Những người đàn bà - Phần 1

Những người đàn bà

TRONG LÀNG RAIBUS, đối
diện với nhà thờ, là một ngôi nhà hai tầng lợp mái tôn, xây trên nền
đá. Tầng dưới ngôi nhà là chỗ ở của chủ nhân cùng với gia đình - Philíp
Ivanôvíts Kasin, mà người ta quen gọi là lão Điuđia, còn tầng trên, mùa
hè rất nóng, mùa đông rất lạnh, thì dành làm nơi nghỉ chân cho các vị
công chức, nhà buôn, địa chủ đi qua đây. Lão Điuđia thuê mấy khoảnh đất,
mở một quán rượu ngoài đường cái, buôn đi bán lại cả nhựa thông, mật
ong, cả súc vật lẫn chim ác là, nhờ thế mà lão gửi tám nghìn bạc vào nhà
băng trên tỉnh.

Phêđor, con lớn của lão, làm thợ cả về ngành cơ
khí tại một nhà máy và như dân làng nói, anh ta làm ăn phát tài to đến
nỗi bây giờ khó mà đến gần anh ta được; vợ Phêđor là Xôphia, một người
đàn bà xấu xí, ốm yếu, ở lại nhà với bố chồng, lúc nào cũng thấy khóc
lóc và cứ chủ nhật hàng tuần là lại đi đến nhà thương chữa bệnh. Người
con trai thứ hai của lão là Aliôska lưng hơi gù gù, anh ta ở nhà với bố.
Cách đây ít lâu, lão cưới vợ cho anh ta là cô Varvara, con gái một gia
đình nghèo; cô này trẻ, đẹp, khỏe mạnh và thích ăn diện. Khi có các vị
viên chức hay lái buôn nghỉ lại nhà Điuđia, thì bọn họ bao giờ cũng đòi
bằng được cô Varvara hầu trà và dọn giường ngủ cho họ.

Vào chập
tối một ngày tháng Sáu, khi mặt trời đang lặn và không khí chung quanh
thoang thoảng mùi cỏ khô, mùi phân súc vật còn hôi hổi nóng, mùi sữa
tươi, có một chiếc xe ngựa xoàng xoàng đi vào trong sân nhà lão Điuđia,
trên xe có ba người ngồi: một người đàn ông trạc độ ba mươi tuổi mặc bộ
quần áo bằng vải lanh thô, bên cạnh là một cậu bé chừng bảy tám tuổi mặc
chiếc áo dài đen với những cái khuy to bằng xương, và một chàng trai
trẻ mặc áo sơ mi đỏ là người đánh xe.

Chàng trai trẻ tháo ngựa,
dắt ra ngoài cho đi đi lại lại, còn người đàn ông mới tới thì đi rửa ráy
xong rồi quay về phía nhà thờ lầm rầm cầu kinh, sau đó ông ta trải tấm
đệm kê chân xuống bên cạnh xe ngựa, ngồi xuống cùng ăn bữa tối với cậu
bé; ông ta ăn từ từ, chậm rãi, và lão Điuđia, trong đời đã từng gặp
nhiều kiểu người khác nhau nghỉ chân lại đây, đoán rằng cứ theo dáng
điệu cử chỉ ấy thì người đàn ông kia phải là một người chững chạc, tháo
vát, tự tin vào mình.

Lão Điuđia mặc mỗi chiếc gilê, không đội mũ,
ngồi ngoài và đợi người khách kia lên tiếng trước. Lão đã quen thấy
rằng, vào những buổi tối trước khi đi ngủ, các vị khách qua đường ấy bao
giờ cũng kể lại đủ mọi thứ chuyện, và lão thấy thích thú với điều đó.
Bà già Aphanaxiépna, vợ của lão, và người con dâu Xôphia đang vắt sữa bò
trong chuồng, người con dâu khác, cô Varvara, thì ngồi bên cửa sổ mở
toang trên tầng hai mà cắn hạt hướng dương.

- Cậu bé kia chắc là con trai anh phải không? - lão Điuđia hỏi người khách.

- Không, nó là con nuôi, mồ côi mà. Tôi nhận nuôi nó là để chuộc tội đấy.

Hai
người đã bắt chuyện với nhau. Người khách lộ ra là một người ưa nói và
nói năng khá hấp dẫn, còn lão Điuđia thì qua câu chuyện mà biết rằng,
người khách là một tiểu chủ trên tỉnh có nhà cho thuê, rằng anh ta tên
là Mátvây Xápvíts, anh ta đang đi xem xét những khu vườn thuê lại của
mấy kiều dân Đức, rằng cậu bé này tên là Kuxka. Trời thật nóng nực, oi
bức, không một ai muốn đi ngủ cả. Khi trời đã tối hẳn và những vì sao
nhợt nhạt đã nhấp nháy trên cao, Mátvây Xápvíts bắt đầu kể lại chuyện vì
sao anh ta nhận nuôi cậu bé Kuxka. Bà Aphanaxiépna và Xôphia đứng xa xa
một góc cũng lắng nghe. Còn Kuxka thì đi ra lối cổng.

- Cụ ạ, câu
chuyện này tỉ mỉ, dài dòng lắm, - Mátvây Xápvíts vào đầu như thế. -
Muốn kể hết cho cụ nghe đến sáng cũng chẳng xong. Cách đây khoảng mười
năm, cùng phố với tôi, ngay bên cạnh nhà tôi, là nhà bà lão góa chồng
Marơpha Ximônốpna Káplunxeva, bây giờ đấy là xưởng làm bơ, làm nến; bà
lão có hai người con trai, một người làm nhân viên hỏa xa còn người con
thứ hai là Vaxia trạc tuổi tôi thì ở nhà với mẹ. Sinh thời ông Káplunxép
trước đây là chủ ngựa, ông có chừng một chục con và thuê người đánh xe
cho chở hàng khắp thành phố; bà góa Káplunxeva cũng không bỏ nghề này,
bà cai quản những người xà ích thông thạo không kém ông chồng, cho nên
có những ngày cũng kiếm được chừng dăm rúp. Cậu con trai cũng làm ra
tiền. Anh nuôi giống chim câu nòi và bán cho những người đi săn; nhiều
lúc thấy anh ta đứng trên mái nhà, tung chổi lên, huýt còi mồm, thế rồi
đàn chim câu nòi cứ bay lượn mãi tít trên trời cao, mà anh ta thì vẫn
chê là thấp, còn cứ muốn chúng bay cao nữa. Anh ta bắt nuôi cả chim bạch
yến, sáo sậu, đóng chuồng chim... Cứ làm chơi chơi thế mà, tích tiểu
thành đại, hàng tháng anh ta cũng ky cóp được chục rúp. Năm này năm khác
qua đi, đến lúc bà lão liệt cả hai chân, chỉ còn nằm bẹp trên giường.
Vì cái sự như thế mà nhà không có người nội trợ, mà thế thì khác nào như
người không có mắt. Bà lão lo lắng lắm và nghĩ ra rằng phải cưới vợ cho
Vaxia. Bà cho gọi mối lái đến, năm lần bảy lượt hai bà nói chuyện với
nhau thì Vaxia của chúng ta đi xem mặt các cô dâu. Anh ta định hỏi cô
Masenka, con gái bà góa Xamakhơvalikha. Chả phải nghĩ ngợi gì lâu, mọi
người đều ưng thuận và rồi chỉ trong vòng một tuần mọi việc phải chuẩn
bị đều làm xong. Masenka là một cô gái trẻ, khoảng mười bảy tuổi, vóc
người nhỏ nhắn, nhưng gương mặt trắng trẻo, xinh xắn, trông ra dáng đài
các như một tiểu thư; và của hồi môn cũng kha khá: chừng dăm trăm rúp,
một con bò sữa, giường chiếu... Còn bà lão thì quả như linh tính đã báo
trước, đến ngày thứ ba sau lễ cưới bà về chầu trời, chẳng kêu rên, chẳng
ốm đau gì. Đôi vợ chồng trẻ chôn cất bà lão cúng giỗ xong, họ ăn ở với
nhau chừng nửa năm rất hạnh phúc, nhưng bất thình lình có chuyện không
may khác đến. Quan trên gọi Vaxia lên, bảo anh ta rút thăm. Thế rồi
người ta bắt Vaxia đi lính mà cũng chẳng cho anh ta hưởng chút ưu tiên
nào. Cạo trọc đầu và xua sang Vương quốc Ba Lan(1).
Ý trời đã định thì biết làm thế nào. Khi chia tay với vợ ở trong sân
thì chưa sao cả, nhưng đến lúc quay sang nhìn cái nhà để rơm đậu đầy
chim bồ câu thì anh khóc òa lên. Trông thật là tội. Dạo đầu, để cho
khuây khỏa đỡ buồn, Masenka đón mẹ đến ở cùng; bà ở đấy cho đến khi con
gái đẻ, chính là đẻ ra thằng Kux đấy, thì bà lại đi đến Obôian với người
con gái khác cũng đã có chồng rồi, và thế là Masenka ở nhà một mình với
đứa con nhỏ. Năm tay đánh xe thì đều là dân nghiện ngập, quấy phá, rồi
nào là chuyện ngựa, chuyện xe, hay là giậu đổ, bồ hóng trong ống khói
bếp cháy - đâu có phải là chuyện đàn bà lo liệu được, thế rồi cô ta phải
sang bên tôi là người hàng xóm mà hỏi từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Và
tôi phải bày đặt, phải dặn dò việc này việc nọ... Cũng là chuyện thường
tình thôi, không thể thiếu được: ghé vào nhà uống chén nước, nói dăm ba
câu chuyện. Dạo ấy tôi còn trẻ cũng là người biết suy nghĩ, thích bàn
đến đủ các thứ chuyện, còn cô ta thì cũng là người lịch thiệp có học. Cô
ta ăn vận rất gọn mắt, mùa hè đi đến đâu đều mang ô. Có lúc tôi nói về
chuyện thần thánh, hay chuyện chính trị, cô ta chăm chú nghe lại còn pha
trà, lấy mứt ra đãi tôi... Nói gọn lại, để khỏi phải kể lể dông dài
nữa, thì cũng chưa được một năm sau đâu cụ ạ, ma quỷ nó ám tôi. Tôi bắt
đầu nhận ra rằng ngày nào mà tôi không ghé sang nhà cô ta thì trong
người cảm thấy buồn tẻ. Và tôi cứ cố nghĩ ra lý do để sang nhà cô ta.
“Đã đến lúc, - tôi nói, - chị phải đặt khung kính mùa đông vào cửa sổ
thôi” và thế là cả ngày hôm đó tôi được ở trong nhà cô ta mà thủng thẳng
đặt khung kính, và cố ý để lại chừng hai khung sang ngày hôm sau. “Chị
cần đếm lại số chim câu của Vaxia xem không khéo lại mất đấy”, đại khái
cứ có những lý do như thế. Cũng có khi tôi đứng nói chuyện với cô ta qua
hàng rào, và cuối cùng để khỏi phải đi vòng tôi làm một cái cổng nhỏ
thông qua hàng rào giữa hai nhà. Trên thế giới này giới đàn bà là hay
sinh ra lắm điều ác, lắm chuyện kinh tởm. Không phải chỉ có bọn tôi,
những kẻ đầy tội lỗi, mà cả các đức thánh ông nữa cũng bị cám dỗ.
Masenka không làm cho tôi hết mê cô ta. Lẽ ra phải nhớ đến chồng và giữ
mình thì cô ta lại đi phải lòng tôi. Tôi cũng nhận thấy rằng cô ta cũng
buồn rầu, cô ta hay đi đi lại lại sát bờ rào và đưa mắt nhìn sang sân
nhà tôi. Đầu óc tôi cứ quay cuồng lên với những mơ tưởng. Có lần vào
ngày thứ năm tuần lễ thánh, khi trời còn tờ mờ sáng tôi đi ngang qua
trước cổng nhà cô ta để ra chợ, thế rồi như bị ma ám, tôi dừng lại ghé
mắt trông vào cổng nhà cô ta phía trên có những chấn song, - cô ta đã
dậy rồi, đang đứng giữa sân cho vịt ăn. Tôi không đừng được nữa, bèn cất
tiếng gọi. Cô ta bước lại gần và nhìn tôi qua chấn song. Khuôn mặt
trắng trẻo, đôi mắt dịu dàng còn ngái ngủ... Trông cô thật là ưa nhìn,
và tôi buông lời tán tỉnh dường như không phải là đứng với nhau ở bên
cổng mà đang ngồi trong buổi lễ sinh nhật nào vậy. Còn cô ta thì đỏ bừng
mặt, cười và cứ đăm đắm nhìn không chớp vào mắt tôi. Tôi mất hết cả lý
trí và giãi bày với cô ta tình yêu của tôi... Cô ta mở cổng ra cho tôi
vào, và từ sáng hôm ấy, hai chúng tôi bắt đầu sống với nhau như vợ
chồng.

Từ ngoài đường, anh chàng Aliôska lưng gù đi vào trong sân,
miệng thở hồng hộc, không nhìn ai, cứ thế chạy vào nhà; một lát sau anh
ta chạy từ trong nhà tay cầm chiếc đàn phong cầm, những tiền đồng trong
túi kêu xủng xoảng, vừa chạy vừa cắn hạt hướng dương rồi khuất dần sau
cánh đồng.

- Ai vừa chạy qua thế? - Mátvây Xápvíts hỏi.

-
Con tôi đấy, thằng Aliôska, - lão Điuđia trả lời. - Nó lại đi chơi đấy,
thằng đểu cáng. Trời đã phạt nó phải gù lưng nên chúng tôi cũng chẳng
buồn giữ gìn cho nó lắm.

- Nó cứ đi chơi, đàn đúm với bọn trai
làng mãi thôi, - bà lão Aphanaxiépna thở dài nói. - Lấy vợ cho nó trước
ngày lễ tống tiễn mùa đông cứ tưởng là nó sẽ khá hơn, thế mà càng ngày
nó cứ càng đổ đốn thêm ra.

- Chẳng được cái tích sự gì. Cuối cùng thành ra chỉ là ban không phước lộc cho con gái nhà nghèo, - lão Điuđia nói.

Từ
phía sau nhà thờ vọng lại tiếng những ai đang hát một bài buồn buồn
tuyệt diệu. Không thể phân biệt rõ lời, chỉ nghe thấy mấy giọng thôi:
hai giọng nam cao và một giọng trầm. Vì ai cũng lắng nghe điệu hát, nên
trong sân vụt trở nên im lặng... Bỗng hai người trong bọn họ cắt ngang
bài hát bằng một chuỗi cười lanh lảnh, người thứ ba giọng cao tiếp tục
hát và lên một nốt cao đến nỗi mọi người đều vô tình ngẩng đầu lên,
dường như giọng hát ấy bay vút lên tận trời. Varvara bước ra khỏi nhà,
giơ tay che ngang mắt như người che ánh nắng, mà nhìn về phía nhà thờ.

- Đấy là hai người con ông linh mục với thầy dạy hát đấy, - cô ta nói.

Ba người lại hòa giọng hát. Mátvây Xápvíts thở dài và tiếp nói:

-
Công việc như thế cụ ạ. Chừng hai năm sau chúng tôi nhận được thư
của Vaxia gửi từ Vácsava về. Anh ta viết rằng quan trên cho anh ta về
nhà để chữa bệnh. Anh ta không được khỏe mà. Đến khoảng thời gian ấy tôi
đã từ bỏ được những ý nghĩ ngu xuẩn ra khỏi đầu mình rồi, gia đình cũng
đã kiếm được cho tôi một đám khá lắm, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế
nào mà dứt ra khỏi cô nhân tình. Hôm nào tôi cũng định nói thẳng với
Masenka nhưng không biết nói cách nào để khỏi phải nghe tiếng khóc lóc
rên rỉ của cô ta. Bức thư ấy như cởi trói tay cho tôi. Tôi cùng đọc bức
thư ấy với Masenka, gương mặt cô ta nhợt nhạt, trắng bệch ra, còn tôi
thì nói: “Nhờ trời, thế là bây giờ cô lại là vợ của chồng cô rồi”. Cô ta
nói: “Em chẳng sống đâu”. - “Nhưng mà anh ấy là chồng cô cơ mà?” - tôi
nói. - “Dễ thế... Em chưa bao giờ yêu anh ta cả, lấy anh ta cũng chả
phải tự nguyện. Mẹ em bắt, thế thôi”. - “Ừ được rồi cô ngốc ạ, cô đừng
có đánh trống lảng, cô thử nói xem: cô có làm lễ cưới với anh ấy trong
nhà thờ hay là không?” “Có, nhưng em yêu anh và em sẽ ở với anh cho đến
khi chết. Kệ cho người ta cười... Em chẳng kể vào đâu...” - “Cô là người
hay cầu nguyện, hay đọc sách kinh, thì trong sách người ta viết gì
vậy?”

- Đã lấy chồng thì phải ở với chồng, - lão Điuđia nói.

-
Vợ chồng là gửi xương gửi thịt cho nhau. Chúng ta đã mắc tội rồi, tôi
nói, nên hai chúng ta bây giờ phải có lương tâm, biết sợ Chúa Trời.
Chúng ta sẽ thú tội trước mặt Vaxia, anh ấy là người lành tính, nhút
nhát - anh ấy không giết đâu. Với lại trên đời này thì chịu đựng những
nỗi khổ do người chồng hợp pháp gây ra vẫn còn hơn là sau này phải
nghiến răng mà chịu nhục hình ở địa ngục. Cô ta chẳng chịu nghe lời tôi,
cứ một mực khăng khăng: “Em yêu anh”, thế thôi, không nói gì thêm.
Vaxia trở về nhà vào sáng sớm hôm thứ bảy ngay trước ngày lễ Ba Ngôi.
Tôi thấy qua hàng rào anh rẽ vào nhà, một lát sau bế Kuxka đi ra, vừa
cười, vừa khóc, vừa hôn đứa bé, rồi lại nhìn lên nhà để cỏ khô, vừa tiếc
không muốn bỏ Kuxka ra, vừa muốn đến với mấy con bồ câu của mình. Thật
là một người hiền lành, đa cảm. Ngày hôm ấy qua đi êm thấm, lặng lẽ.
Người ta đã kéo chuông cầu nguyện buổi tối. Nhưng tôi cứ nghĩ mãi: ngày
mai là ngày lễ Ba Ngôi rồi mà sao vẫn chưa thấy nhà bên ấy trang hoàng
cổng, giậu gì cả. Tôi nghĩ chắc là chuyện không ổn rồi. Tôi đi sang đó.
Nhìn vào thì thấy Vaxia ngồi giữa phòng ngay dưới nền nhà, mắt ngơ ngác
đảo qua đảo lại như người say rượu, hai má đầm đìa nước mắt, tay run lẩy
bẩy; anh ta rút trong bọc ra nào là bánh mì tròn, bánh quy, chuỗi hạt
cườm và đủ thứ quà cáp khác mà vứt tung ra nhà. Thằng bé Kuxka dạo ấy nó
khoảng ba tuổi thì bò bên cạnh, nhặt lấy bánh quy mà nhai, còn Masenka
thì đứng gần lò sưởi, mặt tái nhợt, toàn thân run rẩy, lắp bắp nói: “Tôi
không phải là vợ anh, tôi không muốn sống với anh” - và nói lắm câu lảm
nhảm khác nữa. Tôi quỳ xuống bên chân Vaxia và nói: “Tôi với cô ấy có
tội với anh, anh Vaxili Mắcximứts ạ, mong anh hãy vì đức Chúa mà tha tội
cho!” Sau đó tôi đứng dậy và nói với Masenka những lời như thế này:
“Chị Maria Xêmiônốpna ạ, bây giờ thì chị phải rửa chân cho anh Vaxili
Mắcximứts và phải ăn súp loãng và chị hãy làm một người vợ ngoan ngoãn
của anh ấy, hãy cầu Chúa sao cho anh ấy, một người giàu lòng vị tha, sẽ
thứ tội cho tôi”. Như có vị thiên thần nào đã răn bảo cho tôi, tôi bảo
cho cô ta nghe, tôi nói xúc động đến mức chính tôi cũng phải rưng rưng
nước mắt. Thế rồi chừng hai ngày sau, Vaxia sang nhà tôi. Anh ta nói:
“Tôi tha lỗi cho anh đấy, anh Mátvây ạ, cả anh cả cô ấy, thôi thì chuyện
cũng đã thế rồi. Cô ấy làm vợ lính, chuyện đàn bà trẻ xa chồng, cũng
khó mà giữ mình cho vẹn toàn. Cô ấy không phải là người đầu tiên, cũng
chẳng phải là người cuối cùng mắc tội như thế. Chỉ có điều là bây giờ
tôi xin anh cứ làm như là giữa anh với cô ấy chưa từng có chuyện gì xảy
ra cả, anh đừng gặp cô ấy nữa, còn tôi thì tôi sẽ chiều chuộng cô ấy mọi
thứ, sao cho cô ấy lại yêu tôi như xưa”. Anh ta đưa tay cho tôi bắt,
uống trà rồi vui vẻ ra về. Phần tôi, tôi nghĩ thật là may mắn, tôi thấy
nhẹ cả người, thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả. Nhưng khi Vaxia vừa ra
khỏi sân thì Masenka bước vào. Thật là một sự trừng phạt. Cô ta ôm lấy
cổ tôi khóc lóc, van xin: “Em van anh, anh đừng bỏ em, không có anh, em
không sống được đâu”.

- Hừ, thật là đê tiện! - lão Điuđia thở dài nói.

-
Tôi to tiếng mắng cô ta, hai chân giậm mạnh, lôi cô ta ra ngoài rồi móc
cửa lại. Tôi kêu lên: về với chồng đi! Đừng có làm tôi xấu mặt với làng
xóm, liệu mà sợ lấy Chúa! Thế rồi ngày nào cái cảnh ấy cũng cứ tái
diễn. Có lần vào một buổi sáng tôi đang đứng trong sân nhà gần chuồng
ngựa và chữa dây cương. Bất thình lình tôi trông thấy Masenka chạy qua
cổng vào sân nhà tôi, chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc váy, rồi lao vào
tôi, nắm lấy tay tôi đang cầm dây cương, cả người cô ta dính bê bết
những nhựa cây, run rẩy, khóc lóc... “Em không thể sống với cái thằng
tởm lợm ấy đâu; em không đủ sức chịu đựng nữa đâu! Nếu anh không yêu em
thì thà giết quách em đi còn hơn”. Tôi nổi cáu, tiện có dây cương trong
tay tôi vụt cho cô ta hai cái, vừa lúc ấy thì Vaxia chạy qua cổng vào,
và kêu lên thất thanh: “Đừng đánh! Đừng đánh!” Mồm thì nói thế nhưng
chính mình thì lại chạy lại bên cô ta, rồi như người mất trí, dang thẳng
tay thụi tới tấp vào người cô ta, sau đó đánh ngã cô ta xuống đất mà
giẫm chân lên; tôi phải che đỡ cho cô ta, nhưng anh ta giật luôn dây
cương từ tay tôi và cứ thế quất lấy quất để vào Masenka. Vừa đánh vừa
kêu như con ngựa.

___________

1. Vương quốc Ba Lan - tên gọi
phần nước Ba Lan, thuộc nước Nga, theo quyết nghị của hội nghị quốc tế ở
Viên 1814-1815. Tới năm 1918, lãnh thổ của Vương quốc Ba Lan trở thành
bộ phận cơ bản của nước Ba Lan.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3