Chơi với Thời Gian - Chương 07 -> 12 ( Hết )
Chương 7
CHUYỆN NĂM NGỌ
Xiếc ngựa
Chuyện xảy ra từ hồi còn ông Tạ Duy Hiển, một nhà dạy thú nổi tiếng. Hồi đó ông Tạ Duy Hiển mới chuyển qua làm xiếc quốc doanh, nhà bạt dựng bên hồ Bảy Mộu, thứ năm hằng tuần mở cửa diễn miễn phí cho học sinh xem tập thể.
Một buổi chiều thứ năm, mấy cậu bé ở chung số nhà 255 phố Hàng Thùng ngồi kể chuyện xiếc mới xem hồi sáng. Cũng voi đá bóng, khỉ đạp xe.. tiết mục nào cũng được diễn lại hay hơn bằng mồm.
Trẻ em cả tám hộ ở chung xúm lại nghe. Anh Độ là người lớn rồi, còn dừng tay bổ củi lắng nghe, nghe cả bằng cái miệng há tròn vo như một sân khấu xiếc. Anh đâu ngờ xiếc hay đến thế. Những tưởng đó chỉ là những trò xiếc nhảy lửa xiếc leo thang, xiếc đi xe đạp rách tan cả quần như người ta vẫn diễu. Tội nghiệp anh Đô không còn nhỏ để được xem miễn phí, cũng không có tiền để mua vé! Những công việc anh Đô làm chỉ được trả bằng các bữa ăn. Anh Đô làm các việc bổ củi, móc cống, đổ rác.. cho nhà 255 này và cho cả phố Hàng Thùng.
Bẵng đi cả tháng, một hôm anh Đô nói với lũ trẻ:
Không bổ củi! Không móc cống nữa! Anh đi làm xiếc. Xiếc ngựa! Đứa nào ngoan, học giỏi anh thưởng vé mời.
Anh Đô bỏ cái gầm cầu thang của mình đi thật và anh giữ lời hưa, thường gửi giấy mời về, mỗi lần một vé, hai chỗ, có đánh số ghế hẳn hoi.
Hai đứa đi xem lần thứ nhất, chỉ thấy anh Đô đứng giữa sân khấu mà không làm gì, thì đoán anh đứng sẵn đấy, phòng khi ngựa lồng lên thì cầm cương kéo lại, vì anh Đô to khỏe. Hai đứa xem lần hai cũng thấy vậy, nghĩ vậy. Đến lần xem thứ ba mới biết, nghĩ vậy là sai bét!.
Là vì khi con ngựa bạch bị chìm cương đứng lại, cô gái vẫn đứng trên lưng ngựa đã nhảy xuống, ngựa ta hứng chí làm nguyên một bãi.. màu cỏ úa thứ thiệt xuống sàn diễn. Chính anh Đô là người tiến lại, như một nhà ảo thuật, dọn sạch biến. Xiếc ngựa lại tiếp tục.
Những đứa trẻ phố Hàng Thùng rất quí anh Đô vì anh là một diễn viên xiếc người cùng phố, lại thường cho vé mời. Anh Đô làm xiếc ngựa mà không cầm cái roi dài quất ngựa, lại lo sạch đường xiếc, để ngựa không trượt chân, ngã chổng bốn vó lên trời, cho nên giống ngựa xiếc cũng quí anh lắm.
Giống voi xiếc lại càng quí những người như thế.
Chương 8
CHUYỆN NĂM MÙI
Tại sao dê sớm mọc râu?
Dương là một chú bé được nuôi lớn bằng sữa dê, mặc dù Dương ở ngay trong phố này. Chỉ là vì khi mới sinh ra, Dương không có ba, má nó khóc hết nước mắt mất sữa luôn mà tiền thì không có để mua sữa bò đóng hộp nuôi Dương.
Một chú là nghề nuôi dê, vẫn bỏ sữa dê cho căng tin trường học, nơi má Dương nấu cơm tập thể cho mấy thầy cô giáo, biết chuyện này. Chú thương tình, mỗi ngày cho Dương cho một chai sữa.
Trên bệ cửa sổ nhà Dương, cứ mỗi sáng lại mọc lên một chai sữa. Lúc đầu chai xị, rồi chai nửa lít. Vào giờ mặt trời mọc, người chăn dê tốt bụng ấy dừng xe đạp, tự tay đặt lên cửa sổ thứ sữa ngọt còn nóng ấm.
Cho tới một hôm, đã muộn mà bệ cửa sử không mọc lên chai sữa. Người mẹ tìm đến nhà người chăn dê, mới hay chú trèo cây so đũa, hái lá nuôi dê, cành gãy, té gãy tay.
Chú chăn dê ở một mình nên người mẹ phải tự vắt sữa dê cho con mình, nhân tiện vắt cho căng tin, rồi nhận tiện kiếm lá so đũa cho dê ăn. Đàn bà không biết trèo, người mẹ buộc cái lưỡi hái vào đầu cây sào tầm vông mà giật.
Cũng may, cái tay của chú chăn dê mau lành vì được bó bằng thuốc quí, chú mang về từ đảo Cồn Cỏ, là nơi chú đã ba năm liền làm anh bộ đội chăn dê. Chú kể..
Sắp tới ngày chủ cởi áo lính về làm dân, con dê đầu đàn giả bộ bỏ đi để dụ chú vào rừng sâu, rồi dẫn đến một bụi si già. Trên cành si cao có bộ xương sọ của con dê nào đó, được trèo bằng cặp sừng cong. Đó là linh giác. Để gửi lại cặp sừng làm linh giác, con dê nhảy lên một lần cuối, treo sừng vào cành cây mà chết sạch, phơi nắng phơi sương làm thuốc. Chú chăn dê gỡ cặp linh giác, để lại cho đồng đội một linh giác bên tả, cái bên hữu mang về quê nhà.
Tay lành nhờ bó thuốc có bột linh giác, chú chăn dê lại tự tay mang sữa tới cho Dương, nhưng không còn để ở bệ cửa sổ mà mang vào tận nhà, và ở lại làm ba của Dươg.
Cho tới nay, Dương vẫn được uống sữa dê cho dù nó đã lớn, đã chơ rất giỏi trò bịt mắt bắt dê. Mắt bịt kín. Dương vẫn băng băng như một chú sơn Dương. Dường như trong trò chơi này, nó có thể nhìn bằng hai lỗ mũi!
Loài dê làm sữa, làm thuốc, làm trò cho con người. Làm bằng ấy việc lớn nên sớm trưởng thành. Cứ ra sở thú mà coi, những con dê nhỏ xíu đã có râu. Không phải râu sợi đỏm dáng như mèo, mà là râu chòm mọc dưới cằm, mượt như một ngọn bút lông và kiêu hãnh như râu của một bậc hiền triết.
Chương 9
CHUYỆN NĂM THÂN
Khỉ con mau nước mắt
Cuối học kỳ I, lớp 6/2 giỏi nhất trường được thưởng một ngày du lịch. Đi đâu lớp tự chọn.
Người ham xa, đòi lên Vía Bà, mãi tít Châu Đốc. Người say xe, tởn mùi xăng, lại muốn đạp xe vào cắm trại ngay sân Lăng Ông, bên hông chợ Bà Chiểu. Người thích mạo hiểm đòi xuống địa đạo Củ Chi.. Chưa ai chịu ai thì lớp trưởng Phượng đứng lên, nói lãng xẹt:
Tôi đề nghị lớp mình đi Thủ Đức thăm con khỉ..
Lớp cười ồ! Riêng lớp trưởng không cười, đưa ngón tay cái, đẩy cao hai mắt kính dày như hai mảnh ve chai, nói rất nghiêm túc..
Để tôi nói hết, chúng ta đi thăm khỉ Tu Tu. Đây là một địa chỉ du lịch báo Thiếu Niên giới thiệu, để tôi đọc cho các bạn nghe.
Rồi Phượng đọc. Hồi nhỏ nó phá quá, sợ hàng xóm buồn, bác Ba chở nó vào rừng Cu Nhi, Sông Bé. Phát một cái vào mông, nó sợ hãi tót lên cây. Bác vừa rồ máy xe định quay về Tu Tu liền nhẩy xuống ôm bác chặt cứng. Bác Ba đành chở nó về nhà. Một tuần sau đó, khỉ ta ngoan như một con cừu, nhưng rồi lại chứng nào tật ấy. Bác Ba bèn đưa vào Thảo Cầm Viên. Mấy lần vào thăm bác đều thấy nó giụi mắt, rên u u như khóc. Trẻ em quanh đó kháo nhau xem con khí lúc nào cũng khóc, Bác Ba lại xin về..
Đi thăm một khỉ con mau nước mắt, ý tưởng hay đất chứ! Và sáng chủ nhật, cả lớp đi Thủ Đức.
Qua khỏi cầu Sài Gòn là tới. Trong phòng khách, khỉ Tu Tu như một đứa bé ba tuổi, ngồi trên vai bác Ba, nhổ tóc sâu cho bác. Cô chủ nhiệm còn mắc đi liên hệ gửi xe, Phượng thay mặt lớp, mới nói được "thưa bác Bá" thì cái kính cận trên sống mũi đã bị Tu Tu giật phắt, rồi phóng qua cửa sổ ra ngoài vườn.
Chỉ trừ một người ở lại giúp lớp trưởng nhìn, còn tất cả đổ ra vườn rộng xăm xoi cố tìm cho ra tay cướp đường thuộc loài đã từng đại náo thiên cung. Cánh con trai được dịp trèo cây, nhưng tới khi một bạn gái nhìn thấy Tu Tu, mắt đeo kính ngồi trên cây gừ ven hồ nước thì lại sợ không dám trèo. Chỉ có Hiền, cậu học trò nhút nhát, mới chuyển từ Đồng Tháp lên là tỉnh bơ, ngậm trái chuối trong miệng, trèo thoăn thoắt.
Tu Tu mải chụp trái chuối từ tay Hiền, làm rớt cái kính xuống hồ. Kim "Quậy" được dịp lao ngay xuống nước. Bác Ba la hoảng "ấy chết!" cũng không kịp ngăn nó. Nhưng Kim đã ngoi lên, đưa hai tay không rồi lại mất hút dưới mặt hồ sâu. Lần này thì lâu quá! Bác Ba đã phải lớn tiếng: "Cứu đuối bay ơi". Bọn con gái đã sụt sịt thương tiếc, thì từ phía sau, Kim ướt như chuột lột chạy tới, tay huơ huơ cái kính cận của lớp trưởng. Thì ra, Kim lặn xuống, thấy kính thì làm luôn một hơi thật xa, rồi mới lén lên bờ, hù mọi người chơi.
Thấy Kim, cô giáo chủ nhiệm ngồi phịch xuống đất như đã kiệt sức, không thể đứng thêm phút nào nữa. Còn lớp trưởng Phượng vừa đeo kính vừa mếu máo:
Ghét Kim quá đi! Kim làm người ta sợ muốn chết! Hu! Hu!
Ai ngờ lớp trưởng lại yếu đuối đến vậy.
Đúng là thứ khỉ con mau nước mắt. Còn khỉ Tu Tu nghe khóc, lại tưởng ai gọi tên mình, nhe răng cười.
Chương 10
CHUYỆN NĂM DẬU
Nhà bảo sang gà
Gà đẻ gà cục tác, không giấu được ai. Người lớn cứ lần tới chỗ cục tác mà lượm trứng để làm hột gà luộc, hột gà la cooc, hột gà ốp la, ốp lết.
Sáng chủ nhật, người lớn nói chuyện với nhau ngoài sàn nước:
Gà em cục tác mấy bữa nay mà cấm có tìm thấy trứng!
Mất đi đâu chớ! Cả khu tập thể chỉ có mái gà nhà cô. Mời cô sang gầm giường nhà tôi mà tìm. Không thấy thì ra nhà bảo sanh phường một!
Không! Nhà bảo sanh gà ở ngay trên nóc tủ gương nhà cái Phước. Cái tủ áp lưng vào khung cửa sổ không cánh cửa, khung cửa nhìn ra một con hẻm nhỏ tới mức chỉ mèo với gà đi lọt. Đã mấy hôm nay, từ con hẻm ấy, cô gà mái phóng lên chấn song cửa sổ, rồi tót vào nóc tủ, đẻ lén tới quả trứng thứ tư. Lũ trẻ quyết giữ kín ổ trứng, đợi tới ngày hiển hiện cái cảnh thần tiên, đúng như sách học vần lớp một đã dạy:
Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ
Hôm nay ra đủ
Mười chú gà con
Nhưng chưa tới ngày vỡ trứng, chuyện kín đã vở lở hết. Sáng thứ hai, đang giờ làm việc, ba cái Phước từ cơ quan hớt hải chạy về nhà, coi bếp điện đã cúp chưa. Mở cửa, ông thấy Phước với hai đứa bạn ngồi trên nóc tủ như bộ tam đa Phúc Lộc Thọ. Mờy đứa đếm đi đếm lại năm quả trứng ủ trong manh áo mưa rách, chính ba Phước đã bỏ quên trên ấy từ mùa khô năm trước. Cái Phước thấy ba đã biết có nhà bảo sanh gà, liền năn nỉ:
Đừng đuổi gà mẹ nghe ba. Cho nó mượn nóc tủ..
Nó đẻ trứng trên tủ gương thiệt hả? Ba Phước tròn mắt nói
Đúng là gà chợ, mắc đẻ còn tính soi gương. Hay! Cứ cho nó đẻ trứng đi, gần một nng một trứng chứ ít đâu. Nhưng đừng cho nó ấp. Phải có đủ gà trống, gà mái, trứng gà mới nở ra gà con. Mái không như mẹ gà này, ấp mấy, hột gà vẫn là hột gà.
Tội nghiệp! Nếu gà nghe hiểu tiếng người, nó sẽ nín đẻ, rán chờ cho tới khi trong khu tập thể có một bạn bà trống.
Chương 11
CHUYỆN NĂM TUẤT
Cựu vô địch chó
Tô Tô là một cho chó Nhật nhỏ thó nhưng chuộng thể thao nên rất thân với cánh con nít. Nó tham gia mọi trò chơi cùng những đứa trẻ thuộc ba gia đình cán bộ, sống tập thể trong một biệ thự nhỏ ở dãy phố gần sông Hậu.
Có lần tụi nhỏ lỉnh đi chơi đâu đó. Tô Tô ham vui cũng lẳng lặng đi theo. Nửa tiếng sau, người sũng nước, nó chạy hộc tốc tha cái quần xà lỏn còn khô rang của Phi "Bột" từ đâu về, nhả ngay trước mặt mẹ Phi đang ngồi nhặt rau trong bếp. Người mẹ hốt hoảng, vừa khóc như mưa như gió, vừa chạy ra bờ sông. Giữa đường bà gặp Phi cùng lũ bạn đi ngược vào, đứa nào tóc cũng ướt nước sông. Riêng Phi của bà tóc ướt lại chỉ mặc độc một cái áo thun ba lỗ, kéo dài xuống, che kín cái chỗ lẽ ra phải mặc quần. Con trai mà ăn bận như một bà đầm váy ngắn. Đang khóc, mẹ Phi cũng phải bật cười về thứ thời trang dạo phố này. Lần ấy, không nhờ hài kịch mất xà lỏn Tô Tô nghĩ ra, cả lũ đã chết đòn vì tội trốn nhà đi tắm sông.
Bơi đã giỏi Tô Tô còn biết đánh cờ vua. Chẳng là có lần nhà 25 đấu với nhà 27. Cô Hương "Sứt" của Tô Tô được vào trận chung kết. Ai thua trận này sẽ bị quẹt lọ vẽ râu. Râu lọ nghẹ phải giữ trên mặt suốt ngày! Vào trận, Hương lỡ đi một nước, để mất liền con mã với con tượng, thua là cái chắc. Hương "sứt" hoảng quá đưa mắt cầu cứu Tô Tô. Không nề hà gì, nó phốc ngay lên lòng Hương ta, làm bộ đưa chân dí con tốt rồi lỡ đà đánh úp bàn cờ. Vậy là huề! Không có Tô tô ra chân, con gái nhà 25 bữa ấy mà mọc râu thì xấu cả nhà.
Tô Tô giỏi nhiều môn nhưng chính thức trở thành nhà vô địch môn bóng bàn. Đó là nhờ mỗi khi Phi "Bột", Hương "Sứt" tập bóng với Hùng "Pinh Pông" ở bàn bóng kê nơi hành lang chung của cả ba nhà, Tô Tô đều được sung vào chân nhặt bóng. Bóng có lăn vào núp mãi gầm giường, kẹt tủ nhà nào nó cũng đánh hơi điều tra thấy và giải về tức thì, rồi nhả vào tay các danh thủ như tặng một viên kẹo. Cho nên trong giải vô địch thiếu niên thị xã, khi Hùng bước lên bục lãnh cúp thì Tô Tô cũng theo lên, trở thành nhà vô địch chó, vẫy đuôi như vẫy ngọn cờ lau thắng trận. Khán giả vỗ tay quá trời!
Một con chó như thế cũng tới lúc già, cũng lòa, rồi mù. Điều đó có gì lạ đâu. Lạ là ba gia đình cán bộ ở số nhà 25, kể từ khi Tô Tô bị mù, không chịu bày biện lại đồ dùng trong nhà, không chịu mua sắm thêm các vật dụng kềnh càng như máy giặt, tủ lạnh. Ai cũng sợ, những thứ ấy đặt vào đâu thì Tô Tô cũng không nhìn thấy, cũng có lần bị cộc đầu, rồi ngại không tới nhà mình nữa. Thành thử đồ đạc cứ ngủ yên như đã ngủ trong một câu chuyển cổ nào vậy.
Còn những đứa trẻ thì đã lớn cả rồi, thành thanh niên, thành sinh viên cả rồi. Mỗi lần từ thành phố về cùng lúc, họ xúm lại bắt tay con chú mù:
Chào nhà vô địch. Hương, Hùng, Phi đây. Có nhận ra chúng tôi không bồ?
Chương 12
CHUYỆN NĂM HỢI
Heo út
Mùi dầu khuynh diệp khiến bé Lan nhớ tới cái gì đó.Phải rồi, cứ mỗi lần theo mẹ đi thăm mấy bác, mấy cô mới sanh là bé Lan ngửi thấy mùi này. Mùi khuynh diệp từ những người mẹ mới sinh nở, bao bọc những đứa bé được ủ kín, chỉ khoe ra khuôn mặt đỏ hồng, nhỏ xíu, hai mắt nhắm khít.
Lan ngước mắt tìm kiếm. Phía cuối vườn, trước căn nhà nho nhỏ, lợp lá, buông mành kín đáo là một một đống vỏ chai khuynh diệp. Nó muốn tới ngay để nhìn em bé nhưng không dám. Mẹ luôn dạy, tới nhà lạ, không được bạ đâu cũng sục vào.
Cho mãi tới khi mẹ chúc Tết xong, theo chủ nhà ra thăm vườn, mừng tuổi cây, bé Lan mới được dịp chỉ tay vào cái nhà khuynh diệp, vòi vĩnh:
Má! Má cho con vào chơi với em bé.
Ha! Ha! – Bà chủ nhà cười lớn – chơi với em bé heo! Nhỏ này chắc rồi làm nhà thơ, nhà báo. Nào mời cô với cháu. Heo nái nhà tôi mới sanh mười ba heo con. Tốn cả lố khuynh diệp rồi đó. Hết ho lại sổ mũi.
Cái chuồng heo sạch bong, sực nức mùi khuynh diệp. Heo mẹ và cả bầy đang ngủ, chỉ trừ một con gầy choắt, đi đi lại lại, cố vào gần mẹ mà không được, mười hai con heo kia bao quanh mẹ như một vòng rào.
Tội nghiệp con heo út. Nó đẹt quá, giành vú không lại. Mười hai con kia người ta đặt mua cải. Chỉ kẹt lại con út. Không lẽ đem gả lò heo quay.
Heo út có hiểu heo quay là gì đâu mà sợ. Thấy bà chủ, nóvẫn chạy tới, khịt khịt mũi đòi ăn. Bà chủ bế nó lên, heo út nằm nem nép, mắt lim dim. Lan đưa tay gãi gãi vào sống lưng nó, con heo út nằm gọn trên tay Lan lúc nào không hay.
Con nhỏ này coi bộ mát tay. Thích nuôi heo không? Bác lì xì cháu con út này về nuôi làm vốn. Khỏi phải đếm tiềm, phong bao mất công.
Tưởng chuyện đùa hóa chuyện thật, mẹ đồng ý cho bé Lan nhận heo út về nuôi. Món lì xì bốn chân vẫn được phong cẩn thận trong một bao bố tời sạch sẽ.
Trên đường về, Lan ngồi sau xe đạp của mẹ, ôm heo út như bế con búp bê ủ trong một tấm mền. Lúc qua Bắc Cao Lãnh, heo út nằm yên trong bao bố tời, không kêu la gì, vậy mà bà bán bánh lỗ tai heo vẫn biết bà nói:
Này! Con đừng buộc túm như vậy, ngợp chết! Heo cũng phải thở như người ta chớ.
Lan nghe lời, vứt bỏ dây buộc, hai tay mở rộng miệng bao bố như mở cửa cho heo út thở gió sông Tiền.