Nhật ký - Chương 12 phần 3
Đó là một quyết định hai mặt, vừa tốt vừa xấu, nhưng cần thiết, vì cùng với nhận thức, nỗi đau sẽ đến. Để hạn chế nỗi đau, tôi tự hạn chế các câu trả lời của mình.
Sẽ có những ngày bà ấy chẳng bao giờ nhận ra các cháu của mình hay nhận ra rằng chúng tôi đã cưới nhau. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến điều ấy, nhưng tôi sẽ không đổi ý đâu.
Việc này có làm tôi trở nên thiếu trung thực không? Có lẽ có, nhưng tôi đã từng nhìn thấy bà ấy tan nát dưới dòng thác thông tin về chính cuộc đời bà. Tôi có thể nào nhìn mình trong gương mà mắt không đỏ và hàm không run lên khi biết rằng mình đã quên hết mọi điều quan trọng trong đời? Tôi không thể làm thế, và bà ấy cũng vậy, vì khi cuộc vạn lý trường chinh này bắt đầu, tôi sẽ lại khởi đầu như thế. Cuộc đời của bà ấy, cuộc hôn nhân của bà ấy, các con của bà ấy. Bạn bè của bà ấy và công việc của bà ấy. Những câu hỏi và trả lời trong một dạng trò chơi truyền hình có tên là “Đây là đời bạn.”
Những ngày ấy thật khó khăn với cả hai chúng tôi. Tôi bỗng trở thành một cuốn bách khoa thư, một vật thể không có cảm giác, từ điển giải đáp những câu hỏi ai, cái gì và ở đâu về những sự kiện trong đời bà ấy, trong khi trên thực tế chính những câu hỏi tại sao, những gì tôi không biết và không thể trả lời, mới là điều khiến tất cả những điều ấy có giá trị. Bà ấy sẽ nhìn chằm chằm vào những bức ảnh của đám con cháu mà mình đã quên, cầm những cây cọ vẽ giờ đã chẳng hề gợi cảm hứng, đọc những bức thư tình chẳng còn đem lại niềm vui. Bà ấy sẽ yếu dần đi từng giờ, càng ngày càng xanh tái, trở nên cay đắng, và mỗi ngày lại kết thúc tồi tệ hơn lúc khởi đầu. Tháng ngày của chúng tôi đã mất, bà ấy cũng thế. Và thật ích kỷ làm sao, tôi cũng vậy.
Vậy là tôi thay đổi. Tôi trở thành Magellan hay Columbus, một nhà thám hiểm những bí ẩn của tâm trí, và tôi nhận thức được, tuy chậm chạp và vụng về, phải nhưng dù sao cũng vẫn nhận thức được rằng mình cần phải làm gì. Và tôi nhận thức ra cái điều vốn rất rõ ràng đối với một đứa trẻ. Rằng cuộc đời chỉ đơn giản là một tập hợp những cuộc đời nhỏ, mỗi ngày ta sống hết một cuộc đời ấy. Rằng ta nên dành mỗi ngày để tìm ra vẻ đẹp ở hoa lá, thơ ca và chuyện trò cùng động vật. Rằng một ngày dành cho việc mơ màng, cho hoàng hôn và những cơn gió nhẹ trong lành sẽ tuyệt đến không thể tuyệt hơn. Nhưng trên hết, tôi nhận ra rằng cuộc sống là ngồi trên ghế dài bên những con lạch cổ xưa với bàn tay đặt trên đầu gối bà ấy, và đôi khi, vào những ngày đẹp trời, sống là để yêu.
“Ông đang nghĩ gì thế?” bà ấy hỏi.
Lúc này trời đã chạng vạng tối. Chúng tôi rời khỏi chiếc ghế dài và đi dọc theo những con đường mòn sáng đèn chạy quanh co quanh khu nhà. Bà ấy đang khoác tay tôi, tôi hộ tống bà ấy. Chính bà ấy nảy ra ý đó. Có lẽ bà ấy bị tôi mê hoặc. Có lẽ bà ấy muốn giữ tôi khỏi ngã. Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng tự mỉm cười với chính mình.
“Tôi đang nghĩ về bà.”
Bà ấy không đáp, chỉ siết chặt cánh tay tôi, rõ là bà thích điều tôi nói. Những năm sống bên nhau đã khiến tôi có thể thấy những dấu hiệu thể hiện cảm xúc của bà ấy, kể cả khi chính bà ấy cũng không để ý. Tôi tiếp tục:
“Tôi biết bà không thể nhớ ra bà là ai, nhưng tôi thì có thể, và tôi nhận ra rằng khi nhìn bà, tôi cảm thấy thật dễ chịu.”
Bà ấy vỗ nhẹ vào cánh tay tôi và mỉm cười. “Ông là một người tốt với một trái tim giàu tình yêu. Hi vọng là trước đây tôi cũng thích ông như bây giờ.”
Chúng tôi đi thêm vài bước. Cuối cùng bà ấy nói, “Tôi phải nói cho ông biết một điều.”
“Nói đi.”
“Tôi nghĩ tôi có một người hâm mộ.”
“Một người hâm mộ?”
“Phải.”
“À há.”
“Ông không tin tôi à?”
“Tôi tin bà.”
“Ông phải tin chứ.”
“Tại sao?”
“Vì tôi nghĩ đó chính là ông.”
Tôi nghĩ về điều này trong khi chúng tôi đi dạo trong lặng im, khoác tay nhau đi qua các phòng, đi qua sân. Đến chỗ khu vườn toàn hoa dại, tôi giữ bà ấy lại. Tôi hái một bó hoa – đỏ, hồng, tím, vàng. Tôi đưa bó hoa cho bà ấy, bà đưa lên mũi. Bà ngửi chúng, mắt nhắm lại và thì thầm, “Đẹp quá.” Chúng tôi lại đi dạo tiếp, một tay bà khoác tay tôi, một tay cầm hoa. Mọi người nhìn chúng tôi, vì chúng tôi là một điều kỳ diệu bằng xương bằng thịt, hay ít nhất thì người ta cũng bảo tôi vậy. Cũng đúng, theo cách nào đó, mặc dù thường thì tôi cũng chẳng lấy thế làm may mắn.
“Bà nghĩ đó là tôi ư?” cuối cùng tôi cũng hỏi.
“Ừ.”
“Tại sao?”
“Vì tôi đã tìm thấy thứ ông giấu.”
“Cái gì thế?”
“Cái này,” bà ấy nói, đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ. “Tôi tìm thấy nó dưới gối.”
Tôi đọc, và tờ giấy ghi thế này:
Dù thân thể chậm chạp đi
cùng nỗi đau khủng khiếp,
Dẫu tháng ngày chúng ta khép lại,
lời hứa tôi vẫn sẽ còn nguyên
Dịu dàng chạm tay, một nụ hôn
Tình yêu sẽ lại hân hoan thức giấc.
“Còn gì nữa không?” tôi hỏi.
“Tôi tìm thấy cái này trong túi áo khoác của tôi.”
Linh hồn ta là một,
và sẽ không tách rời
Cùng bình minh huy hoàng
gương mặt em bừng sáng
Ta vươn tay tìm em
Tim mình ta tìm thấy.
“Tôi hiểu,” đó là tất cả những gì tôi nói.
Chúng tôi đi dạo khi mặt trời lặn xuống thấp hơn trên bầu trời. Dần dần, ánh chạng vạng màu bạc là thứ duy nhất còn lại của ban ngày, nhưng chúng tôi vẫn nói chuyện về thơ ca. Bà ấy say mê sự lãng mạn.
Đến khi chúng tôi về đến cửa thì tôi đã mệt phờ. Bà ấy biết thế, vì thế bà dùng bàn tay ngăn tôi lại rồi xoay tôi ra đối diện với bà. Tôi quay ra và nhận ra rằng mình đã còng xuống đến mức nào. Bây giờ bà ấy và tôi cao bằng nhau. Đôi khi tôi mừng vì bà không biết tôi đã thay đổi đến nhường nào. Bà ấy quay sang tôi và nhìn chăm chú một lúc lâu.
“Bà đang nhìn gì thế?” tôi hỏi.
“Tôi không muốn quên ông hay quên ngày hôm nay, và tôi đang cố lưu giữ lại ký ức về ông.”
Lần này có hiệu quả không? Tôi tự hỏi, rồi biết rằng không. Không thể. Tuy nhiên tôi không thể cho bà biết những suy nghĩ của mình. Tôi chỉ mỉm cười vì những câu nói của bà thật ngọt ngào.
“Cảm ơn bà,” tôi nói.
“Tôi thực sự cảm thấy thế. Tôi không muốn lại quên ông. Ông rất đặc biệt đối với tôi. Tôi không biết hôm nay tôi sẽ làm gì nếu không có ông.”
Cổ họng tôi nghẹn lại một chút. Có cảm xúc đằng sau những gì bà ấy nói, những xúc cảm mà tôi cảm thấy mỗi khi nghĩ về bà. Tôi biết điều này là lý do tại sao tôi sống, và lúc này đây tôi yêu bà ấy tha thiết. Tôi ước gì mình đủ mạnh khỏe để bế bà ấy trong vòng tay đến tận thiên đường.
“Đừng cố gắng nói gì,” bà ấy bảo tôi. “Mình cùng nhau cảm nhận khoảnh khắc này đi.”
Tôi làm theo, cảm thấy cả thiên đường.
Bệnh của bà ấy bây giờ nặng hơn lúc đầu, mặc dù Allie khác với hầu hết những người bệnh khác. Ở đây có ba người khác cũng mắc Alzheimer, ba trường hợp này là toàn bộ kinh nghiệm thực tế của tôi về nó. Họ, không như Allie, đều đang ở những giai đoạn nặng nhất và gần như hoàn toàn lạc thần. Họ thức giấc trong tình trạng bị ảo giác và lẫn lộn. Họ lặp đi lặp lại các câu nói của mình. Hai trong số họ không thể tự ăn và sẽ sớm qua đời. Người thứ ba có xu hướng đi lang thang rồi bị lạc. Có lần người ta đã tìm thấy bà này trong xe của một người lạ cách đó gần nửa cây số. Kể từ đó bà ấy bị cột vào giường. Bọn họ đôi khi rất cay nghiệt, đôi khi lại như những đứa trẻ lạc đường, buồn bã và cô đơn. Hiếm hoi lắm họ mới nhận ra nhân viên trong viện hay những người yêu quý họ. Đó là một căn bệnh khó chịu, đó là lý do tại sao con cái họ và cả con tôi thấy chuyện thăm viếng thật khó khăn.
Dĩ nhiên Allie cũng có những vấn đề của riêng bà ấy, những vấn đề chắc sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Sáng nào bà ấy cũng thấy sợ hãi khủng khiếp và khóc không nguôi. Bà ấy nhìn thấy những người bé tí xíu, như lũ quỷ lùn, chắc thế, ngắm nhìn bà ấy, và bà la hét đuổi chúng đi. Bà sẵn lòng đi tắm, nhưng ăn không đều đặn lắm. Bây giờ bà ấy gầy guộc, quá gầy guộc, theo ý tôi là thế, và cứ có cơ hội là tôi lại cố hết sức vỗ cho bà ấy béo lên.
Nhưng bà ấy chỉ tương đồng với những bệnh nhân kia đến đó thôi. Đó là lý do tại sao Allie được coi là một điều kỳ diệu, vì đôi khi, chỉ đôi khi thôi, sau khi tôi đọc cho bà ấy nghe, tình trạng của bà ấy lại bớt tệ đi. Chẳng có lời giải thích nào cho việc này. “Không thể nào,” các bác sĩ nói, “chắc bà ấy không bị Alzheimer rồi.” Nhưng đúng là bà ấy mắc bệnh thật. Vào hầu hết các ngày và vào tất cả các buổi sáng, chẳng có gì để nghi ngờ về điều đó. Về việc này chúng tôi đồng tình với nhau.
Nhưng thế thì tại sao tình trạng của bà ấy lại khác? Tại sao đôi khi bà ấy thay đổi sau khi tôi đọc cho bà ấy nghe? Tôi nói cho các bác sĩ biết lý do – tôi biết lý do ấy từ trái tim, nhưng họ không tin tôi. Thay vào đó, họ viện đến khoa học. Bốn lần các chuyên gia từ Chapel Hill đã đến để tìm câu trả lời. Bốn lần họ đã trở về mà không giải thích được. Tôi bảo họ, “Có lẽ các vị sẽ chẳng hiểu đâu nếu chỉ sử dụng kiến thức trong trường hợp và sách vở.” Nhưng họ lắc đầu và trả lời:
“Bệnh Alzheimer không như thế này. Ở giai đoạn bệnh như bà ấy, bà ấy sẽ không thể nói chuyện bình thường hay thấy khá hơn sau buổi sáng. Không bao giờ.”
Nhưng bà ấy đã có thể. Không phải ngày nào cũng vậy, không phải phần lớn thời gian đều như vậy, và chắc chắn là ít hơn trước đây. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể. Và tất cả những gì bà ấy đánh mất trong những ngày này chỉ là trí nhớ, cứ như thể mắc chứng quên. Nhưng những xúc cảm cùa bà ấy rất bình thường, những suy nghĩ của bà ấy vẫn bình thường. Và đó là những ngày tôi biết tôi đang làm đúng.
Khi chúng tôi về lại phòng bà ấy thì bữa tối đã chờ sẵn. Nó đã được bố trí để chúng tôi có thể ăn luôn ở đây, như mọi khi vào những ngày như thế này, lại một lần nữa tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Những con người ở đây đã chăm sóc mọi việc. Họ tốt với tôi, và tôi thấy thật biết ơn.
Ánh sáng dìu dịu, căn phòng được chiếu sáng nhờ hai cây nến trên bàn ăn, âm nhạc đang cất lên nhè nhẹ. Chén đĩa đều bằng nhựa, và bình rượu chỉ chứa đầy nước táo – quy định là quy định – nhưng bà ấy có vẻ chẳng mấy để tâm tới mấy chi tiết đó. Bà khẽ hít một hơi trước toàn bộ cảnh tượng. Mắt bà mở to.
“Ông làm việc này đấy à?”
Tôi gật đầu và bà đi vào trong phòng.
“Trông đẹp quá.”
Như một quý ông, tôi giơ cánh tay ra cho bà bám và dẫn bà đến chỗ cửa sổ. Bà không buông tay tôi ra kể cả khi chúng tôi đến đó. Thật dễ chịu khi bà chạm vào tay tôi, cứ thế chúng tôi đứng sát vào nhau giữa một buổi tối mùa xuân trong vắt. Cửa sổ hơi mở, tôi cảm thấy một làn gió nhẹ thổi qua má. Trăng đã lên, chúng tôi đứng ngắm một lúc lâu giữa bầu trời đêm rộng mở.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì đẹp như thế, tôi chắc chắn thế,” bà ấy nói, và tôi đồng tình với bà.
“Tôi cũng thế,” tôi nói, nhưng tôi đang nhìn bà.
Bà biết ý tôi muốn nói gì, tôi thấy bà mỉm cười. Một lúc sau bà thì thầm:
“Tôi nghĩ tôi biết Allie đã đến với ai ở đoạn cuối câu chuyện ấy rồi,” bà ấy nói.
“Bà biết ư?”
“Ừ.”
“Ai?”
“Cô ấy đến với Noah.”
“Bà có chắc không?”
“Hoàn toàn chắc chắn.”
Tôi mỉm cười và gật đầu. “Đúng thế.” Tôi nói khẽ, và bà ấy mỉm cười đáp lại. Gương mặt bà ấy rạng rỡ.
Với một chút gắng sức, tôi kéo ghế mời bà ngồi. Bà ngồi xuống và tôi ngồi đối diện bà. Bà chìa bàn tay qua bàn và tôi nắm lấy nó, cảm thấy ngón cái của bà ngọ nguậy y như nhiều năm trước. Không nói gì, tôi nhìn bà chăm chú suốt một lúc lâu, sống và sống lại những khoảnh khắc của cuộc đời tôi, nhớ lại tất cả và làm cho nó sống động. Tôi cảm thấy cổ họng mình bắt đầu nghẹn lại, và lại một lần nữa tôi nhận ra mình đã yêu bà ấy đến thế nào. Giọng tôi run run khi cuối cùng tôi cũng cất tiếng.
“Bà thật đẹp,” tôi nói. Tôi có thể nhìn thấy trong mắt bà rằng bà biết tôi cảm thấy thế nào về bà, và tôi thật sự chân thành khi nói thế.
Bà không đáp. Thay vào đó bà cụp mắt xuống và tôi tự hỏi không biết bà ấy đang nghĩ gì. Bà ấy không cho tôi manh mối nào cả, tôi nhẹ nhàng bóp tay bà ấy. Tôi chờ đợi. Với tất cả những giấc mơ của mình, tôi biết trái tim bà ấy, và tôi biết tôi đã gần đến nơi rồi.
Và rồi, một điều kỳ diệu đã chứng minh rằng tôi đúng.
Khi Glenn Miller chơi nhạc khe khẽ trong căn phòng thắp nến ấy, tôi ngắm nhìn bà ấy dần dần nhượng bộ cảm giác bên trong mình. Tôi thấy một nụ cười ấm áp bắt đầu hình thành trên môi bà ấy, một nụ cười khiến cho mọi công sức đều xứng đáng, và tôi ngắm bà ấy ngước đôi mắt mơ màng lên nhìn mình. Bà ấy kéo lấy tay tôi.
“Ông thật tuyệt vời…” bà ấy nói khẽ, rồi ngừng lại, và vào chính khoảnh khắc ấy bà ấy lại yêu tôi, điều này tôi biết, vì tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu ấy hàng nghìn lần rồi.
Bà ấy không nói gì thêm nữa, không cần phải nói, và bà ấy lại nhìn tôi với một cái nhìn từ một đời người nữa, cái nhìn khiến tôi lại sống trọn vẹn trở lại. Tôi mỉm cười lại với bà, với tất cả những đắm say mà tôi có thể tập hợp được, chúng tôi nhìn nhau đắm đuối với những cảm xúc trong lòng trào dâng như sóng đại dương. Tôi nhìn quanh phòng, rồi nhìn lên trần nhà, rồi lại nhìn Allie, cái cách bà ấy nhìn tôi khiến tôi thấy ấm lòng. Bỗng nhiên tôi lại cảm thấy mình trẻ trung trở lại. Tôi không còn lạnh hay đau nữa, hay bị còng xuống, hay bị biến dạng, hay mù dở vì đôi mắt bị đục thủy tinh thể.
Tôi lại khỏe mạnh, tự hào, là người đàn ông may mắn nhất còn sống, tôi cứ tiếp tục cảm thấy thế suốt một lúc lâu.
Đến khi nến đã cháy hết một phần ba, tôi mới sẵn sàng phá vỡ sự im lặng. Tôi nói, “Anh yêu em sâu sắc, và anh hi vọng em biết điều ấy.”
“Dĩ nhiên là em biết,” bà ấy không kịp thở “em luôn yêu anh, Noah.”
Noah, tôi lại nghe thấy cái tên ấy, Noah. Từ ấy vẳng lại trong đầu tôi. Noah… .Noah. Bà ấy biết, tôi nghĩ thầm, bà ấy biết tôi là ai…
Bà ấy biết…
Nó thật nhỏ bé, cái sự nhận biết ấy, nhưng đối với tôi, đó là một món quà từ Chúa Trời, và tôi lại cảm thấy cuộc đời chúng tôi sống cùng nhau, việc ôm bà ấy, yêu bà ấy, và ở bên bà ấy trong suốt những năm tháng tốt đẹp nhất của đời tôi.