Chơi với Thời Gian - Chương 01 -> 06

Chương 1
Loài chuột suýt có một nhạc viện
Có bầy chuột được đẻ ra ngay trong lòng một cây đàn pianô. Thừa lúc các con ngủ, mẹ chuột tạm xa cái nhà hộ sinh vĩ đại ấy và rêu rao khắp các lối cống rằng, những chuột con thần đồng đã được hạ sinh trong một nhạc viện
Mẹ chuột không nói ngoa, bầy chuột còn đỏ hỏn đã tỏ ra có năng khiếu thanh nhạc, đã chí chí hát được với nhau mỗi khi những cái mõm xinh xinh không bận bú tí mẹ. Và vừa đến tuổi dứt sữa, chúng đã bắt đầu học nhạc cùng một lúc với môn gặm nhấm
Cữ ngỡ rằng, mọi thứ âm nhạc trên đời đã có sẵn trong các cây đàn nên chúng nhai ngấu nghiến những gì nhai được, hòng thuộc lòng, từ nhạc xa xừ xê cống tới nhạc tây đồ mi phá. Những bộ răng hiếu học thi đua với nhau nên ngay buổi học đầu tiên, sợi dây vải vẫn kéo cây búa dạ gõ ra nối phá mủn rồi dứt.
Chiều hôm ấy, chủ nhân của cây đàn phụng phịu ngồi vào trước hàng phím ngà, đầu ngoẹo ngoẹo, vai lệnh lệnh, lưng gù gù, tay khuỳnh khuỳnh... tư thế của một thằng lười. Khi cậu bé đàn câu te tò te đây là ban kèn hơi, cả nhà lại chỉ nghe thấy tò là kèn!
Cha của cậu bé giật thót mình, ông mở tung thùng đàn và thấy ngay cái lớp nhạc bừa bộn của loài chuột. Ông vội vung cao cây thước vẫn giữ nhịp cho câu bé tập đàn. Những tiếng chi chí chia làm nhiều bè rồi chạy cả vào cái nốt tròn lỗ cống dưới bếp.
Người cha vừa lúi húi nối lại sợi dây âm nhạc, vừa nói với đứa con:
- Ba không ép buộc đâu nghe, tụi chuột tự tìm đến học với con. Chưa biết ai hơn ai, mèo nào cắn miêu nào.
Cậu bé lại ngồi vào đàn, tư thế khác hẳn trước đó. Te tò te đây là ban kèn hơi, tò tò tò tò te... tiếng đàn cũng khác hẳn, vững, và nhịp nhàng như bước chân của một ban kèn người.
Chương 2
CHUYỆN NĂM SỬU
gười buông mùng cho trâu
Mùa khô, Đồng trơ gốc rạ. Chỉ những bờ ruộng, những gò đất là còn sót lại ít ngọn cỏ xanh.
Nước lại càng hiếm. Nước chạy trốn vào lung vào đìa sâu trong Đồng Tháp Mười. Nước chạy lên chót vót ngọn cây thốt nốt xa tít bên kia biên giới.
Còn lại giữa nắng cháy đồng không, hai đứa trẻ dắt trâu đi lượm những cọng cỏ xanh.
Những con trâu gặm cỏ như cậu bé háu đói liếm đĩa. Như cô bé xí xộn cúi nhặt những hạt cườm mới chạy trốn khỏi chuỗi cườm vừa đứt chỉ. Như người mẹ chân chỉ kéo lê cái thúng giạ mót lúa nông trường. Như người cha xốc vác, chống cái thùng vòi, bước trong đám sình, hôi cá sót lại sau đám tát đìa...
Trâu ngoan ăn để chiều lòng Sót và Mót, hai anh em ruột, mồ côi cha mẹ, đi chăn trâu mướn kiếm cơm ăn. Hai anh em ngồi chịu trận giữa đồng. Không bóng cây, không cầu, không quán. Chỉ có tấm khăn rằn che chung hai mái đầu khét nắng. Và nắng mới khủng khiếp làm sao. Lại thêm lửa đốt đồng xa gần bốn bên...
Trời nhá nhem, hai đứa theo trâu về làng. Mót là em gái, được về nhà ăn ngủ với ngoại, lo cho ngoại. Sót là anh trai phải ngủ lại với trâu
Sót lùa trâu vào chuồng. Xuống kinh tắm qua quít rồi mò xuống bếp kiếm cơm. Cơm còn nóng, lại thêm mùi mắm kho sực nức. Sót vừa đưa chén cơm lên thì nghe tiếng bà chủ nói vọng xuống:
- Sót à, muỗi dữ lắm, nhớ buông mùng cho trâu rồi hãy ăn nghe con
Sót nuốt nước miếng, dạ ran rồi buông chén đũa chạy ra chuồng trâu. Em giăng cái mùng lớn phủ kín năm con trâu to đùng. Công việc giờ mới thiệt hết. Sót lại vào bếp. Cái bụng vừa no thì đôi mắt díp lại.
Sót ra thềm gạch bông ngoài hiên chui vô nóp. Với người chăn trâu nhà nghề như Sót, cái nóp vừa là giường, vừa là chiếu, vừa là mền, vừa là mùng. Và Sót ngủ ngon lành!
Chỉ những con trâu là khó ngủ, suốt đêm lắc sừng, đập đuôi như áy náy về một điều gì đó.
Chương 3
CHUYỆN NĂM DẦN
à Mụ Cọp
ở Nam Bộ, những người làm nghề đỡ đẻ được gọi là mụ. Xã Bình Hàng Tây vùng Đồng Tháp Mười có bà mụ giỏi nghề, lại nhân từ, một tay bà sanh giúp không biết bao nhiêu người nơi vùng đất còn hoang vu này.
Một hôm đã lên giường, nghe tiếng đập cửa rầm rầm, bà mụ lên tiếng hỏi. Không thấy trả lời, chỉ nghe rên rỉ. Cho là có người chuyển dạ, đau tới không nói được nữa, bà mụ vội mở cửa ra.
Ngoài sân không ai hết, chỉ có một con cọp, lớn gần bằng con trâu mộng, nằm phủ phục, nhìn bà bằng đôi mắt phản chiếu ánh đèn dầu, sáng quắc. Bà mụ sợ quá, xỉu liền. Khi tỉnh lại, bà thấy mình nằm bên một con cọp cái có chửa, đang vật vã đòi sang. Cạnh đó, cọp đực vừa tời rước bà đi, nằm hiền lành như một con chó nhà. Chung quanh rừng rậm lọc ánh trăng mờ tỏ.
Máu nghề nghiệp làm bà mụ hết sợ, bắt tay ngay vào việc giúp con cọp mẹ sinh ra một bầy cọp, năm con, nhỏ như mèo. Sau khi nhà cọp đã mẹ tròn con vuông rồi, hết việc chôn nhau cắt rún, lại thấy bên mình toàn cọp là cọp, bà mụ khiếp sợ, xỉu lần nữa!
Lần này tỉnh lại, bà mụ thấy, mình đang nằm bên cửa nhà mình, bà con lối xóm xúm lại, người cạo gió, người đổ thuốc, nngười đốt sưởi... Thấy toàn người quen thân bà mụ mới lần lần kể lại chuyện xảy ra. Lúc đầu không ai tin, nhưng khi nhìn thấy mờ mờ trên cườm tay bà những vết răng, vết vuốt, thì ai nấy tròn mắt, vừa mừng, vừa sợ thay cho bà.
Đúng lúc ấy, một con vật lớn, nhảy như rơi từ trên trời xuống. Mọi người hốt hoảng ù té chạy, tưởng lại có cọp rừng chuyển dạ đẻ.
Nhưng con vật kia nằm bất động. Thấy vậy, mọi người hoàn hồn, trở lại coi, thì ra đó là một con heo rừng đã bị vật chết, trên mặt còn chi chít những dấu cọp vồ. Chắc là con heo lễ, vợ chồng cọp tạ ơn bà mụ ân nhân. Mọi người xả thịt heo ăn mừng. Bà mụ có tên mụ Cọp từ đấy.
Đó là chuyện ngày xửa ngày xưa rồi, nhưng cho tới hôm nay, về Bình Hàng Tây người ta vẫn được gặp cháu, chắt, gọi bà mụ Cọp là cố, là sơ gì đó. Cháu chắt bà mụ cọp đã có người theo nghề tổ tiên, học tới bác sĩ thú y, phòng hờ một đêm nào đó cọp lại gõ cửa thì đỡ phần lung túng



Chương 4

CHUYỆN NĂM MẸO
èo Bạch Tuyết và bảy chú khổng lồ
Có một con mèo! Không phải chú mèo máy Đôrêmon miệng rộng, trên đầu có gắn cánh quạt mà là một cô mèo bằng xương bằng thịt, mắt xanh trong, răng trắng tinh....
Đó là mèo Bạch Tuyết, con của một mẹ mèo hoang. Bạch Tuyết là cái tên chúng ta gọi mèo con trắng tinh ấy, chứ mẹ mèo nào đã kịp đặt tên, cả năm đứa con của mình.
Đẻ con trên sân thượng một kí túc xá sinh viên cao chín tầng lầu, các con vừa dứt sữa là mẹ mèo lại đã bỏ đi hoang. Năm chị em mèo phải bò xuống các tầng lầu, mỗi đứa vào ăn chực một phòng.
Mùi cá tươi đưa Bạch Tuyết vào phòng 905, tức là phòng số 5 lầ 9. Phòng có kê ba bộ giường tầng, lại trải thêm một manh chiếu, cho cả thảy bảy chàng sinh viên. Mèo ta vào đấy, thật sướng như nàng Bạch Tuyết lạc vào tay bảy chú... khổng lồ.
Lúc ấy, chàng khổng lồ đầu bếp dầu vừa đi chợ Cầu Muối về, đang ngồi trước một túi ni lông có mớ rau muống và hai trăm gam cá lòng tong. Bạch Tuyết vừa ghé mũi meo lên một tiếng, liền bị một cái tát tai, bắn vào góc phòng. Vẫn không nản chí, Bạch Tuyết lại lăn xả vào lần thứ hai. Lần này một cú đá, hất nó vào gầ giường. Chẳng hề gì, nó tới lần thứ ba, khi cái túi không còn rau, không còn cá, chỉ cò mùi tanh, rồi chui tọt vào đó.
Ngay lập tức, chàng khổng lồ chụp lấy cái túi, ném qua cửa sổ! Cửa sổ lầu chín! Dưới kia, một dòng xe đủ loại đang hét inh ỏi và trôi cuồn cuộn.
Người ta nói, mèo rơi từ độ cao nào rồi cũng sẽ tiếp đất bằng bốn chân, chẳg hè hấn gì! nhưng mèo đây mới chỉ là mèo bé gái, tuổi nhi đồng, chưa được cha mèo, mẹ mèo dạy cho cách tiếp đất giỏi như làm xiếc ấy. Mèo Bạch Tuyết của chúng ta lại đang mắc bẫy trong một cái túi!
Nhờ trời, đang mùa diều! tưởng có cánh diều của đứa bé nào mới thả, ông trời để các cô gió đỡ lấy, thổi phồng lên! Hai cái quai túi mắc rất cân vào bốn chân mèo. Trong tích tắc, mèo Bạch Tuyết biến thành một vận động viên nhảy dù, bay lơ lửng trên thành phố, trước sự thán phục của những con người được may mắn nhìn thấy.
Cái dù hình túi vừa chạm đất là mèo chạy biến. Chạy đâu không biết, nhưng chắc chắn là Bạch Tuyết không trở lại hang động của bảy chú khổng lồ ăn cá lòng tong!

Chương 5

CHUYỆN NĂM THÌN
á hóa rồng được không?
Nghỉ hè, Tết được theo ba má xuống miền Tây chơi. Được ăn nghỉ ở khách sạn sông Tiền cao bốn tầng lầu. Được tắm nước sông Tiền bơm lên các gương sen buồng tắm, rồi tưới xuống như một cơn mưa rào.
Tắm mưa thì ai không thích! Nngười lớn cũng thích tắm mưa, có điều người lớn không dám cởi hết quấn áo chạy giữa trời. Cho nên người lớn mới nghĩ ra cái gương sen gắn trong các buồng tắm.
Rào..rào..rào..Sông Tiền xòe bàn tay nước ôm lấy Tết. Chú bé quậy đạo như muốn bơi ngược lên tít trên cao kia, nơi nước đang dội xuống. Dội từ đỉnh đầu, qua vai, qua lưng, tới từng đầu ngón chân, ngón tay.
Tết xòe tay đón nước. Giữa bàn tay đỏ hồng bỗng hiện ra một con cá trắng bạc. Thứ cá bột nhỏ như chân nhang và mềm như một sợi chỉ, có thể chu du trong các ống nước bằng gang, bằng sắt, bằng nhựa đủ cỡ và hiện ra đột ngột như một vị linh ngư.
-Cá! vào đây coi cá!
Ba má thấy lạ, xô cả vào coi, không kịp gõ cửa buồng tắm. Nhưng con cá không còn đấy. Nó đã tuột khỏi tay Tết, rồi biến mất tiêu trong lỗ cống.
Hôm sau, báo Công an miền Tây không nói gì tới việc một con cá chết làm nghẹt đường cống. Bởi vậy ba má vẫn không tin là con cá đã từ sông Tiền nhảy lên lầu bốn khách sạn. Nhưng Tết thì biết đó là sự thật vì chính mắt nó đã thấy. Hơn nữa, chính ba đã kể cho nó nghe, sông Tiền có một loài cá tên là cá linh, thiêng lắm. Kể rằng, cá có thể hóa rồng mà bay lên.
Chương 6
CHUYỆN NĂM TỴ
uồng chữ của một con rắn
Có một nhà văn cầm bút mà chẳng biết viết gì. Ông đành buông bút, tháo kính và tiện tay cúi nhặt một cọng thun vai vo viên ném ngay dưới chân ông. Nhà văn vừa nhìn ra dòng kênh Nhiên Lộc trôi lười nhác ngay bên nhà mình, vừa vân vê cọng thun cho đỡ buồn tay. Cọng thun bỗng bật dậy, thẳng đứng. Hóa ra, đó chính là một con rắn vừa vỡ trứng, chỉ nhỏ như một nén bút, một sợi tóc, cũng ngóc đầu, thè lưỡi như mọi con rắn thứ thiệt khác,.
Cho là mình vừa bắt được một câu chuyện hay, nhà văn vội vàng cất con rắn ấy vào lọ mực Pắc-ke trong suốt, đã hết mực từ lâu và đổ nước lã vào đấy, để con rắn bơi lội cho ông nhìn ngắm.
Nhà văn chưa kịp nhìn ngắm thì một nhà thơ tới rủ ông đi chơi. Ông đành nút lọ mực lại, đặt trên cái bàn chung của cả nhà, kê trước màn hình ti vi, rồi theo nhà thơ tớ một quán rượu rắn.
Cho tới khi truyền hình bắt đầu chiếu phim 101 con chó đốm, nhà văn của chúng ta vẫn ch. Chỉ có cậu bé lớp ba, con của nhà văn dán mắt ngồi xem. Mẹ cậu từ buồng ngủ, lệnh cho cậu phải sắp xếp sách vở, bút thước cho xong mới được coi tiếp. Thế là vừa coi 101 chó đốm vẫy đuôi, vừa đút sách vở vào cặp, vừa bơm mực vào bút. Cho nên, lẽ ra phải mở lọ mực tím của mình, cậu lại mở lọ mực rắn của ba và cắm ống mực xuống đó.
Khuya lắm nhà văn mới về tới nhà mình. Ông đưa lọ mực rắn ra soi dưới ánh đèn thì lạ chưa, con rắn đã biến mất, chỉ còn một thứ nước màu phớt tím được nút kỹ. Nhà văn suy nghĩ ngay ra một cốt truyện thần thông biến hóa bắt đầu từ một con rắn bị nhốt trong lọ mực. Ông tính viết liền, nhưng lại không có rắn làm mẫu cho việc miêu tả, đành buông bút một lần nữa và ngủ.
Sáng hôm sau, nhà văn quên mất cốt truyện đã nghĩ. Còn cậu bé nọ đến lớp bằng cây bút hút đầy mực rắn. Cậu mở nắp bút, đặt ngòi bút trên giấy trắng và nhìn lên bảng đen. Đến khi cố xuống, cậu tròn mắt ngạc nhiên. Ngòi bút vẫn còn đứng yên mà trên trang giấy, lại đã có một đường mực tím uốn lượn, như có ai chữ đẹp lắm, vừa đặt bút kí vào đấy rồi biến mất.
Cậu học trò mê coi phim vẫn chưa biết đó là chữ ký của ai? Nhà văn thì vẫn chưa nghĩ ra con rắn tí hon biến đi đằng nào? Em nào biết, em nào nghĩ ra thì sau này, nếu không thành một trinh thám tài ba, cũng thành một nhà văn giàu trí tưởng tượng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3