Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 11 chương 2 (Hết)

Ricardo viết thư cho cha mẹ. Nhận được tiền, hắn liền sang Morocco. Hắn có ấn tượng tồi tệ đối với cái bệnh viện và ông bác sĩ kia, một nhân vật già nua mắt luôn luôn hấp háy và hai tay run rẩy. Ông bác sĩ không giấu nổi lòng tham của mình; ông ta tự hào đã từng mổ những ca kỳ lạ nhất.

Chàng trai trẻ ở lại bệnh viện nhiều ngày, vẫn chưa quyết định được. Sự thực là hắn sợ. Trước đây hắn đã từng sợ, ví dụ như lúc cướp nhà ngân hàng ấy; nhưng khi vào cuộc rồi thì hắn lại rất bình tĩnh và chuyên nghiệp, dùng súng lùa đám nhân viên ngân hàng vào trong nhà vệ sinh rồi khoá cửa lại. Nhưng bây giờ, cứ nghĩ đến bị đánh thuốc mê, rồi tỉnh dậy với bộ mặt đầy những vết cắt nhầm lẫn, là hắn lại phát hoảng. Ông bác sĩ Morocco có vẻ không thấy được tâm trạng tiến thoái lưỡng nan của hắn. Ông ta muốn tiến hành ca mổ càng sớm càng tốt, viện lý do an ninh. Nhưng Ricardo nghĩ ông ta chỉ cốt lấy tiền mà thôi. Bệnh viện không có một bệnh nhân nào khác, và ông bác sĩ thì rõ ràng là đang túng bấn vô cùng. Viện hết lý do này đến lý do khác, hắn trì hoãn ca mổ. Hắn không dám nhận là mình sợ. Hắn cố trấn an mình rằng hắn chỉ muốn thận trọng mà thôi. Hắn cần biết thêm về ông bác sĩ: liệu ông ta có phải là một kẻ thám báo hay không? Thế là, một buổi chiều lúc thấy chỉ có mình mình trong bệnh viện, Ricardo đột nhập văn phòng bác sĩ và lục lọi hồ sơ của ông ta. Hắn đọc thấy một cái tên Guedali, một người Brazil ở Sao Paulo, và ghi lại địa chỉ người ấy: nó có thể có ích.

Đêm đó ông bác sĩ tuyên bố sẽ tiến hành ca mổ vào ngày mai, không lôi thôi gì nữa. Cái trò này không còn buồn cười nữa rồi, ông ta nói, giọng bực tức, và Ricardo biết rằng ông ta đang nói nghiêm chỉnh. Đã đến lúc phải đi thôi, hắn nghĩ. Cũng ngay đêm đó, hắn gói ghém mấy thứ ít ỏi của mình và bỏ trốn. Một người Berger cho hắn cưỡi nhờ lạc đà vào thành phố. Hắn đi thẳng đến hải cảng, phát hiện một con tàu sắp đi Brazil, hắn hối lộ viên sĩ quan phụ trách thuỷ thủ đoàn để cho hắn lên tàu. Người này nhận tiền, nhưng bảo hắn phải nhảy ra khỏi tàu trước khi cập bến ở Santos. Và hắn đã làm thế. Hắn bơi vào bờ. Ban ngày ẩn náu và đi bộ suốt đêm, hắn đến được ngoại ô Sao Paulo. Hắn trú trong một căn nhà bỏ hoang và gặp ở đó một gã kỳ dị, một tên hippie đã vào tuổi trung niên, cổ lủng lẳng đeo một chiếc đồng hồ to tướng. Họ nói chuyện. Ricardo cho gã kia xem địa chỉ khu biệt thự và hỏi đường đi đến đó. Khi thấy cái tên Guedali, gã này kêu lên: Ê, nó là em tao mà! Gã khẳng định rằng Ricardo cần phải tìm Guedali, em gã chắc chắn sẽ giúp hắn về được Curitiba và thoát khỏi nguy hiểm, cam đoan là vậy.

Ricardo đến được khu biệt thự. Để cẩn thận, hắn quyết định tránh mặt bọn gác ngoài cổng. Hàng rào cao, nhưng không thành vấn đề gì với hắn; trong khi được huấn luyện để thành một kẻ khủng bố, hắn đã học được cách vượt những vật cản còn khó khăn hơn nhiều. Đêm đó, dùng một cây tre cắt từ một khóm ven đường, hắn nhảy sào qua hàng rào một cách dễ dàng.

Giấu mình sau những bụi rậm và thân cây, hắn tìm ra ngôi nhà của Guedali nhờ có tấm biển đồng khắc tên chủ nhà. Hắn vào qua lối cửa sau. Nhưng đáng lẽ gặp Guedali thì hắn lại gặp Tita.

Họ nhìn nhau. Tita không có vẻ gì sợ hãi hay ngạc nhiên, như thể nàng đã đang chờ đợi hắn ở đó. Nàng mỉm cười. Nàng cầm tay hắn và dẫn hắn vào chỗ cầu thang. Ở đó, họ rì rầm trò chuyện hàng giờ liền, kể cho nhau nghe về mình. Tita mải mê lắng nghe chàng trai, nàng khâm phục lòng cam đảm của chàng, tấm lòng vị tha của chàng. Cải tạo xã hội là thứ mà nàng chưa bao giờ nghĩ tới. Guedali về nhà. Nàng lúng túng đến mức không nói được lên lời. “Em làm sao thế?” Guedali hỏi, giọng nghi ngờ. “Không sao cả”, nàng đáp, chỉ hơi nhức đầu một chút. Nàng biết Guedali dạo này trong lòng không yên, thậm chí còn sợ hắn bị mất thăng bằng tâm lý. Hắn đi ngủ, có vẻ không để ý thấy chuyện gì.

Sáng hôm sau, khi Guedali đã đi khỏi nhà, nàng cho gia nhân về nghỉ và cảm thấy bình tĩnh hơn. Hai đứa con đang ở miền nam chơi với ông bà. Nàng làm mấy cái bánh kẹp và đem đến cho chàng trai trẻ. Họ lại trò chuyện không dứt. Cuối cùng chàng trai thổ lộ: chàng đã yêu nàng. Đột ngột nhưng không thể nhầm được, chàng tin chắc như vậy. Chàng đề nghị hai người cùng bỏ trốn. Họ sẽ sống tận sâu trong vùng nội địa, có thể ở miền nam Rio Grande, chăn nuôi gia súc và trồng trọt, nhưng chỉ cốt đủ sống thôi, vì chàng không thích tích trữ của cải. Quan trọng nhất là họ sẽ làm tình không ngừng ở đó, giữa chốn thôn quê, trên thảm cỏ xanh, ngay cạnh con suối.

Bây giờ thì Tita là người lúng túng. Nàng không biết nói gì, nàng sợ làm chàng trai trẻ bị tổn thương, con người đã phải chịu nhiều gian truân đến thế. Nàng sợ phải cam kết. Và nhất là sợ những cảm xúc của chính mình. Nàng xin được có thêm thời gian để suy nghĩ. Ricardo khẩn khoản nàng trả lời, nhưng Tita lẩn tránh bằng những nụ cười. Tối rồi, Guedali sắp về.

Ricardo không muốn dính dáng gì đến Guedali. Chàng không còn muốn gặp Guedali nữa. Chàng chỉ nghe tiếng Guedali có một lần duy nhất vào cái ngày 15 tháng 7 năm 1972 ấy: “Đừng đợi, anh sẽ về muộn đấy” Ricardo liều lĩnh ra khỏi hầm rượu, chàng muốn có câu trả lời của Tita. “Anh điên rồi”, nàng nói, “Về chỗ nấp của anh ngay đi!”. Nhưng chàng trai ném hết lòng thận trọng của mình cho gió và ôm choàng ngay lấy nàng, ngay giữa phòng khách.

Cửa mở. Đó là Guedali. “Anh đã về. Paulo…”

Guedali ngưng bặt, hắn không thể tin vào mắt mình. Em nghĩ không cần phải giấu giếm gì ở đâu cả, Tita nói. Có một giọng điệu thách thức trong câu nói ấy khiến cho Guedali càng thêm tức giận: như thể nàng hoàn toàn có lẽ phải vậy. “Người này là ai?”, Guedali hỏi, cố giữ bình tĩnh, “Và anh ta đang làm gì trong nhà tôi?”. “Chẳng là…”, Tita nói, bắt đầu thấy mất tự tin, “…anh ta đến…”.

Guedali ngát lời nàng. “Không phải cô. Cô đừng có nói một lời nào hết. Anh ta phải là người giải thích chuyện này, không được dối trá điều gì hết.”

Ricardo kể câu chuyện của mình. Hắn đang run lẩy bẩy, rõ ràng đang sợ mất mật. Hắn nói hắn chỉ muốn nhờ Guedali giúp đỡ để về được đến nhà với cha mẹ hắn.

Guedali không còn quan tâm gì đến những điều hắn nói. Anh đang nhìn Tita. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng đã mê mẩn phải lòng Ricardo rồi. Nàng chỉ nhìn hắn. Guedali biết phải làm cái gì đó ngay lập tức, nếu không thì…

Cửa bật mở và một nhóm người chạy ùa vào, hò hét: “Chúc mừng ngày kỷ niệm! Chúc mừng ngày kỷ niệm!”, Paulo và Fernanda, Julio và Bela, Armando và Beatrice, Tânia và Joel. Bela mang một cái bánh gatô, Armando cầm hai chai rượu vang và Tânia mang một bó hoa. Guedali bỗng nhớ ra: hôm nay là ngày kỷ niệm ngày khai trương khu biệt thự, một ngày mà họ luôn nhớ ăn mừng. Đó là lý do tại sao anh đã không tìm thấy Paulo ở nơi hẹn gặp.

Mọi người đứng sững vì kinh ngạc. Thình lình, Tania như phát điên: “Kẻ trộm đấy!", chị rú lên – “Gọi bảo vệ ngay! Lạy chúa, gọi bảo vệ ngay!”

Kêu lên một tiếng kinh hoàng, Ricardo nhào mình qua ô cửa sổ rộng và chạy biến đi trong tiếng kính vỡ loảng xoảng. “Gượm đã!”, Tita kêu lên. Beatrice cố gắng giữ nàng lại, nhưng Tita đẩy chị ra và chạy ra cửa. Tất cả mọi người chạy ùa ra theo chị. Paulo hét lên, “Nó là ai thế, Guedali, nó là ai thế?”. “Cậu im đi!”, Guedali hét, và đúng lúc ấy họ nghe nghe thấy tiếng súng chó sủa và tiếng súng nổ thành từng tràng ngắn. Họ chạy về phía công viên và từ xa đã thấy những nhân viên bảo vệ đứng vây quanh đài phun nước, còn chàng trai trẻ tuổi thì nằm úp mặt trên vũng máu của mình.

Tita chạy trước hết, vừa chạy vừa la hét. Cố hết sức bình sinh, Guedali đuổi kịp nàng trước khi nàng tới được chỗ đài phun nước và túm chặt lấy cánh tay nàng. “Buông tôi ra, đồ súc vật!”, nàng rú lên, mặt biến dạng vì căm thù và đau khổ. Anh không buông mà giữ nàng thật chặt, kéo nàng về mình. Nàng chống cự, cào cấu mặt anh và đấm thùm thụp vào ngực anh. Cuối cùng, yếu sức, nàng hầu như ngã xỉu, để mặc cho chồng dìu về nhà và đặt lên giường.

Chuông reo cửa liên hồi. Guedali ra mở cửa. Đó là Pedro Bento, khẩu súng lục vẫn còn trong tay. Hắn tái xám vì sợ hãi và vã mồ hôi như tắm. “Có phải người nhà ông không, Guedali?”, hắn thì thào hỏi. “Bạn ông phải không?”. Guedali không trả lời, anh chỉ nhìn hắn chằm chằm. Pedro Bento nói tiếp: “Tha thứ cho tôi, Guedali, nếu đó là người nhà hoặc bạn ông. Bọn tôi hốt hoảng và cứ thế nổ súng, khi tôi đến đó thì anh ta đã hấp hối rồi, tôi chỉ bắn một phát vào đầu để giải thoát cho anh ta khỏi đau đớn mà thôi”.

Ở trên gác, Tita nức nở, quằn quại. “Mọi việc ổn cả rồi”, Guedali nói với Pedro Bento và đóng cửa lại.

Những ngày sau đó, Tita khóa mình trong phòng, không gặp một ai. Mãi nàng mới cho Bela vào thăm. Nàng chỉ thổi lộ với Bela câu chuyện về chàng khủng bố trẻ tuổi, người tình của nàng. Với mọi người, Bela và Guedali chỉ nói rằng đó là một tên trộm mà Tita bất ngờ chạm chán khi hắn đột nhập vào nhà.

Người ta làm các thủ tục cần thiết. Cảnh sát đến điều tra, rồi một bài báo ngắn xuất hiện dưới nhan đề: “Tên cướp trẻ thiệt mạng khi đột nhập khu chung cư biệt thự. Một biến cố quá thông thường không ai thèm để ý. Chỉ vài ngày sau đó, ngay cả bọn trẻ con cũng quên phắt sự kiện ấy, lại mải mê vào những vụ bắn giết loạn xị trên phim ảnh truyền hình.

Những lời dối trá. Tầng tầng lớp lớp những lời dối trá. Phải là một nhà khảo cổ học mới có thể sàng lọc được sự thật từ những tầng lớp tưởng tượng ấy, nếu quả thật có một sự thật nào đó.

Guedali bỏ đi. Hắn bỏ Tita và hai đứa trẻ, đi sang Morocco. Hắn tìm đến ông bác sỹ, cũng không có gì lạ, vì ông ta là người Guedali tin tưởng tuyệt đối. Lúc ấy hắn rối loạn tinh thần vô cùng. Hắn muốn được mổ lại, như lời hắn nói, để trở lại thành một con nhân mã. Ông bác sỹ ngờ rằng hành vi lạ lùng ấy có thể là do sự tái phát của chứng bệnh ung thư ngày trước, và ông quyết định phải làm một loạt các xét nghiệm một lần nữa. Trong thời gian đó, Guedali dan díu với một cô hộ lý của bệnh viện, một cô gái Tunisia bí hiểm có cái tên là Lolah. Cô gái này tặng Guedali một cái bùa may, một cái xác ướp bàn chân của một con sư tử.

Ông bác sỹ, vốn vẫn thầm yêu cô hộ lý với một tình yêu lý tưởng không gợn dục tình, không muốn cho hai người gặp nhau nữa, liền khóa nhốt cô ta ở trong phòng. Chuyện đó suýt nữa thành một tấn thảm kịch. Cô hộ lý đột nhập phòng X - quang nơi Guedali đang phải chụp kiểm tra trong tình trạng đáng thuốc mê, và tấn công ông bác sỹ. Cuối cùng thì cô ta bị người trợ lý của ông bác sỹ bắn bị thương và đưa sang một bệnh viện khác. Cô ta hồi phục không hề hấn gì.

Còn Guedali, lúc thuốc mê tan hết thì hắn tỉnh dậy và khỏi bệnh: hắn không còn muốn giải phẫu nữa, hắn muốn về Brazil. Hắn vội về đến nỗi nếu ông bác sỹ không nhắc thì hắn đã quên cả cái bàn chân sư tử.

“Bàn chân sử tử!”, cô gái kêu lên. “Đó là thứ mà tôi thích thực sự đấy. Tôi vẫn mê những thứ đồ lấy may ghê lắm”.

“Cứ hỏi anh ấy”, Tita nói, “ Nhỡ đâu anh ấy lại cho chị thì sao”.

“Anh ấy chẳng cho đâu”, “Nào, anh có cho tôi cái bàn chân sư tử đó không, Guedali?”, cô gái hỏi tôi, nắm lấy cánh tay tôi. “Để tôi suy nghĩ cái đã”, tôi đáp nhoẻn miệng cười.

“Thế rồi thì là…”, Tita nói, “Guedali từ Morocco trở về. Vẫn còn ương bướng: hắn không muốn về nhà. Hắn mua một nông trại ở Quatro Irmaos, vốn ngày xưa là nông trại của cha hắn, và ở đó cày ruộng, có một người nông dân giúp việc. Ban đêm, hai người thường phù phép, đọc bùa chú. Guedali thích những thứ ấy chị biết không. Và người Indian kia thì có cả một kho tàng các bùa ngải và bùa may. Và mẹ chồng tôi mách với tôi là hắn ở đó, tôi liền quyết định đến ngay đấy. Chị biết không, chỉ đến lúc ấy, mà tôi phải nói với chị rằng chúng tôi đã lấy nhau bao nhiêu năm rồi đấy nhé, chỉ đến lúc ấy tôi mới thực sự nhận ra rằng mình yêu Guedali. Chúng tôi làm lành với nhau, và bây giờ thì cùng sống ở Pôrto Alegre, nơi anh ấy trông coi một chi nhánh công ty cùng thành lập với Paulo”.

Nàng nói đến ngôi nhà chúng tôi xây ở phía nam Pôrto Alegre. Một ngôi nhà đẹp theo phong cách Moore, một thứ rất khác lạ ở thành phố này. Nàng hăng hái mô tả khu vườn, nhỏ thôi nhưng rất lịch sự. “Vườn ấy mới đáng gọi là lạc Viên”, nàng kêu lên, ám chỉ cái tên của quán ăn. Nàng nói đến đài phun nước lóng lánh dưới ánh trăng, những bồn đầy những loài hoa quý hiếm, những ngọn gió làm rung động khóm lá của những cây thiên tuế, những lối đi trải sỏi.

Tất nhiên nàng không nhắc gì đến những dấu chân ngựa trên lớp đất đen ngoài luống hoa. Nàng có biết những dấu vết ấy nhưng lại cho rằng đó là dấu chân của những con ngựa thỉnh thoảng vẫn lạc vào vườn nhà từ những vùng thôn dã xung quanh còn chưa bị đô thị hóa.

Những con ngựa ấy đến từ São Paulo. Việc sử dụng động cơ đốt trong để đi lại và cày cấy đã khiến cho chúng thành những con vật vô dụng và không ai muốn nuôi nữa. Bị nhốt trong những bãi quây chật hẹp, chúng bị kết án phải chết nhục nhã trong lò sát sinh. Bản năng sinh tồn đã cứu chúng thoát ra khỏi số phận ấy. Dẫn dắt bởi một cơ chế mơ hồ nào đó, chúng tìm đường đi về phía nam, về Rio Grande. Chúng đi ngang qua Pôrto Alegre (và chính ở đó, theo lý thuyết của Tita, chúng đã lạc vào vườn nhà tôi) và đến những vùng biên ải nơi đã có thời chúng phi nước đại, đã có thời chúng là những con tuấn mã của những người đàn ông và đàn bà nhanh nhẹn. Tuy nhiên, cũng chính tại vùng đất ấy, giờ đây chúng đã già và móm mém, chẳng còn ai muốn nuôi chúng nữa. Và thế là chúng tiếp tục cuộc hành trình miễn cưỡng. Vượt qua vùng bình nguyên Patagonia, kiệt sức và hấp hối, cuối cùng chúng đến được vùng đất băng giá vĩnh cửu. Dồn hết sức lực một lần cuối, chúng leo lên đỉnh một ngọn núi đơn độc và chết ở đó, bộ hàm ngựa trễ ra trong một nụ cười bí hiểm.

“Hay đấy, Tita. Nhưng có phải thực sự như vậy không? Có phải đó là những dấu chân ngựa thật không, những cái dấu ngoài vườn ấy? Nhỡ chúng là dấu chân của ai đó chạy qua vườn giữa đêm đen thì sao? Anh đang nói đến ai đó với thân hình người hẳn hoi, thậm chí cả cẳng chân và bàn chân người, nhưng lại có lối đi đặc biệt khiến cho vết chân giống hệt như vết móng ngựa ấy. Anh đang nói đến một con nhân mã, hoặc những gì còn lại của nó. Anh đang nói về Guedali đấy, Tita à”.

Nhưng Tita không còn nói về Guedali nữa. Nàng đang kể cho cô gái nghe về hai đứa con xuất sắc của mình. Một đứa là nhà thể thao vô địch có thể bơi như một con cá thực thụ, và đứa kia đứng đầu lớp và đang học vĩ cầm. Chúng tôi sống thoải mái lắm, nàng kết thúc. Chúng tôi không thiếu gì cả, mọi chuyện đều trở thành vui vẻ.

“Nghe như một kết thúc của một bộ phim truyền hình vậy”, cô gái nói. Và đúng thế, câu chuyện đã được đan xen khéo léo với một vở tuồng cải lương loại B. Với một mục tiêu duy nhất: thuyết phục tôi rằng tôi chưa bao giờ là một con nhân mã. Và họ đang đạt được mục tiêu ấy, ít nhất là một phần. Tôi vẫn tin mình là một con nhân mã, nhưng là một con nhân mã đang mỗi lúc bị teo đi, một con nhân mã mini, một con nhân mã micro. Thậm chí, con vật hư đốn này còn đang muốn chạy trốn tôi, muốn phi nước đại ở đâu đó làm sao tôi biết được. Có lẽ tốt hơn hết là thả cho nó đi, chấp nhận thực tại mà họ đang áp đặt lên tôi: rằng tôi là một con người, rằng những con vật thần thoại đã từng gây dấu ấn sâu đậm lên cuộc đời tôi ấy thực ra không tồn tại, chẳng có nhân mã, chẳng có nhân sư, chẳng có ngựa bay nào hết.

“Tôi thích vùng Rio Grando ghê lắm”, cô gái nói. “Mà thực là tôi có một chị gái sống ở đó. Chị ấy cũng có tâm hồn mạo hiểm lắm, giống như anh vậy, Guedali”. Chị ấy đến đó với tư cách nhà báo, để viết một bài báo về các trại gia súc ở vùng biên ải phía nam. Rồi thế nào mà chị ấy lại đi theo một gánh xiếc. Ai biết được, có khi chị ấy chính là bà dạy sư tử mà anh phải lòng chưa biết chừng”.

Cả hai bật cười khúc khích. Tôi cũng cười theo. “Sao lại không chứ?”.

“Mà thực ra”, cô gái nói, “Còn có một trùng hợp nữa. Đã có một thời gian tôi sống ở nhà một người bạn cũ, gần chỗ anh ở Teresopolis ấy. Liệu tôi có phải là cô gái mà anh đã thấy qua kính viễn vọng không hả Guedali?”.

Tôi lại cười, và cô gái nháy mắt với tôi . Tôi tin chắc là cô ta vừa nháy mắt với tôi, mặc dù cô ta vẫn đeo kính đen.

Có một hôm tôi gặp một người nghèo khổ ngoài đường. Ông ta xin bố thí, phô ra một cái chân cụt. Tôi đưa ít tiền, và rồi chắc bị mặc cảm tội lỗi thôi thúc, tôi hỏi: “Ông chỉ có một cái chân thôi ư?”, “Cái đó chẳng hề gì anh bạn ạ. Cái đó không ngăn cản anh làm việc. Anh đang thấy một người đã từng có cái móng ngựa đấy, biết không? Một người từng tranh đấu và thành công. Hãy noi gương ta, anh bạn ạ, hãy chiến đấu cho cuộc chiến của mình. Hãy tin tôi đi, có móng ngựa còn tồi tệ hơn nhiều so với việc thiếu một chân.

Đúng lúc ấy tôi bỗng nảy ra một nghi ngờ. Hai bàn chân trần mà tôi đang cọ nhè nhẹ dưới gầm bàn, cũng bằng chân trần của mình, là của ai thế nhỉ? Có thể là của Tita, mà cũng có thể là của cô gái kia lắm. Cứ nhìn vẻ mặt của hai người thì không thể đoán ra được: họ đều đang mỉm cười với một vẻ thông đồng. Bằng vào cảm giác mềm mạ của làn da này, tôi có thể đoán chúng là chân Tita. Nhưng ai mà biết được, nhỡ cô gái kia cũng dùng kem dưỡng ẩm như náng thì sao? Điều chắc chắn là bàn chân của chúng tôi đang tìm đến nhau, vuốt ve nhau, những bàn chân đầu nhục cảm, đúng vậy.

Cô gái nâng cốc rượu vang của mình, và đúng khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra:một bàn chân của Tita, còn bàn chân kia của cô gái. Có thế mà không nghĩ ra! Sao tôi lại không nhận ra điều đó sớm hơn nhỉ? Có những người có bàn chân có hình dạng lạ lùng, thậm chí có cả móng nhân mã, nhưng bàn chân mà ngón cái nằm ở phía ngoài thì không ai trên đời này có. Bàn chân này là của người này, bàn chân kia là của người kia.

Điều phát hiện đó khiến tôi phá lên một trận cười. Mọi người kinh ngạc nhìn tôi, đều phá lên cười theo. Sự thực là ai cũng cười: hai đứa sinh đôi, Paulo, Fernanda, Julio, Bela, tất cả mọi người. Họ cười mà không hiểu vì sao, nhưng họ cười thật sung sướng, thành những chuỗi lảnh lót như tiếng chuông. Có người cúi gập cả người vì ngặt nghẽo.

Vẫn còn đang cười, cô gái cúi sang tôi để lấy cái ví. Đúng lúc ấy, cổ áo phanh một nửa của cô thoáng để lộ một gò vú đầy đặn. Những chuỗi vòng cổ của cô đeo lủng lẳng vô số bùa trang sức: một ngôi sao David (54), những người Indian nhỏ xíu. Thấp nữa xuống chỗ khe vú thì có một con nhân sư bằng đồng, một con ngựa bay với đôi cánh dang rộng, và một con nhân mã.

Cô mở ví. Và ngay trước khi cô cất tiếng nói, trước khi cô nói rằng cô quên thẻ tín dụng ngoài xe, trước khi cô nhờ tôi đi với cô ra ngoài đó để lấy chúng, tôi đã đang đứng dậy, đã đang đứng dậy rồi. Ngay trước khi Tita, vừa mỉm cười vừa nháy mắt với tôi, kịp rủ tôi cùng quay về phòng khách sạn với nàng, tôi đã đang đứng dậy, đã đang đứng dậy rồi.

Như con ngựa có cánh sắp cất vó bay lên về phía những ngọn núi hoan lạc vĩnh hằng, về phía bộ ngực của Abraham. Như con ngựa với những bộ móng đang nhảy múa, sẵn sàng phi nước đại qua thảo nguyên. Như con nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng nhảy qua tường rào để tìm kiếm tự do.

{Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.}

* * *

Thc
hi
n bi
nhóm Biên t
p viên
Gác Sách:

Mai – lady_cat_kute – Mint
(Tìm - Ch
nh sa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3