Lê Vân - Yêu và sống - Chương 08 phần 3
Thời bố mẹ tôi rồi đến tôi làm nghệ thuật khác bây giờ nhiều
lắm. Đó là thứ nghệ thuật một chiều. Người làm nghệ thuật bị bao vây
trong sự nghèo đói thông tin, nghèo đói vật chất nhưng vẫn yên ổn sống
với một niềm hạnh phúc đơn giản và không ít ảo tưởng. Đùng một cái, xóa
bao cấp, giảm biên chế, với đồng lương chết đói, tất cả nghệ sĩ bị đẩy
xuống đường học chao chát, học buôn bán, học lọc lừa… Từ những diễn viên
balet đến các nhạc công giao hưởng, những ông hoàng bà chúa trọng thánh
đường nghệ thuật, bỗng ngỡ ngàng nhận ra mình trong “vai” người bán
nước chè, người làm sữa chua, người buôn đồ nhôm Liên Xô, người làm dịch
vụ áo cưới gội đầu, người mở quán ăn, cà phê mời mọc ông ơi bà ơi… Và
tôi, dù muốn dù không cũng bị cuốn theo cơn lốc bụi mù của công cuộc hô
hào động viên nhau “tự cứu lấy mình” đó.
Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ
được học nghề múa balet và có thêm nghề phụ đan len, dán hộp mứt, nhưng
cũng chỉ mang tính chất thời vụ; tôi làm sao đây để tự cứu mình?
Thời
điểm đó, tôi đang sống trong mối tình nghệ sĩ, là một cô gái khi nói
chuyện lỡ vung tay lên sẽ lập tức được người yêu nhắc nhở: “Đừng làm
thế, anh sợ lắm, trông đanh đá lắm, dữ lắm”. Anh muốn gò tôi vào khuôn
mẫu mang vẻ đẹp của một người đàn bà nhân hậu, nề nếp. Tôi cũng muốn
được như vậy lắm, nhưng ai sẽ nuôi tôi đây khi ông nhà nước không nuôi
tôi nữa? Chẳng có cách gì khác là phải bươn chải thôi. Khi tôi nói, tôi
phải làm cả phần việc của đàn ông, chính là nói đến cái mảng làm kinh tế
gia đình mà tôi buộc phải gánh này.
Khi thấy tôi làm kinh tế
thành công, người tình cũ của tôi phục lắm. Là một nghệ sĩ đích thực,
anh chẳng có chút khả năng nào để bung ra sống với thị trường. Đi chợ
còn không biết nói gì đến làm ăn! Sống đời nghệ sĩ phụ thuộc vào đồng
lương chết đói của nhà nước, anh chỉ có thu nhập thêm bằng cách viết
lách kiếm vài đồng nhuận bút còm. Anh không bao giờ làm ra đủ tiền bạc
để nuôi vợ con nên cũng không thể mang lại tự do cho mình. Đó là nỗi đau
của sự nghèo túng, bi kịch của dân trí thức một thời. “Giàu thì sang,
nghèo thì hèn”. Hình như cái “tích tắc” ấy cũng đã làm nên một vết rạn
trong mối quan hệ vợ chồng của anh. Người vợ quá vất vả vì phải bươn
chải, trong khi người chồng chỉ nghệ thuật hàn lâm đi mây về gió.
Anh
phân tích: “Về khả năng làm kinh tế, anh chịu thua em. Em may mắn hơn
anh rất nhiều. Từ hai bàn tay mình, em tạo được cuộc sống không phải chờ
đợi đồng lương bố thí, nghĩa là chính em đã cởi trói cho em, mang lại
cho em một thứ tự do vô giá”. Bởi một khi, còn phải việc gì cũng nhận,
thì còn phải ở trong vòng kiềm tỏa, phải báo cáo đi đâu, làm gì, phải
làm những điều không muốn, nghĩa là đã tự nguyện biến mình thành một thứ
nghệ sĩ công chức ngoan ngoãn vâng lởi. Sáng tạo nghệ thuật nỗi gì, bay
bổng thăng hoa thế nào được khi dạ dày rỗng, con cái đau ốm không thuốc
men?
Làm kinh thế thành công, tôi may mắn thoát khỏi sự chi phối
đó. Tôi không thể bắt ép mình đi làm đều đặn, đúng giờ như viên chức. Ở
nhà hát, cũng may là lãnh đạo biết, với tính cách của tôi, hãy để cho
tôi được tự do sáng tạo, đến ngày đến giờ phải mang tác phẩm về trình
diện. Vấn đề là chất lượng tác phẩm chứ không phải số lượng giờ giấc có
mặt tại nhà hát. Bởi khi làm tác phẩm, tôi tự đi tìm nhạc sĩ, tự mời đạo
diễn, tự dàn dựng tập ở đâu đó mọi người có biết đâu.
Tôi đã tự
quản lý được tôi bằng chính trách nhiệm người nghệ sĩ và năng lực chuyên
môn, hướng tới cái đích là được làm nghệ thuật theo cách của mình.
Tuy
nhiên, không phải ai cũng đứng vững được trong sự tráo trở của thời
thế. Cơ chế nửa bao cấp nửa thị trường làm điên đảo nhiều số phận nghệ
sĩ. Có người bung ra kiếm tiền miệt mài đến mức trở thành nô lệ của đồng
tiền, không bao giờ thấy đủ, càng nhiều càng ít. Được đào tạo làm nghệ
thuật nhưng người ta lại thành công, có tên tuổi trong những lĩnh vực
rất phi nghệ thuật. Có người lại hoàn toàn thụ động, bất lực trước nhu
cầu phải thay đổi cùng thời đại. Họ cam chịu đói nghèo, mòn mỏi chờ đợi
lương tháng với bao nỗi ấm ức cay đắng lặn sâu bên trong niềm tự hào hão
huyền.
Ngoài hai loại nghệ sĩ kể trên, còn một loại thứ ba nữa là
những kẻ cơ hội, nhân danh nghệ thuật, lách vào nghệ thuật để kiếm tiền
bằng mọi giá. Muốn kiếm được tiền, làm giàu bằng nghệ thuật thì phải có
quyền lực để đón lõng những dự án làm phim béo bở, phải luồn cúi nịnh
bợ để nhận được những vị trí thơm tho có màu. Để chiến thắng trong cuộc
bầu bán quyền lực, có đạo diễn đã không ngần ngại gì mà không đầu bù tóc
rối lao vào tranh giành đấu đá đồng nghiệp. Một đạo diễn khác lại khắc
họa lên một hình ảnh vật vờ ở các thềm hội nghị để vận động, xúi bẩy,
kích bác đối thủ. Say sưa với việc tranh giành quyền lực, họ không biết
rằng, chính họ tự biến mình thành một thứ trò hề lố bịch, một thứ lẩm
cẩm không biết mình là ai, mình đang ở đâu? Mà khổ thật, thời của họ đã
hết sao vẫn cứ tham vọng để bị lố như thế. Còn ham hố thì làm sao có thể
thư thả thanh nhàn hưởng tuổi già! Sao không đi chơi bạn chơi bè, đi du
lịch cho thanh thản, có tốt hơn không?
Mục kích những cảnh đó,
càng ngẫm tôi càng thấy con đường mình đã chọn là chính xác. Nếu tham
vọng lớn quá, không đạt được, tự mình đẩy mình vào bi kịch thành thằng
hề cho thiên hạ. Tôi may mắn thoát được cái bẫy của ham hố danh lợi. Bởi
một khi còn ham hố thì còn phải lụy đời. Phải lấy lòng chiều nịnh cấp
trên, không được chống lại, không được phản đối. Phải nhún mình thì
không còn là mình.
Tôi tự hào có thể nói không với những người mời
tôi cộng tác mà chẳng ngại vì bị từ chối, lần sau họ sẽ không mời mình
nữa. Không mời cũng không sao, vì tôi có ham đâu. Thế là mang tiếng tính
khí ngang ngạnh, ương bướng. Thực ra tôi nghĩ đơn giản, chính năng lực
chuyên môn, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc mới làm nên nhân
cách của người nghệ sĩ.
Có hai lĩnh vực Nghệ thuật và Tình yêu,
tôi là người phụ cả hai. Với tình yêu, tôi được yêu, với nghề nghiệp, sự
thành công đến quá dễ dàng… thế mà tôi cũng xuống tóc bỏ hết. Như muốn
lánh đời… Tại sao vậy?
Thời còn làm nghề, đọc kịch bản thấy không
hay hoặc bàn bạc với đạo diễn về nhân vật mà bất đồng ý kiến, tôi tự
nguyệt rút lui. Bởi vì, ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã đủ sức nghĩ: làm
phim là một công việc cực kỳ vất vả, nặng nhọc, không giờ không giấc…
nếu không vì vài trăm đồng tiền công ít ỏi thì vì cái gì? Cái còn lại
sau mỗi lần xả thân đóng phim ấy là gì? Để lại một tác phẩm nghệ thuật
đỉnh cao hay một tài năng ư? Tôi không dám nghĩ đến những điều đó. Vậy
thì, khi đã tận dụng tuổi trẻ để làm việc, chí ít mình cũng có quyền
mong nó phải thoả mãn được chính mình chứ! Có thế tôi mới nhận làm, có
thế mới không phí sức mình.
Tôi biết, không phải ai làm nghệ thuật
cũng nghĩ như tôi Khanh chẳng hạn, cứ được mời là ô-kê, vai nào cũng
nhận “Thôi bác ạ, em là cứ năng nhặt chặt bị, vai nào cũng được, phim
nào cũng được, rồi em tự cứu em sau, còn đạo diễn em không quan tâm”.
Còn tôi, nếu thấy đạo diễn không phải là người vượt trên mình một cái
đầu về tri thức, ít nhất cũng là tri thức điện ảnh, tôi đành từ chối. Kể
cả quay rồi cũng phải bảo: “Cháu không thể làm được đâu, làm rồi hỏng
phim của các chú ra”. Mỗi khi tôi co vào như thế, mẹ tôi, một người đam
mê nghiệp diễn cháy bỏng, bảo: “Cuộc đời mày quá như là được người ta
trải thảm đỏ mà bước, thế mày còn khủng khỉnh cái gì!”. Có lẽ, tôi không
thể hợp được mẹ là vì thế.
Thử xem người ta đã “trải thảm đỏ” cho
mình như thế nào? Mình làm việc quá vất vả, thức đêm thức hôm ngồi chờ
quay đến đỏ ngầu cả mắt lên, thế mà các ông ấy chưa thèm chuẩn bị xong
máy móc đèn đuốc. Lắm hôm rét mướt, muỗi đốt tê tái, vẫn phải chờ. Đến
lúc được quay thì người mình đã trở nên mụ mẫm, đờ đẫn. Lại phải gồng
lên để không phụ lại cái công sắp đặt của mọi người. Bởi lẽ, nếu mình
nói, tôi mệt quá rồi, không còn cảm xúc nữa, không nhập vai được nữa,
thì làm thế nào? Thì phụ hết cả công của mọi người à? Thật là khổ. Khổ
cho mình và khổ cho tất cả. Người diễn viên có phải là cái máy đâu? Nếu
mình phản ứng một chút thôi là mất hết cảm xúc, nên không dám hé răng.
Trong lòng bực bội kinh khủng vì đôi khi không được tôn trọng, nhưng lại
nghĩ, khi lên màn ảnh, cái người ta xem chính là người diễn viên. Mình
xuất hiện trên hình, chứ người ánh sáng, người quay phim có phải chịu
đâu. Người xem không cần biết cảnh này cô này diễn không được vì. Ông
đạo diễn không biết chỉ đạo, ông quay phim không biết quay! Mình phải là
người chịu trách nhiệm trực tiếp đến hiệu quả cảm xúc của khán giả.
Nhưng họ có cần hiểu như thế đâu. Họ cứ để mặc cho mình vật vã, khô kiệt
đi vì chờ đợi, rồi nói đơn giản: “Xong rồi, quay đi”, mặc kệ lúc đó là
ba hay bốn giờ sáng. Thế là thường. Và cứ phải tự nhủ: “Thôi nhé, phải
kiềm chế thôi, nếu không thì tiêu tan hết”. Sau khi kiềm chế được sự tức
giận của mình, lại phải bắt nhịp vào nội tâm nhân vật, băng qua, nuốt
vào tất cả những cục ức kia để được thật ngọt ngào, thật sống động trên
màn ảnh. Ngẫm lại cái đời diễn viên Việt Nam khổ thật, mà đâu đã được
quay ngay, tập chán chê không phải chỉ cho mình mà là tập cho các bộ
phận khác ăn khớp với nhau nữa, cho đến xơ xác khô kiệt cảm xúc đi, đến
lúc sắp gục xuống thì mới bắt đầu nghe thấy lệnh của đạo diễn lạnh như
từ cõi âm: “Máy!”. Tiếng máy quay chạy xè xè trong đêm nghe rõ mồn một.
Nếu không gồng được mình thì hỏng luôn cảnh diễn đó…
Trong cái bối
cảnh làm nghệ thuật kiểu cẩu thả, được chăng hay chớ này, có cố cũng
không hơn được, và không biết bao giờ mới thay đổi để hơn được. Nghĩ
mình chưa làm được gì, chưa làm gì ra hồn. Làm ra một bộ phim đâu phải
chỉ có riêng mình, đâu phải mình muốn làm hay mà nó thành hay được. Công
việc không độc lập, mình phải phụ thuộc rất nhiều vào người khác. Bên
múa thì là biên đạo múa, là âm nhạc, bên phim còn nhiều hơn. Cho nên,
nếu là người nghiêm khắc với bản thân thì mình nên thôi. Giống như ông
Dương Trung Quốc, nhà sử học dạo này rất hay xuất hiện trước truyền
hình, có nói rằng, các bộ trưởng, các lãnh đạo của ta không có văn hóa
từ chức. Nghe thế, tôi thấy, có lẽ mình cũng là người có lương tri, vì
mình “biết từ chức”, thôi không làm nghề nữa.
Có lẽ, cái giá trị
nhất với tôi trong những ngày đi đóng phim là những kỷ niệm. Mỗi một
cảnh có mình, khi xem lại, tôi đều nhớ lúc quay cảnh đó ra sao. Đặc biệt
nhớ lại tuổi trẻ của mình. Non nớt có, ngờ nghệch có. Ngay từ ngày ấy,
tôi đã có ý thức nâng niu gìn giữ tất cả những tấm ảnh, những bài báo
thời gian làm phim và các thành viên đoàn phim. Chúng tôi gắn bó với
nhau đến cả vài tháng trời, cùng làm việc rồi lại tan ra mỗi người đi
một hướng. Ngay từ thời đó, tôi luôn nghĩ phải gom lại, giữ lại tất cả
những kỷ niệm này, nó sắp hết rồi. Phim quay xong, lại sang một đoàn
khác, có những kỷ niệm khác. Trong tôi luôn có một sự gấp gáp thôi thúc
nhắc nhở rằng đây là những kỷ niệm sẽ để lại trong mình mãi mãi…
Vì
thế, khi cắt tóc bằng tông đơ, chẳng còn chút lưu luyến nào, với cả sân
khấu lẫn điện ảnh nữa… là cũng phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng
tinh thần chứ không dễ dàng gì.
Gia đình tôi bảo tôi dại, giá mà
cố nấn ná thêm một năm nữa rồi hãy dừng, tôi sẽ có tất cả. Mọi người
muốn nói đến danh hiệụ Nghệ sĩ Nhân dân như đã ở trong tầm tay. Tôi biết
điều đó.
Chẳng phải vận động ai, xin xỏ ai. Đến kỳ hạn chắc chắn
họ sẽ xét đển. Tội tự thấy chứ không phải tôi tự mãn. Mọi người tiếc vì
tôi đã để trượt khỏi tay cái mà mọi người thèm muốn và rất khó khăn mới
đạt được. Nhưng tôi lại nghĩ khác.
Tôi hỏi bố, một Nghệ sĩ Nhân
dân về hưu rằng: Nghệ sĩ Nhân dân như bố để làm gì hay chỉ là cái danh
hão? Và cụ phải công nhận, đúng thế thật. Bây giờ nhà cửa không có,
không nương tựa vào con cái, làm sao sống được bằng chút lương hưu còm!
Thế chẳng phải danh hão ư? Tôi không thích cái danh hão ấy. Còn cô
Khanh, con đường nghệ thuật còn dài, được phong Nghệ sĩ Nhân dân rồi,
thế là hết ư? Chẳng còn danh hiệu nào để phấn đấu nữa à? Nếu vẫn muốn
phấn đấu nữa thì sao? Không hơn được nữa à? Với tôi, sẽ là quá chán, quá
nhàm nếu phải nấn ná thêm một hai năm nữa chỉ để đạt cái NSND rồi thôi,
vì đến đỉnh rồi! Cái chính là trong con người mình còn muốn một cái gì
đó hơn thế, và tôi đủ tỉnh táo để thấy mình không thể đạt được cho nên
tốt nhất là dừng. Dừng một cách nhẹ nhàng, thanh thản không nuối tiếc.
***
Không
phải vì nhìn thấy mặt sau của những tấm huân chương dành cho những
người giả danh nghệ sĩ bước lên bục vinh quang; chứng kiến những thực tế
bất nhẫn trên trường quay của những người tự cho là văn hóa, nhân văn;
hít thở hàng ngày cái không khí nghệ thuật chộp giật sặc mùi “mỳ ăn
liền”… khiến tôi bải hoải cạn kiệt niềm tin, mà còn có một cái gì đó sụp
đổ, bục vỡ ở những chiều kích lớn lao hơn, khó nắm bắt hơn dẫn đến nỗi
chán chường vô phương và làm tôi gục ngã hoàn toàn.
Nghệ sĩ, theo
tôi, nhất định phải là những kẻ sáng tạo. Ví dụ, một cuốn phim ra đời
nghĩa là người đạo diễn phải đưa ra được một thông điệp mới hoặc một
phương pháp biểu hiện mới. Nếu không làm người xem thay đôi được nhận
thức, chí ít cũng phải mang lại những rung cảm thẩm mỹ nhất định.
Một
tác phẩm điện ảnh không thể đơn giản là kể lại một câu chuyện phim.
Điện ảnh Việt Nam, đáng tiếc, mới chỉ mới dừng lại ở mức kể một câu
chuyện bằng hình ảnh. Có đạo diễn biết kể một cách thông minh, tinh tế,
người khác lại kể một cách thô thiển, vụng về. Hiếm hoi lắm mới có đạo
diễn kể được câu chuyện phim một cách hấp dẫn hay ấn tượng. Và trên hết,
các đạo diễn Việt Nam đều muốn truyền đạt một thông điệp to lớn mang
tính nhân loại, nhưng cứ vá víu, loạng quạng chẳng đến đầu đến đũa gì
cả.
Bản thân tôi, tuy đi theo nghệ thuật một cách tình cờ, nhưng
khi đã xác định dấn thân, với bản tính đàn ông, tôi luôn có nhu cầu
nghiên cứu tìm tòi cái mới và muốn được làm việc với những cộng sự giống
mình. Bởi vậy, tôi đã bị tác động rất mạnh khi gặp được những giải đáp,
băn khoăn của mình từ một đạo diễn nước ngoài, ông khiến tôi như bị một
cú đánh thức tỉnh khỏi cơn mộng dài u mê. Những bộ phim của ông đã đánh
gục tôi hoàn toàn. Đó là đạo diễn Trương Nghệ Mưu của Trung Quốc. Ngay
từ bộ phim đầu tiên của ông ta chiếu ở Việt Nam, tôi đã bị chinh phục
hoàn toàn. Lập tức, tôi tìm xem tất cả những phim của ông với lòng say
mê ngưỡng mộ vô cùng.
Tôi thầm nhủ, trời ơi, đây chính là thứ điện
ảnh mà mình mong muốn cho Việt Nam. Đây chính là thứ thẩm mỹ nghệ thuật
mà mình mơ ước được cống hiến. Giá như mình được làm việc với những đạo
diễn như thế này…
Xuất thân là một nhà quay phim nhưng ông không
ngừng tìm tòi, học tập để xuất hiện như một nhà làm phim có đẳng cấp
quốc tế. Mỗi cuốn phim mới của ông là một sự phủ định cái trước. Ông tìm
tòi cái mới mà không hề sợ thất bại. Ông đã đánh trúng vào nỗi khao
khát của tôi về một thứ thẩm mỹ nghệ thuật kiểu như thể. Đúng là tôi bị
sốc nặng. Sau cú sốc, tỉnh mộng, tôi nhìn lại mình, nhìn lại những bộ
phim mình đã làm và nhìn rộng ra toàn cảnh bức tranh điện ảnh Việt Nam,
tôi đau xót nhận ra một sự thật: những thứ đó chưa phải là nghệ thuật
điện ảnh.
Tôi thấy mình như bị tắc tị, bị rơi vào ngõ cụt. Không lối thoát.
Tôi
chỉ muốn gào lên với các đạo diễn Việt Nam rằng: các anh ơi, hãy tìm
tòi đi, sáng tạo đi, tìm ra một lối thoát cho điện ảnh Việt Nam đi… Nói
thế, khác nào yêu cầu: các đạo diễn Việt Nam ơi, hãy có tài đi! Sao anh
chẳng chịu học chịu tìm tòi để cho tôi được đóng góp cái phần nhỏ bé của
tôi: Và vì biết rằng không bao giờ tôi đủ dũng cảm để đưa ra cái đòi
hỏi chính đáng ấy, nên chỉ có một phản ứng yếu ớt: câm lặng, xuống tóc,
tự tiêu diệt con người sáng tạo của mình bằng cách thôi không đóng phim
nữa. Làm sao có thể nói lên điều đó với mọi người, với tất cả những khán
giả đã đặt niềm tin vào tôi và yêu mến tôi. Tôi âm thâm vụng trộm mơ
ước đến ngày điện ảnh Việt Nam cho ra đời một đạo diễn đầy cá tính,
thích phá phách kiểu như thế. Cứ cho là không thể thành công ngay, nhưng
chí ít, họ cũng dám sáng tạo, khai hoang tìm một con đường đi của riêng
mình.
Trương Nghệ Mưu đã đạt tới mức chơi nghệ thuật, chơi phim,
chứ không phải là làm phim hay đóng phim. Có một chút gì đó như là ma
lực trong cách chơi màu sắc của ông, qua đó, ông đưa đển cho người xem
một sự thỏa mãn thăng hoa về thẩm mỹ nghệ thuật. Rõ ràng là có sự sắp
xếp bố trí đầy chất hội hoạ của người đạo diễn trong từng cảnh nhỏ. Ông
đã học được tiết tấu dựng phim của Mỹ, phối hợp giữa nhạc với hình, giữa
chất trữ tình với chất hành động, đặc biệt là chất lượng âm thanh. Tất
cả đều nhắm đến mục đích tối thượng: cho khán giả thưởng ngoạn nghệ
thuật chứ không hề làm họ bị nhàm chán hay căng thẳng.
Với điện
ảnh, tôi thường phải xem phim rồi tự học. Tiếc là tôi cũng chỉ học được
phần diễn xuất thôi chứ không thể học được phần của đạo diễn. Và tôi tâm
niệm một điều, một khi đã mang danh là đạo diễn phim, chí ít, cũng phải
biết chơi phim như là Trương Nghệ Mưu vậy! Ở Việt Nam, tôi là một diễn
viên may mắn vì được làm việc với hầu hết những đạo diễn “cỡ mét”, nhưng
từ thời điểm mà ông đạo diễn họ Trương xuất hiện, tôi buộc phải nhìn
lại và nhìn thẳng vào một thực tế: Việt Nam chưa có đạo diễn điện ảnh
theo đúng nghĩa.
Sẽ thật khôi hài nếu nói tôi bỏ nghiệp diễn chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu!
Nhưng,
đúng là như vậy đấy! Ông thức tỉnh tôi đồng thời cũng giết chết những
khao khát làm nghề của tôi. Tại sao lại là ông? Trên thế giới còn có
biết bao nhiêu đạo diễn tài năng xuất chúng khác? Bởi vì, thứ nhất, ông
là người châu Á da vàng mũi tẹt tóc đen như mình, rất gần gũi với mình.
Ông xuất thân từ một đất nước có tầm văn hóa đời sống và văn học nghệ
thuật đương đại đang phát triển như mình. Nghĩa là, không thể nói ông là
kết quả của nền giáo dục đào tạo của Trung Quốc. Tất cả là do nỗ lực cá
nhân. Ông ta muốn phá phách, nổi loạn, tìm tòi. Ông là niềm mơ ước
không chỉ của điện ảnh Việt Nam mà còn của khán giả yêu điện ảnh
Việt Nam. Bởi phim của ông rất gần gũi với người châu Á, mang đậm chất
phương Đông. Tại sao đạo diễn mình không học? Đạo diễn mình sao không
chịu học?
Hãy nhìn xem cô sinh viên năm thứ hai Củng Lợi, được rơi
vào tay một đạo diễn tài năng, cô đã trở thành siêu sao quốc tế như thế
nào? Tất nhiên, trong cô đã có sẵn ngọn lửa tài năng, là nền tảng để
người đạo diễn khơi dậy và thổi nó lên thành một ngọn lửa lớn. Người
diễn viên có giỏi đến mấy, nếu rơi vào tay một đạo diễn tồi thì chỉ có
trời cứu!
Và những diễn viên Holywood, vì đâu họ được hưởng thù
lao đến hàng triệu đô? Bởi vì họ chuyên nghiệp. Họ xứng đáng được hưởng
thù lao như thế. Ngoài tài năng bẩm sinh, họ còn được đào tạo cực kỳ cẩn
thận để trở thành những diễn viên toàn năng. Đâu phải cứ nhặt ngoài
đường một cô xinh xinh đưa lên màn ảnh là thành vai chính luôn. Thậm chí
thành sao, siêu sao nữa. Làm được diễn viên chính đâu thể là chuyện đơn
giản đến thế. Nhất là tạo dựng lên được một ngôi sao. Phải có tài năng,
phải có nỗ lực lao động nghệ thuật phi thường… Ngay đến như Củng Lợi,
ban đầu Trương Nghệ Mưu cũng chỉ dám tiên đoán: “Cô ấy có một số phẩm
chất của một ngôi sao! Và tôi nghĩ cô ấy sẽ trở thành một ngôi sao”. Giờ
thì cô ấy đã đi được trên đôi chân của mình rồi, bởi một khi thực sự có
tài năng, người ta sẽ không bị thụ động trước một đạo diễn tài năng
nữa.
Ngẫm lại các vai diễn của bản thân mình từ bấy lâu nay, hình
như nó không phải là điện ảnh hay sao ấy? Vậy nó là cái gì nhỉ? Hóa ra,
chính mình vì may mắn và được ưu ái mà nổi lên thôi. Người ta nhặt tôi
về, biến tôi thành những chị Dậu, chị Duyên. Rồi nương theo đó, tôi cũng
đã hồn nhiên tự nhận về mình nhiều thứ. Trong suốt những năm tháng tham
gia đóng phim, tôi cũng đã rất ý thức với việc chọn lựa vai diễn, chọn
lựa đạo diễn, rồi lao động hết mình cho bộ phim để không bị rơi vào sự
sáo mòn tầm thường. Thế mà bây giờ nhìn lại, hình như vẫn chỉ là nghiệp
dư. Phải dừng thôi. Tất cả những ý nghĩ này tôi chẳng dám thổ lộ với ai,
chỉ phản ứng bằng cách tự hành hạ bản thân. Tức là đoạn tuyệt. Bởi có
tiếp tục nữa, cố gắng nữa cũng chỉ đến thế mà thôi. Nhiều khả năng là
chẳng được như thế nữa.
***
Số tử vi của tôi là vũ khúc tam
lang, hoàn toàn làm công tác nghệ thuật mặc dù đâu có muôn, đâu có yêu.
Là đàn bà nhưng lại dương nữ, mang tính khí đàn ông. Thân lập thân chứ
chẳng nhờ vả được ai. Có chút tài hoa. Con đường nghệ thuật ngắn. Sự
nghiệp đang lên thì dừng đột ngột. Tại tử vi nói thế hay là…
… chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu!