Giáo sư và công thức toán - Chương 08 phần 1
Ngày mồng 7 tháng Bảy, Tigers bại trận 0-1 trước Taiyo, vậy là
đã bảy trận thua liên tiếp. Mặc dù bẵng đi một tháng nhưng nhịp độ công
việc đã sớm trở lại như cũ. Những tổn thương ở não là một điều bất hạnh,
song mất đi ký ức liên quan đến những chuyện rối rắm kể cũng may. Trận
to tiếng giữa tôi với bà quả phụ chẳng để lại dấu vết nào nơi giáo sư.
Tôi
dán giấy nhớ sang bộ com lê mùa hè của giáo sư. Tôi cố gắng giữ nguyên
vị trí của chúng và viết lại những mẩu giấy nhớ bị rách hoặc mờ chữ.
“Trong chiếc phong bì ở ngăn kéo bàn thứ hai từ dưới lên”
“Trang 315-372 và Tiết 17, Chương 1, Phần IV, Giải thích hàm số hyperbol, Lý thuyết hàm số (in lần thứ 2)”
“Thuốc trong hộp trà nằm ở góc trái cánh cửa chạn, uống hàng ngày sau ăn”
“Dao cạo nằm ở cạnh gương bồn rửa mặt’
“Cảm ơn về chiếc bánh ngọt!”
Có
cả mẩu giấy nhớ đã kết thúc sứ mệnh (Căn mang về chiếc bánh tự tay mình
làm trong giờ thực hành nấu ăn cho giáo sư vào tháng trước) nhưng tôi
không vứt đi. Tôi đối xử bình đẳng với tất cả.
Đọc những mẩu giấy
nhớ, tôi hiểu rằng, trong cuộc sống hằng ngày giáo sư cẩn trọng hơn vẻ
bề ngoài nhiều lần. Tôi cũng biết ông không muốn để lộ ra sự cẩn trọng
ấy. Vì thế tôi không nhìn ngắm chúng một cách tò mò mà cố gắng kết thúc
thật sớm. Sau khi đã dán xong toàn bộ chỗ giấy nhớ, bộ com lê mùa hè đã ở
vào trạng thái sẵn sàng, trông nó thật sống động.
Giáo sư đang
bắt tay vào một đề toán hóc búa chưa từng có. Hình như là một đề toán
kèm theo khoản tiền thưởng lớn nhất kể từ khi tạp chí “JOURNAL of
MATHEMATICS” ra đời. Song có vẻ ông chẳng màng chuyện tiền bạc mà chỉ
thuần túy quan tâm tới sự thú vị của bài toán. Những chiếc phong bì đựng
phiếu chuyển tiền từ tòa soạn tạp chí bị bỏ mặc trên ngưỡng cửa, hoặc
trên kệ điện thoại hoặc trên bàn ăn mà chưa hề bị xé. Hỏi ông sao không
ra bưu điện lĩnh tiền thì ông chỉ ậm ừ nên tôi đành chuyển chúng cho bà
quả phụ thông qua nghiệp đoàn.
Chỉ cần nhìn dáng vẻ giáo sư đó là
đủ biết đề toán lần này hóc búa ra sao. Mật độ trạng thái suy nghĩ của
ông tựa hồ như đã đạt tới điểm bão hòa. Chẳng tiếng động nhỏ nào lọt ra
mỗi khi ông bước vào thư phòng tới mức tôi sợ rằng cơ thể ông đã tan ra
vì chìm quá sâu vào suy nghĩ. Thế rồi đột nhiên có tiếng gọt bút chì
vang lên giữa ắng lặng. Âm thanh ấy làm tôi yên tâm. Vì đó là bằng chứng
khẳng định giáo sư còn sống và việc chứng minh vẫn tiến triển dù chậm
chạp.
Đôi khi tôi lấy làm lạ là, tại sao giáo sư có thể suy nghĩ
liên tục về một vấn đề trong khi mỗi buổi sáng thức dậy đều phải bắt đầu
bằng việc cố hiểu xem căn bệnh quái ác nào đang đe dọa mình. Tuy nhiên,
từ trước năm 1975 đến nay, hoạt động duy nhất của giáo sư là nghiên cứu
toán học, vì thế, bản năng đã khiến ông ngồi vào trước bàn và tập trung
vào đề toán trên đó. Một cuốn vở ghi chép bình dị và những mẩu giấy nhớ
viết vội giống như đám lông tơ phủ kín người là sự bù đắp cho những
khoảng trống tư duy mà ông đã tích lũy được cho tới hôm trước đó.
Thế
rồi, trong một lần tôi đang chuẩn bị bữa tối, giáo sư bất đồ xuất hiện
trước mặt tôi. Ông hiếm khi tiếp xúc với tôi và bình thường còn chẳng
thèm nhìn tôi lúc đang ở trạng thái suy nghĩ. Tôi càng ngạc nhiên hơn
khi không hề nghe thấy tiếng của thư phòng kẹt mở hay tiếng bước chân
ông.
Tôi không biết ông có nổi cáu khi tôi cất tiếng hay không nên
vừa tách bỏ hạt ớt và bóc vỏ hành tây vừa len lén dò xét đối phương
trong im lặng. Giáo sư khoanh tay, tựa người vào quầy bar ngăn bếp với
buồng ăn, chăm chú nhìn tay tôi. Tôi không sao làm được việc vì một cảm
giác căng thẳng khó tả. Tôi mở tủ lạnh lấy trứng để chuẩn bị cho món
rán.
- Thưa giáo sư… có việc gì không ạ?
Không chịu được nữa tôi đành lên tiếng.
- Cô cứ tiếp tục đi.
Tôi thở phào vì giọng giáo sư dịu dàng đến không ngờ.
- Tôi thích nhìn cô làm bếp.
Ông nói.
Tôi
đập trứng vào liễn, khuấy đều bằng đũa nấu. Tiếng thích ngân lên trong
tai tôi. Tôi cố gắng xóa đi mọi ý nghĩ, tập trung vào liễn trứng hòng
dập tắt tiếng ngân ấy.Tôi vẫn tiếp tục khoắng đũa ngay cả khi những cục
gia vị đã tan hết. Tôi không hiểu tại sao giáo sư lại nói ra điều ấy.
Chỉ dám đoán mò rằng đề toán quá khó đã khiến đầu ông bị đoản mạch. Cuối
cùng tôi cũng dừng đũa vì bàn tay mỏi nhừ.
- Cô sẽ làm gì tiếp?
Giọng giáo sư nhỏ nhẹ.
- À… dạ, tiếp theo là… à… vâng, tôi sẽ làm món phi lê lợn rán.
Sự xuất hiện của giáo sư khiến các thao tác chuẩn bị trở nên lúng túng.
- Cô không rán trứng sao?
- Dạ. Để thêm chút nữa cho gia vị ngấm hơn ạ.
Căn
vắng nhà vì đã ra ngoài công viên chơi. Ánh nắng chiều chia những bụi
cây trong vườn thành các khoảng sáng tối. Không có gió, tấm rèm nơi
khung cửa sổ mở toang chẳng hề lay động. Giáo sư nhìn tôi với ánh mắt
giống như lúc đang suy nghĩ. Màu đen của đồng tử đậm tới độ gần như
trong suốt, mỗi lần thở, những sợi lông mi lại rung lên. Đôi mắt tựa hồ
như đang nhìn xa xăm trong khi tiêu điểm thì lại ở rất gần. Tôi rắc bột
lên thịt phi lê rồi xếp vào chảo.
- Tại sao cô cứ phải dịch chuyển vị trí của các miếng thịt như thế?
- Vì độ nóng ở giữa chảo và mép chảo không đều nhau nên thỉnh thoảng phải đảo vị trí như thế này để cho thịt chín đều.
- Ra thế,mọi người phải nhường nhau để không ai độc chiếm mãi chỗ tốt nhất.
So
với tính phức tạp của bài toán giáo sư đang giải, việc rán thịt chẳng
thấm vào đâu, vậy mà ông cứ gật gù như thể vừa phát hiện ra điều gì độc
đáo lắm. Mùi thơm lơ lửng giữa chúng tôi.
Sau đó, tôi thái ớt và
hành tây đề làm sa lát, chế nước rưới bằng dầu ô liu rồi rán trứng. Tôi
định bụng sẽ lén trộn cà rốt vào nước tưới nhưng đành bỏ cuộc vì giáo sư
không chịu rời mắt. Ông không nói gì nữa. Ông nín thở khi tôi tỉa những
lát chanh thành hình bông hoa, rướn người ra trước khi dấm và dầu ăn
trộn với nhau chuyển sang màu trắng đục và buông một tiếng thở dài khi
tôi xếp món trứng rán còn bốc hơi lên mặt bàn.
- Thưa giáo sư…
Tôi lại buột miệng hỏi.
- Có điều gì thú vị thế ạ? Chỉ là công việc nội trợ thôi mà.
- Tôi thích nhìn cô nấu ăn.
Giáo
sư trả lời hệt như lúc nãy. Rồi ông buông tay xuống, đưa ánh mắt ra
ngoài cửa sổ, xác định vị trí sao Hôm, sau đó trở về thư phòng. Ông
chẳng để lại chút cảm giác nào về sự hiện diện của mình,y như khi xuất
hiện. Nắng chiều hắt trên lưng áo.
Tôi hết nhìn mâm cơm đã hoàn
tất rồi lại nhìn sang tay mình. Mòn thịt rán được trang trí bằng mấy lát
chanh, món rau trộn và món trứng rán vàng ươm mềm mại.Tôi ngắm nghía
từng món một. Những món ăn chẳng có gì đặc biệt nhưng sao mà ngon mắt.
Những món ăn đã đem lại niềm hạnh phúc khi một ngày sắp hết. tôi nhìn
xuống lòng bàn tay mình thêm một lần nữa. Và chìm trong cảm giác thỏa
mãn tựa như đã hoàn tất cái công trình vĩ đại là chứng minh được định lý
cuối cùng của Fermat.
Qua mùa mưa phùn, trường tiểu học bước vào
kì nghỉ hè, Olympic đã khai mạc ở Barcelona rồi mà cuộc chiến của giáo
sư vẫn chưa kết thúc.Tôi háo hức chờ đợi cái ngày giáo sư nhờ tôi ra bưu
điện gửi bài chứng minh đã hoàn tất cho tạp chí “JOURNAL of
MATHEMATICS” vậy mà ngày ấy mãi chưa tới.
Những ngày nóng bức kéo
dài. Nhà ngang vừa bí vừa không có máy lạnh, nhưng chúng tôi không kêu
ca, chỉ chịu đựng. Chẳng hạn như vào những ngày nhiệt độ vượt quá 35oC,
ông vẫn ngồi trước bàn làm việc với cánh cửa thư phòng khép kín và chẳng
có ý định cởi bỏ com lê. Dường như ông sợ nếu cởi ra, có thể tất cả
những chứng minh gom góp được sẽ rối tung lên mất. Cuốn vở biến dạng vì
mồ hôi, rôm sảy nổi khắp người, ngứa ngáy. Ấy vậy mà khi tôi mang quạt
điện vào thư phòng hay bảo ông đi tắm hay khuyên ông nên uống thêm trà
đại mạch lạnh thì ông phát cáu và tống cổ tôi ra ngoài.
Căn bắt
đầu tới nhà giáo sư luôn từ sáng cùng với tôi sau khi trường học bước
vào kỳ nghỉ. Tôi biết là chẳng hay ho gì khi để Căn ở nhà quá lâu,phần
cũng vì vụ việc to tiếng hôm trước, nhưng giáo sư không chịu nhân
nhượng. Tôi cứ đinh ninh ông chẳng biết gì ngoài toán học, vậy mà ông
lại khá tường tận về việc trường tiểu học có một kì nghỉ hè rất dài và
vẫn khăng khăng cái lý lẽ từ trước tới nay của mình là con cái phải luôn
luôn ở trong tầm mắt mẹ. Tuy nhiên, Căn hầu như chẳng chịu ngồi yên, nó
chơi bóng chày với bạn ở công viên suốt buổi sáng rồi tới bơi ở bể của
trường vào buổi chiều mà không động gì tới bài tập.
Giáo sư hoàn
thành bài chứng minh vào thứ Sáu, ngày 31 tháng Bảy. Ông chẳng hề tỏ ra
hưng phấn hay mệt mỏi, chỉ bình thản giao chiếc phong bì cho tôi. Vì mai
là thứ Bảy nên tôi vội chạy thẳng ra bưu điện cho kịp chuyển thư hôm
nay. Sau khi chờ cho dấu bưu điện đóng xuống để chắc chắn rằng họ đã
nhận bưu phẩm của mình, tôi bỗng nhiên cảm thấy thật vui. Trên đường về,
tôi rẽ vào một vài chỗ, mua cho giáo sư bộ quần áo lót để thay, mua một
bánh xà phòng thơm, mua kem, thạch rau câu và thạch nước.
Khi tôi
về đến nhà, giáo sư đã trở lại trạng thái cũ. Ông không còn biết tôi là
ai. Tôi nhìn đồng hồ. Đã một tiếng mười phút trôi qua kể từ lúc tôi ra
ngoài.
Cái trí nhớ dài tám mươi phút của giáo sư chưa một lần sai
lệch. Não bộ ông đo đếm tám mươi phút ấy còn chính xác và lạnh lùng hơn
cả đồng hồ.
Tôi lắc chiếc đồng hồ đeo tay rồi áp vào tay xem nó còn chạy không.
Lúc chào đời cô nặng mấy cân.
Giáo sư hỏi.
Đầu
tháng Tám, Căn tham gia chuyến cắm trại năm ngày bốn đêm dành cho học
sinh trên mười tuổi của trường. Thằng bé đã háo hức đợi chuyến cắm trại
này từ lâu. Lần đầu tiên trong đời nó phải rời xa mẹ, vậy mà chẳng tỏ
một chút buồn rầu. Ở bến xe buýt nơi tập trung, có không ít mẹ con đang
lưu luyến chia tay,các bà mẹ sốt sắng đang tranh thủ dặn dò con những
điều cần chú ý trước lúc lên đường. Tôi cũng không phải ngoại lệ, cũng
có bao điều muốn căn dặn như phải mặc áo gió khi trời lạnh hay không
được làm mất thẻ bảo hiểm song Căn chẳng còn tay nào mà nghe, nó là
người đầu tiên leo lên chiếc xe buýt vừa tới bến. Cuối cùng, để cho phải
phép, nó chỉ vẫy tay chào tạm biệt tôi từ cửa sổ.
Đêm nay Căn vắng nhà tôi thấy ngại phải trở về căn hộ chỉ có một mình nên sau khi dọn xong bữa tối rồi mà tôi vẫn nấn ná.
- Để tôi cắt hoa quả cho giáo sư nhé.
Vẫn ngả người trên ghế, giáo sư ngoảnh lại khi tôi cất tiếng.
- Phiền cô quá.
Đáng
lẽ ra phải một lúc nữa nắng mới tắt, nhưng chẳng biết tự khi nào mây đã
độn dày thêm, khoảng sân sau được pha quyện bởi bóng tối và ráng chiều,
trông tựa như có một lớp bóng kính màu tím nhạt bao phủ. Gió cũng bắt
đầu khe khẽ nổi lên. Tôi cắt dưa hấu, đưa cho giáo sư và ngồi xuống cạnh
chiếc ghế bành.
- Cô cũng ăn đi.
- Cảm ơn giáo sư. Xin giáo sư đừng bận tâm.
Giáo sư dầm dưa bằng sống dĩa rồi vừa ăn vừa làm nước bắn tung tóe.
Không
có Căn, chẳng ai buồn bật máy thu thanh, mọi thứ tĩnh lặng. Cũng chẳng
có tiếng động nào vọng xuống từ nhà trên. Tưởng như có tiếng ve đâu đây,
không gian đã lại chìm vào im ắng.
- Cô thử ăn một chút xem sao.
Giáo sư sắp chìa miếng dưa hấu cuối cùng về phía tôi.
- Ồ không. Giáo sư cứ ăn đi ạ.
Tôi lấy khăn tay lau khóe miệng nhớp nháp của ông:
- Hôm nay cũng nóng giáo sư nhỉ.
- Quả đúng thế.
- Giáo sư nhớ phải bôi thuốc rôm tôi để trong nhà tắm đấy.
- Nếu tôi không quên…
- Hình như ngày mai còn nóng hơn nữa.
- Nóng bức mấy rồi hè cũng qua đi thôi.
Bụi
cây trong vườn bất ngờ xao động, cả một vùng trước mắt tôi tối sầm.
Khoảng ráng chiều nhỏ nhoi còn sót lại nơi đỉnh núi đằng xa ban nãy đã
bị bóng tối nuốt chửng. Có tiếng sấm từ đâu vọng lại.
- Ồ, sấm.
Cả tôi và giáo sư cùng cất tiếng.
Thế
rồi mưa bất thần trút xuống. Mưa lớn tới nổi có thể nhìn thấy hình dạng
của từng hạt một. Tiếng mưa gõ trên mái vang khắp căn nhà. Tôi định ra
khép cửa thì giáo sư bảo:
- Thôi khỏi. Để cửa mở như vậy sảng khoái hơn.
Mỗi
lần cánh rèm bị hất tung lên, mưa lại hắt vào phòng rơi xuống đôi chân
trần của chúng tôi. Đúng như giáo sư nói, mưa mát lạnh và sảng khoái. Đã
không còn dấu vết của mặt trời ở đâu nữa, chỉ có ánh đèn chỗ bồn rửa
bát tôi quên chưa tắt mờ tỏ chiếu xuống khoảng sân. Lũ chim nhỏ nấp mình
giữa những thân cây bay vút lên, đám cành lá đan chéo vào nhau rũ
xuống, chẳng mấy chốc mọi thứ trong tầm mắt đều chìm đắm giữa màn mưa.
Tôi ngửi thấy mùi đất ải. Tiếng sấm mỗi lúc một gần.
Tôi nghĩ đến
Căn. Liệu nó có biết chỗ cất áo mưa không? Đáng lẽ tôi phải bắt nó mang
thêm một đôi giày thể thao dự phòng. Liệu nó có hưng phấn mà ăn nhiều
quá không? Mong sao nó đừng để nguyên tóc ướt đi ngủ, không thì lại cảm
lạnh mất...
- Ở trên núi liệu có mưa không giáo sư nhỉ?
Tôi hỏi.
- Núi tối quá, không nhìn thấy gì. - Giáo sư nheo mắt. - Có lẽ phải làm lại kính lão thôi.
- Sấm kia có phải trên núi không?
- Sao cô lo lắng chuyện trên núi thế?
- Vì con trai tôi đang cắm trại ở đó.
- Con trai?
-
Vâng. Cháu mười tuổi. Một thằng bé nghịch ngợm và hâm mộ bóng chày.
Chính giáo sư đã đặt biệt danh cho cháu là Căn. Vì đỉnh đầu cháu bị bẹt.