Gió trắng - Chương 14

Chương 14: Ông nội

Ông
nội đã hơn 70 tuổi, tóc bạc nhưng lưng thẳng, không còng còng như những
ông bà già trong cuốn sách cậu Vinh tặng Nhật ngày nhỏ. Ông đi xe đạp
cuốc, đèo Nhật ngồi trên gióng ngang, từ khi Nhật biết ngồi vững đến khi
lên bảy tuổi. Chỉ khác là ban đầu thì ngồi ghế sắt, sau nó lớn dần thì
ông bỏ ghế sắt, nó ngồi thẳng lên thanh ngang mát lạnh, mỗi lần về đến
nhà là ê cả mông. Bây giờ thì thôi rồi, nó đã có xe đạp riêng để đi, xe
đạp địa hình hẳn hoi, bánh to đùng trông rất hoành tráng. Vả lại có muốn
nhảy lên gióng ngang của ông cũng không được nữa, ông cứ phải nghiêng
bên phải bên trái mà nhìn đường, vì Nhật đã lớn bổng lên. Ông bảo, thanh
niên mười tuổi!

Nhật
ở với ông từ hồi nó biết nhớ. Thật đấy, nó đã có ký ức từ hồi ấy. Trong
ký ức của nó, có gương mặt nhòa nước mắt của mẹ và vẻ bần thần của bố.
Bố mẹ ôm hôn nó và cả hai đi mất, băng qua những dãy người dài dằng dặc
và khung cửa loang loáng kính. Ông bảo bố mẹ đi Tây. Sau đó ít lâu thì
nó biết, bố mẹ đi Nga, làm việc vất vả lắm để nuôi ông và nó. Là ông kể
thế. Ông bảo ở với ông ngoan rồi bố mẹ sẽ về đón. Nhật vui lắm mỗi khi
bố mẹ gửi quà về. Những phong kẹo sôcôla thơm phức và những quả trứng
bọc sôcôla,đồ chơi. Quà này là mê nhất. Chỉ có ông hay kêu ca với bác
hàng xóm, rằng cứ gửi sôcôla, thằng bé ăn vào lại sún răng mất. Kệ, Nhật
vẫn mong bố mẹ gửi sôcôla nữa. Những món quà thật ngọt ngào. Đến nỗi cứ
nghe tin có ai đó mang quà từ Matxcơva về là Phúc đã thấy đầu lưỡi ngòn
ngọt rồi. Nó tự nghĩ ra từ “cái ngọt” để đặt cho đám kẹo bánh từ phương
xa về ấy.

Hàng
xóm ai cũng khen ông giỏi. Ông biết bón cho Nhật ăn rất khéo ngày nó
còn bé, biết lấy lá kinh giới giã nhỏ nấu nước cho nó tắm, biết bôi dấm
pha nước vào người nó để giảm sốt những lần nó ốm, biết đốt bồ kếp kẹp
với tỏi hơ rốn cho nó hết chướng bụng… Ông là bảo mẫu cừ, bác Hà cạnh
nhà bảo thế. “Có gì mà lạ!” - ông thản nhiên, - hồi bố nó còn bé, không
tao chăm thì ai! Bà mất sớm!”.

- Ông ơi, bà mất đi đâu?

- Mất là chết!

- Sao mất lại là chết?

- À tức là mình bị mất bà, không thấy bà đâu nữa ấy mà. Nhưng bà đã chết, đã biến thành thiên thần bay lên trời rồi...

- Bà có cánh à ông?

- Ừ.

- Bà có đẹp không?

- Đẹp, hiền lắm.

Nhật, khi ấy mới độ bốn tuổi, thở dài:

- Phí bà, ông nhỉ?

Nhật
không hỏi nhiều về bố mẹ, vì có gì mà hỏi, nó biết quá đi rồi. Này nhé,
ảnh hai người treo đầy nhà, ông suốt ngày hỏi, bố đâu, mẹ đâu... Cứ có
khách lại hỏi cho Nhật chỉ, rồi ra chiều tự hào lắm khi Nhật kiên nhẫn
chỉ vào những gương mặt đã quen. Tóc phi dê, mắt dài có đuôi. Tóc húi
cua, đeo kính, nụ cười hết cỡ... Còn nếu ai hỏi bố mẹ đi đâu, thì nó
nhanh nhảu: “Bố mẹ đi kiếm tiền nuôi hai ông cháu”. “Nhật có nhớ bố mẹ
không?” “Có.” “Có muốn bố mẹ về với Nhật và ông không?” “Không!”.


không muốn bố mẹ về, vì nếu về thì sẽ không gửi tiền để cuối tháng ông
đèo lên Lương Văn Can mua đồ chơi. Nếu bố mẹ về thì sẽ không gửi những
cái ngọt về nữa! Có hai lần mẹ về phép rồi. Một lần vào năm nó lên 4
tuổi. Mẹ ôm riết lấy Nhật, người mẹ thơm phức. Nhưng nó cứ vùng ra, vì
nóng và ngộp thở. Đến khi vùng ra được rồi thì lại mon men quay lại ngồi
bên cạnh, khe khẽ hít hít cái mùi thơm ngây ngất là lạ ấy. Nó vẫn yêu
mẹ lắm. Vì mẹ hay thầm thì với nó khi nó bắt đầu chìm vào giấc ngủ, tay
vuốt lưng, vuốt chân nó: “Mẹ yêu con”. Những lúc ấy, Nhật nở một nụ cười
mơ màng, muốn nhấc tay lên quàng vào cổ mẹ mà không làm nổi, mắt cố mấy
cũng không mở được ra. Nó lập tức chìm vào giấc ngủ rất say. Khi mẹ
sang lại Nga, nó thẫn thờ mất cả tháng. Tối, rúc vào nách ông nội, nó đề
nghị: “Ông, ông bảo yêu con đi” làm ông nội cười ha hả. Nó xấu hổ không
nhắc chuyện ấy nữa.

Năm
Nhật đi học lớp Một, ông nội là thày giáo ở nhà. Ông đeo kính đọc đi
đọc lại những lời dặn của cô giáo rồi lẩm bẩm: “Quái, sao học nhanh thế
nhỉ? Mới vừa học chữ t, giờ đã th, ch, kh, nh... Thuộc thế quái nào
được!”. Nhật nghe được, sướng rơn:

- Ông ơi, ông cần thuộc à, để con hướng dẫn cho ông nhé?

- Con đã thuộc rồi à?

- Con thuộc rồi.


thuộc cả bốn chữ khó ấy thật, “thờ”, “chờ”, “khờ”, “nhờ” - có gì đâu,
dễ ợt! Chỉ có điều hơi nhầm thứ tự một chút, nên đôi khi chữ “ch” thành
“khờ”, “kh” thành “nhờ”... đại khái thế. Nhưng nhiều lúc tình cờ vẫn
khớp đúng như ý ông muốn, nghĩa là “ch” là “chờ” và “th” đúng là “thờ”.
Ông khen Nhật thông minh.

Tập
viết cũng vậy, ông cũng kêu cô giáo giao bài viết quá nhiều ở nhà, tội
thằng bé chưa! Rồi ông an ủi nó: “Con không cần viết đẹp ngay, viết từ
từ, dần dần mới đẹp được chứ!”. Đến lớp, cô giáo chê viết xấu, cho điểm
kém, nó dõng dạc: “Ông con bảo, không cần phải viết đẹp...”. Cô nghiêm
khắc phê bình ông khi ông tới đón nó. Ông nhìn ra ngoài sân, lẩm bẩm:
“Còn đoạn sau chắc nó chưa kịp nói...”.

Một hôm về nhà, Nhật buồn thiu nói với ông:

- Ông ơi, cô bảo ông đừng dạy con nữa!

-
Tốt quá! Thế con nói cô dạy con đi nhé, đừng viết vào sổ là “ông phải
cầm tay cháu khi cháu viết, phải tập đọc cùng cháu...” nữa đấy!

- Cô bảo phải đến nhà cô học. Hôm nọ ông bảo con đọc sai!

- Sai là sai thế nào?

-
Phải đánh vần là “Vờ iết viết nặng Việt, Nờ am nam... Đánh vần, rồi đọc
trơn. Chứ không phải “i ê tờ iết, vờ iết viết nặng việt” như ông nói
với con đâu.

Ông
không nói gì nữa, chắc là ông xấu hổ vì thấy mình sai. Nhật thấy thương
ông ghê, vội ôm lấy lưng ông, thỏ thẻ: “Nhưng ông cứ dạy con tập viết
nhé.”.

Nhật
thích ông dạy viết thật. Ông không cầm tay nó như cô giáo dặn, nhưng kể
cho nó nghe câu chuyện về nó, về anh Quang Anh nhà bác Quang và em Bon
nhà chú Vinh. Này nhé, em Bon bé nhất, là phải viết hai ly. Nhật là anh,
lớn hơn một tẹo, là ba ly, chữ t, chữ s ấy! Còn anh Quang Anh cao
nghều, lại đi học võ, anh Quang Anh là chữ năm ly, chân đá lên những hai
ly, bàn chân hất lên tí tẹo gần một ly... Sau này cứ nhìn thấy chữ h,
chữ k là Nhật nhìn thấy ngay anh Quang Anh đang tập võ, nhìn các chữ hai
ly, nó vừa mắm môi mắm lợi uốn nét chữ trên vở, vừa nói “Em Bon”. Đến
lượt mình, nó reo: “sờ là Nhật, tờ là Nhật”... Anh Quang Anh nghe được,
trêu:”Sờ ti mẹ là Nhật à?”. Nhật ngớ ngẩn hỏi: “Sờ ti mẹ là gì?”. Ông
ngồi bàn nước bắn thuốc lào, tủm tỉm cười. Rồi không hiểu s lại thở dài.

À
đấy, còn cái vụ thuốc lào của ông, mẹ nó cằn nhằn ông suốt. Rằng hôi và
mất vệ sinh. Mẹ về xây lại nhà, nhà đẹp lắm, tường sơn trắng muốt, có
treo cả tranh Mùa thu vàng mà ông rất thích. Thế nhưng mà ông cứ hay kéo
thuốc lào sòng sọc, đôi khi quên, hất cả bã ra góc nhà, làm cái tường ố
đi, mẹ buồn lắm. Có hôm Nhật tranh thủ ông ra ngoài hiên tưới cây, ôm
cái ống điếu ghé miệng vào, lại dốc quá tay, nước hôi ộc vào người, bẩn
hết quần áo. Mẹ hôm ấy bực mình, vứt béng cái ống điếu vào xe rác đi
ngang qua. Ông giận mẹ cả ngày hôm sau, rồi tự đi mua cái điếu khác về.
Mẹ mua cho ông xe máy thì ông không đi. Gọi người bán rồi cho cả vào
tiết kiệm, để “thằng cu Nhật có cái mà mua sách vở”. Mẹ gọi điện cho bố ở
bên Nga, nói trộm là ông gàn quá. Bố bảo thôi kệ ông, ông cho tiền vào
tiết kiệm rút ra tiêu dần cũng được. Mẹ than: “Được bao nhiêu mà tiết
kiệm! Đã mở một tài khoản khác hai trăm triệu cho ông rồi cơ mà. Hai ông
cháu đèo nhau xe đạp, không yên tâm được. Đi xe máy an toàn hơn chứ!”

Mẹ
về cứ hay ca cẩm chuyện giao thông ở Việt Nam. Người đông hơn kiến vỡ
tổ. Đèn đỏ đèn xanh cứ loạn lên. Đèn đỏ thì người ta không dừng, có chỗ
đèn đỏ lại để khuất sau lùm cây, các chú cảnh sát giao thông tha hồ rình
bắt phạt...

Mẹ
nói rồi mẹ lại đi. Mẹ đi rồi thì ông cháu Nhật lại tiếp tục “bài ca xe
đạp ơi”, mặc cho xung quanh xe máy phóng ầm ầm. Ông tự khen, ông còn
tráng kiện lắm. Tráng kiện là gì hở ông? Là khỏe và trẻ. Vì ông đi được
xe đạp cuốc này, không trẻ là gì? Cứ trẻ là đi xe đạp ạ? Chứ sao! Đâu,
con thấy các chú trẻ toàn đi xe máy, chỉ có các ông bà già mới đi xe đạp
thôi... Ông cười xòa, búng tai Nhật cái bụp, đau điếng!

Bây
giờ Nhật đã mười tuổi, và bố mẹ đi được hơn tám năm. Bố mẹ muốn đón
Nhật sang, hẹn hè này về làm giấy tờ. Nhật thích lắm. Nghe nói bên Nga
có tuyết, có thể chơi trò nặn người tuyết và ném nhau. Nhưng Nhật muốn
ông cùng đi với nó, cùng ở bên nó như những năm qua. Nó hỏi mẹ trên điện
thoại:

- Sao mẹ không đón ông luôn hả mẹ?

Bên ấy mẹ lặng lặng một lúc rồi bảo:

- Bao giờ làm đủ tiền, bố mẹ đón ông sang.

Nhật
thấy thương bố mẹ lúc nào cũng lo kiếm tiền. Nhớ lần mẹ về phép, ông
hỏi sao không có thêm đứa nữa bên ấy đi, để lâu lại ngại lắm, thì mẹ
thưa: “Đã có tiền đâu, ông ơi!”. Nhật lúc đó nghĩ bụng, sao lại phải có
tiền nhỉ? Đẻ em bé, chứ có phải mua đâu mà cần tiền!

Giờ
cũng vì không có tiền mà ông phải ở nhà một mình rồi! Ông thì cười:
“Ông sang làm gì bên ấy? Không có thuốc lào, ông không sống được ấy
chứ.” “Thì mình mang điếu sang, ông ạ” “Họ không cho mang lên máy bay
đâu, hôi rình” “Thì mình mua điếu mới mà ông?” Ông đuối lý không biết
nói gì tiếp, bèn bảo: “Ông ở nhà trông nhà. Cả nhà đi hết thì khi về
không có nhà mà ở à?” “Về làm gì nữa, mình đi luôn mà?”

Nói
xong câu ấy, Nhật im bặt. Nó thấy mắt ông lạ lắm, buồn hẳn. Nó nhìn
quanh nhà, ngồi vào góc học tập của mình bên cửa sổ, ngắm cái sân đầy
hoa giấy ông trồng, một bên là vệt nắng to, một bên là khoảng sân râm có
mái che, phất phơ mấy cái áo sơ mi đã sờn của ông và hai cái quần đùi
xanh đỏ của Nhật. Nó cũng thấy buồn buồn. Nó không rõ vì sao buồn, chỉ
thấy không vui như hôm nghe tin bố mẹ sẽ về đón.

Cuối
năm nay, Nhật thi học kỳ bị 5 môn Sử và 4 môn Văn. Điểm 10 toán gỡ lại
không làm ông hài lòng. Ông vừa rít thuốc vừa lắc đầu. Nhật thấy tự ái,
cãi:

- Có gì đâu ạ? Đằng nào thì năm tới con cũng đi, điểm kém tí cũng chẳng chết ai!

-
Con nói sai rồi. Con sắp sang Nga, học tiếng Nga, thì bây giờ, văn, sử
Việt con lại càng cần nắm vững. Không có rồi là quên cả Tổ Quốc đấy con
ạ!

Ông
còn nói nhiều lắm, so sánh với những ông nhà văn nhà thơ nào ấy, hết
quê hương lại đến Tổ Quốc. Nhật càng nghe càng bực bội, đâm ra cùn. Nó
gân cổ:

-
Việt Nam là gì so với thế giới hả ông? Chẳng là gì cả! Học thuộc rồi
cũng thế thôi. Sau này con cũng chẳng về nữa đâu. Mẹ bảo học hết phổ
thông sẽ tìm đường cho sang Anh, rồi học và định cư ở đó luôn, văn với
vẻ, sử với siếc làm gì cho mệt người!

- Nhật!

Ông
quát. Không phải, ông gầm lên thì đúng hơn. Hình như bao nhiêu năm sống
với ông, lần đầu tiên Nhật bị ông quát rung cả nhà như vậy. Nó thấy
miệng ông hơi méo đi, đôi mắt qua chiếc kính lão trợn lên, như vừa ngạc
nhiên, vừa giận dữ. Ông thở hổn hển đi tìm quanh quất, rồi túm lấy cái
chổi để ở góc nhà, tráo đầu, và gằn giọng:

- Nằm xuống.

Nó hoảng sợ, cun cút nằm xuống đi văng. Từ bé đến giờ, nó chưa từng bị đánh.

Ông chậm rãi nói, giọng vẫn gằn mãi xuống. Nhật có cảm giác như ông cố thấp giọng xuống để giữ cho giọng khỏi run.

-
Con muốn đi khỏi Việt Nam? Được, con cứ đi. Con có thể đi học, đi làm
và không về nữa. Ông mong con đi cứng cáp, học được nhiều điều hay.
Nhưng chưa đi đã muốn quên nguồn quên cội, là cái tội rất lớn. Con có
hiểu không?

- Con hiểu rồi, ông ơi!

Nhật
kêu lên. Không phải nó sợ cây chổi cán to có quấn dây điện xanh đỏ vòng
vào, vụt vào mông hẳn sẽ kinh khủng lắm. Nó cũng chưa nghĩ được sâu xa
gì về những điều ông nói, về nguồn với cội. Nó chỉ thấy thương ông. Vẫn
nằm duỗi dài trên đi văng, nó ngóc đầu lên, nhìn ông đứng tay cầm chổi,
lưng bỗng nhiên còng xuống, mà nó thấy mắt cay cay. Ông đang rất giận,
và nó là nguyên nhân của cơn giận ấy. Ông bỗng già đi ngay trước mắt nó.
Nhớ hồi nào nó còn thủ thỉ với ông: “Ông ơi, khi nào con lớn lên ông
cũng đừng già đi nhé!” “Ông không già được đâu, vì con ngoan, ông không
bao giờ phải buồn bực thì làm sao già được!”

Vậy
mà bây giờ, ông đã già đi. Nhật chợt thấy trước mắt những tháng ngày
dài dằng dặc ông sống thui thủi trong căn nhà này một mình. Nó không
biết nói sao để ông hiểu, nó ân hận lắm rồi.

-
Hôm nay ông sẽ đánh con ba roi. Một roi vì tội cố cãi bướng. Một roi vì
tội ông vừa nói đấy, không coi trọng cội nguồn. Còn một roi, vì tội làm
ông thất vọng về con.

Ngừng vài phút, ông hỏi:

- Con thấy có được không? - Ông nội vừa hỏi vừa đưa tay gỡ kính, đặt xuống bàn.

Nhật gật gật đầu, nỗi ân hận làm nó không nói được. Nó nhắm mắt chờ đợi cái roi vút xuống.

Bộp!... Bộp!... Bộp!...

Nhật
nghe tiếng bồm bộp nặng nề khi chiếc cán chổi hạ xuống người nó. Cánh
tay của ông còn rất khỏe, lại tập thể dục thường xuyên nên đánh mạnh
lắm. Theo phản xạ, nó hơi co người lại nhưng không hiểu sao không cảm
thấy đau chút nào. Đánh xong ba roi, ông vứt chổi ngồi xuống, thở dốc.
Cứ như thể vừa đạp một cuốc xe một vòng quanh Hà Nội. Mắt ông bỗng long
lanh.

Ông nội quơ tay lên bàn, lẩm bẩm:

- Cái kính đâu rồi? Mắt bây giờ kém quá, chẳng nhìn rõ cái gì hết. Có khi loạn thị chứ không phải viễn!

Nhật
nhỏm dậy, đăm đăm nhìn cái thành đi-văng. Miếng da đã sờn của góc đi
văng cũ đã bị toạc thêm một miếng. Bấy giờ, nước mắt nó mới trào ra, lã
chã rơi qua cằm xuống đất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3