Người chậm - Chương 25 phần 1
Hai mươi lăm
Hôm đó là thứ Bảy, Marijana ở
trong phòng riêng với Drago, hai mẹ con nói chuyện giống như cãi vã.
Tiếng Marijana nhanh và khăng khăng, thỉnh thoảng cao vóng lên át tiếng
con trai.
Ljuba ở cầu thang, lóc cóc nhảy lên nhảy xuống các bậc.
- Ljuba! - ông gọi - Lại đây ăn sữa chua nào! - đứa bé phớt lờ ông.
Marijana từ phòng làm việc ra.
- Tôi để Ljuba ở đây được không? nó sẽ ở lại với Drago. Không phiền gì đâu. Lát nữa tôi sẽ quay lại đón cháu.
Ông
đang hy vọng nhận được từ Marijana chút gì hơn thứ ông trả tiền để chị
làm, có lẽ là một lần chăm sóc thân thể nữa, nhưng rõ ràng nó không đến.
Mỗi tháng hai lần, đều đặn như đồng hồ, một cơ chế ở nhà băng chuyển
tiền từ tài khoản của Rayment sang tài khoản nhà Jokic. Đáp lại khoản
tiền của ông, đáp lại việc Drago ở nhờ nhà ông, ông nhận được gì? Một
dịch vụ mua bán, ngày càng không đều, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thất
thường. Theo quan niệm của Marijana, đây là một cuộc mặc cả có lợi.
Nhưng theo lời bà Costello, nếu ông muốn làm cha, tốt hơn hết là ông tìm
ra cương vị làm cha thật sự, loại làm cha chẳng có gì huyền bí.
Marijana
vừa đi, có tiếng lao xao ở cầu thang, Ljuba lại xuất hiện cùng với bà
Costello và cậu bạn Shaun của Drago theo sau, hôm nay Shaun mặc áo phông
đen rộng thùng thình, quần lửng đến bắp chân.
- Chào Paul - bà Costello nói - mong là ông không phiền lòng vì chúng tôi tạt vào. Ljuba, cháu vào bảo Drago có Shaun ở đây.
Còn lại ông với bà ta, hai người lớn tuổi.
-
Cậu bạn Shaun không hẳn cùng tầng lớp với Drago - bà Costello nói -
Nhưng Chúa và các vị thánh thần hình như cũng thế, họ chọn những người
bình thường, khổ sở nhất để kết giao.
Ông nín lặng.
- Có một
chuyện tôi định kể, vì tôi nghĩ sẽ làm ông vui - bà ta tiếp - Chuyện
xảy ra đã lâu lắm rồi, từ hồi tôi còn trẻ. Một trong những anh chàng ở
phố tôi rất giống Drago. Cũng mặt đen, lông mi dài, tướng tá đẹp đẽ. Tôi
rất mê anh ta. Hồi đó tôi mười bốn tuổi. Còn anh ta lớn hơn một chút.
Trong những ngày đó tôi thường cầu nguyện “lạy Chúa,” tôi nói “xin Chúa
làm anh ta ban cho con chỉ một nụ cười, con sẽ là của Người mãi mãi”.
- Và?
-
Chúa chẳng chú ý gì, cả anh chàng kia cũng vậy. Chẳng ai màng đến niềm
khát khao trinh nữ của tôi. Thế là, than ôi, tôi chẳng bao giờ thành bầy
tôi của Chúa. Lần cuối cùng tôi nghe tin về anh chàng là anh ta đã lấy
vợ và chuyển đến Gold Coast, ở đó anh ta rất thành công trong kinh doanh
bất động sản.
Tất cả là một sự sai lầm: Thần thánh có thích người chết trẻ không?
Tôi
sợ lắm. Tôi sợ thánh thần chẳng có thời gian dành cho chúng ta, liệu có
tay đập tay xoa chúng ta không. Họ có đủ thứ rắc rối riêng trong cái
cộng đồng kín cổng cao tường của họ rồi.
- Không có cả thời gian kể cả với Drago Jokić? Đấy là lời răn trong câu chuyện của bà ư?
- Không có thời gian cho Drago Jokić, Drago có thời gian của riêng nó rồi.
- Giống như tất cả chúng ta.
-
Giống như tất cả chúng ta. Drago có thể thoải mái. Không bị lời phán
quyết cuối cùng treo lơ lửng trên đầu. Nó có thể là thủy thủ, là lính,
là thợ hàn hoặc thợ may tùy nó chọn. Thậm chí có thể kinh doanh bất động
sản.
Lần đầu tiên ông và mụ Costello có một thứ mà ông gọi là
chân thành, thậm chí tử tế. Lần duy nhất họ vào cùng một phe: hai ông bà
già kéo bè kéo cánh hậm hực với tuổi trẻ.
Có lẽ lời giải thích
thực sự vì sao bà già này lại đột ngột ghé thăm ông mà không đến nơi nào
khác: không viết về ông trong sách, nhưng lôi kéo ông vào hội già? Biết
đâu toàn bộ chuyện nhà Jokić, sự thiếu cân nhắc của ông dẫn đến niềm
say đắm vô ích với chị Jokić, kết cục chẳng là gì ngoài một đoạn văn
phức tạp mà Elizabeth Costello dùng để dẫn đường chỉ lối cho ông? Ông
tưởng Wayne Blight là người được chỉ định trong trường hợp của ông,
nhưng có lẽ tất cả bọn họ - bà ta, Drago, Wayne - đã hợp sức với nhau.
Drago thò đầu qua cửa:
- Shaun và cháu có thể xem máy ảnh của ông được không, ông Rayment?
- Được. Nhưng cẩn thận đấy, xem xong đặt trả vào hộp.
- Drago có quan tâm đến ảnh không? - Elizabeth Costello thì thào.
-
Nó thích máy ảnh. Nó chưa bao giờ nhìn thấy cái máy nào giống của tôi.
Nó chỉ biết loại mới, máy điện tử thôi. Với nó, một chiếc Hasselblad
giống như chiếc thuyền buồm hoặc tàu chiến cổ có ba tầng mái chèo vậy.
Một thứ đồ cổ. Nó cũng dành nhiều giờ xem hết chỗ ảnh của tôi, những bức
ảnh của thế kỷ XIX. Ban đầu tôi tưởng nó lập dị nhưng có lẽ nó không kỳ
quặc tí nào. Hẳn nó cảm nhận được cách thâm nhập vào quá khứ của
Australia, cội nguồn của Australia, các tổ tiên đa dạng, huyền bí của
Australia. Thay vì là một chàng trai di cư có cái tên buồn cười.
- Nó kể với ông thế à?
- Không, nó không kể với tôi. Nhưng tôi đoán ra. Tôi có thể đồng cảm. Tôi chẳng xa lạ gì kinh nghiệm của người nhập cư.
-
Phải, tất nhiên. Tôi quên đấy. Ông là một quý ông Anglo-Adelaide chính
cống làm tôi quên ông chẳng Ănglê tí nào. Ông Rayment, cùng vần với
payment.
- Cùng vần với vraiment. Tôi đã có ba kinh nghiệm nhập cư
chứ không phải một, để lại những dấu ấn sâu sắc. Thứ nhất, từ khi còn
bé, tôi đã buộc phải rời quê hương đến Australia, sau đó, khi tôi tuyên
bố độc lập và trở lại Pháp, rồi tiếp đến là lúc tôi bỏ nước Pháp và trở
lại Australia. Vậy lần này mình thuộc về đâu? Mỗi lần di chuyển tôi lại
hỏi. Nơi đây có phải tổ ấm thực sự của mình không?
- Tôi quên là
ông đã trở về Pháp. Hôm nào ông kể cho tôi nghe nhiều hơn về giai đọan
đó trong đời ông nhé. Nhưng trả lời câu hỏi của ông là gì? Nơi đây có là
tổ ấm thực sự của ông không? bà vẫy tay ra hiệu không chỉ căn phòng họ
đang đứng mà cả thành phố, núi đồi và sa mạc của lục địa này.
Ông nhún vai.
-
Tôi thường nghĩ tổ ấm là một khái niệm rất Anh. Trái tim và ngôi nhà,
người Anh nói thế. Với họ, tổ ấm là nơi có ngọn lửa bập bùng trong lò,
là nơi có thể sưởi ấm con người. Là nơi ta không muốn rời để dấn thân
vào nơi lạnh lẽo. Không, ở đây tôi không thấy ấm áp - Ông vẫy tay nhại
cử chỉ của bà - Hình như tôi lạnh lẽo ở bất cứ nơi nào tôi đến. Bà chẳng
nói về tôi thế sao: Ông là người lạnh lùng.
Người đàn bà im lặng.
-
Bà biết không, người Pháp không có tổ ấm. Người Pháp ở nhà là ở giữa
bản thân mình, giữa đám con cái. Tôi không có nhà ở Pháp. Rõ ràng là
không. Tôi không là chúng ta của bất cứ ai.
Cùng với bà Costello,
ông đã đến gần những lời than vãn làm ông thoáng kinh tởm. Tôi không là
chúng ta của bất cứ ai: làm sao bà ta moi được những lời ấy từ miệng
ông? Một gợi ý chỗ này, một lời mách nước chỗ nọ, thế là ông đi theo,
ngoan như một con cừu.
- Còn Marijana? Ông không mơ ước hợp nhất
với Marijana và Drago thành “chúng ta” hay sao? Ljuba nữa? cả Blanka,
người mà cho đến hôm nay ông chưa biết mặt?
- Đấy là việc khác - ông cắn cảu. Và ông không muốn bị lôi kéo xa hơn.
Đã
quá trưa, vẫn không thấy Marijana xuất hiện. Drago buộc một con búp bê
vào lưng em gái bằng sợi chun, nó chạy lon ton từ phòng này sang phòng
khác, cánh tay dang rộng, miệng kêu ú u u như tiếng máy bay. Shaun mang
theo mấy trò chơi điện tử. Hai cậu trai ngồi trước màn hình tivi phát ra
những tiếng húp húp và hò reo.
- Ông biết đấy, chúng ta không
phải chịu việc này - Elizabeth Costello nói - Chúng không cần người giữ
trẻ hộ. Chúng ta có thể lẳng lặng đi ra và trở lại công viên. Chúng ta
sẽ ngồi trong bóng râm nghe chim hót. Có thể coi như một cuộc đi chơi
cuối tuần, một chuyến phiêu lưu nho nhỏ của chúng ta.
Ông sẵn sàng
nhận bàn tay đỡ đần của Marijana, cô điều dưỡng được trả lương, nhưng
không thể nhận từ người đàn bà lớn tuổi hơn ông. Ông bảo Costello đợi ở
lối vào trong lúc ông chống nạng xuống cầu thang.
Trên đường
xuống, một người hàng xóm đi qua ông, một cô gái Singapore mảnh dẻ, đeo
kính, ở căn hộ tầng trên với hai người chị lặng lẽ. Ông gật đầu chào cô,
lời chào không được đáp lại. Suốt thời gian ở Coniston Terrace, các cô
gái chưa bao giờ nhận ra sự tồn tại của ông. Người nào biết người nấy,
ắt hẳn họ được dạy như thế ở quốc đảo của họ. Dựa vào khả năng và nỗ lực
của riêng mình.
Ông và Costello tìm được một ghế trống. Một con
chó lon ton chạy tới, nó nhanh chóng hít hít kiểm tra ông rồi chuyển
sang bà. Thật bối rối khi con chó rúc mõm vào đũng quần người đàn bà. Nó
nhắc nhở đến giới tính, giới tính của con chó, hay chỉ vì những hương
vị lạ, phức hợp? ông thường coi Elizabeth là người vô tính, nhưng có lẽ
con chó tự tin vào khứu giác của nó đã biết rõ hơn.
Elizabeth chịu đựng cuộc điều tra kỹ càng này, mặc cho con chó ngửi hít, rồi vui vẻ đẩy nó ra:
- Vậy - bà nói - ông đang kể với tôi.
- Tôi kể với bà cái gì?
-
Ông đang kể về cuộc đời ông. Kể về nước Pháp. Trước kia tôi đã lấy một
người đàn ông Pháp. Tôi chưa kể với ông à? Người chồng đầu tiên của tôi.
Những thời không thể nào quên. Cuối cùng ông ấy bỏ tôi mà đi vì một
người đàn bà khác. Để tôi lại với mụn con trên tay. Theo lời ông ấy, tôi
là kẻ không kiên định. Ông ấy gọi goi là vipere (Rắn lục - người nham hiểm), ở Anh là một loại rắn còn độc hơn cả rắn lục. Sale vipere,
ông ấy nói thế. Ông ta chẳng bao giờ biết mình là ai. Người Pháp rất
coi trọng thứ bậc. Rất biết chỗ đứng của mình. Nhưng nói thế chưa đủ.
Chúng ta nói về ông nào.
- Tôi tưởng bà cho là người Pháp rất say đắm. Coi trọng sự say đắm chứ không phải thứ bậc.
Bà chiếu cái nhìn trầm ngâm vào ông:
- Say đắm và thứ bậc, Paul ạ. Cả hai, chẳng thiếu thứ nào. Nhưng tiếp tục câu chuyện tình yêu của ông với nước Pháp đi.
-
Đây là một câu chuyện dài. ở trường, tôi khá các môn khoa học tự nhiên.
Không được xuất sắc, tôi chẳng xuất sắc thứ gì, chỉ khá thôi. Vì thế
khi vào đại học, tôi đăng ký học khoa học tự nhiên. Hồi đó khoa học tự
nhiên hình như là một sự đánh cược tốt nhất. Nó có vẻ an toàn, đầy hứa
hẹn, vì thế là thứ mẹ tôi mong muốn cho tôi và em gái tôi hơn hết thảy:
chúng tôi sẽ tìm được cho mình một nơi an toàn trên mảnh đất xa lạ, nơi
mà có trời mới biết vì sao người đàn ông mẹ tôi theo càng ngày càng rút
vào ẩn dật, nơi mà chúng tôi chẳng còn gia đình để trở về, nơi mẹ tôi
lúng túng về ngôn ngữ và không sao tìm được cách của người bản xứ để làm
mọi việc. Em gái tôi dạy học còn tôi lao vào khoa học là một cách sống
an toàn.
Nhưng rồi mẹ tôi qua đời, hình như chẳng còn lý do gì
khoác chiếc áo choàng trắng và nhìn chằm chằm vào ống nghiệm nữa. Thế là
tôi bỏ trường đại học và mua vé sang châu Âu. Tôi ở lại Toulouse với bà
ngoại tôi và tìm việc trong một hiệu ảnh. Chính vì thế mà tôi bắt đầu
làm nghề nhiếp ảnh. Nhưng bà biết hết rồi còn gì? tôi nghĩ bà biết hết
mọi việc về tôi.
- Chuyện này mới với tôi, Paul ạ. Tôi đảm bảo
đấy. Ông đến với tôi chẳng kèm theo câu chuyện nào. Một người đàn ông
cụt chân và có mối tình không may với cô điều dưỡng, thế thôi. Cuộc sống
trước kia của ông là một mảnh đất chưa khai phá.
- Tôi ở với bà
tôi và hồi đầu cố hết sức làm nhiều việc cho gia đình bên ngoại, vì
chúng tôi xuất thân là nông dân Pháp, với họ gia đình là tất cả. Các anh
em họ tôi cô t là thợ cơ khí xe hơi, người bán hàng, đốc công nhà ga,
nhưng tận đáy lòng họ vẫn là nông dân, mới rời xa bánh mì đen và phân bò
một thế hệ. Lẽ tất nhiên là tôi đang nói về những năm 1960, một thời đã
qua. Nó khác hẳn ngày nay. Mọi sự đều đã thay đổi.
- Và?
-
Tôi không thành công. Như người ta nói, tôi không biết nắm lấy thời cơ.
Tôi đã bỏ lỡ quá nhiều thứ tạo nên tôi: không chỉ một nền giáo dục của
Pháp mà cả tuổi thanh xuân ở Pháp, gồm nhiều tình bạn trẻ trung, và biết
đâu cả tình yêu mãnh liệt,dài lâu. Các anh em họ tôi và những người
trạc tuổi tôi đều đã an cư lạc nghiệp. Chưa ra trường họ đã biết métier
(biết việc) rồi, họ sẽ làm gì, cô gái chàng trai nào họ sẽ lấy, họ sẽ ở
đâu. Họ không thể hiểu tôi - anh chàng có giọng nói buồn cười và cái
nhìn bối rối - làm gì ở đấy, tôi cũng không thể nói với họ vì tôi cũng
không biết nốt. Tôi luôn luôn là một người kỳ cục, một người lạ ngồi một
góc trong những cuộc họp mặt gia đình. Lúc riêng họ với nhau, họ gọi
tôi là l'Anglais. Lần đầu tiên nghe thấy, tôi sửng sốt, vì tôi chẳng có
gì ràng buộc với nước Anh, thậm chí chưa bao giờ đến đó. Nhưng Australia
ở ngoài tầm hiểu biết của họ. Trong mắt họ, Australia chỉ đơn giản là
những người Anh mặc áo vải cao su, ăn bắp cải luộc, di thực tận nơi cùng
trời cuối đất, một cuộc sống hỗn tạp giữa bầy kangourous.
Tôi có
một người bạn là Roger, anh ta phân phát ảnh ở nơi tôi làm. Cứ đến chiều
thứ Bảy, chúng tôi buộc túi yên vào xe đạp rồi phóng đến Saint Girons
hoặc Tarascon, có khi đi sâu mãi tận Oust hay Aulus-les-Bains trên dãy
Pyrenees. Chúng tôi ăn trong các hiệu cà phê, ngủ ngoài trời, phóng xe
suốt ngày, Chủ nhật quay về mệt lử song tràn đầy sức sống. Chúng tôi
không nói nhiều với nhau, anh ta và tôi, đến tận bây giờ với tôi hình
như Roer vẫn là người bạn tốt nhất tôi từng có.