Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông - Chương 09
Như những tia chớp hay vệt truyện face
1.
TÔI VỪA ĐẬP MỘT CON MUỖI,
giữa hai bàn tay tôi là một tiếng nổ lớn, khi biết chắc con muỗi đã
chết, tôi mở hai bàn tay ra, từ từ, và nghe trong khe hở chính giũa hai
bàn tay, tiếng kêu của một giọt máu: “vì sao ông giết chết tôi?”, và hốt
hoảng hơn khi xác con muỗi từ đó bay vụt ra với tiếng hụ của xe cứu
thương.
2.
trong
khi cha tôi thét lên kinh hãi: “máy bay! máy bay! Nằm xuống!” thì tôi
lại ngơ ngác tư hỏi, lạ thật, ba mươi hai con cá đang bơi đi đâu trên
bầu trời?
3.
hôm
nay thức dậy, thấy ông hàng xóm đứng trên mái nhà với một đội cánh lông
vũ của loài ngỗng, mình ngồi ngó cho đến khi ông quyết liệt vỗ cánh và
bay chìm vào bầu trời xám xịt.
4.
khi đó, năm anh em tôi leo lên nắm
cành của một cái cây trong vườn nhà. ba tôi cầm chiếc máy chụp ảnh và
bước lùi ra xa dần để ống kính có thể thâu tóm hĩnh ảnh đầy đủ cả năm
anh em. chúng tôi cứ leo mãi, leo mãi, hết cành lớn đến cành nhỏ hơn,
hết cành nhỏ hơn thì đến những nhánh lớn, hết nhánh lớn đến những nhánh
nhỏ hơn, cứ thế, cành nhánh của cái cây vươn ra mãi, tán của cái cây nở
rộng hơn khu vườn nhà sang vườn hàng xóm, rồi tràn khỏi những khu vườn
hàng xóm, phủ sang những cánh đồng, rộng mãi ra năm phía chân trời xa
xăm. chúng tôi không để ý đến bộ dạng mệt mỏi vì cứ căn góc và đi thụt
lùi xa dần của ba mà chỉ ríu rít: vòi vĩnh: “ba có thấy con không?
không, chưa được, cái chùm lá che khuất mặt con mất rồi, ba chụp lại pô
khác nhé!”, “ba phải ra hiệu “một... hai... ba...” rồi mới bấm máy nha.
thôi, không được rồi, con chưa cười mà ba đã bấm...”, “không, con muốn
đổi lại thế ngồi giống anh hai, con không thích kiểu ngồi vừa rồi, ba
phải chụp sao để con đẹp hơn anh hai mới được…”, nụ cười ba tôi vẫn lấp
lánh xa dần dưới khung ngắm của chiếc máy ảnh.
chúng
tôi mãi mãi không hài lòng với những tấm hình cũ; cứ leo mãi, leo mãi.
và ba cứ lùi xa mãi cho đến khi đứa nọ không còn nghe tiếng ríu rít cười
đùa của đứa kia nữa và ba tôi dần dần biến mất trong tầm nhìn của từng
người.
(còn
mẹ tôi ư? bà đang ngồi bên dưới cái gốc cây đầy rễ khô gân guốc như
hàng nghìn ngón tay bấu vào mặt đất thô ráp. lâu dần, những hốc rễ làm
chỗ trú ẩn cho bà. ở đây - mẹ nói - có thể áp tai vào thân cây và nghe
rõ nhất tiếng cười của năm đứa trẻ! dường như ai cũng có thể hiểu đó là
một cách củng cố niềm tin, một phép thắng lợi tinh thần hơn là sự đúc
kết những thực nghiệm)
chúng tôi leo mãi.
những
cành nhánh cây cứ vươn ra. vô tận. ba tôi đã thực sự mất hút trong tầm
mắt. nhưng luật của trò chơi không cho phép chúng tôi leo ngược trở lại
thân cây chính và tìm đường xuống gốc mặt dù khi lên cao, trong cơn gió
giật, chúng tôi hốt hoảng kêu tên ba. gào thét đến khàn giọng, “ba ơi!
ba ơi!...”, tiếng kêu của chúng tôi vang xa và tan loãng vào vùng trời
xôn xao và bao la.
ba
thực sự đã biến mất vào cánh rừng mù mịt khói, lòng dạ trống hoang, tôi
nhìn xuống mặt đất và nhận ra có một một hố thẳm hẫng hụt đến ghê rợn,
lạnh người, lúc bấy giờ, tôi tự nhủ rằng, có thể ba vẫn đang lùi xa dần
để độ mở rộng của không gian có thể thâu tóm đủ khuôn mặt của năm anh em
tôi và bóng dáng tiều tụy đơn độc của mẹ tôi dưới gốc cây.
cả gia đình chúng tôi vẫn đang tuân thủ quy luật của trò chơi chụp ảnh lạ lùng, bí ẩn mà chúng tôi đã tự đặt bày ra.
bóng của cái cây vươn ra xa mãi, xa mãi.
đó là những gì bức ảnh ấy lưu lại được.
5.
và
cuối cùng, ông đã cưỡi hạc vàng đi. gần đây, giới khảo cổ học tìm thấy
xương hạc vàng ở dưới đáy đại đương vùng tam giác bermuda.
người ta vẫn không đưa ra kết luận nào về ông ấy.
nhưng
người trung quốc sẽ bảo rằng, đất nước họ mới là nơi sinh ra huyền
thoại hạc vàng dù bất kể căn cước người đàn ông cưỡi hạc thuộc về đâu và
đó là loài hạc có chứng nhận “made in” nước nào.
6.
lá vàng rơi trên đầu, trước mặt, dưới chân những tình nhân, sắc vàng phủ kín mọi tầm nhìn.
mùa thu
mùa thu
chàng thi sĩ đương đại hôn lên mái tóc nàng thơ của mình, rồi ứng khẩu: “em có nghe, mùa thu đang tiêu chảy cấp!”
7.
hãy
nhớ rằng, trong quá khứ, ông cũng đã hành xử giống tôi và chịu một bản
án như tôi! vì thế tôi chẳng thể nào nghe nổi thứ luận điệu của ông cùng
những kẻ khác! - nhà hoạt động dân chủ nói.
đúng - nhà độc tài đáp - vì vậy, tôi sẽ xử chết ông. tôi không muốn hiện tại của tôi chính là tương lai của ông.
8.
a.
ngày mai tận thế! ngày mai tận thế! các ông có hiểu không? ngày mai chúng ta sẽ chết!
mặc tôi gào cạn hơi giữa đường phố. mọi người vẫn vội vàng lướt qua. lướt qua. lướt qua.
ngày mai chúng ta sẽ chết! - tôi nắm cổ áo một người đàn ông và sủa vào mặt anh ta. ông hiểu không?
người đàn ông gỡ từng ngón tay của tôi ra khỏi cổ áo mình một cách dễ dàng, rồi im lặng lướt đi theo đoàn người.
tôi
vẫn đứng gào thét bên đường, tiếng của tôi vang mỗi lúc một xa. nhưng
không sao át được tiếng dòng người lướt qua với những động cơ mỗi lúc
một náo loạn.
chúng, càng lúc càng khiến tiếng nổi của tôi bị cô lập.
ngày mai tận thế! lũ ngu ngốc kia, các người không biết hay sao?
tôi gào thét như thế ngày này qua ngày khác, cho đến hết cuộc đời.
b.
những vết cháy bắt đầu loang ra từ một đường rách toạc trên bầu trời, nung những đám mây đỏ rực cuồn cuộn lao về phía mặt đất.
khi
đó chúng tôi đang ngồi như thể bị đông cứng trong rạp phim, nơi mà bốn
bức tưởng được lắp kín bởi những cửa họng máy tạnh đang phà hết công
suất.
lửa
chỉ có thể được bắn ra từ cái màn ảnh toát hơi nước đang chiếu một đoạn
phim về nhân vật huyền thoại mới có tên promete, kẻ ăn cắp nước từ
những đám mây để cứu nhân loại đang chìm trong cơn đại hỏa hoạn.
bây giờ là ngày 21.12 năm 2012 trong đại lịch cua người maya; ngày được dự báo là tận thế.
9.
để
chống lại những luận điểm học thuật khác, nhà phê bình uy tín đặt bút
viết: “tôi có quen biết bố cô ta. chúng tôi thường trao đổi rất nhiều
vấn đề, tôi khẳng định bố cô ta là một người làm nghệ thuật rất ư đàng
hoàng, vì vậy, không thể có chuyện những bài thơ của cô ta lại vô đạo
đức như các ông vừa diễn giải!”
10.
những
lời lẽ ấy đã được dùng đi dùng lại hằng ngày, đã hơn 70 năm nay, với
một giọng đọc có biên độ đao động âm giống nhau đã khiến cho chiếc loa
phường chảy máu.
và chiều nay, cơn chảy máu đến hồi cao trào. Máu từ miệng loa xối xả tuôn thành dòng, gây ngập úng mọi nẻo đường.
người ta lưu thông bằng cách bơi trong bể máu. Người ta bị nhuộm trong máu.
nhà ngôn ngữ học cắt nghĩa hiện tượng này rằng: đó là máu của ngỏn từ.
thật mơ hồ!
11.
voltaire: - tôi không đồng ý với bạn, nhưng tôi đấu tranh để bạn được nói!
vậy,
còn quyền được viết khác thì sao, thưa ông voltaire? - bạn hỏi. xem ra
câu hỏi đó thật ngớ ngẩn trước một triết gia. song, vì bạn đang muốn
biết rằng, ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa... bạn sẽ được đồng ý viết
hay nói điều gì/ không được viết hay nói điều gì.
voltaire im lặng, sự im lặng rất khác với những gì ông ta đã nói . nhưng rất giống với sự im lặng của một nấm mồ.
12.
khi
bị dồn vào một vách đá, thủ lĩnh bộ lạc Neyung nhìn lại hình ảnh đám
dân đang chen lấn giẫm đạp nhau chết vạ vật ven con đường vừa đi qua.
chỉ còn rất ít người sống sót. một trong số họ bước đến giương mũi giáo
nhọn, đôi mắt rực lửa, quát: “dòng máu đỏ đang đuổi sát chúng ta, ông là
thủ lĩnh, hãy làm gì đi chứ?”, thủ lĩnh ứa nước mắt rồi cởi áo, từ từ
nằm xuống đất. dòng máu bộ lạc Neyung theo những bước chân tràn qua cơ
thể ông rồi nhuộm đỏ vách đ
13.
một
hôm, khi biết mình sắp chết, con rùa rướn chiếc cổ dài ra và nói với
cái mai của mình: “vì ngươi mà ta được an toàn, nhưng cũng vì ngươi mà
ta phải mang một khối nặng như đá ở trên lưng!”
cái mai vẫn lầm lì. từ lâu nó đã mất khả năng nghe, nghĩ, hay nói một điều gì trên lưng con vật sống thọ nhưng khốn khổ kia.
14.
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối
ánh sáng
bóng tối ...
cứ
thế, ánh sáng rồi bóng tối, bóng tối rồi ánh sáng... viết mãi chẳng bao
giờ cho xong được cái truyện này nên xin được dừng ở đây.
thành thật xin lỗi độc giả.