Người tình - Chương 04 - 05 - 06 - 07 - 08

Chương 4

Trên phà, cạnh xe đò, có một chiếc limousine to màu đen với
một người tài xế mặc sắc phục vải trắng. Vâng, đó chính là chiếc xe tang lớn
trong những quyển sách của tôi. Ðó là một chiếc Morris Léon-Bollée. Chiếc
Lancia đen của tòa đại sứ Pháp ở Calcutta vẫn
chưa đi vào khung cảnh văn học.

Giữa tài xế và người chủ vẫn còn màn ngăn bằng kính. Vẫn còn
những chỗ ngồi xếp lại được. Chiếc xe vẫn lớn như một căn phồng ngủ.

Bên trong chiếc limousine có một người đàn ông rất thanh
lịch đang nhìn tôi. Ông ta không phải là người da trắng. Ông ta mặc Âu phục -
bộ đồ tussore màu nhạt của những người chủ ngân hàng ở Sài Gòn. Ông ta đang
nhìn tôi. Tôi đã quen với việc người khác nhìn mình. Người ta thường nhìn các
phụ nữ da trắng ở thuộc địa, nhìn cả đến các cô gái da trắng mười-hai-tuổi nữa.
Trong ba năm qua, đàn ông da trắng cũng đã bắt đầu nhìn tôi trên đường phố, và
những người bạn trai của mẹ đã lịch sự mời tôi đến uống trà với họ trong
khi vợ họ đang đi ra ngoài chơi quần vợt ở Câu lạc bộ Thể Thao.

Chương 5

Tôi có thể sa nghĩ rằng mình có thể đẹp như những phụ nữ
thực sự đẹp, như những phụ nữ được người ta nhìn ngắm, đó chỉ là vì người ta đã
thực sự có nhìn ngắm tôi khá nhiều. Dù vậy, tôi biết đó không phải vì chuyện
nhan sắc, mà vì một điều gì khác, vâng, chẳng hạn vì một điều gì khác - tinh
thần, chẳng hạn. Ðiều mà tôi muốn có vẻ như thì tôi đã có vẻ rồi, ngay cả có vẻ
như xinh đẹp nếu đó là điều người ta muốn ở tôi. Ðẹp hoặc xinh xắn, xinh xắn
đối với gia đình chẳng hạn, vì đối với gia đình không có gì hơn điều đó cả. Tôi
có thể trở thành bất cứ điều gì mà người ta muốn tôi là. Và tôi tin vào điều
đó. Tin rằng tôi cũng khả ái nữa. Và khi tôi tin như vậy, điều đó trở thành sự
thật đối với bất cứ ai nhìn ngắm tôi và muốn tôi phù hợp với sở thích của họ,
tôi cũng biết điều đó nữa. Và như thế tôi có thể khả ái một cách có tính toán
mặc dù tôi bị ám ảnh về việc giết chết anh tôi. Trong cái chết đó, chỉ có một
người đồng lõa, mẹ tôi. Tôi dùng chữ khả ái như mọi người vẫn thường dùng trong
sự liên hệ với tôi, trong sự liên hệ với trẻ nhỏ.

Tôi đã biết một hai điều gì đó. Tôi biết là không phải quần
áo đã làm cho phụ nữ trở thành xinh đẹp hoặc ngược lại, không phải việc chăm
sóc nhan sắc, không phải vì những thứ kem đát tiền, cũng không phải vì vẻ độc
đáo hoặc sự tốn phí của những đồ trang sức của họ. Tôi biết vấn đề nằm ở chỗ
khác. Tôi không biết ở đâu. Tôi chỉ biết nó không phải ở chỗ phụ nữ nghĩ. Tôi
nhìn những người đàn bà trên đường phố Sài Gòn, và trong nội địa. Một vài người
rất xinh đẹp, rất trắng trẻo, họ chăm sóc nhan sắc họ rất kỹ lưỡng ở đây, nhất
là trong nội địa. Họ không làm gì cả, chỉ để dành chính bản thân họ, để dành
chính bản thân họ cho Âu châu, cho những tình nhân, cho những ngày nghỉ lễ ở Ý,
cho những lần nghỉ phép kéo dài sáu tháng mỗi ba năm, khi mà cuối cùng họ có
thể nói về đời sống ở đây như thế nào, về đời sống thuộc địa đặc biệt này, về
những sự phục dịch tuyệt vời của những gia nhân, cây cỏ, những cuộc khiêu vũ,
những biệt thự màu trắng, lớn đến nỗi có thể bị lạc trong đó, được chiếm cứ bởi
những viên chức nơi những nhiệm sở xa xôi. Họ chờ đợi, những người phụ nữ này.
Họ mặc quần áo chỉ để mà mặc thôi. Họ nhìn ngắm chính họ. Trong bóng mát của
những ngôi biệt thự, họ nhìn ngắm chính họ để sau này, họ mơ mộng ra những
chuyện tình lãng mạn, họ đã có những tủ quần áo khổng lồ, nhiều quần áo đến nỗi
họ không biết phải dùng vào việc gì, từng cái một thêm vào mãi như thời gian,
như những ngày dài chờ đợi. Một vài người trở thành quẩn trí. Một vài người bị
phụ rẫy vì một cô gia nhân trẻ tuổi biết giữ kín mồm miệng. Bị bỏ rơi. Người ta
có thể nghe lời nói va chạm vào họ, nghe âm thanh của cú đấm. Vài người tự tử.

Sự tự phản bội này của phụ nữ này luôn luôn gây ấn tượng nơi
tôi như một lỗi lầm, một sự nhầm lỡ.

Người ta không cần phải khơi gợi dục vọng. Hoặc là điều đó
đã ở trong người đàn bà khêu gợi nó hoặc là nó không hiện hữu. Hoặc là nó ở đó,
ngay trong cái nhìn đầu tiên hoặc nó sẽ không bao giờ có. Nó là sự nhận biết
ngay tức khác về mối liên hệ dục tình hoặc nó không là gì cả. Ðiều đó tôi cũng
đã biết trước khi tôi kinh nghiệm nó.

Hélène Lagonelle là người duy nhất tránh thoát cái quy luật
nhầm lẫn. Cô lạc hậu, vẫn còn như con nít.

Chương 6

Trong suốt một thời gian dài tôi không có những chiếc áo
riêng của mình. Tất cả những chiếc áo của tôi đều như một thứ bao tải, làm bởi
những chiếc áo cũ của mẹ mà chính chúng cũng đều chỉ rặt một thứ bao tải. Trừ
những chiếc áo mà mẹ bảo chị Ðô may cho tôi. Chi là người quản gia không bao
giờ rời mẹ tôi ngay cả khi bà trở về Pháp, ngay cả khi người anh cả tôi cố hãm
hiếp chị trong căn nhà được cấp cho mẹ tôi khi bà dạy học ở Sa-Đéc, và ngay cả
khi chị không còn được trả lương nữa. Chị Ðô đã được các bà sơ nuôi dạy, chị có
thể thêu thùa và biết may pli, chị có thể may bằng tay, trong khi người ta đã
không còn may bằng tay từ nhiều thế kỷ rồi, với những cây kim nhỏ như sợi tóc.
Vì chị biết thêu, mẹ đã bảo chi thêu lên những tấm chăn. Vì chị có thể may pli
mẹ đã bảo chị may cho tôi những chiếc áo có pli, những chiếc áo có viền ren,
tôi mặc chúng như mặc những cái bao tải, chúng quê kệch, trẻ con, hai nếp pli
phía trước và cổ áo kiểu Peter Pan, với chiếc váy có viền hoặc những chiếc áo
cắt xéo để làm chúng trông có vẻ "chuyên nghiệp." Tôi mặc những chiếc
áo này như thể chúng là những chiếc bao tải, với những dây thắt lưng làm hỏng
kiểu áo và làm cho chúng trở nên phi thời gian.

Mười lăm tuổi rưỡi. Cơ thể gầy gò, gần như thiếu kích thước,
bộ ngực vẫn còn trẻ nít, trang điểm son đỏ, phấn hồng. Và còn quần áo, những
quần áo có thể làm cho người ta cười, nhưng họ nhịn. Tôi có thể nhìn thấy tất
cả ở đó. Tất cả ở đó, nhưng chưa có gì xong cả. Tôi có thể nhìn thấy điều đó
trong đôi mắt, tất cả đã có trong đôi mắt. Tôi muốn viết. Tôi đã nói với mẹ: Ðó
là điều con muốn làm - viết. L đầu không có câu trả lời. Rồi bà hỏi, Viết cái
gì? Tôi nói, Sách, tiểu thuyết. Bà nói cứng rắn, Khi nào mày có mảnh bằng về
toán rồi thì mày có thể viết tùy thích, lúc đó tao không can dự vào việc gì
nữa. Bà chống lại điều đó, nó không đáng gì, nó không phải là công việc thực
sự, nó vô nghĩa. Sau đó bà nói, Một ý tưởng trẻ con.

Cô gái đội chiếc mũ dạ đứng một mình trên sàn phà, tựa vào
lan can, trong ánh sáng đục ngầu của dòng sông. Chiếc mũ làm trọn khung cảnh có
màu hồng. Ðó là màu sắc duy nhất. Trong ánh mặt trời mờ mờ trên sông, mặt trời
của một mùa nóng bức, hai bờ sông nhòa đi, dòng sông như chạm đến chân trời. Nó
chảy lặng lẽ, không một tiếng động, như máu trong thân thể. Không có gió, chỉ
có gió trong dòng nước. Ðộng cơ chiếc phà là tiếng động duy nhất, một động cơ
cũ kỹ, trúc trắc với những cơ phận mòn nhão. Thỉnh thoảng, có tiếng nói thốt ra
không rõ. Rồi tiếng chó sủa, đến từ mọi phía, từ bên trên sương mờ, từ các thôn
làng. Cô gái đã biết người đưa phà từ khi cô còn là đứa bé. Ông cười với cô và
hỏi thăm mẹ cô, Bà Hiệu Trưởng. Ông nói ông thường thấy bà qua phà ban đêm, nói
bà thường đi qua sở đất bên Cam Bốt. Cô gái nói mẹ cô vẫn mạnh khỏe. Chung
quanh phà là sông, ngập bờ, dòng nước cuồn cuộn của nó chảy băng qua những vùng
nước tù đọng của những ruộng lúa, mà không bao giờ hòa lẫn. Con sông đã thu
nhặt tất cả những gì nó gặp từ Biển Hồ và từ những khu rừng bên Cam Bốt. Nó
cuốn theo mọi thứ, những mái nhà tranh, những cánh rừng, những đám cháy đã tàn,
những xác chim chết, chó chết, cọp và trâu chết đuối, người chết chìm, người bù
nhìn, những đám lục bình dính lấy nhau như những hòn đảo nhỏ. Tất cả mọi thứ
đều chảy ra Thái Bình Dương, không có thời giờ để chìm, tất cả bị cuốn theo bởi
cơn bão quay cuồng nằm sâu bên dưới dòng nước, lềnh bềnh trên bề mặt của dòng
sông mạnh bạo.

Tôi đã trả lời là điều mà tôi muốn hơn hết mọi điều khác
trên đời là viết, không có gì khác ngoài điều đó, không có gì cả. Ganh tị. Bà
ganh tị. Không trả lời, chỉ có một cái liếc nhanh rồi lập tức quay đi, một cái
nhún vai, không thể nào quên được. Tôi sẽ là người đầu tiên rời bỏ. Vẫn còn vài
năm để chờ trước khi bà mất tôi, mất một đứa con của bà. Ðối với mấy đứa con
trai thì không có gì để sợ. Nhưng đứa con này, bà biết, một ngày nào đó nó sẽ
bỏ đi, nó sẽ thu xếp để mà trốn thoát. Ðứng đầu lớp về môn Pháp văn. Ông hiệu
trưởng trường trung học đã nói với bà, con gái bà đứng đầu lớp môn Pháp văn đó,
thưa bà. Mẹ tôi không nói gì, không nói gì cả, bà bực mình vì không phải là
những đứa con trai của bà đứng đầu môn Pháp văn. Người tôi thù ghét, mc tôi,
tình thương của tôi, hỏi, Còn môn toán thì sao? Trả lời: Chưa được đứng đầu
lớp, nhưng cũng sắp được rồi. Mẹ tôi hỏi, Bao giờ? Trả lời: Khi nào cô ấy quyết
định về chuyện đó, thưa.

Chương 7

Mẹ tôi, tình thương yêu của tôi, sự vụng về không thể tin
được của bà, với những chiếc vớ bằng vải do chị Ðô mạng lại, ngay ở những vùng
nhiệt đới bà vẫn còn nghĩ là người ta phải mang vớ mới là một phu nhân, một
người nữ hiệu trưởng, những chiếc áo không ra hình dạng gớm ghiếc của bà, cũng
do chị Ðô sửa lại, bà vẫn có vẻ như vừa đi thẳng một mạch từ cái nông trại ở
Picardy đông đầy những người chị em họ của bà đến đây, nghĩ rằng bạn nên mặc
mọi thứ cho đến khi nào nó mòn rách thì thôi, bạn phải xài cho đáng đồng tiền,
những đôi giày của bà, những đôi giày mòn gót của bà, làm cho bà bước đi một
cách vụng về, khổ sở, tóc cột túm ra phía sau thành búi như tóc đàn bà Tàu.
Chúng tôi mắc cỡ vì bà, tôi ngượng ngùng vì bà trên con đường trước trường học,
khi bà chở tôi đến trường trên chiếc xe Citroen B12 cũ mèm khiến ai cũng nhìn,
nhưng còn bà, bà không để ý gì cả, không bao giờ, bà nên được nhốt lại, đánh
đập, giết đi. Bà nhìn tôi và nói, Có lẽ rồi mày sẽ trốn đi. Cả ngày lẫn đêm,
chỉ một nỗi ám ảnh này. Không phải là người ta phải đạt được một điều gì đó, mà
chính là người ta phải thoát ra khỏi nơi người ta đang ở.

Khi mẹ tôi vượt thoát lên, đi ra khỏi nỗi thất vọng của bà,
bà nhìn thấy chiếc mũ đàn ông và đôi giày dát kim tuyến. Bà hỏi mấy thứ đó là
gì vậy. Tôi không nói gì cả. Bà nhìn tôi hài lòng, mỉm cười. Không tệ lắm, bà
nói, rất hợp với con, con hãy làm một cuộc thay đổi đi. Bà không thèm hỏi xem
có phải bà là người đã mua các thứ ấy không, bà biết là bà đã mua. Bà biết rằng
bà có thể làm được điều đó, rằng thỉnh thoảng, vào khoảng thời gian mà tôi vừa
đề cập đó, người ta có thể xin được bất cứ những gì người ta ưa thích từ bà, bà
không thể từ chối chúng tôi thứ gì hết. Tôi nói, Mẹ đừng lo, mấy thứ đó không
đắt tiền đâu. Bà hỏi mua ở đâu. Tôi nói ở đường Catinat, thứ hàng đã được
hạ giá. Bà nhìn tôi với vẻ thông cảm. Chắc bà phải nghĩ rằng đó là một dấu hiệu
tốt đẹp, sự phô bày của óc tưởng tượng này, cái cách đứa con gái nghĩ đến việc
ăn mặc như thế. Bà chỉ không chấp nhận cái trò hề này, tính chất không nghiêm
chỉnh này, bởi vì bà, điềm đạm như một góa phụ, mặc toàn những màu tối sậm
trông như một người nữ tu xuất viện, bà không chỉ chấp nhận nó mà thôi, bà còn
yêu thích nó nữa.

Sự liên hệ với sự nghèo khổ còn ở nơi đó, nơi chiếc mũ đàn
ông nữa, bởi vì tiền bạc cũng cần phải được mang về nhà, cần được mang về nhà
một cách nào đó. Chung quanh bà là những vùng hoang dã, trống vắng. Những đứa
con trai là những vùng hoang dã, chúng không bao giờ làm gì cả. Ðất mặn cũng là
một vùng hoang dã, tiền bạc mất đi không bao giờ trở lại, và mọi chuyện đều
chấm dứt thật sự. Thứ duy nhất còn lại là đứa con gái này, nó đang trưởng
thành, có lẽ một ngày nào đó nó sẽ tìm ra cách nào đó để mang về nhà khoản tiền
nào đó. Ðó là lý do tại sao, dù rằng cô gái không biết điều đó, đó là lý do tại
sao bà mẹ để mặc cô gái đi ra ngoài, ăn mặc như một cô điếm nhỏ. Và đó là lý do
tại sao đứa bé đã biết cách làm thế nào để chuyển hướng sự quan tâm của người
ta vào nó thành sự quan tâm mà nó hướng đến tiền bạc. Ðiều đó làm cho bà mẹ cô
gái mỉm cười.

Mẹ cô gái không dừng cô lại khi cô thử làm ra tiền. Cô bé
nói, Con hỏi xin anh ta năm trăm đồng để chúng ta có thể trở lại Pháp. Mẹ cô
nói, Tốt quá, đó là cái mà chúng ta sẽ cần đến để ổn định chỗ ở bên Paris, chúng ta sẽ có thể
xoay sở được, bà nói, với năm trăm đồng. Cô bé biết rằng điều cô đang làm là
điều mà mẹ cô muốn chọn lựa để cô làm, nếu cô dám, nếu cô có đủ sức mạnh, nếu
nỗi đau khổ không hiện diện trong ý nghĩ cô mỗi ngày, làm cô kiệt sức.

Trong những quyển sách tôi viết về tuổi nhỏ của tôi, bất
chợt tôi không thể nhớ những gì tôi đã bỏ qua, những gì tôi đã nói đến. Tôi
nghĩ tôi viết về tình yêu của chúng tôi đối với mẹ, nhưng tôi không biết là tôi
còn viết về chuyện chúng tôi đã thù ghét bà như thế nào nữa, hoặc viết về tình
yêu của chúng tôi đối với nhau và cả lòng thù hận ghê gớm của chúng tôi nữa.
Câu chuyện gia đình tầm thường đầy hư hoại và chết chóc đó, chính là câu chuyện
của gia đình chúng tôi đã xảy ra một cách nào đó, trong tình thương và trong
thù hận. Và đó cũng là câu chuyện mà tôi vẫn không thể nào hiểu được cho dù tôi
đã cố gắng đến thế nào đi nữa, nó vẫn vượt quá tầm tay tôi, lẫn trốn ngay trong
những chốn sâu thẳm của thịt xương tôi, mù lòa như một đứa bé sơ sinh. Ðó là
nơi chốn mà ở ngay bờ mép của nó, sự im lặng khởi đầu. Ðiều xảy ra ở nơi đó là
sự im lặng, là sự lao nhọc chậm rãi của toàn thể cuộc đời tôi. Tôi vẫn ở đó,
ngắm nhìn những đứa trẻ bị ma ám đó, bây giờ cũng cách xa sự bí ẩn như tôi ngày
ấy. Tôi chưa bao giờ viết ra, dù tôi có nghĩ là tôi đã viết, chưa bao giờ yêu,
dù tôi từng nghĩ là tôi đã yêu, chưa bao giờ làm được chuyện gì ngoài việc chờ
đợi bên ngoài cánh cứa đóng kín.

Chương 8

Khi tôi ở trên chuyến phà sông Cửu Long, vào cái ngày của
chiếc limousine đen, mẹ tôi vẫn chưa từ bỏ miếng đất bên bờ hồ. Thỉnh thoảng,
giống như trước đây, cả ba người chúng tôi, chúng tôi lại lên đường vào ban
đêm, để đi đến nơi đó sống một vài ngày. Chúng tôi ở lại bên hiên căn nhà bằng
gỗ, hướng về núi Xiêm. Rồi chúng tôi lại trở về nhà. Không có gì bà có thể làm
ở đó, nhưng bà vẫn cứ đi. Người anh kế và tôi ở bên cạnh bà nơi hiên nhà nhìn
xuống khu rừng. Lúc ấy chúng tôi cũng đã lớn, chúng tôi không còn đi tắm sông
nữa, chúng tôi không còn đi săn beo đen trong những đầm lầy ngoài cửa sông,
hoặc đi vào rừng, đi vào những làng mạc trong những đồn điền trồng tiêu nữa.
Mọi thứ đều đã lớn lên chung quanh chúng tôi. Không còn bọn trẻ con nữa, trên
lưng trâu hoặc ở chỗ nào khác. Chúng tôi cũng trở nên lạ lẫm, và trạng thái uể
oải từng xâm chiếm mẹ tôi đó cũng đã xâm chiếm chúng tôi. Chúng tôi không học
hành gì được cả, chỉ nhìn rừng rậm, chờ đợi, khóc lóc. Phần thấp của khu đất đã
mất hẳn không còn gì, còn những người đang trồng trọt ở những khoảng đất cao
hơn thì chúng tôi để họ giữ lại phần thóc lúa, và họ ở lại không có lương, sử
dụng những mái nhà tranh bền chắc mà mẹ tôi đã dựng lên. Họ thương mến chúng
tôi như những người trong gia đình họ, họ hành động như thể họ đang gìn giữ
ngôi nhà gỗ cho chúng tôi, và thật sự là họ có trông nom nó. Tất cả những đồ
nhà bếp rẻ tiền vẫn còn đó. Mái nhà, đã hư nát vì những trận mưa bất tận, vẫn
tiếp tục mục rã. Nhưng bàn ghế thì vẫn được lau chùi. Và cái hình dáng của ngôi
nhà gỗ nhô ra rõ ràng như một bức họa, có thể nhìn thấy từ ngoài đường. Những
cánh cửa được mở ra mỗi ngày cho thoáng gió và làm khô gỗ. Nhưng ban đêm thì
đóng chặt để ngừa lũ chó hoang và bọn buôn lậu trong núi.

Bạn thấy đó, không phải là ở trong một tiệm rượu ở Réam, như
tôi đã viết, mà tôi đã gặp người đàn ông giàu có với chiếc limousine đen đâu,
mà chính là vào lúc chúng tôi rời bỏ mảnh đất bên con đê, hai hoặc ba năm sau,
trên chiếc phà, vào cái ngày mà tôi đã kể với bạn, trong cái ánh sáng của sương
mờ và hơi nóng đó.

Một năm rưỡi sau cuộc gặp gỡ đó, mẹ tôi mang chúng tôi trở
lại Pháp. Bà bán đi tất cả bàn ghế. Rồi đi thăm con đê một lần chót. Bà ngồi
trên hiên trước nhà hướng về phía mặt trời lặn, nhìn sang phía núi Xiêm một lần
cuối cùng vì bà sẽ không bao giờ nhìn thấy lại lần nữa, ngay cả khi bà lại rời
nước Pháp, lại thay đổi ý định và trở lại Ðông Dương thêm một lần nữa và nghỉ
hưu ở Sài Gòn. Sẽ không bao giờ bà đi và nhìn thấy lại ngọn núi đó, bầu trời
xanh vàng bên trên khu rừng đó nữa.

Vâng, tôi xin nói là khi bà đã già hẳn rồi bà lại làm việc
đó lần nữa. Bà mở một trường Pháp ngữ, trường La Nouvelle Francaise, kiếm được
đủ tiền để giúp tôi trong việc học và cung cấp cho đứa con trai lớn của bà cho
tới khi bà mất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3