Quỷ cái vận đồ Prada - Chương 09-P3
Tôi và Emily giờ đây được nối bằng sự phản cảm mãnh liệt. Từ
khi cô lên chức trợ lý trưởng thì chủ yếu tôi làm trợ lý riêng cho Miranda. Tôi
gọi đồ ăn thức uống, giúp hai cô bé làm bài về nhà , sục sạo khắp thành phố để
kiếm loại bát đĩa thích hợp cho bà tổ chức mời khách ăn tiệc. Emily lo tính
toán chi tiêu, đặt vé máy bay, vài tháng một lần đặt mua áo quần mới cho
Miranda – nhiệm vụ lớn nhất. Buổi sáng, khi tôi ra ngoài chạy việc thì một mình
Emily phải canh văn phòng, bắt điện thoại và sẵn sàng phục vụ Miranda mọi bề.
Tôi ghen ghét với Emily được mặc áo không tay trong văn phòng, vì chị không phải
rời phòng ấm áp mỗi ngày sáu lần để chạy khắp New York lạnh như cắt ruột. Chị
ghen ghét với tôi được rời khỏi văn phòng và luôn lợi dụng được vài phút để gọi
điện nói chuyện riêng hay hút thuốc.
Thông thường thì đường về văn phòng lâu hơn đường đến
Starbucks, vì tôi còn phải đi phân phát cà phê và bánh. Tôi đem cho một nhóm
người vô gia cư, mấy người mà tôi đã quen mặt ở phố 57. Họ ngồi vất vưởng trên
các bậc thang, ngủ trong lối đi vào nhà và trốn tránh nỗ lực của thành phố muốn
dọn họ đi. Cảnh sát hay đi lùng vào sáng sớm, khi chưa có nhiều người ngoài phố,
nhưng lúc tôi đi mua cà phê lần đầu thì họ vẫn còn đấy. Thật phấn chấn và thích
thú khi thấy món cà phê đắt lòi mắt do Elias Clark tài trợ được đem đến cho những
người bị thành phố hắt hủi nhất.
Người đàn ông hôi mùi nước tiểu ngủ trước nhà băng Chase
ngày nào cũng được uống Mocha Frappuccino. Ông không bao giờ thức giấc khi tôi
đặt cốc xuống cùi tay ông ( có ống thuốc! tất nhiên!) nhưng mấy tiếng sau, khi
tôi đi mua cà phê lần nữa thì cà phê biến mất – cùng với ông già.
Cốc Caramel Macchiato dành cho bà già có xe mua hàng và tấm
biển KHÔNG NHÀ/ TÌM VIỆC/ ĐÓI. Sau này tôi biết tên bà là Theresa, mới đầu tôi
hay bưng cho bà một cốc lớn cà phê sữa như của Miranda. Bà luôn cảm ơn, nhưng
không bao giờ uống một ngụm khi cà phê còn nóng. Một hôm tôi hỏi, liệu có phải
bà không thích cà phê. Bà lắc đầu quầy quậy và móm mém nói là bà đâu có tính
kén chọn, nhưng cà phê đặc quá và bà ưa uống ngọt hơn. Hôm sau tôi đem cho bà
có vị vani và kem béo. Như thế đúng hơn? Vâng, ngon hơn nhiều, nhưng lần này có
lẽ hơi bị ngọt quá. Hôm sau nữa thì tôi gãi đúng chỗ ngứa: không pha thêm vị
gì, chỉ thêm một chút kem béo và si rô mạch nha. Theresa cười, miệng gần rụng hết
răng, từ hôm đó uống hết ngay khi tôi đem cà phê đến.
Cốc thứ ba cho Rio, người Nigeria, anh ngồi trên tấm chăn và
bán CD. Có vẻ như anh không phải vô gia cư, nhưng một lần tôi đem khẩu phần hằng
ngày cho Theresa thì anh đi tới và hỏi, hay đúng hơn là hát: “ Chị là cô tiên của
Starbucks à? Phần tôi đâu?” Hôm sau tôi biếu anh một cốc Caramel Macchiato và từ
đó chúng tôi thành bạn.
Mỗi ngày tôi chi lạm 24 dollar tiền cà phê ( cà phê sữa cho
Miranda chỉ có giá hơn bốn dollar), thêm một cú đá ngầm của riêng tôi vào công
ty, vì tôi đem đồ ăn thức uống cho những kẻ bẩn thỉu, hôi hám và điên dở - chứ
không phải vứt tiền của Miranda đi theo nghĩa đen.
Tôi vào đến tiền sảnh khi Pedro, người Mexico giao hàng của
Mangia, đang tán gẫu với Eduardo trước dãy thang máy.
“ Xin chào, cô bé yêu của chúng ta đến kìa,” anh nói, mấy
con bé tọc mạch ngoái cổ lại nhìn. “ Mọi thứ đây, như mọi khi, ba chỉ, xúc xích
và món pho mát kinh dị. Hôm nay chị chỉ gọi có một lần. Đồ ăn chị cho đi đâu hết,
trông chị gầy thế kia,” anh cười. Gầy! Tôi mà gầy? Anh chàng này chẳng biết gì.
Pedro biết rõ là đồ ăn không phải mua cho tôi. Nhưng cũng giống như mọi người
tôi gặp trước tám giờ, anh không biết các chi tiết. Tôi ấn vào tay anh tờ 10
dollar cho gói quà sáng giá 3.99 và đi lên tầng.
Miranda đang gọi điện khi tôi vào phòng. Chiếc áo khoác
Gucci bằng da rắn của bà nằm vắt ngang bàn tôi. Máu tôi dồn lên mặt. Mất gì mà
bà không đi thêm hai bước, mở tủ tường và treo áo mình vào đó, thay vì quẳng nó
lên bàn tôi? Tôi đặt cốc cà phê xuống, ngó qua Emily đang đồng thời bận bịu với
ba máy điện thoại rồi đem chiếc áo da rắn đi treo. Chiếc măng tô của tôi thì
đút xuống gầm bàn, vì tôi không muốn nó treo trong tủ làm nhiễm trùng áo sếp.
Tôi lấy hai viên đường mía, thìa và khăn ăn từ ngăn kéo ra
và phải rất cố kiềm chế mình để khỏi nhổ một bãi vào cốc cà phê. Sau khi để mấy
lát mỡ béo, xúc xích căn tròn và miếng “ pho mát kinh dị” lên một đĩa sứ nhỏ,
tôi chùi tay vào mấy đồ giặt còn giấu dưới bàn ( để Miranda không biết là chúng
chưa được lấy đi). Về lý thuyết thì lẽ ra ngày nào tôi cũng phải rửa đĩa bằng
nước nóng trong bếp, nhưng đơn giản là tôi không sao làm nổi. Đóng vai ô sin
riêng của Miranda trước mặt bàn dân thiên hạ thì nhục quá. Do đó tôi lấy khăn
giấy chùi đĩa, lấy móng tay cào chỗ pho mát dính trên đĩa. Nếu đĩa dính bẩn quá
thì tôi lấy một ít San Pellegrino rỏ vào cho mềm. May cho Miranda là tôi không
sử dụng cồn lau màn hình máy tính! Những suy nghĩ kiểu ấy chứng tỏ đạo đức của
tôi đã đạt mức suy đồi tệ hại. Tôi chỉ thấy khiếp sợ, tại sao quá trình này diễn
ra nhanh thế.
“ Nhớ là tôi muốn các người mẫu cười,” tiếng bà vang lên
trong phòng. Nghe giọng thì biết là Miranda đang gọi điện cho Lucia, phụ trách
thời trang trong buổi chụp ảnh sắp tới ở Brazil. “ Tôi muốn thấy các cô gái hạnh
phúc, cười rạng rỡ, khỏe mạnh. Không được mặt mũi đăm chiêu, cau có, nhăn nhó,
không đánh phấn màu tối. Tôi muốn họ tỏa sáng. Nhớ chưa Lucia: chớ làm sai một
li!”
Tôi vào phòng, đặt đĩa đồ ăn và cà phê lên bàn, khăn ăn, đường
và thìa bên cạnh. Bà không thèm nhìn tôi. Tôi đợi một lát xem bà có đưa tài liệu
nào để gửi fax hay lưu trữ, nhưng bà lờ đi và tôi lại ra khỏi phòng.
Tám rưỡi. Tôi ra khỏi giường cách đây ba giờ và mệt rũ như
đã làm việc suốt mười hai tiếng; vừa định kiểm tra hộp thư điện tử lần nữa thì
Miranda đi ra. Chiếc áo khoác buộc thắt lưng làm nổi rõ đáy lưng ong và làm chiếc
váy bó sát của bà càng đẹp lý tưởng. Bà lên cơn thịnh nộ.
“Aan-dree-aa! Cà phê nguội ngắt. Tôi không hiểu tại sao. Chắc
chắn chị đi lâu quá. Lấy cho tôi cốc khác.”
Tôi hít hơi thật sâu và cắn răng không để lộ nét căm ghét ra
mặt. Miranda đặt cốc cà phê bị chê lên bàn tôi và mở cuốn tạp chí Vanity Fair số
mới nhất do một nhân viên gửi lại cho bà trên bàn tôi. Tôi cảm nhận được tia mắt
của Emily có lẽ pha trộn giữa thông cảm và tức giận. Một mặt, cô thương tôi phải
chạy ra ngoài lần nữa mua cà phê, nhưng mặt khác cô bực mình vì tôi không chịu
tươi cười chấp nhận một điều bất khả kháng. Chả gì thì hàng triệu cô gái khác sẵn
sàng xin chết để được làm công việc của tôi.
Với một tiếng thở dài không thể không nghe thấy, nhưng cũng
không bị hiểu là công khai phản kháng, tôi chui vào chiếc măng tô và đi ra
thang máy. Chuyện đã rõ ràng: hôm nay sẽ lại là một ngày rất, rất dài.
Chuyến đi mua cà phê lần thứ hai trôi chảy hơn lần đầu nhiều.
Ở Starbucks không còn đông người nữa, và Marion bắt đầu rót ngay cốc cà phê sữa
khi cô thấy tôi đi vào. Lần này tôi không mua nhiều thứ, tôi muốn hoàn thành
công việc thật nhanh và quay về bàn của mình, chỉ lấy thêm cho Emily và tôi mỗi
người một cốc Cappuccino. Tôi vừa định trả tiền thì có chuông điện thoại. Con mụ
chết tiệt này. Không biết cách cư xử, kiên nhẫn và tôn trọng ai cả. Tôi ra ngoài
chưa đầy bốn phút, cớ gì mà bà ta phải làm ầm lên? Tôi giữ khay cà phê bằng một
tay, tay kia thọc vào túi áo măng tô tìm điện thoại. Tôi quyết định châm một điếu
thuốc để phản kháng trò đàn áp nô lệ này thì thấy số máy gọi đến là số ở nhà
Lily.
“ Tớ có quấy cậu không?” Cô hỏi. Giọng cô nóng vội. Tôi nhìn
đồng hồ. Tại sao giờ này cô lại ở nhà mà không đến trường?
“ Không sao, tớ đang đi mua cà phê lần thứ hai. Có chuyện gì
thế? Giờ này cậu đang ở trường mới đúng chứ?”
“ Ừ, chính ra là thế. Nhưng tối qua tớ đi chơi với T-shirt-hồng
và rất tiếc đã uống vài ly Margarita quá mức bình thường. Nói chính xác hơn là
tám ly. Hắn còn ngủ, và tớ không muốn tự dưng bỏ đi. Nhưng tớ gọi cậu vì một
chuyện khác.”
“ Sao nữa?” Tôi không tập trung nghe lắm. Một chiếc cốc giấy
đựng Cappuccino đã bắt đầu ngấm ra ngoài, và với chiếc điện thoại kẹp dưới cằm
thì phải thật khéo léo mới dùng một tay moi được điếu thuốc và châm lửa.
“ Ông chủ nhà của tớ tám giờ sáng nay đến gõ cửa và nói rằng
tớ phải ra khỏi nhà,” cô nói giọng vui vẻ.
“Ra khỏi nhà à? Nhưng tại sao, Lily? Bây giờ cậu định làm
gì?”
“ Chắc là họ biết tớ không phải Sandra Gers, và cô ta không
sống ở đây từ sáu tháng nay. Tớ không có họ với cô ấy, vì vậy không được thuê
tiếp căn hộ được xã hội trợ giá. Chuyện ấy tớ biết ngay từ đầu, do đó tớ vẫn
mang tên cô ta. Chẳng hiểu tại sao họ lại phát hiện ra. Nhưng chuyện cũng đã xảy
ra rồi. Bây giờ tớ có một ý rất hay. Tại sao bọn mình không đến ở cùng nhau nhỉ?
Phòng của cậu ở chỗ Shanti và Kendra thuê từng tháng một, đúng không? Và cậu dọn
đến đó vì không có chỗ nào khác, đúng không?”
“ Đúng.”
“ Okay. Vậy thì bọn mình cùng tìm một chỗ hợp lý!”
“Tuyệt” Tôi nói hơi to quá, mặc dù đúng là cũng thích kế hoạch
của cô.
“Vậy là cậu đồng ý rồi nhé?” Cô nói, nghe chừng đã bớt phấn
khởi một chút.
“Nhất định rồi, Lily. Sáng kiến của cậu rất hay. Tiếc là tớ
không nhảy lên vì sung sướng được, vì tớ đang đứng ngoài mưa và cà phê nóng bỏng
đang chảy dọc cánh tay trái…” Píp píp. Có một cuộc gọi khác đang chờ. Suýt nữa
tôi phải bỏng vì điếu thuốc trong khi cầm điện thoại lên xem số điện gọi đến.
Đó là Emily.
“Chết tiệt, Lily, Miranda gọi. Tớ phải chấm dứt đây, chúc mừng
cậu bị đuổi khỏi nhà! Tớ rất mừng cho hai chúng mình. Lát nữa tớ gọi lại,
okay?”
“Okay, thế thì…”
Tôi đã chuyển kênh và chuẩn bị tinh thần nghe chửi.
“Lại tôi đây,” Emily cay nghiệt. “Chị biến đi đâu vậy? Việc
của chị chỉ là mua cà phê, có gì ghê gớm đâu. Chị quên là ngày xưa tôi làm việc
này của chị, và tôi biết là không thể lâu đến mức ấy…”
“Gì cơ?” Tôi lớn tiếng hỏi và che ngón tay lên máy. “Có chuyện
gì thế? Tôi không nghe thấy gì cả. Chị có nghe thấy tôi nói không? Một phút nữa
tôi về!” Tôi gập máy lại và dúi thật sâu vào túi áo. Sau đó tôi vứt điếu thuốc
Marlboro vừa châm xuống vỉa hè, chạy vội về văn phòng.
Miranda lần này rộng lòng chấp nhận cốc cà phê sữa hơi nóng
hơn một chút. Từ mười đến mười một giờ, bà không gọi Emily và tôi lần nào, vì
còn mải tán chuyện điện thoại với Mr. Mờ-Cờ-Đờ. Về danh chính ngôn thuận thì
tôi mới làm quen chồng bà tuần trước, vào tối thứ Tư khi đến nộp SÁCH. Tôi vào
đến sảnh khi ông đang lấy măng tô khỏi tủ. Mười phút liền ông lảm nhảm kể cho
tôi về “Mr. Tomlinson”. Sau lần gặp gỡ ấy ông luôn đối xử đặc biệt ân cần với
tôi, hỏi thăm sức khỏe và khen tôi làm việc tốt. Đương nhiên là sự thân mật đó
không hề lây sang vợ ông.
Tôi toan gọi sang bên quan hệ đại chúng để kiếm vài đồ tử tế
mặc trong văn phòng thì giọng Miranda lanh lảnh dứt tôi khỏi dòng suy nghĩ:
“Emily, ăn trưa”. Emily thứ thiệt gật đầu ra hiệu: việc của tôi. Tôi bấm số điện
đã lưu của Smith and Wollensky, ở đầu dây bên kia là cô nhân viên mới.
“Chào Kim. Đây là Andrea, văn phòng Miranda Priestly.
Sebastian có đấy không?”
“Xin chào. Xin cho biết tên một lần nữa.” Mỗi tuần hai lần,
tôi gọi điện đúng vào giờ này, vậy mà lần nào cô ta cũng như không biết tôi là
ai.
“Văn phòng Miranda Priestly. Runway. Tôi không muốn tỏ ra
khiếm nhã” – đúng thế - “nhưng tôi khá vội. Chị nối máy cho tôi với Sebastian
được không?” Gặp một nhân viên khác thì nhất định tôi sẽ nhờ chuyển tiếp các
món Miranda vẫn đặt, nhưng cô Kim này quá tối dạ, vì vậy tôi có thói quen nói
trực tiếp với chủ nhà hàng.
“Xin đợi một chút. Tôi xem ông ấy có thì giờ nói chuyện
không.” Tất nhiên là có, cứ tin tôi đi cô Kim. Ông ấy sống nhờ vào Miranda
Priestly đấy.
“Andy thân mến. Cô có khỏe không?” Giọng Sebastian như gió
thoảng. “Tôi hi vọng được chị gọi vì bà tổng biên tập thời trang yêu mến của
chúng ta muốn ăn trưa, đúng không?”
Không hiểu ông ta phản ứng ra sao, nếu tôi cho phép đùa ông
là bữa trưa này không phải cho Miranda mà là cho tôi? Smith and Wollensky đâu
phải là một hiệu cung cấp pizza, mà là nhà hàng năm sao, và chỉ cho phép nữ
hoàng hưởng một ngoại lệ.
“Vâng, đúng thế. Miranda vừa nói là bà muốn thử đặc sản của
nhà hàng ông, và gửi ông lời chào thân ái.” Có lẽ cả đời Miranda không thốt ra
mấy lời sến như thế, nhưng Sebastian là một fan lớn của bà nên tôi muốn dành
cho ông niềm vui nho nhỏ này. Ông khúc khích cười rất xúc động.
“Tuyệt vời! Cực kỳ tuyệt vời! Chúng tôi bắt đầu ngay đây. Chị
đến lấy thức ăn lúc nào cũng được,” giọng ông vui vẻ tươi tắn. “Và tất nhiên
hãy cho tôi gửi đến bà lời chào thân ái!”
“Nhất định rồi, tôi sẽ chuyển ngay, xin chào ông.”
Nịnh ông một chút cũng bõ công, vì ông giúp tôi rất nhiều và
đỡ việc cho tôi. Hôm nào Miranda không đi ăn, tôi dọn bữa cho bà trong văn
phòng, và cất giữ trong tủ lạnh mấy thứ bát đĩa sứ cho mục đích này. Chủ yếu đó
là hàng mẫu của các bộ đồ ăn mới do các nhà tạo mốt gửi đến, phần còn lại lấy từ
căng tin. Kiếm khay, dao cắt bít tết và khăn ăn vải lanh thì quá phiền phức,
tôi bảo Sebastian cung cấp luôn. Lại một lần nữa trong ngày tháng Hai lạnh lẽo
và xám xịt này, tôi khoác lên người chiếc măng tô len đen, đút điện thoại và
thuốc lá vào túi rồi đi ra ngoài. Mặc dù đi bộ đến nhà hàng chỉ mất mười lăm
phút, tôi vẫn suy nghĩ có nên gọi ôtô không. Nhưng khi hít vào phổi không khí
trong lành thì tôi thay đổi ý định, châm một điếu thuốc và lên đường. Không rõ
vì khói hay vì gió lạnh nhưng tôi thấy phấn chấn hẳn.
Vào mùa này ít khi gặp nhiều khách du lịch lang thang đi lại.
Ngày xưa tôi hay bực mình về những người vừa đi vừa gọi điện thoại, nhưng bây
giờ chính tôi cũng có thói quen xấu đó. Tôi rút điện thoại và gọi đến trường của
Alex, nếu trí nhớ kém cỏi của tôi không nhầm thì giờ này có thể anh đang nghỉ
trưa ở phòng giáo viên.
Sau hai hồi chuông, thì tôi nghe một giọng phụ nữa rất chua
trả lời.
“Alô, trường phổ thông số 277, tôi là Mrs. Whitmore. Quý vị
cần gì?”
“Tôi muốn gặp Alex Feinman.”
“Cho phép tôi hỏi chị là ai?”
“Tôi là Andrea Sachs, bạn gái của Alex. ”
“A, Andrea đấy à. Chúng tôi đã nghe kể nhiều về chị. ” Giọng
bà không có vẻ vui, thậm chí ngược lại.
“Ồ, thế ạ? Xin cám ơn. Tôi cũng được nghe kể nhiều về bà
Miranda Priestly. Vâng, Alex rất mến các đồng nghiệp ở trường.”
“Cám ơn chị. Andrea, tôi muốn nói là, hình như chị có công
việc rất thú vị, khi được làm cho một phụ nữ tài năng như vậy. Chị là người rất
may mắn đấy.”
Vâng, Mrs. Whitmore, tôi là người nhiều may mắn. Bà không biết
tôi may mắn đến mức nào đâu. Nếu bà biết là mới ngày hôm qua tôi được phép đi
mua tampon cho bà sếp của tôi và sau đó được biết là mua nhầm loại và tôi chẳng
biết làm gì cho tử tế cả. May mắn là chữ duy nhất khả dĩ đúng với cảm nhận của
tôi vào mỗi buổi sáng khi tôi phân loại đống quần áo dính đầy mồ hôi và thức ăn
của bà sếp để đem đi giặt. À, còn nữa! Tôi không biết có gì làm tôi sung sướng
hơn là ba tuần liền chạy đến những người nuôi chó tốt nhất thành phố để tìm mua
hai con chó giống Bulldog của Pháp cho hai con bé được chiều chuộng và láo toét
nhất. Vâng, may mắn là thế đấy!
“Vâng, đúng thế, đúng là một cơ hội tốt,” tôi nói như con vẹt.
“Hàng triệu cô gái xin chết để làm việc này đấy.”
“Chị nói đúng quá. Ai thế nhỉ? À, Alex vừa đến. Chị nói chuyện
với anh ấy nhé.”
“Chào Andy, em có khỏe không? Ngày hôm nay ra sao?”
“Đừng hỏi thì hơn. Em đang đi mua đồ ăn cho BÀ ẤY. Còn anh
thì sao?”
“Cho đến giờ thì ổn. Lớp của anh sau giờ ăn trưa sẽ học nhạc,
nghĩa là anh sẽ rảnh một tiếng rưỡi, may quá. Sau đó còn phải tập phát âm!” Anh
nói hơi chán nản. “Anh cũng không rõ bọn trẻ rồi sẽ học đọc cho tử tế sao nữa.”
“Được, hôm nay có xảy ra chuyện đâm chém gì không?”
“Không.”
“Thấy chưa, anh còn đòi gì nữa? Hôm nay anh có một ngày ít
đau đớn nhé và không có máu chảy. Hãy vui đi chứ. Mai vẫn còn thì giờ tập đọc
cơ mà. Anh đã nghe tin mới nhất chưa? Sáng nay Lily gọi điện, cô ấy bị tống ra
khỏi nhà ở Harlem, bọn em sẽ đến ở cùng nhau. Hay đấy chứ?”
“Xin chúc mừng! Thời điểm rất thuận lợi, ở chỗ hai người sẽ
rất vui đấy. Nhưng suốt ngày có Lily bên cạnh cũng mệt…và các bạn trai của Lily
nữa… Em hãy hứa là thường xuyên đến chỗ anh hơn!”
“Tất nhiên. Nhưng anh cũng sẽ thích ở chỗ bọn em. Giống như
ngày xưa ở ký túc xá sinh viên ấy mà.”
“Thật rủi cho cô ấy phải bỏ căn hộ rẻ. Đối với em tất nhiên
lại là may mắn.”
“Vâng, em cũng chưa tin nổi. Em không có chuyện gì với
Shanti và Kendra, nhưng có lẽ em đã quá tuổi ở nhờ ở đậu nơi người lạ.” Cũng phải
nói thêm là tôi rất thích đồ ăn Ấn Độ, nhưng không nhất thiết quần áo luôn luôn
phải có mùi cà ri. “Em định đề nghị với Lily tối nay liên hoan mừng một khởi đầu
mới. Anh có đi cùng không? Bọn mình sẽ đến East Village, anh đỡ phải đi xa.”
“Rất hay. Chiều nay anh ở nhà với Joey, nhưng khoảng tám giờ
tối anh phải vào thành phố. Lúc đấy em cũng chưa xong việc. Max sẽ đi cùng,
mình sẽ gặp nhau sau. Này, dạo này Lily có bạn trai không? Max đang độc thân
mà, nếu…”