Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 21
CHƯƠNG 21
Khởi đầu mới về hương vị
“Thật tình, trên thế giới này chẳng có gì ngoài gặp gỡ và
chia ly, như bà Lynde đã nói.” Anne buồn bã cảm thán vào ngày cuối cùng
của tháng Sáu, đặt bảng và sách xuống bàn bếp rồi lau đôi mắt đỏ hoe bằng chiếc
khăn tay ướt sũng. “Chẳng phải thật may mắn khi con đem thêm một chiếc
khăn tay đến trường sao, bác Marilla? Con đã có dự cảm phải cần đến nó mà.”
“Ta chưa bao giờ nghĩ con yêu quý thầy Phillips đến mức cần
đến hai chiếc khăn tay để lau nước mắt chỉ vì thầy ấy ra đi.” bàMarilla
nói.
“Con không cho là con khóc vì yêu quý thầy ấy.” Anne
suy nghĩ. “Con chỉ khóc vì tất cả người khác đều như vậy. Chính Rubby
Gillis khởi đầu. Ruby Gillis lúc nào cũng tuyên bố là ghét thầy Phillips, nhưng
khi thầy vừa đứng lên đọc bài diễn văn chia tay thì bạn ấy òa lên khóc. Rồi tất
cả lũ con gái bắt đầu khóc, hết đứa này đến đứa kia. Con đã cố kìm nén, bác
Marilla. Con cố nhớ đến lúc thầy Phillips bắt con ngồi chung với Gil - với một
đứa con trai; lúc thầy ấy viết tên con lên bảng chữ cái thiếu chữ e; cách thấy
ấy nói con là đứa dốt chưa từng thấy ở môn địa lý và phá lên cười khi con đánh
vần; tất cả những lúc thầy ấy tỏ vẻ dọa dẫm và mai mỉa; nhưng không hiểu sao
con không thể, bác Marilla, và con cũng khóc luôn. Jane Andrews nói cả tháng trời
về chuyện bạn ấy sẽ mừng thế nào khi thầy Phillips đi, rằng bạn ấy sẽ không đời
nào nhỏ một giọt nước mắt. Ấy thế mà bạn ấy còn khóc dữ hơn tất cả tụi con và
phải mượn khăn tay của anh mình – dĩ nhiên lũ con trai thì không khóc - bởi vì
bạn ấy không mang khăn tay, không nghĩ là sẽ cần tới. Ôi bác Marilla, thật cảm
động biết bao. Thầy Phillips mở đầu bài diễn văn từ giã mới hay làm sao chứ.
‘Đã đến lúc chúng ta phải giã biệt’. Thật xúc động. Thầy cũng ứa nước mắt, bác
Marilla. Ôi, con thấy có lỗi và ăn năn khủng khiếp vì tất cả những lúc nói
chuyện trong lớp, vẽ hình thầy lên bảng và chọc ghẹo thầy với Prissy Andrews.
Con có thể nói với bác con ước gì mình là một học sinh gương mẫu như Minnie
Andrew. Bạn ấy chẳng có gì phải hối lỗi. Lũ con gái khóc suốt trên
đoạn đường từ trường về nhà. Carrie Sloane cứ lặp đi lặp lại vài phút một lần.
‘Đã đến lúc chúng ta phải giã biệt’, làm tụi con òa khóc ngay khi đã có thể vui
lên chút đỉnh. Con thấy buồn lắm, bác Marilla. Nhưng người ta không thể rơi vào
tận cùng tuyệt vọng khi có hai tháng hè ngay trước mắt, phải không bác Marilla?
Hơn nữa, tụi con đã gặp vợ chồng ngài mục sư mới ở ga. Khi tất cả nỗi buồn về
thầy Phillips đã trôi đi, con không thể ngăn mình có chút hứng thú với vị mục
sư mới, phải không ạ? Vợ ông ấy rất đẹp. Không hẳn là quý phái đáng yêu, dĩ
nhiên – nghe có vẻ không được đúng lắm nếu một mục sư lại có vợ đẹp quý phái
đáng yêu, vì như vậy có thể sẽ thành tấm gương xấu. Bà Lynde nói vợ của mục sư
ở Newbridge là một tấm gương xấu vì bà ấy ăn diện quá thời trang. Vợ mục sư mới
của chúng ta mặc áo muslin xanh với tay áo phồng đáng yêu và đội mũ đính hoa
hồng. Jane Andrew nói đối với vợ một mục sư thì tay áo phồng quá trần tục,
nhưng con không đánh giá khắc nghiệt như vậy, bác Marilla, vì con biết cảm giác
khao khát những tay áo phồng. Hơn nữa, bà ấy mới làm vợ mục sư một thời gian
ngắn thôi nên mọi người cũng nên thông cảm, phải không ạ? Họ sẽ ở tạm tại
nhà bà Lynde cho đến khi xây xong nhà cho mục sư.”
Nếu như tối đó, nguyên nhân bà Marilla đi xuống nhà bà Lynde
quả thật đúng như những gì bà tuyên bố là để trả lại cái khung may mượn từ mùa
đông năm trước, thì sự yếu lòng dễ thương đó được hầu hết người dân Avonlea
chia sẻ. Rất nhiều thứ bà Lynde đã cho mượn, đôi khi không hề hy vọng được trả
lại, tối đó đều được đích thân người mượn mang đến trả. Một mục sư mới, hơn nữa
lại là mục sư có vợ đi cùng, là mục tiêu hợp lý của tính hiếu kỳ trong cộng
đồng dân cư của một làng quê nhỏ an bình hiếm có tin giật gân.
Ông Benley già, mục sư theo Anne đánh giá là thiếu trí tưởng
tượng, tại nhiệm ở Avonlea mười tám năm. Lúc đến nhận nhiệm vụ, ông đã góa vợ,
và cứ thế đơn chiếc mãi mặc dù có tin đồn ông đã cưới cô nọ cô kia, mỗi năm một
khác. Tháng Hai vừa rồi, ông từ nhiệm và ra đi trong sự nuối tiếc
của giáo dân, hầu hết đều có tình cảm sau thời gian dài giao tiếp với vị mục sư
già tốt bụng, mặc dù ông khá yếu kém trong việc diễn thuyết. Từ đó nhà thờ
Avonlea phung phí tín ngưỡng vào việc nghe nhiều ứng viên và ứng viên “dự
bị” đến giảng kinh thử hết Chủ Nhật này đến Chủ nhật khác. Những người này
được trụ lại hoặc bị đánh rớt bởi những bề trên ở Israel; nhưng một cô bé tóc
đỏ ngồi ngoan ngoãn ở một góc ghế băng dành cho nhà Cuthbert cũng có ý kiến
riêng của mình về họ và thảo luận cặn kẽ với ông Matthew, bà Marilla luôn từ
chối vì tuân thủ nguyên tắc không được phê bình mục sư dưới bất kì hình thức
nào.
“Con không nghĩ ông Smith được, bác Matthew à,” là kết
luận cuối cùng của Anne. “Bà Lynde nói bài phát biểu của ông ấy quá nghèo
nàn, nhưng con nghĩ thiếu sót lớn nhất của ông ấy cũng giống như của Bentley –
không có trí tưởng tượng. Còn ông Terry lại tưởng tượng nhiều quá, ông ấy thả
cho nó chạy rông giống như con đã làm với chuyện rừng Ma Ám vậy. Hơn nữa, bà
Lynde nói nền tảng tôn giáo của ông ấy không được vững. Ông Gresham rất tốt
bụng và rất sùng đạo, nhưng ông ấy kể quá nhiều về chuyện hài làm cho mọi người
cười nghiêng ngả trong nhà thờ; ông ấy không đạo mạo lắm mà người ta phải đạo
mạo một chút mới làm mục sư được, phải không bác Matthew? Con nghĩ ông Marshall
rõ ràng rất hấp dẫn, nhưng bà Lynde nói ông ấy chưa lấy vợ, thậm chí chưa đính
hôn, bởi vì bà đã điều tra đặc biệt về ông ấy, và bà nói không bao giờ được
phép có một mục sư trẻ chưa vợ ở Avonlea, vì ông ấy có thể cưới người trong
giáo xứ và như vậy rắc rối lắm. Bà Lynde là người rất biết nhìn xa trông rộng,
phải không bác Matthew? Con rất vui vì họ đã gọi ông Allan. Con thích ông ấy vì
những bài giảng của ông ấy rất thú vị và ông ấy cầu nguyện như thể những lời đó
xuất phát tự trong tâm chứ không phải do thói quen. Bà Lynde nói ông ấy không
hoàn hảo, nhưng bà cũng cho rằng chúng ta không thể mong đợi có một mục sư hoàn
hảo chỉ với bảy trăm năm mươi đồng một năm được, dù sao nền tảng tôn giáo của
ông ấy khá vững vì bà đã hỏi ông ấy kỹ càng về tất cả các điểm của học thuyết.
Bà cũng biết cả họ hàng của vợ ông ấy, biết rằng họ đều đáng trọng và phụ nữ
thảy đều là nội trợ đảm đang. Bà Lynde nói đàn ông vững đạo và đàn bà giỏi việc
nhà sẽ là một kết hợp lí tưởng cho gia đình một mục sư.”
Mục sư mới và vợ là một cặp vợ chồng trẻ tuổi, gương mặt dễ
gần, vẫn đang trong tuần trăng mật và tràn đầy những hoài bão tốt đẹp cho sự
nghiệp mình đã chọn. Avonlea mở lòng với họ từ buổi đầu. Ai ai cũng yêu mến
người đàn ông trẻ tuổi thẳng thắn vui vẻ với những ý tưởng cao cả và người phụ
nữ nhỏ nhắn thông minh dịu dàng gánh vác địa vị nữ chủ nhân trong ngôi nhà của
mục sư. Anne nhanh chóng cảm thấy toàn tâm toàn ý yêu quý cô Allan. Con bé đã
tìm được một tâm hồn đồng điệu khác.
“Cô Allan đáng yêu vô cùng, ” nó tuyên bố vào một
chiều Chủ nhật. “Cô ấy nhận dạy lớp con và là một giáo viên tuyệt vời. Cô
ấy nói ngay là cô ấy nghĩ sẽ không công bằng khi chỉ thầy cô giáo được hỏi, và
bác biết không, Marilla, đó chính xác là điều con luôn luôn nghĩ. Cô ấy nói
chúng con có thể hỏi cô bất cứ câu hỏi nào chúng con thích và con đã hỏi thật
nhiều. Con vốn giỏi đặt câu hỏi mà bác Marilla.”
“Ta tin con,” là lời bình phẩm dứt khoát của bà
Marilla.
“Ngoài Ruby Gillis thì chẳng còn ai đặt câu hỏi nữa, và bạn
ấy hỏi liệu hè này có chuyến picnic toàn trường ngày Chủ nhật không. Con không
nghĩ đó là một câu hỏi đúng đắn cho lắm vì nó chẳng liên hệ gì đến bài học –
bài học về Daniel trong hang sư tử - nhưng cô Allan chỉ cười rồi nói chắc sẽ có
thôi. Cô Allan có nụ cười thật đáng yêu. Cô ấy có hai lúm đồng tiền thật thanh
tú trên má. Con ước gì mình cũng có lúm đồng tiền, bác Marilla. Con không còn
gầy nhẳng như khi mới đến đây, nhưng con vẫn chưa có lúm đồng tiền. Nếu có thì
biết đâu con có thể gây ảnh hưởng tốt lên người khác. Cô Allan nói chúng con
phải luôn cố gắng gây ảnh hưởng tốt lên người khác. Cô ấy nói hay biết bao
nhiêu. Con chưa bao giờ nghĩ tôn giáo lại vui như vậy. Con luôn nghĩ nó thật u
sầu, nhưng cô Allan thì không, và con cũng muốn theo đạo Thiên chúa
nếu con có thể trở thành người giống như cô ấy. Con sẽ không muốn
mình giống như ông Bell giám
thị.”
“Con nói như vậy về ông Bell là rất hư,” bà Marilla nghiêm
giọng. “Ông Bell thật sự là người tốt.”
“Ô, dĩ nhiên ông ấy tốt,” Anne đồng ý, “nhưng ông ấy dường
như chẳng thoải mái gì hết về chuyện đó. Nếu con có thể thành người tốt thì con
sẽ nhảy múa ca hát cả ngày vì vui mừng. Con đoán cô Allan quá lớn tuổi rồi nên
không nhảy múa hát hò được, và dĩ nhiên như vậy cũng sẽ không đứng đắn cho lắm
với vợ một mục sư. Nhưng con có thể nhận thấy cô ấy vui mừng được là người Công
giáo và cô ấy vẫn sẽ là người Công giáo cho dù chẳng cần làm thế thì cô ấy vẫn
được lên thiên đường.”
“Ta nghĩ chúng ta phải mời vợ chồng cô Allan đến uống trà
hôm nào đó sắp tới thôi,” bà Marilla nói với vẻ trầm ngâm. “Họ hầu như đã có
mặt ở khắp mọi nơi trừ nơi này. Để ta xem nào, thứ Tư tuần sau sẽ là dịp tốt để
mời họ. Nhưng đừng nói gì với Matthew về chuyện này, nếu biết họ tới chơi bác
ấy sẽ kiếm cớ để hôm đó không có ở nhà. Bác ấy quá quen với ông Bentley rồi nên
sẽ chẳng băn khoăn đến ông ấy, nhưng bác ấy sẽ thấy khó làm quen được với một
mục sư mới, còn vợ mục sư mới thì chắc sẽ dọa bác ấy chết khiếp.”
“Con sẽ im như
hến,” Anne bảo đảm. “Nhưng ôi, Marilla, bác có thể để con làm một cái
bánh mừng dịp này không? Con rất muốn làm gì đó cho cô Allan, bác biết bây giờ
con có thể làm một cái bánh khá ngon rồi mà.”
“Con sẽ làm được bánh bông lan,” bà Marilla hứa.
Chái Nhà Xanh dành cả ngày thứ Hai và thứ Ba chuẩn bị chu
đáo mọi thứ. Mời vợ chồng mục sư đến dùng trà là một nhiệm vụ nghiêm túc và
quan trọng, mà bà Marilla thì kiên quyết không để bất cứ bà nội trợ nào ở
Avonlea qua mặt. Anne phát cuồng vì phấn khích và vui sướng. Chạng vạng ngày
thứ Ba, con bé kể hết mọi chuyện với Diana khi hai đứa ngồi trên tảng đá đỏ lớn
bên Bong Bóng của Nữ Thần Rừng và tạo cầu vồng trong nước bằng những cành cây
nhỏ thấm nhựa linh sam.
“Mọi thứ đều sẵn sàng rồi, Diana, ngoại trừ cái bánh mình sẽ
làm sáng mai và món bánh quy bác Marilla nướng ngay trước giờ trà. Mình bảo đảm
với cậu, Diana, rằng bác Marilla và mình bận rộn suốt hai ngày. Thật là một
trách nhiệm lớn lao khi có gia đình mục sư đến dùng trà. Mình chưa bao giờ nghĩ
sẽ được trải qua một kinh nghiệm thế này. Lẽ ra cậu phải ngắm cái chạn thức ăn
của nhà mình. Một cảnh tượng đáng chiêm ngưỡng. Nhà mình có thịt gà nấu đông và
lưỡi ướp lạnh. Còn có hai loại thạch, đỏ và vàng, kem tươi và bánh chanh, bánh
anh đào, ba loại bánh quy, bánh trái cây, món mứt mận vàng nổi tiếng của bác
Marilla được đặc biệt dành riêng cho các mục sư, rồi bánh pound, bánh bông lan,
bánh quy như đã nói; bánh mì cả mới lẫn cũ, phòng trường hợp mục sư đau dạ dày
nên không thể ăn bánh mới. Bà Lynde nói các mục sư thường bị đau dạ dày, nhưng
mình nghĩ ông Allan chưa làm mục sư đủ lâu để bị ảnh hưởng như thế. Mình cứ
lạnh cả người mỗi khi nghĩ đến cái bánh bông lan của mình. Ôi, Diana, lỡ nó
không ngon thì sao! Tối qua mình nằm mơ thấy bị một con quỷ lùn đội trên đầu
cái bánh bông lan to bự rượt chạy vòng quanh.”
“Sẽ ổn thôi mà.” Diana trấn an, con bé luôn là một người bạn
rất dễ chịu. “Mình đảm bảo cái bánh cậu làm cho chúng ta ăn trưa ở
Vùng đất Hoang Lười Nhác hai tuần trước cực kì ngon rồi.”
“Ừ, nhưng bánh thường có thói quen tệ hại là sẽ trở nên dở
ẹc mỗi khi ta đặc biệt muốn chúng thật ngon lành.” Anne thở dài, thả một
cành cây phủ nhựa rất thơm trôi bập bềnh. “Tuy nhiên, mình phải tin vào
Thượng đế và cẩn thận khi bỏ bột vào. Ôi, nhìn kìa, Diana, cầu vồng mới đáng
yêu làm sao! Cậu có nghĩ nữ thần rừng sẽ bước ra sau khi chúng ta đi khỏi và
dùng nó làm khăn choàng không?”
“Cậu biết không có thứ gì gọi là nữ thần rừng
mà,” Diana nói. Mẹ Diana đã biết về vụ rừng Ma Ám và đùng đùng nổi giận.
Hậu quả là Diana không được cho phép trí tưởng tượng bay bổng xa xôi và đừng có
mà nghĩ đến chuyện nuôi dưỡng một niềm tin tinh thần huyền hoặc nào đó cho dù
là đối với những nữ thần rừng vô hại.
“Nhưng quá dễ dàng để tưởng tượng là có.” Anne
nói. “Mỗi tối trước khi đi ngủ, mình đều nhìn ra ngoài cửa sổ và tự hỏi
liệu thần rừng có thật sự ngồi đó, soi mình bên dòng suối chải mái tóc dài
không. Đôi khi mình tìm dấu chân nàng trong những giọt sương mai. Ôi, Diana,
đừng từ bỏ niềm tin của bạn về thần rừng!”
Buổi sáng thứ Tư đã đến. Anne thức dậy từ lúc mặt trời vừa
mọc vì quá phấn khích đến nỗi không ngủ được. Con bé bị cảm lạnh vì đã dầm mình
trong suối tối hôm trước; nhưng ngoài bệnh phổi thì không gì có thể dập tắt
niềm hứng thú nấu nướng của con bé sáng đó. Sau bữa sáng Anne bắt tay vào làm
bánh. Cuối cùng rồi cũng đến lúc đóng cửa lò lại, và con bé thở ra một hơi dài.
“Con chắc lần này con không quên gì cả, bác Marilla à. Nhưng
bác nghĩ nó có nở không? Lỡ bột bánh không tốt thì sao? Con dùng
bột trong hộp mới. Bà Lynde nói thời buổi bây giờ không thể chắc chắn mình mua
được bột bánh tốt trong khi thứ gì cũng bị làm giả như thế. Bà Lynde cũng cho
rằng chính phủ phải cải thiện tình hình nhưng bà ấy bảo chúng ta sẽ chẳng thể
nào sống được đến ngày chính phủ đảng Bảo thủ làm được điều đó. Bác Marilla,
nếu bánh không nở thì sao?”
“Không có nó thì chúng ta vẫn có nhiều món lắm,” bà
Marilla tỏ ra mất kiên nhẫn trước đề tài này.
Tuy nhiên, cái bánh có nở, và ra khỏi lò trong hình dáng nhẹ
nhàng bông xốp như đám bọt vàng. Anne, đỏ mặt vì vui sướng, kẹp nó với những
tầng mứt đỏ và, trong tưởng tượng, nhìn thấy cô Allan ăn bánh rồi sẽ xin thêm
miếng nữa!
“Tất nhiên bác sẽ dùng bộ trà đẹp nhất rồi, bác
Marilla.” Con bé nói. “Con có thể trang trí bàn với dương xỉ và hoa
hồng dại không?”
“Ta nghĩ mấy thứ đó đều vớ vẩn cả,” bà Marilla khịt
mũi. “Theo ý ta quan trọng là mấy thứ ăn được chứ không phải ba cái trang
trí phù phiếm.”
“Bà Barry có trang trí bàn của bà ấy,” Anne
nói, không hẳn là hoàn toàn chẳng có chút tinh ranh nào, “và mục sư đã
dành cho bà ấy những lời ngợi khen rất tao nhã. Ông ấy nói bữa tiệc đó vừa ngon
miệng vừa ngon mắt.”
“Thôi được, con thích làm gì thì làm,” bà Marilla nói,
kiên quyết không để bà Barry hay bất cứ ai qua mặt. “Chỉ cần chú ý chừa đủ
chỗ cho đĩa và thức ăn là được.”
Anne nỗ lực hết sức để trang trí theo một kiểu cách mà bà
Barry còn lâu mới theo kịp. Với bó hoa hồng, dương xỉ và một khiếu thẩm mĩ rất
riêng, con bé mang lại cho bàn trà một vẻ đẹp khiến vợ chồng ngài mục sư vừa
ngồi xuống đã ngợi khen không ngớt lời.
“Tất cả là do Anne làm đấy ạ,” bà Marilla nói, nghiêm
nghị như thường lệ, còn Anne cảm thấy nụ cười tán thưởng của cô Allan là quá đủ
hạnh phúc trên đời này.
Ông Matthew ngồi đó, chỉ có Chúa và Anne mới biết tại sao
ông lại bị dụ dỗ tham gia vào buổi tiệc. Ông ở trong tâm trạng mắc cỡ và lo
lắng đến mức bà Marilla đành tuyệt vọng mặc kệ ông, nhưng Anne đã giúp ông kiềm
chế một cách thành công đến mức giờ ông đang ngồi bên bàn trong bộ đồ cổ cồn
trắng đẹp nhất của mình, nói chuyện với mục sư bằng một thái độ không hẳn không
có vẻ thích thú. Ông chẳng nói lời nào với cô Allan, nhưng có lẽ đó cũng không
phải là điều được trông chờ.
Tất cả đều trôi qua vui vẻ như tiếng chuông đám cưới cho đến
khi cái bánh ngọt của Anne được mang ra. Cô Allan, vốn được mời rất nhiều lần,
từ chối nếm thử. Nhưng bà Marilla, nhìn thấy vẻ thất vọng trên gương mặt Anne,
bèn tươi cười nói: “Ôi, cô phải ăn một miếng, cô Allan. Anne làm riêng món
này cho cô đấy.”
“Nếu vậy thì tôi phải thử một miếng thôi,” cô Allan
cười, tự lấy một miếng tam giác lớn, mục sư và bà Marilla cũng vậy.
Cô Allan cắn một miếng to và một biểu hiện kì cục nhất
thoáng hiện trên gương mặt, tuy nhiên cô không nói lời nào mà chỉ bình tĩnh ăn
từng chút một. Bà Marilla nhìn thấy vẻ mặt đó bèn vội nếm cái bánh.
“Anne Shirley!” bà kêu lên, “Con đã cho cái quái
gì vào bánh thế?”
“Không có gì ngoài những thứ được ghi trong công thức đâu ạ,
bác Marilla,” Anne la lên với vẻ khổ sở. “Ôi, có gì không ổn ạ?”
“Ổn à! Nó đúng là khủng khiếp. Cô Allan, đừng ăn nữa. Anne, tự con nếm đi. Con cho vị gì vào
đó?”
“Vani
ạ.” Anne nói, gương mặt con bé đỏ bừng vì xấu hổ sau khi nếm thử cái
bánh. “Chỉ có vani thôi. Ôi, bác Marilla, hẳn là do bột bánh rồi. Con đã
nghi ngờ bột…”
“Bột bánh nhảm
nhí gì! Mang cho ta chai vani con dùng xem nào.”
Anne chạy như bay
vào bếp rồi trở ra với một chai nhỏ đựng lưng lửng thứ chất lỏng màu nâu và có
dán nhãn vàng “Vani hảo hạng”.
Bà Marilla đón
lấy, mở nắp rồi ngửi.
“Lạy Chúa tôi,
Anne, con đã nêm dầu giảm đau vào bánh. Ta làm vỡ lọ dầu tuần
trước và đổ phần còn lại vào hũ vani rỗng. Ta nghĩ đây phần nào cũng là lỗi của
ta - lẽ ra ta phải nói trước với con – nhưng trời ạ, chẳng lẽ con không ngửi
thử à?”
Anne òa khóc
trước sự hổ thẹn gấp đôi này.
“Con không
thể…Con bị cảm mà!” và nói xong con bé lao lên căn phòng đầu hồi, vùi mình
vào giường khóc như thể không cho ai dỗ dành.
Ngay lúcđó vang
lên tiếng bước chân đang khẽ bước lên cầu thang rồi có người bước vào phòng.
“Ôi, bác
Marilla,” Anne sụt sùi, không nhìn lên, “con sẽ vĩnh viễn bị mất mặt
thôi. Con sẽ không bao giờ sống nổi với chuyện này. Nó sẽ bị truyền ra ngoài
- mọi chuyện lúc nào cũng được đồn khắp Avonlea. Diana sẽ hỏi con
cái bánh thế nào và con sẽ phải kể cho bạn ấy nghe sự thật. Rồi thì lúc nào con
cũng sẽ bị chỉ trỏ là con bé nêm bánh bằng dầu giảmđau. Gil… lũ con trai ở
trường sẽ không bao giờ ngừng cười nhạo chuyện này. Ôi, Marilla, nếu bác có
chút lòng từ bi của Chúa thì xin đừng bắt con phải xuống nhà rửa bát đĩa sau
chuyện này. Con sẽ rửa chúng sau khi vợ chồng mục sư đã đi khỏi, nhưng con sẽ
chẳng bao giờ có thể nhìn mặt cô Allan nữa. Có lẽ cô ấy sẽ nghĩ con cố tình đầu
độc cô ấy. Bà Lynde nói bà ấy biết một con bé mồ côi cố đầu độc người cưu mang
mình. Nhưng dầu này có độc đâu cơ chứ. Nó được đưa vào cơ thể mà - mặc dù không
qua đường bánh. Bác sẽ nói vậy với cô Allan chứ, bác Marilla? ”
“Ta nghĩ con nên
ngồi dậy và tự nói với cô ấy đi, ” một giọng nói vui vẻ cất lên.
Anne bật dậy,
thấy cô Allan đứng bên giường, nhìn mình với đôi mắt tươi cười.
“Cô bé yêu quý,
đừng khóc thế này,” cô nói, vô cùng bối rối vì gương mặt bi thảm của
Anne. “Sao thế, chỉ là một lỗi tức cười mà ai cũng có thể mắc phải thôi
mà.”
“Ôi, không, chỉ
có con mới phạm lỗi như thế,” Anne khổ sở nói. “Và con muốn cái bánh
đó phải thật ngon dành cho cô, cô Allan.”
“Ừ, ta biết, cưng
ạ. Và ta đảm bảo với con là ta đánh giá rất cao lòng tốt cùng với sự quan tâm
của con không thua kém gì khi mọi chuyện đều ổn vậy. Nào, đừng khóc nữa, xuống
nhà với ta và chỉ ta xem vườn hoa của con nào. Bác Cuthbert nói với ta rằng con
cũng có một mảnh vườn nhỏ của riêng mình. Ta muốn được tham quan vì ta cũng rất
thích hoa.”
Anne cho phép
mình bình tĩnh và thoải mái hơn, thầm nhủ rằng quả thật chính do ý trời mà cô
Allan là một tâm hồn đồng điệu. Không ai nói thêm gì về cái bánh dầu thuốc, và
khi khách đã ra về, Anne nhận ra mình tận hưởng buổi tối với sự thích thú nhiều
hơn mong đợi, cho dù có tai nạn khủng khiếp đó. Tuy nhiên, con bé vẫn thở dài
nặng nề.
“Bác Marilla, có
phải thật tuyệt khi nghĩ rằng mai là một ngày mới không có lỗi lầm nào?”
“Ta bảo đảm là
con sẽ lại phạm phải cả đống lỗi thôi.” Bà Marilla nói. “Ta chưa từng
thấy ai phạm lỗi giỏi hơn con, Anne.”
“Đúng vậy thật,
con biết rõ chuyện đó,” Anne buồn bã thừa nhận. “Nhưng bác có khi nào
nhận thấy con cũng có điểm đáng động viên không, bác Marilla? Con không
bao giờ phạm một lỗi hai lần.”
“Ta không biết
liệu có ích lợi gì lắm không khi con luôn phạm lỗi mới.”
“Ôi, bác không thấy sao, bác Marilla? Phải có
giới hạn về số lỗi một người có thể phạm phải chứ, và khi đã đi hết lượt rồi
thì con sẽ không mắc lỗi nữa. Đó là một suy nghĩ rất dễ chịu.”
“Thôi được rồi, tốt hơn hết con nên đem cái bánh đó cho heo
ăn đi,” bà Marilla nói. “Chẳng ai ăn nổi nó cả, thậm chí là Jerry Boute.”