của mình lúc này trước nhân
vật quan trọng như thế bị mình quấy quả.
(3) 1 xagien = 2.13 mét.
- Thưa ông, ông cần gì ở tôi? - Sau khi đã ngồi xuống, ông già nói chậm rãi,
rành rẽ, nghiêm nghị nhưng lễ độ.
Mitia giật mình, toan bật dậy, nhưng lại ngồi xuống. Liền đó chàng lên tiếng,
nói to và nhanh, nóng nảy làm điệu bộ, hết sức kích động và kiên quyết. Rõ ràng
con người này đã cùng đường, mạt vận, đang tìm một lối thoát cuối cùng, và nếu không
thành công thì sẵn sàng trẫm mình tức khắc. Tất cả những điều đó có lẽ ông già Xamxonov
đã hiểu ngay trong khoảnh khắc, nhưng nét mặt ông vẫn không thay đổi và lạnh như
tượng.
- Kính thưa cụ Kuzma Kuzmir, chắc cụ đã nhiều lần nghe nói về những cuộc va
chạm giữa tôi và ba tôi, ông già nhà tôi đã chiếm đoạt phần tài sản tôi được thừa
kế của mẹ tôi… bởi vì cả thành phố đã đồn inh lên về việc đó… thiên hạ vẫn hay bàn
tán về những chuyện không nên bàn tán mà… Ngoài ra, có thể cụ đã nghe qua Grusenka…
xin lỗi, Agrafena Alecxandrovna… cô Agrafena Alecxandrovna mà tôi hết sức côn kính…
- Mitia mở đầu như vậy và ngừng lại. Nhưng chúng tôi sẽ không dẫn ra đúng nguyên
văn lời nói của chàng, mà chỉ trình bày lại. Số là từ ba tháng trước, Mitia đã chú
tâm hỏi ý kiến một luật sư ở tỉnh lị.
“Một luật sư danh tiếng, thưa cụ Kuzma Kuzmir, ông Pavel Pavlovich Komefodov,
chắc cụ cũng biết tiếng chứ ạ? Trán rất rộng, một đầu óc chính khách… ông ấy cũng
biết cụ… hết lời ca ngợi cụ…” - Mitia lại ngừng bặt. Nhưng không phải chàng chịu
thôi hẳn, chàng lập tức nhảy sang chuyện khác và đi xa hơn.
Chính ông Komefodov ấy, sau khi hỏi kĩ mọi chi tiết và xem tất cả những giấy
tờ mà Mitia có thể đưa ra cho ông ta, ông ta đưa ra ý kiến rằng về làng Tresniasnia mà lẽ
ra Mitia phải được thừa kế của mẹ thì có thể phát đơn kiện và như vậy sẽ làm cho
ông già xấu nết kinh hoảng… “bởi vì không phải mọi cánh cửa đã đóng kín và bộ máy
tư pháp biết đường luồn lách.” Tóm lại có thể hi vọng đòi Fedor Pavlovich phải trả
thêm sáu ngàn rúp thậm chí bảy ngàn, mà có thể là hai mươi tám, “ba mươi, ba mươi,
cụ Kuzma Kuzmir ạ, vậy mà cụ tưởng tượng xem, tôi mới moi được của ông già tàn bạo
ấy chưa đến mười bảy ngàn!… “Vậy mà tôi đã bỏ qua việc đó, vì tôi không biết kiện
tụng, nhưng khi về đây, tôi bàng hoàng hay tin ông già lại phản tố tôi: vậy thưa cụ Kuzma Kuzmir rất mực
cao quý, cụ có ưng để tôi nhượng cho cụ mọi quyền của tôi đối với ông già quái quỷ
ấy, còn cụ chỉ cần đưa cho tôi ba ngàn rúp thôi… Cụ không đời nào bị thua thiệt,
tôi lấy danh dự thề với cụ như vậy, mà trái hẳn lại, cụ có thể kiếm được sáu hay
bảy ngàn chứ không phải là ba ngàn… Cái chính là phải làm xong “ngay hôm nay”. Tôi
sẽ nhượng quyền cho cụ ở chỗ chưởng khế hoặc giả… Tóm lại, tôi sẵn sàng làm mọi
việc, trao cho cụ mọi giấy tờ cụ muốn, tôi sẽ kí kết… chúng ta sẽ làm giấy tờ ngay
bây giờ, nếu có thể được, nếu như có thể được, ngay sáng hôm nay… Giá như cụ đưa
cho tôi ba ngàn đồng… bởi vì ở thị trấn này chẳng ai đọ được với cụ… như vậy là
cụ sẽ cứu tôi khỏi… tóm lại là cụ sẽ cứu được kẻ khốn khổ này để hắn làm một việc
hết sức cao quý, một việc vô cùng cao cả, có thể nói như vậy… vì tôi có tình cảm
hết sức cao quý với một người mà cụ biết rất rõ và được cụ chăm sóc như con đẻ.
Nếu không phải là cụ coi người đó như con thì tôi đã không đến đây. Cụ có thể coi
là ở đây có ba người chạm trán với nhau, bởi vì số mệnh đúng là con quái vật đáng
sợ, cụ Kuzma Kuzmir ạ! Đầu óc hiện thực, cụ Kuzma Kuzmir ạ, cần có đầu óc hiện thực.
Bởi vì cụ thì đáng xếp ra một bên từ lâu rồi, vậy còn lại hai cái trán cụng nhau,
tôi diễn đạt có thể là vụng về, nhưng tôi đâu phải là nhà văn. Một cái trán là của
tôi, còn cái kia là của ông già ác ôn nọ. Vậy cụ chọn đi: tôi hoặc lão già ác ôn
kia. Bây giờ tất cả ở trong tay cụ: ba số phận và hai vận mạng… Xin cụ thứ lỗi,
tôi nói lung tung, nhưng cụ hiểu cho… nhìn cặp mắt đáng kính của cụ tôi thấy là
cụ đã hiểu… Còn nếu cụ không hiểu thì ngay hôm nay tôi sẽ gieo mình xuống nước,
thế là xong!
Mitia chấm dứt đoạn diễn từ lố lăng của mình bằng câu “thế là xong”, và chờ
câu trả lời cho đề nghị dớ dẩn của mình. Nói xong câu cuối cùng, chàng bỗng tuyệt
vọng cảm thấy hỏng cả rồi, nhất là chàng đã phun ra những lời lảm nhảm quái gở.
“Lạ thật, khi đến đây mình tưởng đâu mọi chuyện sẽ êm đẹp, thế mà bây giờ thì lại
đâm ra lảm nhảm như vậy,” - một ý nghĩ thoáng qua trong đầu óc thất vọng của chàng.
Suốt thời gian chàng nói, ông già ngồi không nhúc nhích, dõi nhìn chàng bằng ánh
mắt giá băng.
Để cho Mitia phải chờ chừng một phút, rồi Kuzma Kuzmir nói bằng giọng hết sức
kiên quyết và buồn rầu:
- Xin lỗi ông, chúng tôi không làm những loại công việc như thế.
Mitia bỗng cảm thấy hai chân bủn nhủn.
- Thế thì tôi biết làm thế nào bây giờ, cụ Kuzma Kuzmir. - Chàng nói lí nhí,
môi tái nhợt mỉm cười. - Chết tôi rồi, cụ nghĩ sao?
- Xin lỗi ông…
Mitia vẫn đứng và trân mắt nhìn, bỗng nhiên chàng nhận thấy một diễn biến gì
đó trên mặt ông già. Chàng rùng mình.
- Ông ạ, những việc loại đó không ở trong tầm tay chúng tôi, - ông già nói một
cách chậm rãi. - Rồi là ra hầu tòa, luật sư, thật là vô phước! Nếu ông muốn thì
ở đây có một người mà ông có thể nhờ cậy được…
- Trời ơi, ai vậy?…
- Cụ hồi sinh cho tôi, thưa cụ Kuzma Kuzmir. - Mitia bỗng lắp bắp.
- Ông ta không phải người ở đây, và bây giờ ông ta cũng không có mặt ở đây.
Ông ta gốc gác nông dân, buôn gỗ, biệt hiệu là Liagavyi. Đã một năm nay ông ta thương
lượng với ông cụ nhà ông về khu vườn ở Tresniasnia, chưa ngã ngũ, chắc ông có nghe
nói. Bây giờ ông ta vừa trở lại đấy và trú chân ở nhà Cha Ilinxki, cách ga Volovia
đâu khoảng mười hai dặm, làng Ilinxki. Ông ta có viết thư cho tôi về việc ấy, tức
là về khu rừng nọ, hỏi ý kiến tôi. Fedor Pavlovich định đích thân đến gặp ông ta.
Vậy nếu như ông đến trước khi cụ Fedor Pavlovich gặp và đề nghị với Liagavyi điều
ông vừa nói với tôi thì có lẽ ông ta sẽ chấp nhận…
- Thật là cao kiến! - Mitia hân hoan reo lên. - Tôi đang cần chính một người
như thế, chính một người như thế! Ông ta đang mặc cả, người ta đòi giá cao, vậy
mà tôi đem đến cho ông ta giấy tờ để sở hữu chính cái đó, ha ha ha! - Mitia bỗng
bật ra tiếng cười cụt lủn, nhạt nhẽo, bất ngờ đến nỗi Xamxonov ngất đầu ra phía
sau.
- Tôi biết tạ ơn cụ thế nào đây, cụ Kuzma Kuzmir. - Mitia sôi nổi la lên.
- Có gì đâu. - Xamxonov nghiêng đầu…
- Cụ không biết chứ, cụ đã cứu tôi, linh tính đã xui khiến tôi tìm đến cụ… Tôi
đến ông cha đạo ấy thôi!
- Chẳng đáng phải cảm ơn.
- Tôi bay đi ngay đây. Tôi đã lạm dụng sức khỏe của cụ. Suốt đời tôi sẽ không
quên, một người Nga nói với cụ điều ấy đấy, cụ Kuzma Kuzmir ạ, một người Nga!
- Không dám.
Mitia toan bắt tay ông già, nhưng có vẻ gì ác ý thoáng hiện trong mắt ông ta.
Mitia rụt tay lại, nhưng lập tức tự trách mình đa nghi. “Ấy là bởi ông ta mệt…”
- chàng thoáng nghĩ.
- Đấy là vì nàng! Vì nàng, thưa cụ Kuzma Kuzmir! Cụ cũng hiểu là vì nàng! -
Chàng bỗng gào vang khắp phòng, cúi chào, quay ngoắt đi và sải dài bước như ban
nãy, vội vã đi ra cửa, không hề ngoái lại. Chàng hoan hỉ đến run lên. “Mọi chuyện
hỏng cả rồi, thế mà thần hộ mệnh đã cứu ta.” - Chàng nghĩ thầm. - “Một người kinh
doanh như ông già này mà đã vạch đường chỉ lối thì… đương nhiên đó là con đường chắc ăn. Phải vút
đi ngay thôi. Đêm nay ta sẽ trở về, đêm nay ta sẽ trở về, sẽ thành công thôi. Lẽ
nào ông già lại chơi xỏ ta?” Mitia thốt lên khi bước vào phòng mình, cố nhiên trí
óc chàng không thể nghĩ khác được: hoặc đấy là lời khuyên xác đáng của một nhà
kinh doanh, am hiểu công việc, biết rõ tay Liagavyi ấy. Sau này, mãi
về sau, khi thảm họa đã xảy ra, ông già Xamxonov mới vừa cười vừa thú nhận là ông
ta chơi xỏ “viên đại úy” ông ta là con người độc ác, lạnh lùng, hay giễu cợt và
có những ác cảm bệnh hoạn. Phải chăng vẻ hân hoan của viên đại úy hay niềm tin ngu
ngốc của “gã bán trời không văn tự” cho rằng Xamxonov, có thể bị dụ hoặc bởi cái
trò phi lí như “kế hoạch” của gã, hay sự ghen tuông của ông già về Grusenka - tôi không biết
lí do gì đã thôi thúc ông già, nhưng lúc mà Mitia đứng trước ông ta, cảm thấy chân
tay bủn rủn và ngơ ngẩn kêu lên rằng thế là chết mình rồi thì chính lúc ấy ông già
nhìn chàng với vẻ độc ác vô cùng và nghĩ ra cách chơi xỏ chàng.
Mitia đi khỏi, Kuzma Kuzmir giận tái người quay lại bảo con trai phải làm sao
từ nay không còn thấy bóng vía thằng khốn khó ấy nữa, cấm cửa hắn, nếu không thì…