Không thể thiếu em - Chương 01 - Phần 1
Chương 1:
Viên thuốc tây
Một người đàn ông có vẻ
ngoài lịch lãm bên trong có thể cũng rất lưu manh, giống như một viên thuốc
đắng được bao bọc bởi lớp vỏ đường, giống như sếp của cô - Viên Cảnh Thụy.
Đổng Tri Vy
1
Ký ức của Đổng Tri Vy bắt đầu từ con phố nhỏ bên cạnh nhà xưởng nồng nặc mùi
thuốc bắc. Bố mẹ cô đều là công nhân trong một xưởng sản xuất thuốc. Thời ấy, có
một công việc ổn định là có tất cả mọi thứ. Có công việc thì mới được xã hội thừa
nhận, mới có cơ hội xây dựng gia đình, mới có thể sinh con, chăm con. Bố mẹ của
Tri Vy từng bước hoàn thành các mục tiêu trên, cuộc sống đơn giản trôi qua từng
ngày.
Căn nhà tập thể cũ màu xám được xưởng thuốc phân cho, xây ngay bên cạnh xưởng
thuốc, chỉ là một căn phòng nhỏ, lúc mới ở ngay cả đường dẫn khí đốt cũng không
có, vào những ngày mùa đông, tất cả mọi người trong khu nhà đều kéo nhau ra bếp
lò ngoài cửa đốt than quả bàng, mùi than cháy thơm nức mũi còn mang theo mùi thơm
của rau xào, khói trắng bốc ngùn ngụt từ tầng một lên tận tầng sáu.
Trong phòng cũng vô cùng chật chội, rộng chưa đầy bốn mươi mét vuông, những
ngày hè Tri Vy bắc một chiếc ghế nhỏ ra ngoài ngồi tước đậu, nhặt rau, chốc chốc
lại cẩn thận để ý cái chậu nhỏ tráng men sợ bị người lớn tất bật qua lại giẫm phải.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Đôi mắt của mẹ Tri Vy không tốt, bị cận thị rất nặng, làm việc không được nhanh
nhẹn lắm, cũng may chồng bà là người tận tâm, việc gì cũng tranh làm với bà, con
gái cũng rất ngoan ngoãn, cảm giác được người nhà chăm sóc rất hạnh phúc, mỗi lần
đón lấy rổ đậu đã được nhặt sạch sẽ bà đều thơm lên má con gái một cái và nói: “Con
gái ngoan”.
Còn bố của Tri Vy mỗi khi về nhà đều gây ra tiếng động rất lớn, cửa mở xoạch
một cái là bước vào nhà, nếu như trời nóng, vừa nhìn thấy con gái là ông vui vẻ
cúi người xuống bẹo má con và nói to: “Lại đây uống nước khoáng mặn bố mang về nào”.
Bố cô làm việc trong phân xưởng, nước khoáng mặn chính là phúc lợi chỉ những
hôm nhiệt độ cao mới có, ông không uống mà thường để trong một cái bình giữ nhiệt
nho nhỏ mang về nhà, lúc đổ ra vẫn còn mát lạnh, trộn với những viên kem gói rồi
uống. Đó là những ký ức đẹp đẽ nhất về mùa hè của Tri Vy.
Đến tuổi đi học, hàng ngày Tri Vy đeo cặp sách, men theo con đường nhỏ bên cạnh
khu công xưởng đi tới ngôi trường tiểu học cách nhà tầm trăm mét.
Góc quẹo nơi con phố nhỏ có những bức tường vây cao, thẳng, bên trên có mái
che, đó là phân xưởng sản xuất thuốc, nơi đó luôn luôn có khói trắng bay lên, cho
dù là sáng sớm hay tối khuya thì bên trong luôn phát ra ánh sáng màu vàng tăm tối.
Bởi vì quanh năm ngày tháng có khí bay lên ẩm ướt nên lớp xi măng trên những bức
tường cao mọc đầy rêu xanh, mặt đất luôn ẩm ướt, không khí lúc nào cũng nồng nặc
mùi thuốc bắc.
Lúc mới đi học, có bạn nam nghịch ngợm đã dọa Tri Vy, cậu nói đó là nơi công
xưởng để xác chết. Tri Vy không nghi ngờ gì cả, lúc đó cô cảm thấy cuộc sống của
những người xung quanh mình đều kết thúc trong công xưởng này, vì thế cô sợ hãi
đến nỗi mỗi lần đi qua đây đều cắm đầu chạy, chưa bao giờ dừng lại nửa bước. Cho
tới khi bố dẫn cô vào trong đó xem thì mới biết trong đó chẳng qua chỉ có một đống
máy móc, sau này cô mới đỡ sợ hơn một chút.
Những lúc ấy, Tri Vy luôn cho rằng, tất cả mọi thứ mãi mãi không bao giờ thay
đổi.
Tri Vy luôn không nhớ nổi những đám hơi nước màu trắng tưởng chừng không bao
giờ ngừng bốc lên ấy đã ngừng bốc hơi vào hôm nào, khiến cho cả bức tường cao đầy
rêu xanh cũng trở nên khô ráo, sau đó hàng loạt sự việc đáng sợ đã xảy ra, xưởng
thuốc đóng cửa, chỉ trong một đêm bố mẹ cô đã thất nghiệp.
Quãng thời gian sau đó cho dù hoàng hôn có đượm màu thế nào đi chăng nữa thì
ngọn đèn trong nhà luôn bị quên bật lên, cho đến khi bóng đêm đen kịt bao trùm lên
tất cả.
Bố cô chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm việc làm, thường xuyên vắng nhà, mẹ
yếu ớt thường khóc thầm lúc nửa đêm, lại sợ con gái nghe thấy nên luôn dùng chăn
che kín mặt.
Lúc đó Tri Vy đã mười bốn, mười lăm tuổi, cái tuổi cứ nghĩ thứ gì cũng hiểu
nhưng chẳng có sức để làm gì cả, cô biết bố mẹ không muốn cô nhìn thấy họ rơi vào
hoàn cảnh này, vì thế cô vờ như không thấy gì cả, nhưng nỗi đau là thật, bởi vì
cô không biết tương lai sau này sẽ thế nào.
Nhưng ngày ngày cô vẫn nghe thấy bố mẹ khe khẽ bàn bạc với nhau trong đêm tối,
những tiếng nói ấy dường như đang thề thốt, tràn đầy quyết tâm.
“Không thể làm lỡ việc của con”.
“Ừ, nói gì cũng không được”.
Cả hai người cứ nghĩ cô ngủ rồi nhưng cô không thể, trong bóng tối Tri Vy luôn
tự hỏi mình có thể làm được gì cho cái nhà này? Nhưng đáp án luôn chỉ là sự tuyệt
vọng, cô vẫn còn là một đứa trẻ, thậm chí cô còn chưa đủ tuổi có thể cầm trong tay
tấm chứng minh thư.
Những ngày sau đó bố mẹ cô bắt đầu bận rộn, bố cô tìm được công việc trông coi
nhà kho buổi đêm, luôn về nhà lúc ánh trăng chỉ còn rơi rớt lại vào sáng sớm, còn
mẹ cô, hàng ngày bà ở nhà làm những đồ thêu nho nhỏ, những mũi thêu chồng lên nhau,
mắt bà lại kém nên khi thêu cứ gí sát mặt vào bóng điện, có lúc nửa đêm Tri Vy đang
làm bài và đột ngột ngẩng lên, cô cảm thấy mái tóc của mẹ như được bao bọc bởi một
lớp hào quang.
Tri Vy tới gần rồi cầm lấy tay mẹ, nói: “Mẹ đừng làm nữa”.
Mẹ gạt tay cô ra và nói: “Làm cho vui thôi con, ở nhà chán quá!”.
Thực ra mẹ Tri Vy làm những thứ này không phải để cho vui, tất cả đều để bán
lấy tiền bù vào thu nhập của gia đình, bà sợ con gái biết nên luôn đợi sau khi Tri
Vy đi học mới lên xe đi bán, bà cũng không dám bán ở gần nhà nên lần nào cũng phải
đi lòng vòng rất lâu.
Công việc vất vả như vậy nên đôi mắt vốn đã cận thị cao độ của bà đã mau chóng
có vấn đề, ban đầu là hai mắt đau nhức, hay chảy nước mắt, sau đó nhãn cầu trở nên
đục ngầu. Lúc đó Tri Vy học lớp tám, mỗi ngày rời khỏi trường cũng đã gần bảy giờ,
bố lại thường xuyên vắng nhà, cho đến khi mắt mẹ cô bắt đầu xuất hiện những chấm
đen, rồi chảy máu thì mọi việc đã không thể cứu vãn được nữa.
Khi bác sĩ công bố kết quả bà bị bong võng mạc, bố cô đứng sững như phỗng ở
hành lang, ông không ngừng lẩm bẩm: “Đều do tôi không tốt, do tôi không tốt”.
Bố Tri Vy cũng giống như nhiều người bình thường khác, không có kiến thức về
y học, chưa bao giờ ngờ rằng cận thị cao độ cũng có thể ác tính dẫn tới mức bị mù,
mẹ cô bị giấu chuyện này trong một thời gian, nằm trên giường bệnh bà vẫn lần tìm
tay chồng kêu khóc.
“Chúng ta không cần khám bệnh nữa đâu, mau về nhà thôi. Tôi nhỏ thêm ít thuốc
nhỏ mắt rồi tĩnh dưỡng ở nhà mấy bữa là khỏi, con gái sắp lên cấp ba rồi, không
nên nằm viện làm gì cho tốn tiền”.
Bởi vì không nhìn thấy nên bà không biết con gái mình đứng bên cạnh nghe bà
lặp đi lặp lại những lời đó không biết bao nhiêu lần.
Tri Vy nghe xong mà cảm thấy như có trăm nhát dao xuyên qua trái tim mình, nhưng
cô không dám khóc thành tiếng, chỉ biết cúi đầu nhìn những giọt nước mắt của mình
rơi ướt tấm ga giường bệnh, sợ mẹ sờ thấy nên cô dùng một bàn tay che lại. Cứ che
mãi, che mãi, một hồi lâu sau vết ướt vẫn không khô, đến nỗi nhiều năm sau nhớ lại
ngày đó cô vẫn cảm thấy lòng bàn tay ươn ướt.
Tiền thuốc thang đắt đỏ đã tiêu tốn chút tiền cuối cùng còn lại của gia đình
nhỏ này, người mẹ mù lòa cũng cần chăm sóc, cuối cùng Tri Vy từ bỏ cơ hội bước chân
vào cấp ba, cô chọn theo học một trường trung cấp thương nghiệp gần nhà.
Thành tích của Tri Vy rất tốt, nhà trường miễn giảm học phí cho cô, cô thuận
lợi theo học hết ba năm trung cấp, sau khi tốt nghiệp cô đi làm ngay, sau đó vừa
kiếm tiền vừa học, vừa học vừa kiếm tiền, cứ nỗ lực dựa vào chính mình như vậy cuối
cùng cô cũng giành được bằng đại học tại chức buổi tối. Có lần vào dịp Tết, tới
nhà họ hàng ăn cơm, đúng dịp con gái nhà người cô đi du học tự túc từ nước ngoài
trở về, nói tới chuyện đi học và tìm việc làm. Ông chú bĩu môi, nói cùng là sinh
viên nhưng văn bằng tại chức buổi tối như Tri Vy còn kém xa so với văn bằng đại
học chính quy.
Ông chú vừa dứt lời thì ngay lúc đó mặt bố cô sầm lại, trước giờ ông vốn hiền
lành vậy mà hôm đó suýt nữa cãi nhau với ông chú ngay trong bữa cơm.
Lúc đợi xe, mẹ cô đứng bên hè phố cứ nắm chặt tay cô không buông, Tri Vy biết
trong lòng bà đang nghĩ gì, cô vội lên tiếng an ủi:
“Như nhau thôi mẹ ạ, công việc của con bây giờ rất tốt”.
Cô vừa nói vừa cảm thấy hạnh phúc vì mình vào được Thành Phương, mặc dù Viên
Cảnh Thụy không phải là ông chủ hoàn hảo không khiếm khuyết nhưng được cái tính
tình rộng rãi, danh tiếng công ty lại lớn, mỗi lần công ty tuyển người, người xếp
hàng chẳng khác gì xếp hàng chờ mua vé tàu trong dịp tết. Số người vò đầu bứt tóc
muốn vào Thành Phương không hề ít, một cô gái tốt nghiệp đại học tại chức như cô
có thể làm lên vị trí này không biết đã khiến bao nhiêu người kinh ngạc.
Nhiều cái lợi như thế đương nhiên cũng phải trả giá, cường độ công việc cao
tới mức khủng khiếp, tăng ca là chuyện thường ngày như cơm bữa, bắt đầu từ chín
giờ sáng cho tới bảy, tám, chín, mười giờ tối thậm chí sáng sớm, nhưng Tri Vy không
để tâm tới điều đó.
Chí ít nó còn tốt hơn công việc mà cô đã từng làm, chí ít còn tốt hơn ở bên
Ôn Bạch Lương.
Nhớ tới cái tên đó Tri Vy lại thầm chửi mình, đã nói nhiều lần là không được
nhớ lại nữa rồi, đối với cô mà nói quãng thời gian ấy không đáng để nhớ lại, day
dứt không quên chỉ càng cảm thấy xấu hổ mà thôi.
Đổng Tri Vy hai mươi tư tuổi, cô có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhỏ nhẹ, vì
làm thư ký nên khi gặp người khác cô luôn nở nụ cười trên môi, thế nhưng nội tâm
cô đã bị cuộc sống giày vò tới mức chai cứng như sắt thép, điều này cô rõ hơn ai
hết.
2
Tám giờ bốn mươi lăm phút sáng, Đổng Tri Vy ngồi trước bàn làm việc, bật máy
tính, mở kế hoạch công việc một ngày lên, cô uống một ngụm nước đậu tương để trong
cốc giữ ấm, ánh mắt lướt qua ba chiếc điện thoại đặt trước mặt.
Không biết hôm nay chiếc điện thoại nào sẽ đổ chuông trước.
Nếu là chiếc đầu tiên, cô phải đứng dậy nghe để thể hiện sự tôn trọng và lịch
sự, chiếc thứ hai là nội bộ công ty, mặc dù khá phức tạp nhưng lúc xử lý công việc
lại đơn giản, còn về chiếc thứ ba thì thực sự khiến cô cảm thấy đau đầu.
Cửa mở, người bước vào mang theo một làn gió nhẹ, trời lạnh, bóng chiếc áo khoác
lớn lướt qua trước mặt cô, cùng lúc tiếng chuông điện thoại đột ngột vang lên.
Tri Vy không kịp lên tiếng chào hỏi người đó, cô vội nhấc điện thoại lên trả
lời, người vừa bước vào lại quay lại nhìn cô, thấy cô đang cầm chiếc điện thoại
đó bèn nheo mắt lại rồi lắc đầu với cô.
Tri Vy đáp: “Xin lỗi, tổng giám đốc Viên gần đây rất bận, không ở Thượng Hải,
tôi cũng không biết khi nào ông mới về”. Giọng nói chân thành chuyên nghiệp tới
mức không thể chuyên nghiệp hơn được nữa.
Người đàn ông trước mặt cô liền gật đầu mỉm cười, Viên Cảnh Thụy năm nay mới
ngoài ba mươi nhưng đã lăn lộn trên thương trường rất nhiều năm, điều đáng nói là
thân hình của anh vẫn rất chuẩn, dù mặc những bộ quần áo đơn giản nhưng vẫn có thể
khiến phụ nữ phải đỏ mặt, lúc anh cười khóe mắt xuất hiện mấy nếp nhăn, trông càng
thêm hấp dẫn.
Đổng Tri Vy vẫn đang bận trả lời những câu truy hỏi của đối phương qua điện
thoại, ánh mắt nhìn theo sếp mình bước vào căn phòng làm việc nổi tiếng đó, cánh
cửa màu đen tự động khép lại sau lưng anh, nhẹ nhàng không một tiếng động.
Lúc Tri Vy gác máy, mặc dù cách một đường dây phức tạp không thể nhìn thấy nhưng
cô vẫn nghe thấy tiếng trái tim vỡ vụn.
Thực sự không cần thiết phải như thế.
Một người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm bên trong có thể cũng rất lưu manh, giống
như một viên thuốc đắng được bao bọc bởi lớp vỏ đường, giống như sếp của cô - Viên
Cảnh Thụy.
Không thể trách Tri Vy nghĩ như vậy được, cô mới vào làm được một tháng đã được
chứng kiến Viên Cảnh Thụy đánh lộn, nửa đêm lái xe tới nơi vắng vẻ còn bị người
ta bao vây. Ban đầu cô không biết xảy ra chuyện gì, cho tới khi những thanh gỗ và
những chiếc búa, rìu thô ráp gõ đập vào cửa xe cô mới kêu lên một tiếng, cô càng
sợ hãi hơn khi Viên Cảnh Thụy và lái xe cùng xông ra ngoài, cảnh tượng vô cùng hỗn
loạn. Cô bò ra sau xe định gọi cảnh sát, vừa rút điện thoại ra thì mọi thứ bỗng
trở nên yên lặng.
Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu cô đó là: Xong rồi, có báo cảnh sát cũng
không giải quyết được vấn đề, nhìn thấy trong bãi cỏ có một viên gạch, cô vội ném
điện thoại sang một bên rồi nhặt lấy nó.
Sau đó cô nghe thấy tiếng bật lửa vang lên “tách” một cái, hình như có người
đang châm thuốc, sau đó cô nghe thấy tiếng gọi khẽ: “Thư ký Đổng, thư ký Đổng?”.
Cô muốn đứng dậy nhưng hai chân cứ nhũn ra, có tiếng bước chân vòng qua đầu
xe tới gần bên cô, cô ngẩng lên nhìn. Dưới bóng trăng là hình ảnh một người đàn
ông chỉ mặc áo sơ mi, áo khoác ngoài không biết đã vứt đi đâu mất, cổ áo xộc xệch,
đôi mắt đen láy như được phủ một lớp dầu, sáng đến nỗi khiến cô khiếp sợ.
Cô vẫn ngồi im bất động, anh cúi người xuống, đưa bàn tay không cầm điếu thuốc
về phía cô. Chắc anh nghĩ cô sợ đến đờ người ra nên không gọi cô là thư ký nữa mà
gọi cả tên họ cô: “Đổng Tri Vy!”.
Cô giật mình khi nghe tiếng anh gọi rồi bất giác nắm chặt tay anh, lòng bàn
tay anh nóng bừng nhưng những ngón tay lại vô cùng lạnh lẽo, trên mu bàn tay còn
dính vết máu, cũng chẳng biết là máu của ai.
Cô khẽ rụt tay lại, anh cũng không để ý. Thấy tay kia của cô vẫn đang cầm viên
gạch anh liền bật cười, rồi quay sang vỗ vai bác lái xe đang bước tới.
“Cô ấy còn muốn giúp chúng ta nữa này”.
Bác Trần lái xe là một người đàn ông trung niên có nước da ngăm đen, bình thường
vốn ít nói. Lúc này cả người bác đầy dấu vết sau một trận ẩu đả nhưng nhìn không
hề thê thảm mà ngược lại bác còn nhìn cô cười.
Lúc cảnh sát và phóng viên báo chí tới nơi thì Viên Cảnh Thụy đã đi rồi, Tri
Vy và bác Trần phải đối mặt với họ. Giải quyết vấn đề thì chỉ có Tri Vy, bác Trần
im lặng đứng bên xe, không nói một lời nào.
Đám người phục kích đều bị đưa hết lên xe, Tri Vy giải trình rất đơn giản nhưng
vẫn có người đứng bên cảm thán, đó là một nữ phóng viên, cô ấy cầm máy ghi âm mà
cứ như muốn chọc thẳng vào mũi Tri Vy vậy.
“Vậy anh Viên bị kinh sợ rồi”.
Tri Vy luôn giữ thái độ lịch sự, lễ độ nhưng không trả lời, trước mặt cô lại
hiện lên đôi mắt sáng như được phết một lớp dầu bóng của người đàn ông ấy sau trận
ẩu đả, đó là ánh mắt vô cùng vui sướng. Kinh sợ ư? Cô cảm thấy bị kinh sợ là đám
du côn kia mới đúng.
Sau đó Tri Vy nghe được một số tin đồn từ cô bạn Tề Đan Đan cùng học lớp buổi
tối, nói là tin đồn nhưng thực chất nó là những tin cũ đã từng ồn ào một thời gian.
Nghe nói Viên Cảnh Thụy xuất thân từ đường phố, có được gia thế, địa vị như ngày
hôm nay đều dựa vào vợ cũ của anh, vợ cũ của anh đã từng là nữ chủ nhân của Thành
Phương, ngày thứ ba sau khi hai người kết hôn, cũng chính là đêm trước khi tòa nhà
này khánh thành, chị đã bất ngờ bỏ mạng do sự cố thang máy.
Cũng có người nói, đó là âm mưu rắp tâm hãm hại chị, chẳng qua không có chứng
cớ mà thôi. Trên thương trường Viên Cảnh Thụy ra tay gớm ghê có tiếng, Trình Tuệ
Mai - chủ tịch hội đồng quản trị hữu danh vô thực này từ lâu đã trở thành tảng đá
vướng chân anh, cuối cùng cũng có cơ hội đoạt công ty một cách danh chính ngôn thuận,
anh lập tức ra tay không cần chờ đợi thêm một ngày nào nữa.
Những lời này chắc chắn Đổng Tri Vy không bao giờ nghe được ở Thành Phương,
mọi chuyện về gia cảnh và quá khứ của Viên Cảnh Thụy giống như những điều cấm kỵ
ở nơi đây. Chưa bao giờ có người công khai nhắc tới hay bình luận về chuyện này.
Do cả ngày đi theo Viên Cảnh Thụy nên Tri Vy không có cơ hội vun đắp tình cảm thân
thiết với đồng nghiệp để nghe họ bàn luận chuyện đời tư của sếp.
Tề Đan Đan làm việc trong hiệp hội các doanh nghiệp Chiết Giang, bình thường
cô vốn thích thu thập những tin đồn trong giới, nghe Tri Vy nhắc tới Viên Cảnh Thụy
cô lập tức lấy tinh thần rồi kể hết mọi chuyện mình biết cho Tri Vy nghe. Vừa nói
hai mắt như vừa phát sáng:
“Hóa ra em là thư ký riêng của Viên Cảnh Thụy, có cơ hội nhớ chụp nhiều ảnh
vào nhé”.
“Chụp ảnh anh ấy để làm gì?”. Tri Vy không hiểu.
“Đương nhiên để ngắm trai đẹp mọi góc độ rồi”.
Tề Đan Đan lườm cô một cái rồi tiếp lời: “Em ở Thành Phương lâu quá nên phát
dại rồi, nên ra ngoài ngắm thế giới thật nhiều hơn, chỗ nào cũng là khủng long đực,
hàng chất lượng cao vừa có tiền vừa có tướng mạo như Viên Cảnh Thụy giờ tìm đâu
được chứ? Em đúng là sống trong bể phúc mà không biết hưởng phúc”.
Nhưng bản thân Tri Vy đâu nghĩ mình có phúc, ngồi trước mặt Tề Đan Đan đang
thao thao bất tuyệt mà cô cảm thấy rùng mình. Bởi vì từng câu chữ vụn vặt về quá
khứ cấm kị của Viên Cảnh Thụy đều khiến cô cảm thấy nó như mang theo mùi tanh của
máu, anh khiến cô cảm thấy sợ hãi.
Đêm đó Tri Vy không tài nào ngủ được, cô trằn trọc mãi trên giường, cứ nhắm
mắt vào là lại nhìn thấy máu chảy lênh láng, trước mặt là hình ảnh mơ hồ về một
người phụ nữ, cho đến khi trời tờ mờ sáng cô mới chợp mắt được một lúc.
Mới qua sáu giờ một chút cô đã tỉnh vì tiếng chuông đồng hồ báo thức, ánh nắng
sớm nhẹ nhàng như sương xuyên qua khung cửa sổ nhảy nhót trên mặt cô. Cô vật vã
thức dậy, lúc rửa mặt mới ngẩng đầu nhìn mình trong gương, cảm thấy sắc mặt mình
xám xịt khó coi quá. Khi đi làm, lúc bước vào thang máy cô cũng không dám dừng lại
quá lâu.
Sau đó có kết quả điều tra, mấy người đó do giám đốc công ty xây dựng thua trong
một vụ đấu thầu phái tới, họ nói muốn cho Viên Cảnh Thụy nếm mùi đau khổ. Có báo
còn đưa tin đầy đủ, Viên Cảnh Thụy cũng đọc được tin đó, sau khi xem xong anh chỉ
cười rồi tiện tay ném tờ báo sang một bên.
Nhưng Tri Vy lại thu dọn tờ báo đó lại, bởi vì trên đó có ảnh cô đứng giữa khung
cảnh hỗn loạn, mặc dù vẫn điềm tĩnh nhưng mọi thứ trong đôi mắt cô vô cùng thê thảm.
Điện thoại lại đổ chuông, lần này là nội bộ công ty, hơn chín giờ, cả tầng lầu
giống như cung điện bị yểm bùa đột nhiên bừng tỉnh.
Tri Vy gác máy rồi đứng dậy đi rót nước, lúc qua bàn làm việc còn tiện tay cầm
luôn tập tài liệu vừa sắp xếp xong rồi đi tới trước cánh cửa tự động gõ hai tiếng
lấy lệ.
Bước vào trong, Tri Vy đặt cốc nước lọc lên chiếc bàn làm việc lớn màu đen,
sau đó mở sẵn tập tài liệu ra cho Viên Cảnh Thụy xem.
Thư ký không phải là một công việc thoải mái, đặc biệt là thư ký của Viên Cảnh
Thụy. Tập đoàn Thành Phương phát triển nhiều ngành nhiều nghề như ngày hôm nay,
chỉ mỗi việc ký tên hàng ngày thôi cũng đã tiêu tốn mấy tiếng đồng hồ của sếp cô
rồi. Một đống tài liệu dày cộp mở ra thấy đủ loại ngôn ngữ với chi chít chữ, thỉnh
thoảng có lúc ký tên sếp cô không vui còn ngước lên nhìn cô một cái rồi nheo mắt
lại theo thói quen, ý bảo những thứ thế này cũng phải đặt trước mặt anh hay sao?
Ban đầu cô không hiểu lắm nên hỏi anh: “Nếu mắt anh không thoải mái thì nên
đi khám bác sĩ đi”.
Lời vừa dứt đã bị người ta cười nghiêng ngả.
Thực ra vừa nói xong Tri Vy đã thấy hối hận vì sự đường đột của mình nhưng cô
không kìm nén được.
Do chuyện của mẹ cô nên Tri Vy đặc biệt chú ý tới những triệu chứng bất thường
của mắt, nếu Viên Cảnh Thụy không chớp mắt mà bị lệch mũi thì cô sẽ không lên tiếng
hỏi làm gì.
Giờ nghỉ trưa, Viên Cảnh Thụy một mình lên bể bơi trên tầng cao nhất của tòa
nhà, từ trước tới giờ anh là một người thích vận động, tiếng đập nước vang vọng
trong không trung được truyền đi rất xa, bác Trần khoanh tay đứng bên cạnh, im lặng
như mọi khi.
Vì yên tĩnh nên tiếng trượt cửa kính cũng trở nên đột ngột, Đổng Tri Vy ăn mặc
nghiêm chỉnh bước vào, cô tính toán chính xác thời gian anh lên bờ rồi ngồi xổm
bên thành bể bơi nói chuyện.
“Anh Viên, đây là tài liệu khẩn cần anh xem gấp”.
Anh đặt hai tay lên thành bể bơi nhưng không nhoài người lên bờ mà cứ thế nhìn
theo tay cô mở từng trang tài liệu cho anh xem.
Hai người cách nhau rất gần, đàn ông khi bơi thường không đeo kính bơi, lông
mi toàn là nước, Tri Vy bất giác lùi lại phía sau, anh chợt ngước lên nhìn cô, đôi
mắt đen lánh một màu nước.
Cô lập tức lên tiếng: “Xin lỗi, tôi sợ tài liệu bị ướt”.
Nghe xong anh sững lại rồi bật cười: “Vậy để tôi lên bờ”. Nói xong anh chống
hai tay rồi nhảy phốc lên thành bể.
Khăn tắm được đặt sẵn trên ghế nằm cạnh bể bơi, anh bước tới lau qua người.
Tri Vy đứng bên cạnh nghiêng mặt nhìn thẳng như đang chiêm ngưỡng phong cảnh thành
phố bên ngoài bức tường kính.
Viên Cảnh Thụy nhìn cô, trong lòng thầm nghĩ tại sao anh có thể chọn được một
thư ký tốt như thế này nhỉ.