Sô-cô-la chạy trốn - Chương 11

CHƯƠNG 11 - CANNES

“Em không đi, nói một lần này nữa thôi đấy.”

“Cô phải đi!”

Từ tít tận hành lang tôi đã nghe tiếng Martha và Renée. Thực
ra, ngay lúc bước ra khỏi thang máy, tôi đã nghe cái giọng Yorkshire của Martha
“giải thích” tại sao con bé không hào hứng với cái ý tưởng Renée đã đặt ra cho
mình, và giọng Pháp lơ lớ Yorkshire của Renée “thuyết phục” Martha. Tôi quay
ngoắt lại định chạy làng vào thang máy.

Không may, cửa thang đã đóng sập trước mắt tôi.

Tim tôi rơi tự do và yên vị đâu đó gần mắt cá chân lúc tôi
tiến về văn phòng. Chẳng cần lịch tôi cũng biết đây là thời điểm nào trong năm.
“Nó” đã bắt đầu rồi. Cuộc cãi vã hàng năm xem ai là người phải đến Cannes.

“Cái này không có trong mô tả công việc của em. Em là quản
lý hành chính,” Martha nói như một cô thiếu nữ tuyên bố với bố mẹ là nó sẽ hẹn
hò với bất cứ đứa nào nó thích. “Em giữ sổ sách, quản lý văn phòng, em cho chị
biết chị có đủ tiền mua những bộ phim nào, và được chi bao nhiêu vào tờ rơi.
Chẳng có chỗ nào nói em phải đi Cannes
hết.”

Thấy chưa?

Tôi chậm bước.

“Trong hợp đồng có ghi là cô sẽ đảm đương bất cứ nhiệm vụ
nào khác do chúng tôi quyết định,” Renée trả lời bằng cái giọng của phụ huynh
nói cho con mình biết chúng phải tuân lệnh chừng nào còn sống dưới mái nhà của
b

Tôi đứng lại trước văn phòng ngay cạnh để bọn họ không nhìn
thấy. Có Chúa mới biết mọi người trong hai phòng cùng tầng nghĩ gì về những màn
la hét liên hồi kì trận xuất phát từ phòng chúng tôi.

Tôi ghét cãi cọ. Chỉ xem thôi cũng ghét. Những cuộc tranh
cãi làm tôi nhớ ngay đến hồi còn bé. Tôi không sao chịu nổi khi phải nghe những
giọng nói cao chói, những lời mạt sát không cần thiết, từ ngữ méo mó khi thốt
ra. Chờ đợi, chờ đợi một lời thóa mạ quá đáng, lời nói sẽ làm cho một người mất
hết kiểm soát...

Renée mê tranh cãi. Tôi tin là chị nhận Martha vì Martha có
cái vẻ “giỏi thì nhào vô” rành rành trên mặt còn tôi thì không thể cho chị
những cuộc cãi vã chị mong muốn. Một khi Renée bắt đầu lớn tiếng là tôi sẽ
không nói một lời nào cho đến khi chị xong thì thôi. Xong rồi tôi cũng vẫn
không nói. Đường hướng hoạt động của tôi là đợi cơn điên của Renée tự tắt đi,
vì kiểu gì nó cũng sẽ tắt đi.

Martha thì khác... Cái gien cãi của Martha chắc phải dài một
dặm. Con bé đã làm việc ở đây 21 tháng, và không có một tháng nào trôi qua mà
không xảy ra chuyện nó với Renée có một phút nổi điên nổi đóa, một trong hai
người tung hê hết cả và sau đó là một cuộc cãi cọ om sòm. Và khi đó, nhiệm vụ
của tôi là ngăn họ lại. Xoa dịu, về hùa với cả hai, trấn an cả hai họ làm thế
là đúng rồi, thừa nhận người kia đúng là một con chó cái đáng bị nhổ trụi tóc
đến tận đỉnh đầu, pha trà, mời bánh. Đấy là những trận lớn, còn tuần nào cũng
có vài màn cãi vặt. Ngay trong ba tháng thử việc Martha đã cãi nhau với Renée
rồi, một điều đối với tôi thật không thể tin nổi. Bạn vừa bắt đầu một công việc
mới, bạn có thể bị sa thải chỉ cần báo trước một tuần, vậy mà bạn làm gì? Tóm
lấy mọi cơ hội để bảo sếp của bạn là “phắn” đi cho nước nó trong, chứ còn gì
nữa! Nhưng dẫu sao Martha vẫn được tuyển, vậy nên với nó thế cũng ổn.

Tôi dựa lưng vào tường, bắt đầu gặm móng tay.

Xét một cách công bằng, đây không chỉ là cuộc cãi vã của
riêng họ - chuyện này đã tiếp diễn trong 11 năm nay từ hồi tôi bắt đầu dính líu
đến Liên hoan.

Liên hoan Phim Cannes (hay như người trong nghề chúng tôi
gọi tắt là Cannes)
nghe có vẻ hào nhoáng đến nỗi hồi mới vào làm ở đây, tôi không thể hiểu vì sao
chẳng ai muốn đi. Thỉnh thoảng còn được vào cùng khung hình với Denzel
Washington hay Suán Sarandron nữa chứ đùa à. Chẳng phải làm việc trong ngành
công nghiệp điện ảnh là vì những thứ như thế hay sao? Khi tôi được đi... Nói
thế này nhé, năm đầu tiên tôi đến Cannes, hành lý có kính râm và quần áo mùa
hè, một kịch bản và một cuốn tiểu thuyết để đọc, cộng với một cuốn sách hướng
dẫn tham quan vài thắng cảnh khi không phải làm việc...

Tôi sớm phát hiện ra tất cả không chỉ có các buổi họp báo,
những buổi công chiếu và làm ra vẻ quan trọng dạo bước ở khách sạn Riviera. Đấy là chín
ngày địa ngục không-chợp-mắt-bợ-đít, nghe-lăng-mạ (Liên hoan Phim West-gì cơ?).
Bạn phải đi dự càng nhiều buổi công chiếu càng tốt, mà phần lớn các buổi chiếu
cho chúng tôi xem đều vào lúc đêm khuya. Bạn phải nịnh hót những người chưa
từng nghe nói đến Liên hoan Phim West Yorkshire, chứ đừng nói đã nghĩ đến
chuyện tham dự.

Chưa kể, bạn phải đánh về văn phòng một bản báo cáo để họ
cập nhật bản tin Liên hoan, in ba lần trong thời gian diễn ra Cannes thay vi hai tuần một lần như bình
thường. Đấy là hồi trước khi có Internet. Giờ chúng tôi đã có trang web riêng,
phải gửi báo cáo bất cứ lúc nào có bất cứ thứ gì dù chỉ hơi hơi thú vị diễn ra,
sao cho trang web phải được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ (ai bảo
Internet làm cuộc sống dễ dàng hơn?)

Năm đầu tiên đi dự, tôi gần như không thấy mặt cái phòng
khách sạn của mình. Tôi phải cạnh tranh với Liên hoan Phim London (mà mọi
người đã từng nghe nói đến) và gần như không nói nổi tròn câu
mỗi khi báo cáo trên điện thoại.

Tôi đã khóc suốt dọc đường từ sân bay về nhà vì dường như sự
kiệt sức đã lấp đầy mọi giác quan, mọi cơ bắp. Thậm chí các mạch máu của tôi
cũng dường như ép lại vì mỏi mệt. Tệ hơn là, tôi biết mình sẽ không thể ngủ
được vì quá mệt và ý nghĩ đó làm tôi căng đến mức trào nước mắt. Người lái taxi
hỏi tôi có chuyện gì vậy, chắc mẩm sẽ được nghe nói là tôi vừa bị bạn trai đá,
còn tôi thì khóc nức lên, “Cháu mệt quá.” Ông ta đã nhìn tôi một cái kiểu “thế
thôi hả?” và tôi đã đau khổ gật đầu đáp lại.

Một cách không chính thức, bọn tôi cứ lần lượt đi Cannes từ hồi tôi được
tuyển làm toàn thời gian. Và vì năm ngoái tôi dã đi rồi, một cách bất thành văn
thì năm nay đến lượt Renée - đó cũng chính là lý do vì sao chị đang cố đẩy sang
cho Martha.

Tôi hiểu lý do của Martha: điều này cũng là không nằm trong
mô tả công việc của nó. Cũng không nằm trong mô tả cuộc sống của nó luôn. Con
bé thích cuộc sống bên bạn trai của mình, cùng những lần cãi vã với Renée và
“sạc” cho bọn tôi nếu bọn tôi chi quá nhiều tiền. Con bé sẽ dành thêm thời gian
và sức lực cho Liên hoan, miễn là cái kỳ Liên hoan ấy vẫn phải nằm trên sân nhà
của nó. Con bé phải biết mình đang làm gì và có một mạng lưới hỗ trợ xung quanh
có giác quan thứ sáu để biết lúc nào nó chuẩn bị đấm một ai đó để nhảy vào).
Martha không làm quản lý hành chính để rồi phải đi nịnh bợ người khác.

Khi Martha đến phỏng vấn, con bé mặc một chiếc sơ-mi trắng
trang trọng và một bộ đầm vest màu đen; mái tóc nâu dài ngang vai được chải rẽ
ngôi vào mang một cái ca táp. Tôi biết ngay nó là sô-cô-la hoa quả và hạnh
nhân. Một thứ gì đó đáng tin, một thứ bạn vốn ưa thích và vẫn muốn mua sẵn để
đâu đó gần mình. Lúc nào nó cũng sẽ nằm trong danh sách bánh kẹo ưa thích của
bạn, bạn sẽ luôn nghĩ đến nó nếu chuẩn bị có tiệc hoặc cần một ai đó để chuyện
trò. Nó không màu mè - như sô-cô-la, và ngọt ngào - như nhân nho khô. Nhưng
Martha có hơi nhiều hạnh nhân, cái thứ nhân cứng lổn nhổn bạn không muốn cắn
phải khi đang thư giãn nhấm nháp, thứ hạnh nhân có thể làm mẻ răng nếu bạn cứ
cố cắn. Bạn biết được điều đấy rất nhanh thôi, vì với Martha, thấy cái gì là
được cái đó.

Martha thích cuộc sống của mình như thế và không một nhóm
sao xẹt tầm cỡ quốc tế nào thay đổi được điều đó.

Nói là nói vậy, chứ với cái kiểu hiện tại của Renée, nếu để
cho chị đi, chị dám gây ra một vụ đình đám mang tầm quốc tế lắm. Tôi đã hình
dung được rồi: ai đó ở Liên hoan Phim London
tìm đến Julia Roberts trước, thế là Renée sẽ rút một con dao như trong phim
Fatal Attraction và xông ra đâm chém tứ tán bất kể.

Lựa chọn duy nhất lúc này là tôi đi. Và chuyện này sẽ không
xảy ra.

“Em nghe giọng hai người từ mãi ngoài hành lang,” tôi nói,
bước vào phòng bằng một bước chân nhanh gọn, cấm-có-nhảm-nhí, cố giấu cơn sợ
hãi bên trong. Tôi luôn nhảy vào những lúc họ cãi cọ, nhưng lúc nào tôi cũng sợ
phát khiếp. “Chuyện gì đấy?”

“Em sẽ không đi Cannes,
chuyện là thế đấy,” Martha nói và khoanh tay. Vấn đề kết thúc tại đây.

“Tôi đã đi Cannes
nhiều hơn bất cứ ai ở đây và tôi ngấy đến tận óc rồi,” Renée trả lời và khoanh
tay. Vấn đề chắc chắn cũng kết thúc tại đây.

Tôi nhìn từ người này qua người kia. “Em sẽ đi đặt nước pha
trà,” tôi nói, thả túi và áo khoác xuống bàn.

Mình sẽ không đi, tôi nghĩ, lúc pha nước. Thường, ừ, thì tôi
sẽ đi. Tôi đã từng làm thế. Năm trước nữa tôi đã đi vì chúng tôi cũng có một cô
Trợ lý như Martha và không người nào chịu ngừng la hét là mình sẽ không đi. Tôi
ngồi đó, nghe, và nghe, và đến khi tôi chịu hết nổi. Tôi đã đi năm trước đó
rồi, nhưng tôi vẫn đứng dậy và nói, “Em sẽ đi. Em không có việc gì làm cả, em
sẽ đi.” Tôi đi. Và lại khóc nhè trên đường từ sân bay về. Cũng ông lái xe ấy.
Ông lại nhìn tôi bằng ánh mắt, “Mệt hả?” và tôi đã lại gật đầu một cách đau khổ
như vậy.

Sean, lúc đấy đang hẹn hò với tôi, đã cực kỳ bực mình vì
biết đáng lẽ không phải lượt của tôi. “Em để họ lợi dụng em,” anh gầm gừ rồi
nhăn nhó suốt cả buổi tối. Hẳn anh đã hết sức vui mừng vì ngay buổi sáng đầu
tiên trở về, tôi đã lê bước từ đầu này đến đầu kia thành phố để lôi Greg ra
khỏi sở cảnh sát.

Như tôi nói, thường thì tôi sẽ đi. Nhưng năm nay tôi đã có
Greg và tôi không muốn xa hắn. Không muốn xa nhau cả tuần. Từ giờ đến LHP
Cannes, chuyện này, bọn tôi, sẽ được ba tháng và tôi không muốn xa Greg.

Không phải đơn giản là nhớ nhung - tôi sẽ nhớ - tôi, ừm, tôi
không muốn cho hắn cơ hội gặp người khác. Đi Cannes chín ngày cũng bằng gần 11
ngày Greg bị vây quanh bởi những cô gái khiêu gợi, tự tin, “muốn là phải được”.
Đấy là 11 ngày không qua đêm với tôi, hoặc gọi điện cho tôi đến quá nửa đêm.
Hết 11 ngày đó, tôi hẳn đã có một khối u to bằng Nebraska và chỉ còn vài nhúm tóc trên đầu vì
đã tự mình vặt trụi trong lúc bực tức. Tóm lại là, quên chuyện đó đi.

“OK,” tôi nói, quay lại văn phòng và đặt một cốc trà xuống
cho Martha, một cà phê cho Renée.

“Phải có người đi Cannes,”
tôi nói, kéo một cái ghế đến ngồi giữa bàn Martha và bàn Renée, ngay chính
giữa. Martha đang nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, tay khoanh chặt trước ngực.
Renée cũng đang nhìn ra cửa sổ, tay khoanh cũng chặt chẳng kém.

“Renée, em biết chị đã đi nhiều hơn tất cả bọn em vì chị đã
đi từ trước khi làm Tổng Phụ trách Liên hoan. Vậy là chị đi nhiều hơn bọn em
tới sáu năm.”

Tôi có thể nghe thấy Martha nghiến răng ken két. Cái hạt
hạnh nhân này đang khởi động chuẩn bị bẻ gãy vài cái răng của tôi đây.

“Tuy nhiên, Martha, chị biết việc này không có trong bản mô
tả công việc của em, chị cũng biết em ghét tất cả mấy cái trò thương thảo với
cả tạo dựng quan hệ đó. Nhưng phải có một người đi.”

Thường đến đoạn này tôi sẽ nói, “Vậy, Amber này sẽ đi.” Tôi quay ghế sang Renée. Tim tôi bắt đầu
đánh túi b vào lồng ngực, nếu tôi không lựa lời mà nói thì cái máy iMac kia sẽ
bay ra ngoài cửa sổ và tôi cũng sẽ bay theo, “Thế, nếu chị đưa chồng chị đi
cùng thì sao?”

“Ta không có đủ
ngân sách cho chuyện đó đâu,” Martha nói.

Con bò cái lắm
chuyện. Mày mà không cẩn thận, chị đây sẽ dựng lên một buổi gặp gỡ nhà tài trợ
và mặc xác mày tự lo liệu bây giờ.

“Ý em là, sao chị
không đưa chồng đi cùng và xem như đi nghỉ luôn? Anh ấy cũng là biên kịch, cũng
viết các thứ cho bản tin và trang web nên cả hai anh chị có thể cùng đi dự các
buổi công chiếu và sự kiện nọ kia. Như vậy có thể còn giúp anh ấy kiếm được
tiền cho kịch bản tiếp theo nữa. Rồi, sau đó, anh chị có thể đi tiếp đến gặp gỡ
bà con họ hàng ở Paris hay gì đó. Vậy đó, chị có thể nghỉ làm hẳn ba tuần cơ
mà. Ba tuần. Nghỉ làm. Ở Pháp. Nơi chị sinh ra...”

Chưa có cái máy
tính nào bị quăng đi.

“Bọn tôi có được
ở phòng đôi không?” cuối cùng Renée lên tiếng.

Martha, siêu quản
lý hoa quả và hạnh nhân, chuẩn bị phản đối. Tôi biết ngay từ cái cách nó chuyển
động nét mặt. Tôi nhướng một bên lông mày như muốn nói, “Ta chi vượt quỹ
hoặc mày đi Cannes. Chọn đi.”

“Được, hai người
được ở phòng đôi,” Martha đành xuống nước.

“Và em sẽ bảo
Josh đi dự các buổi công chiếu,” Renée hỏi. Làm như bà không quản chồng bằng
gọng kìm sắt không bằng.

“Rõ,” tôi nói.
“Em sẽ nói chuyện với Josh. Em sẽ viết cho anh ấy một hướng dẫn ngắn gọn, được
chưa?”

Renée để mặc
không khí trong phòng căng lên trong chờ đợi. Bọn tôi đều nín thở chờ quyết
định. Rõ ràng bà chị đang cố tình làm vậy. Chị biết tỏng kiểu căng thẳng đầy
kịch tính và sẽ không chịu đồng ý hay từ chối nếu chưa làm bọn tôi đau khổ tí
chút. “Được rồi, tôi sẽ đi,” Renée cuối cùng cũng đồng ý.

Cả người Martha
như giãn ra còn tôi thì suýt nữa nấc lên vì nhẹ nhõm. Nếu Renée mà không đồng
ý, thể nào cũng nổ ra một cuộc chiến thực thụ trong văn phòng, vì đơn giản là
tôi sẽ không đi. Đến giờ phút này tôi mới nhận ra là các ưu tiên của mình đã
thay đổi. Tôi đã tìm ra một điều quan trọng. Không chỉ là Greg, mà là tôi. Tôi
và địa vị ngôi sao mới nổi của tôi.

*

Tôi thường thấy
cuộc đời mình như một cuốn phim. Có một số chuyện đã xảy ra - sở cảnh sát,
phòng khách sạn, các ngôi sao điện ảnh gọi điện cho tôi ở chỗ làm hay ở nhà -
cuộc đời tôi y hệt một cuốn phim. Có điều, trong cái kịch bản điện ảnh của đời
mình này, tôi chỉ là diễn viên phụ. Đời tôi được đan xen vào câu chuyện của
những người khác, mặc dù vẫn là câu chuyện đời tôi, nhưng những người khác lại
được phân những vai quan trọng hơn rất nhiều, và vì thế cũng được trả cát-xê
cao hơn. Đầu tiên là bố mẹ tôi và cuộc hôn nhân hoành tráng của họ. Rồi anh
trai tôi và những hành xử kì dị của lão ấy. Rồi đến Jen.

Lúc nào cũng là
Jen, từ hồi tôi biết nó đến giờ. Nó đúng là tuýp ngôi sao điện ảnh: tóc vàng,
mặc đẹp, dáng thanh mảnh. Loại phụ nữ đóng vai chính trong các phim và được trả
cát-xê ngang ngửa Jennifer Aniston hay Cameron Diaz. Trong khi tôi, ừ, tôi thì
không. Jen toàn gặp những tình huống kịch tính mà các nhân vật trung tâm trong
phim hay gặp. Tôi thì không. Tôi quá lý trí cho những chuyện đó.

Tôi không cảm
thấy thấp kém so với Jen đâu. Tôi có sức hút, có vẻ quyến rũ. Tôi cũng hấp dẫn,
gợi cảm, nếu xét ở khía cạnh nào đó, nhưng... Nói thế này nhé: tôi có thể bước
ào một quầy bar, ngồi xuống đợi Jen và chỉ trong vài phút, sẽ có một người đàn
ông tiếp cận tôi vì tôi là một phụ nữ hấp dẫn; người này sẽ mời tôi uống nước,
tán chuyện với tôi, cố moi số điện thoại của tôi, nhưng ngay phút giây Jen bước
vào, anh ta sẽ mất hứng thú với tôi. Anh ta sẽ nhỏ dãi lòng thòng, thở hổn hển
và gần như là van lạy tôi sống chết để được giới thiệu với Jen. Jen chẳng bao
giờ bận tâm quá nhiều về chuyện này và thường sẽ bảo gã kia biến đi kèm theo
một nụ cười trên môi. Nhưng, khi có Jen, tôi bỗng trở nên vô hình. Khó mà không
có cảm giác mình chỉ là diễn viên phụ, ngay cả trong chính câu chuyện cuộc đời
mình, khi bạn luôn kè kè bên một Jennifer Aniston của thành Leeds.

Với Greg, mọi thứ
đã thay đổi. Tôi bỗng trở thành một ngôi sao.

Hắn làm tôi cảm
thấy chẳng còn ai khác trên màn ảnh. Trên thế giới.

Hắn luôn hỏi han
tôi, như thể đứng lần quần trước cửa trái tim tôi để tìm đường đi vào, như kiểu
bạn loay hoay trước một con sò không chịu hé miệng. Hỏi tôi nghĩ gì về mọi thứ
là chưa đủ, hắn còn muốn biết tại sao tôi nghĩ vậy, ý nghĩ đó bắt đầu từ đâu,
và như thế nào, phải chăng lúc nào tôi cũng nghĩ thế? Hắn còn muốn biết tôi
từng thế nào, tôi nghĩ ra sao, tôi ước mơ điều gì. Như hôm. Bọn tôi đang ở
trong bồn tắm và hắn nhè nhẹ kỳ cọ lưng tôi bằng một miếng bông tắm đẫm xà
phòng. (Hắn lúc nào cũng muốn tắm cùng tôi. Hầu hết các buổi tối hắn đều đổ
nước đầy bồn và gần như ép tôi bước vào. Tôi có hỏi hắn bộ tôi bốc mùi lắm hay
sao mà hắn phải làm vậy để gián tiếp nói cho tôi biết. Hắn đã nói một cách hết
sức dễ xiêu, “Em nghĩ thế sao. Không, cưng ạ, chỉ là anh thích tắm cùng em
thôi.”)

“Kể cho anh về
ước mơ của em đi,” hắn nói.

“Em chẳng có,”
tôi đáp.

“Đừng có nói thế
với anh, một người nghĩ nhiều như em làm gì lại không có ước mơ.”

Tôi tự hỏi không
biết có nên thú nhận với hắn sự thật hay không. Tôi lúc nào cũng nói với mọi
người mơ ước của tôi là làm Tổng Phụ trách Liên hoan, kiểm soát toàn bộ chương
trình. Đấy là những gì họ muốn nghe. Trên thực tế, mơ ước của tôi, mơ ước to
lớn của tôi, chẳng giống thế chút nào. Tôi có nên nói với Greg không? Mọi thứ
giờ đã khác. Hắn vừa là bạn trai vừa là bạn của tôi. Với một người mà bạn gần
gũi “đúp” như vậy, bạn được chia sẻ ước mơ thật, hy vọng và sợ hãi thật của
bạn, đúng không nhỉ? Ít nhất tôi nghĩ là có. Tôi không hay chia sẻ những điều
bí mật với bạn bè. Cả Jen cũng không biết giấc mơ này. “Em sẽ nói cho anh biết,
nhưng anh không được cười,” cuối cùng tôi nói.

“Dĩ nhiên anh sẽ
không cười.”

“Mơ ước của em,
nếu được làm bất cứ thứ gì, hoặc trở thành bất cứ ai mà không phải chịu ảnh
hưởng của tiền bạc hay thực tế, thì em muốn trở thành một nhà sản xuất phim. Em
mong muốn được viết kịch bản của riêng mình và đạo diễn nó. Em lúc nào cũng tự
hỏi cảm giác sẽ ra sao nếu được ngồi xem một cái gì đó do chính mình viết ra và
đạo diễn được chiếu trên màn ảnh.”

Phản ứng của Greg
là im lặng. Đúng như mình nghĩ, giấc mơ điên rồ, đáng lẽ không nên nghĩ
đến. Không nên nói thành lời. Không nên kể cho ai hết.

“Làm ơn đừng nói
với ai, em chỉ xin anh có thế,” tôi nhanh nhẩu thêm vào. “Làm ơn đừng nói với
ai, nhưng nếu anh không đừng được, làm ơn đừng cười em nhiều quá.”

“Sao cơ? Ô, em
nhầm sự im lặng của anh với sự nhạo báng à? Không, anh đang tự hỏi tại sao, với
tất cả các mối quan hệ của mình, em lại chưa làm một cái gì cho giấc mơ đó. Em
đã viết được kịch bản nào chưa

“Một số rồi,
nhưng, ôi, đây chỉ là một trong vô vàn những thứ phi thực tế mà chúng ta mơ ước
thôi mà,” tôi đáp. Tôi quyết định thay đổi chủ đề trước khi hắn đào quá sâu và
phát hiện tôi đã đi xa đến đâu trên con đường hiện thực hóa giấc mơ này. “Thế
còn anh? Mơ ước của anh là gì?”

“Em biết mơ ước
của anh mà.”

“Ồ, đúng rồi, anh
muốn làm việc ở Mỹ. Tại sao không làm tới đi? Bọn họ gần như đã đẻ ra cái vị
trí Giám đốc chuyên mục đó dành riêng cho anh ở tờ SC vì muốn giữ anh lại mà.
Vậy nên đi Mỹ là logic tiếp theo thôi, đúng không nào?”

“Có thể, nhưng
lúc này anh đã có một động lực kha khá lớn để ở lại đây rồi.”

“Anh sắp được
thăng chức hả? Thế mà không kể nhé.”

“Khoooong, ôi cái
cô Đa Nghi này, động lực ấy chính là em mà!”

“Ô. Ồ... ừ.”

“Giơ lên,” hắn
nói, và nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi và giơ nó lên, cọ cái bông tắm dọc cánh tay
trái của tôi, phủ lên làn da nâu của tôi những bọt xà phòng trơn trơn, trắng
trắng. Rồi hắn kỳ qua tay phải. Từng đường cọ mềm mại nhưng chắc chắn. Dài và
âu yếm.

“Đấy là một trong
những giây phút xác định Ranh Giới Tình Bạn của anh với em,” hắn nói. “Khi em
nói với cảnh sát là anh muốn sang Mỹ làm, anh nhận ra em quan trọng với anh như
thế nào vì em đã nhớ một thứ mà anh chỉ tình cờ nhắc qua. Khi bọn mình đứng
ngoài đường, trông em dễ thương và mệt mỏi đến nỗi anh chỉ muốn ôm chầm lấy. Anh
đã nghĩ, ‘mình muốn hôn cô ấy. Mình muốn hôn cô ấy. Nhưng cô ấy là
bạn mình và có những ranh giới nhất định.’ Với cả thể nào em cũng không phản
bội cái gã kia.”

“Sean,” tôi cung cấp thông tin.

“Ừm, hắn.”

“Hồi đó anh đã muốn hôn em á?” tôi hỏi vẻ không tin
nổi. Hồi đó là hai năm trước cơ mà!

“Ừ, dĩ nhiên. Anh đã muốn ngủ với em hàng bao năm rồi, vì,
ờ, thì vì anh là một cái thằng còn em là một p. Thêm việc em hoàn toàn không tơ
tưởng gì anh cũng là một điểm thu hút anh càng nhiều hơn. Hầu hết phụ nữ chí ít
cũng sẽ đá đưa tán tỉnh, ngay cả khi không hứng thú mấy, nhưng em thì không
chơi đùa và điều đó làm anh càng thèm muốn em hơn. Nhưng hôm ấy ở trên đường
anh muốn hôn em. Chỉ ôm, và hôn thôi. Đột nhiên anh nghĩ mình thích em, rồi anh
nghĩ chắc không phải vậy, chỉ là vì em vừa cứu anh khỏi một tình huống nham nhở
nên anh biết ơn thôi.”

“Anh thật lãng mạn.”

“Anh biết. Giơ lên.”

*

Không bói đâu ra một cuộc đời đẹp đến dường này, trong phim
cũng không. Với tất cả những thứ này, việc gì tôi phải chạy đến Cannes khi không phải
lượt của tôi?

Tôi làm một vòng xoay đắc thắng trên ghế trong lúc đợi máy
tính khởi động.

“Bà có chuyện gì mà vui dữ vậy?” Martha hỏi đầy vẻ nghi ngờ.

Tôi nhún vai. “Chẳng có gì,” tôi nói, và nhe răng cười. “Mọi
thứ.”

Khuôn mặt trang điểm hoàn hảo của Renée nhíu lại. “Cô có
dùng ma túy không đó?” chị hỏi.

Tôi lắc đầu. “Không hề.”

Hai người trao nhau những cái nhìn bối rối.

“Quả là một ngày tuyệt vời.” Một cuộc sống tuyệt vời.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3