Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 22 - 23

CHƯƠNG 22

Anne được mời đi dùng trà

“Vậy bây giờ có chuyện gì mà mắt con lại lồi ra khỏi tròng
thế kia?” bà Marilla hỏi khi Anne vừa chạy ra bưu điện về. “Con lại khám phá ra
một tâm hồn đồng điệu khác nữa à?”

Sự phấn khích tỏa ra quanh Anne như chiếc áo choàng, ánh lên
trong mắt, rạng ngời trong từng đường nét của con bé. Con bé đã nhảy múa trên
đường về như một nàng tiên bay theo gió, băng qua ánh nắng êm dịu và bóng tối
lười biếng của một ngày tháng Tám.

“Không ạ, bác Marilla, nhưng ôi, bác nghĩ sao nào? Con được
mời đến nhà mục sư dùng trà chiều mai! Cô Allan gửi thư ở bưu điện cho
con. Bác xem này, Marilla. ‘Cô Anne Shirley, Chái Nhà Xanh.’ Đây là lần đầu
tiên con được gọi là ‘Cô’. Nó khiến con rùng cả mình. Con sẽ nâng niu nó mãi
mãi trong số những vật báu quý giá nhất của mình.”

“Cô Allan nói với ta cô ấy định lần lượt mời tất cả thành
viên của lớp học Chủ nhật đến dùng trà,” bà Marilla dửng dưng. “Con không cần
phát sốt lên như thế. Phải học cách bình thản đón nhận mọi thứ, cô bé ạ.”

Muốn Anne bình thản đón nhận mọi thứ thì chắc phải thay đổi
cả bản tính của nó. Với một con người được tạo nên từ “tâm hồn, lửa và sương”
như con bé, mọi niềm vui và đau đớn đến trong đời đều mãnh liệt gấp ba so với
bình thường. Bà Marilla cảm nhận được điều này và mơ hồ lo lắng, nhận ra tất cả
thăng trầm của cuộc đời có lẽ sẽ thành gánh nặng với tâm hồn xốc nổi này, nhưng
lại không hiểu được một cách thấu đáo rằng khả năng vui sống lớn lao không kém
còn có thể bù đắp nhiều gấp bội. Do đó bà Marilla tin rằng mình phải có trách
nhiệm rèn cho Anne có được một tâm hồn bình yên đơn điệu, có điều chuyện này
đối với bà cũng bất khả thi và xa lạ như ánh nắng nhảy múa dưới lòng suối cạn.
Bà phải buồn bã tự nhủ rằng mình không cải thiện tình hình được nhiều lắm. Một
hy vọng tha thiết hoặc một kế hoạch nào đó sụp đổ có thể đẩy Anne vào “đau khổ
tột độ”. Nhưng hoàn thành được nó sẽ đưa con bé vào một thế giới hân hoan ngây
ngất. Bà Marilla gần như bắt đầu cảm thấy không còn hy vọng trong chuyện nhào
nặn sinh linh bơ vơ này thành bé gái kiểu mẫu, cư xử điềm tĩnh đúng mực. Nhưng
bà cũng không tin rằng mình thật sự thích Anne trở nên như vậy hơn.

Tối đó Anne lặng lẽ đi ngủ trong tâm trạng khổ sở vì ông
Matthew nói gió đã chuyển sang hướng Đông Bắc và ông sợ rằng ngày mai trời sẽ
mưa. Tiếng lá bạch dương quanh nhà xào xạc làm con bé thấp thỏm không yên, cảm
giác như đó là tiếng mưa tí tách, rồi cả tiếng gầm xa xôi vọng lại từ vịnh mà
bình thường con bé vẫn lắng nghe hết sức thích thú, yêu cái giai điệu lạ lùng,
âm vang mà ám ảnh đó, bây giờ lại dường như lời báo trước cho cơn bão và thảm
họa sẽ xảy đến với một cô bé đang đặc biệt trông chờ một ngày đẹp trời. Anne
nghĩ rằng buổi sáng sẽ không bao giờ tới.

Nhưng mọi thứ rồi cũng phải kết thúc, ngay cả buổi tối trước
ngày bạn được mời dùng trà ở nhà mục sư. Sáng hôm đó, trái với dự đoán của ông
Matthew, trời lại đẹp và tinh thần của Anne được dịp thăng hoa đến đỉnh điểm.
“Ôi, bác Marilla, hôm nay trong con có điều gì đó làm con thấy yêu tất cả những
người con gặp,” con bé thốt lên trong lúc rửa bát đĩa của bữa sáng. “Bác không
biết con thấy sung sướng đến thế nào đâu! Cảm giác này tồn tại mãi thì
có phải tốt không? Con tin là con có thể thành một đứa trẻ mẫu mực
nếu được mời đi dùng trà mỗi ngày. Nhưng ôi, bác Marilla, đây cũng là một dịp
trang trọng. Con thấy lo lắng quá. Nếu con cư xử không đúng đắn thì sao? Bác
biết là con chưa bao giờ được dùng trà ở nhà mục sư mà, con không
chắc mình biết hết các quy tắc xã giao, mặc dù từ khi đến đây con đã học được
những quy tắc trong Phép xã giao của tạp chí Family Herald. Con
rất sợ nhỡ lại làm chuyện ngốc nghếch hoặc quên điều gì đó mà mình lẽ ra nên
làm. Liệu có đúng không khi xin thêm một phần ăn nữa nếu ta rất rất muốn?”

“Vấn đề của con, Anne, là con nghĩ quá nhiều về bản thân.
Con chỉ nên nghĩ tới cô Allan, tới những gì tốt đẹp và dễ chịu nhất với cô ấy,”
bà Marilla nói, ít nhất một lần trong đời cũng đưa ra lời khuyên rất đúng đắn
và súc tích. Anne ngay lập tức nhận ra điều này. “Bác nói đúng, bác Marilla.
Con sẽ cố không nghĩ về mình chút nào.”

Anne rõ ràng đã hoàn tất chuyến viếng thăm của mình mà không
mắc lỗi nào nghiêm trọng về “phép ngoại giao”, vì con bé trở về lúc chạng vạng,
dưới bầu trời cao vút, bao la rạng rỡ những đám mây hồng và vàng nghệ tây,
trong tâm trạng tuyệt hảo và vui vẻ kể tất cả cho bà Marilla nghe trong lúc
đang ngồi trên tấm phản lớn bằng thạch sa đỏ ở cửa bếp, mệt mỏi tựa cái đầu
xoăn vào vạt váy bằng vải bông kẻ của bà.

Một cơn gió mát từ những triền đồi vân sam phía Tây thổi
xuống, băng qua những cánh đồng trĩu hạt và rì rào qua hàng dương. Một ngôi sao
sáng treo lơ lửng trên vườn cây và đom đóm lập lòe trên đường Tình nhân, bay ra
bay vào giữa đám dương xỉ và bụi cây xào xạc. Anne vừa nói vừa nhìn chúng, cảm
thấy như gió, sao cùng đom đóm hòa trộn vào thành một thứ gì đó thật ngọt ngào
và mê hoặc đến mức không thể diễn tả bằng lời.

“Ôi, bác Marilla, con đã có một khoảng thời gian say
đắm
nhất. Con cảm thấy mình không hề sống một cách vô ích và sẽ luôn
cảm thấy như thế ngay cả khi không bao giờ được mời đến uống trà ở nhà mục sư
nữa. Khi con đến, cô Allan đón con ở cửa. Cô ấy mặc chiếc váy xinh xắn nhất
bằng vải bông mịn màu hồng nhạt tay dài đến khuỷu, với hàng tá diềm xếp nếp và
trông cô ấy không khác gì thiên thần. Con thật sự nghĩ khi lớn lên con muốn trở
thành vợ mục sư, bác Marilla à. Một mục sư có lẽ sẽ không quan tâm đến mái tóc
đỏ của con vì ông ấy sẽ không nghĩ đến những thứ trần tục như thế. Nhưng dĩ
nhiên vợ của mục sư phải có bản tính thiện mà con lại chẳng bao giờ được như
thế, nên con đoán là có nghĩ nữa cũng chẳng ích gì. Có người sinh ra đã lương
thiện, có người lại không. Con thuộc nhóm thứ hai. Bà Lynde nói con vốn tội lỗi
từ trong trứng rồi. Cho dù có cố gắng đến thế nào thì con cũng không bao giờ
trở nên tốt đẹp như những người bản tính lương thiện. Cũng na ná như với môn
hình học vậy. Nhưng bác có nghĩ là cố gắng nhiều thì cũng phải được đền đáp gì
chứ? Cô Allan là một trong số những người bản tính lương thiện. Con vô cùng yêu
quý cô ấy. Bác cũng biết như một số người, như bác Matthew và cô Allan, ta có
thể yêu quý họ ngay không chút nghi ngại. Một số người khác, như bà Lynde chẳng
hạn, ta phải cố lắm mới yêu được. Bác biết phải yêu họ vì họ biết quá nhiều và
lại là những người hoạt động năng nổ ở nhà thờ, nhưng lúc nào bác cũng phải
nhắc mình điều đó nếu không sẽ quên mất. Có một bạn gái khác cũng dùng trà ở
nhà mục sư, đến từ trường học Chủ nhật White Sands. Bạn ấy tên là Lauretta
Bradley và rất dễ thương. Không hắn là một tâm hồn đồng điệu, bác biết đấy,
nhưng vẫn rất dễ thương. Chúng con đã có một buổi tiệc trà tao nhã và con nghĩ
mình đã tuân thủ đầy đủ các quy tắc của phép lịch sự. Sau buổi trà, cô Allan
chơi đàn và hát, rồi còn bắt nhịp cho Lauretta và con hát chung. Cô Allan nói
con có chất giọng tốt và sau này con phải hát trong dàn đồng ca trường Chủ
nhật. Bác không biết được con xúc động đến rùng mình như thế nào khi chỉ mới
nghĩ đến điều đó đâu. Con khao khát được hát trong dàn đồng ca trường Chủ nhật
giống Diana, nhưng con e rằng đó là một vinh dự mình sẽ không bao giờ đạt được.
Lauretta phải về nhà sớm vì có một buổi hòa nhạc lớn ở khách sạn White Sands và
chị bạn ấy tham gia biểu diễn. Lauretta nói rằng những người Mỹ ở khách sạn tổ
chức hòa nhạc hai tuần một lần để giúp đỡ bệnh viện Charlottetown và họ đề nghị rất nhiều
người dân White Sands biểu diễn. Lauretta bảo bạn ấy mong có ngày mình cũng sẽ
được mời. Con chỉ còn biết nhìn bạn ấy kinh ngạc. Sau khi bạn ấy đi, cô Allan
và con đã tâm sự rất thân mật. Con kể hết mọi chuyện cho cô ấy - về bà Thomas
với mấy cặp sinh đôi, Katie Maurice cùng với Violetta rồi chuyện con tới Chái
Nhà Xanh và những rắc rối với môn hình học. Và bác có tin được không, bác
Marilla? Cô Allan nói với con cô ấy cũng dốt đặc môn hình học. Bác không biết
điều đó động viên con nhiều đến thế nào đâu. Bà Lynde tới nhà mục sư ngay trước
khi con rời khỏi đó và bác biết sao không, Marilla? Các ủy viên quản trị vừa
thuê một giáo viên mới và đó là một cô giáo. Tên cô ấy là Muriel Stacy. Đó
chẳng phải là một cái tên lãng mạn sao? Bà Lynde nói trước giờ chưa từng có
giáo viên nữ nào ở Avonlea và bà ấy cho rằng đó là một đổi mới nguy hiểm. Nhưng
con nghĩ thật tuyệt vời khi có một cô giáo và con thật không biết mình sẽ phải
sống sao cho qua hai tuần trước khi trường khai giảng, con quá nôn nóng muốn
gặp cô ấy.”

CHƯƠNG 23

Anne gặp tai họa trong vấn đề danh dự

Anne phải sống qua hơn hai tuần lễ, đúng như lẽ thường. Gần
một tháng đã trôi qua kể từ vụ bánh nướng dầu thuốc, đây là thời kỳ cao điểm
của con bé trong việc vướng vào đủ loại rắc rối mới; thật không tài nào đếm xuể
những lỗi lặt vặt kiểu như lơ đãng dốc cạn cả chảo sữa bột tách kem vào giỏ
đựng len trong bếp thay vì đổ vào máng heo và chuyện bước thẳng qua mép cầu gỗ
rồi rớt xuống suối trong khi mải mơ mộng vẩn vơ.

Một tuần sau buổi trà ở nhà mục sư, Diana Barry
cũng tổ chức tiệc.

“Nhỏ và có chọn lọc,” Anne trấn an bà Marilla. “Chỉ có mấy
đứa con gái trong lớp tới dự thôi.”

Bọn trẻ có một khoảng thời gian vui vẻ và không xảy ra trục
trặc gì cho đến sau buổi trà, khi chúng nhận ra mình đang ở trong vườn nhà
Barry, có phần chán tất cả trò chơi quen thuộc và sẵn sàng sa vào bất kỳ trò
tinh nghịch tự biên tự diễn nào. Chẳng mấy chốc trò tinh nghịch đó đã được xác
định là trò “thách thức”.

Thách thức là trò giải trí thời thượng nhất của mấy đứa nhỏ
Avonlea hồi đó. Nó bắt đầu từ cánh con trai nhưng ngay sau đó lan sang cả lũ
con gái, và tất cả những chuyện ngốc nghếch xảy ra ở Avonlea hè đó nhằm thực
hiện trò “thách thức” này nhiều đến mức đủ viết thành cả một cuốn sách.

Đầu tiên Carrie Sloane thách Ruby Gillis leo lên một chỗ
trên cây liễu cổ thụ trước cửa chính; Ruby Gillis mặc dù sợ chết khiếp mấy con
sâu bướm mập ú xanh lè chuyên phá hoại cây cối vừa canh cánh nỗi sợ bị mẹ trách
phạt nếu nó làm rách cái váy mới bằng vải muslin nhưng vẫn nhanh chóng thực
hiện trước sự chưng hửng thấy rõ của Carrie Sloane.

Rồi Josie Pye thách Jane Andrews nhảy bằng chân
trái quanh vườn không được ngừng hay cho chân phải xuống đất; Jane Andrews đã
rất cố gắng nhưng đành bỏ cuộc ở góc thứ ba và phải chịu thua.

Chiến thắng của Josie có phần ồn ào thái quá nên Anne
Shirley bèn thách nó đi trên đỉnh hàng rào ván ở phía Đông khu vườn. Dĩ nhiên,
“đi” trên hàng rào ván đòi hỏi sự khéo léo và sự vững vàng của đầu cùng gót
chân nhiều hơn những gì một người chưa từng thử có thể tưởng tượng ra. Nhưng
Josie Pye, vốn nổi tiếng yếu kém ở một số lĩnh vực, ít nhất trong chuyện đi
trên hàng rào ván cũng chứng tỏ một năng khiếu bẩm sinh được nuôi dưỡng thích
đáng. Josie đi trên hàng rào nhà Barry với vẻ dửng dưng như muốn nói trò cỏn
con như thế này chẳng đáng để “thách”. Chiến thắng vẻ vang của con bé nhận được
sự ngưỡng mộ bất đắc dĩ, vì hầu hết lũ con gái đều có thể đánh giá được giá trị
của nó do tự bản thân chúng đã từng nếm nhiều đau khổ khi cố gắng đi trên hàng
rào. Josie bước xuống từ hàng rào, mặt đỏ bừng vì thắng lợi và ném cho Anne một
cái liếc mắt thách thức.

Anne hất bím tóc đỏ.

“Tớ nghĩ đi trên một hàng rào ván vừa nhỏ vừa thấp cũng
chẳng có gì to tát,” con bé nói. “Tớ biết một bé gái ở Marysville có thể đi
trên nóc nhà.”

“Tớ không tin,” Josie nói thẳng thừng. “Tớ không tin có
người có thể đi trên nóc nhà. Dù sao thì cậu cũng không thể?”

“Tớ không thể à?”
Anne vội vàng la lên.

“Vậy tớ thách cậu
làm đó,” Josie nói giọng thách thức. “Tớ thách cậu leo lên đi trên nóc bếp nhà
ông Barry.”

Anne tái mặt,
nhưng rõ ràng không còn đường nào khác. Con bé bước về phía căn nhà, nơi một
cái thang đang dựa vào mái bếp. Tất cả lũ con gái lớp năm đều “Ôi!” lên, phần
vì phấn khích, phần vì sợ hãi.

“Đừng có làm
chuyện này, Anne,” Diana năn nỉ. “Cậu sẽ rơi xuống và chết mất. Đừng để ý tới
Josie Pye. Thách ai làm gì đó quá nguy hiểm như vậy là không công bằng.”

“Mình phải làm.
Danh dự của mình đang bị đe dọa,” Anne nói trang trọng. “Mình sẽ bước trên mái
ngói đó, Diana, hoặc sẽ bỏ mạng trong sự nỗ lực. Nếu mình chết cậu hãy nhận
chiếc nhẫn cẩn ngọc trai của mình.”

Anne leo lên
thang trong sự im lặng nghẹt thở, tới được nóc nhà, đứng thăng bằng trên chỗ
đặt chân bấp bênh đó, bắt đầu đi dọc theo mái, rồi chợt hoa mắt nhận ra mình
đang đứng chon von giữa đất trời và đi trên mái nhà không phải chuyện mà trí
tưởng tượng có thể giúp ích được. Tuy nhiên, con bé vẫn xoay xở tiến được vài
bước trước khi thảm họa ập tới. Rồi nó loạng choạng, mất thăng bằng, sẩy chân,
lảo đảo và té, trượt trên mái nhà nóng ran và rơi xuống xuyên qua đám kim ngân
chằng chịt bên dưới – tất cả xảy ra khi đám đông thất kinh hồn vía bên dưới còn
chưa kịp đồng thanh thét lên kinh hoàng.

Nếu Anne trượt
chân ngã xuống bên phía mái nhà mà nó leo lên lúc nãy thì Diana có lẽ sẽ lập
tức trở thành người thừa kế chiếc nhẫn ngọc trai. May mắn là con bé rơi về phía
bên kia, nơi mái nhà mở dốc xuống hành lang, gần mặt đất đến mức dù té xuống đó
cũng đỡ nghiêm trọng hơn nhiều. Tuy nhiên, khi Diana và lũ con gái hớt hải chạy
vòng qua căn nhà – trừ Ruby Gillis, hoảng loạn đứng như mọc rễ trên mặt đất –
chúng thấy Anne nằm bất động, trắng bệch giữa đám kim ngân tan nát.

“Anne, cậu chết
rồi ư?” Diana thét lên, quỳ sụp xuống bên cạnh bạn mình. “Ôi Anne, Anne thân
mến, nói một lời với mình đi, nói mình biết cậu chưa chết đi.”

Trước tiếng thở
phào nhẹ nhõm của toàn thể đám con gái, đặc biệt là con bé Josie Pye mặc dù
thiếu trí tưởng tượng nhưng vẫn bị ám ảnh bởi viễn cảnh khủng khiếp sẽ bị gán
cho cái mác là kẻ đã gây ra cái chết sớm bi thảm của Anne Shirley, Anne choáng
váng ngồi dậy và ngập ngừng trả lời: “Chưa, Diana, mình chưa chết, nhưng mình
nghĩ mình bị mất cảm giác rồi.”

“Ở đâu?” Carrie
Sloane sụt sùi. “Ôi, ở đâu, Anne?” Anne chưa kịp trả lời thì bà Barry đã xuất
hiện. Thấy bà, Anne cố gắng đứng dậy nhưng lại ngồi bệt xuống với một tiếng kêu
đau đớn nho nhỏ.

“Chuyện gì vậy?
Con bị thương chỗ nào vậy?” bà Barry hỏi.

“Gót chân con,”
Anne thở hổn hển. “Ôi, Diana, tìm cha bạn rồi nhờ ông chở mình về nhà đi. Mình
biết mình không thể đi bộ về được. Và mình dám chắc mình cũng chẳng thể nhảy
một chân xa đến thế trong khi Jane còn không nhảy hết một vòng vườn.”

Bà Marilla đang
hái táo mùa hè trong vườn thì thấy ông Barry băng qua cây cầu gổ đi lên dốc, bà
Barry bên cạnh và một hàng dài bé gái kéo theo phía sau. Anne nằm trên tay ông,
yếu ớt gục đầu vào vai ông.

Chính lúc đó bà
Marilla bất chợt tỉnh ngộ. Khi nỗi hoảng sợ đột ngột xé toang trái tim, bà bỗng
nhận ra Anne có ý nghĩa đến thế nào với mình. Bà đã phải thừa nhận bà thích
Anne, nói cho đúng hơn là vô cùng yêu quý con bé. Nhưng giờ đây, trong lúc
cuống cuồng chạy xuống dốc, bà nhận ra Anne thân thiết với bà hơn tất cả mọi
thứ trên đời.

“Ông Barry,
chuyện gì xảy ra với con bé vậy?” bà thở hổn hển với một vẻ nhợt nhạt và run
rẩy mà hàng bao nhiêu năm nay, bà Marilla điềm đạm và lý trí chưa bao giờ để
lộ.

Anne ngóc đầu lên
tự trả lời.

“Không có gì phải
sợ đâu, bác Marilla. Con đang đi trên nóc nhà thì bị ngã. Con nghĩ gót chân con
bị bong gân rồi. Nhưng lẽ ra con còn có thể bị gãy cổ ấy chứ, bác Marilla.
Chúng ta hãy nhìn vào khía cạnh tốt đẹp của vấn đề đi.”

“Lẽ ra khi cho
phép con đi dự tiệc ta phải biết là con sẽ làm trò gì đó cho xem,” bà Marilla
nói, giọng sắc lẻm và gay gắt cho dù cảm thấy nhẹ cả người. “ Đưa con bé vào
trong đi, ông Barry, đặt nó nằm trên sofa ấy. Lạy Chúa tôi, con bé xỉu mất
rồi!”

Quả đúng như vậy.
Quá đau đớn vì vết thương, Anne có thêm một điều ước thành sự thật. Con bé đã
ngất xỉu.

Ông Matthew, được
gọi vội về khi đang thu hoạch trên đồng, ngay lập tức đi tìm bác sĩ, ông này
đến đúng lúc và phát hiện ra vết thương nặng hơn họ tưởng nhiều. Gót chân của
Anne bị gãy xương.

Đêm đó, khi đi
lên chái Đông, nơi một bé gái mặt trắng bệch đang nằm, bà Marilla được đón chào
bằng một giọng nói rầu rĩ vang lên từ giường.

“Bác có thấy tội
nghiệp cho con không, bác Marilla?”

“Tất cả là lỗi
của con,” bà Marilla nói, kéo rèm xuống rồi thắp đèn lên.

“Chính vì vậy mà
bác nên thấy tội nghiệp cho con,” Anne nói, “vì con thấy vô cùng khó chịu khi
nghĩ rằng tất cả lỗi của con. Nếu có thể đổi lỗi cho bất cứ
ai khác con sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Nhưng bác Marilla, bác sẽ làm gì nếu bị
thách đi trên nóc nhà?”

“Ta sẽ đứng vững
trên mặt đất và mặc ai thách gì thì thách. Thật ngu xuẩn!” bà Marilla nói.

Anne thở dài.

“Nhưng tâm lý bác
vững vàng thế kia mà, bác Marilla. Con có được như vậy đâu. Con chỉ cảm thấy
mình không chịu nổi sự coi thường của Josie Pye. Con đã bị nó qua mặt cả đời
rồi. Và con nghĩ con đã bị trừng phạt quá nhiều nên bác không cần nổi nóng với
con nữa, bác Marilla. Rốt cuộc thì ngất xỉu cũng chẳng mấy dễ chịu. Bác sĩ làm
con đau khủng khiếp khi ông ấy nắn xương cho con. Con sẽ không đi lại được
trong sáu bảy tuần và vậy là sẽ lỡ mất cơ hội gặp cô giáo mới. Tới lúc con đến
trường thì cô ấy chẳng còn mới nữa rồi. Rồi Gil… tất cả các bạn trong lớp sẽ bỏ
xa con. Ôi, con là một sinh linh đau khổ. Nhưng con sẽ cố gắng dũng cảm chịu
đựng tất cả miễn là bác không nổi giận với con, bác Marilla.”

“Này này, ta nổi
giận gì chứ,” bà Marilla nói. “Con là đứa trẻ kém may mắn, chuyện đó không có
gì phải nghi ngờ, nhưng như con nói đó, con sẽ phải chịu đựng nó. Giờ thì cố ăn
một chút đi.”

“Chẳng phải thật
may mắn vì con có trí tưởng tượng như thế sao?” Anne nói. “Con hy vọng nó sẽ
giúp con trải qua chuyện này suôn sẻ. Những người không hề có trí tưởng tượng
sẽ làm gì khi họ bị gãy xương nhỉ, bác có nghĩ ra không, bác Marilla?”

Anne luôn có lý
do chính đáng để ca ngợi trí tưởng tượng của mình trong suốt thời gian bảy tuần
chán ngắt sau đó. Nhưng con bé không chỉ dựa vào nó. Con bé có nhiều khách,
không ngày nào trôi qua mà không có ít nhất một bạn học nữ ghé vào mang tặng nó
nào hoa, nào sách và kể cho nó nghe tất thảy chuyện xảy ra trong thế giới trẻ
thơ của Avonlea.

“Mọi người đều
quá tốt và tử tế, bác Marilla,” Anne thở dài vui vẻ vào ngày đầu tiên được đặt
chân xuống sàn. “Nằm liệt giường không dễ chịu gì cho lắm, nhưng nó cũng mặt
tốt, bác Marilla. Bác sẽ khám phá ra mình có biết bao nhiêu bạn. Đấy, ngay cả
thầy giám thị Bell cũng đến thăm con, thầy ấy thật sự là người rất
tốt. Không phải một tâm hồn đồng điệu, dĩ nhiên, nhưng con vẫn thích thầy ấy và
cảm thấy hối hận khủng khiếp vì từng chỉ trích những lời cầu nguyện của thầy.
Giờ thì con tin thầy thật sự chân thành khi cầu nguyện, chỉ có điều thầy ấy có
thói quen nói theo kiểu như thầy ấy không chân thành vậy. Chỉ cần cố gắng chút
đỉnh là thầy có thể khắc phục được vấn đề đó. Con đã ám chỉ một cách khá lộ
liễu với thầy ấy. Con nói cho thầy biết con đã cố gắng đến thế nào để lời cầu
nguyện riêng tư của mình trở nên thú vị. Thầy kể hết với con về thời gian thầy
bị gãy chân khi còn nhỏ. Thật kỳ lạ khi nghĩ thầy giám thị Bell cũng
từng là một cậu nhóc. Ngay cả trí tưởng tượng của con cũng có giới hạn, vì con
không thể tưởng tượng ra chuyện đó. Khi con cố tưởng tượng ra hình
ảnh thầy hồi còn bé thì lại thấy thầy với món tóc mai hoa râm và cặp kính cận,
không khác gì vẻ ngoài của thầy trong trường Chủ nhật, chỉ nhỏ hơn thôi. Ấy vậy
mà rất dễ hình dung cô Allan khi còn bé. Cô Allan đã đến thăm con mười bốn lần.
Đó có phải một điều đáng tự hào không bác, bác Marilla? Khi mà vợ một mục sư
vốn bận rộn biết bao chứ! Cô ấy cũng là một vị khách đến là vui vẻ. Cô ấy chẳng
bao giờ nói với bác đó là lỗi của bác và rằng vì thế hy vọng bác sẽ ngoan ngoãn
hơn. Lần nào đến thăm con bà Lynde cũng nói như vậy; mà bà ấy lại nói theo cái
kiểu làm con cảm thấy có lẽ bà ấy hy vọng con sẽ ngoan ngoãn hơn nhưng thực
tình lại không tin con sẽ làm được. Ngay cả Josie Pye cũng đến thăm con. Con
tiếp đón bạn ấy hết mức lịch sự vì con nghĩ bạn ấy rất hối hận là đã thách con
đi trên nóc nhà. Nếu con chết đi bạn ấy sẽ phải cả đời mang một gánh nặng tối
tăm của sự ăn năn hối hận. Diana thật là một người bạn chung thủy. Bạn ấy đến
đây mỗi ngày để làm vợi bớt nỗi cô đơn của con. Nhưng ôi, con sẽ vui mừng biết
bao khi được trở lại trường vì con được nghe rất nhiều chuyện hấp dẫn về cô
giáo mới. Tất cả lũ con gái đều nghĩ cô ấy dễ thương không chê vào đâu được.
Diana nói cô ấy có mái tóc xoăn đáng yêu nhất và đôi mắt vô cùng quyến rũ. Cô
ấy ăn mặc đẹp và tay áo của cô ấy phồng hơn của bất cứ ai ở Avonlea. Chiều thứ
Sáu nào cô ấy cũng đọc thơ và mọi người đều phải đọc một đoạn hoặc tham gia đối
thoại. Ôi, chỉ nghĩ thôi cũng thấy tuyệt rồi. Josie Pye nói bạn ấy ghét chuyện
đó nhưng chỉ vì Josie ít trí tưởng tượng quá thôi. Diana, Ruby Gillis và Jane
Andrews đang chuẩn bị một tác phẩm đối thoại tên là ‘Chuyến viếng thăm buổi
sáng’ cho thứ Sáu tuần tới. Những thứ Sáu không có buổi đọc thơ thì cô Stacy sẽ
cho tất cả vào rừng ‘thực địa’ để học về dương xỉ, hoa và chim. Mỗi sáng và tối
cả lớp lại tập thể dục. Bà Lynde nói bà ấy chưa bao giờ nghe đến những hoạt
động như thế và tất cả chuyện này là do có một giáo viên nữ. Nhưng con nghĩ hẳn
phải tuyệt lắm và con tin rằng mình sẽ thấy cô Stacy là một tâm hồn đồng điệu.”

“Có một chuyện rõ
như ban ngày, Anne,” bà Marilla nói, “đó là chuyện con rớt từ mái nhà Barry
xuống chẳng ảnh hưởng gì đến cái lưỡi của con hết."

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3