Nhật ký - Chương 12 phần 4

Bà ấy thì thầm, “Noah… Noah ngọt ngào của em…”

Và tôi, kẻ không chấp nhận những lời của bác sĩ, lại đã chiến thắng vang dội, ít nhất là trong một lúc. Tôi thôi giả vờ bí ẩn, rồi hôn tay bà, áp bàn tay ấy lên má rồi thì thầm vào tai bà:

“Em là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với anh.”

“Ôi… Noah,” bà ấy nói, mắt ngấn lệ, “em cũng yêu anh.”

Giá như có thể kết thúc như thế này, tôi sẽ là một người đàn ông hạnh phúc.

Nhưng không như thế. Về điều này tôi chắc chắn, vì khi thời gian trôi qua, tôi bắt đầu thấy được các dấu hiệu lo lắng trên mặt bà.

“Có gì không ổn ư?” tôi hỏi, và câu trả lời của bà ấy đến thật khẽ khàng.

“Em sợ lắm. Em sợ sẽ lại quên anh. Thật không công bằng… em không thể chịu nổi việc phải từ bỏ những điều này.”

Giọng bà ấy vỡ òa khi nói xong, nhưng tôi chẳng biết phải nói gì. Tôi biết buổi tối đang dần kết thúc, và tôi chẳng thể làm gì để ngăn cái điều tất yếu sẽ xảy ra. Về việc đó tôi là một sự thất bại. Cuối cùng tôi nói với bà ấy:

“Anh sẽ không bao giờ rời xa em. Những gì ta có là mãi mãi.”

Bà ấy biết đó là tất cả những gì tôi có thể làm, vì cả hai chúng tôi đều không muốn có những lời hứa sáo rỗng. Nhưng tôi có thể đoán ra theo cái cách bà ấy đang nhìn tôi rằng một lần nữa bà ấy muốn nhiều hơn thế.

Lũ dế đã tấu lên khúc nhạc đêm, chúng tôi bắt đầu bữa tối. Không ai trong chúng tôi đói, nhưng tôi ăn làm gương, và bà làm theo. Bà ăn những miếng nhỏ và nhai rất lâu, nhưng tôi mừng khi nhìn thấy bà ấy ăn. Ba tháng qua bà ấy đã sụt cân quá nhiều.

Sau bữa tối, dù đã cố cưỡng lại nhưng tôi vẫn trở nên lo sợ. Tôi biết tôi nên vui tươi, vì sự tái hợp này là bằng chứng cho tình yêu vẫn có thể là của chúng tôi, nhưng tôi biết tối nay chuông đã điểm. Mặt trời đã lặn từ lâu và tên kẻ trộm đang sắp đến, mà tôi chẳng thể làm gì để ngăn cản. Vì thế tôi nhìn bà trân trân và chờ đợi, tưởng như sống cả một đời người trong những khoảnh khắc còn lại cuối cùng ấy.

Không có gì xảy ra.

Đồng hồ tích tắc.

Không có gì xảy ra.

Tôi choàng tay ôm lấy bà ấy và chúng tôi ôm nhau.

Không có gì xảy ra.

Tôi cảm thấy bà ấy run lên và tôi thì thầm vào tai bà ấy.

Không có gì xảy ra.

Tôi lại nói với bà ấy lần cuối cùng của tối nay rằng tôi yêu bà ấy.

Và tên trộm đã đến.

Việc điều đó diễn ra nhanh đến thế luôn làm tôi kinh ngạc. Thậm chí cả bây giờ, sau biết bao nhiêu thời gian như thế. Vì khi bà ôm tôi, bà bắt đầu chớp mắt rất nhanh và lắc lắc đầu. Thế rồi, quay về phía góc phòng, bà ấy chăm chú suốt một lúc lâu, sự lo âu hằn sâu trên gương mặt.

Không! Tâm trí tôi gào thét. Chưa! Không phải bây giờ… không phải khi chúng tôi đã gần gũi đến thế! Không phải đêm nay! Đêm nào cũng được, không phải đêm nay… Làm ơn! Những từ ấy đang ở bên trong tôi. Tôi không thể chịu được nữa! Thật không công bằng… không công bằng…

Nhưng lại một lần nữa, không có kết quả.

“Những người kia,” cuối cùng bà ấy nói, chỉ tay “đang nhìn tôi chằm chằm. Làm ơn bảo họ thôi đi.”

Những người lùn.

Một cái hố đào sâu trong dạ dày tôi, cứng và đầy ứ. Tôi ngưng thở một khoảnh khắc, rồi lại bắt đầu thở, lần này nông hơn. Miệng tôi khô ran, và tôi cảm thấy trái tim mình đang đập thình thịch. Thế là hết, tôi biết, và tôi đã đúng.

Khoảnh khắc ấy đã tới. Điều này, sự lẫn lộn của tâm trí khi tối trời vẫn đi kèm với chứng Alzheimer cho vợ tôi, chính là phần khó khăn hơn tất cả. Vì khi nó đến, bà ấy đi, và đôi khi tôi tự hỏi liệu bà ấy và tôi có bao giờ yêu nhau trở lại không.

“Chẳng có ai ở đấy đâu, Allie,” tôi nói, cố gắng ngăn chặn điều tất yếu. Bà ấy không tin tôi.

“Họ cứ nhìn tôi chằm chằm.”

“Không đâu,” tôi vừa lắc đầu vừa thì thầm.

“Đấy, họ ở ngay kia kìa,” bà ấy nói, đẩy tôi ra chỗ khác, “và họ đang nhìn tôi chằm chằm.”

Với câu nói ấy, bà bắt đầu tự nói chuyện một mình và một lúc sau, khi tôi cố gắng làm bà dịu đi, bà rụt người lại, mở to mắt.

“Ông là ai?” bà kêu lên với sự kinh hoàng trong giọng nói, mặt tái đi. “Ông đang làm gì ở đây?” Có một nỗi sợ đang lớn lên trong bà, và tôi đau đớn, vì tôi chẳng thể làm gì được. Bà di chuyển ra xa tôi hơn, quay lưng lại, tay ở vị trí tự vệ, và khi đó bà nói những câu nói làm tan nát tim tôi hơn hết.

“Cút đi! Tránh xa tôi ra!” bà ấy hét lên. Bà ấy đang đẩy những người lùn ra xa mình, kinh hoàng, bây giờ rõ ràng là trước sự có mặt của tôi.

Tôi đi ngang qua phòng đến giường bà. Bây giờ tôi đã yếu, chân tôi đau, rồi một bên hông tôi bỗng đau lạ. Tôi không biết cơn đau đến từ đâu. Để bấm được nút gọi y tá là cả một cuộc vận lộn, vì những ngón tay tôi đang đau nhói và có vẻ như đã đông cứng, dính chặt vào nhau, nhưng cuối cùng tôi cũng thành công. Họ sắp đến đây bây giờ, tôi biết, và tôi chờ họ. Trong khi chờ, tôi chăm chú nhìn vợ mình.

Mười…

Hai mươi…

Ba mươi giây trôi qua, tôi tiếp tục nhìn chăm chú, mắt tôi không bỏ sót điều gì, nhớ lại những khoảnh khắc chúng tôi vừa mới chia sẻ cùng nhau. Nhưng trong suốt thời gian đó bà ấy không quay lại, và tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh bà đang vật lộn với những kẻ thù vô hình.

Tôi ngồi bên giường với cái lưng đau và bắt đầu khóc khi tôi cầm cuốn sổ tay lên. Allie không hề để ý. Tôi hiểu, vì tâm trí bà ấy đã ra đi rồi.

Một vài trang giấy rơi xuống sàn nhà, tôi cúi xuống để nhặt chúng lên. Bây giờ tôi đã mệt, vì thế tôi ngồi xuống, một mình và cách xa vợ tôi. Khi y tá đến, họ chỉ thấy hai con người cần họ an ủi. Một người phụ nữ đang run lên vì sợ những kẻ thù trong tâm trí mình, một ông già yêu bà ấy sâu sắc hơn chính cuộc sống của mình, đang khe khẽ khóc trong góc phòng, mặt giấu vào lòng bàn tay.

Tôi dành phần còn lại của buổi tối đó ngồi một mình trong phòng mình. Cửa phòng khép hờ và tôi có thể nhìn thấy người ta đi qua, một số người lạ, một vài người bạn, và nếu tập trung, tôi có thể nghe thấy họ nói chuyện về gia đình, công việc và các chuyến đi công viên. Những cuộc nói chuyện bình thường, không có gì hơn, nhưng tôi thấy mình ghen tị với họ và sự dễ dàng trong giao tiếp của họ. Lại một tội lỗi chết người khác, tôi biết, nhưng đôi khi tôi không thể nào nhịn nổi.

Bác sĩ Barnwell cũng có mặt, đang nói chuyện với một y tá, và tôi tự hỏi ai ốm đến mức được ông ấy phải đến thăm vào giờ này. Ông làm việc quá nhiều, tôi bảo ông ấy. Hãy dành thời gian cho gia đình, tôi nói, họ sẽ không ở bên ông mãi đâu. Nhưng ông ấy không nghe tôi. Ông ấy bảo ông ấy quan tâm đến các bệnh nhân của mình và phải đến đây khi được gọi. Ông ấy nói ông ấy không còn sự lựa chọn nào khác, và điều này khiến ông ấy thành một người bị giằng xé trong mâu thuẫn. Ông muốn là một bác sĩ hoàn toàn cống hiến cho bệnh nhân và là một người đàn ông hoàn toàn cống hiến cho gia đình mình. Ông ấy không thể là cả hai, vì không đủ thời gian, nhưng ông ấy vẫn chưa nhận ra điều ấy. Tôi tự hỏi, khi giọng ông ấy chìm dần vào đám đông, rằng ông ấy sẽ chọn vai trò nào, hoặc đáng buồn hơn, liệu số phận có lựa chọn thay ông.

Tôi ngồi bên cửa sổ trong một chiếc ghế bành thoải mái và nghĩ về ngày hôm nay. Nó vừa vui vừa buồn, vừa tuyệt vời vừa làm tim tôi tan nát. Những cảm xúc trái ngược khiến tôi im lặng nhiều giờ liền. Tối hôm đó tôi không đọc sách cho ai nghe; tôi không thể, vì nhìn sâu vào nội tâm mình qua thơ ca sẽ khiến tôi đầm đìa nước mắt. Dần dần các hành lang trở nên yên lặng, chỉ còn tiếng bước chân của những nhân viên ca tối. Đến 11 giờ đêm, tôi nghe thấy tiếng động quen thuộc mà vì lý do nào đó tôi trông đợi. Tiếng bước chân mà tôi đã biết rõ.

Bác sĩ Barnwell nhòm vào.

“Tôi thấy đèn phòng ông còn bật. Ông có phiền không nếu tôi vào?”

“Không,” tôi nói, lắc đầu.

Ông bước vào nhà và nhìn quanh phòng trước khi ngồi xuống cách tôi vài mét.

“Tôi nghe nói,” ông ta nói, “ông đã có một ngày tốt lành với Allie.” Ông mỉm cười. Ông bị chúng tôi và mối quan hệ của chúng tôi làm cho kinh ngạc. Tôi không biết liệu sự quan tâm của ông ta có phải hoàn toàn do nghề nghiệp hay không.

“Tôi cho là thế.”

Ông ta hếch đầu lên khi nghe câu trả lời của tôi và nhìn tôi.

“Ông có khỏe không, Noah? Trông ông hơi suy sụp.”

“Tôi bình thường. Chỉ hơi mệt thôi.”

“Allie hôm nay thế nào?”

“Bà ấy bình thường. Chúng tôi đã nói chuyện gần bốn tiếng đồng hồ.”

“Bốn tiếng? Noah, việc đó thật… không thể tin được.”

Tôi chỉ có thể gật đầu. Ông ta nói tiếp, lắc đầu.

“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế, hay thậm chí nghe nói về nó. Tôi đoán rằng nó liên quan đến tình yêu cả thôi. Hai ông bà sinh ra để dành cho nhau. Bà ấy hẳn là yêu ông lắm. Ông biết điều ấy, đúng không?”

“Tôi biết,” tôi nói, nhưng tôi chẳng thể nói thêm gì nữa.

“Điều gì làm ông khó chịu thế, Noah? Allie đã nói hay làm gì động chạm đến cảm xúc của ông à?”

“Không. Thật sự thì bà ấy rất tuyệt vời. Chỉ là đúng lúc này tôi đang cảm thấy… cô đơn thôi.”

“Cô đơn?”

“Đúng.”

“Chẳng có ai cô đơn cả.”

“Tôi cô đơn.” Tôi nói khi nhìn vào đồng hồ và nghĩ về gia đình ông ta đang ngủ trong một ngôi nhà yên tĩnh, một nơi lẽ ra ông ta đang có mặt, “Cả ông cũng vậy.”

Vài ngày tiếp sau đó qua đi không có gì đặc biệt. Allie không thể nhận ra tôi dù vào lúc nào, và tôi thừa nhận thỉnh thoảng khả năng tập trung của tôi lại suy yếu, vì đầu óc tôi hầu như chỉ toàn những suy nghĩ về cái ngày chúng tôi mới bên nhau. Mặc dù kết cục luôn đến quá sớm, nhưng hôm đó chẳng có gì mất cả, chỉ được mà thôi, và tôi vui vì đã lại nhận được điều may mắn ấy một lần nữa.

Đến tuần tiếp theo, cuộc sống của tôi đã gần như trở lại bình thường. Hay ít nhất bình thường hết mức mà nó có thể. Đọc sách cho Allie nghe, đọc sách cho những người khác nghe, đi vẩn vơ trong hành lang. Nằm thức suốt đêm và ngồi bên máy sưởi vào buổi sáng. Tôi thấy dễ chịu kỳ lạ trong sự dễ đoán của đời mình.

Vào một buổi sáng mát mẻ đầy sương tám hôm sau cái ngày chúng tôi ở bên nhau ấy, tôi tỉnh giấc rất sớm, theo thói quen, loanh quanh bên bàn, hết xem ảnh lại đọc những lá thư viết từ nhiều năm trước. Ít nhất thì tôi cũng cố gắng làm thế. Tôi không thể tập trung lâu và bị đau đầu, vậy là tôi để chúng sang một bên và đến ngồi vào chiếc ghế bên cửa sổ ngắm mặt trời lên. Vài tiếng nữa Allie mới tỉnh dậy, tôi biết, và tôi muốn thư giãn trước, vì đọc sách suốt cả ngày sẽ chỉ khiến đầu tôi thêm đau.

Tôi nhắm mắt lại vài phút trong khi những cơn đau đầu thay phiên giã thình thịch rồi lắng xuống. Rồi khi mở mắt ra, tôi ngắm nhìn người bạn cũ, con lạch trôi qua cửa sổ phòng mình. Không như Allie, người ta cho tôi ở một phòng có thể nhìn ra con lạch và nó chưa bao giờ thất bại trong việc gợi cảm hứng cho tôi. Nó là một sự mâu thuẫn – cái con lạch này – một trăm ngàn năm tuổi nhưng với mỗi cơn mưa đổ xuống là lại như được làm mới. Sáng nay tôi chuyện trò với nó, thì thầm thành tiếng để nó có thể nghe. “Bạn ơi, cầu Chúa ban phúc lành cho bạn, cho tôi, và cùng nhau chúng ta sẽ đón chào những ngày đang tới.”

Những con sóng lớn nhỏ cứ xoay tròn và cuốn vào nhau nhịp nhàng, ánh ban mai nhàn nhạt làm hiện lên thế giới mà chúng tôi cùng chia sẻ. Con lạch và tôi. Tuôn chảy, chảy xa, xa mãi. Đấy chính là cuộc sống, tôi nghĩ, chính cái việc ngắm dòng nước này. Một người có thể học được biết bao nhiêu.

Việc ấy xảy ra khi tôi ngồi trên ghế, ngay khi mặt trời mới nhô lên khỏi đường chân trời. Tôi nhận ra tay mình bắt đầu có cảm giác như bị kim châm, một việc chưa từng xảy ra trước đây. Tôi bắt đầu nhấc nó lên, nhưng buộc phải ngừng lại khi đầu lại nhức, lần này như búa bổ. Tôi nhắm mắt lại, day day mắt. Cảm giác kim châm ngừng lại nhưng tay tôi lại bắt đầu tê cứng, rất nhanh, như thể các dây thần kinh ở cẳng tay bỗng nhiên bị cắt dứt. Cổ tay tôi cứng đờ trong lúc một cơn đau nhói làm đầu tôi xây xẩm và có vẻ như nó trườn xuống cổ vào từng tế bào cơ thể tôi, như một cơn sóng thủy triều, đập tan tành và cuốn đi mọi thứ trên đường đi của nó.

Tôi không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ còn nghe thấy một âm thanh như tiếng tàu hỏa đang gầm thét cách đầu mình vài xăng ti mét, tôi biết mình đang bị đột quỵ. Cơn đau xuyên dọc cơ thể tôi như một tia sét, và trong khoảnh khắc tỉnh táo cuối cùng, tôi hình dung ra Allie, nằm trên giường bà ấy, đang chờ câu chuyện tôi sẽ không bao giờ còn đọc cho bà ấy nghe, bơ vơ và bối rối, hoàn toàn không có khả năng tự giúp bản thân mình. Cũng như tôi.

Và khi mắt tôi nhắm lại lần cuối, tôi thầm nghĩ, “Ôi Chúa ơi, tôi đã làm gì?”

Tôi lúc tỉnh lúc không suốt nhiều ngày liền, và trong những khoảnh khắc tỉnh lại ngắn ngủi, tôi thấy mình bị buộc vào đủ thứ máy móc, mũi và cổ họng đầy những ống nọ ống kia và treo bên giường là hai túi chất lỏng. Tôi có thể nghe thấy tiếng máy móc chạy ầm ì, kêu o o, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh mà tôi không biết là tiếng gì. Một chiếc máy, kêu bíp với mỗi nhịp tim của tôi, khiến tôi thấy dễ chịu một cách lạ lùng, liên tục ru tôi vào cõi mơ.

Các bác sĩ rất lo lắng. Qua đôi mắt khép hờ tôi có thể thấy sự lo âu trên gương mặt họ khi họ chăm chú xem các biểu đồ và điều chỉnh máy móc. Họ thì thầm những suy nghĩ của mình, nghĩ rằng tôi không nghe thấy. “Những cơn đột quỵ có thể rất nghiêm trọng,” họ nói, “nhất là với những người ở tuổi ông ấy, và hậu quả có thể rất nặng nề.” Nét mặt nghiêm nghị mở màn cho những dự đoán của họ - “mất khả năng nói, mất khả năng cử động, bại liệt.” Thêm một ghi chú vào biểu đồ nữa, một tiếng bíp nữa của chiếc máy kỳ lạ nào đó, và thế là họ đi, không bao giờ biết rằng tôi đã nghe thấy hết. Sau đó tôi cố gắng không nghĩ về những điều ấy mà tập trung vào Allie, mường tượng ra hình ảnh của bà ấy trong tâm trí bất kỳ khi nào có thể. Tôi cố gắng hết sức để đưa cuộc sống của bà ấy vào cuộc sống của tôi, để chúng tôi lại có thể là một. Tôi cố gắng cảm nhận lại cái chạm tay của bà ấy, nghe giọng bà ấy, nhìn gương mặt bà ấy, và khi tôi làm thế, nước mắt lại dâng đầy mắt tôi vì tôi không biết liệu mình còn có thể lại ôm bà ấy, thì thầm với bà ấy, dành cả ngày nói chuyện, đọc sách và đi dạo với bà ấy nữa hay không. Đây không phải là kết cục mà tôi hình dung, hay hi vọng. Tôi vẫn luôn cho rằng muốn là người ra đi sau. Chuyện lẽ ra không nên thế này.

Tôi dật dờ lúc tỉnh lúc không nhiều ngày liền cho đến một buổi sáng mờ sương thì lời hứa của tôi với Allie bỗng nhiên lại thôi thúc cơ thể tôi lần nữa. Tôi mở mắt và nhìn thấy một phòng đầy những hoa, mùi hương của chúng lại càng thôi thúc tôi. Tôi tìm nút chuông, cố vật lộn để bấm, ba mươi giây sau một y tá xuất hiện, theo sát sau là bác sĩ Barnwell, ông gần như ngay lập tức mỉm cười với tôi.

“Tôi khát,” tôi nói bằng giọng khò khè, và bác sĩ Barnwell mỉm cười còn tươi hơn nữa.

“Chào mừng ông quay trở lại,” ông ta nói, “tôi biết là ông sẽ làm được mà.”

Hai tuần sau, tôi đã có thể ra viện, mặc dù bây giờ tôi chỉ còn giống con người một nửa thôi. Nếu tôi là một chiếc xe Cadillac, tôi sẽ chỉ biết chạy vòng vòng, chỉ có một bánh xe quay, vì phía bên phải người tôi yếu hơn bên trái. Họ bảo tôi rằng đó vẫn là tin tốt lành, vì tôi có thể đã bị liệt cả người. Đôi khi có vẻ như xung quanh tôi toàn là những người lạc quan thì phải.

Tin xấu là tay tôi không cho phép tôi dùng cả gậy lẫn xe lăn, vì thế bây giờ tôi phải diễu qua diễu lại với một nhịp chân độc đáo của riêng mình thì mới không ngã. Không phải nhịp trái-phải-trái như hồi trẻ tôi vẫn đi, hay kể cả cái nhịp lê chân như gần đây, mà là nhịp lê chân rất chậm chạp - hơi ngả sang bên phải - lê chân rất chậm chạp. Giờ thì mỗi lần đi qua hành lang là cả một cuộc phiêu lưu hoành tráng với tôi. Nhưng ngay cả với tôi, kẻ mới hai tuần trước còn chẳng đi nhanh hơn một con rùa, thì như thế vẫn là quá chậm.

Khi tôi quay lại thì trời đã tối, khi đến được phòng mình, tôi biết tôi sẽ không ngủ. Tôi thở sâu và ngửi hương mùa xuân phảng phất trong phòng. Cửa sổ phòng tôi mở sẵn, và trong không khí có một chút se lạnh. Tôi thấy mình được tiếp xúc nhờ sự thay đổi nhiệt độ này. Evelyn, một trong nhiều y tá ở đây, trẻ bằng một phần ba tuổi tôi, đỡ tôi đi đến chỗ chiếc ghế đặt bên cửa sổ rồi đóng lại. Tôi ngăn cô và mặc dù lông mày của cô nhướng lên, cô vẫn chấp nhận quyết định của tôi. Tôi nghe thấy tiếng một ngăn kéo mở ra, lát sau một chiếc áo len được choàng lên vai tôi. Cô chỉnh lại chiếc áo như thể tôi là một đứa trẻ, và khi làm xong, cô đặt tay lên vai tôi vỗ nhẹ. Cô không nói gì khi làm thế, với sự im lặng ấy, tôi biết cô đang chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô không cử động suốt một lúc lâu, và tôi tự hỏi không biết cô đang nghĩ gì, nhưng cũng không hỏi cô. Cuối cùng tôi nghe thấy cô thở dài. Cô xoay người chuẩn bị rời phòng, và rồi ngừng lại, cúi xuống nhẹ nhàng hôn lên má tôi, như cháu gái tôi vẫn thường làm. Tôi ngạc nhiên, cô khẽ nói, “Thật mừng khi lại có ông ở đây. Bà Allie rất nhớ ông và tất cả chúng tôi cũng thế. Tất cả chúng tôi đều cầu nguyện cho ông vì khi ông đi ở đây không còn giống như trước nữa.” Cô mỉm cười với tôi và chạm nhẹ vào gương mặt tôi trước khi đi. Tôi không nói gì. Sau đó tôi nghe thấy tiếng chân cô bước lại gần, đẩy một chiếc xe, nói với một y tá khác, giọng họ như thì thào.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3