Venise và những cuộc tình Gondola - Phần 04 chương 4 - 5
Bruges thanh thản
Nhắc đến Vương quốc Bỉ,
ngoài thủ đô lừng danh Bruxelles ra, hầu như ai cũng nhớ ngay
đến Bruges. Năm 2000, tôi từ Pháp lặn lội sang Bỉ bằng xe đò cũng với
ước vọng được nhìn thấy Bruges, thành phố nên thơ tôi bắt gặp trong cuốn
tạp chí về du lịch. Những bức hình về Bruges cho thấy đây là nơi dù ai
có “máu lạnh” đến mấy cũng phải chùng lòng tự nhủ rằng “thiên đường là
đây”. Bruges được mọi người đặt biệt danh “Venise phương Bắc”. Nhắc đến
Venise người ta liên tưởng ngay đến hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đến
những chiếc cầu và sóng nước rì rào. Nhưng đến Bruges rồi tôi “mạnh
miệng” tuyên bố: Venise không sánh bằng!
Hành trình đến Bruges
Từ
thủ đô Bruxelles, tôi lấy xe lửa đi Bruges. Ở nhà ga có khá nhiều khách
nước ngoài đứng chờ giống tôi. Ai cũng háo hức “Bruges vừa được UNESCO
công nhận là di sản văn hóa thế giới đó!”. Tàu đi được nửa đường thì gặp
sự cố kỹ thuật, khách leo xuống đón chuyến khác. Loa ở các nhà ga nói
bằng thứ tiếng khó hiểu, vừa như tiếng Pháp, lại xa lạ như tiếng Hà Lan,
lóng tai nghe một hồi thấy giống tiếng Anh. Tôi bối rối hỏi một người
Mỹ có thái độ rất tự tin giữa đám khách bát nháo “Anh hiểu gì không?
Chừng nào đón chuyến xe lửa khác?”. Anh chàng tỉnh rụi “Cứ đi theo tôi
là yên tâm! Dù tôi cũng chẳng hiểu nổi thứ ngôn ngữ quái dị trên loa”.
Tôi nhảy dựng lên “Vậy sao tôi yên tâm được, lạc rồi sao?”. Anh chàng
nhai kẹo cao su nhóp nhép “Thì chúng ta cùng lạc, không thấy thú vị
sao?”. Tôi lườm anh ta rồi bỏ ra một góc ngồi. Có một chuyến tàu đến,
mọi người lục tục nhảy lên, chàng người Mỹ quay lại nhìn tôi “Quyết định
nhé! Theo tôi hay là chết!”, giọng điệu cao bồi của chàng y như trong
phim Hollywood. Tôi nhảy lên theo, mặt bí xị. Tôi tự trách mình quá lơ
ngơ khi du lịch, trong khi giới trẻ thế giới tôi gặp dọc đường “gió bụi”
lúc nào cũng tự tin. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm “lang thang” tôi
nhận ra rằng dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có những nguyên tắc
chung. Một khi đã hiểu những nguyên tắc đó, không có gì là khó khăn cả.
Ngoài ra, sự bình tĩnh cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp ta xoay sở
trong mọi tình huống dù xấu nhất.
Hãy cô đơn cùng Bruges
Bruges cuối
cùng cũng hiện ra, tôi nhảy xuống ga và đeo ba lô dấn bước. Chàng người
Mỹ khều vai “Đi theo tôi hay là chết?”. Tôi bật cười “Chết”. Mặt chàng
tỉnh rụi “Tốt” rồi xoay người bỏ đi. Thật ra hồi đó tiếng Anh của tôi
còn tệ quá, nếu không tôi dám theo chàng để cùng khám phá Bruges rồi.
Nhưng thôi, Bruges là nơi người ta nên lang thang một mình, nơi bất kỳ
người bạn đường nào dù hợp đến đâu cũng sẽ làm cản trở. Đôi khi cô đơn
là một cái thú, một cái thú vô cùng… sang trọng. Sở dĩ tôi tuyên bố như
vậy vì hai năm sau tôi có dịp quay lại Bruges. Lúc đó tôi du học ở Liège
và đến Bruges cùng một nhóm người Việt Nam. Sự bát nháo của một nhóm
người làm thành phố trở nên vô duyên. Chẳng ai kịp lắng lòng để cảm
nhận Bruges thật gần. Mọi người nhí nhố lo chụp hình, cười nói oang oang
và lao vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm chọn hàng inh ỏi. Dân châu Âu
thường đi du lịch một mình. Một ba-lô, cuốn sách hướng dẫn trên tay, họ
chậm rãi tham quan và gật gù tâm đắc. Đó là lúc Bruges bắt đầu thấm vào
đầu, vào máu và vào tim.
Bức tranh thiên nhiên vượt mọi ngôn từ
Bruges có
những cánh rừng xanh mượt, hoa dại mọc hoang sơ, rêu phong bám lên cây
bao quanh thành phố, lang thang một chút trong rừng, nghe tiếng chim
hót, mục kích những chú sóc chuyền cành và cúi xuống ngắt một cành hoa.
Tôi ngỡ mình là một nhân vật cổ tích, hoặc nhí nhảnh hơn, giống cô bé
Quàng Khăn Đỏ. Cảnh vật xinh đẹp này sẽ dễ dàng làm người ta quên hết
những mục đích phải làm, cô bé ham rong chơi không màng đến bà ngoại là
vì thế. Và tôi cũng gần như quên bẵng mình phải vào bên trong thành phố
để ngắm Bruges gần hơn. Bruges đây rồi, thành phố bé nhỏ với những con
kênh xinh xắn và những ngôi nhà phủ rêu cổ kính có từ thế kỷ XV. Chẳng
khác chi cổ tích với những đàn thiên nga thong thả dạo chơi, những chiếc
cầu bằng đá cong cong duyên dáng và những bông hoa e dè ven
bờ. Bruges hầu như chỉ phục vụ cho du lịch và người dân hoàn toàn tận
tâm cho sứ mệnh của mình. Ven thành phố vẫn còn những nhà máy bia tươi
dùng để “đãi” khách và cả xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Băng qua một
chiếc cầu bé xinh trong một con hẻm vắng lặng, tôi “chết trân” chợt nhận
ra một dòng kênh phủ rợp những lá bèo xanh rì. Con kênh nhỏ cho tôi một
bức tranh khó dùng từ để tả: Những cánh cửa sổ gỗ nâu, trên bệ là những
chậu hoa đỏ, dàn dây leo bám vào tường rung rinh trong gió, một chú vịt
con từ đâu chui ra “cạp cạp” thân tình. Tôi chụp hình nhưng nhận ra
ngay mình thất bại, không một ống kính chuyên nghiệp nào có thể thu vào
bức tranh thiên nhiên nơi đây. Làm sao nghe hơi gió thoảng, làm sao cảm
nhận được mùi hương trong lành, làm sao có được tiếng vịt con dễ thương?
Chuyến
đi đến Bruges năm đó mãi khắc sâu trong tôi dù lần thứ hai quay
lại Bruges không thay đổi gì. Nhưng lòng tôi đã đổi, tôi không còn nghe
được ngôn ngữ của thiên nhiên vì mãi bận tâm lo sách vở bộn bề. Tôi chỉ
nằm lăn ra cỏ, ước được tan ra cùng đám sương trong lành. Tôi tự nhủ, sẽ
chỉ đến đây nếu đang thanh thản. Quẳng gánh lo đi và Bruges sẽ chào đón
bạn.
Đến Ostend tắm biển
Ở
châu Âu, nhất là những nước phía Bắc, hầu như mọi người chẳng ai tắm
biển dù là mùa hè. Đơn giản vì… lạnh quá! Muốn tắm biển họ phải đi xuống
các nước miền Nam. Tuy vậy, những ai “xâm mình” vẫn có thể tắm và nằm
phơi nắng hẳn hoi. Ở Bỉ du học gần một năm, sinh viên trong ký túc xá
của tôi chẳng ai nghĩ đến chuyện tắm biển. “Đùng một cái”, quản lý ký
túc xá ra thông báo “Đến Ostend tắm biển, hãy tận dụng những tháng nóng
nhất trong năm!”.
Bikini hứa hẹn
Vậy là mọi người ai cũng
nôn nao, đi tắm biển Bắc Hải (North Sea), thật không phải chuyện đùa!
Marie, cô gái phụ trách tổ chức “event” của ký túc xá họp chúng tôi lại.
Cô đề nghị vào ngày chủ nhật gần nhất, theo dự báo thời tiết trời rất
đẹp, mọi người sẽ lên đường đến Ostend, thành phố sở hữu bờ biển dài
nhất nước Bỉ. Chúng tôi sẽ đi bằng xe lửa, mua theo nhóm nên giá khá rẻ,
mọi người góp thức ăn vào theo dạng pic-nic và Marie sẽ tổ chức nhiều
trò chơi vui nhộn trên biển. Mọi người ai cũng háo hức, các chàng trai
bộc lộ không thèm che giấu “Cả năm nay sống gần mấy nàng mà không được
thấy tí da thịt nào. Kỳ này đi biển nhớ cho tụi tôi… mãn nhãn nhé!”.
Tưởng các anh bị la ó, ai ngờ phái nữ ủng hộ nhiệt tình và kéo nhau đi
mua… bikini!
Tắm biển mà run
Sáng chủ nhật hôm đó trời
trong, mây trắng, nắng vàng. Thật lý tưởng để đi tắm biển. Tôi mặc một
áo đầm hai dây ngắn trên gối, mang “dép lào” thoải mái. Cả nhóm lên xe
lửa bắt đầu cuộc hành trình từ Liège ngược lên phương Bắc xa xôi. Càng
đi trời càng xám dần, gió càng thổi mạnh, nắng càng héo úa.
Đến Ostend sau gần hai tiếng đồng hồ, thành phố biển đón chúng tôi nồng
nhiệt đến mức, ai cũng run lên cảm động. Cả nhóm đi sát vào nhau, thậm
chí ôm ấp nhau, thỉnh thoảng phải nhảy chân sáo. Một cách thành thật
nhất, tôi rên lên: Lạnh quá! Thế là cả đám nhao lên đồng
tình. Ostend thật khác xa với trí tưởng tượng, trước hết là thời tiết.
Dù đang hè, dù nắng có vàng ở đâu thì Ostend trời vẫn lạnh khoảng hai
mươi độ. Nhất là chúng tôi ai cũng diện thời trang biển với nào quần
đùi, áo thun ba lỗ, áo hở rốn. Mọi người đành lôi khăn tắm ra choàng lên
vai và vận động liên tục bằng cách chụp hình loạn xạ.
Chúng tôi
đi dọc theo bến cảng, ngắm nhìn những chiếc thuyền tuyệt đẹp và những
con chim biển bay ngay sát trên đầu. Bãi biển gần nhất nhà ga đã xuất
hiện, và ngạc nhiên thay, có một số người đang chạy nhảy trên cát và mặc
đồ tắm lao xuống biển lạnh. “Tụi khùng!”, nhóm chúng tôi bật cười nhưng
rồi ai cũng nhào xuống cát, đùa nghịch cho quên những làn gió biển rợn
cả người. Chụp hình! Chụp hình! Phải chụp hình khoe được tắm biển Bắc
Hải, biển lạnh của Ostend! Cát ở đây khá đẹp, thuộc loại mịn nhất châu
Âu. Ostend thu hút khá đông khách du lịch từ các nước phương Bắc như Na
Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan… Đối với họ, biển Ostend … quá ấm!
Vì thế, họ càng lúc càng kéo xuống bãi đông hơn. Ostend không có dịch vụ
cho thuê dù và ghế bố, ai muốn ngồi thì cứ trải khăn ra. Một anh chàng
trong nhóm chúng tôi lao xuống biển vùng vẫy được ít phút đành phải vọt
lên bờ “Cũng thỏa một lần trong đời ngâm mình trong Bắc Băng Dương!”. Cả
đám cười ồ, rủ nhau xuống biển… ngâm chân rồi vội vã ngược lên run lập
cập.
Ăn sea-food bịp
Chúng tôi ai cũng đem theo đồ ăn nhưng
do ngồi ở bãi biển gió thốc lạnh quá, chẳng ai còn sức trụ lâu nên mọi
người quyết định lên bờ kè dọc theo biển mua sea-food ăn. Ostend có dãy
nhà mọc sát biển khá đẹp mắt, đa phần đều dùng vào mục đích thương mại.
Đó là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo thời trang, nhà hàng, quán
bar…. Không có tiền vào nhà hàng hải sản, sinh viên chọn các quầy ẩm
thực bán trong các xe di động đậu dọc theo bãi biển. Dãy xe ẩm thực này
kinh doanh khá thành công vì khách du lịch phải rồng rắn xếp hàng. Giá
bình dân, được ghi rõ ràng trên bảng “súp cá: 2 euros/chén”, “hải sản
thập cẩm: 4 euros/tô,” “khoai tây chiên: 2 euros/gói,”. Trong quầy, các
hải sản thập cẩm có con tôm đỏ hồng xinh đẹp, thèm quá! (Ở Bỉ tôi không
dám ăn hải sản tươi vì rất đắt, chỉ toàn ăn đồ hộp, đồ đông lạnh). Chúng
tôi quyết định nhóm nhỏ bốn người Việt Nam cùng hùn tiền mua một chén
súp, một tô hải sản thập cẩm và một gói khoai tây chiên. Mỗi người xếp
hàng tại ba quầy khác nhau, tôi đứng ở quầy bán khoai tây chiên. Anh bán
hàng chỉ tay bảo khách chú ý nhìn kỹ tấm bảng. Trên đó anh ghi ba thứ
tiếng Pháp, Hà Lan và Anh. Các loại sốt được vẽ kèm theo một ngón tay,
hoặc hai, ba ngón tay. Ví dụ ăn khoai tây chiên với sốt mayonais khách
sẽ giơ một ngón tay lên, muốn ăn với sốt cà chua thì giơ hai ngón tay,
sốt mù tạt là ba ngón tay. Cứ thế, khách và người bán chỉ việc ra dấu,
khỏi phải vướng rào cản ngôn ngữ vì Ostend là vùng nói tiếng Hà Lan còn
khách du lịch thì tứ xứ. Thật là một “phát minh” ngồ ngộ, chỉ thấy
ở Ostend.
Sau khi mua xong sea-food. Bốn sinh viên Việt Nam chúng
tôi tìm một băng ghế rồi chia nhau “bốc hốt”. Tô hải sản được “ăn đồng
chia đủ”. Con tôm đỏ hồng to lớn duy nhất được ngắt ra làm bốn. “Vị tôm ở
đây sao kỳ kỳ!”. Chúng tôi thốt lên. Không phải tôm không tươi, cũng
không phải tôm còn sống, mà là… tôm nhưng không phải là tôm. Đơn giản
thế này, con tôm ấy làm bằng… bột, được ướp hương liệu tôm và được vẽ
màu đỏ hồng lên trông y như tôm thật. Ở ngay thành phố biển mà còn bị ăn
tôm giả, chuyện như đùa! Thế mới biết giá hải sản ở châu Âu thật đắt.
“Hèn gì!”, một anh bạn vỗ đùi, “nguyên tô hải sản to đùng thế này mà chỉ
có bốn euros! Bọn Ostend này đểu thật!”. Nói vậy hơi oan cho
dân Ostend, vì tôi đã có kinh nghiệm ăn tôm bột ở Amsterdam. Ở đó con
tôm trông cũng rất “hoành tráng” nhưng cho vào mồm rồi mới biết là bằng
bột và hương vị tôm. Hậm hực vì món tôm giả, chúng tôi tìm đến chỗ cho
thuê xe đạp đôi bắt đầu dạo thành phố cảng.
Sầm uất phố cảng
Ostend vốn
chỉ là một làng chài bé nhỏ, thế mà ngày nay đây là một trong những
thành phố phát triển nhất của Bỉ nhờ vào ngành hàng hải, thương mại, du
lịch và dịch vụ. Phố xá thật sầm uất, hàng hóa tràn lan và trương bảng
hiệu hạ giá thật hấp dẫn. Khách du lịch đi theo dòng đông nghịt, chen
chúc khá chật chội. Đạp xe vài vòng ở đường bờ biển, chúng tôi quyết
định trả xe để chen vào các phố nhỏ bên trong. Việc đầu tiên chúng tôi
làm là lao vào một cửa hàng bán áo gió đại hạ giá để mua mỗi đứa một cái
áo chỉ với mười euros. Chiếc áo chưa đủ làm ấm nhưng có còn hơn không,
đủ để chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục Ostend. Mọi người chia
tay nhau, tự đi theo ý thích của mình và hẹn nhau cuối ngày ở ga cùng
quay về Liège. Tôi đi window-shopping, lang thang ở các phố, ngắm
dân Ostend năng động và phát hiện những bức tượng đặt rải rác trong
thành phố khá thú vị. Nghe đâu thành phố này từng làm một cuộc cách mạng
về nghệ thuật. Khi hoàng hôn xuống, tôi quay ra bãi biển ngắm những con
tàu đang neo đậu và đàn chim biển xao xác tìm đường về tổ. Thấm mệt,
tôi rag a và chỉ thấy mấy người bạn Việt Nam cùng hẹn quay về Liège,
những bạn khác ở lại đi bar, đi vũ trường và khám phá Ostend dưới những
“góc độ” khác. Mãi đến gần nửa đêm, khi tôi đang học bài mới nghe nhóm
này về, họ đi chuyến tàu cuối cùng, khen Ostend sôi động và còn chia sẻ
với tôi. “Ai biểu mày trong sáng quá làm chi!”, anh bạn người Algéries
cười tinh quái. Ostend trong mỗi chúng tôi là những cảm nhận rất riêng,
nhưng chuyến đi tắm biển lạnh mùa hè năm đó là kỷ nhiệm chung, thật
chẳng dễ xóa nhòa.