Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 29
CHƯƠNG 29
Một kỷ nguyên trong đời Anne
Anne đưa bò từ đồng cỏ phía sau qua đường Tình Nhân
về nhà. Đó là một tối tháng Chín, mọi khoảng trống trong rừng đều
ngập tràn ánh hoàng hôn màu ngọc bích. Đây là con đường loang ánh
sáng, nhưng hầu hết đã chìm trong bóng tối dưới những hàng phong và
khoảng trống giữa các cây vân sam được đổ đầy bằng ánh chạng vạng
tím trong vắt như rượu nhẹ. Gió lùa qua ngọn cây, không có thứ âm
nhạc nào trên đời ngọt ngào hơn tiếng gió dạo đàn trên những cành
vân sam buổi tối.
Đàn bò bình thản dạo bước trên đường còn Anne mơ
màng bám theo sau, đọc to khổ thơ chiến tranh từ Marmion –
cũng là một phần trong chương trình tiếng Anh mùa đông trước mà cô
Stacy bắt chúng phải học thuộc lòng – và hân hoan với những dòng thơ
dồn dập cùng tiếng giáo mác loảng xoảng trong tưởng tượng. Khi đọc
tới mấy câu:
Những binh sĩ cầm giáo kiên cường vẫn tìm đường
Qua rừng già mịt mùng dày đặc,
con bé dừng lại trong cơn ngây ngất để nhắm mắt
mường tượng ra chính mình cũng có mặt giữa những người anh hùng ấy.
Khi mở mắt ra, nó thấy Diana đang bước qua cánh cổng dẫn vào đồng cỏ
nhà Barry và trông có vẻ nghiêm trọng đến nỗi Anne đoán ngay sẽ có
tin mới. Nhưng nó sẽ không phản bội sự tò mò của mình quá nhanh.
“Tối nay không giống một giấc mơ tím sao, Diana? Nó
làm mình thấy vui mừng biết bao khi được sống. Sáng nào mình cũng
nghĩ buổi sáng là đẹp nhất, nhưng khi đêm về thì mình nghĩ đêm còn
đáng yêu hơn.”
“Tối nay rất dễ chịu,” Diana nói “nhưng ôi, mình có
tin cực choáng đây, Anne. Đoán thử xem. Cậu được đoán ba lần”
“Cuối cùng Charlotte Gillis sẽ làm đám cưới trong nhà
thờ và cô Allan muốn chúng ta nhận nhiệm vụ trang trí”
“Không. Bồ của Charlotte
không đồng ý, vì từ trước đến nay chưa có ai làm đám cưới trong nhà
thờ và anh ta nghĩ nó có vẻ quá giống đám ma. Kém quá đi mất, vì
nó vui đến thế kia mà. Đoán lại đi.”
“Mẹ của Jane sẽ cho bạn ấy tổ chức sinh nhật?”
Diana lắc đầu, niềm vui nhảy múa trong đôi mắt đen.
“Mình không đoán nổi là chuyện gì,” Anne tuyệt vọng
nói “trừ khi Moody Spurgeon Macpherson đưa cậu về nhà sau buổi cầu
nguyện tối qua. Có không?”
“Mình không tưởng tượng nổi” Diana thốt lên giận dữ.
“Mình sẽ chẳng khoe khoang khoác lác nếu cậu ta làm vậy, cái tên
quái quỷ đó! Mình biết thể nào cậu cũng không đoán được mà. Hôm nay
mẹ nhận được thư của bà dì Josephine và dì muốn cậu và mình xuống
thị trấn vào thứ ba tới rồi ở lại để đi cùng bà tới triển lãm
đấy!”
“Ôi, Diana,” Anne thầm thì, cảm thấy cần phải dựa
vào một cây phong để đứng cho vững, “cậu nói thật chứ? Nhưng mình e
rằng bác Marilla sẽ không cho mình đi đâu. Bác ấy sẽ nói là không thể
khuyến khích chuyện đi lang thang được. Bác ấy mới nói thế tuần
trước khi Jane mời mình cùng đi xe ngựa hai chỗ đến buổi hòa nhạc
của người Mỹ ở khách sạn White Sands. Mình muốn đi, nhưng bác Marilla
nói tốt hơn mình nên ở nhà học bài và Jane cũng vậy. Mình thất
vọng cay đắng, Diana. Mình thấy đau xé lòng đến nỗi không thèm cầu
nguyện khi đi ngủ nữa. Nhưng mình hối hận nên nửa đêm đã dậy để cầu
nguyện.”
“Mình có cách này” Diana nói. “Chúng mình sẽ nhờ
mẹ xin bác Marilla. Như vậy khả năng bác ấy cho phép cậu đi sẽ cao
hơn, và nếu bác ấy đồng ý thì chúng mình sẽ được vui chơi thoải
mái, Anne. Mình chưa bao giờ đến triển lãm và thật bực mình khi nghe
những đứa con gái khác kể lể về chuyến đi của chúng. Jane và Ruby đi
hai lần rồi, mà năm nay cũng sẽ đi nữa.”
“Mình sẽ không nghĩ ngợi gì về chuyện đó cho đến
khi biết rõ có thể đi hay không,” Anne khiên quyết nói. “Nếu cứ suy
nghĩ và rồi thất vọng thì sẽ quá sức chịu đựng của mình. Nhưng nếu
được đi, mình sẽ rất vui vì lúc đó áo khoác mới của mình đã xong
xuôi. Bác Marilla nghĩ mình không cần áo khoác mới. Bác ấy nói cái
áo cũ của mình vẫn còn rất tốt để mặc thêm một mùa đông nữa và
rằng mình phải hài lòng với cái váy mới. Cái váy rất đẹp, Diana –
màu xanh nước biển và được may rất thời trang. Bây giờ bác Marilla
luôn may váy cho mình rất hợp thời trang, vì bác ấy bảo sẽ không đời
nào để bác Matthew đi nhờ bà Lynde may nữa. Mình vui quá. Sẽ dễ dàng
trở nên ngoan ngoãn hơn nếu quần áo hợp thời trang. Ít nhất là dễ
với mình. Mình nghĩ nó không tạo ra nhiều khác biệt đối với những
người ngoan ngoãn từ trong bản chất. Nhưng bác Matthew nói mình phải
có áo khoác mới, nên bác Marilla mua một mảnh vải len xanh rất đáng
yêu và giờ nó đang được một thợ may trang phục nữ thực thụ ở Carmody
may. Đến tối thứ bảy này sẽ xong và mình cố không tưởng tượng đến
cảnh mình bước đi giữa nhà thờ ngày chủ nhật trong chiếc áo khoác
và mũ mới, vì mình e rằng tưởng tượng những điều như thế không đúng
đắn. Nhưng nó cứ nhảy vào tâm trí mình cho dù mình không muốn. Mũ
của mình đẹp vô cùng. Bác Matthew mua cho mình hôm mấy bác cháu xuống
Carmody. Nó là một cái mũ nhung nhỏ màu xanh, kiểu đang rất mốt, với
dây vàng và núm tua. Cái mũ mới của cậu thật thanh lịch, Diana ạ,
mà cũng rất hợp nữa. Khi nhìn thấy cậu bước vào nhà thờ tuần
trước tim mình tràn ngập niềm hãnh diện khi nghĩ cậu là bạn thân
nhất của mình. Cậu có cho rằng chúng ta nghĩ quá nhiều về quần áo
là sai không? Bác Marilla nói như thế rất là tội lỗi. Nhưng đó là một
đề tài hấp dẫn, phải không?”
Bà Marilla đồng ý để Anne xuống thị trấn và thỏa
thuận là đến thứ ba tuần sau ông Barry sẽ đi cùng bọn nhỏ. Charlottetown cách
đến ba mươi dặm đường mà ông Barry muốn đi về trong ngày nên sẽ khởi
hành thật sớm. Nhưng Anne coi tất cả đều là chuyện vui và đã dậy
trước khi mặt trời mọc sáng thứ ba. Liếc mắt ra ngoài cửa sổ, con
bé an tâm rằng ngày hôm đó sẽ đẹp, vì khắp bầu trời phía đông đằng
sau những cành vân sam của Rừng Ma Ám đều óng ánh như bạc và không
một gợn mây. Qua khe hở giữa hàng cây, một ánh sáng khác đang rạng
ngời trong chái Tây của Dốc Vườn Quả, dấu hiệu cho thấy Diana cũng
đã thức dậy.
Anne đã thay sẵn quần áo trong lúc ông Matthew đốt lò
và chuẩn bị bữa sáng sẵn sàng khi bà Marilla xuống bếp, nhưng con bé
phấn khích đến độ ăn không nổi. Sau bữa sáng, Anne diện mũ và áo
khoác mới rồi vội vã băng qua suối, xuyên qua rừng vân sam đến Dốc
Vườn Quả. Ông Barry và Diana đang đợi con bé, vậy là họ nhanh chóng
lên đường.
Đó là một chuyến đi dài, nhưng Anne và Diana tận
hưởng từng phút một. Thật vui khi chạy xe rầm rầm trên những con
đường ẩm ướt trong ánh ban mai đỏ ối đang len lỏi khắp những cánh
đồng đang vụ gặt. Không khí trong lành mát lạnh, làn sương lam mỏng
manh cuộn mình trên khắp thung lũng và bồng bềnh trôi từ đỉnh đồi
xuống. Có lúc con đường xuyên qua rừng nơi phong đã bắt đầu treo cờ
đỏ, lúc lại băng qua những cây cầu bắc ngang sông khiến Anne co rúm
lại bởi cảm giác nửa sợ hãi nửa thích thú xưa kia, cũng có lúc
vòng quanh bờ cảng và chạy qua một cụm lều câu cá nhỏ bạc màu sương
gió, rồi lại leo lên đồi nơi từ đó có thể nhìn thấy bầu trời xanh
mờ sương khói hay một dải đồi uốn lượn xa xa, nhưng cho dù họ đi qua
nơi nào thì nơi đó cũng có vô vàn điều thú vị để bàn luận. Gần
trưa thì mấy bác cháu tới được thị trấn và tìm ra đường đến
“Beechwood”. Đó là một biệt thự cổ rất đẹp, tách biệt với phố
phường, nằm trong một nơi khuất nẻo với những cây du xanh um và sồi
rậm rạp. Bà Barry đón chúng ở cửa, đôi mắt đen sắc sảo lấp lánh
niềm vui.
“Vậy là cuối cùng con cũng đến thăm ta rồi, con bé
Anne này” bà nói. “Chao ôi, bé con, con lớn thế này rồi! Con cao hơn ta
rồi đấy. Con cũng xinh hơn trước nhiều. Nhưng ta dám chắc chẳng cần
người khác nói thì con cũng biết mấy chuyện đó rồi.”
“Thật sự là không ạ” Anne hớn hở nói. “Con biết
mình không còn nhiều tàn nhang như trước nữa, nên con rất biết ơn về chuyện
đó, nhưng thật tình con không dám nghĩ còn có sự cải thiện nào
khác. Con rất mừng vì bà nghĩ là có, bà Barry.”
Nhà bà Barry được trang hoàng với “vẻ tráng lệ
khủng khiếp” như sau này Anne kể với bà Marilla. Hai con bé nhà quê có
phần luống cuống trước sự lộng lẫy của phòng khách nơi bà Barry bỏ
chúng lại để đi xem bữa trưa thế nào rồi.
“Nơi này không giống với một lâu đài sao?” Diana thầm
thì. “Mình chưa bao giờ tới nhà bà dì Josephine và mình không biết
nó lớn thế này. Mình chỉ ước gì Julia Bell có thể nhìn thấy nơi
này – nó cứ suốt ngày lên mặt về phòng khách của mẹ nó.”
“Thảm nhung” Anne thở dài vui sướng “và rèm
lụa! Mình từng mơ đến đến những thứ này, Diana. Nhưng cậu biết không,
rốt cuộc mình không thấy thoải mái lắm. Có quá nhiều thứ trong
phòng này và tất cả đều lộng lẫy đến mức không còn chỗ cho trí
tưởng tượng nữa. Có một điều an ủi khi nghèo – cậu sẽ có nhiều thứ
để tưởng tượng hơn.”
Ở lại trong thị trấn là điều mà Anne và Diana đã
mong mỏi từ lâu. Từ ngày đầu tiên cho tới ngày cuối cùng, quãng thời
gian này luôn tràn ngập niềm vui.
Hôm thứ tư bà Barry đưa chúng đến hội chợ và cho
chúng ở đó cả ngày.
“Thật lộng lẫy” Anne kể lại cho bà Marilla nghe sau
đó. “con chưa bao giờ tưởng tượng ra thứ gì thú vị đến vậy. Con thật
sự không biết khu nào thú vị nhất. Con nghĩ con thích ngựa, hoa và
đồ thêu nhất. Josie Pye đoạt giải nhất về đan len. Con thật tâm vui
mừng vì bạn ấy được giải. Và con cũng mừng là mình cảm thấy vui,
vì điều đó chứng tỏ con đã tiến bộ rồi, bác có nghĩ vậy không.
Marilla, khi con có thể mừng cho thành công của Josie? Ông
Harmon Andrews đoạt giải nhì cho đám táo Gravenstein còn ông Bell đoạt giải
nhất thi heo. Diana nói thật nực cười khi giám thị trường học Chủ
nhật giành giải về heo, nhưng con không hiểu tại sao. Bác có hiểu
không ạ? Bạn ấy nói sau này bạn ấy sẽ luôn nghĩ về chuyện đó mỗi
khi ông ấy trang nghiêm cầu nguyện. Clara Lousie Macpherson đoạt giải vẽ
tranh, bà Lynde đoạt giải nhất về pho mát và bơ tự làm. Như vậy Avonlea
đã có những đại diện rất xứng đáng, phải không ạ? Hôm ấy bà Lynde
cũng ở đó và con không hề biết mình thật sự yêu quý bà ấy đến thế
nào mãi cho đến khi con nhìn thấy gương mặt thân quen của bà ấy giữa
những người xa lạ. Có hàng ngàn người ở đó, bác Marilla. Nó khiến
con thấy mình tầm thường khủng khiếp. Và bà Barry đưa chúng con lên
khán đài xem đua ngựa. Bà Lynde không đi, bà ấy nói đua ngựa là trò
ghê tởm và vì là một thành viên nhà thờ nên bà ấy nghĩ bổn phận
bắt buộc của mình là nêu tấm gương tốt bằng cách tránh xa nó ra.
Nhưng ở đó có quá nhiều người nên con không tin sự vắng mặt của bà
Lynde sẽ gây được chú ý cho lắm. Tuy vậy, con nghĩ mình không nên coi
đua ngựa thường xuyên vì chúng thật hấp hẫn kinh
khủng. Diana phấn khích đến nỗi đề nghị cá với con mười xu rằng con
ngựa đỏ sẽ thắng. Dù không tin nó sẽ thắng nhưng con từ chối cược,
vì con muốn kể cho cô Allan mọi thứ, mà chuyện đó thì chắc chắn
không kể được rồi. Làm bất kì chuyện gì mà không thể kể lại cho vợ
mục sư thì chuyện đó lúc nào cũng là sai rồi. Có bạn là vợ mục sư
thì cũng ngang bằng có thêm một lương tâm nữa vậy. Mà con rất mừng
rằng mình đã không cược, vì con ngựa đỏ thắng thật, sém
tí là con thua mười xu rồi. Vậy nên bác thấy đó, đạo đức cũng có
phần thưởng của nó. Chúng con thấy một người đàn ông bay trong khinh
khí cầu. Con cũng thích được bay trong khinh khí cầu, bác Marilla à,
nó đúng là rùng cả mình, và tụi con gặp một người bán vận mệnh.
Bác trả cho ông ấy mười xu và một con chim nhỏ sẽ nhặt lá số của
bác ra. Bà Barry cho Diana và con mỗi đứa mười xu để xem bói. Lá số
của con viết là con sẽ cưới một người da đen rất giàu có và con sẽ
vượt biển để sinh sống ở một nơi khác. Từ lúc đó con chăm chú quan
sát tất cả những người đàn ông da đen con gặp, nhưng con không quá quan
tâm đến một ai, mà dù sao đi nữa con nghĩ vẫn còn quá sớm để tìm
anh ấy. Ôi, đó là một ngày không-thể-nào-quên, bác Marilla. Con mệt
đến nỗi cả đêm không ngủ được. Bà Barry cho tụi con ngủ trong phòng
dành cho khách đúng như đã hứa. Căn phòng thật thanh nhã, bác Marilla,
nhưng không hiểu sao ngủ trong phòng dành cho khách không giống như
những gì con từng nghĩ. Những thứ ta vô cùng mong muốn khi còn nhỏ
thì đến lúc đạt được rồi lại dường như không có nổi một nửa cảm
giác diệu kỳ.
Thứ năm, hai bé gái được chở đi công viên và đến tối
bà Barry đưa chúng tới nhạc viện tham dự buổi hòa nhạc có sự trình
diễn của một giọng opera nữ nổi tiếng. Với Anne, buổi tối đó là
một giấc mộng hạnh phúc huy hoàng.
“Ôi, bác Marilla, thật không tài nào diễn tả được.
Con phấn khích đến nỗi không nói nên lời, nên bác có thể biết nó như
thế nào rồi đấy. Con chỉ ngồi trong sự im lặng mê đắm. Bà Selitsky
xinh đẹp không chê vào đâu được và mặc váy sa tanh trắng đính kim
cương. Nhưng khi bà cất giọng hát thì con không thể nghĩ tới bất kỳ
điều gì nữa. Ôi, con không thể diễn tả nổi cảm giác của mình. Nhưng
con cảm thấy dường như mình không bao giờ còn gặp khó khăn khi cố
gắng trở thành người tốt nữa. Con có cảm giác giống như khi ngước
nhìn những vì sao. Mắt con ứa lệ, nhưng, ôi đó là những giọt nước
mắt hạnh phúc tột độ. Con vô cùng nuối tiếc khi nó phải kết thúc,
và con nói với bà Barry rằng không biết làm sao con có thể trở lại
cuộc sống bình thường được nữa. Bà ấy nói nếu mấy bà cháu sang bên
kia đường ăn kem thì có thể giúp ích cho con. Nghe chẳng thơ mộng chút
nào, nhưng con kinh ngạc nhận ra quả đúng vậy thật. Kem rất ngon, bác
Marilla, và ngồi ăn ở đó lúc mười một giờ đêm thì thật đáng yêu và
phóng khoáng. Diana tin rằng bạn ấy được sinh ra cho cuộc sống thành
thị. Bà Barry hỏi ý con thế nào, nhưng con nói con phải suy nghĩ thật
nghiêm túc trước khi có thể cho bà ấy biết suy nghĩ thật sự của
mình. Nên con đã suy nghĩ cẩn thận sau khi lên giường đi ngủ. Đó là lúc
tốt nhất để nghĩ cho thông mọi việc. Rồi con đi đến kết luận, bác
Marilla ạ, rằng con không được sinh ra cho cuộc sống thành thị và con
mừng là như thế. Thật tuyệt nếu thỉnh thoảng có thể ăn kem trong một
nhà hàng sang trọng lúc mười một giờ khuya, tuy nhiên nếu là chuyện
thường lệ thì con thà ngủ ngon lành ở chái đông lúc mười một giờ
nhưng ngay cả khi đã ngủ vẫn biết rằng các vì sao đang nhấp nháy
ngoài kia và gió vẫn đang thổi trong rừng linh sam bên kia suối. Con
nói với bà Barry như vậy vào bữa điểm tâm và bà ấy đã cười phá
lên. Nói chung bà Barry cười trước bất cứ điều gì con nói, ngay cả
khi con đề cập đến những chuyện nghiêm túc nhất. Con nghĩ mình không
thích vậy, bác Marilla, vì con không cố tỏ ra hài hước. Nhưng bà ấy
rất hiếu khách và tiếp đãi chúng con rất trọng thể.”
Thứ sáu là ngày về nhà và ông Barry đánh xe đến
đón hai cô gái.
“Thế đấy, ta hy vọng các con đã được vui vẻ” bà
Barry nói khi chào tạm biệt chúng”
“Chúng con vui vẻ chứ ạ” Diana đáp.
“Còn con, Anne?”
“Con đã tận hưởng từng giây từng phút” Anne nói, bất
giác quàng tay quanh cổ bà cụ và hôn lên đôi má nhăn nheo của bà. Diana
chẳng bao giờ dám làm thế và cảm thấy có phần kinh hãi trước sự
tự do của Anne. Nhưng bà Barry thì hài lòng, và bà đứng trên hiên
nhìn theo chiếc xe ngựa cho đến khi nó đi khuất tầm mắt. Rồi bà thở
dài quay trở vào ngôi nhà rộng lớn của mình. Nó dường như quá hiu
quạnh khi thiếu vắng những con người trẻ trung lanh lợi đó. Thật tình
mà nói bà Barry là một bà lão hơi ích kỉ, chẳng quan tâm đến ai
ngoài bản thân mình. Bà đánh giá người khác chỉ dựa trên tiêu chí
họ có giá trị sử dụng hay có làm bà vui không. Anne làm bà vui, và
do đó được bà cụ trọng đãi. Nhưng bà Barry nhận ra mình nghĩ về
những bài diễn văn quái lạ của Anne ít hơn so với nghĩ về sự sôi
nổi mới mẻ, những cảm xúc trong sáng, nét lôi cuốn nhẹ nhàng và vẻ
đáng yêu trong mắt môi con bé.
“Ta từng nghĩ Marilla Cuthbert là một bà già ngu ngốc
khi nghe nói cô ta nhận nuôi một bé gái từ trại mồ côi” bà thầm nhủ
“nhưng ta cho rằng rốt cuộc đó cũng chẳng phải sai lầm. Nếu trong nhà
lúc nào cũg có một đứa bé như Anne thì ta sẽ sống tốt và vui vẻ
hơn.”
Anne và Diana thấy chặng đường về nhà cũng dễ chịu
như chặng đi, thật ra là dễ chịu hơn nhiều, vì chúng ý thức được
hạnh phúc về mái ấm đang đợi mình ở cuối đường. Mặt trời đã xế
bóng khi mấy bác cháu băng qua White Sands và quẹo vào đường bờ biển.
Xa xa, những ngọn đồi Avonlea vươn lên sẫm tối giữa bầu trời vàng
nghệ. Sau lưng chúng, vầng trăng nhô lên từ mặt biển mỗi lúc một tỏa
sáng rực rỡ rạng ngời. Mỗi vịnh nhỏ nằm dọc con đường uốn lượn
đều là một kỳ quan của những gợn sóng nhảy múa. Những con sóng vỡ
tan trên các vách đá phía dưới kèm theo một tiếng rào rào khe khẽ
và mùi vị của biển thấm đẫm trong không khí mát lành.
“Ôi, thật tuyệt vời khi được sống và được về nhà”
Anne thở ra.
Khi con bé băng qua cây cầu gỗ bắc ngang suối, đèn
bếp ở Chái Nhà Xanh nhấp nháy với nó như một lời chào thân thiện, và
qua khung cửa mở, ngọn lửa lò sưởi bập bùng chiếu ánh sáng đỏ rực
ấm áp chống lại giá rét đêm thu. Anne hân hoan chạy lên đồi rồi vào bếp,
nơi bữa tối nóng hổi đã chờ sẵn trên bàn.
“Vậy là con về rồi hả?” bà Marilla nói, gập mẫu đan
của mình lại.
“Vâng, và ôi, thật tuyệt biết bao khi được trở về”
Anne vui vẻ nói “Con có thể hôn bất cứ thứ gì, ngay cả cái đồng hồ.
Bác “Marilla, gà nướng! Không phải bác nấu món đó cho con đó chứ!”
“Phải, ta nấu cho con đấy” bà Marilla nói. “Ta nghĩ
hẳn con rất đói sau một chuyến đi như vậy và cần thứ gì thật ngon
miệng. Thay đồ nhanh lên, chúng ta sẽ ăn tối ngay khi bác Matthew về.
Phải nói là ta rất mừng vì con đã về. Không có con nơi này cô quạnh
khủng khiếp, và ta chưa bao giờ trải qua bốn ngày dài đến thế.”
Sau bữa tối, Anne ngồi trước ngọn lửa, giữa ông Matthew
và bà Marilla, kể lại chi tiết chuyến đi của mình.
“Con đã có một khoảng thời gian tuyệt vời” con bé
vui vẻ kết luận “và con cảm thấy nó đánh dấu một kỷ nguyên trong
cuộc đời con. Nhưng điều tuyệt vời nhất là cuối cùng đã được về
nhà.”