Ở nơi đày ải - Phần 2
- Sướng thật, sướng thật, - anh chàng Tácta làu bàu trong miệng, toàn thân co ro vì lạnh.
- Gì mà sướng? - ông Lý Sự hỏi.
-
Vợ này, con gái này... Khổ sai thì kệ khổ sai, buồn khổ thì kệ buồn
khổ, đằng nào thì ông ấy cũng được gặp vợ, gặp con rồi... Cụ nói là
không cần gì hết. Nhưng mà không có gì thì thật khổ! Có vợ ở bên cạnh ba
năm - là phúc trời ban cho ông còn gì. Không có gì - thật khổ, còn ba
năm với vợ - thật sướng. Sao cụ không hiểu?
Anh ta run rẩy, lắp
bắp nói, cố công tìm kiếm những từ Nga mà anh ta biết không nhiều; anh
ta nói rằng cầu trời đừng bắt người ta ốm đau nơi đất khách quê người,
đừng bắt người ta phải chết chôn nơi xa lạ, rằng nếu vợ anh đến đây một
ngày hay thậm chí một giờ thôi, thì để đánh đổi lấy hạnh phúc ấy anh ta
sẵn sàng chịu đựng mọi điều khổ ải mà vẫn tỏ lòng biết ơn thượng đế. Thà
là được sống một ngày hạnh phúc còn hơn chẳng được gì cả.
Sau đó
anh ta lại kể rằng anh ta còn để lại ở nhà người vợ vừa trẻ đẹp vừa khôn
ngoan, rồi hai tay ôm lấy đầu, anh ta khóc òa lên và phân trần với ông
già Xêmiôn rằng quả thật anh ta chẳng có tội tình gì hết, anh ta phải
chịu oan mà thôi. Hai người anh cùng với bác anh ta lấy trộm ngựa của
một ông cụ nông dân, đánh ông này gần chết, thế mà tòa án lại không xử
cho phân minh, kết án cả ba anh em đày đi Xibiri, còn ông bác thì là
người giàu có nên vẫn ở nhà như thường.
- Rồi sẽ quen thôi! - ông già Xêmiôn dài giọng nói.
Anh
chàng Tácta im lặng, đưa cặp mắt ướt đẫm nhìn chằm chằm vào đống lửa;
gương mặt anh lộ rõ vẻ kinh ngạc, sợ hãi, dường như cho đến giờ anh ta
vẫn chưa hiểu vì sao anh ta lại rơi vào chốn tối tăm, ẩm ướt này, bên
cạnh những người xa lạ mà không phải là ở tỉnh Ximbiếc quê hương anh.
Ông Lý Sự nằm bên cạnh đống lửa, không biết mỉm cười điều gì cất giọng
lè nhè, khe khẽ hát.
- Này, cô ta thích thú gì mà ở lại nhà với
ông bố già nhỉ? - một lát sau, ông Lý Sự nói. - Ông bố yêu mến cô ta, đó
là niềm an ủi của ông, điều đó đúng rồi; nhưng mà anh bạn trẻ này, ông
ta tinh ranh lắm phải coi chừng đấy: ông già khó tính, ông già nghiêm
nghị. Nhưng mà các cô gái trẻ có cần đến sự nghiêm nghị đâu... Các cô ấy
cần được âu yếm, hà-hà-hà, hề-hề-hề, cần được nước hoa và phấn son.
Đúng thế đấy, chậc, thế đấy, thế đấy! - ông già Xêmiôn thở dài và khó
nhọc đứng dậy. - Rượu uống cạn rồi, nghĩa là đến giờ đi ngủ thôi. Phải
không, anh bạn, đi ngủ thôi chứ?...
Còn lại một mình, anh chàng
Tácta chất thêm cành khô, lặng lẽ nhìn vào đống lửa, miên man nghĩ đến
người vợ và quê hương; thật là sung sướng biết bao giá như vợ anh đến
đây được một tháng, một ngày, rồi sau đó nếu cô ta không muốn ở nữa thì
cứ để cô ta trở về quê cũng được. Thà được một tháng, một ngày như vậy,
còn hơn là không có gì cả. Nhưng mà nếu vợ anh làm đúng như lời hứa và
đến đây, thì lấy gì mà cho cô ta ăn? Cô ta sẽ ở vào đâu?
- Nếu không có gì ăn, thì sống làm sao được? - anh chàng Tácta tự hỏi thành tiếng.
Suốt
ngày đêm chèo thuyền, người ta trả cho anh mười kôpếch; nói cho đúng ra
thì khách qua sông cũng có thưởng thêm tiền quà cho người chèo, nhưng
mấy người kia chia nhau tất cả số tiền thưởng ấy, mà chẳng để cho anh
chàng Tácta một xu nào và chỉ cười giễu anh ta thôi. Không tiền thì vừa
đói, vừa rét, vừa ghê sợ... Bây giờ khi toàn thân run rẩy, tê buốt thì
lẽ ra có thể đi vào trong lều mà nằm ngủ, nhưng trong ấy còn lạnh hơn vì
chẳng có gì mà đắp, ở ngoài trời cũng không có gì đắp, nhưng dù sao thì
cũng có thể đốt đống lửa lên...
Một tuần sau khi nước rút và
người ta sẽ đặt con phà ở đây thì tất cả những người chèo thuyền, trừ
ông già Xêmiôn, đều sẽ trở nên vô dụng, và anh chàng Tácta sẽ phải đi
lang thang từ làng này sang làng khác mà ăn mày, xin xỏ việc làm. Vợ anh
mới mười bảy tuổi; cô ta xinh đẹp, rụt rè, quen được chiều chuộng, lẽ
nào cô ta sẽ lại cùng với anh đi ăn xin hết làng này đến làng khác?
Không thể được, chỉ cần thoáng nghĩ đến điều đó thôi cũng đã thấy kinh
khủng lắm rồi...
Trời đã rạng sáng, đã có thể trông rõ hình thù
chiếc phà, nhìn thấy những bụi cây liễu ven bờ nước và những gợn sóng
lăn tăn, quay lại đằng sau - là cả một bờ đất sét cao, phía dưới là một
túp lều con lợp rơm, phía trên bờ hàng dãy nhà làng. Trong làng đã nghe
thấy tiếng gà gáy sáng.
Bờ đất sét màu hung, chiếc phà, dòng sông,
những người xa lạ xấu bụng, đói rét, bệnh tật - có lẽ tất cả những cái
đó quả thực là không có những cái đó chỉ nằm mơ thấy thôi, anh chàng
Tácta nghĩ vậy. Anh cảm thấy rằng anh đang ngủ và nghe được tiếng rên rỉ
của mình... Tất nhiên là anh đang ở nhà anh, ở tỉnh Ximbiếc, anh chỉ
cần gọi tên vợ lên là sẽ nghe thấy tiếng trả lời; và ở buồng bên cạnh là
mẹ... Nhưng mà sao giấc mơ này lại hãi hùng đến thế! Nó hiện ra làm gì
kia chứ? Anh chàng Tácta mỉm cười và mở mắt ra. Dòng sông nào vậy? Vonga
ư?
Tuyết rơi.
- Nhà thuyền! Cho sang sông vơ... ới! - có tiếng ai gọi từ bờ bên kia.
Anh
chàng Tácta choàng tỉnh dậy và vội vàng đánh thức mấy người chèo để đưa
thuyền sang sông. Những người chèo thuyền co ro bước xuống sông, vừa đi
vừa mặc những chiếc áo lông rách bươm, cất giọng khàn khàn ngái ngủ
chửi làu bàu mấy câu. Qua một giấc ngủ, dòng sông tỏa hơi lạnh buốt kia
đối với họ trở nên thật đáng nguyền rủa, kinh tởm. Họ đủng đỉnh bước
xuống thuyền... Anh chàng Tácta và ba người kia cầm lấy những mái chèo
dài to bản, trông giống như những cái càng tôm, còn ông già Xêmiôn thì
tì sát bụng vào bánh lái. Phía bờ bên kia vẫn có tiếng gọi thuyền tiếp
tục và nghe thấy hai tiếng súng lục bắn chỉ thiên, chắc họ tưởng rằng
mấy người chèo thuyền đang ngủ hay là đã đi vào làng kiếm rượu uống.
-
Yên trí, sẽ kịp thôi! - ông Lý Sự nói bằng cái giọng của người bao giờ
cũng tin rằng trên đời này chẳng có việc gì phải vội. - Đằng nào thì
cũng chẳng nhanh hơn được.
Chiếc phà kềnh càng, nặng nề dần dần
rời khỏi bến và bơi đi giữa đám bụi cây liễu mọc ngay dưới nước, cứ
trông vào những bụi cây liễu kia đang từ từ lùi lại đằng sau mới biết
rằng quả là chiếc phà kia không đứng yên một chỗ mà đang chuyển dịch.
Mấy người nhịp nhàng khỏa mái chèo xuống nước; ông Lý Sự tì bụng lên chỗ
lái chao người từ mạn phà này sang mạn bên kia theo hình cánh cung.
Trong ánh sáng mờ mờ trông bọn họ giống như những người đang ngồi trên
một con vật khổng lồ thời tiền sử với những cái chân dài và bơi đi đến
một xứ sở buồn tẻ lạnh giá, đến cái nơi mà đôi khi người ta vẫn nhìn
thấy trong những cơn ác mộng.
Phà bơi qua bãi liễu, ra đến giữa
sông. Trên bờ bên kia, người ta đã nghe thấy tiếng mái chèo khỏa nước
đều đều; họ kêu to: “Nhanh tay lên, nhanh tay lên!” Chừng mười phút nữa
trôi qua và chiếc phà nặng nề cập bến.
- Cứ rơi mãi thôi, mãi! -
ông già Xêmiôn làu bàu nói, giơ tay vuốt vội những hạt tuyết bám trên
mặt. - Không biết từ đâu rơi xuống cái của nợ này, trời mà biết được!
Trên
bờ bên kia, người đợi thuyền là một ông già tầm thước, mình vận chiếc
áo bành tô ngắn bằng lông cáo, đầu đội mũ lông cừu trắng. Ông ta đứng
yên một chỗ cách xa cỗ xe ngựa; vẻ mặt đăm chiêu, tư lự, như đang cố nhớ
lại một điều gì và cáu kỉnh vì trí nhớ chẳng chịu tuân theo ý muốn của
mình. Khi ông già Xêmiôn bước lại gần mỉm cười ngả mũ chào, thì ông ta
nói:
- Tôi phải vội đi Anaxtaxiépka. Bệnh tình con gái tôi lại
nặng thêm, mà ở Anaxtaxiépka nghe nói có một bác sĩ mới được bổ đến đấy!
Mấy
người chèo thuyền đưa cỗ xe ngựa xuống phà rồi chèo trở lại bờ bên
kia. Người mà ông già Xêmiôn gọi là Vaxili Xerghêíts suốt trong thời
gian qua sông, cứ đứng yên một chỗ, cặp môi dày mím chặt, mắt nhìn chăm
chăm vào một điểm; khi người xà ích xin ông ta cho phép được hút thuốc
bên cạnh ông, thì ông ta chẳng trả lời gì cả hệt như là người không nghe
thấy. Còn ông già Xêmiôn thì vừa tì bụng lên bánh lái vừa giễu cợt nhìn
ông ta và nói:
- Thế mà ở xứ Xibiri này người ta vẫn sống đường hoàng. Sống đường hoàng đấy!
Gương
mặt ông Lý Sự lộ rõ vẻ đắc thắng, dường như ông đã chứng minh được một
điều gì và đang thích thú vì thấy rằng mọi chuyện đã xảy ra hệt như ông
dự đoán. Vẻ mặt đau khổ tuyệt vọng của người vận áo bành tô ngắn bằng
lông cáo kia chắc là đã đem lại cho ông một khoái cảm đặc biệt.
-
Đi bây giờ đường lầy lội lắm, ông Vaxili Xerghêíts ạ, - ông già Xêmiôn
nói, khi người xà ích đang thắng ngựa vào xe. - Lẽ ra nên chờ chừng hai
tuần nữa thì đường khô ráo hơn. Tốt hơn hết là ông đừng đi đâu cả... Đi
như thế nào có ích lợi gì. Chắc tự ông cũng thừa biết rằng, con người ta
cứ đi đây đi đó đã bao nhiêu thế kỷ rồi, đi cả ngày cả đêm, mà nào
phỏng có được cái tích sự gì! Quả thế thật đấy!
Vaxili Xerghêíts im lặng thưởng cho ông già Xêmiôn tiền uống rượu, rồi ngồi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình.
-
Đấy, lại đi tìm bác sĩ! - ông già Xêmiôn nói, rùng mình vì lạnh. - Ừ,
đi mà tìm bác sĩ cho ra hồn, đi mà bắt gió trong đồng, đi mà túm lấy
đuốc quỷ! Thật là kỳ cục, cầu Chúa tha lỗi cho kẻ có tội này!
Anh
chàng Tácta bước lại gần ông Lý Sự, nhìn ông già với vẻ căm ghét, ghê
tởm, toàn thân run lên, nói một tràng liền, lắp bắp pha lẫn tiếng Tácta
của mình:
- Ông ấy tốt, tốt lắm, còn ông thì xấu lắm! Ông xấu lắm!
Ông quý tộc kia tốt bụng lắm, còn ông thì thú dữ, xấu lắm! Ông ấy đáng
sống, ông thì chết quách đi cho rồi... Thượng đế làm ra con người là để
sống, để được sướng, được khổ, được buồn nhớ, thế mà ông lại chẳng muốn
cái gì cả, tức là ông không còn sống nữa mà chỉ là đất, đá! Có đất đá
thì mới không cần gì, ông cũng không cần gì... Ông là đất đá. Thượng đế
không thương ông đâu, thương ông quý tộc kia thôi.
Mọi người cười
ồ; anh chàng Tácta ghê tởm nhăn nhó mặt mày, phẩy tay rồi co mình trong
lớp áo dày rách bươm và đi lại gần đống lửa. Mấy người chèo thuyền cùng
với ông già Xêmiôn đủng đỉnh bước vào lều.
- Rét quá! - một người cất giọng khàn khàn kêu lên lúc đặt mình xuống ổ rơm trải ngay trên nền đất sét.
- Phải rồi, chẳng lấy gì làm ấm lắm! - một người khác tán đồng. - Cảnh đi đày mà lại!...
Mọi
người đều nằm xuống. Cánh cửa lều bỗng bị gió đánh bật ra, tuyết lùa
vào trong lều. Chả ai buồn đứng dậy đóng cửa: vừa rét, vừa lười.
-
Thế mà lão đây lại thấy sung sướng! - ông già Xêmiôn lè nhè nói, mắt đã
bắt đầu lim dim. - Cầu trời cho ai cũng được sống như lão đây.
- Ông thì thuộc loại tù rũ xương. Quỷ nó cũng chả thèm bắt ông.
Từ phía ngoài lều nghe có tiếng ư ử như tiếng chó tru.
- Cái gì đấy? Ai ngoài ấy thế?
- Thằng Tácta nó khóc đấy.
- Xì!... Thật dở người
- Rồi sẽ quen cả thôi! - ông già Xêmiôn nói và ngủ thiếp luôn ngay sau đó.
Lát sau mấy người kia cũng thiếp đi. Cánh cửa lều cuối cùng thế là vẫn mở toang.