Lolita - Phần II - Chương 17 - 18
Chương 17
Gros* Gaston (Gaston Béo), theo cái cung cách
cầu kì của lão, thích tặng quà - những món quà cầu kì chỉ hơi khác thường một
chút xíu, hoặc ít ra là thế theo cách nghĩ cầu kì của lão. Một tối, nhận thấy
hộp đựng quân cờ của tôi bị vỡ, sáng hôm sau, lão cho một học sinh nhỏ của lão
mang đến cho tôi một cái hộp bằng đồng đỏ với một họa tiết phương Đông tinh xảo
trên nắp, có thể khóa lại an toàn. Chỉ cần liếc nhìn một cái, tôi đã biết chắc
đó là thứ hộp rẻ tiền không hiểu sao được gọi là “luizetta” [1] mà
anh có thể mua ở Algers hoặc một nơi nào khác và sau đó không biết dùng làm gì.
Rốt cuộc, nó quá dẹt, không đựng nổi những quân cờ bự của tôi, nhưng tôi vẫn
giữ - để dùng vào một mục đích hoàn toàn khác.
[1] Chữ do H.H. “chế” ra; từ “louis d’or”, loại tiền vàng
thời xưa của Pháp.
Để phá vỡ một mắt lưới nào đó của số mệnh mà tôi lờ mờ cảm
thấy mình đang bị mắc vào, tôi đã quyết định - bất chấp sự bực tức rõ ràng của
Lo - lưu lại một đêm nữa ở Chestnut Court; thức giấc hẳn vào lúc bốn giờ sáng,
tôi kiểm tra để biết chắc là Lo vẫn ngủ say tít (miệng há, kiểu như ngạc nhiên
đờ đẫn trước cuộc đời vô nghĩa lạ kì mà tất cả chúng tôi [2] đã tạo
dựng cho em) và yên trí rằng báu vật đựng trong “luizetta” vẫn an toàn. Nằm gọn
ở đáy hộp, bọc ấm cúng trong một chiếc khăn len trắng, là một khẩu súng lục tự
động, loại bỏ túi: cỡ.32, ổ đạn tám viên, chiều dài kém một phần chín chiều
dài của Lolita một chút, báng bằng gỗ hồ đào kẻ ô, hoàn thiện xanh đậm. Tôi đã
thừa hưởng nó từ ông Harold Haze quá cố cùng với cuốn ca-ta-lô năm 1938 trong
đó có đoạn vui vẻ khẳng định rằng: “Đặc biệt thích hợp để dùng trong nhà, trong
xe hơi, cũng như nhằm vào người.” Nó nằm đó, sẵn sàng để được dùng ngay nhằm
vào một hay nhiều người, đạn đã nạp đủ, chốt cài ờ vị trí an toàn, để ngăn chặn
mọi tai nạn cướp cò không đúng lúc. Chúng ta nên nhớ một khẩu súng lục, theo
Freud, là biểu tượng cho chi giữa đằng trước của cụ tổ.
[2] “Tất cả chúng tôi” đây là H.H., Quilty và tác giả,
Nabokov.
Giờ đây, tôi vui mừng có nó trong tay - càng mừng hơn nữa là
tôi đã học sử dụng nó từ hai năm trước, trong rừng thông quanh con hồ thủy tinh
của tôi và Charlotte.
Farlow, người đã cùng tôi lang thang trong những khu rừng hẻo lánh ấy, là một
tay thiện xạ cừ khôi, và với khẩu.38 của mình có thể bắn trúng một con chim
ruồi, tuy nhiên tôi phải nói rằng không thể lượm lại được mấy tí từ xác nó để
chứng minh - chỉ một dúm lông ngũ sắc. Một cựu cảnh sát vạm vỡ tên là
Krestovski [3], người từng bắn chết hai tên tù vượt ngục vào những năm hai
mươi, đã nhập bọn với chúng tôi và hạ một con chim gõ kiến - hoàn toàn trái
mùa, tiện thể xin nói thêm vậy. Giữa hai nhà thể thao đó, dĩ nhiên tôi là một
lính mới tò te và bắn cái gì cũng trượt; tuy nhiên, vào một lần sau đi một
mình, cuối cùng tôi cũng bắn bị thương một chú sóc. “Mày nằm yên đây,” tôi thì
thầm với anh bạn nhỏ nhẹ bỗng và săn chắc của mình, rồi chúc sức khỏe nó bằng
một li rượu gừng.
[3] Nhân vật này đã được nhắc đến ở cuối chương 20, Phần
Một.
Chương 18
Giờ đây, độc giả hãy quên những Chestnut và
Colt [1] đi, để theo chúng tôi xa hơn về phía Tây. Những ngày tiếp
theo được đánh dấu bằng những cơn giông lớn - hay có lẽ chỉ có độc một cơn giông
duy nhất di chuyển qua toàn vùng bằng những bước nhảy cóc nặng nề, mà chúng tôi
không sao bứt thoái khỏi, cũng như không thể bứt thoát khỏi tay thám tử Trapp
bởi vì chính trong những ngày này, nổi lên vấn đề Chiếc Xe Mui Trần Aztec Màu
Đỏ [2], át cả chủ đề những người tình của Lo.
[1] “Chestnut” (hạt dẻ), tên của motel học vừa đi,
“Colt”, nhãn hiệu của khẩu súng lục H.H. vừa nhắc đến.
[2] Xe của Quilty. Dưới đây, còn được gọi là Con Bò Tây
Tạng Màu Đỏ, Cái Bóng Đỏ, Con Thú Đỏ.
Kì lạ! Xưa nay, tôi luôn ghen với tất cả những kẻ giống đực
chúng tôi gặp, thế mà, kì lạ thay, sao mà tôi lí giải sai trật đến thế những
điềm báo của tai họa. Có lẽ tôi bị ru ngủ bởi ứng xử đoan trang của Lo trong
mùa đông, và dù sao đi nữa, ai lại nghĩ rằng một Humbert khác đang háo hức bám
theo Humbert và tiểu nữ thần của Humbert qua những dải đồng bằng rộng lớn và
xấu xí với cả pháo hoa của thần Zeus, giả định đó thật quá ngu xuẩn, ngay cả
đối với một thằng điên. Donc* (vậy nên) tôi đồ rằng người điều
khiển cái Con Bò Tây Tạng Màu Đỏ đang nhằng nhẵng theo sau chúng tôi trên từng
cây số, với một khoảng cách kín đáo, là một thám tử được một cha rách việc nào
đó thuê để dò xem, đích xác ra, Humbert Humbert đang làm gì đứa con gái riêng
của vợ hắn, còn đang ở tuổi vị thành niên. Như thi thoảng vẫn xảy đến với tôi
vào những thời điểm rối loạn điện năng và chớp giật đùng đoàng, tôi thường bị
ảo giác. Có thể đó không phải chỉ là ảo giác. Tôi không biết em hay hắn, hay cả
hai đã bỏ gì vào li rượu của tôi, nhưng một đêm, tôi cảm thấy chắc chắn có ai
đó đã gõ cửa phòng chúng tôi và tôi bèn mở phăng cửa và nhận thấy hai điều -
rằng tôi trần truồng như nhộng và, trắng lấp loáng trong bóng đêm rả rích mưa,
sừng sững một gã đàn ông đeo tấm mặt nạ Jutting Chin [3], nhân vật thám tử
kệch cỡm trong một truyện tranh. Hắn cố nén nhưng vẫn phì cười và chạy biến, và
tôi lảo đảo trở vào phòng, đổ kềnh xuống giường ngủ tiếp, và cho đến tận bây
giờ, tôi vẫn không biết chắc cái hình ảnh đó có phải là một giấc mơ do ma túy
gây nên hay không tôi đã nghiên cứu đến tận củ tỉ cái loại uy-mua của Trapp, và
cái đêm ấy có thể là một tiêu mẫu khả dĩ của nó. Ôi, sống sượng và cực kì phũ
phang! Một kẻ nào đó, tôi nghĩ, kiếm tiền bằng cách bán những mặt nạ với những
hình tượng bình dân như quái vật hoặc kẻ ngu đần. Chẳng phải sáng hôm sau tôi
đã thấy hai đứa bé bới một thùng rác và thử đóng giả Jutting Chin đó sao? Tôi
tự hỏi. Có thế đó chỉ là một sự trùng hợp - do điều kiện khí quyển, tôi đồ là
thế.
[3] Jutting Chin (Cằm Nhọn), trong bộ truyện tranh Dick
Tracy nổi tiếng của Chester Gould (1900-1985).
Là một tên sát nhân có trí nhớ tuyệt hảo nhưng không trọn
vẹn và phi chính thống, tôi không thể khai với quí bà quí ông đích xác ngày nào
tôi bắt đầu biết một cách tuyệt đối chắc chắn là chiếc xe mui trần màu đỏ bám
theo chúng tôi. Tuy nhiên, tôi có nhớ lần đầu tiên trông thấy rõ rành kẻ lái
nó. Một buối chiều, tôi đang lái chầm chậm qua làn mưa xối xả như trút nước và
không ngừng thấy cái bóng ma màu đỏ ấy bơi lội và run rấy khát dục trên tấm
kính hậu, thì chợt trận hồng thủy ngớt dần thành một cơn mưa tí tách, rồi tạnh
hẳn. Xoẹt một cái, xa lộ bùng nắng và vì cần một cặp kính râm mới, tôi dừng lại
ớ một trạm xăng. Chuyện xảy ra là một tệ nạn, một tai ương, bất khả kháng, nên
tôi hoàn toàn không thèm đếm xỉa đến việc kẻ lặng lẽ bám theo chúng tôi trong
chiếc xe bỏ mui cũng đỗ lại sau chúng tôi một quãng ngắn, ở một quán cà phê hay
một quán bar trương một cái biển ngu xuẩn: “The Busrle: A Deceitfil
Seatful” [4]. Đổ xăng cho xe xong, tôi vào cửa hàng để mua kính và trả tiền
xăng. Trong khi đang kí một tấm séc lữ hành, bụng hỏi dạ không biết đích xác ra
mình đang ở đâu, tôi tình cờ ngó qua một khung cửa sổ bên cạnh và trông thấy
một điều kinh khủng. Một người đàn ông lưng rộng bè, đầu hói, mặc vét-tông màu
be và quần màu nâu sẫm, đang nghe Lo; em thò đầu ra khỏi cửa xe và đang nói rất
nhanh với người kia, bàn tay xòe ra đưa lên đưa xuống như mỗi lần em tỏ ra rất
nghiêm túc hoặc muốn nhấn mạnh điều gì. Điều làm tôi ngạc nhiên đến ghê tởm
là... nói thế nào nhỉ?... là cái cung cách liến thoắng xuề xòa cửa em, như kiểu
họ đã quen nhau... ôi, hàng tuần liền, tôi vẫn còn thấy hắn gãi gãi má và gật
đầu và quay đi và trở về chiếc xe mui trần của hắn - một gã đàn ông trạc tuổi
tôi, vai rộng, đậm người, hơi giống chú Gustave Trapp, em họ của cha tôi sống ớ
Thụy Sĩ - cũng cái bộ mặt rám nắng nhẵn lì, hơi phị hơn mật tôi, với một bộ ria
nhỏ đen nhánh và cái miệng đồi trụy trông tựa nụ hồng. Khi tôi trở vào xe,
Lolita đang nghiên cứu một bản đồ đi đường.
[4] Dịch cứng nhắc bám từng chữ một: “Sự rộn rịch: một
chỗ ngồi lừa bịp”.
“Người đàn ông ấy hỏi gì em thế, Lo?” tôi hỏi.
“Đàn ông nào? À, người đàn ông ấy. À phải. Ồ, em không biết.
Ông ta hỏi em có bản đồ không. Em đoán ông ta lạc đường.” Chúng tôi tiếp tục đi
và tôi nói:
“Nghe này, Lo. Ta không biết em có nói dối hay không, ta
cũng không biết em có điên hay không, và tạm thời điều đó không quan trọng đối
với ta; nhưng người đó đã bám theo chúng ta suốt cả ngày, và hôm qua ta thấy xe
của hắn ở khách sạn, và ta nghĩ hắn là một tên cớm. Em thừa biết điều gì sẽ xảy
ra và em sẽ bị đưa đi đâu nếu cảnh sát phát hiện ra mọi sự. Giờ ta muốn biết
đích xác hắn muốn nói gì với em và em đã kể gì với hắn.”
Em cười khanh khách.
“Nếu hắn ta là cớm,” em nói, giọng the thé, nhưng không phải
là phi lô-gích, “điều tệ hại nhất chúng ca có thể làm, là chứng tỏ cho hắn thấy
là chúng ta sợ. Cứ lờ hắn đi, ba.”
“Hắn có hỏi chúng ta đi đâu không?”
“Ô, cái đó hắn biết rồi” (trêu tôi).
“Dù sao đi nữa,” tôi nói, chán không muốn gặng hỏi nữa, “bây
giờ ta cũng đã nhìn rõ mặt hắn. Chẳng xinh trai gì. Nom hắn giống hệt một người
bà con của ta tên là Trapp.”
“Có khi hắn là Trapp [5] thật đấy. Nếu em làba...
Ồ, xem này, tất cả các con chín đều đổi thành số không khi sang đến hàng nghìn.
Hồi em còn bé tí,” em nói tiếp một cách khá bất ngờ, “em cứ nghi là tất cả các
con số sẽ dừng lại và trở về số chín, nếu ma-măng đồng ý cho xe lùi.”
[5] Đồng âm với từ “trap”, nghĩa là “bẫy”.
Tôi nghĩ đãy là lần đầu tiên em tự mình nói về thời thơ ấu
tiền-Humbert; có lẽ sân khấu đã dạy em thủ thuật này; và chúng tôi tiếp tục đi,
im lặng, không bị bám theo.
Nhưng ngày hôm sau, như một chứng đau do một bệnh nan y trở
lại khi thuốc tê và hi vọng giảm dần hiệu lực, nó lại nhằng nhẵng đó, đằng sau
chúng tôi, cái con thú đỏ bóng bẩy ấy. Hôm đó, xe cộ trên xa lộ thưa thớt;
không ai vượt ai; và không ai tìm cách len vào giữa chiếc xe xanh khiêm nhường
của chúng tôi và cái bóng oai phong màu đỏ của nó - như thể cái khoảng giữa ấy
đã được yểm bùa, một vùng của ma thuật và hoan hỉ độc ác, một vùng mà bản thân
sự chính xác và ổn định của nó có một phẩm chất trong suốt như thủy tinh, hầu
như mang tính nghệ thuật. Với đôi vai độn và bộ ria kiểu Trapp, thằng cha lái
xe đằng sau tôi nom giống như một thằng bù nhìn bày trong tủ kính và chiếc xe
mui trần của hắn dường như chỉ di chuyển bởi vì có một sợi dây lụa vô hình lặng
lẽ nối nó với chiếc xe xập xệ của chúng tôi. Xe chúng tôi bội phần yếu hơn
chiếc xe lộng lẫy bóng lộn của hắn, cho nên tôi thậm chí không tìm cách bỏ xa
nó. O lente currite noctis equi! Ôi chạy từ từ thôi, cơn ác
mộng [6]! Chúng tôi leo những sườn dốc dài rồi lại lăn bánh xuống, chú
trọng không vượt quá giới hạn tốc độ, tránh những đứa trẻ chậm chạp, mô phỏng
lại với tỉ lệ lớn những đường cong uốn éo màu đen trên các phù hiệu màu vàng
của chúng, nhưng bất luận chúng tôi lái cách nào hay đi tới đâu, cái khoảng
cách bị yểm vẫn lướt theo nguyên vẹn, với độ chính xác toán học, như một ảo
ảnh, vật tương ứng trên đường bộ của một tấm thảm bay. Và trong suốt thời gian
đó, lúc nào tôi cũng ý thức rõ một cái gì ngấm ngầm bùng cháy phía bên phải
tôi: con mắt hân hoan, gò má rừng rực của Lolita.
[6] Câu tiếng Latinh in nghiêng nghĩa là: “Ôi, chạy từ từ
thôi, ngựa đêm”. Câu tiếp theo là phần dịch của H.H. với một ngón chơi chữ trên
từ “nightmare”: từ này có nghĩa là “ác mộng”, nhưng được tạo thành bởi “night”
(đêm) và “mare” (ngựa cái).
Một cảnh sát giao thông, ngợp giữa mê-cung-ác-mộng những con
đường đan chéo nhau chằng chịt - vào khoảng bốn rưõi chiều ở một thành phố công
nghiệp - ngẫu nhiên trở thành tác nhân ngắt đứt cơn chài yểm này. Gã ra hiệu
cho tôi đi tiếp và cũng bằng bàn tay ấy, cắt rời cái bóng của tôi ra. Khoảng
hai mươi chiếc xe ào ngay vào giữa hai chúng tôi, và tôi phóng đi, lẹ làng lách
vào một ngõ hẹp. Một chú chim sẻ đậu xuống, mỏ ngậm một mẩu bánh mì to gộc, bị
một chú khác chặn và cưóp mất.
Sau mấy chặng dừng ảm đạm và cố tình đi vỏng vèo, khi tôi
trở ra xa lộ thì cái bóng của chúng tôi đã biến mất.
Lola khịt mũi và nói: “Nếu hắn đúng là kẻ như ba nghĩ, thì
việc dứt đuôi bứt khỏi hắn quả là ngu xuẩn.”
“Giờ đây, ta có những quan niệm khác.”
“Ba nên... ừm... kiểm chứng lại... ừm... ba thân yêu...
ừm... bằng cách... ừm... bắt liên lạc lại với hắn,” Lo nói, oằn oại trong những
cuộn khúc mỉa mai cay độc của chính mình. “Xì, ba thật nhỏ
mọn,” em nói thêm bằng giọng bình thường.
Chúng tôi qua một đêm ảm đạm trong một căn phòng rất hôi hám
dưới biên độ âm vang của mưa, với tiếng sấm rền không ngớt trên đầu như vọng về
từ tiền sử.
“Em không phải là lady [7] và em không
thích sấm chóp,” Lo nói, và sự hoảng sợ của em trước giông bão sấm chớp đem lại
cho tôi một niềm an ủi đê tiện.
[7] Ám chỉ vở The Lady Who Loves Lightning (Người mệnh
phụ yêu sấm chớp) của Quilty. Xem từ mục QIULTY, Clare, chép lại từ Who’s Who
in the Limelight ở cuối chương 8, Phần Một.
Chúng tôi ăn điểm tâm ở thị trấn Soda, dân số
1.001 [8].
[8] Ở California, có một con hồ tên là Lake Soda, nhưng
thị trấn ở vùng này có dân số không xác định. Con số 1.001 ở đây chiếu về bộ
truyện bất hủ Nghìn lẻ một đêm.
“Bằng vào con số cuối cùng,” tôi nhận xét, “chắc
Fatface [9] đã ở đây.”
[9] Fatface (Mặt béo): dĩ nhiên là Quilty.
“Ba thân yêu,” Lo nói, “kiểu cù của ba làm người ta cười vỡ
bụng đấy.”
Vào thời điểm này, chúng tôi đã đi vào xứ sở cây ngải đắng,
và có một, hai ngày thư giãn tuyệt vời (tôi thật là một thằng ngu, mọi sự đều
ổn, sự ấm ách khó chịu kia chỉ là bí hơi ợ thôi) và chẳng bao lâu đồi dỏm đã
nhường chỗ cho núi thật và chúng tôi tới Wace đúng thời gian dự định.
Ôi, tai họa. Có một sự lẫn lộn: em đã đọc nhầm ngày tháng
ghi trong cuốn hướng dẫn du lịch, lễ hội mớ Hang Thần đã qua! Em đón nhận điều
đó một cách quá cảm, tôi phải công nhận thế - và khi chúng tôi phát hiện ra ở
Wace, cái nơi giống như một khu an dưỡng này, có một nhà hát mùa hè đang giữa
cao trào hoạt động, lẽ đương nhiên là chúng tôi tìm tới đó vào một tối đẹp trời
giữa tháng Sáu. Quả thật, tôi không thể kể với quí vị cốt truyện của vở kịch
chúng tôi xem hôm ấy. Rành là một trò diễn tầm thường, với cách chơi ánh sáng
thiếu tự nhiên và một đào nhất xoàng xĩnh. Chi tiết duy nhất làm tôi thích thú
là cái tràng hoa tạo nên bới bảy tiểu nữ thần ít nhiều bất động, son phấn xinh
tươi, chân tay để trần - bảy thiếu nữ dậy thì bối rối, mặc đồ vải sa nhiều màu,
được tuyển mộ tại địa phương (bằng vào những xôn xao phấn khích đây đó trong
đám khán giả, kiểu nhận ra người nhà mình) với chức năng làm một thứ cầu vồng
sống, lãng đãng trên sân khấu suốt hồi cuối, để rồi khuất dần một cách lẳng lơ
khêu gợi sau một loạt những tấm voan nhiều tầng nhiều lớp. Tôi nhớ khi đó tôi
đã nghĩ các tác giả Clare Quilty và Vivian Darkbloom mượn cái ý tưởng dùng đám
thiếu nữ làm các màu sắc cầu vồng, tù một đoạn trong James Joyce [10], và
hai “màu” trong số đó thật đáng yêu cực kì, đẹp đến độ hết chịu nổi – Da Cam
không ngừng nhún nhảy và Xanh Ngọc Bích, em này, khi mắt đã quen với bóng tối
đen như mực bao trùm những hàng ghế tầng dưới đông nghịt khán giả, bỗng nhoẻn
miệng cười với mẹ hoặc với người bảo trợ mình.
[10] Từ tác phẩm bất hủ Finnegans Wake của James Joyce,
một tượng đài của văn học thế kỉ 20 nhưng nổi tiếng là một văn bản cực kỳ khó
đọc, thậm chí là “bất khả độc thư” trong đó Joyce sử dụng tới trên một chục
ngôn ngữ khác nhau đến nỗi một số chuyên gia cho rằng cuốn sách “không có ngôn
ngữ xuất phát”. Chủ đề về tính đa dạng và tính nhất quán của mọi sự vật là trung
tâm của cái thế giới mộng không ngừng biến hóa của Finnegans Wake. Bảy màu của
quang phổ thể hiện tính đa dạng của nhân hình hóa bằng bảy “cô gái cầu vòng” và
cuốn sách mở đầu bằng một cầu vồng đảo ngược; bảy mệnh đề trong đoạn thứ hai
chứa bảy màu, chuyển lần lần từ tím đến đỏ. H.H. nói là “mượn từ một đoạn”
nhưng thực ra môtip này xuyên suốt Finnegans Wake.
Buổi diễn vừa kết thúc và tiếng vỗ tay - thử âm thanh mà tôi
không chịu nối - vừa bắt đầu ran ran khắp bốn bề, tôi liền hết kéo lại đẩy Lo
về phía cửa ra, với niềm nôn nóng yêu đương rất tự nhiên, muốn mau chóng đưa em
trở về căn phòng xanh biếc ánh nê ông của chúng tôi, trong đêm sững sờ và đầy
sao: tôi vẫn thường nói thiên nhiên bị sững sờ bởi những cảnh nó nhìn thấy. Tuy
nhiên, Dolly-Lo tụt lại sau trong một trạng thái đê mê hông hồng, đôi mắt khinh
khoái him him, thị giác choán hết mọi giác quan khác đến mức đôi tay mềm oặt
của em hầu như không chạm được vào nhau trong cái động tác hoan hô như máy mà
em vẫn tiếp tục. Trước đây, tôi đã từng thấy kiểu ứng xử này ở trẻ con, nhưng
lạy Chúa, đây là một trẻ con rất đặc biệt, đôi mắt cận thị hân hoan ngây ngất
hướng về phía sân khấu đã lùi xa, nơi tôi thoáng thấy hai đồng tác giả - một
chiếc áo xmôckinh đàn ông và đôi vai trần của một phụ nữ cao lớn lạ lùng, tóc
đen, mặt diều hâu.
“Ba lại làm đau cổ tay Lo rồi, thật thô bạo,” Lolita vừa
lách vào ngồi trong xe vừa nói, giọng nhỏ nhẹ.
“Cực kì xin lỗi, cục cưng của tôi, cục cưng cực tím của
tôi,” tôi nói, tóm trượt khuỷu tay em, rồi nói thêm để chuyển đầu đề câu chuyện
- chuyển hướng định mệnh, ôi lạy Chúa, ôi lạy Chúa: “Vivian quả là một phụ nữ
cực kì. Ba dám chắc chúng ta đã thấy bà ta hôm qua, trong cái nhà hàng Soda
ấy.”
“Đôi khi, ba ngốc đến buồn nôn,” Lo nói.' “Thứ nhất, Vivian
là tác giả nam, còn nữ tác giả là Clare; thứ hai, bà ta đã bốn mươi, có chồng
và mang dòng máu da đen.”
“Ba tưởng Quilty là một trong những kẻ ngày xưa theo đuổi
em, hồi em yêu ba ở thành phố Ramsdale êm đềm ấy,” tôi nói để trêu Lolita.
“Cái gì?” Lo quặc lại, nét mặt cau có. “Cái lão nha sĩ béo
ấy à? Chắc đấy nhầm đây với một con nhỏ rẻ tiền nào đó rồi.”
Và tôi nghĩ thầm trong bụng: sao mà những con nhỏ rẻ tiền ấy
chóng quên mọi thứ, tất cả mọi thứ, trong khi chúng ta, những thằng già si
tình, nâng niu từng phân từng li tố chất tiểu nữ thần của họ.