Tử Thư Tây Tạng - Chương 04 (Hết)

Tóm lại, chết không phải là hết vì nó là điều kiện tất yếu
của một kiếp sống sắp đến. Khi các nhân duyên của kiếp này đã hội đủ, kiếp sống
phải chấm dứt và sau đó có sự thu xếp, sắp đặt lại tùy theo các mong cầu, ao
ước, tùy theo các duyên nghiệp đã tạo, làm nhân cho kiếp sống về sau. Đời sống
kiếp trước tạo nhân cho đời sống ở kiếp sau, và kiếp sau là quả của kiếp trước,
liên miên bất tận không chấm dứt, đó chính là căn bản của luật luân hồi nhân
quả. Sở dĩ người ta đau khổ vì đã nhận thức sai lầm rằng sự vật vốn không thay
đổi, cứ bám chặt lấy những ảo giác của vô minh, monh kéo dài đời sống để thỏa
mãn dục vọng, tạo mãi những nghiệp lành dữ, và cứ thế trôi nổi trong luân hồi
sinh tử.

Đối với đa số người u, chết là hết, là chấm dứt, là vĩnh
viễn chia lìa. Sau khi cử hành tang lễ một cách long trọng, người sống cho rằng
họ không thể làm gì hơn được nữa. Đây là một sự sai lầm đáng tiếc vì thiếu kiến
thức và hiểu biết về thế giới bên kia. Đối với người Tây Tạng, việc chân thành
cầu nguyện và hiểu biết cuốn Tử Thư để hướng dẫn người chết là một nghi thức
quan trọng nhưng không phải ai cũng biết. Tuy nhiên người ta vẫn có thể làm
được nhiều điều hữu ích mà không nhất thiết phải sử dụng đến cuốn Tử Thư.

Có nhiều cách giải thích về thời gian của giai đoạn từ khi
chết cho đến lúc đầu thai như sau: Có người cho rằng một ngày ở bên cõi âm
tương tự với bảy ngày ở cõi trần hay bảy ngày ở cõi âm tương ứng với bốn mươi
chín ngày ở cõi trần. Do đó người ta phải cầu nguyện liên tiếp trong vòng bốn
mươi chín ngày, nhất là trong ba tuần lễ đầu tiên khi thần thức người chết còn
đang phân vân chưa biết chọn nơi chốn nào để đi. Đây cũng là giai đoạn mà sự
liên hệ với thân quyến còn nặng nên thần thức người chết vẫn quanh quẩn bên
những người thân, có thể nghe được, ý thức được lòng chân thành và sự hướng dẫn
để biết đường mà đi đầu thai. Nếu không được hướng dẫn cẩn thận, thần thức mê
muội dễ bị nghiệp lực chi phối hay bị các động lực bất hảo dẫn dắt đầu thai vào
ba đường ác. Có người lại cho rằng cõi bên này có tất cả bảy tiến trình khác
nhau, mỗi tiến trình dải bảy ngày, và tiếp theo tiến trình đầu như vừa diễn tả
ở trên còn có những tiến trình khác. Thay vì gặp năm vị Phật thì người chết lại
gặp năm vị ma vương, năm vị thiên thể, năm đấng thần linh.v.v..Tuy nhiên, dù
giải thích theo quan niệm nào, thời gian khoảng bốn mươi chín ngày luôn luôn
được coi là giai đoạn quan trọng nhất. Dĩ nhiên người ta không chỉ giới hạn
việc cầu nguyện trong vòng bốn mươi chín ngày thôi mà còn phải tiếp tục cầu
nguyện sau đó nữa. Hòa thượng Dudjom đã viết: "Giai đoạn bốn mươi chín
ngày chỉ có ý nghĩa tương trưng thôi, có người sau khi từ trần chỉ ở cõi bên
này một thời gian rất ngắn rồi đầu thai ngay và có những người khác cứ quanh
quẩn bên cõi này cả trăm năm, có khi cả ngàn năm vẫn chưa chọn được nơi chốn
đầu thai".

Một số họ giả người u cho rằng nghi thức đọc cuốn Tử Thư
hướng dẫn người chết là vô lý vì người đã chết đâu để nghe được nữa. Hòa thượng
Chogyam Trungpa đã giải thích: "Hiển nhiên người quá cố không thể nghe
bằng thính giác được nữa, nhưng họ vẫn ý thức được bằng thần thức
(consciousness). Vì đây là sự theo dõi bằng tư tưởng nên dù người ta đọc bằng
tiếng Tây Tạng hay bất cứ ngôn ngữ gì, người chết vẫn có thể hiểu được. Sự
truyền đạt bằng tư tưởng này đòi hỏi sự chân thành. Có thành thật thì người
khác mới cảm nhận được, và có cảm thì mới có ứng, do đó các nghi lễ có tính
cách nặng phần trình diễn, thiếu thành thật, làm chỉ để cho xong, thật không có
một ý nghĩa tốt đẹp gì hết". Một số người khác cho rằng khi chết, bản ngã
đã tan ra hết thì đâu còn gì để nghe nữa. Hòa thượng Trungpa giải thích:
"Không ai biết được người chết đang ở trong tình trạng hay giai đoạn nào.
Nếu họ đang bước vào trạng thái kinh nghiệm chân tâm thì có thể họ không ý thức
được bao nhiêu nhưng thông thường trạng thái này chỉ xảy ra trong một chớp mắt,
sau đó các năng lượng thuộc bản ngã tan rã lại được sắp xếp theo các định luật
nhân quả (thời gian ở Cõi Sáng và chuyển thần thức để đầu thai), do đó họ vẫn
có thể ý thức rõ rệt những sự kiện xảy ra chung quanh được". Dĩ nhiên việc
đọc cuốn Tử Thư hay đọc kinh cầu nguyện cho người chết còn có những ảnh hưởng
khác thuộc vấn đề tư tưởng, thì chắc chắn có ảnh hưởng mà sự hiểu biết giới hạn
không thể nghĩ bàn.

Một trong những vấn đề được bàn cãi sôi nổi hiện nay là việc
sử dụng các máy móc nhân tạo để kéo dài sự sống (Life support system). Sự tiến
bộ của khoa học kỷ thuật này đã gây ra một tình trạng nan giải trên phương diện
pháp luật, luân lý, đạo đức và gây khó khăn cho giới y sĩ cũng như thân quyến
người chết. Việc sống không ra sống mà chết cũng không ra chết, ở trạng thái vô
tri vô giác này quả thật vô cùng đáng sợ. Liệu chúng ta có muốn cho người thân
kéo dài đời sống như thế chăng? Ai có thẩm quyền kéo dài đời sống người khác
bằng máy móc hay chấm dứt đời sống khi rút những máy móc này ra? Liệu một y sĩ
có thể giúp bệnh nhân chấm dứt sự đau đớn thân xác bằng cách giúp cho họ tìm
cái chết được không? Hiển nhiên đây là một vấn đề hết sức phức tạp, tế nhị và
không có câu trả lời chung nên phải tùy từng trường hợp mà giải quyết. Dĩ nhiên
việc sử dụng máy móc nhân tạo để kéo dài sự sống cho những người có hy vọng
được cứu sống, như trong trường hợp tai nạn, bệnh tật là một chuyện, nhưng việc
kéo dài đời sống cho những người không còn một hy vọng gì có thể được cứu sống
hoặc quá già yếu, không thể sống thêm được nữa, lại là một vấn đề khác.

Theo cuốn Tử Thư, tâm trạng con người lúc từ trần hết sức
quan trọng, việc sử dụng máy móc để kéo dài thêm đời sống chắc chắn sẽ gây khó
khăn cho người chết. Dù cho người đó ở trong một tình trạng hôn mê (coma) nhưng
thần thức của họ vẫn ý thức được mọi sự xảy ra chung quanh. Sự cố gắng kéo dài
đời sống này có thể gây cho họ một sự bực bội, khó chịu, oán hận và chắc chắn
họ không thể thoải mái, tự tại khi ra đi được. Bác sĩ Kubler Ross đã viết:
"Thà để cho một người thoải mái trút hơi thở cuối cùng còn hơn để cho họ
khổ sở sống một cách vô nghĩa bằng các phương tiện nhân tạo". Linh mục
Thomas Merton cũng đã viết: "Sự sống không ra sống mà muốn chết cũng chẳng
được vì các máy móc nhân tạo này chính là sự giam giữ con người trong ngục tù
của thể xác". Nhưng làm sao được khi đa số mọi người ngày nay đều chết
trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, dưới sự kiểm soát khắt khe của các y sĩ? Mà
đa số y sĩ đều được giải bảo rằng "Bổn phận của người y sĩ là cứu sống
bệnh nhân bằng bất cứ phương tiện nào và bằng mọi giá", do đó mới có thảm
trạng mà bác sĩ Melvin Morse đã diễn tả: "Sự chết được ấn định bởi nhịp
đập của tim, lượng oxygen trong máu, sự hoạt động của bộ óc nên khi tim ngưng
đập thì người ta sử dụng điện để kích thích cho tim đập lại, khi oxygen trong
máu giảm đi thì người ta sử dụng các phương pháp hô hấp nhân tạo hay các máy
bơm dưỡng khí vào phổi, khi óc ngưng hoạt động thì người ta chích đủ các loại
thuốc hóa học để kích thích bộ óc làm việc. Đa số bệnh nhân thường bị điện giật
lung tung, toàn thân đầy những vết chích, thân thể bơm đủ tất cả các loại thuốc
cho đến khi y sĩ thấy đủ và ngừng tay thì các trò này mới chấm dứt".

Để tình trạng này xảy ra, ngày nay một số người đã phải làm
di chúc rằng nếu không còn hy vọng gì cứu sống nữa thì để cho họ ra đi một cách
an lành và tự nhiên. Việc làm di chúc này khá thịnh hành tại các quốc gia Tây
phương và đa số những người hiểu biết đều thông báo cho bệnh viện hay y sĩ biết
về tờ di chúc này khi họ phải vào bệnh viện.

Vì chết là một điều có thể xảy ra bất ngờ, không phải ai
cũng có thọ mệnh lâu dài nên sự chuẩn bị khi trong nhà có người chết là một
việc hết sức quan trọng. Sogyal Rinpoche, một danh sư Tây Tạng, đã khuyên:
"Khi tim ngưng đập thì người đó chưa hẳn đã chết, chỉ có phần vật chất đã
ngưng hoạt động hay bắt đầu tan rã mà thôi. Vì phần tâm linh cần phải mất thêm
một thời gian nữa mới tan rã (khoảng từ 8 đến 36 giờ), nên điều cần thiết là
không nên di động đến thân thể người chết. Điều quan trọng nhất là phải tránh
sự khóc lóc, ồn ào để thần thức người chết không bị quyến luyến hay đau khổ
thêm. Hãy khởi sự tụng kinh cầu nguyện một cách chân thành và tránh các tiếng
động ồn ào, náo nhiệt. Dĩ nhiên người chết không thể nghe được bằng các giác
quan thông thường, nhưng vì phần tinh thần còn đang hoạt động nên thần thức của
họ vẫn có thể cảm nhận được những sự ồn ào, náo nhiệt này mà sinh tâm bối rối,
khó chịu hay sân hận. Dĩ nhiên tang gia nào cũng có bối rối, nhưng đừng vì thế
mà bám vào các thói mê tín dị đoan hay lo chọn ngày giờ tốt, lo việc tùng ma
chay mà quên đi những việc khác cần làm hơn. Người ta có thể đọc cuốn Tử Thư để
hướng dẫn thần thức người chết nếu được huấn luyện về phương pháp này. Người ta
cũng có thể niệm hồng danh đức Phật A Di Đà để cầu cho người chết được vãng
sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Người ta cũng có thể đọc kinh cầu nguyện của
các tôn giáo, điều quan trọng nhất chính là sự chí tâm chí thành chứ không phải
đọc tụng như một cái máy. Nên nhớ người chết có thể đọc rõ tư tưởng người sống
và chắc chắn cảm được mọi sự thiếu thành thật, nếu có. Sự cầu nguyện rất có ích
vì nó có thể giúp người quá cố bình tỉnh lại và cùng cầu nguyện theo. Khi tâm
thức họ nhờ đọc kinh mà được sáng suốt, được an lạc thì chắc chắn thì họ sẽ
được siêu thoát vào những đường lành. Nên tránh tất cả những việc sát sinh hay
sử dụng các đồ ăn như thịt cá hay rượu vì những thứ này thướng thu hút những
vong linh thấp thỏi, những loài ma quỷ đói khát tìm đến. Khi thần thức người
chết còn đang dao động, chưa bình tĩnh thì sự tiếp xúc này không có ích lợi gì
cả. Nên tránh các hình thức ma chay to lớn, linh đình hay các thủ tục phiền
phức vì các luồng tư tưởng của đám đông thường phức tạp, lộn xộn, không giúp
cho người chết được bao nhiêu. Hãy yêu cầu mọi người giữ yên lặng và chú tâm
cầu nguyện một cách giản dị là tốt đẹp nhất. Sau khi chôn cất, hãy tiếp tục
tụng kinh khuya sớm trong vòng bốn mươi chín ngày, nhất là trong ba tuần lễ đầu
vì đây là giai đoạn quan trọng hơn cả, khi các sự sắp xếp nhân quả chưa ngã ngũ
rõ rệt, khi người chết còn có thể tỉnh thức để hòa nhập vào các luồng ánh sáng
để siêu thoát.

Mặc dù đa số người Tây phương thường chôn cất nhưng việc
thiêu xác có nhiều lợi ích nhất. Thứ nhất, để người chết không còn quyến luyến
thân xác, dễ siêu thoát. Thứ hai, lửa có một tác dụng đặc biệt để chuyển hóa
các năng lực còn sót lại quanh thân xác, ngăn ngừa được sự kêu gọi của các phù
thủy, pháp sư lợi dụng các năng lực này vào những việc bất hảo. Việc ướp xác
chính là một lối sử dụng các năng lực này để lưu giữ âm binh, hòng duy trì ảnh
hưởng của tà môn.

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3